Súc hỷ
Tác giả: Cao Duy Sơn
Ngồi trên chiếc ghế dài trước cửa, Súc Hỷ lặng lẽ ngắm dòng người vào chợ. Khí lạnh phả xuống từ vách núi khiến lão co ro trong chiếc áo bông xanh như con tê tê cuộn mình.
Quá chín giờ mà nắng non chưa chịu ló. Thời trẻ rét hơn thế lão còn lặn sông Qui bắt cá. Nhắc đến lại tiếc. Nhanh quá thế! Tết này nữa đã bảy mươi mốt xuân qua.
Súc Hỷ là người duy nhất ở đất này còn ít chữ nôm Tày. Vì thế phần nào lão được nể trọng. Ba ngày tết trong bộ quần áo rách như gã ăn mày, lão tự nguyện "khai vài xuân" cho mọi nhà. Những ngày đó thấy lão, dân Cổ Lâu đều tỏ mặt cung kính.
Có điều lão hơi buồn, ngôi nhà chỉ còn mình lão ở. Vợ lão đã theo tổ tiên lên đường trời từ cách đây hơn mười năm. Cũng ngần ấy năm thằng con trai đưa vợ con vào Tây nguyên làm ăn. Mấy lần nó ngồi xe ra đón nhưng lão không chuyển. Lão bảo, sống đâu quen đấy. Lão còn hạ một câu "ở đâu mà chẳng chết một lần". Thằng con nghe thế đành lui. Từ đấy nó ít về. Dù pa không nói nhưng nó biết, lão không chịu bỏ đất này vì còn nặng lòng tri kỷ. Chẳng phải mình nó, còn người nữa cũng biết, lão là Chương Chảo.
Nói hổ gặp hổ. Chương Chảo kia! Lão xách chiếc lồng tre dài, trong nhốt con gà trống lông đỏ. Súc Hỷ định lờ, Chương Chảo nhanh miệng hơn:
- Vui gì mà tự cười thế Súc Hỷ?
Cái thằng này sinh cùng năm đấy. Nó cũng là người Nùng nhưng mở miệng lại giống đứa Tày, đứa Kinh ở Cổ Lâu. Thúc, bá gì với nhau mà súc... súc? Bụng không ưa nhưng lão vẫn tỏ mặt thản nhiên:
- Chương Chảo, mày đi sắm tết muộn thế?
- Đồng tiền bé phải đi chợ cuối năm, may thì vớ được của rẻ, nhưng mua lại bị đắt, tiếc đồng tiền lắm.
Súc Hỷ rút tay ra khỏi ống tay áo bông, xoa xoa vào nhau, lão khẽ hạ giọng:
- Mày mua cáy tắc (gà nhỏ mồ côi) đi tái còn kêu đắt sao?
Chương Chảo không đỏ mặt, lão nhấc lồng dứ về phía Súc Hỷ:
- Thử cân xem, không đủ ba ki lù, cho mày ngay.
- Việc gì phải cân, cáy tắc cho con trẻ nuôi chơi chứ ai ăn?
Chương Chảo đột nhiên xuống giọng:
- Cái mồm mọc gai của mày, chỉ được nói hôm nay thôi đấy. Sớm mai khai vài xuân, nhớ chọn lời hay, lời đẹp để cả năm tao gặp may.
Phải như mọi lần bị Súc Hỷ chọc tức, Chương Chảo đã nhổ bọt bỏ đi, nhưng mai mùng một tết, lão xuống giọng vì không muốn nhà mình duy nhất ở Cổ Lâu, không được Súc Hỷ đến khai vài xuân, dán giấy đỏ lên cánh cửa, cầu phúc, cầu an cho cả năm. Cái mặt Súc Hỷ kìa, gì mà đắc ý thế? Ghét quá. Nuốt khó chịu xuống ruột, Chương Chảo cười, hở cái miệng chỉ còn hàm răng dưới. Lão quay bước về nhà.
Biết Chương Chảo chỉ giả cười. Súc Hỷ chợt ân hận. Nhưng lão nói cho vui miệng thôi mà, đừng nghĩ quá thế! Chuyện cũ như gỗ mục trong rừng, lão đã không nghĩ đến từ lâu.
