Thiên đường giả
Tác giả: Andrée Maillet
Con phố 14 dẫn đến East-River. Mười giờ tối. Đám đông chậm chạp di chuyển những đôi chân cứng đờ. Đám đông có khuôn mặt thạch cao - một trong những kiểu mặt đặc trưng của nền văn minh nhân tạo của chúng ta. Phố tối đen như hành lang tu viện.
Có một kẻ dừng lại ở góc đại lộ Số Một và rít thuốc với bộ dạng như thể thiếu nó anh ta không sang đường được. Một kẻ lạ lùng khác xuất hiện từ phía sau người hút thuốc và đang đi về phía tôi. Tôi nhìn rõ hắn ta nhờ ánh đèn nêông hắt ra từ tủ trưng bày giày dép. Người lạ mặt rảo bước, chiếc áo khoác vắt trên tay phải. Tay trái gập ngang khuỷu, đeo găng đấm bốc. Hắn ta bước tới ngang tôi rồi dừng lại. Đảo hai con mắt to, hắn ta dúi cho tôi chiếc áo khoác đang cầm rồi lặng lẽ bỏ chạy, vẫn với cánh tay mang găng vung vẩy và vẻ mặt dữ tợn.
Làm gì với cái áo khoác nam bây giờ? "Nếu nó còn mới, - tôi tự nhủ, - mình sẽ gửi nó tới UNRRA". (1)
Những chiếc đèn đường lung linh sáng dọc theo phố bờ sông. Không lâu sau, tôi cảm nhận được sức nặng của vật đang cầm trên tay, tôi nghĩ hay để nó lại trên một chiếc ghế đá ven sông. Không biết điều gì đã ngăn tôi làm việc đó. Có lẽ là quỷ sứ.
Tôi không để ý mình đã đi quá hai hay ba khu phố, sực nhớ ra lúc đã thấm mệt, tôi quay về nhà.
Tại sao bỗng dưng có người lại dúi chiếc áo khoác cho tôi, một cô gái lạ mặt, ngay giữa phố và không nói một lời nào? Có thể đó là đồ "giật nóng", như ở Mỹ người ta vẫn nói như thế về đồ ăn cắp? Gã đàn ông đó đeo găng đấm bốc, chiếc găng mà hắn ta cứ vung vẩy một cách dữ dằn trong không khí. Có lẽ hắn là một võ sĩ đã hạ gục (giết chết) đồng nghiệp của mình và hiện đang lẩn trốn luật pháp. Và rồi không biết phải làm gì với chiếc áo khoác nặng nề, hắn ta đã dúi nó cho người đầu tiên bắt gặp. Nhưng không lẽ tôi là người đầu tiên mà hắn gặp? Hơn nữa, tại sao hắn ta lại dúi chiếc áo khoác đàn ông cho một phụ nữ trẻ? Tôi suy nghĩ tất cả các khả năng có thê, để rồi sau đó không biết phải nghĩ gì nữa.
Khu nhà trọ sinh viên - nơi cho tôi (cùng những ước mơ và những ngông cuồng nghệ thuật của tôi) một chỗ trú thân - nhìn từ ngoài không đến nỗi nào. Nhưng bên trong, nó là chốn nương náu không chỉ của những sinh viên nghèo như tôi mà còn cho cả lũ gián và chuột.
Buổi tối hôm đó, sau một ngày lang thang, tôi leo theo những bậc cầu thang dài tưởng như bất tận với tay vịn yếu ớt, và căn phòng tầng áp mái của tôi bỗng trở thành nơi tuyệt vời nhất thế gian. Tôi ngã vật ra giường, thở phào và duỗi người khoan khoái, lòng ngập tràn cảm xúc về một ngày đã qua.
Chiếc áo khoác vắt cẩu thả trên thành ghế đã rơi tuột xuống sàn. ánh sáng nhờ nhờ từ ngoài phố lọt vào căn phòng, đủ để nhìn ra hình thù đồ vật, nhưng không đủ để nhận ra chúng một cách chi tiết.
Bấm cái nút trên một cục xấu xí lủng lẳng ngay trước mũi, tôi bật đèn. Những con vật đang lạo xạo trong bồn rửa ngay lập tức biến mất. Tôi đứng dậy khỏi chiếc đệm kêu cót két và ngắm chiếc áo khoác. Đó là chiếc áo khoác lửng làm từ lông lạc đà, màu nâu sáng. Gần như còn mới, với đai lưng rộng và hai túi bổ chéo. Tôi thử thò tay vào một bên túi và lôi ra một thứ mà ngay từ khi mới chạm vào tôi đã nổi da gà - Đó là năm ngón tay của bàn tay trái, bị cắt rời và được buộc lại với nhau bằng một sợi dây.
