watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Tôn Giáo và Khoa Học - tác giả Bhikkhu P.A. Payutto Bhikkhu P.A. Payutto

Tôn Giáo và Khoa Học

Tác giả: Bhikkhu P.A. Payutto

Từ những buổi đầu tương đồng cho đến sự chia rẻ: Thông thường tôn giáo xuất hiện từ những lo sợ, nhất là nỗi lo sợ về thiên tai như : sấm sét, lụt lội, động đất, núi lửa, và bão tố. Những hiểm nguy nầy luôn đe dọa đời sống con người từ bao thế kỷ. Người xưa đã không hiểu rõ sự vận hành của thiên nhiên, không hiểu được nguyên nhân của những thiên tai nầy; và vì sợ thiên tai nên con người mới bắt đầu tìm kiếm những câu trả lời, những nguyên nhân. Cuộc tìm kiếm nầy mở màn cho những giải đáp về những gì đang xảy ra chung quanh đời sống của con người.

Sự nhận thức về hiểm nguy và sự muốn được an toàn là nguyên nhân chánh cho tôn giáo và khoa học ra đời. Song song với nỗi lo sợ về thiên tai, con người cũng kinh ngạc, thán phục trước những kỳ công của thiên nhiên. Đây không phải là sự tò mò ngẫu nhiên : con người bị bắt buộc phải tìm ra những giải đáp cho những thiên tai đang đe dọa mạng sống của họ. Do đó, vì lo sợ và vì cố gắng muốn thoát khỏi những nguy hiểm đó mà con người gián tiếp khao khát muốn biết sự thật về đấng tạo hóa; và từ đấy mà khoa học ra đời.

Tôn giáo ra đời vì nỗi mong muốn tránh nguy hiểm, và khoa học ra đời từ ước vọng muốn biết sự thật về tạo hóa.

Lịch sử cho chúng ta biết buổi đầu của những tìm tòi có tính cách khoa học xuất hiện nơi nền văn hóa Ai Cập và Mesopotamia, được những vị thầy tu hướng dẫn. Họ là những người đầu tiên đã thích thú tìm hiểu về thiên nhiên và họ đã bỏ thời gian tìm câu trả lời cho những thiên tai đang đe dọa con người.

Tuy nhiên, điểm tương đồng buổi đầu giữa khoa học và tôn giáo cũng là khởi điểm đã phân chia tôn giáo và khoa học. Lý do chia rẻ nầy nằm nơi lãnh vực Sự Thật về thiên nhiên.

Vì những nguy hiểm, đang đe dọa đời sống con người, liên quan đến sự sống chết, nên cần phải có những giải đáp tức thời. Khi mà một câu trả lời xuất hiện có thể chấp nhận được, thì liền ngay đó câu trả lời được ghi xuống và được chấp nhận như một điều luật của tôn giáo. Những câu trả lời thích hợp được đưa ra bằng nhiều cách : những cuộc tế lễ đầy huyền bí, dưới mắt chúng ta hiện giờ là những việc dường như là vô lý -- dầu vậy, lúc đó đây là một hình thức dễ được chấp nhận nhất. Với xã hội, hình thức nầy dần dần được hình thành cho tôn giáo ra đời.

Hiện tại có những kẻ bỏ thời gian để thu lượm bằng chứng, họ phân tách và làm thí nghiệm. Những người nầy, qua những thí nghiệm và những quan sát, họ đã có được những câu trả lời không đồng với quan niệm tôn giáo. Đây được gọi là " khoa học," một sự hiểu biết được hình thành qua việc quan sát và thực nghiệm.

Đây là điểm không tương đồng giữa khoa học và tôn giáo.

Câu trả lời như là một liều thuốc cho sự cần thiết nhất thời, cho số đông, và nương nặng về lòng tin và sự trung thành, thiếu sự nhận xét khách quan. Đấy là Tôn giáo. Do đó, tôn giáo nặng về tín ngưỡng.

Trong khi Khoa học dựa vào sự tìm tòi, tra cứu, quan sát và thực nghiệm. Khoa học không cho những câu trả lời chưa được chứng nghiệm; vì vậy, đây là môi trường chỉ dành cho một số ít người, không phải cho cả xã hội. Sự chứng nghiệm và quan sát tỉ mỉ nầy được tiếp nối và hình thành cái mà chúng ta ngày nay gọi là "Khoa học".

Ngay tại điểm nầy chúng ta hiểu rõ sự khác biệt giữa tôn giáo và khoa học : tôn giáo dành cho số đông, trong khi khoa học chỉ có thể thích hợp cho một số ít người. Để giữ sự đồng nhất về việc tế lễ, cũng như việc dạy dỗ tín đồ, tôn giáo nghiêng nặng về lòng tin. Tôn giáo bắt nguồn từ lòng tin, và dựa vào lòng tin để gìn giữ sự giáo huấn. Tôn giáo là một hệ thống tín ngưỡng không đổi thay với những giáo điều phải được tuân theo mà không được đặt câu hỏi.