Tết về trẻ vui, già buồn vu vơ. Ngồi đây ngắm chợ, lão thấy người mỗi lúc một vợi. Giá ngày ba mươi dài hơn, cho người ta nấn ná với năm cũ thêm chút nữa, có tiếng cười, nói trong ba cái nhà dài, cột gỗ tròn, ngói bám rêu đen trong lòng lão nỗi quạnh hiu cũng dịu phần nào.
Sao giờ này Dinh vẫn chưa đến nhỉ? Nhớ hương vị pẻng mẻ quá! Tết đến phố Cổ Lâu nhà nhà đều làm pẻng mẻ, nhưng không ai làm ngon hơn Dinh. Chỉ dăm bát gạo nếp hạt tròn, nửa bát tro rơm nếp, trộn đều, xoa kỹ, Dinh đã gói được hai chiếc bánh chưng lưng còng không nhân, đen nhức, ứa nhựa thơm đến tứa nước bọt. Năm nào biếu lão đôi bánh, bà đều đến vào giờ này. Biếu rồi lại dặn - "Đặt trên bàn thờ mỗi bên một chiếc, nhớ hết tết mới được bóc ăn đấy!". "Làm như tôi không biết gì ấy!". "Thì cứ nhắc thế, nhỡ quên ăn trước mất lộc cả năm". Bà tủm tỉm cười.
Súc Hỷ thở dài, miệng, mũi phả ra luồng hơi trắng mỏng. Mình già từ khi nào nhỉ? Đời người qua nhanh như mùa cốm tháng mười. Còn nhớ, ngày đó không lấy được Dinh vì có đứa loan tin xấu. Cái đứa ấy hẳn hoi nó biết Hỷ dắt ngựa sang Bảo Lạc thu mua củ voòng chinh về để hoàn thuốc bán. Trên đường bị phỉ chặn cướp phải trốn vào rừng, ở với người lô lô Cốc pàng. Nửa năm sau mới về được đến nhà. Thế mà đứa xấu miệng đặt chuyện, chính nó thấy Hỷ trong đám thổ phỉ Mã Lình, tiên phong cướp dữ bên châu Hạ lang. Chính quyền bắt Hỷ lên tra hỏi. Chẳng chứng cứ buộc tội đành thả Hỷ về. Nhưng tên lão bị gạch đít đánh dấu "thảo khấu chưa thành". Năm đó Hỷ chưa đến hai mươi. Chuyện không thành sấm sét cũng đủ hoá mưa bão bẻ gãy cây rừng. Pa me Dinh vội treo ngay chiếc bén, bết chữ vôi "cấm Hỷ nhập", liền tay đồng ý cho một anh bộ đội làm con rể.
Đêm cưới Dinh, Hỷ đến áp tai vào vách. Nghe Dinh khóc gọi tên mình, Hỷ bắc thang leo lên mái, lật ngói nhảy vào buồng. Định buộc Dinh vào lưng cướp đi, nhà gái phát hiện, tóm cổ đánh cho Hỷ một trận nhừ tử. Họ còn cho người lấy nhọ chảo, trộn mỡ lợn bôi vào mặt, trông lem luốc như mặt chó mực, rồi đá đít tống ra cửa.
Nhục nhã ê chề. Hỷ bước vào đền Phja phủ. Định bụng chui vào dưới bệ thờ, nằm chờ rắn mọc mào bò ra, cắn cho một nhát chết tươi. Đang mò mẫm, đầu bỗng đụng phải chiếc chuông đồng to như chiếc thùng gỗ gánh nước treo ngược. Đau đến xa xẩm mặt mày, Hỷ nổi cáu, vớ hòn đá đánh liên hồi vào chuông. Cổ Lâu tuy là vùng mới giải phóng, nhưng vẫn đang thời kháng chiến. Tưởng báo động có tàu bay Pháp đến ỉa bom, dân phố náo loạn, người đang dự đám cưới cũng co cẳng chạy vào hang. Sướng tai quá! Cứ thế này đánh đến sáng cũng không chán tay. Có nhiều tiếng chân huỳnh huỵch chạy đến, tay súng, tay dao, cả đuốc nữa sáng rực một góc trời. Đang còn u mê trong âm thanh inh inh, oong oong, Hỷ thấy có ai nắm tay mình kéo vào bóng đêm.
