Phải Sống
Tác giả: Anh Nguyên
Thành phố lên đèn. Ánh sáng từ những nhà hàng cửa hiệu hắt xuống dòng sông tạo nên những sắc màu lấp lánh. Sự lấp lánh giả tạo. Từng đoàn xe thồ lầm lũi qua cầu, trở ra ngoại ô. Dưới bếp, tốp cửu vạn vẫn hối hả đội hàng quanh chiếc xà lan cũ nát. Sông trôi.
Không nhớ đây là lần thứ bao nhiêu cô ngồi ngắm dòng sông. Chỉ biết rằng mười bảy năm nay, cô đã coi sông như một người bạn. Phải, một người bạn câm lặng. Sông vẫn kiên nhẫn lắng nghe cô, và với cô, như vậy là quá đủ. Không may mắn như những đứa trẻ bình thường khác, cô sinh ra không có cha. Đúng hơn, cô không biết mặt cha. Ông từ bỏ mẹ cô từ khi cô là một sinh linh chưa thành hình. Dẹp qua một bên tất cả những ì xèo của láng giềng, sự đay nghiến của họ tộc, mẹ và bà ngoại nhẫn nhịn sống. Rồi cô chào đời.
Tuổi thơ của cô là những chuổi ngày cô độc. Cô không có bạn. Cô thèm những trò chơi của lũ trẻ cùng lứa. Cứ nhác thấy bóng cô là chúng lảng. Đứa ác khẩu, được người lớn mớm lời, gọi cô là „ con ngoài lò gạch „. Tủi thân, cô tức tưởi chạy về hỏi bà. Gục mặt xuống cái áo đang may dở, mẹ khóc. Đôi vai mảnh dẻ rung lên từng đợt. Bà ôm lấy cô, bàn tay gầy guộc khẽ xoa lưng đứa cháu gái tội nghiệp: „ Ti ngoan, Ti nín. Bố cháu đi công tác xa lắm. Khi nào về, bố sẽ mua cho Ti nhiều đồ chơi đẹp „. „ Thế bao giờ bố Ti về „. Cô hồi hộp. „ Khi nào lớn và thật ngoan thì bố về „. Bà nhẹ nhàng đẩy cô lại gần mẹ, lén quệt nước mắt. Cô quàng tay qua cổ mẹ, lùa bàn tay xinh xắn vào mái tóc đen dày. Mấy giọt nước mắt trong vắt rơi xuống má cô nóng ấm.
Dòng sông mùa này dễ thương như một đứa trẻ. Không ồn ào, sông lặng lẽ chảy. Gió hiu hiu làm bãi ngô khẽ lay động. Trưa vắng. Sau ngôi nhà của mình, chỉ ở đây cô cảm thấy yên bình không bon chen, không dè bỉu, chỉ có cô và sông. Một con ếch nhảy phóc lên bờ, nhìn cô lom lom. Ngồi sát mớn nước, cô khỏa tay vào dòng nước đỏ hồng phù sa và thì thầm kể chuyện.
Những chuyện không đầu, không cuối. Nhưng cô tin sông hiểu cả. Cô khoe đàn gà con mới nở xinh như những cục bông vàng lăn quanh gà mẹ. Chuyện hôm qua mẹ vừa nhận một lô hàng mới, hoặc trở giời là bà ngoại kêu đau. Bà đã phải gồng gánh từ năm mười một tuổi. Và nếu không gặp tai nạn xe đâm, có lẽ bây giờ bà vẫn bươn bả giữa dòng người chạy chợ… „ Về thôi, con gái „. Cô giật mình. Mẹ: „ Sao con dại thế, con có biết ra sông một mình là nguy hiểm lắm không. Con làm mẹ sợ quá „. Cô lí nhí: „ Con xin lỗi. Nhưng con thích ở đây hơn. Sông hiền lắm „. „ Tội nghiệp con tôi „ - Mẹ xiết cô vào lòng.
