watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Suốt Đời - tác giả Bùi Nghĩa Bùi Nghĩa

Suốt Đời

Tác giả: Bùi Nghĩa

T rời hôm nay nắng ấm. Mùa hạ người Da Đỏ(1), người ta nói như vậy. Đầu mùa thu, đất trời còn do dự, không dứt khoát. Qua cuối tháng 9, đến đầu tháng 10 thì mịt mù mưa phùn, rồi bỗng nhiên thời tiết ấm trở lại, nắng trong, trời cạn, mây xanh một màu. Gió nam thổi lên làm ấm lòng người, làm dịu cả da mặt. Như tuổi hồi xuân trước khi chôn tuổi trẻ, xuân tình tự nhiên lại nên phơi phới. Mới tháng hai, tháng ba, bông hoa nở rộ ngày nào rồi mùa hạ nắng trên đầu chang chang, vậy mà giờ đây đã vào thu. Mối tình mùa hạ ngày nào tuy nho nhỏ nhưng nóng cháy. Nhớ còn lưu chuyển rần rần trong mạch máu, như nứt da nứt thịt chưa quên, mùa ấy đã qua đi nhưng sắc hương còn ở lại, thoang thoảng trong trí nhớ, tưởng chừng như là hôm qua.
Phía tây phố La-Tinh bên bến sông Seine là khu phố cổ, có nhiều phòng triển lãm tranh, chen chúc những tiệm nhỏ bán hàng mỹ nghệ. Khách du lịch từ phương xa đến, thả bộ chầm chậm trên lề phố hẹp. Những con đường nhỏ quanh quẩn, luồn lách bên các cửa hàng ẩn nấp dưới những hiên nhà xưa. Những vòm đá cong cong chạy từ trên trần hiên nhà cao, ngã xuống để rồi chấm đất. Như thế rồi thân tình, rồi thơ mộng. Hôm nay, mình mới thấy Paris lãng mạn. Đăng lẻn vào ngõ Á Hậu(2). Lòng đường lát từng viên đá vuông xanh với cạnh rộng bằng nửa gan tay. Những căn nhà trệt thân thiện đang khoe những chậu hoa hồng được đặt dọc theo tường màu trắng ngà.

Vượt qua cánh cửa kính trong của câu lạc bộ nói chuyện Anh-Pháp, anh leo cầu thang lên tầng thứ nhất. Người đàn bà Mỹ đứng tuổi với vẻ mặt tươi tắn chào đón vồn vã :
- Chào cậu Đăng, hôm nay cậu mạnh khoẻ không ?
- Mạnh khoẻ lắm. Còn bà mạnh khoẻ ?
Anh vẫn chưa quen trước những lời chào hỏi theo thông lệ ở những nước Âu Tây sau khi sống ở Paris hơn hai năm. Nhiều lần anh nghe chú Tùng nói anh nên thích ứng ngay với những lời chào hỏi như vậy, như trả bài thuộc lòng. Đừng nên chỉ trích rằng người Âu Tây không chân thật, hỏi mà không quan tâm đến câu trả lời ! Đó chỉ là một cách để bắt đầu câu chuyện mà thôi.
- Hôm nay, cậu sẽ gặp mấy cô người Tàu đến nói chuyện ở câu lạc bộ đấy. Cậu tha hồ mà tán nhé !
- Vậy có cô nào xinh như người mẫu hay không ?
- Chúa ơi, cô nào cũng có cặp giò dài như nai Phi châu hết. Cậu tha hồ mà chọn.
Ngồi vào phòng nói chuyện, một trong những lớp học của trung tâm sinh ngữ Âu Châu. Bốn bàn được đặt chung lại, 6 người ngồi quanh. Anh đảo mắt nhìn quanh :
- Chào tất cả ! Tôi tên là Đăng. Chào chị Ann. Chào ông Tom. Lâu quá không được gặp ông.
- Ối chao ! Chào Đăng. Mấy tuần nay, tôi giả chết. Lâu lâu phải làm như thế, thì người ta mới chú ý đến tôi. Tiếc rằng ít người như Ann hỏi tôi tại sao.
Tom cười tươi rồi liếc nhìn qua chị Ann, ngồi bên cạnh.
Ngồi cạnh Đăng, là một cô sinh viên người Á châu. Người không cao, nhưng ăn mặt rất tươm tất, khuôn mặt đầy đặn, sắc mặt tự tin, hai hàng mày được cắt khéo. Hai hàng răng màu trắng gạo và đều như hai hàng bắp . Người Á Châu thứ hai là một chị trạc 25, 26 tuổi, nét mặt sáng sủa, thần sắc bao dung và chân thật.
- Luật lệ của những cuộc nói truyện ở nơi đây là 45 phút bằng tiếng Anh rồi 45 phút bằng tiếng Pháp. Các bạn muốn chúng ta bắt đầu bằng Tiếng Anh hay tiếng Pháp ?
- Nếu chúng ta bắt đầu bằng tiếng Anh thì sẽ lợi thế cho những người nói tiếng Anh vì những người này khi đi trễ vào nhóm vẫn được còn nguyên khoảng giờ tiếng Pháp.
Mỗi người lần lượt tự giới thiệu tên tuổi, nói nhanh gọn về sở thích và đôi khi về nghề nghiệp của mình. Người Á Châu chú trọng vào đời sống gia đình, người Pháp lại thích nói về những thời gian rảnh rỗi. Người Anh ăn nói nhỏ nhẹ, lịch sự còn người Mỹ phát biểu với vẻ mặt tự tin, tự hào.
- Tôi tên là Lan Anh, sinh viên năm thứ 3 trường Luật. Tôi đến Paris được 3 năm rồi.
- Cô nói tiếng Pháp khá chuẩn nhé.