Cho đến lúc nghe tiếng nước chảy, Hỷ mới biết mình đang đứng bên bờ sông Qui. Có tiếng trách móc:
- Mày điên hay ngu mà làm thế?
- Chương Chảo sao...?
- Tao đây! Không nhanh thì đầu mày thành quả bí nát rồi.- Chảo hổn hển.
- Mày cứu tao làm gì chứ? - Hỷ đờ đẫn, tuyệt vọng.
- Tao có lỗi với mày Hỷ à...! Tao cũng thích Dinh mà, nhưng ma quỷ xui tao ghen tức làm tao mất khôn mất rồi...
Chương Chảo ngồi thụp, cúi đầu. Nó run rẩy thú nhận mình là kẻ đặt chuyện Hỷ theo phỉ Mã Lình, chỉ để Hỷ mang tiếng xấu không lấy được người mà nó cũng muốn lấy làm vợ... Hỷ túm cổ nó dìm xuống sông. Chương Chảo không cự lại. Nó nói rồi, hôm nay nó chịu chết mà. Mặt nước chỉ có bong bóng "búng bính" nổi lên. Toàn thân Hỷ như lên cơn sốt. Mình đang giết người! Ý nghĩ đó chợt làm Hỷ run tay.
Chương Chảo được kéo vào bờ. Nó chỉ mới bị sặc nước.
- Ghét mặt tao thế còn cứu tao làm gì chứ? - Hỷ đập tay xuống đất.
- Cái chuông đền bị mày đánh vỡ rồi đấy! Chuông ấy dân Cổ Lâu quý như thế nào chắc mày biết? Tội lớn bằng trời. Mày không bị đánh chết cũng sẽ bị mang tiếng xấu lần nữa, tao đã gây ra chuyện thì phải gỡ ra thôi.
Có tiếng chim ăn đêm đập cánh đậu xuống rừng bên sông. Sóng sông Qui nhè nhẹ vỗ vào bờ. Không gian trở nên yên lặng.
Chuyện xưa giờ đã cũ. Đồng niên chẳng còn mấy ai. Lạ một điều, Hỷ, Chảo, và Dinh nữa vẫn còn đây? Dinh đã là bà ngoại, chồng hy sinh từ hồi chống Mỹ. Chương Chảo có một nhà con sáu đứa, vợ bị bại liệt cách đây hai chục năm. Sinh lực lão còn dư dôi. Gặp nhau lần nào cũng than phiền "lãng phí lắm". Súc Hỷ biết, hơn chục năm qua Chương Chảo như con mèo đói, rình bắt con chim trên cành cao. Con chim ấy là Dinh. Có lần gặp Dinh, Súc Hỷ nói dỗi:
- Sao không lấy nó đi?
Dinh khẽ trách:
- Nói thế không sợ xấu mồm à? Chuyện ngày trước mình không thành, Khối người biết vì ai.
- Thì ra bà cũng đã biết, còn thù nó nữa không?
- Giờ còn ghét nhau nữa mà làm gì? Này, cái chuông đền bị ai đánh vỡ, giờ tiếng của nó nghe như hát bè hà lều ấy, khác trước lắm.
Nói vu vơ thế mà mặt Súc Hỷ đỏ như quả mác quây. Lão quay mặt vờ như không nghe thấy.
Đã có nắng rồi kìa. Mai mùng một trời chắc sẽ đẹp lắm. Ai đó đang đến gần? Tim lão hơi rộn. Bước chân này tiếng mỏng quá? Vẻ thất vọng chợt thoáng trong mắt lão. Có giọng bé con lí nhí:
- Súc Hỷ ơi, bà cháu bảo mang cho ông đôi pẻng mẻ.
