Vanka
Tác giả: Anton Tsekhov
Vanka Guikốp là một cậu bé chín tuổi, trước đây ba tháng đã được gửi đến nhà ông thợ giày Aliakhin để học việc, vào đêm lễ Giáng sinh cậu không nằm ngủ. Đợi đến lúc ông bà chủ nhà và mấy người thợ phụ đi lễ nhà thờ sáng sớm, cậu bé lấy từ trong tủ của ông chủ một lọ mực nhỏ, cây bút với chiếc ngòi đã gỉ, để một tờ giấy nhàu nát ra trước mặt rồi bắt đầu viết. Trước khi đặt bút viết chữ đầu tiên, mấy lần cậu sợ sệt đưa mắt nhìn ra cửa ra vào và cửa sổ, liếc nhìn bức ảnh thánh tối sẫm treo giữa hai dãy thánh giá gỗ xếp đầy những bộ khuôn đóng giày, rồi thở dài đứt đoạn. Cậu đặt tờ giấy lên chiếc ghế bằng và quì xuống bên ghế.
“Ông konxtantin Makarứts thân yêu! -cậu viết- cháu viết thư cho ông đây. Cháu chúc mừng ông nhân dịp lễ giáng sinh và chúc ông được Thượng đế ban cho nhiều may mắn. Cháu chẳng còn bố, mẹ, cháu chỉ còn có một mình ông thôi”
Vanka đưa mắt nhìn ra cửa sổ tối sẫm thấp thoáng phản chiếu bóng cây nến của cậu, và xúc động tưởng tượng ra người ông của mình hiện đang làm người gác cổng ban đêm cho nhà chủ Guivarep, Ông cụ nhỏ nhắn gày gò, nhưng khôn ngoan nhanh nhẹn khác thường, tuổi chừng sáu mươi lăm, vẻ mặt lúc nào cũng như đang cười và đôi mắt thì ngà ngà say. Ban ngày cụ ngủ trong bếp của đám người hầu hạ hay tán chuyện tầm phào với mấy bà đầu bếp, đến đêm thì cụ khoác tấm áo lông cừu thô rộng đi vòng quanh trang trại và gõ cái mõ của mình. Cúi đầu đi theo sau cụ là con chó già kastanka và con chó Viun-gọi như thế vì con Viun có bộ lông màu đen và thân hình dài ngoẵng như một chú chồn. Con Viun lúc nào cũng tỏ ra hết sức hiền lành và kính nể mọi người, với người thân hay người lạ nó cũng đều nhìn bằng đôi mắt quấn quít, xun xoe, nhưng nó vẫn không được ai tin cậy. Đằng sau cái vẻ hiền lành, lễ phép ấy là một sự tinh ranh tráo trở. Không một con chó nào biết thạo hơn nó cách lẻn đến đằng sau và đớp nhanh vào chân, ăn vụng thức ăn để trong hầm chứa hay bắt trộm gà của dân làng. Người ta đã nhiều lần đánh què hai chân sau, vài lần treo nó lên, tuần nào cũng đả cho nó một trận nhừ tử, nhưng lần nào nó cũng sống lại. Bây giờ chắc ông đang đứng ở cổng, nheo mắt nhìn những khung cửa sổ sáng đỏ của ngôi nhà thờ làng, rồi vừa đập đập đôi ủng dạ vào nhau vừa tán gẫu với đám đầy tớ. Cái mõ ông đeo bên thắt lưng. Ông vỗ vỗ hai tay, người co ro lại vì lạnh, rồi vừa cười hì hì theo lối cười của người già vừa véo bà hầu phòng, bà đầu bếp.
- Này ngửi tí thuốc hút chứ ? - ông cụ vừa nói vừa đưa hộp thuốc của mình cho hai bà đó.
Hai bà ngồi ngửi rồi hắt hơi. Ông cụ thích chí không thể tả được, khoái chá cười vang và kêu lên :
- Thuốc này tốt lắm đấy !