Khoa học thì dành cho những người thích suy nghĩ, thích tìm hiểu. Tính chất của khoa học là tìm tòi sự thật qua những thí nghiệm có căn cứ. Khoa học vì vậy gìn giữ và truyền bá sự thật qua sự hiểu biết có tính cách suy nghiệm và lý giải.

Tôn giáo được hiểu như là nơi có những giải đáp cho một sự thật duy nhất.

Thật ra không phải là tôn giáo đưa ra những giải đáp, mà là những giải đáp được đưa ra bởi con người cần nó và từ đó mà tôn giáo được hình thành.

Tôn giáo tìm ra giải đáp cho những vấn đề liên quan đến đời sống con người, từ thấp đến cao, đủ mọi trình độ. Mặt khác, khoa học quán sát sự thật từ những biểu thị riêng rẻ. Khoa học tìm tòi và thu nhặt những mảnh vụn để ráp chúng lại với nhau và hy vọng tìm được câu trả lời thích đáng. Dù rằng khoa học cần có những nguyên tắc chung, nhưng những nguyên tắc nầy cũng bị điều kiện hóa; vì vậy, sự thật tìm thấy được cũng không hẳn hoàn toàn. Chúng ta có thể nói tôn giáo cho câu trả lời đầy đủ , còn khoa học thì chỉ một phần .

Vì tôn giáo và khoa học có giới hạn, cho nên có một thành phần thứ ba xuất hiện, muốn tìm hiểu về sự sống và vũ trụ. Nhóm nầy không vừa ý với tôn giáo vì câu trả lời không nằm trong phạm vi lý luận. Ngược lại, khoa học có câu trả lời dựa trên nguyên nhân và lý luận nhưng chưa có những giải đáp tuyệt đối.

Nhóm thứ ba nầy không muốn chờ khoa học cho câu trả lời, nên họ đã tự tìm lấy những giải đáp bằng cách lý luận và phân tách mà không cần sự kiểm chứng. Cách nầy đã cho ra đời một môn khoa học được mệnh danh là triết học.

Chúng ta có thể dùng một thước đo để so sánh ba môn nầy từ một câu hỏi thông thường về thiên nhiên, như sau :

l. Khoa học - vì đang còn trong vòng kiểm chứng và quan sát nên chưa có được câu trả lời thích đáng.

2. Triết học - ráng tìm ra câu trả lời qua những phân tách và lý luận, mà chưa được kiểm chứng.

3. Tôn giáo - cho đầy đủ những câu trả lời mà không cần kiểm chứng.

Khoa học và triết học đều xuất hiện sau tôn giáo, và cả hai đều cố gắng tìm những giải đáp rõ ràng, minh bạch. Nhưng cả hai đều thất bại khi mà họ không cho được những giải đáp đầy đủ , thích ứng trong đời sống hằng ngày. Ngược lại , tôn giáo vẫn tồn tại vì đã đáp ứng được những câu hỏi của con người mặc dù do lòng tin mà ra.

Bởi vì tôn giáo đáp ứng được tức thời sự thật, câu trả lời cho số đông, nhưng không được kiểm nhận bằng năm giác quan, tất cả chỉ được dựa vào lòng tin. Và vì những giải đáp nầy không được kiểm chứng nên chúng luôn bị thay đổi.

Đôi lúc một câu trả lời được đưa ra : người ta không biết đúng hay sai vì đâu có kiểm chứng. Nếu họ tin thì họ chấp nhận liền. Sau đó nếu có câu trả lời khác, họ lại càng không biết đâu là đúng, vì cũng đâu có kiểm chứng. Do đó, có những kẻ thích câu trả lời cũ hơn là câu trả lời mới. Tôn giáo vì dựa trên niềm tin nên cũng bị đổi khác theo mực thước của niềm tin. Vì vậy chúng ta có thể thấy được rằng có bao nhiêu là tôn giáo. Bởi vì câu trả lời bao gồm sự thật tuyệt đối chưa được kiểm chứng, chỉ dựa vào niềm tin. Do đó khi có những giải đáp mới xuất hiện thì kẻ tin, người không .

Ngược lại, khoa học trả lời chậm chạp, thứ tự, kiểm chứng từng điểm một. Khoa học giải quyết vấn đề bằng duy lý. Bởi thế mới có câu : " Có rất nhiều tôn giáo nhưng khoa học chỉ có một thôi." Nhưng theo cái nhìn lịch sử thì vì khoa học không có cái nhìn thấu suốt về sự thật cho nên có rất nhiều môn khoa học. Những lý luận về vạn vật và vũ trụ thay đổi không ngừng. Vì vậy mà hiện tại có rất nhiều môn khoa học đang hiện hành. Có những khoa học gia muốn kiểm chứng lại những lý thuyết đã có trước đây, họ không đồng ý với mớ lý thuyết cũ và vì vậy chúng ta nghe nói đến 'vật lý mới' và 'khoa học mới'.

