watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Tro Tàn - tác giả Claude Simon Claude Simon

Tro Tàn

Tác giả: Claude Simon

Claude Simon sinh ngày 10 tháng 10 năm 1913 ở Tananarive, Madagascar, trong một gia đình phần lớn đều là sĩ quan, kể cả cha ông, mất từ hồi ông một tuổi – những người mà kỷ niệm phần nào đã được sống lại trong La Route des Flandres. Thuở nhỏ ông sống với mẹ và gia đình bên phía mẹ ở Perpignan, gần biên giới Tây ban nha. Vốn rất mê hội họa, rất mê Poussin, ông đã bỏ École Navale ở Saint-Louis để đi học vẽ với André Lhôte. Ông có một thời gian khá dài trong quân ngũ, tính từ khi gia nhập quân đội Pháp cho đến khi bị Đức bắt đưa vào trại tù ở Saxe, và đã bỏ trốn khi tù được chuyển về Pháp. Phòng làm việc ông một thời treo đầy tranh Matisse, Léger, và cả những chân dung vợ do chính ông vẽ. Ông có một vườn nho ngày xưa do chính ông chăm sóc dùng làm sinh sống ở Salses (Pyrénées-Orientales), Perpignan, từng là bối cảnh cho tiểu thuyết Le Vent. Những tiểu thuyết đầu tiên của ông, xuất bản trong những năm 1945-1954 (Le Tricheur, 1945, viết xong khi kết thúc chiến tranh, La Corde raide, 1947, Gulliver, 1952, chẳng hạn) tuy hình thức vẫn còn khá truyền thống, với nhân vật và tình tiết dễ nhận ra, và tuy không có tiếng vang trong văn giới Paris, cũng đã cho thấy một hơi thở mạnh mẽ, một cái nhìn mới sắc bén và mãnh liệt, cùng với một bút pháp giản dị mà chứa đựng một thứ ngôn ngữ “đi tìm” rất thơ. Ông băt đầu được chú ý từ cuốn Le Vent (1957), thử dựng lại một nền móng baroque, trong đó ông khởi sự phát triển bút pháp Simon, với câu chuyện chỉ là một biến cố chính được nhìn từ nhiều góc độ khác nhau, và cuốn L’Herbe (1958), như một cách phủ nhận lối viết lịch sử truyền thống, với nghệ thuật của riêng ông nhằm bắt chúng ta đi sâu vào ý nghĩa của một cử chỉ, hay của một thái độ, và bằng cái nhìn của mình, xây dựng lại (chung quanh cử chỉ đó hay chung quanh thái độ đó) toàn cả thế giới và lịch sử của nó. Những tác phẩm sau của ông, kể từ La Route des Flandres (1960), Histoire (1967), Triptyque (1973) đến Leçon de choses (1975), Les Géorgiques (1981), rồi L’Acacia (1989), tuy mỗi cuốn là một Simon mới, nhưng tựu trung đều là sự pha trộn giữa một câu chuyện kể và dòng ý thức, toàn bộ kiến trúc dày đặc, thường khi không chấm phẩy, và với nhiều chữ & đoạn nằm trong ngoặc đơn. Ảnh hưởng của William Faulkner, của Marcel Proust và James Joyce trên Claude Simon không thể không nhận ra, nhưng người đọc“chuyên môn” của Simon có thể đồng thời nhận ra một quá trình hình thành không phải là “đầu hôm sớm mai”, như nhận xét của Giáo sư Tran Qui-Phiet*.
Theo Claude Simon, nghệ thuật cũng như khoa học, là một phương tiện để biết, dựa trên việc xây dựng những liên hệ, bởi thế nên nghệ thuật tự nó có một giá trị vững vàng và sâu xa. Viết một cuốn sách với ông là một “cuộc phiêu lưu đáng sợ”. Nhưng ông đã làm nhiều cuộc phiêu lưu như thế, và quả là cuộc phiêu lưu nào của ông cũng đáng sợ.

"Tro tàn" là bản dịch "Cendre" của Claude Simon, đăng lần đầu tiên trên tạp chí Revue de Paris cách nay trên dưới nửa thế kỷ. Đoản văn được viết khi Simon nằm trên giường bệnh ở Toulouse trong năm tháng liền. Qua cánh cửa sổ trong phòng bệnh của ông, nhà văn trông thấy những mái nhà, những mặt tiền tuyệt đẹp, và ngày cũng như đêm, ông có dịp nhìn thấy những gì xảy ra ở phía trước căn phòng ông: những hàng ngói đỏ thấm ướt vì trận mưa rào, nằm phơi dưới nắng, những bóng người hiện ra sau cánh cửa kính hay sau bức màn, những chiếc giày của trẻ con đánh phấn trắng phơi trên thành cửa sổ... Như một người lính ngoài mặt trận khi tin là mình sắp chết, nhà văn cảm thấy muốn nắm giữ tất cả, không để mất một cái gì, và ông cảm thấy tiếc đời sống, đời sống với những gì đơn giản nhất mà ông nhận được, một ngọn cỏ, một làn gió...