Họ cho cả chó ngửi thuốc lá nữa. Con Kastanka hắt hơi, ngoay ngoáy đầu rồi giận dỗi bỏ sang một bên. Con Viun vì nể không hắt hơi mà chỉ ngoáy ngoáy đuôi. Thời tiết thì thật đẹp. Không khí thật êm dịu, trong lành và tươi mát. Màn đêm sẫm sẩm tối, nhưng vẫn nhìn rõ cả xóm làng với những mái nhà màu trắng và làn khói nhè nhẹ bay lên, những hàng cây phủ một lớp tuyết trắng và những đống tuyết. Khắp bầu trời chi chít những vì sao vui nhấp nháy, và sông Ngân hiện ra lồ lộ như trước ngày lễ có ai đã rửa sạch và trải lên đầy tuyết trắng…
Vanka thở dài, chấm bút vào lọ mực rồi viết tiếp:
“Ngày hôm qua cháu bị đánh một trận đau lắm ông ạ… Ông chủ nắm tóc cháu lôi ra ngoài sân rồi lấy dây da đánh cháu tới tấp vì tội cháu đưa nôi cho con ông chủ ngủ mà cháu trót ngủ quên đi mất. Tuần vừa rồi, bà chủ sai cháu mổ con cá mòi, cháu lại bắt đầu làm từ đuôi, thế là bà ta cầm cả con cá mòi mà quật vào mặt cháu. Mấy người thợ học việc toàn trêu cười cháu, bảo cháu ra ngoài quán mua rượu vốt ka lại còn bắt cháu lấy trộm dưa chuột của ông bà chủ, thế là ông chủ vớ được cái gì liền quật cháu tới tấp. Ăn thì chẳng có gì. Buổi sáng ông bà chủ cho cháu một miếng bánh mì, buổi trưa cho bát cháo, đến tối lại một mẩu bánh, còn có bao nhiêu canh bắp cải hay nước chè thì ông bà chủ ngốn hết, ông ạ. Ông bà chủ bắt cháu ngủ ngoài hành lang. Khi con người ta khóc thì cháu chẳng được ngủ tí nào mà cứ phải đưa nôi suốt. Ông thân yêu, ông làm ơn làm phúc mang cháu về nhà ông, về làng, cháu chẳng chịu được nữa…Cháu van lạy ông, cháu cầu Thượng đế suốt ngày đêm, để ông đến mang cháu đi khỏi nơi này, không cháu có thể chết mất…”
Mồm Vanka méo xệch, cậu đưa nắm tay đen bẩn lên dụi mắt rồi sụt sịt khóc.
“Cháu sẽ tán nhỏ thuốc lá cho ông – cậu viết tiếp- có trời chứng giám, nếu có gì thì ông cứ đánh cháu cật lực, còn nếu ông nghĩ là không có việc gì cho cháu làm thì cháu sẽ cố xin đánh giày cho ông quản gia hay là đi chăn bò thế chỗ thằng Phết ka. Ông thân yêu cháu chẳng biết làm thế nào nữa, chỉ còn nước là chết nữa thôi. Cháu đã định chạy trốn về làng nhưng mà không có giày, cháu sợ trời rét quá. Còn khi nào cháu lớn lên rồi cháu sẽ trả ơn ông mà nuôi ông, cháu không cho đứa nào làm nhục ông, khi ông chết, cháu sẽ cầu nguyện cho linh hồn ông được yên nghỉ như cháu đã cầu cho mẹ Pêlagaya .
Còn Matxcova là thành phố to lắm, ông ạ. Mọi nhà đều là nhà của các ông chủ và ngựa cũng rất nhiều còn cừu thì không có và chó thì không dữ đâu. Trẻ con ở đây không đi chơi thăm các nhà để ngâm thơ đạo Kytô vào ngày lễ Giáng sinh và không ai cho đứng lên bục cao trong nhà thờ mà hét đâu, có lần cháu thấy ở hiệu tạp hóa trên cửa sổ có treo bán lưỡi câu có liền cả dây, cá gì cũng câu được, tốt lắm ông ạ, lại còn có một cái lưỡi câu câu được cá nheo nặng một pút ấy. Cháu còn thấy có hiệu bán những khẩu súng giống như các ông chủ vẫn đeo ấy, đến hàng trăm rúp một khẩu ấy, ông ạ… Ở các hiệu bán thịt thì đầy thịt gà rừng này, gà lôi này, thịt thỏ này, nhưng bắn được ở đâu thì mấy người bán chẳng nói.
