Miên mợ và U và...
Tác giả: Châu Diên
Lần nào cũng thế, khi về nhà khuya, Miên đều được “mợ” mở cửa cho. Miên se sẽ bước qua cái cửa sắt đã được cả “mợ” lẫn “u” tra mỡ cho êm...
Cả nhà vẫn đang ngủ ngon. Buồng bên kia là nơi bố và mẹ ngủ. Buồng bên ấy nhỏ hơn buồng bên này dành cho Miên ở cùng với mợ và u. Giữa hai buồng chả hiểu vì sao lại có một buồng bỏ không gọi là cái phòng khách khá thênh thang so với buồng của bố mẹ và buồng của ba bóng đàn bà âm thầm bên này.
Một bận, Miên tranh thủ kê bộ máy tính qua bên đó, nhưng mẹ cương quyết bắt dọn hết sang buồng đàn bà. “Phòng khách là phòng khách”, mẹ bảo thế: “Nhưng phòng ngủ cũng là phòng ngủ, con không thể đặt máy bên phòng ngủ”, Miên cãi: “Không nói chuyện dở hơi với cô, lấy chồng đi, về nhà chồng tha hồ mà bầy biện”, mẹ gạt phắt.
Vì thế mà Miên phải chia nhau cái phòng ngủ với mợ và u với cả chiếc máy tính đặt ở góc nhà chỗ ưu tiên sáng sủa hơn cả.
Mợ mở cửa xong, đón lấy cánh tay gầy của Miên, đỡ lấy túi cho Miên, xuýt xoa:
- Tội thân con gái, đêm nào cũng “đi giai”!
Miên ghé sát tai “mợ” nói nhỏ và cố tránh một tiếng cười:
- “Đi-dai-nờ” giời ạ, em nhắc mãi mà mợ vẫn cứ nhầm… Không phải là “đi giai”, mợ nhớ chưa? Mợ nhắc lại xem nào, nhắc khe khẽ thôi kẻo bố mẹ em lại tỉnh dậy.
Mợ chậc lưỡi:
- Thì mợ cũng biết thế nào là “đi dai” với chả “đi giai”. Mấy lại mợ lo là lo cho con chứ lo cho ai? Đi cái gì mà mợ chả lo?
Ngừng một chút, mợ lại nói sau cái chậc lưỡi khẽ, và như nói một mình:
- Khổ thân con gái tôi, chỉ tại mợ sống dai quá! Mợ thì cứ sống mãi chẳng chết cho, con thì thiếu chỗ nằm chỗ ngồi chỗ vào chỗ ra… Giá mà cái nhà rộng chút nữa thì đâu đến nỗi… Mợ mà chết bây giờ thì nhà cũng rộng thêm cho con… Gần ba chục tuổi đầu mà chỉ tại nhà nghèo nên mãi chẳng lấy được tấm chồng…
Miên ôm lấy cổ mợ, nói khẽ vào tai mợ:
- Hôm nào mợ cũng ca đúng mỗi một bài ấy! Em thích lấy chồng thì nhà chật nữa em cũng lấy, mợ hiểu không? Mợ đi nằm đi, sáng mai bảy giờ em đã phải có mặt rồi, ngày mai là ngày bận chết người đây, mợ có biết không?
Đúng lúc ấy cũng có tiếng cựa quậy trên chiếc giường nhỏ. Phòng đàn bà có hai giường, một cái lớn cho mợ và Miên nằm chung, một cái nhỏ dành riêng cho u. Có tiếng u lấy bàn tay đập bộp bộp xuống chiếu. Mợ và Miên đang thì thào bỗng ngưng lại. Mợ ôm chặt lấy người Miên thì thào vào tai cô gái:
- Không phải u tỉnh giấc đâu! Đừng sợ. U ngủ ngon lắm.
- Em nghe rõ tiếng u đập đập xuống chiếu mà?
- U bảo là dạo này đêm nào u cũng mê thấy chuột đến cắn con. U đang đuổi chuột cho con ngủ ngon đấy.
