Điệp khúc
Tác giả: Cấn Vân Khánh
M ỗi buổi sáng thức dậy, có ai ngờ, điều kinh hãi nhất, ám ảnh nhất đối với em lại là một bát mì tôm. Chẳng ai bắt em phải ăn nó.
Em có thể nhịn, em có thể chỉ uống một ly nước lọc rồi bỏ qua khâu tập thể dục và xuống bể nước với bàn chân nhón khẽ để đỡ tiêu hao năng lượng. Nhưng, cuối cùng, thì em, vẫn phải ăn mì.
Vì em không có tiền để ăn món ăn khác. Và vì em gầy quá.
Hồi mới nhập trường, em còn có thể được gọi là mảnh mai, còn có thể vênh mặt mà kiêu hãnh khi đi qua hoặc đứng cạnh những cô nàng béo tốt mà cánh sinh viên nam vẫn gọi họ là xe lu ấy. Nhưng bây giờ thay vì mảnh mai, em trở thành cây sậy, bộ xương khô… hay gì gì đó.
Em đọc được sự xót xa trong đôi mắt những người đối diện mình. Thuở ban đầu em cực kỳ hãi sợ, nhưng về sau em cũng chai đi. Có ai hiểu, chỉ một mình Hân - đứa bạn cùng phòng hiểu và có thể còn một nhân vật nữa.
Những sợi mì dài loằng ngoằng, xoăn tít, váng mỡ nổi lềnh bềnh những cọng hành khô. Ti vi quảng cáo rầm trời mì tôm thơm ngon bổ dưỡng, nhưng sao em thấy mình vô cảm khi nuốt nó. ẩm thực là một cái thú khi người ta ăn bất kỳ một món ăn gì, người ta cảm thấy vô cùng hạnh phúc ngay từ khi đầu lưỡi mới chạm vào.
Còn em thì ngược lại, em liên tưởng đến những con bò khi nhai rơm, chắc nó cũng như em, nhai, nuốt, chứ không phải là ăn. Người ta gọi là gì nhỉ? Ăn cho đỡ đói.
Ngày còn ở nhà, mẹ vẫn hay luộc khoai cho em ăn. Mẹ bảo: “Ăn cho đỡ đói”. Nhưng mà sao em thấy nó ngọt ngào đến thế. Những củ khoai căng mẩy tứa mật ngoài lớp vỏ, cắn một miếng khoai mềm và thơm nức, thấy ấm cả lòng.
Mà thôi nhỉ, nghĩ đến khoai rồi thì sẽ lại nghĩ đến bún ốc, bún chả, miến ngan, xôi thịt, bánh mì patê… người Hà Nội ăn ngon lắm. Trước đây, em cũng tập làm người Hà Nội, chính xác hơn là người ấy rất hay dắt em đi sục sạo khắp hang cùng ngõ hẻm để thưởng thức những món ăn ngon mà một con bé nhà quê như em chưa bao giờ được biết.
Cho đến khi, em đã gần như có cảm giác thèm thuồng thì người ấy lại thôi. Vì sinh viên xa nhà, chỉ có thể là bạn đồng hành với túng thiếu, nợ nần. Em thì chỉ túng thiếu, chứ không nợ nần. Còn người ấy thì em không thể nào biết được. Bởi vì…
Em không thể không nhớ như in ngày ấy, một ngày chớm đông se lạnh, em mặc áo len hồng qua phòng người ấy. Em muốn đi chơi vườn bách thú.
Mỗi lần em than em nhớ con mèo nhà em quá thì người ấy lại bảo với em rằng: “Mèo chỉ là tiểu hổ, rồi anh sẽ dắt em đi xem hổ thực sự”. “Nhưng em đâu thể bế hổ được, vuốt ve hổ được”. Em cong môi cãi. Người ấy cười nhăn nhở khoe mấy chiếc răng sún đến là duyên.
Rồi em cũng toại nguyện và no con mắt. Chúng em ăn kem, dạo bước trên thảm cỏ xanh mướt. Xung quanh em, trên đầu em, toàn lá là lá thôi, lãng mạn không tả xiết. Em thích thú ngắm nhìn tất cả những con vật nằm ngồi trong cũi.
Dĩ nhiên ấn tượng nhất là con hổ. Đường về em hát líu lo vì ngây ngất. Người ấy hăng hái đạp xe chở em, huýt sáo vang trời. Người ta vẫn hỏi nhau hạnh phúc là gì, hạnh phúc của em chính là như thế này đây. Chứ không phải điều gì cao xa cả.