Người đàn ông Tây Ban Nha nhận xét. Người này khoảng 60 tuổi, đã về hưu, giọng nói nghe rất nặng ; Ông ta thường hay nói rằng ông ta có bản chất người La-Tinh, nói nhiều, muốn làm cho tất cả mọi người chú ý đến ông ta trong các dịp nói chuyện.
Đăng đoán rằng cô ta là người Hà Nội, như người miền Bắc nói chung, phần đông phát âm rõ ràng những âm kép như ‘au’, ‘ít’, ‘anh’, ‘ang’, ‘iệt’…Họ phát âm chữ ‘Vii..ệt’ với thêm giọng gió của chữ t cuối cùng. Phần đông người Á châu không chú trọng đến giọng gió cuối cùng, người từ phía nam nước Trung Hoa, người Hàn Quốc, người Nhật và người những nước Đông Nam Á nói chung, đều có khuyết điểm như vậy. Khi người Á châu trò chuyện, người Pháp chê rằng người Á Châu không phát âm từng chữ một, nhưng ngay cả người Mỹ lại thấy người Pháp biếng đọc phụ âm cuối. Người Á châu thì đọc ‘rai…’, người Pháp đọc ‘rait…’ con người Mỹ thì phát âm trọn chữ thành ra ‘righttt…’.
- Cô này mới qua mà phát âm với giọng Pháp tốt quá nhỉ ! So bì với giọng của tôi thì chắc là hơn hẳn. Hằng ngày tôi vẫn năng học tiếng Pháp, mà sao tôi chưa nhái được như vậy !
- Không sao đâu, người Anh nói tiếng Pháp với giọng rất dễ nghe, và có gì độc đáo. Chị học tiếng Pháp đã được mấy năm rồi ?
Đăng nhìn chị Ann, rồi đặt câu hỏi. Chị Ann là một người thường xuyên đến câu lạc bộ.
Chị Ann trả lời :
- Bao nhiêu tuổi đời là từng ấy năm học. Học khó khăn như vậy mà không hiểu tại sao tôi vẫn tiếp tục theo đuổi như vậy ? Nhưng thú thật với các bạn nhé ! Khi tôi còn bé, mối tình đầu của tôi là một cậu bé người Pháp sống kế nhà tôi ở một ngoại ô vùng Luân Đôn.
Tom, một người Mỹ phát biểu :
- Ối chà, như vậy thái độ của Ann có quá đáng hay không ? Theo đuổi việc học tiếng Pháp hay là theo đuổi hình bóng của một người nào ?
Giọng ông ta ôn tồn, nhưng không kém phần chọc ghẹo. Bên kia bàn, Andres lắc đầu, nói to. Mỗi lần ông ta cất tiếng, ông ta thường hướng đề tài câu chuyện về chuyện của ông ta :
- Tôi cũng vậy : tôi vẫn cố gắng trau dồi tiếng Pháp mỗi ngày. Ba, bốn mươi năm rồi nhưng có sao đâu ? Tôi qua Pháp hồi 18 tuổi làm việc rất cực khổ. Từ nghề này qua nghề khác, rồi làm chủ một hãng. Đến bây giờ, tôi về hưu và tự do, bay nhảy như một con chim. Không một sợi giây ràng buộc, không vợ, không con…
Biết Andres thường hay lạc đề, và thích nói về đàn bà, Tom ngắt lời :
- Thôi ngừng nhé, Andres. Chúng ta đang nói về chuyện học tiếng Pháp hay nếu muốn nói rộng hơn thì có thể nói về tiếng ngoại ngữ, còn cuộc đời của ông thì nhiều người biết rồi…
Chị Ann quay lại hỏi Lan Anh :
- Cô người Tàu hay người Việt ? Thế vậy cô có học tiếng Pháp lúc cô còn ở trong nước hay không ?
- Tôi đi học trong một trường quốc tế ở Hà Nội. Hầu như môn học nào cũng học bằng tiếng Pháp hay tiếng Anh.
Chị Ann nhìn Đăng rồi nheo mắt :
- Đăng cũng là người Việt đây. Giờ chúng tôi mới biết tại sao cô nói tiếng Pháp khá như vậy. Còn chị này ?
- Tôi tên Nga, là người bà con của Lan Anh. Chồng tôi là một tùy phái trong toà Đại Sứ. Chúng tôi qua Paris được 6 tháng rồi.