- Bà đâu? - Lão lo lắng.
- Còn céc bánh cao chưa vào khuôn, bà chờ làm cho xong. Bà cháu nhắn, bánh này chỉ để bày bàn thờ, thắp hương ba ngày tết, hết tết mới được bóc ăn.
Súc Hỷ xoa đầu bé gái. Lão thở phào nhẹ nhõm:
- Ta nhớ rồi.
Chiều, chợ không còn người, phố bỗng rộng hơn. Mưa phùn như hoa bay trong gió, khẽ đậu xuống lá mận non tơ. Năm nào vào ngày này có vài giờ Cổ Lâu chợt vắng như phố không người. Súc Hỷ kìa, mọi người nữa, họ đang tản ra những chân núi, cánh đồng hun hút gió. Tết đến người được ăn ngon, ma cũng được chia phần. Lễ gọi hồn sắp bắt đầu đấy. Hương đã được thắp lên. Mâm cúng chỉ có gạo tẻ, muối hạt, nửa cân thịt lợn sống, tiền mã, chai rượu. Mọi người gọi, lão cũng gọi đây. Tiếng gọi nghe như gió thổi qua ngọn lau - "...ơ..ơi... hồn người oan khuất, hồn người vạ vật, hồn lang thang không bát hương đi về, hôm nay ngày kết, năm tròn có nắm gạo, hạt muối, chén rượu nhạt đến mà nhận. Hạt này hạt ngọc, hạt vàng, ăn một hạt no một năm, uống một ngụm vạn đường thiên lý không khô miệng. đừng làm con ma đói, ma khát quấy trẻ ốm, bắt người già... ngày này năm sau lại đến nhận phần hồn...ơ...ơ...ơi...". Gọi xong, lão vãi gạo, tung muối, vẩy rượu tứ phương, rồi thu dọn thịt rượu, bỏ vào túi nải đi về.
Thế là giao thừa đã đến. Súc Hỷ mặc bộ quần áo chàm còn mới, bước đến bàn thờ thắp hương bái tổ tiên. Khói hương thơm ngát toả nhẹ như tà áo tiên trong ánh nến mờ ảo. Lão thấy lâng lâng như bay, như mơ. Quanh đây đâu cũng người thân. Cụ tổ, ông bà, cha mẹ và cả vợ lão nữa mọi người vui vẻ đi lại khắp căn nhà đá cổ lỗ. Lão dâng rượu, mọi người cùng uống. Chén này lão mời riêng vợ - "Bà nó à cách biệt đã thập niên, chưa khi nào tôi thôi nhớ bà. Đêm nay tôi dâng chén này là có chuyện thưa. Bà biết không? Không khổ nào bằng sống một mình, tôi muốn có bạn. Bà đồng ý nhé! Phù hộ giúp tôi...". Súc Hỷ nâng chén rượu uống cạn, rồi lại rót đầy đặt lên bàn thờ.
Giờ là lúc lễ cha trời, mẹ đất. Mỗi nhà một mâm gà, rượu, một ngọn đèn dầu đặt ngay cửa mà cả phố như đêm hội hoa đăng. Có tiếng trống nhà ai đánh thùng thùng. âm thanh vui tai, khích lệ quá. Súc Hỷ thấy trong lòng phấn chấn.
Lễ trời đất xong, lão bê mâm vào nhà. Đáng ra cỗ này phải được bày ra ăn ngay để lấy lộc, nhưng lão có việc phải đi. Lão tự hứa, xong việc cùng với cân rượu ngon, sẽ đánh sạch banh lộc trời.