"Tro tàn" được dịch khoảng năm 1966-67, từ bản in trong Revue de Paris nói trên, và sau đó được đưa vào Tuyển tập các nhà văn Pháp hiện đại, Nxb. Trình bầy, Saigon, 1969 – gồm Samuel Beckett, Michel Butor, Marguerite Duras, Jean-Marie Gustave Le Clézio, Claude Mauriac, Claude Ollier, Robert Pinget, Alain Robbe-Grillet, Nathalie Sarraute và Claude Simon.


* “... the 'French Faulkner' was not created overnight. Though in his early novels Simon already showed his taste for Faulkner by writing unusually long sentences, he was still shy of bolder experiment. His prose tends to remain well-structured, logical and crystal clear...” Tran Qui-Phiet, William Faulkner and the French New Novelists, Carrollton Press, Arlington, Virginia, 1978, trang 43.


TRO TÀN



Trước hết là những chuỗi ngày nóng bức kế tiếp kéo dài bên ngoài, phía bên kia những cánh cửa khép kín và, buổi tối, khi người ta có thể mở các cửa sổ, hắn nhìn bầu trời không mầu ngả xanh chầm chậm phía trên các mái nhà, nhạt dần, tan biến, trong mờ, cho đến khi các vì sao đầu tiên bắt đầu nhấp nhánh, và, sau đó, là hình thể kỹ hà của một chòm sao di động một cách lặng lẽ, xa xăm, oai nghi và lạnh lẽo, trong khung cửa sổ trong những giờ đêm, trong khi với một niềm tuyệt vọng thanh bình, với một nỗi chán chường dửng dưng, hắn nghĩ đến vết cắn chảy máu và đã thối ung, ở gần vai, bên trong thân thể nằm dài của hắn.

Sau đó là những bầu trời êm đềm đầy mây, những cơn mưa làm dịu mát mà hắn nhìn thấy nhảy lăn tăn trên các mái ngói, từ những máng xối nhỏ giọt xuống trên những viên đá lát ngoài sân. Và rồi những buổi mai sáng khác mà bầu trời sáng loãng làm ta nghĩ đến những đồng cỏ, những khu rừng, những dòng sông xanh chầm chậm trôi đi, và rồi những hoàng hôn khác nhuộm dần màu hồng, mỗi ngày phủ xuống sớm hơn một tí, theo với mùa hè huy hoàng kéo lê chiếc bụng nặng nề của nó trên những cánh đồng, những ngọn đồi, những biển khơi qua lại thuyền bè, những thành phố với những thị dân đàn bà và đàn ông mỗi ngày bước đi trên các đường phố sáng đèn, đi qua, đi lại, trên đôi chân nhẹ nhàng và vương giả, mang những thân hình thẳng đứng, những chiếc đầu – những chiếc đầu, thứ đồ chơi vô dụng mỏng manh của trẻ con chứa đầy những tranh luận bi thảm, đam mê và bỡn cợt.

