Phố nhà binh
Tác giả: Chu Lai
Tất nhiên căn phố dài một ngàn hai trăm mét đó có tên gọi đàng hoàng nhưng lâu nay, do quen miệng, người ta cứ kêu là phố Nhà binh cho khỏi lẫn với các khu phố dân sự khác.
Chỉ mới cách đây chừng đôi ba năm thôi, cảnh sắc nơi này còn vắng lặng thâm trầm lắm. Dường như tất cả các căn hộ to nhỏ, ngắn dài đều bảo nhau khinh khỉnh xây lưng ra đường, khiến cho dãy phố đã tăm tối lại càng hun hút nỗi đe dọa rập rình mỗi khi ai đó có việc phải đi sớm về khuya qua đây. Chao ôi là những đêm đông khuya khoắt, cả dãy phố chỉ độc tôn còn lại tiếng giày đinh quân cảnh gõ uể oải hai bên hè, tiếng trai gái run rẩy thì thầm nhòa chìm vào những vùng tối gốc cây và tiếng cành sấu khô rụng đơn côi xuống mặt đường mỗi khi có làn gió lạnh thổi qua...
Vậy mà bỗng một ngày, lại như tuân thủ nhất loạt một khẩu lệnh của đấng toàn năng, sau vài đêm hỗi hả đục tường, trổ cửa, nới mái... phắt một cái, các căn hộ rùng rùng chuyển động ngỡ ngàng quay mặt ra với cuộc đời. Bao mảng tường rêu phong tựa hồ đã bị bỏ quên hàng ngàn năm in nhờ nhờ dấu chịn ngọt ngào của thân người bỗng phát khởi thành những khuôn sáng vuông tròn chan hòa đủ màu đỏ, vàng, xanh, của đủ loại kiốt thấp cao: mỹ phẩm, uốn sấy tóc, photocopi, giày dép da, điện lạnh, cà phê Berr, cà phê Noa, bún phở, xe máy, thuê và ghi hình video và sự sang trọng đến ngốt người của các đại diện giao dịch Mếch này, Tếch kia... Phố nhà binh ngày ngày bị phá vỡ cấu trúc từ bên trong để hóa thân thành một khu phố thương mại náo hoạt. Và người nhà binh cũng tự vặn mình phá vỡ mọi mặc cảm, định kiến, mảnh giáp trụ quân phục, vị thế cố hữu của phẩm hàm tướng tá, gia phong gia phả... để cố gắng hòa nhập vào dòng đời đang cuộn chảy bên ngoài, mong tìm được cuộc sống khả dĩ còn gọi được là... Cuộc sống.
Tôi cũng có một anh bạn thân ngụ tại một căn hộ trong phố đó mà mỗi khi về Hà Nội, tôi không thể không ghé qua ăn nghỉ. Sau một ly rượu ngà ngà, nhìn Thẩm (tên người bạn) trẻ trung, cường tráng, lanh lợi và có đôi phần viên mãn, lại liếc nhìn căn hộ hai buồng không to tát nhưng xinh xắn, tiện nghi và ấm cúng, tôi bất giác buột miệng nói ra một câu mà đáng lẽ ở vào cái tuổi tôi chẳng nên nói:
- Giả dụ như mình Thẩm ạ... Tất nhiên nói theo cảm nhận cá nhân thì... thì mình...
- Thì dù có ăn rau ăn cháo, một thằng đàn ông chân chính không bao giờ được phép để vợ đi như thế chứ gì? - Thẩm nói tiếp hộ tôi với cái cười dễ dãi, rất tươi - Khỏi lo đi! Mỗi người một quan niệm, mỗi người một hoàn cảnh, một phận số, mình tin ở cô ấy. Mà... Hả? Dù có thế đi nữa thì đã làm sao nào? Miễn là khi cô ấy trở về, bọn mình sẽ sống ổn hơn, nhân quyền hơn, tương lai con bé Hương Thảo sẽ được đảm bảo. Ðó là cái chính, chứ ông bảo lứa bọn mình còn làm được gì nữa, coi như bỏ đi rồi. Hả?
Nó "hả" cái kiểu nện quả tạ vào mặt người ta như thế thì còn cách nào khác là lặng lẽ gật đầu. Rồi tôi cũng bỗng dưng bật cười vì cái suy nghĩ ngồ ngộ rằng không còn nhận ra thằng Thẩm ngày xưa nữa. Một thằng Thẩm to cao như lực sĩ, cười ha hả, giọng oang oác, vui chửi tục, buồn cũng chửi tục, mặt mày lúc nào cũng tươi tỉnh rỡ ràng như sắp sửa vào cơn hưng phấn. Còn giờ đây, bộ pi gia ma trưởng giả đã thay thế cho chiếc quần cụt thể thao nó thường mặc ở nhà, thoạt trông giống như cái thằng đàn ông mắc bệnh phong tình, bữa cơm đã có cốc nước đá lạnh để cạnh mâm, vừa ăn vừa chiêu dần dà, xem ra lời ăn tiếng nói, dáng đi dáng đứng đã mềm mại khoan thai lên nhiều lắm. Còn Hương, vợ Thẩm, vốn là con một vị tướng tư lệnh binh chủng, Căn hộ hai buồng dễ thương này là ông cho con gái rượu. Trước đây hai người cùng công tác trong một đơn vị công binh cầu đường, chỉ khác kẻ ở văn phòng, người nằm sâu dưới đơn vị. Yêu cái vẻ yêng hùng chiến trận, yêu tính cách đàn ông khoáng đạt bạo liệt của chàng kỹ sư tiểu đoàn trưởng vốn gốc gác con nhà làm ruộng, cô đã lạnh lẽo khước từ không ít chàng trai tốt người đẹp mẽ, học vị đến nơi, lại con nhà môn đăng hộ đối để chấp nhận tình yêu của Thẩm, tất nhiên sau khi đã quần cho cu cậu chỉ còn thiếu nước đập đầu vào tường.