Súc Hỷ ra cửa đã là người khác. Trong bộ quần áo cũ rách lão hệt gã ăn mày. Bên hông buộc chiếc thu sáu miệng tròn đựng xấp giấy đỏ, ngực treo lủng lẳng ống bút, lọ mực. Cả năm có mấy ngày tết này thôi, lão là niềm mong đợi của mọi nhà. Không chỉ mấy người làm ăn buôn bán, cả những nhà lam lũ cũng mong lão lắm. Việc lão làm không ai giao, cũng chẳng cam kết với người kiếp trước. Lão tự nguyện. Kiếp nào, đời nào cũng có người như thế. Nhiều lúc lão tự hỏi, sau lão liệu có còn ai? Chắc là không. Thế thì tiếc thật. Khai vài xuân chỉ là chúc phúc cho thiên hạ sống hoà thuận, no ấm. Giống như gã ăn mày mà không phải ăn mày. Không mở miệng, ngửa tay xin. Ai biếu đáp tiền, gạo cứ việc bỏ vào thu sáu. Hình hài của lão, nó nhắc người ta khi sung sướng nhớ lúc đói khổ, kẻ nghèo khó hy vọng no ấm ngày mai, khi được lão đến đứng cửa, xướng lên những câu thơ mềm như suối hát.
Lão đi dọc theo phố chợ, rồi ngược lên Pò vài. Dọc đường đã có người quẩy thùng đi lấy nước mới. Lão nghe có giọng con trai hỏi:
- Súc Hỷ đeo thu sáu đi đựng nước mới á?
Chúng trêu lão đây mà. Lão cười:
- Lộc giành con cháu, ta đi việc ta thôi.
- ò...
Tiếng "ò" kéo dài đầy ngụ ý lão không để lọt tai. Đến chân núi Phja phủ, lão rẽ trái, đi về hướng tây.
Ngôi nhà ấy đấy. Cửa mở, đèn bật sáng như đang chờ khách đến xông nhà. Sao đêm nay hồi hộp đến lạ? Dinh kia, Bà ấy đang bày đồ ăn lên chiếc bàn gỗ. Một mình với mâm cơm giao thừa chẳng buồn lắm sao? Những giọt mưa đọng trên cây rơi xuống mặt lão lạnh buốt. Sau lưng có tiếng ho nhẹ:
- Đến rồi sao không vào đi?
Lão quay lại, ngỡ ngàng:
- Chảo... lại mày?
- Súc Hỷ à, tao đón được ý nghĩ của mày rồi, nhưng không như đầu mày nghĩ đâu. - Vừa nói Chương Chảo vừa thản nhiên tháo ống bút, lọ mực trên cổ Súc Hỷ - tự cởi bộ "khai vài xuân" ra nhé.
- Làm gì thế? - Súc Hỷ giữ chặt tay Chương Chảo.
- Đến rồi thì vào với Dinh đi, bà ấy đang đợi đấy!
- Sao không để tao yên, lúc nào cũng bám theo là thế nào?
Giọng Chương Chảo bỗng trầm xuống:
- Tao biết cả hai còn nghĩ về nhau nhiều lắm. Mỗi nhà một người, cái khổ giống nhau... ồi, mấy chữ này học được trong sách đấy, quên mất rồi. Cái đầu tao bây giờ ngu lắm. Nói ngắn thế này thôi, tao muốn tết này thay mày đi khai vài xuân, việc đó tao làm được.
- Mày vừa nói gì? - Súc Hỷ bỗng sững người.
- Tao biết chưa bao giờ mày tin tao, nhưng chỉ một lần này thôi, Hỷ à! Cởi bộ quần áo ngoài ra đi.
Không hiểu vì lẽ gì mà Súc Hỷ ngoan ngoãn làm theo? Lát sau Chương Chảo đã đổi hình dạng. Giờ lão giống như cây gỗ mục tróc vỏ. Lão phất tay về phía ngôi nhà như khích lệ Súc Hỷ, rồi mất hút vào bóng đêm.
Nhìn theo Chương Chảo, Súc Hỷ phân vân "không biết có được mấy chữ mà nhận phần việc về mình?". Ngắm lại bản thân, lão đã thấy tinh tươm lắm. Nhưng sao trời lại mưa và lạnh thế? Lão chợt tiếc đã không đem theo chiếc áo bông. Nhìn ánh lửa bập bùng hắt ra từ bếp, lão ước, giá lúc này được ngồi trong đó với một bình rượu hâm nóng. Hỡi ôi, cửa mở rồi kia, sao có gì cứ níu bước?
