watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Bài học dành cho người lớn - tác giả Chu Bá Nam Chu Bá Nam

Bài học dành cho người lớn

Tác giả: Chu Bá Nam

Suy cho cùng vẫn là thói quen, cái “bản chất thứ hai”, hình thành lúc nào không hay, từ bỏ khó quá. Với cụ, “không trà, không rượu, không đàn bà”, có nên bỏ cái thú cuối cùng này, khi đã gần đất xa trời?


Cụ Sinh già nhất xóm, đó cũng là lý do để mọi người kính nể. Thoáng thấy bóng cụ ngoài ngõ, tay chống gậy, lưng còng, ngực lép, bọn trẻ liền ào ra: “Chào cụ ạ! Chào cụ ạ!”. Có đứa muốn cụ nhận ra mình: “Cháu chào cụ ạ!”. Lại có đứa chứng tỏ thân với cụ hơn: “Cháu chào cụ Sinh ạ!”. Và tiếng “ạ” bao giờ cũng được kéo thật dài. Cụ Sinh không nhớ tên từng đứa, trìu mến nở nụ cười:

“Chào các cháu! Các cháu ngoan quá!”. Dứt câu, tay trái cụ ôm ngực, ho một tràng dài, cây gậy trệu trạo, toàn thân rung lên rồi rũ xuống thảm hại.

Một hôm, thấy bà già ẵm một cháu nhỏ kháu khỉnh, cụ Sinh dừng lại, dựa cây gậy bên sườn, chìa hai tay ra đón. Thằng bé không ngả người theo, mà nhìn cụ chằm chặp:

- Lại muốn chết hả?

- Ô, thằng này láo! - Cụ đỏ mặt, ngớ người. Bà già vừa sợ vừa xấu hổ, toan tát cho nó một cái thì nó tiếp:

- Mười triệu người chết rồi đấy!

Nhìn điếu thuốc lá trên miệng cụ Sinh, bà vỡ lẽ. Tối qua, sau bữa cơm chiều, tivi nói: “Hàng năm trên thế giới có mười triệu người chết vì thuốc lá”. Lúc đó mẹ thằng bé nhìn bố đang hút thuốc, bảo: “Lại muốn chết hả?”. Rõ khổ, đứa trẻ lên ba đang bi bô tập nói.


* * *

Cụ Sinh là người có thâm niên hút thuốc lá: Basto, Bông Lau, Ba Vì, Sông Lô, Cẩm Thủy, Quả Cầu, Bông Lúa, Tam Đảo, Sông Cầu, Thăng Long, Điện Biên, ALào, Đ’rao, Tam Thanh, Du Lịch… đều đã trải. Nhắc đến Capstan, Vina, Con Mèo, Ngựa Đen, Ngựa Trắng… mới chỉ là “binh nhì”, chưa sạch nước cản. Cụ hút từ khi mười ba, mười bốn tuổi khi còn là liên lạc Vệ quốc Đoàn. Có lần ngồi phục kích địch dưới hố cá nhân, nhạt miệng quá, bất chấp kỷ luật chiến trường, làm một mồi thuốc lào rõ to, tay nắm thành tẩu, tru miệng hút. Chỉ huy ngửi mùi thuốc mà chịu không phát hiện ra vật chứng. Không điếu cày, không một mẩu giấy, không lá cuốn sâu kèn… Sinh nuốt sạch khói, ém từ từ cho ngấm hết vào phổi, không nghẹn, không một tiếng ho, dù chỉ là ho cóc. Cụ dùng điếu cày thì: “Khi hút vào như long cuốn thủy/ Thở khói ra như Gia Cát cầu phong”.