Vậy là ngồi cùng bàn, có 3 văn hóa : Người Á châu với Đăng, Lan Anh và chị Nga, văn hóa Anh ngữ với Ann và Tom, còn Andres là người thuộc về văn hoá Tây Ban Nha.
Nga nói tiếp :
- Năm trước chúng tôi sống ở Thái Lan, giờ sang Pháp, nên thấy cũng lạ lạ, chưa quen với đời sống xứ lạnh được. Nhưng chắc chắn rằng suốt cuộc đời, chúng tôi phải theo đuổi sự nghiệp.
- Nếu chỉ theo đuổi sự nghiệp không trong suốt cuộc đời thì nói gì ? Chúng ta lại còn bị bắt buộc theo đuổi việc khác nữa chứ ! Những đam mê, vui thú chẳng hạn.
Tom nhận xét :
- Những giây phút rảnh rỗi, tôi lại thích đi đọc sách ở thư viện. Có lẽ vì tôi lớn lên trong một gia đình nghèo, không có điều kiện, nên lúc nào cũng mê những cuốn sách. Mà càng đọc thì thấy phần sách còn lại mà mình chưa đọc càng nhiều.
- Tom chăm đọc sách cũng phải ! Tom có đọc truyện (*) viết về một cuốn sách rất hiếm rồi chưa ? “Quyển Sách Ảo”, truyện mà nhiều người không hiểu tại sao họ lại thích đọc. Nghe nói rằng nhiều người đọc đi đọc lại cả đời cuốn truyện ấy mà không thấy chán.
- Lần đầu tôi nghe đến truyện này đây. Mà tại sao người đọc không thấy chán ?
- Có người nói vì cuốn sách này hay, có kẻ nói rằng người viết là một người phù thủy. Rồi nhiều người cố gắng phân tích và sau đó nói rằng có những mật mã được dấu trong câu văn, hay là chữ dùng tượng thanh, tượng hình...
Cuối cùng, họ lại khám phá rằng nhiều trang sách có thể tách ra làm hai được, và trên những trang mới lại thấy những câu chuyện nho nhỏ được viết thêm vào đấy ! Tôi có trong buổi họp các người yêu quyển sách này đấy, và cũng là lần họ khám phá ra trang ẩn đầu tiên.
- Sao Đăng hên vậy ? Như vậy họ có khám phá ra rằng từ những trang mới, mỗi tờ lại có thể tách ra thành hai trang mới nữa không ?
- Trời ! Như vậy đọc chừng nào mới hết chuyện hỉ ?
- Vì vậy nhiều người thích đọc chuyện ấy suốt cả đời mình đấy !
- Chắc là cuốn truyện này dày lắm phải không ?
- Một điều hay nữa là, chỉ có những người mê đọc sách và phải gặp duyên số thì mới có thể tìm ra những trang đặc biệt, rồi mới tách hai ra được ! Đến mãi sau này, người ta vẫn không hiểu rằng quyển sách này hay nhờ câu chuyện chính hay nhờ những câu chuyện phụ ẩn nấp trong những trang đặc biệt ? Nhưng có lẽ câu chuyện chính là xác và những câu chuyện ẩn, đôi lúc vô hình, đôi lúc hiện ra là phần hồn của quyển sách vậy.