Về đến ký túc xá, người ấy và em đứng bên nhau ngoài hành lang tầng ba. Trời sẩm tối nhưng đã thấp thoáng những vì sao xanh lung linh hiện lên giữa màn trời nhung sâu thăm thẳm.
“Anh ơi, anh có thấy giống một bức tranh thủy mặc không?”. Em chỉ tay về phía trước thốt lên. Người ấy ừ hử. Em hân hoan, tay trong tay với người con trai em vô cùng yêu mến. Trái tim em rung lên nhịp đập bồi hồi của luồng xúc cảm ngây thơ non trẻ nhưng đầy ắp khát khao.
“Minh này”. Người ấy ngập ngừng. Em vẫn mải mê với trời đất trăng sao nên không để ý lắm lời người ấy đang thầm thì bên tai. Đến khi người ấy giằng tay em ra, bực bội: “Em có nghe anh nói không? Hay là anh đi về cho em thoải mái một mình ngắm trăng sao?” thì em mới giật mình hãi sợ: “Có, em có nghe!”.
Người ấy rất ít khi cáu với em. Tình hình trở nên nghiêm trọng mất rồi. Nhưng rất may là người ấy đã dịu dàng trở lại: “Em à, anh không biết phải nói sao, tháng này mẹ anh chưa kịp gửi tiền, mà anh thì đang cần mua một số tài liệu…”. “Anh cần tiền à?”. Em vào đề luôn.
Em không phải là người thích vòng vo. “à, ừ”. Tiền ư? Từ bé đến lớn em chưa biết cho ai tiền bao giờ, trừ phi thi thoảng đi chợ thừa mấy trăm đồng em dành cho những người hành khất.
Có lẽ trông gương mặt em khi ấy có vẻ đăm chiêu lắm nên người ấy đưa tay lên miệng em, suỵt: “Anh tâm sự với em vậy thôi, còn em giúp được anh hay không, điều đó không quan trọng, cái chính là tình cảm của chúng mình”. “Vâng”.
Em đưa tay vào túi, rút ví ra, cái ví hồng thêu những bông mai vàng yểu điệu: “Đây, mẹ mới gửi cho em, anh cầm một nửa mà mua sách”. “Cảm ơn em, em thật tốt! Nhất định khi bố gửi lên anh sẽ hoàn trả lại cho em”.
Em sung sướng khi người ấy hạnh phúc, em soi mình trong đáy mắt long lanh của người ấy. Chúng em âu yếm nhìn nhau. Khoảnh khắc này, người ấy có muốn cả trời, cả đất em cũng dâng tặng, sá chi mấy trăm nghìn.
Em vẫn sống khá yên ổn trong hai tuần kế tiếp. Em không có nhu cầu may sắm nhiều, mỗi tháng mẹ cho em một số dư nhỏ ngoài tiền ăn để em có thể mua những vật dụng cần thiết cho sinh hoạt hàng ngày. Với em, thế là toại nguyện. Nhưng đến tuần thứ ba, em đã bắt đầu cảm thấy sợ. Một nỗi sợ mơ hồ.
Em gần như đã hết tiền. Nếu tính toán một cách kỹ lưỡng thì em chỉ còn sống được năm ngày nữa. Em âm thầm chịu đựng, không nói với ai, kể cả người ấy. Hân bắt đầu dò xét, khi có nhiều trưa em ngủ luôn, không ăn cơm. Nó đi ra đi vào, nhìn em: “Mày làm sao thế, định thành con mắm đấy à? Hay là tao phải cõng mày xuống căng tin?”.
Sự quan tâm của Hân khiến em chột dạ, em nhắm nghiền mắt. Mặc kệ. Đến khi nó hậm hực đóng sầm cánh cửa phòng vì phải đi ăn một mình, em mới lồm cồm bò dậy tu nước lọc. Nước lọc cũng làm cho õng bụng, cũng làm em no.
Một cái no giả tạo. Nhưng có hôm, huyết áp tụt, hoa mắt, chóng mặt gần như muốn xỉu, em đã nghĩ đến chuyện đi vay tiền, nhưng nếu có vay được tiền thì em biết lấy đâu ra mà trả lại? Hơn nữa, điều làm em hãi nhất đó là mấy đứa bạn cùng quê mỗi lần có dịp gặp em lại than nghèo than khổ, trong khi những lời than ấy lại tỉ lệ nghịch với bộ quần áo trên người chúng. Ở thành phố rộng lớn này, sẽ chẳng có ai đâu, giúp được em.