- Này - Tôi hỏi - Ðằng nào thì cậu cũng đã trót khoét tường, trổ cửa rồi, cớ sao không cho thiên hạ thuê mở cửa hàng mỗi tháng kiếm vài trăm ngàn nuôi con?
- Chả bõ. Thà đất đai rộng rãi như mấy ông tướng về hưu ở phố này, mỗi tháng ít nhất cũng trên dưới một triệu tiền cho thuê mặt bằng thì lại đi một nhẽ. Nói đùa! Chờ mẹ bé Hương Thảo về đã. Hình như cô ấy có ý định làm ăn lớn, cứ nhắn về là đừng ham lợi nhỏ, tập trung cho con bé có khoảng tĩnh tối thiểu để học hành, chớ để con sớm va đập vào chuyện buôn bán lời lãi, méo mó đầu óc đi. Mình ô kê ngay! Nàng còn dặn: ba tháng sẽ gửi về một va li, nửa năm gửi về một cái kích, cứ bán đi mà tiêu, đừng dành dụm.
- Cậu hạnh phúc thật!
- Thật lòng đấy chứ?
- Hương vẫn như ngày nào, đảm đang, tốt bụng và rộng rãi.
- Còn cậu - Ðôi mắt khá đẹp của Thẩm ánh lên vẻ cảm động chấp chới - Cũng phải tìm đường làm một cú mã hồi về Hà Nội đi. Hơn bốn chục tuổi mà vẫn cứ thanh gươm yên ngựa mãi?
- Stop - Tôi lấy lại cái giọng của Thẩm - Mỗi người một quan niệm, một lối sống. Dòng người còn trôi chảy dài dài, cứ thử xem từng số phận sẽ lênh đênh đến đâu. Dẹp! Kiếm rượu uống bậy cái đã.
Thế đấy! Không gặp thì nhớ, gặp rồi lại thường cãi lộn những chuyện không đâu và bao giờ cũng được kết thúc bằng mấy chén rượu cay nồng ở cái quán chè khuya gần đầu đường như thế!
Phố vắng, gió lạnh, ngọn đèn dầu cháy thắc thỏm, các cánh cửa chính, cửa sổ của mọi ngôi nhà đã lần lượt được khép kín, xa lắm mới có một tiếng rao bán bánh khúc nóng khàn khàn vẳng đến. Có lẽ chỉ về đêm, cái phố nhà binh đang biến tướng này mới yếu ớt phục hồi lại cái vẻ thâm trầm xưa cũ. Vẫn lại tiếng cành sấu rơi, tiếng đế giày quân cảnh, tiếng quét rác... Chỉ khác, cả chiều dài dãy phố không còn những cặp tình nhân đứng lả người trong tay nhau.
Khoảnh khắc ấy, tầm mắt đã có chiều bảng lảng của tôi không hiểu sao lại vô cớ ngập ngừng dừng ở góc phố, nơi có một gia đình nhỏ đang loay hoay tìm chỗ ngủ đêm. Một luồng đèn pha xe máy từ đâu đó xa lắm quét tới, đủ cho tôi kịp nhận ra đó là một cặp có vẻ là vợ chồng, một cởi trần vận quần đùi hay vận khố gì đó, một bế đứa con đang ngủ tựa một cái xác trên tay. Vang lên tiếng nhai mía rôm rốp của người đàn ông và tiếng nựng à ơi vụng dại nhọc nhằn của người đàn bà...
- Uống đi, để ý làm gì, cảnh đời thường ở đâu chẳng có.
Mặc Thẩm huých nhẹ vào vai, mắt tôi vẫn dán vào đấy.
- Ðôi vợ chồng từ quê lên ăn xin à? Hay dân Phúc Xá chạy lụt?... Nhưng mùa này đâu có phải là mùa lũ?
- Không biết!
- Hay dân chạy chợ, dân lỡ độ đường? Có cả đứa bé nữa kia kìa!
- Ơ hay cái cậu này! - Giọng Thẩm đã cao lên - Ra đây uống rượu hay điều tra xã hội học đấy?
- ờ... Vừa có tốp quân cảnh đi qua, sao không thấy họ xua đuổi như mọi bận?
- Ðuổi cả tỉnh, cả nước - Thẩm gắt khẽ - Nếu xỉn rồi thì mời ông về ngủ, ông ạ!
Có lẽ động lòng trước cái vẻ ngơ ngơ của một kẻ ở xa đến như tôi, chị hàng nước lúc này mới cất tiếng khẽ khàng.
- Họ đã cư trú ở đây gần một năm rồi đấy chú ạ! Tội lắm! Mưa thì chạy vào núp trong hàng hiên toà báo, tạnh lại dắt díu nhau ra đây. Mùa hè còn đỡ, đông về, cha con vợ chồng ôm nhau thành một cục tránh gió. Cũng có đận họ bỏ đi đâu cả tháng, tưởng đi luôn cũng mừng, nhưng rồi lại thấy họ trở về xơ xác, tiều tụy hơn. Ðứa bé này mới sinh được có sáu tháng. Con gái, còi cọc chỉ bằng đứa mới nở.
- Sinh ngay trên hè phố ạ? - Tôi buột miệng.
- Còn chỗ nào khác nữa!
- Trời đất! �n ở vật vã thế này mà lại còn bày chuyện đẻ đái! Rồi đứa bé sẽ
ra sao? Rồi họ lấy gì mà sống?
- Vậy mà vẫn sống đấy - Chị hàng nước cười hiền từ - Sống quấn quít đáo để. Còn đứa nhỏ, dường như ông trời cũng thương, cấm có bệnh tật sài đẹn bao giờ.