Ngay lập tức, tôi lao vào buồng tắm, nôn thốc nôn tháo. Sau đo, tôi cầm một đầu sợi dây và ném cái thứ ghê tởm đó ra ngoài cửa sổ. Tôi run lên, nấc liên tục. Trong khoảng mười phút tôi có cảm tưởng mình đang chết đi. May sao tôi đã không ăn trưa vào ngày hôm đó và sau một vài cơn quặn thắt đau đớn, cái dạ dày cũng tạm yên.
Vậy là tối nay tôi đã không kịp tới quán bar nhỏ, nơi tụ tập những người anh em "Greenwich-village" của mình: mấy hoạ sĩ tầm thường, một nữ nghệ sĩ không thành danh, vài nữ văn sĩ với nhiều ước vọng. May ra ở đó người ta sẽ chiêu đãi những hoạ sĩ vô danh như tôi một chiếc bánh kẹp đã chua và cốc càphê với vài giọt cognac. Quán bar dưới tầng hầm bắt chước phong cách Pháp này có cái tên "Đĩa cho mèo", và quả tình ở đó, người ta cũng không mấy giữ kẽ với những vị khách thường lai vãng tới, họ bị đối xử như những con mèo hoang sống trong ống nước.
Tôi bắt đầu cởi áo, chợt quay ra phía cửa sổ và nhìn thấy những ngón tay ghê sợ đó đang leo theo tường nhà lên bậu cửa sổ. Khủng khiếp, khủng khiếp quá! Tôi vớ đôi guốc cao gót, đập gót guốc lia lịa cho đến khi chúng rời ra, rơi xuống dưới. Tôi đóng sập cửa sổ lại.
Quơ chiếc áo khoác, tôi lao ra khỏi phòng, chạy xuống chỗ chủ nhà.
- Tôi tìm thấy cái này trên ghế đá ở phố East-River,- tôi nói với cô ta, - hãy đưa nó cho chồng chị, tôi chẳng biết làm gì với nó.
- Chiếc áo khoác lửng tuyệt quá, - cô ta đáp. Tôi sẽ giảm tiền thuê phòng cho cô.
Tôi lên phòng, tự nhủ có thể bây giờ tôi sẽ được yên. Tôi bước vào phòng và chút nữa thì tim nhảy ra khỏi lồng ngực. Những ngón tay, những ngón tay đáng nguyền rủa đang gõ liên hồi vào cửa kính, rõ ràng là đòi tôi phải cho chúng vào!
Tôi mở toang cửa sổ và gào lên: "Vào đi! Vào đi chứ! Rồi giải quyết cho xong đi!"
Những ngón tay leo xuống sàn nhà, bằng những bước nhanh và tự tin, chúng tiến lại bàn, và bắt đầu leo lên trên. Tôi đứng chết cứng phía chân giường và nhìn chúng di chuyển, nhìn mà không hề chống đối hay không hề cố gắng tìm cách giải thích về cái thứ khủng khiếp mà tôi không thể rời mắt kia.
Trong khi đó, những ngón tay sau khi nghỉ một chút, đẩy bìa và các dụng cụ vẽ khác sang một bên, lôi từ trong đó ra một tờ giấy trắng. Sau đó chúng xúm xung quanh chiếc bút máy của tôi và bắt đầu viết.
Tôi thấy không khí đặc quánh lại. Những âm thanh trở nên vang hơn. Tôi nghẹt thở. Từ nơi đang đứng, tôi nhìn thấy rất rõ các ngón tay đang viết gì. "Chúng tôi đã từng là vũ khí ngoan ngoãn của một người thuận tay trái. Chủ nhân của chúng tôi đã bị kẻ thù thanh toán tối nay. Nhưng ông ấy vẫn còn sống trong chúng tôi, và để sống được, chúng tôi cần cô".
Trong khoảng khắc, giữa tôi và thế giới là một màn đen. Những ngón tay đứt rời vẫn tiếp tục viết, còn tôi đội chiếc mũ bêrê, mặc áo vét và lao xuống cầu thang.
Tôi chạy trên phố, chạy mãi, chạy mãi. Tôi tự nhủ: "Con phố 14... dẫn đến East-River... ở đó nỗi sợ hãi sẽ không còn nữa..."
Lan can ven sông không cao lắm. Tôi giơ chân lên thành lan can, nhưng có một sức mạnh vô hình nào đó sau lưng đã giữ tôi lại. Gió biển thổi bay lớp mặt nạ buồn của tôi. Tôi ngồi xuống ghế đá, và những cơn cuồng nộ cuối cùng đã rời bỏ trái tim tôi. Cần phải chấp nhận số phận cay đắng của mình - chẳng còn cách nào khác.
Những ngón tay đã ngăn tôi tự vẫn đang nằm dưới chân. Tôi không hỏi làm sao chúng đuổi kịp tôi. Tôi nhặt chúng bỏ vào chiếc mũ bêrê và bưng mũ về nhà.