Chỉ có người ấy là thân thiết nhất, nhưng người ấy cũng đang gặp khó khăn. Tối thứ Bảy hàng tuần, chúng em ngồi uống trà đá bên quán nước ven đường khoảng mười lăm phút rồi sau đó lên tầng ba hành lang ký túc xá hóng gió đếm sao trời.
Tình yêu sinh viên lãng mạn vô cùng. Sự lãng mạn ấy khiến em quên đi bao toan tính đời thường, để trở về đúng với con người thật của mình, một cô gái quê ngây thơ và trong sáng.
Cuối cùng thì em cũng vượt qua được hai tuần thiếu thốn ấy, cho đến khi nhận được tiền mẹ gửi cho tháng sau. Thôi thế giã từ những ngày nhịn ăn nhé. Em kêu người ấy chở em ra bưu điện lĩnh tiền. Chúng em đi ăn miến ngan, người ấy đi cùng em nhưng mặt buồn rười rượi.
Là người nhạy cảm nên em nhận ra ngay. Em gặng hỏi nhưng người ấy không nói, đến khi về đến cổng kí túc, người ấy nắm lấy tay em, dịu dàng: “Ngày mai, anh về quê, ông ngoại anh bệnh nặng… Ông là người quý và thương anh nhất, lỡ ông có mệnh hệ gì anh làm sao sống được”.
“Vậy sao?”. Em thảng thốt kêu lên. Người ấy đang gặp chuyện buồn, và người ấy đang cần sự sẻ chia. “Vậy anh về quê ngay đi!”. “Nhưng…”. “Nhưng sao anh?”. “Anh hết tiền rồi…”.
“Trời ơi!” Em kêu lên, nhưng em không thắc mắc. Em hiểu người ấy đang cần gì, yêu nhau là phải hiểu nhau. Ai đó đã nói thế. Em không biết mình đang làm gì, nhưng em thấy tay mình lại đang đút sâu vào túi, những ngón tay lần khẽ vào xấp tiền mỏng em vừa lĩnh mà chưa kịp cất vào ví. “Đây, anh cầm lấy mai mà về quê…”.
Người ấy nhìn em, mắt rưng rưng vì quá xúc động. Có lẽ thế. Chúng em chia tay nhau sớm hơn dự tính vì người ấy phải về sửa soạn đồ đạc. Em cảm thấy mệt, vừa về đến phòng em đã ngã ra giường. “Mình không tiếc đấy chứ?”.
Em tự vấn mình. Như thế thì nhỏ mọn và hẹp hòi quá. Mình yêu anh thực sự, và mình sẵn sàng hy sinh vì tình yêu ấy”. Em hạ quyết tâm, cố gắng xóa đi cái ám ảnh đói khát đang chờ trực ở phía trước.
Hân đi siêu thị, em nhờ nó mua cho em ba chục gói mì tôm. Nó trợn mắt nhìn em. Em làm ra vẻ bình thản: “Tao lười đi lắm, ăn mì cho thuận tiện”. Hân kéo tay em lôi sềnh sệch ra khỏi phòng: “Mày không bị điên đấy chứ?”. “Không”.
Em quay đi tránh ánh mắt sắc lém của Hân khi nhìn thẳng vào mắt em: “Mày nói đi, sự thật là thế nào? Trước đây mày không như thế này…”. Em nhìn Hân bủn rủn. Và em đã không thể giấu nó. Em kể hết. Hân vừa nghe vừa nghiến răng kèn kẹt.
Nhưng nó không phản ứng gì hơn. Một lúc sau, nó đi ra ngoài, lúc về nó bảo em: “Chàng của mày hôm nay về quê à?”. “Ừ”. “Sao tao thấy hắn đang ngồi dưới căng tin với lũ bạn hắn”. “Mày có nhìn nhầm không?”. “Không tin xuống đó mà xem”.
Giọng Hân tưng tửng. Không lẽ người ấy dối em? Em chạy xuống căng tin, sửng sốt khi nhìn thấy người ấy đang ngồi giữa đám đông, bên cạnh những người bạn của người ấy. Họ đang ăn sáng và nói cười vui vẻ. Người ấy không nhìn thấy em. Mà em cũng không muốn điều đó xảy ra. Sẽ chẳng làm gì cả.
Em lủi thủi về phòng.