- Hết chưa? - Thẩm đột ngột đứng dậy.
- Cái gì hết?
Thẩm bật cười:
- Là tôi hỏi cái cơn tò mò của cậu đã qua chưa?
- Cậu về trước đi! - Ðến lượt tôi gắt lại - Cứ mặc tôi ngồi đây một mình.
- Tuỳ! Cấp thêm cho cậu một thông tin để có cớ mà tò mò: người đang ngồi chuyện trò với cậu là một giáo sư đại học vừa về nghỉ tạm không ăn lương.
Nói xong, Thẩm quay người đi vào. Ðến lúc này tôi mới chú mục nhìn chị bán quán. Khoảng bốn mươi nhăm tuổi, tóc uốn cao, cặp mắt hay nhìn lơ đãng lên vòm cây, miệng thi thoảng lại cố tạo ra một cái cười mỉm nhẫn nại.
- Xin lỗi! Chị dạy ở trường nào ạ? - Tôi hỏi.
- Thôi! Biết làm gì chú. Mỗi người một cảnh, chẳng nên nói ra, mà có nói cũng đâu có ai thông cảm, có khi còn gây bực mình. Ðấy, cứ ngẫm như cái đôi vợ chồng khốn khổ kia kìa. ở đã mòn cả vỉa hè rồi nhưng tịnh chưa thấy một ai tỏ ý giúp đỡ, chưa thấy một ai hỏi han trò chuyện nửa câu. Thiên hạ coi đó như việc tất nhiên, dễ hiểu. Buồn không? Ôi dào! - Chị thoắt thở dài - Cũng một kiếp người, đêm ôm nhau ngủ còng queo như con sâu cái kiến, ngày chồng bế con èo ẽo cho vợ đi kiếm tiền.
- Chị ta làm ở tổ sản xuất thủ công nào ạ?
- Tổ thủ công... chợ. Ra chợ, ai thuê gì làm đó, không ai thuê, nói phải tội, đành phải chôm chỉa, con móc túi. Miễn là có tiền. Nói vô phép chú, thậm chí có lần ông nhà tôi còn bắt gặp cô ta đi bắt khách ngoài ga. Khổ! Người ngợm cóc cáy, thịt da tong teo như thế có ma nào nó màng. Nếu có thì lại là mấy gã du côn, say rượu chơi quỵt, vừa chơi vừa trấn, có đồng nào mất hết.
- Anh chồng chấp nhận?
- Sao chú lại hỏi thế? Trên thế gian này thử hỏi có người chồng nào lại chấp nhận cho vợ mình đi làm cái việc kia, nhưng đói thì đầu gối phải bò thôi. Song cũng sầu thảm lắm! Hầu như không đêm nào cậu ta không đánh vợ, có bận đánh thâm tím cả mặt mày, tôi phải đỡ vào nhà lấy rượu mật gấu xoa bóp cho. Vậy mà chị ta không hề hé răng chửi lại, cãi lại một câu, cứ như con nô lệ tận tụy, cung cúc. Tối tối vẫn mang về cho chồng nào rượu, nào thuốc, có bữa còn khệ nệ cả một xoong to thứ bốc mả toàn xương bò.
- Vậy ra anh chồng lại chỉ lo làm nhiệm vụ trông con ạ?
- Cũng tùy lúc. Những buổi chiều mưa, nhìn cậu ấy bế con, mắt nhìn ảm đạm ngọn sấu già, thương lắm! Lại còn thỉnh thoảng ru con nữa chứ. Tiếng ru như tiếng nấc khan. Vào những ngày đông gió hay cô vợ ốm mệt, không ra chợ được, cậu ta trao con lại, một bị một gậy đi trèo sấu. Trèo cả ngày, có bận ngã trẹo xương vai, may lắm mới kiếm đủ tiền mua một vài cân gạo.
Nghe tới đó, tôi đứng dậy:
- Chị cho tôi mua gói thuốc.
- Thuốc gì?
- �... Du lịch thôi. Thuốc ngon hơn không đủ tiền. Lính mà.
- Ðừng lo, chú cứ cầm gói Hê rô, tất cả đã có chú Thẩm thanh toán. Chú ấy là con người đàng hoàng, trọng nghĩa khinh tài, thỉnh thoảng vẫn sai con bé Thảo đem ra cho đôi vợ chồng kia lúc thì hộp sữa, khi lại gói thuốc, cân đường. Mà... gói này vẫn đang còn nhiều, chú mua làm gì nữa?
- Muốn ra chuyện trò với họ một chút.
- Thôi đi chú ơi! Cậu ta chả mở miệng đâu. Suốt ngày lầm lì, buồn thì nhai mía, vui thì ngơ ngẩn cười, mắt lúc nào cũng gườm gườm như sắp sửa đánh nhau với ai. Có lẽ cậu ấy mặc cảm?
- Ðã khi nào chị nghĩ rằng cậu ta là người đã từng có tiền án chưa?