Chừng như đã tĩnh tâm lại, mẹ nói: „ Con yêu, đừng phiền sông nữa. Bạn ấy có nhiều chuyện phải làm „. „ Sông làm gì hả mẹ ? „ – Cô ngơ ngác… „ Sông phải về với biển, cũng như mẹ con ta phải sống. Biển xa lắm, lớn lên con sẽ hiểu „.
Lớp 12, mẹ dẫn về một thanh niên và nói: „Đây là Hoan. Anh ấy sẽ giúp con môn toán „. Giản dị nhưng đầy đủ, ấy là mẹ. Cuộc sống thương trường cho mẹ điều đó. Những hợp đồng, tiệc tùng, những chuyến khảo sát thị trường hút lấy mẹ.Nhà còn hai bà cháu. Căn nhà hai tầng trống lạnh. Bữa cơm bà thường lẩm nhẩm: „ Khổ thân mẹ nó. Đi công tác rồi không biết ăn uống ra làm sao „. Cô chợt nhận ra mẹ cần cho ngôi nhà này biết bao. Không chỉ là đàn bà, mẹ còn có sự mạnh mẽ và quyết đoán của người chủ gia đình. Mẹ vừa là mẹ, vừa là cha.
Học chuyên ngữ nên cô chẳng mặn mòi gì với toán. Đại phức tạp, lượng rắc rối, hình trừu tượng. Tuần ba buổi, Hoan đến đều đặn, đúng giờ và có lối sống khá kín đáo. Sinh viên năm thứ ba, người Hà Nam, nhà nghèo và học cực siêu - đấy là tất cả những gì cô biết về anh. Đã có lúc, cô cảm giác Hoan cố gắng bộc lộ mình qua vẻ lù dù, chậm chạp. Duy đôi mắt Hoan không giấu được. Những khi giảng bài cho cô, đôi mắt ấy sáng kỳ lạ. Đam mê, khao khát và cũng có thể nhiều hơn nữa.
Mùa bão. Thành phố lóp ngóp trong nước. Hàng cây bên đường xơ xác đến thảm hại. Đài báo mức nước đã ngấp nghé báo động số 3. Qua ô kính mờ mờ, dòng sông đỏ ngầu, hung hãn như con giao long khổng lồ. Mười năm trở lại đây, đô thị hoán cải với tốc độ chóng mặt. Dọc đôi bờ sông, nhà cửa chen nhau mọc lên san sát với đủ các sắc thái của „ văn hóa trận „ Ta, Tây, Tàu hợp duyên vô tư như trò xếp hình của đứa bé ngớ ngẩn. Sông quẫy đạp, gầm thét, oằn mình rên xiết trong tiếng nước réo ấm ầm. Đất lở. Trên cầu, một người đàn bà gò lưng mải miết đạp. Gió tạt chếch sườn, hất văng cái nón làm xổ tung mái tóc dài phần phật. Trồi hụp giữa dòng, chiếc nón mất tăm dưới đám bọt trắng xóa. Người đàn bà liếc nhìn vẻ tiếc rẻ, kiểm tra hai cái sọt rồi nhấn bàn đạp.
Bỗng dưng cô nhớ mẹ da diết. Mẹ nhắn chưa ra được vì vướng hợp đồng. Thời thế thay đổi. Mẹ lột xác từ cô thợ may thành nữ giám đốc một doanh nghiệp tư nhân. Báo chí đưa tin, mẹ cho mình là người may mắn. Nhưng cô hiểu chặng đường đó ướt đẫm ướt mồ hôi, máu thịt và tuổi xuân của mẹ. Mẹ bảo cô cố gắng học lấy một ngành. Giành giật và nghiệt ngã. Gió vẫn đập cửa rầm rầm. Bà ngoại lặng lẽ lần tràng hạt. Cô vo gạo, chuẩn bị bữa tối.