Khoa học đối đầu với ngoại cảnh, dựa trên mực thước của năm giác quan. Còn tôn giáo thì nhắm vào ngoại cảnh và con người trong bối cảnh đó. Khoa học chỉ nhắm vào sự quan sát ngoại vật; tôn giáo thì nhắm vào con người với khả năng của các giác quan đối với ngoại cảnh.

Vì tôn giáo nhắm vào sự phát triển mức độ tinh thần của từng cá nhân, cho nên đây là điểm khá phức tạp nơi tôn giáo.

Dù trong trường hợp nào, tôn giáo cũng chỉ nhắc đến con người khi mà họ đang có những vấn đề, và vấn đề nầy cần được giải quyết.

Khi mà tìm nguyên nhân của một vấn đề thì tôn giáo nhìn vào ngoại cảnh chung quanh, không khác chi là khoa học. Tôn giáo nhìn vào ngoại cảnh để tìm ra nguyên nhân của vấn đề, hoặc của đau khổ.

Tôn giáo tìm kiếm sự thật để giải quyết những vấn đề của con người, trong khi đó thì khoa học tìm sự thật chỉ để thỏa mãn khối óc tò mò.

Có những tôn giáo vì muốn có câu trả lời cấp tốc cho một số vấn đề đã buộc phải giải thích rằng nguyên nhân là do những lực ngoài khả năng của con người, như lực của thượng đế, thánh thần, ma quỷ, v...v...

Về những hiện tượng thiên nhiên như sấm sét, động đất, v...v... những buổi cầu nguyện hay tế lễ được đặt ra. Về bệnh hoạn, sợ hãi hay bệnh tâm thần, thì những người 'đồng cốt, thầy bùa' làm những lễ đặc thù huyền bí để chữa bệnh. Trong lúc đó khoa học vì không bị thúc đẩy phải có câu trả lời cấp tốc nên họ tìm kiếm nguyên nhân và truy xét một cách từ từ .

Về mặt tôn giáo, Phật giáo nhắm vào cuộc sống của con người, nhưng không quy lỗi của những vấn đề chỉ nơi ngoại cảnh. Phật giáo nhìn vào nguyên nhân của vấn đề nơi 'Nhân và Quả"-- Nhân và Quả nơi con người như có những ý nghĩ không lành mạnh, hoặc hành động không tốt -- bên ngoài cũng như bên trong, dù có hình tướng hay không hình tướng.

Theo bình thường thì những tôn giáo giáo huấn tín đồ bằng những luật lệ, để củng cố nền đạo đức hay nhân phẩm. Nhưng thường thường thì vì vâng lời, hoặc sợ bị trừng phạt, hay vì lợi ích về sau mà người ta tuân theo những điều luật nầy, hơn là vì hiểu rõ những nguy hại cũng như lợi ích của nó theo quy luật của thiên nhiên.

Tôn giáo hướng vào những khát vọng khác nhau của bao từng lớp con người; vì vậy theo thời gian, tôn giáo cũng có nhiều tông phái vì trình độ hiểu biết của con người cũng không giống nhau.

Trong quá khứ, sự thật khoa học được kiểm chứng bằng năm giác quan; theo thời gian, chúng ta có những dụng cụ tối tân như viễn vọng kính, kính hiển vi, làm tăng cường khả năng của các giác quan. Nhưng nay thì những dụng cụ nầy đã đạt đến tuyệt đỉnh của chúng, và bây giờ chúng ta cần những máy móc tinh vi hơn, tuyệt xảo hơn.

Hiện nay ngôn ngữ toán học và vi tính là những dụng cụ mới nhất được dùng cho việc kiểm chứng.

Sự phát triển của khoa học tăng dần với những dụng cụ kiểm chứng tối tân, đã trở thành một nghành chuyên môn mà ít có người lãnh hội

được ,vì một người bình dân đâu có phương tiện có những máy móc tối tân để giúp họ kiểm chứng về những phát minh của khoa học.

Ngược lại, tôn giáo dành cho số đông. Cho nên một người bình dân vẫn có thể hoặc tiếp thu hoặc loại bỏ mà không cần kiểm chứng.

Mặc dầu có một số tôn giáo, tựa như khoa học, dành phần 'sự thật' cho một số ít được lựa chọn, các thầy tu, thầy tế lễ, có khi họ còn được ưu tiên để mà thăng tiến trên đường tâm linh, và đây là kết quả của sự điều hành có tính cách cá nhân hơn là bản chất thật sự của tôn giáo.