- Ôi giời, mấy cái ông này! Nhìn đâu cũng thấy tội phạm cả. Cậu ấy là bộ đội đấy, bộ đội đóng ở biên giới hết nghĩa vụ trở về. Nhà ở cách đây vài dãy phố thôi, nghe nói cũng khá giả và nền nếp. Vậy mà chả rõ phải lòng phải dạ, bắt tình bắt thóp nhau thế nào mà lúc trở về lại dẫn một cô gái giang hồ, gia đình làm nghề trồng mía về theo. Tức là cô gái này đấy. Tất nhiên là gia đình không chấp nhận, đuổi thẳng. Vậy là kéo nhau ra tá túc ở đây. Công an khu vực cũng đã có đôi phen làm dữ, tống xuất họ ra khỏi thành phố, đưa đi tập trung cải tạo ở tận đẩu tận đâu nhưng cũng chỉ ba bảy hai mốt ngày là đâu lại nguyên đấy. Rút cuộc công an họ cũng chán, thây kệ không phải chỉ có một gia đình này đâu. Ôi, thời buổi nó vậy. Chả nhẽ thiên hạ đua nhau đục tường trổ cửa, kiếm tiền ngàn tiền triệu như chơi mà lại nỡ khép những con người khốn khổ vào khuôn vào phép? Ðằng kia có ánh sáng, đằng này cũng phải nhường cho người ta một khoảng bóng tối chứ. Tất cả còn đang bung bét, tất cả đang đòi hỏi phải sắp xếp lại kia mà.
Tôi chán nản đứng dậy. Ðành rằng câu chuyện chị kể là có thật, lại kể bằng một cái giọng hết sức xót xa nhưng sao tôi vẫn không muốn nó được nói ra từ chị, từ một người đàn bà đã giảng dạy qua cấp đại học. Lạ thế!
- Chào anh!
Tôi cố dọn một nụ cười thân thiện, một giọng nói bỗ bã có thể và chìa gói thuốc ra trước mặt người đàn ông đang gặm mía. Nhìn cái cách anh ta gặm mía mới khiếp chứ! Gần như ăn cả vỏ, ăn cả bằng răng hàm lẫn răng cửa, chỉ ba cái rốp rốp là bay gọn một đẫn dài, bã mía đùn dưới chân cả đống. Anh ta lầm lì rút một điếu thuốc giắt chéo lên vành tai. Im lặng... Vẫn chỉ là tiếng nổ rốp rốp trong cái miệng khá rộng.
- Rét vậy mà ăn mía không cóng răng sao ông bạn? - Tôi ngồi hẳn xuống.
Ông bạn không trả lời, chỉ gúc goắc cái đầu to tướng. Lại im lặng... Lại rốp rốp... ánh sáng đèn cao áp xanh lét vừa đủ để soi tỏ một khuôn mặt không ra già, không ra trẻ, xanh bợt, tóc gần chấm vai, cặp môi dày trễ ra, thâm xì như cái vẻ lúc nào cũng thèm ăn thèm uống. Tóm lại là một khuôn mặt hơi bệnh hoạn và gần như không có tư duy. Anh ta chỉ mặc độc một chiếc quần đùi rộng ống đã rách te tua ở gấu, để lộ đôi bắp chân dài thõng sần sượng nhưng có vẻ còn săn rắn, vắt trên vai là chiếc áo bộ đội nhàu nát đang bốc ra mùi chua lòm khen khét.
Lui về sau một chút, chị vợ đang âm thầm ngồi ôm con sát chân tường. Nghe được cả tiếng muỗi vo ve bay ra từ đó. Cũng là khuôn mặt nửa già nửa trẻ, tiều tụy, không rõ hình nhưng đường nét gãy gọn, nhìn kỹ thấy cũng có duyên. Bất ngờ, chị ta nháy mắt với tôi và làm một động tác xin thuốc rất láu bằng hai ngón tay đen đúa, khô xác.
- Cái gì?
Bất thần anh chồng quát lên một tiếng quát hùng dũng, có lẫn cả đờm, có cả nước mía bắn ra. Như bị điện giật, hai ngón tay kia vội thụt lại, cùng lúc mái tóc xơ xước chắc tới hàng tháng nay không được chải gội gục xuống cam chịu như một tội nhân tử hình.
- Này - Tôi vỗ vỗ vào xương vai hắn - Cô ấy muốn hút thuốc thì để cô ấy hút, cũng là một cách chống lạnh.
Không thèm trả lời, hắn chuyển ánh mắt gườm gườm dài dại từ người vợ lên cành cây rồi lại... rốp rốp...
Biết rằng có nán lại cũng vậy thôi, có khi còn làm cho cái gã quân chủ độc tài đầy quyền uy này nổi quạu, tôi lén để gói thuốc xuống mép chiếu rồi lẳng lặng đi trở về. Ðuổi theo tôi là tiếng ru con nghèn nghẹn như nói mơ của người vợ, và trên cao, trong một căn hộ còn sáng đèn, có một nét nhạc gầm gào vọng xuống.
Thẩm vẫn thức chờ tôi bên bản vẽ thiết kế.
- Ðã chưa? - Không ngẩng lên, nó hỏi.
- Chưa.
- Cậu vẫn như cũ, ngớ ngẩn và lành bụng. Hơi khó chịu một tí nhưng ít nhất tôi cũng còn có một thằng bạn ra bạn để chơi.
- Cám ơn!
- Cám ơn cái con khỉ. Rượu nữa không? Hay nước mát?
- Cậu vẫn vẽ thuê đấy à?
- Không! Vẽ công trình thứ thật. Lạy Phật! Từ ngày cô ấy đi đến giờ, mình đã thoát được cái kiếp gục đầu đi nhận vẽ cầu tiêu hố xí cho bọn trọc phú mới. Mặc sức đi sâu vào nghiên cứu, cũng thú. Hả?
Tôi gật đầu ừ hữ và rón chân đi đến giường bé Hương Thảo. Nó đang nằm nghiêng, một bàn tay kê dưới má, tay kia buông xuôi theo người, thỉnh thoảng lại chun mũi một cái như vừa ngửi thấy mùi kẹo thơm trong mơ, đôi mi dài và cong tự nhiên của nó khẽ động đậy tưởng chừng sắp mở bừng đôi mắt to giống mẹ ra mà quàng cánh tay mũm mĩm ôm níu lấy cổ tôi: "A!... Chú Hà! Chú Hà bế Thảo... ". Trời đất! Thì ra cái sinh vật xinh xắn dễ thương này mới là lý do chính yếu và sâu xa để mỗi lần về Hà Nội không thể không ghé qua chứ chưa hẳn đã là tính tình của bố nó, vẻ dịu dàng đoan trang của mẹ nó cũng như sự tiện lợi, ấm cúng của căn hộ mặt tiền.
