Câu Dầm
Tác giả: Bình Nguyên Lộc
Viết theo một chuyện cổ tích của làng Tân uyên để tặng những đứa con yêu mến của Tân Uyên đã xiêu bạt khắp mọi nơi sau mùa tiêu thổ 1945.
Tôi ưa đi câu, không phải để được cá bởi vì tôi nặng bóng vía lắm:
Cá không ăn câu, mồ cha con cá dại
Cần câu anh cầm, nghĩ lại con cá khôn.
Cũng không phải theo dấu của ông già sông Vị đợi chờ chúa Thánh rước về làm tướng Tây kỳ.
Đi câu, đối với tôi là những giờ mà lòng được nhẹ bổng không buồn, không vui, lâng lâng như đã thoát trần. Đi câu là những giờ rình một tăm cá hay lơ đãng ngó theo bóng chim thằng chài xẹt mau như sao băng, hoặc xem „từng mây lơ lửng trời xanh ngắt “. Đó là những phút hồi hộp nhìn cái phao chìm lần... chìm lần, nghe đầu cần câu nặng nặng. Rồi... roạch một cái, con cá gì đó đã sứt mép còn lưỡi câu thì góa mồi, mồ hôi ngư ông nhỏ giọt... Đi câu là xem những con sông, ngọn rạch, tựa hồ như những con đường biết đi, mang theo hình ảnh của cả một sự sống, một cuộc đời hiếu động. Đi câu là vớt những trái tràm, những bụi cây rù rì trôi từ trên nguồn về để nghe nó kể lể chuyện rừng xanh.
Tôi lại thích đi câu dầm. Vì vậy mỗi lần về quê, tôi về vào mùa mưa để đi câu dầm, tìm lại những cảm giác đã sống qua ngày nào.
Phải nói cho các bạn nghe câu dầm là làm sao chớ. Có gì đâu: vài chục cần câu tre ngắn, đâu cần uốn cong như cây cung, đuôi cần vạt nhọn, nhợ câu ngắn hơn cần một chút, lưỡi thép hơi to.
Ở làng tôi người ta gọi đó là câu cắm, là vì cần câu được cắm dài theo bờ ruộng, có người lại kêu là câu bủa, vì cần nhiều, bủa khắp đồng ruộng. Còn câu dầm của họ thì lại là một cách khác nữa.
Nhưng tôi có cần gì nói trúng một tiếng nhà nghề của địa phương đâu. Câu dầm của tôi là một cuộc đi câu ban đêm, những đêm mưa dầm, phải dầm mưa mà câu.
Ở đây, câu, đối với tôi cũng không phải là bắt cá bằng cần. Đi câu dầm là hứng lấy những hột mưa nhọn hoắt, đón những ngọn gió lạnh quíu tay để được tận hưởng trong tưởng tượng cái cảnh ấm êm, chăn gối nệm bông.
Bơ vơ trong bóng tối, thèm thuồng một ngọn đèn xa... Lắng nghe sự sống bí mật, âm thầm của côn trùng trong cỏ, trong lau... Rùng rợn vì tiếng vạc não nùng như tiếng một cô hồn đau khổ, và tiếng thì thầm của đêm tối, tiếng gió vi vu...
Đó là những thú lạ thường mà người kỳ khôi hay tìm kiếm. Nhưng điều nầy thích hơn hết, là đi câu dầm thế nào cũng gặp ông Ba Sa.
*
* *
Ông Ba Sa là một người thuộc về âm. Ban ngày không ai thấy ông đâu hết, trừ khi ông giúp đám ma, nhà héo, đi cúng chùa, cúng đình. Những lúc hội họp xóm làng như vậy, ông ít nói chuyện với ai, không hiểu vì thói quen sống cô độc, hay vì lẽ gì khác.
Như một con cú ăn đêm, bạn bè với bóng tối, ông Ba chỉ ra khỏi nhà lúc đỏ đèn để đi câu dầm, về mùa mưa. Còn trong những tháng nắng ruộng khô không biết ông làm gì.