Và sau đó nữa là mùa thu, với những cơn giông muộn màng và dữ dội, những buổi rạng đông đã lạnh, và, vẫn luôn nằm, vẫn với cái chết đỏ nhạt đè nén mà thật nghiêm nhặt bên trong hắn, đêm đêm nghe những tiếng còi xe lửa xa xa, ngày ngày nghe vô vàn những tiếng động trong căn nhà – những tiếng dội vô nghĩa và tuyệt diệu của những đời sống vô nghĩa và tuyệt diệu – hắn thấy như chính mình đang dần dần trở thành một cái gì không hủy hoại được, vô cơ và thụ động trên đó thời gian cũng đã tập thói quen lướt qua mà không để lại vết tích giống như những bóng mây trên mặt đất, đang trở thành một cái gì mà hiện hắn đã trở thành, không phải bởi những ngày bất động dồn dập, gần như hóa đá trong thế nằm như vậy, cũng như không phải bởi sau một sự biến hình đột ngột, hay đúng hơn là sự biến chất, tựa như tất cả những mảnh nhỏ của cái thể chất kia, mà không có nó thì không có tư tưởng mà cũng không có cảm giác, giống như muôn ngàn con mắt nhìn của một đám đông, vào giờ đó hướng về phía một cảnh tượng mới mẻ, bệnh hoạn, quyến rũ, sau khi hắn được biết, trong khoảnh khắc của buổi hoàng hôn, khi có thể nhớ lại được những bực thềm ấm áp, những con chim dần dần im tiếng, được biết tiếng thì thầm mơ hồ của những giọng nói chung quanh hắn, được biết mùi nồng nặng của rơm rạ, và, trên sườn đồi, phía bên kia thung lũng, chiếc máy kéo gần như không trông thấy được đang vội vã, đang tranh tốc độ với màn đêm, mỗi lần đi qua lại gặm mất những bờ đất của ruộng lúa mì hình tam giác trông có vẻ đang thun lại dần như bị xén bớt, như bị gặm nhắm bởi một con sâu kêu vo ve, lì lợm và tạp ăn, trong khi hắn, ngồi trong hơi ấm chết dần của buổi ban ngày, nghĩ: “bây giờ đây, bây giờ đây, bây giờ đây anh bạn ơi...” vừa nhận thấy bằng một thứ thèm khát tột độ, một thứ sắc bén đau đớn, cái hương vị chua chát của một thế giới cấm, trong miệng như đã sẵn có một mùi vị ghê tởm cảm thấy trước của cái dòng máu kia, trong khi tuôn qua cổ họng hắn, đã đánh thức hắn dậy trong bóng đêm, thở hổn hển, kinh hoàng, nhìn thấy ở môi hắn nhuộm đỏ trước hết là chiếc khăn tay, rồi một cái chén, rồi cả cái thau mà cô ta đem lại cho hắn, chính cô ta cũng kinh hoàng, nhìn chòng chọc vào hắn với đôi mắt mở lớn trong khi giữa hai tiếng nấc cụt, giữa hai đợt chất nước dịu dịu, lầy nhầy, phun ra, hắn vẫn ở đấy, trong thế ngồi, cái thau đầy máu để trên đầu gối, vẫn luôn luôn nghĩ với cùng lối mỉa mai chua chát, cùng mối tuyệt vọng đắc ý: “Bây giờ đây bạn ơi! Bây giờ hả? Bây giờ đây, bây giờ đây...”

Thế rồi hết và, từ đó, hắn bước qua mặt sau cái cảnh trí nơi dường như đã sống (chính hắn cũng đã sống trong đó, nhưng đã lâu lắm rồi, đã xa lắm rồi) những người thường đến phòng hắn, với gương mặt sạm nắng, áo quần nhẹ nhàng và màu sáng. Họ ngồi xuống, nói chuyện, trắc ẩn, thương xót, bối rối, vô dụng. Họ cũng tới nhà thương, những người đàn bà với những chiếc áo nhiều màu, những cánh tay trần đầy vòng vàng, những người đàn ông không cà vạt, cổ áo để hở, và hắn thấy họ trong vùng sáng lờ mờ ấm áp và xanh xao, thứ ánh sáng xanh lá của bể nuôi cá mà hàng dương ngô đồng lớn không ngớt xào xạc tiếng gió phản chiếu vào: những bức tường cũng sơn màu lam xanh, gương mặt tái nhợt của dì phước; những đêm tối mà rốt cuộc rồi buổi ban ngày cũng tới: những chiếc xe đạp thợ thuyền đầu tiên hiện ra trước buổi rạng đông và tiếp theo là những người phu quét đường, bà bán cá – giọng rao khàn khàn, không thành tiếng, hét lớn: “Cá trích ngon, cá thu béo...” – và mỗi lần (khi nghe họ, rình rập họ) sự ao ước, sự ao ước xót xa được làm người đi xe đạp, làm anh phu quét đường, kẻ có được thứ giọng nói ở bên ngoài đó, được làm...

Đó là một thứ thế giới bít bùng, lạ lùng, riêng biệt, với những thứ mùi hôi formol, mùi nhà bếp vô vị của nó, những hành lang trải vải sơn yên lặng của nó, tiếng sột soạt của những chiếc váy nặng nề hồ cứng nhắc, những thời khắc biểu nhất định, khắt khe, buổi sáng nào cũng dẫn đến anh chàng phụ tá cận thị nhỏ thó với nụ cười lì lợm, hai con mắt xếch của anh ta đàng sau cặp kính, cái lối thâm trầm nhà tu của anh và, sau đó, đi trước vị bác sĩ là tiếng náo động ồn ào của những cánh cửa đập ra vào, những tiếng nói, những mệnh lệnh, rồi vị bác sĩ to béo kéo theo sau ông, như một vị vua chuyên chế phì nộn, lộng hành, đoàn hộ giá bước theo nghi thức và theo đẳng cấp. