watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Chiếc Đồng Hồ - tác giả Bùi Hiển Bùi Hiển

Chiếc Đồng Hồ

Tác giả: Bùi Hiển

Anh ta là một viên chức họa đồ sở đạc điền. Ngày ngày, cúi đầu trên vuông giấy dày mà một ngọn đèn chiếu sáng từ phía dưới xuyên qua tấm kính, anh dò những nét cong khúc khuỷu, những dải sông xanh, những con đường đỏ và tím, những tràng chữ thập phân địa giới. Anh họa, anh họa, cử động một cách gần như máy móc, im lặng, lưng gù, trí nghĩ vơ vẩn. Cuối tháng lĩnh được đâu vài chục bạc lương, anh bỏ tiền vào một cái phong bì đem về nộp vợ nguyên vẹn. Xong bữa cơm trưa, chị vợ mút mút bút chì loay hoay dự tính trên một trang sổ nhỏ sự chi tiêu trong ba mươi ngày sắp đến. Chị tính cặn kẽ từ tiền gạo củi đến tiền xà phòng, bớt một hào ở khoản này đập vào khoản kia. Rồi chị nói lên, bằng một giọng hơi chớm ý phàn nàn:
- Đấy còn thừa không đầy năm hào tiêu vặt.
Chồng đáp một câu không thay đổi:
- Thì lương mình chỉ có thế.
Nhưng mà một lần, một nhà điền chủ, bạn ông xếp, cần mấy bản họa đồn điền của mình. Anh nhận làm công việc phụ kia, càng cắm cúi hơn trên bàn họa, và được hưởng món tiền thưởng bốn đồng. Trong bữa cơm chiều hôm ấy, cả nhà nhao nhao lên, phân vân về cách dùng số tiền không mong mà có. Chị vợ thèm ước từ lâu một cái áo dài nâu non. Nhưng thực là lạ kỳ: khi không có tiền, chị ao ước cái áo một cách thiết tha; vậy mà nay cái áo đã vừa tầm túi mình, thì cái thiết tha của chị rơi đi, và tất cả lòng chị bối rối, không còn biết mua gì nhỉ? Sắm gì nhỉ? Hai đứa con làm nũng cơm; chúng nghe bàn bạc những mua cùng sắm, thì cũng vòi mua cái ô tô chạy được và con búp bê nó kêu chút chít ấy. Nhưng anh ta đã có ý định sẵn; cuối cùng anh mới nói:
- Để ta sắm cái đồng hồ chơi.
Rồi anh giảng rằng vừa tìm thấy một dịp tốt để mua đồng hồ bằng giá cực rẻ. Hôm họ, ông xếp nhận được một tờ quảng cáo của một hiệu đồng hồ ngoài Hà Nội; hiệu kia, sau mấy lời mào đầu bá cáo rằng muốn bán tống cửa hàng để nghỉ buôn, trình bày tất cả những mẫu đồng hồ còn lại, với một giá "khó tin". Anh ta đọc trộm tờ quảng cáo và để ý nhất đến một chiếc đồng hồ bàn giấy, mặt vuông, xinh nhỏ như một đồ chơi; cạnh hình vẽ, con số dử mồi 3đ, viết bằng chữ lớn thay cho số 6đ phía dưới bị xóa bằng hai nét gạch thập.
Anh đã nhiều lần điêu đứng vì thiếu đồng hồ. Khi phỏng chừng sắp đến giờ làm việc, thì hai vợ chồng đều vểnh tai nghe ngóng cái đồng hồ quả lắc của nhà ông Tham bên cạnh. Nhiều hôm anh đến sở chậm và phải lén leo qua cửa sổ để khỏi bị cự. Thằng con đầu được việc lắm: mỗi khi cha nó lồm cồm dậy sau giấc ngủ quá trưa, thì nó rụt đầu vào cổ, lạch bạch dìu xe đạp cha ra đợi ở cổng: anh ta vội vàng khoác cái áo lương rồi chạy ra nhảy lên chiếc xe tàng mà phóng, mặc cho cốt bánh gỉ rít lên cót két đến ghê tai.
