Sư tích chùa Trinh Nữ
Tác giả: Cao Hạnh
Chùa Trinh Nữ năm trên một ngọn đồi cao thuộc trung tâm xã Mỹ Hoà. Đứng trước chùa nhìn ra, đồng lúa mênh mông trải dài đến tận chân núi Lạng Sơn.
Giữa đồng có một hồ sen hình bán nguyệt. Con đường cát trắng từ đồi cao lướt xuống, chạy dọc theo hai bờ đá, lượn thành chín khúc rồi đổ xuống hồ sen một dáng rồng. Mùa hè, đồng lúa chín vàng rực. Màu vàng của lúa lượn quanh hồ sen làm nổi lên một vầng trăng tím. Con rồng trắng vươn mình ngậm lấy mảnh trăng, chìm đắm trong mùi hương ngây ngất của sen và của lúa. Vị hương ngọt ngào quấn trong nắng gió giục giã gọi đàn chim bay về. Núi Lang Sơn lâm thâm mây phủ đón những cánh chim gieo vào sương khói.
Theo sách pháp địa xưa, chùa Trinh Nữ được đặt nơi sơn thuỷ hữu tình, có cánh đồng là nơi thuỷ tụ, có hồ sen là chốn minh đường. Trời đất giao hoà, tạo nên linh khí, nên chùa trường tồn và linh thiêng lắm.
Đứng dưới đồng nhìn lên, người ta thấy con đường dốc với chín mươi bậc đá, dẫn lối lên chùa, làm cho chùa trở nên bề thế. Mái ngói từ trời xanh nghiêng xuống, uốn thành hình hai con rồng vút lên giữa lãng đãng mây trời. Giữa sân có một cây si già, lòng ròng dây rễ tạo ra một tấm mành lớn buông xuống trước cửa chùa, thấp thoáng bên trong một cõi yên lặng và huyền bí.
Chùa có ba gian. Gian giữa là tượng Phật bà. Gian bên là tượng Trinh Nữ. Tượng được đúc bằng đồng, thanh thoát như bóng nắng. Chẳng biết người nghệ sĩ nào ngày xưa, tài hoa đến nỗi đã thổi cả tâm hồn mình vào thứ kim loại kia, để biến chúng thành một dáng hình sống động. Trinh Nữ có vẻ đẹp buồn thảm. Đôi mắt phản chiếu một luồng ánh sáng dịu hiền mà đau buốt.
Bà tôi kể rằng: “Xưa có một người con gái chẳng biết ở đâu xa đến làng này. Cô gái đang độ tuổi trăng tròn, mặt hoa da phấn.
Hôm cô đến, cả làng nghe thơm nức hương sen. Cô đi đến đâu hương sen ngọt ngào toả ra đến đó. Những người đàn ông trong làng bị mùi hương quyến rũ đánh thức cả nỗi niềm khao khát. Những gã trai tơ mặt mũi trơ lì đứng châng lâng ngoài đường, trước ngõ đưa cái nhìn thèm khát theo bóng người trinh nữ đi qua. Những người đàn ông đã có vợ, nhảy loi choi trong nhà, ôm lấy đít vợ mà vòi vĩnh. Ngay đến những ông già nằm liệt trên giường cũng thấy châng lâng trong bụng, gượng ngồi dậy bàng hoàng vuốt lại bộ râu.
Thấy có hiện tượng lạ, trưởng làng cho gọi cô gái lên xét hỏi.
Cô gái thật thà khai rằng: cô là con một gia đình nghèo khó. Mẹ mất sớm. Gần đây, bố mù loà. Một mình cô phải làm lụng vất vả để nuôi đàn em. Bố lại bị một căn bệnh hiểm nghèo thập tử nhất sinh. Thầy thuốc bảo phải có đủ mười hai quan tiền mới có thể chữa lành bệnh. Mọi đồ dùng trong nhà đã bán hết, chẳng còn cách nào khác cô buộc lòng phải đi bán trinh để lấy tiền làm điều hiếu nghĩa.