Phật giáo thì không có phân biệt vì bản chất thật của thiên nhiên là Phật tánh. Làm sao chúng ta có thể độc tôn Phật tánh? Mỗi một cá nhân có quyền hiểu và thực hành để giác ngộ sự thật, tuỳ theo sự thông minh và hiểu biết riêng của mỗi người.

Nên nhớ là có hai loại không có khả năng kiểm chứng sự thật. Loại thứ nhất vì không có những dụng cụ cần thiết để kiểm chứng, loại thứ hai thì vì những sự thật nầy không thể kiểm chứng bằng dụng cụ.

Hiện tại khoa học đang rối đầu về hai vấn đề nêu trên, nhất là cố gắng định nghĩa về sự thật tối cao, hoặc giả tìm tòi câu trả lời trong thế giới của tinh thần.

Nếu cái nhìn của khoa học không được mở rộng, thì chắc chắn khoa học sẽ đi vào ngõ cụt. Khoa học có được nguồn cảm hứng phải tìm cho ra câu trả lời về vũ trụ, nhưng hình như chúng ta chưa bao giờ có được câu trả lời thích đáng. Cũng như trong sự tìm tòi nghiên cứu khoa học dường như gần tìm thấy sự thật, nhưng hiện tại sự thật vẫn nằm ngoài vòng tay của khoa học.

Thêm vào khoa học 'mới' và khoa học 'cũ', hoặc vật lý 'cũ', vật lý 'mới', chúng ta còn có một thứ khoa học dành cho những người chuyên môn và một thứ khác dành cho người bình dân. Bao nhiêu là khái niệm khoa học mà một người bình dân không thể nào tưởng tượng được. Chẳng những anh ta không có khả năng để hiểu, còn nói chi việc tự kiểm chứng. Đây không phải chỉ xảy ra cho người bình dân : một số khái niệm của khoa học cũng rất khó hiểu và không tưởng tượng nỗi đối với một số khoa học gia...Vì vậy chỉ có thể tin vào lời nói người đi trước .

Hãy lấy một thí dụ. Theo khoa học, ánh sáng chỉ là một làn sóng và là một phân tử.

Những khoa học gia đi tìm định nghĩa cho bản chất của ánh sáng : 'đây là một phân tử, đúng không ?'

Một nhóm trả lời,' đúng thế. Đây là một phân tử, một luồng năng lượng điện lực (photon)'.

Nhưng nhóm khác lại nói, ' Không, ánh sáng là một làn sóng.'

Cuối cùng thì ánh sáng vừa là một phân tử và vừa là một làn sóng. Nhưng đó là cái gì vậy ? Điều nầy cần được chứng minh bằng toán học, và bước nầy thật là ngoài tầm hiểu biết của người dân bình thường.

Hãy nhìn vào một số thí dụ khác : những nhà thiên văn nói với chúng ta là có những lỗ hũng đen (black hole) trong vũ trụ. Chúng là những vì tinh tú có sức hút rất mạnh đến nỗi ánh sáng là một phân tử cũng không thoát khỏi, cũng bị hút vào đó. Bây giờ đối với một người bình thường, họ phải hiểu sao đây? Cái gì mà ánh sáng cũng không thoát khỏi?!

Kế đến họ nói trong những lỗ hũng đó, vật chất và năng lượng đều bị kết lại thành những khối dầy đặc mà không có gì trên trái đất có thể so sánh được. Để minh họa, họ nói, nếu khoảng không, của một tòa nhà lớn như Empire State Building, (một trăm lẻ hai tầng), được lấy ra và trọng lượng của khoảng không nầy được kết dồn lại như kích thước của một cây kim! Những khoa học gia giải thích như trên về định nghĩa lỗ hũng đen là gì. Một người bình dân phải hiểu sao đây ?

Thật ra, làm sao có thể hiểu được kích thước chỉ bằng cây kim mà trọng lượng lại là một toà cao ốc 102 tầng. Không thể nào hiểu nỗi--chúng ta chỉ có cách là tin họ. Chúng ta tin vào khoa học trong một thời gian khá dài, cho dù có những nghi vấn . Nhưng thật ra trong lòng, chúng ta ai ai cũng đều tự hỏi, ' ủa, cái gì kỳ vậy? làm sao được kìa?'

Khoa học còn đang tìm cách chứng minh những tài liệu góp nhặt của họ. Những tài liệu nầy cũng chưa giải thích được những câu hỏi thông thường về thiên nhiên, vũ trụ, cũng như sự hiện hữu của một phân tử.