Mọi người xôn xao bàn về cuốn sách biến ảo. Còn Đăng diễu cợt :
- Nếu ngày nào tôi tìm ra tờ bạc năm trăm nào như vậy thì tôi mua được xe hơi, nhà lầu hén !
Lan Anh nghe Đăng nói, rồi trách :
- Người ta đang nói chuyện văn hoá mà anh lại nói về chuyện mua nhà lầu, xe hơi !
Chị Ann nhận xét :
- Tom suốt đời vẫn thích đọc sách là chuyện thường nhé ! Trường hợp tôi thì lạ hơn nữa. Tôi đã đậu bằng lái xe năm 20 tuổi. Nhưng không có dịp lái xe nên mỗi năm là tôi cố gắng lấy tiếp 5, 10 giờ học nữa. Như thế mà vẫn chưa dám lái xe. Hơn mười năm học lái rồi chứ ít ỏi gì đâu !
- Sao chị không mua một chiếc xe cũ rồi chạy đại đi ? Học nhiều mà không hành thì cũng như không học thôi.
- Tôi cũng xin thú thật nhé : Tôi cũng sợ bị đụng xe lắm ! Còn điều này nữa : người Paris tuy dễ thương, nhưng chạy xe ẩu lắm ! Nhiều người từ tỉnh nhỏ đi lên thủ đô, không dám lái vào nội thành, đậu xe ở ngoại ô rồi lấy xe buýt, hay lấy xe lửa để đi vào viếng thăm Paris đấy chứ !
- Như vậy chị nên mua xe tăng để lái vậy. Người ta đụng mình cũng không sao đâu.
Lan Anh trách móc :
- Đăng hay ghẹo người khác quá đi ! Đăng có bằng lái xe chưa mà chọc ghẹo người khác ?
Đăng đang lựa lời trả miếng thì chị Ann cất tiếng :
- Tôi biết Đăng khá lâu rồi nên biết tính của Đăng. Khi mới đến câu lạc bộ, chàng ít nói ghê luôn, nhưng giờ thì khỏi nói ! Nhưng tôi lại thấy Lan Anh cũng thích chỉ trích Đăng lắm đấy !
- Không sao đâu chị Ann. Trong ca dao Việt, cũng có câu : "Thương nhau lắm, mới cắn nhau đau" mà.
Lan Anh phì cười :
- Mới gặp Đăng lần đầu nên không biết có thương hay thiết, hay tha gì chưa ? Nói cho biết trước nhé, răng của tôi bén lắm đấy. Nếu tôi có cắn thì chắc Đăng khóc rống lên rồi, chứ làm sau còn sức mà nói chuyện ba hoa như vầy đươc !
- Lâu lâu mới được dịp trò chuyện với người đồng hương, và nhất là trước mặt dân trường Luật nên xem thử trình độ ba hoa chích choè của tôi có được đồng hạng với Lan Anh không mà ?
Andres góp ý :
- Tôi được thấy một điều mới nhé, hôm nay, trên "khẩu" trường, lại có cuộc chiến ngang ngửa giữa hai người Á châu. Thông thường người Á châu rất ít nói, sống về nội tâm.
- Đúng đấy, người Á châu thường ăn nói nhỏ nhẹ, từ tốn. Nhưng đôi lúc cũng thoái hoá, quá đáng. Thí dụ như xem phim ảnh, hay nghe nhạc Á châu, chậm ơi là chậm, buồn ơi là buồn...

Lan Anh không đồng ý :
- Trời, đó chỉ là nhận xét ban đầu mà thôi. Âm nhạc là nỗi đam mê của tôi đấy. Những lúc rảnh rỗi, tôi nghe nhạc. Đối với tôi, tiếng nhạc là những ước mơ hay rung động của cuộc sống. Những bài nhạc còn là những kỷ niệm xa xưa, gợi nhớ cả không gian của tuổi mới lớn, ngày nào vui vẻ bước chân bên những hạt nắng xôn xao, đùa giỡn trên con đường rộng mát, lấm tấm lá me xanh.
- Như vậy là Lan Anh bị mắc bệnh mê nghe nhạc rồi ! Nhưng tôi cũng có đam mê như thế. Tôi vẫn đi tìm khung cảnh và luồng cảm xúc của những bài nhạc mà tôi nghe của tuổi hai mươi. Tìm hoài mà cũng chưa gặp lại tình huống của ngày ấy.
- Như vậy chị làm gì để tìm lại được những tình cảnh ngày xưa đó ?
Chị Nga nhìn bức tường trước mặt :
- Tôi tìm kiếm, sưu tầm những giọng hát nổi tiếng cách đây mười năm. Những dịp về Việt Nam, đi lại trên con đường xưa, nhưng sao sao đấy. Nhưng chắc vì không tìm lại được những không gian ngày xưa nên tôi vẫn còn tiếp tục nghe nhạc mỗi ngày.
- Như vậy, người ta nói là ghiền đó ! Là chưa đủ cữ rồi !
- Có người tìm tình yêu ban đầu, tìm lại cảm xúc tuổi hai mươi suốt cuộc sống, lại có kẻ mê nghe nhạc, năng đọc sách, thích học lái xe suốt đời mà không chán. Làm như đời người cần phải theo một đam mê gì mới có thú vị để sống vậy.