Trưởng làng nghe nói, mắt làng ngàng nhìn cô gái:
- Sao cô không vào thành phố mà bán? Lại dẫn xác đến làng này?
- Dạ thưa....chốn đô thị lắm người xa hoa, con sợ lây bệnh, nên phải tìm đến nơi làng quê ạ.
- Làng quê, ai lại làm điều bỉ ổi như vậy?
- Vâng con biết. Chính vì thế, nên con tìm về đây với hy vọng vừa kiếm được tiền chữa bệnh cho bố vừa kiếm lấy tấm chồng luôn thể.
- Nghĩa là.....
- Nghĩa là sau khi thanh toán xong số tiền, con sẽ ở lại với người đàn ông ấy, không kể già hay trẻ, xấu hay đẹp cũng chẳng tính làm vợ cả hay vợ nít.
Trưởng làng há hốc mồm hồi lâu mới phát ra được một câu rấm rớ:
- Nhưng ở đây dân cực khổ, lấy đâu ra tiền mà mua.
Cô gái cúi đầu xuống, khẽ thở dài....Chao ôi! Một việc làm đến cực lòng mà nào cô có muốn. Đời con gái chỉ được một chữ trinh phải đem đi bán độ, chẳng khác nào một bông hoa rút hết nhụy mật thì hỏi còn giá trị gì? Ấy thế mà hoàn cảnh bức bí quá, buộc cô phải đem bán, lại bán với một giá rẻ mạt, chỉ đổi bằng một con trâu có trị giá mười hai quan tiền vừa đủ thuốc thang chữa bệnh cho bố, thế mà không đổi được.
Cô gái ngẩng mặt lên, nước mắt rân rấn:
- Thưa ông! Con biết ở nhà quê tiền nong rất khó, nhưng chắc là có trâu bò chứ ạ. Ông làm ơn chỉ mối cho con, con sẽ ơn ông suốt đời.
Cô gái vừa dứt lời. Trưởng làng chưa kịp nói gì, ngoài sân đã có tiếng chộn rộn. Mấy gã lực điền chen đám đông thò đầu vào cửa sổ, trông có vẻ muốn đưa tây đấu giá. Nét mặt trưởng làng cháy lên, cái nhìn của ngài như mũi kiếm bạc phóng ra cửa sổ. Có ai biết bụng ngài đang lên cơn hậm hực. Mẹ kiếp chúng mày toàn là lũ dâm đãng cả. Của nả của chúng mầy là cái thứ gì so với nhà tao. Tao chỉ cần xướng lên một tiếng, chúng mày phải bó tay ngồi nhịn thèm. Nhưng lúc này, với chức vị trưởng làng không cho phép tao làm điều đó. Mẹ cha chúng mày sao lúc này chúng mày được làm dân bụi mà tao phải làm trưởng làng chứ. Chẳng lẽ, tao để mất cho chúng mày.....
Ngài ngoảnh lại nhìn cô gái và đạp tay xuống bàn:
- Không thể được. Làng này là đất linh thiêng, các dòng tộc gia phong đều có trật tự bao đời, lẽ nào lại chấp nhận một con người như cô để gây ô uế à?
Nước mắt cô gái rơi lã chã:
- Thưa ông! Nếu thế.....,con xin đổi một con bò rồi ra đi khỏi làng.
- Không trâu bò gì cả. Cút mẹ mày đi! Đi ngay lúc này.
Cô gái oà khóc:
- Bẩm ông. Đêm hôm khuya khoắt, phận gái tơ đào đi ra sợ gặp điều run rủi. Ông làm ơn làm phúc cho con nương náu trong làng, sáng mai con sẽ đi ngay.
- Không được! Cút! Bay đâu tống cổ nó ra khỏi làng.