Hân liếc bộ mặt buồn như đưa đám của em và không bình luận gì. Có lẽ, nó muốn khơi dậy sự tự ý thức trong em. Em muốn ngủ. Em nằm nghiêng, mắt nhìn lên bức tường xanh, em nhìn lên những vết nứt.
Không hiểu tình yêu của em và người ấy có những vết nứt như thế hay không? Em không giận hờn, trách cứ, tuyệt nhiên không có chút gì cảm giác đó. Mà em chỉ thấy mình đang đau khổ.
Những chuỗi ngày tiếp theo em bắt cái dạ dày tội nghiệp của em chiến đấu với mì tôm. Quen đi chứ, cái gì lặp đi lặp lại nhiều lần mà chả trở thành thói quen. Bữa sáng. Mì tôm. Bữa trưa. Mì tôm. Bữa tối. Em mới được ăn cơm.
Tối thứ Bảy, người ấy cử một anh bạn vàng sang phòng em thẽ thọt: “Quân nó nhờ anh nhắn với em là nó đang bận ôn thi, không qua em được”.
“Vâng ạ”. Em cúi đầu. Xong nhiệm vụ, người bạn thân của người ấy hỏi dăm ba câu nhạt thếch rồi lủi nhanh sau cánh cửa gỗ màu xanh. Em những muốn lao đầu theo, nhưng chân em tê cứng lại. Em ngồi chênh vênh, ngơ ngác không biết mình đang nghĩ gì.
“Mày xem thế nào đi chứ? Thật xấu hổ khi tao lại có đứa bạn hèn hạ và đáng thương như mày”. Hân dường như quá bức xúc, bắt đầu sỉ vả em. “Thế tao phải làm gì?”.
Em chống chế: “Tao không biết giận ai cả”. “Tao không cần mày giận, nhưng phải làm một cái gì đó. Mày không thể nhịn ăn như thế mãi được”. “Vậy tao phải làm thế nào đây?”. “Mày phải qua gặp hắn, nói với hắn là mày hết tiền, hắn cần phải lo cho mày”. “Tao không làm thế được”. Em gần như hét lên. “Tại sao lại không khi hắn làm được điều đó với mày”.
Ừ nhỉ! Người ấy nói được, tại sao em lại không thể nói ra, rằng em cần tiền lắm, em không thể sống khổ sống sở mãi thế này được. Trong một giây phút hăng máu, em thay đồ qua khu kí túc xá nam.
Đây là một căn phòng bé nhỏ và quen thuộc. Em vẫn lui đi lui lại nhiều lần. Vẫn cánh cửa gỗ nâu sờn mỗi lần cơn gió thốc ngang qua là va đập liên hồi tạo nên những thanh âm hoảng hốt. Chưa bao giờ, căn phòng này lại gây cho em một cảm giác hoang mang hãi sợ thế này.
“Minh uống nước đi…”. “Cảm ơn anh”. Em đón cốc nước lọc từ tay người ấy. Hôm nay người ấy mặc quần tây áo sơ mi trắng là thẳng nếp, có lẽ người ấy vừa đi đâu chơi về. “Em biết đấy, dạo này anh bận bịu quá.”. “Dạ”. “Em dạo này thế nào”. “Em bình thường”. “Tốt”.
Mấy anh chàng ở chung phòng người ấy nhấm nháy nhau cười rồi leo tót lên giường trùm chăn kín mít. Em uống hết ly nước lọc, xoay xoay miệng cốc. Người ấy với tay lấy tập giáo trình, lật đi lật lại từng trang.
Tất cả diễn biến đều không theo ý em, không một chút nào. Đáng lẽ, khi người ấy hỏi em sống ra sao thì em phải nói là em thiếu thốn và mỏi mệt đến nỗi sức khỏe em sa sút lắm rồi, nhưng em lại nói là em bình thường. Trời ơi. Thế mà là bình thường hay sao?
“Em đợi anh một chút!”. Người ấy đi ra khỏi phòng. Em ngước lên tường. Đồng hồ chỉ mười giờ đêm. Giờ này, chắc Hân đã đi ngủ. Em và Hân nếu không phải kỳ thi thì thường đi ngủ vào giờ này.
Nhưng em lại ngồi đây, chơ vơ, như một vị khách bất đắc dĩ. Dường như em đọc được sự miễn cưỡng trong đáy mắt của người ấy khi tiếp em. Nhưng chỉ là dường như thôi, vì cho dù có nhạy cảm đến đâu em cũng không dám tin đó lại là sự thật.