- Đến rồi sao không vào đi? Đứng ngoài đó mưa lạnh khéo ốm đấy.
Như được hớp một ngụm rượu lớn, người Súc Hỷ bỗng nóng ran. Sau phút luýnh quýnh, lão thẳng lưng, bước vào. Mú Dinh đứng bên cửa. Súc Hỷ dừng lại chắp tay trước bụng, giọng như hát:
- Bươn chiêng pi mấư lớ... cung hỷ phát sài a... ( tháng giêng năm mới, chúc vui khoẻ, phát tài)
- Vào nhà rồi hãy chúc, tóc lão ướt cả rồi!
Súc Hỷ theo mú Dinh đến ngồi xuống bên bếp than hồng. Nhìn Súc Hỷ run run, mú cười mủm mỉm:
- Thích diện thì phải chịu rét thôi lá.
- Lúc đi tôi đã...! - Lão lúng búng - sao Dinh biết tôi đến đứng ngoài kia?
- Lại còn hỏi nữa a! Khác biết.
Có gì đó như một sự trẻ trung còn đọng trong giọng nói kia. Cảm giác thật ấm áp khiến lão hình dung mọi chuyện mới chỉ như hôm qua. Ờ, ngày đó mình đã buộc Dinh vào lưng định vượt mái nhà này bỏ trốn. Mới đấy mà đã đây. Môi thắm, má hồng giờ nhạt phai. Hận cũ cũng đã chôn vào dĩ vãng. Nhưng lòng sao chưa hết tơ vương?
- Dinh à, Dinh có nghĩ giống tôi không?
- Về gì chứ?
- Chẳng thể nào quên được nhau.
Mú Dinh khẽ thở dài:
- Tôi cũng thế! Chỉ ngại, con cháu nói mình đã thành ông, thành bà.
- Chúng có phận riêng, ta già rồi ở một mình khổ lắm!
- Biết là thế! Bây giờ Hỷ định tính thế nào?
- Thế nào nữa, ngày xưa tôi đến cướp Dinh bị người nhà Dinh bắt sống, đánh cho bệt đít xuống đất, bôi nhọ chảo trộn mỡ lợn lên mặt, rồi tống ra cửa. Bây giờ không còn leo được lên mái, nhưng vẫn đủ sức kéo Dinh về nhà tôi đấy.
Mú Dinh khẽ cười:
- Vẫn chẳng khác ngày xưa!
- Khác chứ! Người đi ngược đường cũ bằng chân, ngược về thời trẻ chỉ bằng ý nghĩ. Tiếc lắm thay, già mất rồi.
- Than thế còn đến đón nhau?
- Tôi có ý nói Dinh đâu?
- Cái mồm chỉ giỏi nói thôi.
Dinh đã cười, ấy là việc mười phần đã thành tám, chín. Lão run run:
- Tôi sẽ làm cái việc ngày trước chưa được làm nhé?
- Còn hỏi nữa.
- Vẫn còn nhẻn sao?
- Không, nhưng thấy thương lắm!
Súc Hỷ im lặng. Có gì đó thật ấm áp trong lòng. Tay trong tay, lão đỡ mú Dinh đứng dậy, bước đến trước bàn thờ:
- Lạy tổ tiên, ông bà tái, năm mươi năm trước Hỷ này chưa có duyên làm con rể nhà họ Tăng, hôm này giao thừa, nén hương này Hỷ dâng tỏ lòng cung kính. Xin tiên tổ được làm bạn với Dinh.Từ nay coi hai nhà là một, tựa vào nhau khi lạnh lưng, làm tay, làm chân của nhau khi khó ở....bái...bái... sống cùng nhau, chết cũng cùng nhau bái bái...
Đỡ mú Dinh quay lại ngồi xuống bên bếp than. Giọng lão xúc động:
- Thế là thành rồi Dinh à, từ nhà đến đây thắp hương tôi đã đi hơn năm chục năm đấy!
- Chỉ tiếc già mất rồi!
- Tôi thấy mình vẫn chưa già, cả Dinh cũng thế!- Đôi mắt Súc Hỷ chớp chớp, lão cúi xuống nắm tay mú Dinh.