Khoa học đã đi rất xa về những kiểm chứng bằng các giác quan. Những giả thuyết được chứng minh bằng toán học, và rồi lại được thông dịch bởi những nhà vật lý. Sự thật được thu gọn trong những bài toán đại số, mà toán đại số không phải là chân lý, nên làm sao có thể giải thích về sự thật một cách rốt ráo được. Khoa học gia người Anh, ngài Arthur Eddington là người tìm ra phương cách để chứng minh thuyết vật lý của Einstein, đã nói như sau :

"Khoa học không có khả năng dẫn dắt con người đến chân lý. Khoa học chỉ có thể dẫn con người đến cái bóng của những ký hiệu ."

Cả đến những phương thức quan sát kiểm chứng của khoa học cũng không thật chắc chắn trăm phần trăm, vì bị giới hạn bởi những dụng cụ hay công thức.

Ngày xưa chúng ta tin tuyệt đối vào định luật sức hút của Newton, cho đến khi Einstein chứng minh rằng điều nầy không đúng hoàn toàn. Trên phương diện hạ nguyên tử (subatomic), định luật sức hút không áp dụng được. Trong thời của Newton, đâu có những dụng cụ để mà quan sát hạ nguyên tử. Chúng ta phải đợi đến thế kỷ 20 với sự hiện diện của Einstein, dùng toán học và lý luận để nhận định sự thật. Vì vậy chúng ta phải cẩn thận. Không thể tin chắc chắn vào điều gì, cho dù điều đó có được kiểm chứng bằng một cuộc thí nghiệm.

Tôi nhớ đến chuyện đàn gà và nông dân Brown. Mỗi sáng đàn gà thấy nông dân Brown đem đồ ăn đến. Ngày nào thấy ông Brown thì đàn gà được cho ăn. Cho ra công thức : "Gà thấy ông Brown = được cho ăn.

Vào một buổi sáng, ông Brown đến nhưng trong tay ông là một con dao... Công thức - Gà thấy ông Brown = được cho ăn -- bị biến thành

Gà thấy ông Brown = bị cắt cổ. " Vì thế sự kiểm chứng bằng cách quan sát liên tục không đứng vững, vì vậy không thể là một kết luận có thể định trước được.

Khoa học đáng lý phải giúp con người hiểu biết hơn, nhưng qua những kỹ thuật hiện đại ngày nay, con người chỉ biết hưởng thụ, chỉ nuôi dưỡng thêm tham, sân, si. Truyền hình được phát minh, thay vì xem để học hỏi thêm, để tăng trưởng sự hiểu biết và trí thông minh, nhưng phần đông con người chỉ xem TV là một thứ tiêu khiển giết thời giờ, và do đó họ trở nên quá dễ dãi và thờ ơ. Chúng ta có những phương tiện thông tin tối tân, thay vì dùng chúng để mở mang kiến thức, sự hiểu biết; đàng nầy ta dùng chúng để khuyến khích sự si mê.

Khoa học không chịu trách nhiệm về những lạm dụng kỹ thuật nầy. Thay vì dùng những kỹ thuật tối tân để giúp đời, chúng ta dùng chúng để làm giàu cho chính mình. Do đó, khoa học để cho số đông tựa vào tôn giáo. Đỗ lỗi cho ai đây ? Khi một người hỏi : " Tại sao tôn giáo làm cho con người dễ tin quá?" nhưng cũng bị hỏi ngược lại " Tại sao khoa học lại bỏ rơi con người cho tôn giáo?"

Có rất ít người có được sự hiểu biết sâu sắc về khoa học. Phần đông, họ chỉ tin vào những gì họ nghe nói hoặc họ học được . Vì vậy khoa học ngày nay từ từ cũng trở thành gần như tôn giáo, chỉ có tin hay không tin mà thôi.

Khi mà khoa học có thể giải đáp rốt ráo được những câu hỏi của con người thì lúc đó khoa học sẽ được hoàn hảo. Có những tôn giáo sẽ bị đào thải. Ngược lại, tôn giáo nào mà dẫn đến chân lý, sẽ đứng vào vị trí thống nhất với khoa học. Lúc đó, khoa học và tôn giáo sẽ đạt đến một điểm chung, điểm cuối cùng nơi mà tôn giáo trở nên khoa học và khoa học trở thành tôn giáo, sự chia rẻ đôi bên sẽ vĩnh viễn bị mất đi .

Chúng ta đến trái đất chỉ trong một thời hạn. Những hoàn cảnh đang đe dọa chung quanh không cho chúng ta trể nãi. Những vấn đề trong cuộc sống cần được giải đáp cấp tốc hoặc cần có một thuốc chữa-- bây giờ, ngay cuộc sống hiện tại.