Miên chợt thấy một thoáng như là hụt hơi, cần phải ngáp một cái thật mạnh cho bên ngực đỡ tức tức. Cho chút hơi mắc ở phía trên sống mũi thoát ra, nếu không nước mắt sẽ trào ra. Thật là kỳ cục. Mợ thì thức đêm chờ cửa cho mình. U thì ngay cả trong cơn mê cũng vẫn che chở cho mình. Còn bố mẹ thì đang thanh thản giấc nồng. Dẫu sao có thêm mợ và u, cuộc đời vẫn dễ thở như thường…
***
Trong gia đình Miên, ngoài mẹ ra, còn có “mợ” và “u”.
Mẹ của Miên năm nay ngót nghét năm chục tuổi. Cái tuổi trẻ chưa qua già chưa tới. Được cái từ ngày có kinh tế thị trường, có đồng ra đồng vào, mẹ cũng thích mua sắm, cũng đòi bố đưa đi nhà hàng, thỉnh thoảng lại tổ chức sinh nhật, liên hoan, rồi cũng chúc tụng, tặng phẩm, náo nhiệt ra phết.
Tặng phẩm gần đây nhất là cái máy nhắn tin thỉnh thoảng rỗi mẹ lại mang ra ngắm, những lúc có vài dòng tin nhắn của chị em cùng cỡ thì Miên thấy mẹ mình vui ra mặt, nhảy cái phóc là tới bên chiếc điện thoại cố định, rồi sau đó là “buôn dưa lê” cả thôi cả hồi. Vì cái thói quen thời đổi mới của riêng mẹ Miên như vậy mà hai mẹ con đã có nhiều lần xung đột. Đó là những lần Miên ở nhà mở máy rồi vào mạng hàng tiếng đồng hồ liền, làm ảnh hưởng tới thông tin của mẹ với bè bạn.
Những khi đó, câu chì chiết mẹ Miên cho rằng sẽ gây đau lòng nhất cho con gái mình là “lúc nào cũng đi dai với đi dai, từ nay thứ bảy chủ nhật tao đuổi mày ra khỏi nhà, cho tự do mà đi kiếm bạn, chứ định bắt chước các bà chị tôi ế sưng ế sỉa ra à?”.
Mợ hơn mẹ chừng bảy tám tuổi. Theo như cả nhà vẫn nói, thì mợ bị đau mắt thiên đầu thống khi còn trẻ, khi mới non hai chục tuổi đầu. Cơn đau đã khiến mợ bị hỏng hẳn một bên mắt, bên kia còn lại năm phần mười. Nhưng cũng còn câu chuyện khác nữa.
Chuyện do u kể cho Miên và bảo đó mới chính là chuyện thực, thì chuyện đó lại khác. U nói rằng, lẽ ra mợ mới thật là người sẽ có con với bố và rất có thể sẽ đẻ ra Miên. Mợ vốn dạy học cùng bố Miên ở một xã ngoại thành. Vào những năm gian khổ, mợ bỗng có sáng kiến đi tuốt quả muồng muồng hợp tác xã trồng đầy ngoài bờ mương về ngâm giá ăn.
Mợ dạy Sinh vật nên biết rõ cây muồng muồng thuộc họ đậu, nó được hợp tác xã trồng để làm cây phân xanh, nhưng tại sao mợ lại không dùng hạt của nó về ngâm giá ăn kia chứ? Thế rồi, có lần bị dân quân biết, họ đuổi, mợ ngã và bị hỏng mắt. Bố đi chuyên gia bên nước bạn trở về, khi đó mợ đã hỏng mắt, đang làm thủ tục nghỉ mất sức. Bố Miên hoàn toàn chung thủy với mợ, vẫn đề nghị cưới, nhưng mợ nhất định khước từ. Mợ ở với bà ngoại. Từ khi bà ngoại mất, bố Miên đón mợ về ở chung với gia đình mình.