- Cậu có thấy con bé khi ngủ, nó bỗng khoác một đôi cánh thiên thần như thế nào không? - Thẩm cũng khẽ đến bên tôi, giọng nói không giấu được một chút tự hào chìm đắm - nếu đẻ thì nên đẻ con gái đầu lòng cậu ạ! Vừa ngoan, vừa là bạn tâm sự của bố lúc chẳng may cơ nhỡ. Mà cuộc đời, cơ nhỡ nhiều chứ may mắn được mấy... Mình nhớ có khi tiễn cô ấy ra sân bay, cả hai mẹ con đều thi nhau khóc. Lúc máy bay cất cánh rồi, nó còn thất thanh hét với theo: "Mẹ Hương ơi!... Mẹ Hương đừng bỏ con nhé!". Mình cũng khóc.
Tôi tin điều đó vì lúc này kể lại, cặp mắt của Thẩm cũng đang rơm rớm ướt thật. Bị lây cái cảm xúc muôn thuở ngậm ngùi của nỗi chia ly, tôi nói rì rầm như cầu nguyện:
- Cầu mong cho cô ấy mau trở về. Cứ về cái đã rồi mọi chuyện tính sau. Trẻ con có thể sống xa bố nhưng xa mẹ, trông tội lắm! Cậu có để ý thấy ngấn nước còn đọng ở khóe mắt nó không?
- Không... Làm gì có. Không có!
Thẩm trả lời yếu ớt và vội vàng. Bỗng dưng tôi khẽ rùng mình khi chợt thấy một vệt xám nhờ bay rất nhanh trong đôi mắt vừa mới đây thôi còn trong trẻo, rờ rỡ yêu thương của Thẩm.
Tôi bỏ vào phòng trong, buông màn đi nằm. Ðêm ấy, trong giấc ngủ nặng nề, dường như bên tai tôi lúc nào cũng nghe văng vẳng tiếng ru còn ngàn ngạt của người mẹ trẻ trộn hòa vào tiếng muỗi ong ong dưới chân tường. Rồi cuộc sống của họ sẽ đi đến đâu? Bình ổn dần? Ði tập chung vĩnh viễn? Hay một ngày nào đó lại cùng rủ nhau vào nhà giam trong một tội danh hình sự giết người cướp của nào đó? Hoặc... Tôi bỗng ngồi phắt dậy, mồ hôi túa ra khắp lưng khi cái hình ảnh đứa bé chết cóng trên tay mẹ vụt nóng đỏ trong đầu.
Sau đó phải bẵng đi đến hơn một năm, do công việc của quân khu quá bận rộn nên tôi không lựa được dịp nào rảnh rang để về thăm bé Thảo.
Vào khoảng trung tuần tháng giêng, khi công việc đã vãn vãn, tôi nhận được thư của Thẩm. Vẫn cái giọng bỗ bã:
"...Này bỏ ngay cái lối phản bạn phản bè ấy đi nhé! Hiện giờ cậu đang ở đâu, làm gì, đang phải lòng con nào, vẫn công việc cũ hay đã bỏ đi đào vàng, đào đá thì kệ cha cậu, tôi đếch biết! Nhưng cậu không được mất mặt như thế chứ. Sư cậu! Chỉ khổ cho đứa con gái bé bỏng của tôi nó cứ nhắc tới thằng bạc tình bạc nghĩa hoài. Lại còn ăn cắp thuốc lá của tôi nhét đầy gối cho hôi sặc lên, bảo là để dành cho cậu nữa!".
Ðọc đến đây, sống mũi tôi cay cay, nước mắt chực ứa ra... Những dòng tiếp theo, tôi chỉ lướt mắt gọi là...
"... Tin vui đây: tháng sau mẹ Hương Thảo sẽ về! Có nên soạn một mâm tế sống ngài Hen-mút Côn không nhỉ? Nhờ ngài và sự chuyển động chính trị thần thánh trong tổ quốc ngài mà bà xã của tôi sẽ làm cú mã hồi với một lưng vốn kha khá. Hai mươi ngàn đê mác, gần mười tám ngàn đô la, tức là tương đương 150 triệu tiền mình, cậu nghe rõ chưa? Từ nay đến ngày về, cô ấy nói sẽ cố kiếm thêm vài nghìn đô nữa. Chịu đàn bà thật!
Vì thế, chúng tôi muốn cậu, cha đỡ đầu của bé Hương Thảo sẽ có mặt trong ngày ấy. Phải có mặt! Tiền của tôi cũng như tiền của cậu, thằng bạn duy nhất còn sót lại của tiểu đoàn công binh đã cõng tôi vượt suốt mười cây số đường rừng. Chỉ bằng một phần mười số tiền trời cho đó, chúng tôi sẽ lấy vợ cho cậu, kiếm cho cậu một căn hộ và buộc cậu từ bỏ núi rừng ở lại phố luôn với chúng tôi. Ðược chưa?
Bù lại, cậu chỉ cần làm độc một việc: thiết kế cho tôi một căn hộ ba tầng với đầy đủ tiện nghi ở ngay trên nền nhà cũ. Có ban công uống trà, sân thượng trồng hoa, có các cánh cửa sắt đóng mở tự động bằng điện tử, có ga ra xe máy, có máy lạnh, bồn tắm và có cả nơi nuôi vài con chó giống ngoại cho vui, có... Mà thôi, để cậu về, ta bàn kỹ. Tóm lại, hai tầng để ở, còn bảy chục mét vuông tầng trệt sẽ cho một công ty, một đại diện sang trọng, làm ăn đứng đắn nào đó thuê. Có thể là hãng JVC hoặc hãng VIETRONICS của Sài Gòn, theo ý của cô ấy. Tôi muốn chính tay cậu vẽ bởi vì trong đó có cả diện tích của... vợ chồng cậu.