Đêm nào tôi cũng thấy ngọn đèn ông Ba leo lét đằng xa. Một khi kia nghe mình hiu quạnh cô đơn quá, cần phải nói với ai một điều gì, hay ít ra cũng cần sự có mặt một „hơi“ người bên cạnh, tôi mò lần lại cái đóm đỏ, ẩn hiện như đèn ma đằng kia.
Ông Ba cũng không tìm cách trốn tránh gì tôi, song cái miệng làm thinh của ông thì không ai cạy nổi.
Nhưng tôi đã có những chiếc đũa phép, một điếu thuốc mời, rồi hai điếu, rồi ba, rồi không còn biết là mấy điếu nữa. Trong những lúc như vậy mới biết hút thuốc điếu là sướng.
Cái sức nóng nhỏ mọn của điếu thuốc như thấm nhuần khắp châu thân, nghe như đỡ lạnh mình và lạnh lòng.
Khói thuốc xui người khép nép nhứt cũng phải cởi mở lòng. Lời qua, tiếng lại, ban đầu còn cụt ngủn, xẳng lè lần lần thân mật, có bao nhiêu trút rót ra không tiếc.
Một tiếng sét đằng xa vọng lại, tức thì ông Ba có chuyện Thiên Lôi, chuyện lưỡi tầm sét để nói cho tôi nghe liền.
Ông Ba biết rất nhiều chuyện yêu ma, và ở đây, hoàn cảnh rất thích hợp để gợi sự hãi hùng, rùng rợn.
Nào là chuyện thằng cha đi câu dầm, đêm kia gặp một bà già lạnh quíu, run rẩy bên đường. Động lòng thương, anh ta cõng bà ấy về làng. Nhưng dọc đường nghe càng lâu, càng nặng, nặng quá, đi không nổi. Anh ta ngó ngoái lại thì trời ơi, đó là một cỗ hòm lâu đời, mục nát, hôi tanh...
Lại chuyện anh chàng đi soi ếch, nửa đường có thằng nhỏ xin theo xách giỏ.
Tới khuya, anh ta xem lại giỏ coi được nhiều hay ít... thấy máu chảy ròng ròng, ếch thì con nào con nấy cũng mất đầu, anh ta hỏi lẩy thằng nhỏ:
- Bộ mầy ăn ếch sao mậy?
- Ừ, tôi ăn.
- Bộ mầy là ma sao mà...
Anh chưa dứt tiếng thì trời bỗng chớp lòe, thấy miệng thằng nhỏ dính máu tèm lem, túa lụa, còn lưỡi nó thì le ra dài tới rún...
*
* *
Áo tơi và nón trũm của chúng tôi không đủ che mưa, đỡ gió. Chúng tôi lại hút thuốc cho ấm. Một điếu, rồi hai điếu... rồi ba, bốn, năm, sáu điếu.
*
* *
- Cái thở [1] mà tui [2] còn trai như cậu - một đêm kia ông Ba kể - tôi có thèm câu cắm như vầy đâu. Cá ruộng, một năm có mấy tháng mà bán cũng không bao nhiêu tiền. Hồi đó con sông Đồng nai của mình còn nhiều cá, mà cá lớn, tôi chỉ đi câu xuồng. Một ngày, một đêm, kiếm mạt lắm cũng được năm quan tiền [3] .
Tôi cũng biết sát phạt quá, bắt vật trời sanh lắm thì mang tội, song nghèo thì biết tính sao. Thôi thì tới đâu hay đó, nữa chết xuống dưới phải tội nào hay tội nấy. Nhưng tôi “đã xuống dưới” trưởc khi chết, nên từ ấy những nay, tôi dẹp cái nghề câu sông đi.