Nghe chuyện u kể về mợ, có lần Miên hỏi lại: “Thật vậy à? Thế còn u thì sao?”. U nói: “U là vú em nuôi mẹ của con, nghe chửa… Ngày xưa mẹ là con nhà giàu, nghe chửa…”. “Nhưng u nuôi mẹ con làm sao nổi? U chỉ hơn mẹ con mười tuổi là cùng…”. “U hơn mẹ con đủ mười tám tuổi, nghe chửa… Con u đẻ ra bị chết nghe chửa... Ngày đó nhà quê vất vả lắm nghe chửa... U bỏ quê u ra Hà Nội làm thuê bế em cho bà nội con, nghe chửa… Thế rồi, nghe chửa…”.
Lời u kể xen những tiếng đệm “nghe chửa” như thế, chẳng ra câu hỏi, chỉ như thể một cách chấm câu xuống dòng.
Những câu chuyện ngắt quãng của u và mợ đã làm cho những đêm đông chưa chồng của Miên được ấm áp. U và mợ lúc Miên còn bé và gặp lúc rảnh rỗi còn kể cả chuyện cổ tích cho Miên nghe nữa. Như thể u và mợ định níu kéo Miên về lại một vùng ấu thơ nào đó không riêng của Miên, nhưng của mợ và u, như Miên thường nói, của các bậc phụ huynh.
Phụ huynh như u và mợ thực tình còn gần gụi với Miên nhiều hơn phụ huynh bố và mẹ. Nhất hạng là từ khi Miên học xong đại học và, nói theo cách của mẹ mấy năm nay, “con gái ba chục tuổi đầu mà cứ nồng nỗng ra thế, mãi chẳng chịu lấy chồng”.
Nhà người ta thì giữ con gái ở nhà để kiểm soát, nhà này thì mẹ cứ đến chiều thứ bảy lại đuổi Miên đi chơi. Đuổi thật sự ấy!
“Tao cho mày đi chơi cho nó rộng cửa nhà mà mày không chịu đi à? Mà không đi chơi thứ bảy với bạn bè thì bao giờ có chồng hả con rồ kia?” Thường thì Miên nhịn. Có cãi lại thì Miên cãi mẹ theo cách riêng của mình, như đùa vui: “Thì cả tuần con vẫn “đi dai” buổi tối đó thôi?”.
Cái lỗi cãi đó may mắn cũng có tác dụng. Nó khiến mẹ Miên bối rối bật cười, và chuyện rắc rối giữa hai mẹ con tạm thời được xúy xóa.
Mẹ bật cười bối rối vì cái chữ “đi dai”. Mẹ từng theo dõi các bạn trai của Miên. Mẹ thấy họ đến gọi Miên rồi cả bọn ngồi thì thào những gì chả biết, nhưng thỉnh thoảng lại thấy nói “đi giai”, “đi giai”… Mẹ tò mò đem hỏi bố. Bố cười phá lên. “Ồ, em thật là quỷ quái, quỷ quái và dốt”. “Dốt gì mà dốt?”, mẹ hỏi lại. “Con gái mình với các bạn nó làm lập trình tin học, chứ có đi giai đi gái gì mà mẹ mày lo?”. Mẹ hơi thẹn, tìm cách gỡ: “Sao không nói thẳng cái gì trình ấy, mà lại nói đi dai?”. Bố xuê xoa cho xong: “Thì nói gì mà chả được?”.
Nhờ lời giảng giải của bố, chả rõ mẹ có hiểu không, nhưng dẫu sao Miên vẫn bớt đi được một vị phụ huynh thích sục sạo vào đời riêng của mình.
Còn hai vị phụ huynh kia là mợ và u thì như người bị chưng hửng. Vừa mới đó hai mẹ con nhà nó như thể cãi nhau to, bây giờ lại đã cười với nhau rồi…
***
Miên ngủ muộn, nhưng thường tỉnh giấc sớm, khi con chim yểng nuôi trong lồng bên ban công nhà hàng xóm cất tiếng hót như gào lên khoe giọng với làng nước. Miên nghĩ bụng: Con này nó trổ tài biết nói tiếng người mà! Cứ như thể muốn đục thủng lỗ tai người ta! Nhưng chợt nhớ lại câu chuyện với mợ đêm qua, Miên khẽ cười một mình, bật dậy, vừa đi vào phòng tắm vừa nói một mình “ô kê… ô kê… ô kê”.