Ông thân yêu, bao giờ ông chủ dựng cây thông treo những gói quà nhỏ thì ông lấy cho cháu một hạt dẻ màu vàng nhé, ông giấu vào trong cái rương màu xanh ấy. Ông cứ xin tiểu thư Onga Igơnatiepna ấy, ông bảo là xin cho cháu”
Vanka run rẩy thở dài và lại nhìn chăm chăm ra cửa sổ. Cậu nhớ lại lần nào vào rừng lấy cây thông cho nhà chủ, ông đều đi và dắt cháu đi theo. Lúc ấy thật là vui vẻ! Mấy lần trước khi đi đẵn cây thông , ông hút một tẩu thuốc ngửi ngửi thuốc hít rất lâu,và trêu cười cậu bé Vanka đang bị rét cóng…Những cây thông non phủ một lớp tuyết mỏng đứng yên và chờ xem cây nào bị chặt. Không biết tứ đâu ra, một con thỏ chạy vụt qua mấy đống tuyết…Thế nào ông cũng kêu lên:
-Bắt lấy, bắt lấy…bắt lấy! Chà, đồ quỷ cộc đuôi !
Chặt được cây thông rồi ông đem về nhà chủ, và ở đây người ta bắt đầu trang điểm cho nó …Tiểu thư Onga Igơ natiep na mà Vanka rất mến là người bận rộn nhiều nhất. Hồi mẹ Pêlagaya của Vanka còn sống, làm hầu phòng cho nhà chủ, Onga Igơ natiep na đã cho Vanka ăn kẹo và vì không có việc gì làm nên đã dạy cho Vanka biết đọc, biết viết, đếm đến 100, thậm chí còn dạy nhảy điệu quadrille nữa. Sau khi mẹ Pêlagaya chết đi, người ta cho cậu bé mồ côi Vaka vào làm ở nhà bếp của những người hầu cùng chỗ ông, rồi từ đấy lại gửi lên Matxcơva ở với ông thợ giày Aliakhin…
“ Ông thân yêu, ông lên đây đi,- Vaka viết tiếp- cháu xin ông làm ơn làm phúc đem đi khỏi đây. Ông thương lấy cháu mồ côi mồ cút khổ sở, không người ta cứ đánh, mà cháu thèm được ăn no lắm, cháu buồn lắm, không nói được gì, cứ khóc thôi. Hôm vừa rồi, ông chủ lại lấy cái khuôn khâu giày đập vào đầu cháu, cháu ngã xuống mãi lâu sau mới tỉnh. Đời cháu khổ quá, khổ hơn cả chó, ông ạ…Cho cháu gửi lời hỏi thăm Êlêna, bác Iegor chột mắt và bác đánh xe, còn cái phong cầm của cháu ông đừng đưa cho ai nhé. Cháu của ông mãi mãi, Vanka Guikốp, ông thân yêu, ông lên đây đón cháu nhé”
Vanka gấp làm tư rồi bỏ vào cái phong bì mua một kôpếch ngày hôm trước…Nghỉ ngơi một lúc rồi cậu lại chấm mực và viết địa chỉ.
Gửi ông ở nhà quê
Sau đó, cậu gãi gãi đầu nghĩ rồi viết thêm:
“ Ông konxtatin Makarưts” . Lấy làm thích thú vì không bị ai ngăn trở viết thư, cậu chụp mũ lên đầu và không kịp khoác lên mình chiếc bành tô, cứ mặc mỗi chiếc áo sơ mi mà chạy ra ngoài phố…
Hôm trước, khi cậu hỏi, mấy người bán thịt đã nói với cậu là thư từ vỏ vào những hộp thư, rồi từ đấy người ta lấy ra đem đi khắp nước, trên những cỗ xe tam mã có chuông do mấy gã đánh xe say rượu điều khiển. Vanka chạy đến chỗ treo hộp thư gần nhất rồi bỏ bức thư quí báu qua khe…
Mơ theo những hi vọng ngọt ngào, một giờ sau cậu đã ngủ thiếp đi…Cậu nằm mơ thấy cái bếp lò. Ông ngồi trên bệ bếp, đôi chân buông thõng và đọc thư cho mấy bà đầu bếp nghe…Con Viun đi quẩn quanh bên cạnh và ve vẩy đuôi…