Ông Ba rút một hơi thuốc dài, rồi cho khói ra lỗ mũi chầm chậm... Đoạn ông thuật tiếp:
- Cậu cũng biết chớ... chợ Tân uyên mình địa thế tốt lắm. Mấy thầy địa lý cắc chú đi du phương, qua đó, thầy nào cũng khen. Nên cái chùa „Ông“ [4] sau chợ bị nhà nước bắt dời đi mấy lần, mà „cắc chú“ họ cứ rủ nhau xin để lại cho được mới nghe. Trước chợ, con sông, bờ cao ngất.
Nước sông trước chợ lại vận thành xoáy khu ốc, như cố ý dừng lại trước một địa thế linh thiêng. Bên kia sông, ngay chợ, khu rừng cấm Bình hưng trên hòn cù lao Tân chánh, ngó giống tấm bình phong, hay cái tam quan trước chùa chiền. Rừng sầm uất, cây cao, bóng mát đứng trên mé vực cao, nghiêm nghị rọi mình xuống sông sâu. Nếu không có chợ, nhà, người đi ghe thương hồ qua đó không khỏi sởn tóc gáy, vì cái vẻ linh thiêng, tịch minh của nó.
Mấy ông hồi trước thuật rằng: ngay dưới miếng đất cất chợ có một cái hang ăn luồn vô riết tới chùa Ông, tới chỗ cái hồ trên miệng có xây con cá hóa long, cậu biết chớ ?
Một đêm kia, cái nhà sàn của chú Sang, cất dựa mé sông, bỗng đổ sụp. Bao nhiêu của cải, vàng bạc đều đi tuốt hết, còn chủ nhà và vợ con thì, may quá, lội vào bờ được. Chú Sang mướn thợ lặn, định mò vớt của lại. Nhưng cái anh thợ lặn ấy tìm hoài không thấy dấu vết cái nhà, không lượm được lấy một mảnh ngói, một tấm ván nhỏ. Anh ta gặp một miệng hang, ngó vô tối đen như mực. Hang thần được dân làng biết từ đó.
Đó, mấy ông thuật rằng trong hang đó có một cặp cá bóng tu lâu đời thành thần. Hai vị thần nầy đã linh, lại hiền từ, nhơn đức hay phù hộ dân làng.
Cậu thấy không, người trong làng mình phần nhiều có chữ, đất địa có "Mão quan“ rõ ràng.
Trong khu rừng cấm trước chợ lại có cặp "cù“ cũng tu lâu đời thành thần. Nhưng đó là hai vị thần nhỏ, tướng của thần cá bóng.
Thần Cù rất hung ác, tham lam...
À! Quên cái nầy, mấy ông nói nhỏ cho nghe rằng Thần Cù là cặp rắn, lớn mà ngắn, mồng đỏ, mỏ nhọn... Hễ năm nào dân làng không cúng hối lộ thì năm đó thế nào cũng bị tai họa. Cái chợ hồi trước còn lợp tranh, cứ vài năm lại cháy một lần. Đêm trước khi cháy chợ, dân làng nghe bên rừng tiếng gầm thét vang trời. Bởi vậy, hằng năm làng có lập đàn làm chay trước chợ, để tế Thần Cù và luôn tiện bổ thí cô hồn, các đảng [5] .
Mấy ông lại thuật rằng có lần kia, một người câu xuồng, bỏ neo tại bến Trâu, núp dưới bóng một cây nhông. Chỗ ấy rậm rạp, đi thuyền trên sông không thấy được. Khi đương câu, anh ta thấy giữa dòng sông nổi lên một con rùa lớn bằng cái nia. Rùa ngó quanh quất rồi lặn xuống liền, nửa giờ sau, người đi câu được mục kích một cảnh tượng hết sức lạ lùng. Nơi mà con rùa hiện lên hồi nãy, thấy có khói từ dưới nước bay lên. Đó là khói hương trầm thơm ngây ngất, bay tản ra khắp mặt sông. Rồi từ từ nổi lên hai vị thần, một vị nam, một vị nữ, ngồi đối diện trước một bàn thạch. Hai vi thần nầy, đen hắc, đầu đội mão hình đuôi cá, xiêm y rực rỡ những vảy cá ngũ sắc, những vỏ ốc xa cừ. Xem kỹ lại thì thấy thần đương đánh cờ. Chừng đâu được tàn một điếu thuốc bỗng nghe vị nữ thần nói: “Ông nè, ở đây nghe như có hơi phàm”. Vị nam thần bèn ngước lên, nhìn quanh, dừng mắt lại phía xuồng câu, nhìn chăm chỉ rồi châu mày, tỏ vẻ khó chịu. Người đi câu còn hoảng sợ thì cả thần và bàn thạch đều chìm một cách mau lẹ.