Sau buổi nói chuyện, Đăng, Lan Anh và Nga đi song song dạo phố khu La-Tinh. Màu nắng xanh xao nhưng tràn đầy trên phố nhỏ. Bên vỉa hè, những cô gái ngồi uống nước, gọn gàng trong những bộ quần jean đáy thấp bó sát. Những chiếc áo thun ngắn khoe thấp thoáng từng khoảng hông ngang lưng quần trăng trắng, ngồ ngộ và duyên dáng.
- Lan Anh và chị Nga muốn đi đâu ?
- Tôi và Lan Anh đi chợ Á châu ở quận 13, để mua giò chả và trái cây.
- Đi chi đến quận 13, ở xóm Maubert gần đây có siêu thị Thanh Bình Trẻ đấy !
- Chà, Đăng biết rõ Paris quá hén ! Mà siêu thị này có đủ hàng Việt Nam hay không ?
- Siêu thị này không lớn, nhưng là một nơi mà ta phải biết vì đây là tiệm tạp hoá bán hàng Việt Nam đầu tiên của thành phố đấy. Còn xóm quận 13, chỉ được thành lập sau 75 mà thôi.

Con đường mà ba người đang đi, dẩn từ Odéon đến bùng binh St Michel, là một con đường nhỏ song song với đại lộ St Germain. Đại lộ là biểu tượng của khu phố tây La-Tinh. Các cửa hàng y phục thời trang san sát bên nhau, chung quanh mỗi trạm métro là một khu sinh hoạt náo nhiệt : các trung tâm chiếu phim với hàng chục phòng chiếu phim, những nhà sách lớn, vài quán cà-phê duyên dáng, nơi mà khi xưa nhiều nhà triết học và nhân văn nổi tiếng thỉnh thoảng họp mặt và trao đổi ý kiến. Cũng là phố gần khu đại học Sorbonne, đại học Khoa Học và trường Y.
Đi dạo trong lòng phố, ba người thả bộ trên những con đường nhỏ bên trong nên thấy được nhiều điều rất thú vị : những phòng triển lãm hàng nghệ thuật nho nhỏ khoe các sáng tác độc đáo, nhiều kết hợp mới lạ, màu sắc hài hoà, những sáng tạo thời trang "làn sóng mới" trong tủ kính. Ngay một ngả năm, có một tiệm bán trái cây, mặt bằng rộng hơn hai mươi thước, chị Nga ngừng bên những quầy trái cây tươi : trái bôm đủ cỡ, đủ loại, đủ màu, trái lê màu vàng với nhiều khoảng ưng ửng đỏ, từng hàng cam và quít tròn trịa, bóng láng, chùm nho chín mọng căng đầy nước mật …