Vào nhà, tôi rũ mũ ra bàn. Những ngón tay rơi xuống tạo nên âm thanh khô khốc. "Hãy nói đi, chúng mày cần gì?" - tôi nói với chúng. Chúng lại xúm xít xung quanh chiếc bút máy và viết: "Hãy bảo vệ chúng tôi. Không có tâm hồn, chúng tôi sẽ tan rã. Chúng tôi không yêu cầu gì cô ngoài sự giúp đỡ tinh thần. Và chúng tôi sẽ cho cô sự giàu có". "Vậy thì ở lại đi". Và tôi nói thêm, với hy vọng giữ cho mình một con đường lùi: "Chúng mày thật kinh khủng. Tao phải đè nén sự ghê tởm mới chịu nổi chúng mày".
Không thể nói là tôi đã ngủ ngon tối hôm đó. Cả đêm, trong bóng tối của căn nhà tồi tàn, lạo xạo trên giấy tiếng ngòi bút do những ngón tay đáng nguyền rủa điều khiển.
Ngày hôm sau, với tập bản thảo kẹp nách và những ngón tay trong túi (tôi luôn cảm thấy chúng), tôi bước vào một nhà xuất bản lớn và không hiểu sao ông giám đốc lại tiếp tôi ngay tức khắc. Liếc nhanh tập giấy do tôi để trước mặt, ông ta lập tức đề nghị tôi ký một hợp đồng rất béo bở (và tôi đã đồng ý ngay) và tạm ứng cho tôi một khoản tiền mười nghìn đôla.
Ông ta gần như ép buộc tôi phải nhận người đại diện của mình, một kẻ tháo vát, người đã nhanh chóng chọn cho tôi một căn hộ sang trọng. Một cửa hàng lớn cung cấp trang phục cho tôi. Một hiệu làm tóc nổi tiếng đem lại cho cái đầu của tôi một diện mạo mới, đẹp đẽ hơn nhiều và đã được các nhiếp ảnh gia lưu giữ lại. Không lâu sau tấm ảnh này xuất hiện trên tất cả các báo và tạp chí của Mỹ. Chẳng bao lâu tên của tôi đã không thể nhắc đến mà không thêm cái đuôi "thiên tài".
Bản thân tôi hiểu rõ tài năng của tôi là gì: 5 mẩu xương chết được buộc bằng một sợi dây giày.
Khi những ngón tay viết kiệt tác thứ hai "của tôi", tôi đã trở nên nổi tiếng hơn cả Einstein, hơn bất cứ ngôi sao màn bạc nào.
Những lúc chỉ có một mình, tôi cố gắng tìm lại bản thân. Tôi vẽ. Những phác thảo của tôi, cho dù có tệ thế nào đi chăng nữa, vẫn là của tôi.
Nhưng đại diện nhà xuất bản một lần bắt gặp tôi đang vẽ những toà nhà chọc trời đã chộp lấy tập tranh, mặc cho tôi phản đối, và sử dụng chúng để quảng cáo.
Người ta gần như giành giật chúng từ tay tôi, và nói rất nhiều về chúng - họ gọi những bức tranh của tôi là "trò giải trí yêu thích của người phụ nữ thiên tài".
Lúc này tôi nhận thấy, những người đàn ông còn buồn tẻ hơn cả những con gián. Tôi không biết đi đâu để tránh họ. Cái thiên đường giả mà những ngón tay của người chết đem đến cho tôi còn đáng sợ hơn cả địa ngục. Chúng, những ngón tay điên rồ đã chiếm hữu tôi. Tôi trở thành một kẻ không có cuộc sống riêng.
Buổi tối, chúng viết báo, tiểu thuyết và những bi hùng ca. Trong giấc ngủ, tôi cũng nghe thấy chúng viết.
Sáng ra, chúng tụt khỏi bàn viết xuống thảm và đi về phòng tôi. Chúng bám vào góc giường và sau đó tôi cảm nhận thấy những ngón tay băng giá và cứng đờ đang trên cổ mình.
Khi nỗi khủng khiếp đã trở nên không thể chịu đựng nổi, tôi vùng dậy và bật nhạc. Tôi thường uống say, dù không thể chịu được cồn.
Tôi đã không còn vứt những ngón tay qua cửa sổ nữa - đằng nào thì chúng cũng quay lại. Tôi không nói gì với chúng hết, nhưng có thể vào một ngày đẹp trời, tôi sẽ đốt chúng. Hoặc là tôi sẽ kiểm chứng xem axít có tác động thế nào với chúng.
Nhưng chúng yêu quý tôi và chắc là đọc được không mấy khó khăn cả những ý nghĩ thầm kín nhất của tôi.
Hình như hôm nay chúng bóp cổ tôi hơi mạnh hơn thì phải?
(1) Tổ chức quốc tế hỗ trợ các nước chịu thiệt hại chiến tranh (1943 - 1947).