Cho dù khoa học có cách giải quyết một số vấn đề của chúng ta, khoa học cũng bị trở ngại là " ít quá, trễ quá." Khi nói "ít quá", tôi muốn nói đến sự hiểu biết của khoa học về những vấn đề cơ bản trong cuộc sống con người. Khoa học không thể làm cho con người tốt hơn, không làm cho con người vui vẻ, không thể chỉ cho con người làm sao để sửa đổi những thói quen xấu, không trị được đau khổ, buồn bã, giận hờn, thất vọng, v...v... Khoa học không thể giải quyết được những vấn đề xã hội.

Về mặt y học, khoa học đã phát minh một số thuốc giúp ích cho một số bệnh nhân mất ngủ, hay bị bệnh tâm thần... Một số người bệnh tâm thần nặng được bớt bệnh. Và những khoa học gia tin rằng trong tương lai họ có thể phát minh ra được viên thuốc làm cho con người hạnh phúc. Khi mà bạn đang buồn, uống vào viên thuốc tức khắc nỗi khổ tan biến liền...Nhưng lúc nầy không còn là y học nữa, mà biến thành chủ nghĩa khoái lạc. Khoa học đã chứng minh được rằng trong óc của con người, khi vui hay buồn đều tiết ra những chất hóa học, nếu khoa học có thể chế ra những chất nầy thì khi buồn hay thất vọng chỉ cần uống viên thuốc sẽ yêu đời ngay. Những viên thuốc 'hạnh phúc' sẽ được bán như thực phẩm, lúc ấy sẽ không còn ai buồn khổ hay thất vọng, chỉ có yêu đời và hạnh phúc thôi.

Tôn giáo thì muốn đưa con người đến chỗ tự do. Con người có thể hạnh phúc mà không cần những điều kiện từ bên ngoài đưa đến. Nhưng sự dùng thuốc để được hạnh phúc sẽ bắt con người nương dựa vào những điều kiện bên ngoài để được hạnh phúc, làm cho con người mất dần khả năng tự chủ.

Khoa học không khác các tôn giáo cổ xưa là bao, khi bắt con người dựa vào những phát minh của khoa học để mưu cầu hạnh phúc. Ngày xưa cũng thế, vì sợ thánh thần, thượng đế trừng phạt, con người đã cầu xin, van lạy, cúng tế và đặt mạng sống họ vào tay đấng thiêng liêng. Trong hai trường hợp, hạnh phúc và khổ đau của con người nằm trong tay các đấng thiêng liêng hoặc những điều kiện từ bên ngoài; và như vậy khoa học và tôn giáo cổ xưa đã hủy hoại tính độc lập của con người.

Khoa học tự nó không có khả năng giải quyết những vấn đề của con người. Theo từ ngữ Phật giáo, khoa học và kỹ thuật không khuyến khích con người có những hạnh kiểm tốt (sila), không khuyến khích con người thanh lọc tư tưởng (samadhi). Khoa học tìm kiếm gom góp những tài liệu nhưng không chỉ cho chúng ta cách sống thế nào để hạnh phúc (panna).

Điều thứ hai là "trễ quá." Sự thật của khoa học không hoàn toàn, nên không thể cho chúng ta những câu trả lời thích đáng, và cũng chưa có dấu hiệu gì cho thấy là khoa học có thể trả lời những câu hỏi trên.

Sự hiểu biết về khoa học thì thay đổi không ngừng. Lúc thì như thế nầy lúc thì như thế kia. Nếu chúng ta phải ngồi chờ khoa học cho câu trả lời thích đáng thì có lẻ chúng ta sẽ chết trước khi biết được phải sống như thế nào cho xứng đáng với cuộc sống của mình.

Khoa học luôn tìm một nguyên tắc chung nhưng họ chỉ tìm được một phần nhỏ của nguyên tắc đó, như tìm được những mảnh vụn của một tấm hình lớn. Trong khi chờ đợi khoa học giải thích về sự thật, chúng ta dùng những tiện nghi kỹ thuật đang có để nâng cao đời sống của chúng ta và cũng để chìu theo những dục vọng của chính mình.

Như vậy, thật ra không phải khoa học, mà là kỹ thuật đã cho chúng ta những kết quả cụ thể. Để trả lời cho sự thật ( hoặc không phải sự thật) của thế giới thiên nhiên, con người phải dựa vào tôn giáo. Dùng khoa học chỉ để có những tiện nghi vật chất. Đây là trường hợp của ngày nay.

Tôn giáo vẫn tồn tại trên trái đất vì con người vẫn còn chờ đợi một câu trả lời đầy đủ và hoàn toàn; câu trả lời đúng với trường hợp và có thể thực tập được liền. Vì những câu trả lời không được kiểm chứng và vì khoa học không thể chứng minh được, cho nên phần đông con người tự tìm lấy niềm tin của mình.