- Năm nay ông lại đi khai vài xuân nữa chứ? - Mú Dinh nhìn lão chờ đợi. Súc Hỷ chưa kịp trả lời, ngoài hiên chợt có tiếng người ho khẽ.
Súc Hỷ nhìn ra cửa. Ôi Chương Chảo! Lão như cây gỗ mục chằng chịt lá khô đang bước đến. Lão định giở trò gì nữa đây? Đúng bài rồi đấy! Khai vài xuân đến nhà ai chỉ được phép đứng ngoài cửa thôi. Nhưng liệu nó có biết xướng thơ không? Chương chảo cất giọng như hát:
- Bươn chiêng pi mấư khai vài xuân a... ngần sèn khảu tu nả à, mò mả khảu tu lăng ơ.. cần ké lục đếch khảu pi mấư à a... phù sần au khen slửa lòng dà... khảu nặm, ngần sèn tim rườn la... cung hỷ phát sòi...(tháng giêng năm mới đến khai xuân, chúc cho tiền bạc như nước chảy vào cửa trước, ngựa bò chen đầy cửa sau, trẻ già cùng bước vào năm mới, đều được tay áo thần tiên che chở... gạo, nước, tiền, bạc đầy nhà... vui vẻ phát tài).
Xướng xong Chương Chảo dán tờ giấy đỏ lên cánh cửa. Vừa dán lão vừa lẩm bẩm như niệm chú. Mú Dinh bước ra, bỏ vào chiếc thu sáu đeo lủng lẳng bên hông lão đồng xu mới. Rồi chắp tay choom bái. Chờ mú Dinh làm xong thủ tục, Súc Hỷ bước đến nheo nheo mắt ngó vào tờ giấy đỏ, vẻ tò mò:
- Cái tai mày ăn cắp thơ giỏi lắm, nhưng bôi cái gì lên tờ giấy thế này?
- Song Hỷ! Chẳng lẽ chữ này vào nhầm nhà hay sao?
- Song Hỷ, đến nhà nào cũng viết thế sao? - Súc Hỷ tròn mắt.
Chương Chảo cười:
- Không, chỉ có nhà này thôi, nhà khác đã có chữ khác giống như mày đi làm ấy. Từ nay mày coi như mất nghề nhá! Cái chân khai vài xuân đã có người làm thay mày rồi Hỷ à.
Nhìn lão Chảo mờ dần trong màn đêm, Súc Hỷ chợt áy náy, sao vội thế, chẳng kịp mừng chén rượu xuân nữa. Lão bỗng nhận ra, việc gì mình làm, Chương Chảo cũng đều biết. Lão đúng là con ma núi. Bây giờ lại lấy đi của lão bộ quần áo kẻ ăn mày, rồi tự nhận từ nay sẽ làm người khai vài xuân cho cả phố Cổ lâu. Lạ thật, chỉ cần khoác lên bộ quần áo đã thành con người khác. Không biết nên vui hay nên buồn? Nhưng có gì đó làm cho lão rất nhớ. Nỗi nhớ trong tâm thế của kẻ nghèo khó bỗng đủ đầy mọi thứ trên hai bàn tay. Lão quay lại nhìn mú Dinh, cái nhìn thật ấm áp:
- Dinh à, bà có biết tôi đang nghĩ gì không? Đã bao năm rồi đến hôm nay tôi mới được nghe khai vài xuân đấy.
Ngoài xa chợt vọng về tiếng chuông đền Phja phủ. Âm thanh của chiếc chuông đồng bị nứt ngân nga như bè hát Hà lều. Mú Dinh mủm mỉm cười. Tiếng chuông vọng vang vách núi bỗng nhắc mú nhớ đến chuyện ngày xưa. Mú kín đáo quay vào nhà, nâng vạt áo thấm những giọt nước mắt mỏng như những bụi mưa xuân.
Cổ Lâu tháng 11/2004
(Trích trong tập Ngôi nhà xưa bên suối - tập truyện đoạt giải thưởng Hội Nhà văn 2008)