Thường người nghiện thuốc lào thì chê thuốc lá. Đằng này cụ Sinh “cân” tuốt, chơi cả hai kênh luôn. Nhìn cụ ngậm điếu thuốc mà thèm. Đầu ngón tay thành chai, ám khói vàng khè xoay điếu thuốc đi nửa vòng đã ngốn hết một phần ba. Tàn thuốc lóe sáng như hút thuốc trên xe máy ngược gió. Cụ ngậm miệng nuốt khói rồi mới từ từ nhả ra những sợi trắng li ti qua lỗ mũi. Điếu thuốc sắp cháy hết là lúc ngon nhất. Cụ rít đến cháy hai đầu ngón tay, đến bỏng môi, ngốn lấy ngốn để, cái yết hầu nâng lên hạ xuống, chép chép miệng, nuốt nước bọt đánh ực. Có dạo ở khu sơ tán, hút xong cụ dính những đuôi thuốc sâu kèn lên tường, thành muôn vàn kén sâu chen chúc, che kín cả mảng tường đầu hồi.

Thời bao cấp cũng để lại khá nhiều kỷ niệm. Hết pơluya thì hóa đơn cũ, giấy lịch, gấp lại, xé mảnh đặt trên hai ngón tay, rải sợi thuốc lá Lạng Sơn vàng ươm, dùng ngón cái cuốn lại như xiếc. Còn phải vấn hai tay thì xoàng. Kéo ngang điếu thuốc lên môi, liếm một nhát, xoắn lại như máy. Trăm điếu như một, sạch, chắc, nhẵn, đều chằn chặn. Cụ hút thuốc trừ cơm, hút đến mồ hôi chết muỗi, nước đái say giun. Hàng xóm mệnh danh cho cụ là “đếm thuốc”, hay chính xác hơn: “nối thuốc”. Cứ cho là mỗi điếu dài năm phân, mấy chục năm qua, cụ Sinh đã hút điếu thuốc dài hai mươi cây số! Nhìn thấy cụ là thấy khói, đi ngang qua đã sặc mùi. Những ảnh đen trắng chụp ngày xưa, cứ thấy cụ là y như không ngậm thuốc thì điếu thuốc cháy dở trên tay. Ai lại hút cả trong lúc tắm. Đang vò xà phòng giặt quần áo cũng ngậm điếu thuốc, tàn rơi cả vào áo sơ mi trắng. Có khi hai tay đầy xà phòng, quệt vội vào ống quần, rút điếu khác bậm lên môi. Nửa đêm ngủ nhà bạn lục sục tìm thuốc, mót hết túi trong túi ngoài, nhặt trong gạt tàn, cúi xuống gầm ghế tìm những mẩu hút dở. Thật chẳng còn ra thể thống gì nữa.

Mũi cụ đặc biệt thính với khói thuốc. Có đêm hết thuốc, một xu dính túi chẳng còn, trằn trọc không ngủ được, lần ra phố. Phố xá vắng tanh. Cửa hàng cửa hiệu đóng im ỉm, cụ đánh hơi thấy mùi thuốc từ xa, cùng với ánh lửa lập lòe. Đến gần hóa ra con điếm. Sau khi kể lể sự tình, nó thương hại quẳng cho một điếu, ngao ngán thở dài: “Cứ tưởng ông anh đi dù. Mừng hụt!”.

Một dạo cụ cai thuốc. Cái thời mà điệu nghệ kẹp điếu thuốc lá đưa lên môi, cong ngón tay búng tàn thuốc được coi là mạnh mẽ tính đàn ông đã qua rồi. Khoa học đã phát hiện ra hàng trăm chất độc trong khói thuốc, thì cái “mạnh mẽ tính đàn ông “trở thành thiếu văn hóa, người ta nhăn mặt, khó chịu. Cụ tuyên bố: “Hễ ai thấy tôi hút thuốc cứ vả vào miệng!”. Ai dám, nhưng mỗi khi nuốt nước bọt, đưa hai ngón tay buộc chỉ để cai nghiện vuốt lên miệng, lại thấy hình như sắp bị tát thật. Thèm thuốc quá đôi khi hút lén trong hố xí.