Tin thêm: Tôi vừa nhận hàm thượng tá. Thượng tá! Khỉ không? Ðáng lẽ phải đại tá luôn cho rảnh một chuyện. Ðang thượng chuyển sang đại bây giờ đang đại lại hất xuống thượng. Không hiểu các cụ nhà ta còn ngẫu hứng điều lệnh đến tận bao giờ? Cũng chẳng sao. Tôi dự định nếu cô ấy về, vui thì a lê hấp! Tôi sẽ xin về hưu, giã từ binh nghiệp. Giã từ cơ chế bụi bặm luôn. Phần đời còn lại lo đọc sách, thăm thú bạn bè, trồng tỉa mấy cây hoa và cái chính là chăm bẵm cho bé Hương Thảo nên người.
... Ðừng nôn! Chắc thằng bạn lẩn thẩn của tôi lại đang cáu kỉnh muốn biết về thân phận cảnh đời? Thí dụ: Phố Nhà Binh (tên gọi của cậu) đã sắp sửa thành một thứ Hàng Ngang, Hàng Ðào. Gia đình ông tướng Ðiều Lệnh vẫn bán cà phê, ông tướng Bảo Vệ vẫn cho thuê hàng điện lạnh, ông tướng Cán Bộ đợt này nới rộng cho thuê cả hai mặt tiền - nói chung, khi đã làm ông tướng thì đời nào cũng sướng - Và, gia đình đôi vợ chồng kẻ khó ấy (đúng tủ chưa?) vẫn kiên trì bám trụ ở đầu đường. Hình như cô vợ lại đang có chửa đứa thứ hai, sức sống của nhân dân bất diệt thật!
Ðiều chót cùng: sự phá vỡ kiến trúc của một dãy phố là phản ánh cái trở dạ đau đớn của lề thói suy nghĩ cũ, đồng thời sẽ dẫn đến phá vỡ sự ổn định cổ kính trong từng gia đình, từng số phận, có thể tốt lên nhưng cũng có thể xấu đi. Ví dụ như gia đình tớ...".
Rút cuộc cô ấy đã trở về. Dù sao cũng đã trở về. Chỉ cần như vậy thôi. Tôi thở phào, trút được cái day dứt nặng nề đã mai phục kín trong lòng bấy lâu nay.
***
Ấy vậy mà tôi vẫn về chậm mất gần một năm so với cái thời điểm hệ trọng đó. Một công trình xây dựng liên doanh với Bạn đã giữ chân tôi suốt một mùa mưa bên kia biên giới Việt - Lào.
Trở lại Quân khu, tôi tính nhảy ô-tô về Hà Nội luôn nhưng hỏi cậu văn thư không có lá thư nào gửi cho mình, lại ngần ngừ. Nó giận ư? Hay Hương chưa về? Không về? Hoặc... Ðã nghĩ thì nghĩ cho đủ hướng theo đúng tác phong tác chiến người lính, hoặc nó đã nghĩ lại về cái gọi là một phần mười tính sẵn cho tôi? Không có lý. Nó không phải là người như thế và tôi cũng chẳng phải là cái thằng dễ chấp nhận mọi sự cưu mang của người đời. Khổ! Khi còn nghèo, bạn bè đến chơi với nhau dễ dàng biết bao, bây giờ khá giả rồi, mỗi sự đến là nỗi đắn đo hèn cả người. Song tôi vẫn quyết định đi, bởi lẽ có một sinh vật đứng trên mọi đắn đo tầm thường đó. ấy là bé Thảo, hơn hai năm không gặp nó rồi.
Ðến Hà Nội, trời vừa sập tối. Tôi bước về phía nhà Thẩm mà chân tay líu ríu như bước về chính ngôi nhà của mình, bụng dạ cứ cồn lên không hiểu giờ đây ngôi nhà nó ra sao?
Muốn đến Thẩm, tôi buộc phải đi qua các gia đình của kẻ ăn mía đêm độ nào ở góc phố. Ðúng là phố Nhà Binh năm nay đã ra cái dáng vàng son choáng ngợp của một vị thế thương trường buôn bán lắm! Mải nhìn ngó, tôi đập mắt vào góc phố lúc nào không hay. Và hơi dừng lại. Góc phố trước trống trơn nay đã mọc lên vài ba hàng quán, đèn điện sáng trưng. Nơi có chiếc chiếu rách trải ra năm nọ lúc này là một điểm chữa xe máy bình dân với đầy đủ các loại đồ nghề vá chín, cờ lê, mỏ lết... nằm xếp lớp trong thùng gỗ. Gần đấy, có chừng hai, ba chiếc cúp xanh đỏ đang chờ đến lượt mình được sửa chữa. Quái lạ hơn, quái lạ đến nỗi tôi khó có thể tin vào mắt mình được nữa; tay thợ xem ra có vẻ đầy uy tín nghề nghiệp đó lại chính là... gã đàn ông hay ăn mía đêm ngày nào! Thùng thình trong bộ quần áo bò Liên Xô lem luốc mỡ dầu, một hàng râu quai nón chạy lộn xộn xuống tận cằm, anh ta rõ ràng ra phong thái một tay thợ lành nghề đang hết sức càu cạu vì cớ sao cho đến tận giờ này vẫn còn khách đến quấy rầy! Quả thật nếu không nhờ vào cặp môi dày phồn thực vẫn đang trễ xuống kia và cái lối nhìn gườm gườm đầy tính quân chủ độc tài ấy thì có lẽ tôi đã không tài nào nhận ra anh.