Trưởng làng vừa dứt lời, năm thanh niên nhảy ra tình nguyện đưa cô gái đi. Trưởng làng bước đến nhìn săm soi vào mặt từng người, khẽ lắc đầu:
- Không được. Chúng mày đều là những thằng “háu đói”, chẳng lấy gì làm bảo đảm.
Xạ Kha từ nãy đến giờ ngồi im ỉm, bây giờ mới lên tiếng:
- Việc này cần phải họp các chức sắc để bàn bạc kỹ ông Hương ạ.
- Đúng - Hương Bổn gật đầu, đưa tay xua xua mọi người - Mời bà con giải tán ra về, còn các vị ở lại họp.
Mọi người lũ lượt kéo nhau ra ngõ, chỉ còn lại ba vị chức sắc ngồi lại giữa sân đình. Dưới ngọn đèn chai, ba vị ngồi tụm lại. Ngọn đèn có miếng sắt chụp bên trên, ánh sáng chỉ đủ soi rọi vào ba bộ mặt. Từ xa nhìn vào, người ta tưởng như ba chiếc đầu lâu treo lơ lửng, lúc la lúc lắc giữa không gian. Họ bàn tán với nhau những gì cô gái không nghe rõ. Lát sau ba vị đứng dậy đưa cô gái đi. Mặc cho cô gái hết lời van xin ở lại làng, ba vị vẫn không nghe. Trưởng làng đưa chiếc gậy đẩy đẩy cô ta vào bóng tối.
Sáng mai có một chị đi làm nương hớt hải chạy về báo rằng: thấy có một xác chết trên ngọn đồi. Dân làng chạy lên. Họ nhận ra đó là xác chết của cô gái nọ. Cô nằm khoả thân trên cỏ. Đầu ngẩn sang một bên. Tóc rối bời. Hai tay bíu chặt hai búi cỏ. Chân co, chân duỗi. Bộ ngực căng đầy, hứng đón sương. Những giọt sương mai trong suốt như những giọt trân châu lấm tấm trên đôi bầu vú lăn dần xuống bụng. Người ta nhìn thấy một vài giọt máu còn vương trên bắp chân săn cón. Không ai bảo ai, nhưng tất cả đều nghĩ thầm rằng cô gái chết do bị hiếp. Nhưng thủ phạm là ai, người ta không rõ.
Lúc này các vị chức sắc có mặt đầy đủ. Xạ Kha nói rằng:
- Đêm qua họp xong, tôi đưa cô ấy ra khỏi cổng làng rồi về ngay.
Hương Bổn giọng oang oang:
- Công nhận! Tôi đứng ở cổng làng nhìn thấy ông Kha chỉ đi theo cô ấy chừng năm chục mét rồi quay lại.
Bộ Ẩn giọng thuốc lào được tẩm rượu lè nhè:
- Tôi.... đứng đợi hai vị ở bụi tre trước cửa nhà bà Mót! Có phải thế không nào? Lúc ấy hai vị về gặp tôi....Cả ba cùng kéo lên sân đình ngồi uống rượu.
- Chả là tôi bảo ông Ẩn ở nhà chuẩn bị cho tôi đĩa mồi mà - Xạ Kha xướng thêm.
Qua lời ba vị, toát lên một ý rằng: họ giám sát lẫn nhau rất chặt chẽ, không ai có thể dính vào tội lỗi. Như vậy, có chăng nữa chỉ là những người đàn ông, trai tráng trong làng. Nhưng những người này đều được những bà vợ, và gia đình quản rất chặt trong đêm đó, hỏi làm sao thoát ra được để làm điều ô uế. Vậy thì ai? Ai là kẻ gây nên tội lỗi?
Trong lúc mọi người đang bàn tán cố tìm ra thủ phạm thì Xạ Kha hỏi một câu lơ lửng: “Thằng Cò có ở đây không nhỉ?” Làm mọi người tập trung chú ý đến thằng Cò. Thằng Cò là một kẻ ở đợ trong làng, không cha, không mẹ sống cù bất cù bơ. Năm nay đã mười bảy tuổi nhưng người nó chỉ bằng cái nấm. Nó đến làng này đã hai năm. Suốt ngày làm thuê làm mướn, đêm về ngủ ở chuồng trâu chuồng bò, có khi ra nằm ngoài cống, hoặc lên đồi cao nằm trải mình hứng mát chẳng ngại muỗi đốt sương rơi. Gặp ai nó cũng cười. Cái mồm bao giờ cũng toe toét. Nhất là thấy đàn bà con gái, thằng Cò bao giờ cũng tỏ ra hào hứng. Người ta kể, có lần bà Mót đi chợ về, ngồi đái bên bụi cây, thằng Cò lén nhìn, thích chí hoan hô, bị bà Mót tát cho một cái vào mõm, thế mà nó vẫn cứ cười. Chuyện đó loang khắp làng, đàn bà con gái đều lánh xa mặt nó. Bây giờ nó không có mặt ở đây. Vậy nó đi đâu?....Có người nào đó buông sõng một lời giữa đám đông: “Kẻ gian nào dám lộ mặt...”.
Những lời bàn tán bắt đầu rộ lên. Giữa những lời xì xào có tiếng cất lên vỏng vót:
- Đúng! Chỉ có nó mới làm điều ô nhục.
- Chính nó! Chính thằng Cò.
- Bắt lấy nó! Hãy tìm bắt lấy nó. Xé tan xác nó ra.
Hương Bổn nghênh mặt cười hinh hính. Bộ Ẩn cúi gằm mặt cũng ngậm một nụ cười đểu cáng. Xạ Kha nói một lời như được nuôi từ lâu trong gan ruột:
- Thằng ngụ cư này tởm thật, dám làm ô uế làng ta. Đúng là phải lôi cổ nó về mà bằm. Nhưng thôi chuyện đâu có đó, bây giờ không thể để xác cô ấy phơi mãi thế này. Tội nghiệp. Tội nghiệp lắm bà con ạ.
- Đúng. Tôi đề nghị khâm liệm gấp.
Tiếng ai đó đề xướng mọi người tán đồng. Người ta tản ra, lo việc chôn cất cho cô gái xấu số.
Năm mười năm sau “kẻ trọng án” ở tù về, lúc này ông Cò râu tóc bạc trắng, người khỏng kheo như cây sậy. Tính ông trở nên trầm lặng, không nói cười toe toét như trước nữa. Ông làm một cái lều ở rìa làng, lúc nào cũng ngồi cóm róm ben trong bắc mặt nhìn ra. Ông không muốn tiếp chuyện với người lớn, chỉ thích chơi với bọn trẻ con. Lúc nào nghe tiếng trẻ con đến, ông mới ló đầu ra đưa tay vẫy vẫy.
Ông sống như vậy được hai năm rồi lâm bệnh chết. Khi thay áo cho ông để nhập quan một điều làm mọi người bàng hoàng là ông Cò không có chim, chỉ có một chút nhỏ xíu bằng cái đầu con giun, trông thật thảm thương. Người ta giật mình liên tưởng đến chuyện xưa thì đã qua rồi.
Sau này, để giải nỗi oan khuất cho ông, người ta bàn nhau lập miếu thờ. Nhưng đêm ấy, có một người làng nằm mơ thấy ông hiện về bảo rằng: “Nếu có lập miếu thờ thì hãy xây cho cô gái nọ, còn ông cứ để ông nằm trên đồi cát, thế là ổn. Vì thế mà chùa Trinh Nữ được xây cất từ đó. Trải qua bao biến động của thiên nhiên, đồi cát ngày xưa đã trở thành một bãi cát bằng. Người ta chẳng nhìn thấy mộ ông đâu nữa.
Sợ con cháu đời sau quên hết tích xưa người viết truyện này dẫn dắt từ chùa Trinh Nữ, âu cũng để tỏ lòng chiêm bái về ông.