Miên biết thân phận mình như một người dư ra trong nhà, nên bao giờ buổi sáng cũng ý tứ không giữ phòng tắm quá lâu, cốt để hai vị phụ huynh phòng bên kia không phải chờ. Cái phòng vệ sinh nằm giữa hai phòng ngủ.
Phòng có hai cửa vào, bên này vào thì chốt cửa bên kia lại, khi bên này ra, lại tháo chốt cửa bên kia ra. Dĩ nhiên như thế cũng chưa phải là đổi mới lắm, ước mơ của bố và mẹ phải cao hơn thế nhiều!
Nhưng dù sao, so với cái thời dùng chung một nhà tắm tập thể đằng sau cái bể nước công cộng, thì đã khá thoải mái. Mợ và u thì thế nào cũng xong.
Riêng Miên thì cũng chẳng sao, nhưng có lần cũng thấy hơi phiền. Đó là cái bữa Miên phải đỏ mặt vì quên gài cửa. Không phải vì có ai đột ngột đẩy cửa bước vào, mà vì đang ngồi bên trong Miên có dịp nghe bố và mẹ tâm tình.
Miên nghe rõ tiếng mẹ hỏi bố “nếu em là con vịt thì anh thích ăn bộ phận nào?”, Miên nhổm lên định cài cửa, thì đã nghe tiếng cười rinh rích và tiếng bố trả lời mẹ “thứ nhất phao câu thứ nhì đầu cánh”. Miên đã kịp đóng chốt cửa, nhưng câu nói đùa của hai bậc phụ huynh vẫn khiến Miên cười thầm mãi. Rồi chẳng rõ vì sao, Miên lại đem câu chuyện đó kể lại cho lũ bạn trong nhóm “đi dai” của mình.
Lũ bạn từ đó đặt tên cho loại chuyện đó là tâm tình lúc rạng đông. Lũ quỷ còn bịa ra cách viết không phải “rạng đông” mà lại là “dạng đông” kia. Rồi cũng từ hôm ấy, tên địa chỉ “meo” của đứa nào cũng thay cả loạt. Đứa là dangdong – a còng; đứa là phaocau – a còng; đứa lại là dangphaocau – a còng; gì thì gì cũng được một mẻ cười trừ bữa…
Mợ sau một đêm trò chuyện với Miên nay đang ngủ bù. Nhưng u đã kịp làm cho Miên một bát mì ăn liền, úp chiếc đĩa và để sẵn trên bàn cạnh cái máy tính. Miên không ăn, mà mở máy tính chép nhanh một số dữ liệu đã chuẩn bị xong từ hôm chủ nhật, để hôm nay đem lại cho “chúng nó” xem.
Miên bảo u:
- Sáng nào u cũng bắt em ăn mì ăn liền, thế này thì sống sao cho nổi?
- Ăn đi con ạ, nghe chửa, mày dạo này đi nhiều, rạc cả người đi, nghe chửa.
- Rạc người thì u phải cho em ăn cái gì bổ hơn thế chứ, u nghe chửa?
- Thì u còn biết làm món gì nữa?
Miên đẩy cái bát ra một bên, nói vội em cảm ơn u rồi vơ nhanh các thứ lặt vặt ném vào trong túi xách. Mợ đã dậy. U dọn chiếc bát cho Miên. Hai vị phụ huynh cùng bảo Miên một lần:
- Bố mẹ con hôm nay dậy muộn nhỉ?
- Em không biết. Chắc là còn đang tâm tình lúc rạng đông…
- Cái gì kia?
- Không ạ, em nói vui thôi.
- Hôm qua ngủ sớm, mà hôm nay hai ông bà dậy muộn thế!
- Hai vị phụ huynh này bây giờ thích ăn chơi nhảy múa lắm. Không giản dị như mợ và u đâu. Thôi em đi đây, mợ với u ở nhà, chiều nay em về sớm, tối nay cả mợ cả u xoa lưng cho em ngủ nhé!