Lia mắt sang phòng nhỏ tuềnh toàng như chiếc lô cốt còn nguyên màu vôi ve nham nhở quét ẩu bên cạnh, tôi lại vấp tiếp phải một điều quái lạ nữa: người đàn bà cóc cáy làm nghề chôm chỉa giờ đây đang ngồi trước bàn bán tiết canh cháo lòng, gọn gàng, tươi tắn và không ngơi tay múc cháo cho khách. Tất nhiên, cái để tôi nhận ra vẫn là đôi mắt lá răm liếc xéo xéo qua mặt mọi người và điếu thuốc lá loại rẻ tiền ướt nhoèn đang gắn trên môi.
Chưa hết! Bên trong, trên một chiếc giường ọp ẹp, giữa vùng ánh sáng đỏ quạch, có hai đứa nhỏ, con chị nựng con em đang cười rinh rích. Cha trời! Chả lẽ đây là hai sinh mạng đã được ra đời trên cùng một vỉa hè võng vãnh muỗi bay?
Bất giác tôi quay người đi nhanh sang bên kia đường. Chán quá! Thì ra người ta không chỉ chạy trốn những ấn tượng nặng nề mà còn có xu hướng trốn chạy cả những cú sốc ngọt ngào mà trái tim chai sạn ít khi được nếm trải.
Quán nước quen thuộc có ngọn đèn dầu thắc thỏm dường như đang chờ tôi trong vẻ buồn tênh cố hữu của nó. Người đàn bà giáo viên không còn ngồi ở đó với nụ cười cố tạo ra nữa. Chị đã được người ta mời đi dạy trở lại. Thay chị bây giờ là ông chồng, vốn là đạo diễn phim tài liệu vừa nghỉ hưu hoặc do công việc làm nhiều người khôn của khó mà xin về nghỉ sớm (?). Chính nhà đạo diễn đã có một thời tên tuổi này kể cho tôi nghe đoạn đời kế tiếp của gia đình gã đàn ông hay gặm mía kia. Từ nơi đóng quân cạnh vườn mía. Anh ta quyết định thuê dài ngày một chiếc xe đạp Vĩnh Cửu ngày ngày thồ mía từ Ðan Phượng đi buôn bán ở các huyện. Sau mấy tháng kèo kẽo, người gầy rộc đi đến năm cân, anh ta đã có một khoản tiền để đầu tư vào lò đường của chính ông bố vợ trên mạn ngược. Lỗ cùng chịu, lãi chia đôi, lại trúng. Một năm sau, anh ta rút chân ra khỏi nghề đường, tạm biệt vợ con, nhảy tàu vào Ðà Nẵng tìm gặp một người bạn cùng đơn vị cũ, học nghề sửa chữa xe máy. Hai tháng sau trở về, anh ta bỏ tiền thuê dài hạn cái nhà kho bỏ đi này, sang sửa một chút ít và quyết định sống suốt đời ở đây, nơi góc phố có nhiều kỷ niệm...
Câu chuyện giống như một dòng sông mùa hạ mát mẻ mà tôi vừa được trầm mình xuống. Tôi không muốn hỏi thêm về Thẩm bởi lẽ tôi muốn dành cho chính tôi một sự bất ngờ mới mẻ tiếp theo. Vậy là dòng đời đang xuôi chảy thuận chiều. Gia đình kẻ khó đã có bát ăn bát để, bà giáo thạo việc đã trở lại bục giảng và Thẩm, chắc chắn đang tồn tại ở một cấp độ khác hơn.
Tôi bước đến ngôi nhà ba tầng của nó... Chao ôi, màu sắc, đường nét, sự bề thế mới gợi lên dáng dấp một cái vila sang trọng làm sao! Chợt thấy buồn... Rốt cuộc, nó vẫn có được tất cả mà khỏi cần đến tôi. Thôi được, miễn là nó đã có. Thế là mừng.
Phía bên cánh cửa xếp bằng sắt sơn nhũ bạc là tấm bảng đề: đại diện hãng X thành phố Hồ Chí Minh. Chà! Gớm thay cho vợ chồng nhà này, nghĩ gì làm đó, ghê thật! Tôi bấm chuông... Cùng với tiếng chó hộc lên ồm ồm, một khuôn mặt thiếu niên chất phác ló ra trên khoen tròn cánh cửa nặng nề đang đóng kín.
- Bác tìm ai ạ? - Cậu thiếu niên hỏi, tiếng nói vẫn còn ngầy ngậy chất quê.
- Mình là Hà, bạn thân của ông chủ nhà đây.
- A... Bác là bác Hà! Cô chú cháu nhắc đến bác luôn. Bác tránh ra tí để cháu mở cửa... Thế!
Sao lại phải tránh? Tôi lùi lại và nghe tức khắc tấm cửa đồ sộ được dồn xếp sang hai bên ngọt xớt. Khá, hóa ra cửa tự động thật! Tôi thầm kêu lên và không thể không né người đi tránh qua mõm con béc-giê lông xám to tướng đang nằm phục ở góc nhà, bên cạnh những đống vỏ đồ hộp JVC rỗng không. Khá! Tôi lại thầm kêu lần nữa.
- Chú cháu có nhà không? - Tôi hỏi khẽ.
- Có ạ!... - Nó trả lời ngập ngừng - Ðể... Ðể cháu lên báo.
- Vẽ! Tao là chiến hữu ruột, báo biếc gì.
- Dạ, nhưng...