Một lát sau, nơi khúc sông ấy, máu trào lèn nhuộm đỏ khối nước và thây con rùa ban nãy nổi lình bình. Các ông nói đó là một vụ trừng phạt tên lính dọ đường không kỹ, để mắt tục dòm thấy cảnh thân mật của thần.
Tôi chận ông Ba lại nói: “Tích nầy tới đây tôi đã biết, người nào ở Tân uyên lại không rõ chuyện “Cặp Cá Bóng tu dưới chùa Ông” và chuyện “Cặp Cù gáy cháy chợ”. Nhưng rồi làm sao nữa?
Ông Ba kể tiếp:
- Có một khi đó, đương câu, tôi nghe nó rị cần mạnh quá, tôi biết là cá lớn ăn. Cái thứ cá lớn thì không nên kéo lên liền: như vậy chỉ thêm đứt nhợ, gãy cần mà thôi. Tôi cho xuồng chạy theo sức lôi kéo của nó.
Nhưng nó mạnh quá, sợi nhợ căng thẳng muốn đứt ra, tôi phải vừa bơi phụ thêm, vừa hớp nước sông phun cho cá nó mệt. Chạy theo doi Hàn, thì con cá đó đuối sức, thả ngửa trên mặt nước. Con cá nó lớn gần bằng thằng nhỏ năm tuổi lận. Mà điều nầy kỳ quá cậu, nó cứ nhìn tôi, hai mắt nhấp nhái như người ta ra hiệu. Tôi phát sợ lên, bứt dây, rồi thả cho nó trôi đi. Nó mừng quýnh, ngó tôi lần chót rồi lặn mất.
Lúc về ngang xoáy nước, xuồng tôi khi không vùng lật úp. Tôi tưởng phen đó chết trôi rồi, vì chỗ nước vận, tài giỏi như rái cũng không lội nổi.
Nhưng lạ quá, tôi bi nước rút xuống, chìm mà không ngộp, và lại chìm đứng, chớ không đâm đầu xuống như người chết đuối.
Đáy sông không có bùn, không có cát, mà lót toàn bằng đá ong. Tôi chưa hết sảng sốt thì bỗng đâu một con cá he lớn như một con heo nái lội tới trước mặt, rồi... lạ chưa, nói bằng tiếng người rằng: “Chúa tôi sai mời tráng sĩ vào dinh”. Dinh nào cà, tôi hỏi trong bụng như vậy, và càng hoảng sợ hơn nữa. Nhưng tôi cũng cứ đi theo cá he...
Làm sao mà tôi đi dưới nước không ngộp, cũng không bị nước cản, nhẹ nhàng, thong thả như đi trên đất liền? Tôi theo cá he vào một cái hang lớn, rộng cỡ mười người chun vô cũng lọt. Thôi tôi biết rồi, hang Thần Cá Bóng đây chớ gì.
Bốn bề hang đều cẩn đá xanh. Hang sáng lờ mờ, xanh xanh như đêm có trăng, sâu vô ước chừng khỏi chợ - quả thật lời truyền khẩu không sai, hang ăn sâu tới chùa Ông - trong ấy tôi thấy một khoảng rộng sáng gần như ban ngày.