Khoa học tiến nhanh nhưng chỉ trên phương diện kỹ thuật vật chất, còn về những nhu cầu của con người tìm hiểu sự thật về thiên nhiên thì khoa học chưa có tiến triển gì khả quan.

Trong việc áp dụng khoa học và kỹ thuật, lỗi lầm vẫn thường xảy ra. Sự sai lầm xảy ra vì không hiểu biết, vì thiếu kiểm soát hoặc thiếu thận trọng mà ra.

Chẳng hạn thuốc 'chloramphenicol'. Có một dạo thuốc nầy tràn lan. Thuốc nầy nổi tiếng là thần dược, trị được bá bệnh. Khi bạn bệnh, chỉ cần mua và uống vài viên'chloramphenicol' được bầy bán khắp nơi. Chừng khoảng mười năm sau, khám phá ra rằng chất thuốc nầy được tích tụ lại trong cơ thể và làm cho xương tủy ngừng phát triển những huyết cầu trong máu, và rất nhiều người chết vì bệnh bạch hầu (leukemia). Kế đến là thuốc DDT. Có dạo chúng ta nghĩ với thuốc DDT những vấn đề kiến, sâu, muỗi...sẽ không còn nữa. Con người nghĩ rằng họ có thể trừ diệt sâu bọ tận gốc với DDT. Mấy năm sau, khám phá ra rằng DDT có tính chất gây ung thư, có thể làm chết người. Thêm vào đó, trong lúc con người mang bệnh về chất thuốc nầy thì lũ sâu bọ được miễn dịch (immune), và thuốc trừ chúng không còn hiệu lực nữa. Một số quốc gia đã cấm dùng DDT, nhưng bên Thái Lan vẫn còn dùng DDT cho đến ngày nay.

Và đây là trường hợp thuốc 'thalidomide'. Thalidomide là thuốc giảm đau rất được ưa chuộng trong y khoa. Thuốc nổi tiếng là đạt tiêu chuẩn vì trải qua rất nhiều thử nghiệm. Thuốc được tin dùng và quảng bá rằng là loại thuốc an toàn nhất. Thuốc được ca ngợi đến nỗi những nước giàu có, văn minh thường rất thận trọng về thuốc và y học, đã cho phép thuốc được bán theo toa bác sĩ. Thuốc bán được khoảng năm năm, cho đến năm 196l, khám phá ra rằng thuốc nầy khi uống bởi những phụ nữ đang mang thai, sẽ làm thai nhi bị biến dạng. Quá trễ vì khi thuốc bị thâu hồi nơi thị trường, thì đã có khoảng 8000 trẻ sanh ra bị dị dạng. Thí dụ khác, trường hợp CFC's (chlorofluorocarbons). Nhóm hóa chất nầy được tin dùng cho tủ lạnh, máy lạnh, và những chai thuốc xịt. Nhưng sau đó, những khoa học gia và những nhà môi trường trên thế giới đã lên tiếng là những chất nầy làm mất đi một phần màn khí uyển (ozone layer) cần thiết cho trái đất của chúng ta. Và do đó, những gì chúng ta nghĩ là tốt, là có lợi ích trở thành có hại.

Sự phát triển của khoa học giúp cho sự hiểu biết của con người được nâng cao, đây là điều không chối cãi được. Nếu chúng ta nhìn kỹ sẽ thấy sự phát triển của khoa học đồng thời cũng làm cho sự thông minh và hiểu biết của con người bị suy kém. Lúc đầu mới phát triển, khoa học đã gây một ấn tượng sâu sắc cho con người với những phát minh mới lạ. Lúc ấy, tất cả mọi người đều trông chờ vào những phát minh mới và những kỹ thuật tân tiến. Tất cả những bí mật của thiên nhiên sẽ được khám phá và khoa học sẽ đưa con đến một thời đại hạnh phúc hoàn toàn. Những người tin tưởng hết lòng vào những câu trả lời của khoa học bắt đầu nghi ngờ tôn giáo, và đã có rất nhiều người mất hết niềm tin và bỏ đạo.

Đáng tiếc thay, sự thật mà khoa học cung cấp chỉ là một phần nhỏ. Khoa học chỉ đối phó với thế giới vật chất. Khoa học không có câu trả lời cho những vấn đề nội tại của con người, và vì vậy con người đành quay lại với tôn giáo.

Khoa học không thích thú tìm hiểu về vấn đề nội tại của con người, con người thì không để ý đến những điều nầy, vì vậy sự hiểu biết bị gián đoạn, tinh thần cũng như tâm linh của con người bị chậm tiến, có nơi còn bị thoái hóa.