Cô yêu Hoan. Chẳng biết vì lẽ gì. Hoan không đẹp trai, không khéo chiều như bạn trai Vân. Học giỏi ? Cũng không hẳn. Hay vì Hoan khác người. Cũng không nốt. Yêu vì yêu. Đơn giản vậy thôi. Dở hơi, sao lại hỏi yêu vì cái gì ? Cô bực mình vì cái lối châm chọc của bạn. Vân chơi với cô từ hồi học đại cương. Cô trầm tĩnh nhường nhịn. Vân thẳng tính, ngổ ngáo. Phải thừa nhận Vân đẹp sắc sảo. Lũ con trai vừa mê mẩn vừa kiêng nể. Vân bảo tình yêu giữa cô và Hoan bình lặng, bằng phẳng và đều đặn như đồng hồ cát. „ Phải giận dỗi một chút, ghen hờn một chút. Hãy là con thỏ bị rượt đuổi nhưng khi cần thì xù lông như con nhím „. Cô cười: „Đời vừa thôi, mẹ trẻ „. Vân lặng thinh, cúi mặt.
Sáng nay Hoan bảo vệ luận văn tốt nghiệp. Cô chờ anh ở hành lang. Gần tháng nay, hai người chỉ gặp nhau qua điện thoại. Cô chủ động gọi điện. Cô muốn Hoan dành trọn thời gian cho luận văn tốt nghiệp. Và cô đã kiên nhẫn cho đến phút cuối. Vân hích tay „ xong rồi „.
Cửa phòng xịch mở, Hoan bước ra rạng rỡ. Người con gái nép vào vai anh đầy mãn nguyện. Cô bóp chặt tay Vân. Hình ảnh chiếc nón trên dòng sông cuộn đỏ chập chờn. Chạm phải cái nhìn của cô, mắt Hoan hơi cúi xuống: „Ơ…Thảo „. „ Tốt chứ ? „ – cô rướn mắt. „ Cũng tạm, đi nhé „. Tiếng guốc gõ xuống hành lang xa dần, thấp thoáng. Câu hỏi của cô gái: „ Ai thế anh ? „. Tai cô lùng bùng. Bó hồng đâm vào ngón áp út, rớm máu. Vân nhẹ tênh: „ Cô bé ấy học sau mình hai khóa. Năm nào khai giảng, bố nó cũng đến trường mình „. Cô thức trắng đêm, người trong suốt như một cây nến .
Có tiếng lách cách trên gác thượng. Ai vậy nhỉ ? Lâu rồi gác chỉ dùng để chứa dồ củ. Phòng bà Ngoại sáng đèn. Hay là me ? Đúng mẹ rồi. Mẹ đã về. Mẹ không bỏ hai bà cháu cô. Mẹ đi đâu một tuần liền ngay sau khi người tình của mẹ biến mất cùng với một tỷ đồng trong tài khoản công ty. Toàn bộ vốn liếng dành dụm được cộng thêm cả tiền bán sạch các đồ nữ trang của mẹ mới đủ bù vào chỗ mất. May còn tránh được sự rầy rà. Vậy là mẹ trắng tay. Cô yên lặng ngắm nhìn mẹ tỉ mỉ lau chùi cái máy khâu cũ kỹ. Mẹ khẽ vén lọn tóc rớt ngang gò má lốm đốm tàn hương. Bây giờ, cô bỗng nhận ra mặt mẹ nhiều tàn hương đến thế. Cô đã chợt hiểu là mẹ vừa buông một dấu chấm hết cho sự nghiệp.
Cô bật tung cửa sổ. Dưới sân, bà đang gội đầu cho mẹ. Nồi nước nghi ngút thơm. Mẹ xuýt xoa: „ Thích quá u ơi. Lâu lắm con mới gội đầu bằng nước lá „. Bà mắng yêu: „ Ai bảo cô cứ đi biền biệt…Im nào, cho u gãi nhé. Bé lắm đấy „. Mẹ còn trẻ. Có gì hăng hăng trong mũi xốc lên mắt. Không gian bắt đầu lấm tấm mưa bụi. Sắp tết. Ngoài kia, sông vẫn hun hút chảy mãi về phía chân trời. Chừng nào còn sức lực, con sông còn đi về phía ấy.