Rõ ràng là một vương phủ. Dinh cất bằng đá cẩm thạch, cột chạm rồng cẩn ốc xà cừ, ngói bằng vảy đồi mồi, lâu năm lên nước đẹp chưa từng thấy.
Ngai của Thần Cá Bóng đặt ngay trước thềm bằng san hô và huyền ráp mối lại rất khéo léo.
Thần Cá Bóng ngự trên ngai, bên hữu có Thần Bà, bên tả một vi thần còn trẻ, đứng chớ không ngồi. Vị thần trẻ nầy trên môi mang một vết thương còn mới ràng ràng.
Trước sân, binh tôm, tướng cá hầu hạ đông không biết bao nhiêu mà kể. Còn hương trầm thì phưởng phất thơm, nhạc thần vẳng nghe đâu đó.
Tôi run sợ quỳ trước ngai thần, bỗng nghe thần phán: “Nầy! Người kia, ngươi có biết rằng tội lỗi ngươi chồng chất đầy dẫy không ? Kẻ hầu hạ của ta đã hao hớt nhiều, bao nhiêu binh tôm, tướng cá bị nhà ngươi câu gần hết. Ta đã tâu với Long Vương và đã được phép xử ngươi. Ta định bắt ngươi xuống đây mà trị tội, nhưng chưa kịp thì, may cho ngươi, hồi sớm đây con ta hóa cá đi du hồ, vướng phải lưỡi câu của ngươi, và được ngươi tha cho. Vậy, ơn nầy đền tội ấy, nhưng ta khiến ngươi từ bỏ cái nghề bất nhơn ấy đi”.
Nếu ngày mai ngươi còn léo hánh trên sông nữa thì đừng có mong được về với vợ con.
Tôi vưng vưng dạ dạ không ngớt thì Thần tiếp: “Muốn nhà ngươi khỏi thiệt hại điều gì, ta ban cho ngươi một viên ngọc chan chan. Con chan chan sống không bao lâu, nên không mấy con có ngọc, mà hễ có thì quí lắm. Nhà ngươi không được bán, cũng không được khoe với ai. Để nó trong nhà làm của, tự nhiên làm ăn khá. Thôi cho nhà ngươi về.
Tôi lãnh lấy ngọc, cúi lạy tạ ơn Thần rồi theo cá ra khỏi động. Khi lên tới mặt nước thì xuồng tôi đã đậu sẵn tại bến Trâu, khô queo như mới đẩy xuống sông vậy.
Từ ngày ấy tôi bỏ nghề câu, xoay ra buôn bán. Mà quả thật như lời Thần đã dạy, bán món nào lời món nấy, không bao lâu mà tôi cất được một cái nhà ngói khá lớn. Còn con thì đứa nào đứa nấy cũng mập cùi cụi.
Một ngày kia, buồn quá, tôi xách cần ra bờ sông giựt lòng tong chơi. Chiều về, nghe trong mình bần thần rồi đau một trận đau vật tôi gần trót năm. Vợ con tôi nối tiếp nhau mà chết.
Cửa nhà, tôi bán sạch để chạy thuốc và lo việc tang ma. Còn hòn ngọc thì biến mất đi lúc nào không biết.
Nên chi bây giờ tôi chỉ đi câu cắm thôi. Bị một lần tởn tới già. Thứ cá rô, cá lóc nầy là cá ruộng, có phải của thần đâu mà sợ.
Tôi rợn người lên vì lạnh hay vì sợ? Bất giác tôi xách đèn rọi vào mặt ông Ba. Qua những giọt mưa chảy rười rượi theo vành nón trũm, tôi thấy miếng ông già gặp Thần Cá Bóng lẩm bẩm như nói thêm điều gì với ai.
Chú thích:
[1] Thuở
[2] Tôi
[3] Tiền kẽm hồi Tiền Pháp thuộc
[4] Ông đây là ông Bổn Đâu Công, tức Mã Viện.
[5] Tục làm chay chợ vẫn còn, cho tới năm 1945 (lời tác giả)