Theo luật thiên nhiên, cuộc sống và những vấn đề của con người không cho phép con người lơ là với tôn giáo. Theo nguyên tắc cơ bản, những câu trả lời cấp tốc và thiết thực đang cần thiết hơn bao giờ hết. Khi mà con người không còn bị lôi cuốn bởi khoa học; lúc đó, họ sẽ quay trở về với tôn giáo để tìm câu trả lời. Nhưng vì đã có sự gián đoạn nơi mặt phát triển tinh thần, nên con người tìm kiếm loanh quanh, và vì thế cần phải có một bước đầu mới. Nơi những nước văn minh, hiện đại, ta thấy có sự phát triển mạnh về tôn giáo, mà nơi đó sự dị đoan và dễ tin vẫn hiện diện mặc dầu họ đang sống trong một xã hội rất văn minh và tân tiến về mặt kỹ thuật.

Nhưng cũng nhờ vào khoa học mà con người hiểu rõ hơn về những tôn giáo đang có mặt. Tôn giáo trong vai trò chủ động, trong vài tông phái, đã lợi dụng cơ hội để ngăn chận sự phát triển trí thông minh của con người. Vài tôn giáo vẫn còn bám víu một cách mù quáng vào những thực hành & niềm tin vô lý.

Nói về sự phát triển của khoa học : thái độ cũng như cách thức của môn nầy đã ảnh hưởng tốt đến tôn giáo cũng như thái độ của tôn giáo trong xã hội. Ít ra khoa học cũng giúp cho tôn giáo phải ước lượng lại giáo lý & thái độ hiện có. Khoa học được coi như là một thước đo để đánh giá những câu trả lời được đưa ra từ những tôn giáo khác nhau.

Tuy nhiên, theo ý kiến chung, đặc biệt ở những nước mà ảnh hưởng khoa học luôn hiện diện, khoa học không ích lợi mấy cho cuộc sống cũng như không đem lại an lạc cho tinh thần. Khá nhiều người không thích mấy khoa học. Khi mà họ nhìn khoa học với vẻ tán thành, niềm tin của họ cũng không khác người xưa là bao, khi người xưa nhìn vào bùa chú, pháp thuật. Thật là ngây thơ, khi cơ bản không dựa trên sự hiểu biết. Đây mới là tinh thần khoa học. Khi mà số đông nghĩ về khoa học, họ thường nhìn thẳng đến những phát minh kỹ thuật; những kỹ thuật được dùng như một phương tiện để thỏa mãn những ham muốn của họ. Vì vậy, sự phát triển của khoa học chỉ có ảnh hưởng rất nhỏ trên phương diện kiến thức, hiểu biết, và quan niệm xã hội.

Con người bắt đầu bớt thích thú về khoa học và bắt đầu tìm kiếm những gì họ cần nơi tôn giáo. Nhiều tôn giáo nhắm vào những điểm nầy trên những trình độ khác nhau. Đồng thời có những thành viên trong vòng khoa học bắt đầu công nhận giới hạn của khoa học chính thống, và mở mang sự nghiên cứu trong cái nhìn của tôn giáo. Bước đầu cho sự kết hợp giữa tôn giáo và khoa học, để cùng dẫn dắt nhân loại đến sự thật, hòa bình, với một cuộc sống không còn những bám víu điên rồ.

Mặt khác, có thể là khoa học đang tìm cách chứng minh những gì mà tôn giáo đã nói đến. Khi mà nhân loại không thể chờ đợi câu trả lời, thì chính tôn giáo là câu trả lời cho chúng ta. Khi mà điều nầy chưa được minh chứng thì chúng ta chỉ có cách chấp nhận, chờ khoa học từ từ chứng minh. Trong bối cảnh nầy, khoa học là một cố gắng của con người để chứng minh những sự thật (hoặc là không thật) của tôn giáo.

Nhìn vào phương diện nầy, tôn giáo và khoa học hòa hợp với nhau; vì đều bắt nguồn từ một điểm tương đồng, và một lần nữa tôn giáo và khoa học hợp nhất.

Theo thời gian, những giới hạn về cách thức của khoa học sẽ một lần nữa được nhận diện. Khoa học sẽ không thể nào chứng minh được những sự thật mà tôn giáo nói đến. Hiện nay một số khoa học gia bắt đầu công nhận rằng chân lý tột cùng mà tôn giáo đưa ra sẽ luôn nằm xa tầm tay của khoa học.

Ghi chú :

-Sir Arthur Stanley Eddington, The Nature of the Physical World. (New York- Macmillan, 1929), p.282 .

-(*) Sila, samadhi and panna, or moral restraint, concentration and wisdom, are the threefold foundation of Buddhist training.

[Trích dịch từ Bhikkhu P.A. Payutto, Toward Sustainable Science. A Buddhist Look at Trends in Scientific Development . (Bangkok - Buddhadhamma Foundation, 1993) pp 27-52].

Các tác phẩm khác của Bhikkhu P.A. Payutto

Già Và Chết