Thế rồi ngay hôm sau, anh gửi thư kèm măng đa ra Hà Nội. Cả nhà sống trong mong đợi bồn chồn, nhắc luôn miệng đến cái đồng hồ. Anh chồng dự định đặt nó trên chiếc bàn nhỏ cạnh giường, và vợ đã lo trước nhỡ hai thằng con lén nghịch phá hỏng mất thì tiền đâu mà chữa. Hai đứa bé thì luôn mồm hỏi, không biết lần thứ mấy mươi:
- Ba ơi, bao giờ thì đồng hồ về? Hà Nội chắc xa lắm nhỉ?
Một sáng, có người nhà Bưu điện bước vào sở anh, một cái hộp dưới tay, và hỏi:
- Tôi muốn hỏi đây có ai tên là Hoàng Đình Quân?
Anh hồi hộp đáp: "Chính tôi", và ký nhận hàng. Đó là một cái hộp giấy uốn lượn sóng, màu vàng tẻ, tấm nắp to bằng khuôn khổ cuốn vở học trò. Anh vừa cắt dây vừa nghĩ: "Nó gói cẩn thận thực. Cái đồng hồ nhỏ xíu mà chịu phí một cái hộp kếch xù". Bạn đồng nghiệp tới xúm quanh; anh đã khoe từ mấy hôm trước rằng anh sắp nhận được một món quà "đặc biệt Hà Nội". Anh làm chậm rãi, tay run run, cảm thấy một thú kích thích khi cố kéo dài cái phút nóng biết vật mới mua.
Cái nắp bật lên, mỗi người giúp một tay thải lớp rơm phủ. Cái đồng hồ hiện ra và anh ta kêu một tiếng ngạc nhiên: nó chiếm cả bề rộng của hộp, không nhỏ nhắn như anh vẫn tưởng. Một người nâng lên, và thấy theo ra cả một cục đồng tròn xù xì sơn đen móc ở đầu một sợi dây xúc xích đồng nói không hết cái dài! Có mặt các bạn đồng sự, anh ta cố giấu thất vọng. Mọi người ngắm nghía đồng hồ. Cái mặt làm bằng mảnh sắt tây vuông, bốn bề trang trí bằng những ô vuông nhỏ xanh và trắng xen kẽ, các cạnh đều bị giập móp trong cuộc viễn hành vừa rồi. Đằng sau là một cái hộp bằng gỗ, nhưng mà gỗ gì, thứ gỗ mềm ải của những thùng rượu, cạnh xước lơm nhơm. Cái hộp hổng mặt dưới, giấu trong lòng một bộ máy không có gì phiền phức, chỉ gồm ba bốn cái bánh xe răng cưa. Có ai lục lọi trong đống rơm lót đáy hộp và lôi ra một quả lắc suýt bị bỏ quên. Quả lắc là một miếng sắt tròn sơn xanh mỏng mảnh và thô sơ như "nắp phèng" của con nít dùng đánh đáo, vành đục hai lỗ để cho xuyên qua một sợi dây thép thẳng dài chừng một gang.
Viên xếp phòng họa đạc giảng rằng đó là thứ đồng hồ treo nhà bếp. Cả bọn cười nhao, nhắc lại lời khoe món hàng "đặc biệt Hà Nội".
Một người hí hoáy treo chiếc đồng hồ lên tường. Rồi cả bọn xúm xít, người lắp quả lắc, người móc cục đồng vào sợi dây xúc xích. Quả lắc bắt đầu xang, và tiếng tích tắc đều đều vang dội trong tim anh sung sướng. Anh dùng ngón tay đẩy chiếc kim sơn trắng để lấy giờ, và nói:
- Để xem nó chạy có đúng với đồng hồ sở không.
Nhưng chạy được một phút, quả lắc như hết hơi không kêu tích tắc nữa rồi xang nhẹ dần. Một người nói:
- Chỗ này thoáng quá, gió thổi bay quả lắc, đồng hồ chạy không được.
Một người khác pha trò:
- Thôi hãy để cho nó nghỉ vài hôm đã, vừa đi tàu về mệt mà!