Đứng gần tượng đồng thánh St Michel, tay giá cây lao, đang chiến đấu con rồng đuôi dài cánh ngắn bên trên một bồn nước hình bán nguyệt, Lan Anh nhìn ra bờ sông thấy vài con bồ câu đang đi đi lại lại tìm kiếm thức ăn, với đầu lắc lư mổ mổ. Bên kia bờ sông là nhà thờ Đức Bà của huyền thoại. Cô để ý rằng nhiều người đi lại trên sân và trên công viên thật rộng trước nhà thờ. Họ là những đoàn người khách nước ngoài đi tham quan, tay này cầm chiếc bản đồ nho nhỏ, trong tay kia là máy chụp hình, lưng đeo xách nhỏ. Có chút gì thanh bình, nhàn hạ và có chút gì hạnh phúc trong bối cảnh ngày hôm ấy.
Mới gặp mà thấy Đăng có nhiều thân thiện thế ! Anh chàng rất khôn, vì cố tình đi giữa mình và chị Nga. Anh chàng hãy còn trẻ con lắm, và sắc mặt cũng vậy, đôi má phúng phính, còn cái miệng thì hoạt bát. Thân hình hơi gầy nhưng cao cao, còn vẻ thư sinh nhưng cũng dễ mến đấy chứ !
- Này Đăng, sắp tới tiệm Thanh Bình chưa mà cứ đi tà tà ngắm cảnh như thế ? Con trai mà đi bộ chậm như tàu "ruồi"(3) đang dạo trên sông Seine vậy !
- Cuối tuần mà làm chi cho vội vã vậy ? Không thấy người chung quanh đang thong thả, biết thưởng thức không khí nắng ấm như thế này hay sao ? Sắp tới rồi đó ! Mà người ta chưa mua hết trái cây chở từ Việt Nam qua đâu mà sợ.
- Người ta mà chưa mua hết mấy trái soài, chắc vì mấy trái soài chưa chín nên chua như giọng của Đăng quá !
- Giọng tôi mà chua gì ? Hồi sáng mới uống sữa pha mật ngọt ngào mà. Sao mới quen, mà hai người chiếu tướng dữ dội thế ! Đi dạo mà như đang đấu võ vậy. Ghê quá ! Này, Chị Nga với Lan Anh có biết rằng Paris cũng có đấu trường La-Mã nữa đấy ! Ở gần siêu thị.
- Đăng nói nghe hấp dẫn quá ! Mới đi được mấy trăm thước mà sao nhiều di tích quá vậy ?
- Đó là chỉ nói đến di tích lịch sử đặc trưng của Paris thôi đó ! Đi trên con đồi này sẽ gặp một địa điểm hiếm có, cũng đặc biệt nhưng riêng cho những người yêu nhạc Việt.
- Trời, nói dóc vừa vừa thôi đấy nhé ! Đăng là người ba hoa số một.
- Người ta tự nguyện là hướng dẫn viên mà lại bị trách. Người ta kể rằng ở nhà trọ ở trên con đồi này, khi nhạc sĩ họ Trịnh lần đầu qua thăm Paris, một sáng nọ, những người tiếp đón nhận thấy chàng bồn chồn lo lắng, đứng ngồi không yên. Đi ra, đi vô rồi ra cửa sổ nhìn xuống phố như đang hẹn hò với ai. Rồi điện thoại reo vang. Chàng chạy vội xuống. Thì người ta thấy nàng đi lặn lội, vượt hàng ngàn cây số, từ bên Mỹ sang đến Paris để gặp người tri âm tri kỷ. Đó là trong những năm đầu Việt Nam vừa mở cửa.
- Chao ơi, trong suốt cuộc đời, ngay cả người nghệ sĩ cũng đi tìm cái bóng, rồi hỏi bóng ơi, bóng à, bóng còn nhớ hay bóng đã quên hình rồi...
Đăng và Lan Anh cười dòn lúc chị Nga vừa dứt lời. Tiếng cười lẻn vào không khí đầu thu, trong trẻo, vô tư bay vút lên cao, vượt nhanh bên trên của chiều thời gian.

Sau này, Đăng mới biết rằng buổi đi dạo ấy là cả một khoảng thời gian hiếm có trong đời. Mây có cạn nhưng trong anh tràn ngập nắng, gió có yên nhưng lòng anh lại bồi hồi. Vào những dịp anh trở lại dạo thăm khu phố này, cũng vẫn là những dãy phố ấy, cũng vẫn còn những khung cảnh ấy, như không bao giờ khung trời lại đầy đặn, xôn xao dáng người như buổi trưa mùa hạ Da Đỏ ngày hôm ấy.
Có những khúc đoạn đời, những thời gian ấy đã qua đi, rồi những con đường tách rẽ, xa rời, rồi xa rời theo thời gian. Vì nó hiếm có và hạnh phúc nên ta thầm mong suốt đời được sống lại những giây phút ấy, nhưng sự ngẫu nhiên của cuộc sống không đủ sức mạnh và quyền năng để hội tụ lại những sự vật và con người ở không gian yêu dấu đó một lần khác nữa.

- (1) : l’Été Indien.
- (2) : le passage Dauphine.
- (3) : bateau mouche.
- (*) : truyện đang viết.

Các tác phẩm khác của Bùi Nghĩa

Tay Ngọc

Năm, mười năm nữa

Mái tóc tặng anh

Giận anh , thương chú

Cuộc gặp lạ