Có mà trời cũng chẳng giải thích nổi, tại sao cái khói thuốc lại hấp dẫn đến thế. “Nhớ ai như nhớ thuốc lào/ Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên”. Nghe nói nó bắt đầu từ việc người Âu sang châu Mỹ đi rừng gặp dân da đỏ hút một thứ lá rồi bắt chước. Cái thói quen lan truyền khắp thế giới, biết chết vẫn không chừa. Sao con người khôn ngoan là thế mà cứ chuốc toàn cái hại vào mình? Hại mà tốn kém nữa. Bảo cấm hút vẫn cho sản xuất. Trên bao thuốc còn đề: “Hút thuốc lá có hại cho sức khoẻ!”. Thật chẳng ra làm sao.

Nghiện là gì? Cụ Sinh bắt đầu tìm hiểu.

Theo khoa học, thì khi ta nghiện một chất, nghĩa là chất đó vốn xa lạ với cơ thể, nhưng sau một thời gian sử dụng, nó tham gia vào chuyển hóa bình thường của cơ thể, rồi trở nên một thành phần không thể thiếu giống như cơm gạo vậy. Người cai thuốc lá thiếu nicotin chăng? Dán nicopas (một loại băng dán chứa nicotin) lên da để nicotin hấp thụ trực tiếp vào máu thì thấy vẫn thèm thuốc. Nhớ khói thuốc chăng? Có lẽ nhớ không khí, cung cách, động tác hút cũng nên. Chẳng thế mà nhà có cà phê người ta vẫn cứ phải ra quán. Thậm chí, đúng cái quán ấy, ngồi vào đúng chỗ ấy, với ly cà phê ấy. Thế hệ trẻ ít hút thuốc lá, thuốc lào, nhưng lại hít. Thì ra con người không chịu được sự trống trải, cứ phải bấu víu vào cái gì đó, thể xác cũng vậy, tâm linh cũng vậy.

Suy cho cùng vẫn là thói quen, cái “bản chất thứ hai”, hình thành lúc nào không hay, từ bỏ khó quá. Với cụ, “không trà, không rượu, không đàn bà”, có nên bỏ cái thú cuối cùng này, khi đã gần đất xa trời?

Cụ phì phèo điếu thuốc mà khuyên các cháu đừng biết thì nghe ra không ổn. Hình như muốn tăng trọng lượng cho lời nói của mình, cụ giảm xuống chỉ còn hai điếu mỗi ngày.


* * *

Lại nhắc đến thằng nhỏ đã hỏi cụ Sinh: “Lại muốn chết hả?”. Giờ nó đã lên năm, tên là Khánh. Khánh thường ngang qua nhà cụ Sinh ra quán mua kẹo. Có lần cụ vẫy vào nhờ mua hai điếu Vina. Cụ dặn: “Còn thừa năm trăm cho cháu mua kẹo!”. Thằng Khánh thích lắm, thỉnh thoảng lại đứng ngoài gọi với vào: “Cụ Sinh ơi, cụ có mua thuốc không?”. Cụ Sinh giờ mắt đã lòa, chân đã chậm, lại được dịp nhờ: “Đây nhá: năm trăm thì để cháu mua kẹo! Còn lại mua cho ông hai điếu”. Thằng bé mừng quýnh, nhảy cẫng chân sáo. Nó chạy vội, mấy phút sau quay lại chìa ra hai điếu thuốc, miệng chóp chép nhai kẹo.

Hôm nay thằng Khánh tỉnh bơ đi ngang qua nhà cụ Sinh. Cụ gọi nó lại và chìa ra hai nghìn:

- Năm trăm thì để cháu mua kẹo…

- Cháu không ăn kẹo! - Thằng bé cướp lời.

- Sao lại không? - Cụ Sinh bất ngờ, nghệt mặt.

- Đường thành axít, sún răng!

- Axít? Ai bảo mày?

- Không được “mày tao”! Cô bảo thế

Các tác phẩm khác của Chu Bá Nam

Lá diêu bông của chàng