Mợ và u bảo Miên:
- Con không chờ chào bố mẹ một tiếng à?
Thì đúng lúc ấy mẹ Miên bước vào.
Mẹ mặc chiếc váy ngủ màu huyết dụ toòng teng hai dây deo, phần còn lại bó lẳn lấy người từ ngực trở xuống. Miên nhìn mẹ và nghĩ bụng, cứ cái đà này, có lẽ mẹ xinh và trẻ hơn mình thật. Miên chẳng hiểu tại sao mẹ lại cứ nõn nà mãi như vậy. Đúng là đời đổi mới cũng có khác. Bố và mẹ bây giờ thật an nhàn. Một tuần làm năm ngày. Hai ngày nghỉ cuối tuần. Đều kỳ tăng lương. Vô lo vô lự.
Miên bảo mẹ:
- Mẹ đẹp tàn bạo! Con có cảm giác có ai sờ vào mẹ thì mẹ nổ tung ra mất.
Mẹ lừ mắt nhìn Miên như nhìn kẻ thù, nhưng là thứ kẻ thù thân ái:
- Chỉ có bố con sờ vào, chứ còn ai sờ vào mẹ mày?
Mẹ định nói gì nữa đấy, rồi mẹ lại ngừng ngay, rồi sau một giây lưỡng lự, mẹ bảo Miên thật ngọt ngào:
- Hôm nay con có về sớm tý được không?
- Có chuyện gì hả mẹ?
- Bố mẹ quyết định đưa con đi may mấy cái áo. Gần cuối năm rồi, sắp Tết rồi. Con gái nhớn, mà toàn mặc đồ cũ từ năm nảo năm nào.
- Bố mẹ đừng lo, con mặc thế nào xong thôi ấy mà.
- Thôi được, tùy chị!
Mẹ buông thõng một câu rồi quay trở lại phòng ngủ của mình. Đi nửa đường, mẹ quay lại, nói nốt những gì muốn nói:
- Bố mẹ mới mua được con xe lại kiếm được số biển đẹp thiên tướng, bố bảo mẹ hỏi xem con có thích thì bố mẹ nhường cho con đi?
- Ôi, đi xe đẹp lại phải giữ gìn, con ngại lắm...
- Ngại thì thôi!
Mẹ bỏ đi giận dỗi ngúng nguẩy như cô gái, có khi còn trẻ trung hơn cả con gái mình ấy chứ.
Miên định quay ra rồi, thì mợ gọi với lại để hỏi thêm:
- Này, thế cái anh ấy hôm nay lại đến thì mợ nói thế nào?
- Chắc gì nó đến? Mà con có biết nó là ai đâu? Nếu nó đến thì mợ nói thế nào ấy à?…
- Con nỡm, người ta gọi mình là em Miên, mình gọi người ta bằng nó à?
- Cả mợ cả u cứ nói là con bận lắm. Khi nào gặp hẵng hay. Bây giờ mọi việc cứ giải quyết trước với các bậc phụ huynh đi. Các vị phụ huynh cứ việc ký tắt trước đi. Em ký sau. Em dễ lắm mà.
- Thế nhỡ con không chịu ký thì sao?
Miên cười, miệng nói ô - kê, ô kê, rồi đi vội ra cửa. Cái cửa sắt đã được u và mợ tra mỡ đẩy ra cứ nhẹ êm.
- Bai bai mợ và u nhé… Em đi…
Mợ thở dài:
- Tội thân con bé… Lại đi…
Mợ định nói “lại đi giai”, nhưng chợt nhớ là không phải “đi giai”, nó đã dặn mình phải nói thế nào ấy mới là nói đúng, mà mợ thì không nhớ nổi tiếng Tây, đành thôi. Thương nó thương trong bụng vậy.
Lại một ngày đằng đẵng Miên xa các phụ huynh và như thể vẫn trong vòng tay kiểm soát của các vị và vẫn thoát ra khỏi các vị.
Một ngày với các vị thì dài đằng đẵng, còn với Miên thì thời gian trôi nhanh ơi là nhanh.