Vừa lúc đó, từ trên tầng gác sáng xanh ánh đèn nê-ông bay xuống một tiếng trẻ khóc ré, liền đó là một cái bát hay cái cốc đập choang vào tường. Rồi một tiếng rít nhừa nhựa:
- Mày có câm đi không, cái con tội nợ kia! Không ăn thì cút xéo đi chứ không phải bữa nào cũng chống đũa, nước mắt ngắn nước mắt dài như thế.
Tiếng khóc được kìm nén khổ sở, chuyển sang tức tưởi. Tiếng khóc của bé Hương Thảo! Bỗng dưng thấy xót ruột, tôi bước nhanh lên cầu thang... Trời ơi, cái gì thế kia? Trước mặt tôi, qua cánh cửa khép hờ là một người đàn ông râu ria xa lạ, tóc dài bờm xờm, áo quần nhàu nát ngồi bên mâm cơm lỏng chỏng mấy cái bát, cái đĩa lạnh ngắt, bên cạnh có chai rượu trắng đã cạn gần sát đáy. Bằng đôi mắt đỏ quạch và u tối, ông ta gằn gằn nhìn vào góc tường, nơi bé Hương Thảo tội nghiệp của tôi đang đứng khoanh tay, mặt úp vào cánh cửa sổ đóng kín, đôi vai thon nhỏ cứ từng chập từng chập rung lên... Tôi vẫn đứng chết sững. Sao lại thế này? Thằng Thẩm đâu? Mẹ Hương nữa đâu? Gã đàn ông phàm phu điên dại kia là ai?
Chả lẽ lại là bố dượng ư?
- Mày còn thương lắm à? Hừ? - Tiếng quát tiếp tục bật ra từ bộ râu lùng nhùng nửa trắng nửa đen.
- Cút! Cút đi theo con đĩ mẹ mày! Cút! Giời ạ! Sao tôi khổ nhục thế này?
Lão ta lúc lắc cái đầu to tướng, mặt nhăn quắt lại ghê sợ và, thật bất ngờ, từ hai hốc mắt sâu hoắm của lão, anh ánh hai giọt nước mắt rịn ra... Tôi bỗng rủn người! Thằng Thẩm!... Chính thằng Thẩm chứ không phải ai khác. Ngày xưa, trước nấm mồ đồng đội, mặt nó cũng nhăn quắt lại tột cùng đớn đau và nước mắt cũng chỉ âm thầm rịn ra như thế này.
- Mẹ ơi!...
Tiếng con chim non bật lên ai oán gọi mẹ đây đó đã đẩy tôi lùi nhanh trở lại. Tôi không đủ can đảm đứng đó lâu hơn nữa và cũng không đủ tỉnh táo để bước vào với cha con Thẩm lúc này.
Cậu thiếu niên chất phác ngửa mặt đón tôi ở chân cầu thang, đôi mắt mở to đầy vẻ dáo dác:
- ồ bác... Bác sao lại xuống ạ?
Tôi kéo nó ra một góc sát cửa.
- Này! Nói đi! Cái gì đã xảy ra ở đây thế?
Da mặt cậu bé thoắt tái nhợt, khẽ rùng mình một cái rồi nhìn lảng đi, nước mắt rơm rớm:
- Ðã một tháng nay rồi, tối nào chú cháu cũng như thế này! Khổ lắm! Trước kia...
Giọng cậu bé vừa sợ hãi vừa rề rà đến sốt ruột. Tôi cắt ngang:
- Trước kia làm sao? Cháu là thế nào với chú Thẩm?
- Chú Thẩm là em ruột bố cháu, ở mãi tận dưới quê kia, khi cô cháu về, bố cháu cho cháu lên đây phụ giúp công việc với chú. Lúc ấy cô chú cháu vui vẻ lắm, lúc nào cũng nói cười như nhà có hội, thỉnh thoảng lại cho bé Thảo lên xe máy đi chơi, có bận đi đúng hai, ba ngày mới về. Khi cái chú gì tre trẻ, nói tiếng Nam Bộ, nghe nói là giám đốc hãng điện tử cùng với ba người nữa đến thuê nhà làm cửa hàng, lại càng vui, không ngờ...
- Không ngờ cái gì? - Tôi gắt khẽ - Nói nhanh đi!
- Có một lần cô cháu bảo đi thăm bạn gái cùng ở bên kia hai ba ngày nhưng đến ngày thứ tư cũng không thấy về. Ngày thứ năm thì chú cháu có giấy khẩn gọi ra Sầm Sơn nhận thân nhân bị nạn... Lúc trở về, chú cháu bỗng trở nên như thế này.
- Biết rồi, nhưng ai bị nạn? Bị nạn thế nào?
Cậu bé cúi gằm đầu xuống, nói lí nhí:
- Chết đuối... Chết đuối cả hai! Chỉ tại không biết bơi mà lại đưa phao ra xa nên bị sóng đánh tuột tay... Mãi ba ngày sau xác mới nổi, vẫn đang còn dính cứng vào nhau, bụng nghe bảo trương to lắm...
- Ai dính cứng? - Tôi gần như nắm lấy ngực áo cậu bé - Dính cứng cái gì?
- Dạ!... - Mắt cậu ta nhớn nhác nhìn lên gác - Dạ, dính vào chú giám đốc thuê nhà ở tầng dưới ạ!... Khi cái phao không giạt vào bờ, mấy ông đánh cá đêm còn bảo... Nói bác bỏ lỗi, vẫn còn giắt lại hai cái đồ lót đàn ông và đàn bà...
- Thôi... Im đi!
Tôi gần như nhao ra mặt đường, đầu óc choáng váng không hiểu mình đang ở đâu, mình vừa nghe thấy gì nữa. Phố Nhà Binh lúc ấy vẫn đang chan hòa ánh sáng và ngan ngát hương thơm mỹ phẩm.
Sầm Sơn, 25-8-1991