Anh ta đã bắt đầu nghi ngờ sự mẫn cán của chiếc đồng hồ có cái dáng khổ khổ lôi thôi lốc thốc. Anh nói: "Ông chủ mà về bây giờ thì chết cả bọn. Thôi!" Đoạn hạ máy xuống, cất lại vào hộp, phủ rơm cẩn thận.
Trưa, lúc về đến nhà, để ngừa trước sự thất vọng của vợ, anh ta vừa đặt hộp xuống bàn vừa khen rối rít:
- Cái đồng hồ về rồi đây, xinh lắm mình ạ. Nó to chứ không phải chỉ bằng nắm tay như mình nghĩ đâu, nhưng người ta bảo đồng hồ càng to chạy càng khỏe. Cũng không phải đồng hồ bàn giấy; đây là thứ đồng hồ có quả nặng, chạy đều hơn đồng hồ lò xo nhiều.
Anh lại bịa:
- Có người bạn trên sở bảo năm ngoái có mua một cái y hệt như thế mà giá những tám đồng.
Chị vợ ngắm nghía cái đồng hồ, xem chừng không được hài lòng, nhưng không nói gì. Hai thằng con nằm trườn trên bàn, đưa đưa ngón tay trên mặt đồng hồ và kêu:
- Nhẵn nhỉ! Mà có nhiều chấm xanh, đẹp quá! Ba treo lên đi.
Cố hoãn cái lúc thử máy đáng lo ngại, anh bảo:
- Thôi ăn cơm đã. Đói bụng rồi.
Xong bữa cơm, anh khép tất cả các cửa để ngăn gió, đoạn đóng đinh vào một góc tường kín gió nhất, anh móc đồng hồ lên xê đi dịch lại mãi cho thực ngay ngắn, đẩy kim lấy theo giờ vừa đánh bên nhà ông Tham; rồi tay run run, anh đưa quả lắc. Cả nhà đứng nghiêm trang thành vòng, nhìn. Mắt chăm chăm theo dõi cái xang đưa uể oải của quả lắc mảnh khảnh, anh lo lắng tự bảo thầm: "Này này... nó sắp đứng... nó sắp đứng...". Nhưng may, lần này cái đồng hồ chịu làm việc hơn. Nửa giờ sau, anh hớn hở xoa tay đi ngủ. Hai thằng con ngước cổ ngắm vật mới; thằng đầu hẹn:
- Hai giờ kém mười, con sẽ đánh thức ba dậy, nhé!
Rồi nó đứng rình giờ.
Chiều hôm ấy thằng bé đón anh ở cửa và báo: "Ba ạ, nó dừng từ lúc bốn rưỡi rồi". Anh lại loay hoay chữa, xê dịch đồng hồ, áp đầu vào tường nheo mắt ngắm lên xem đã thực thẳng quả dọi chưa, tụt mặt quả lắc xuống một chút. Vợ đứng im lặng nhìn; anh nói, như để tự bào chữa:
- Nó cũng như người, cho chạy vài ngày mới quen. Đi tàu bị lắc mạnh, máy móc hẳn cũng có suy suyển.
Chiếc đồng hồ, dường như cảm động vì từng ấy chăm chút của chủ, lại bắt đầu chạy.
Đêm nằm, anh lắng tai nghe. Có lúc hình như cái máy im lặng hẳn. Nhưng cố sức chăm chú, anh lại nghe tiếng tích tắc đều đều. Rồi hễ anh nhãng ý một chút, tiếng máy lại chìm đi. Anh bèn lặng lẽ ngồi dậy, rón rén đi ra. Dưới ánh đèn con anh thấy quả lắc đứng lặng như tờ. Chiếc kim ngắn chỉ một giờ. Đồng hồ ông Tham vừa đánh bốn tiếng; thì ra tiếng tích tắc nãy giờ chỉ là do trí tưởng tượng của anh tạo nên. Anh lại hý hoáy sửa chữa, nâng mặt quả lắc lên, nắm cục đồng sẽ kéo. Rồi anh ngồi phịch xuống ghế, da toát mồ hôi lạnh, tim bóp chặt trong niềm bi thống.
Sáng hôm sau, khi đi làm, anh không quên giắt trong mình một cái lọ con; xin được tí dầu máy anh đem về tra vào những cốt bánh xe, thò giẻ quấn đầu cây tăm lau chùi. Thấy vợ đứng nhìn, anh xấu hổ làm sao ấy và cố tỏ vẻ tin chắc ở kết quả việc mình làm; anh nói:
- Máy cũng như mình; nó cần dầu như mình cần cơm, có thì mới làm việc được.
Quả thực lần này cái đồng hồ chạy thông. Có điều nó chạy hơi chậm, mỗi buổi tụt lại mất năm phút. Anh ngoắc vào cục đồng hồ, cho nặng thêm, một cái đinh ốc chẳng biết nhặt được ở đâu. Máy vẫn chưa chạy đúng, anh lần lượt thử buộc vào dây xúc xích một con dao nhíp, mấy hòn bi rạn; cho đến khi anh thử treo một cục quặng xin của thợ rèn, thì chiếc đồng hồ không chịu nổi, chệch đi và quả lắc đứng dần.
Anh không biết làm thế nào nữa. Chị vợ đã chớm lời trách móc:
- Đã bảo của rẻ là của ôi mà.
Anh đáp:
- Cứ để nó chạy cho quen máy. Để xem vài hôm nữa nó chạy có đúng hơn đồng hồ ga không!
Và từ đó, anh bắt đầu gian lận. Sau giờ bãi trưa anh ở nán lại sở năm phút, rồi thong thả đạp xe về, để kêu lên: "Đấy, tính xem, tôi đi mất mười phút, thế là bây giờ vừa mười hai giờ mười". Rồi trưa đó, thừa lúc không ai để ý, anh đẩy kim tới thêm năm phút. Buổi chiều anh cũng dùng mưu như thế. Anh ta cứ lắp đi lắp lại, bộ hả hê: "Gọi là cứ đúng ngăn ngắt! Đúng ngăn ngắt".
Chị vợ nghi ngờ, hỏi:
- Thế sao vẫn cứ chậm hơn đồng hồ nhà ông Tham?
- Bì sao được! Người ta ông này ông nọ, đến sở chậm nửa giờ cũng chẳng sao, nên cứ mặc đồng hồ chạy phăng tê. Đồng hồ bên ấy chả đúng!
Mỗi đêm, trước khi đi ngủ, anh lại lén lút đẩy kim tới thêm mươi phút; được trừ hao vậy rồi, giờ sáng mai sẽ đúng.
Lâu dần, anh quen với công việc gian lận ấy, mà anh làm trọn không một lần sao nhãng, như một nghi lễ tôn giáo.
Rồi anh thuộc lầu cả tính nết của cái đồng hồ. Nó có một tật xấu: dễ cảm. Mỗi khi trời muốn trở mưa, hơi ẩm luồn từ mặt dưới tổng hổng của hộp gỗ, làm rít bánh xe, và anh nghĩ: "Hừ hừ, mày lại định làm biếng đây. Thế thì tối nay tao phải vặn thêm đến mười lăm phút". Trái lại khi trời hanh ráo, quả lắc xang đưa lẹ làng, anh biết chỉ cần ăn gian mỗi buổi từ hai đến ba phút là đủ lắm.
Và chiếc đồng hồ sống sung sướng trong gia đình nhỏ ấy, được ông chủ ân cần săn sóc như cha, đúng hơn, như mẹ, như một người mẹ càng thương yêu con vì đã cứu nó qua nhiều bệnh hoạn, đã cướp nó khỏi tay thần chết, đã cho nó sự sống hơn một lần. Cái máy không ngừng chạy nữa, chỉ õng ẹo một đôi khi trở trời, như đứa con cưng mới hơi váng đầu sổ mũi đã làm nũng mẹ.

1941
Rút từ tập truyện ngắn Nằm vạ,
Nxb.. Đời nay, Hà Nội, 1941

Các tác phẩm khác của Bùi Hiển

Về làng

Thằng xin

Ốm

Nỗi oan của bác đồ gàn

Những nỗi lòng

Nhà xác

Người chồng

Nắng mới

Nằm vạ

Một trận bão cuối năm

Ma đậu

Làm cha

Kẻ hô hoán

Hai anh học trò có vợ

Chuyến xe thời gian

Chuyện ông Ba bị dân chài

Chiều sương

Cái Dọc Tẩu

Bạc

Ác Cảm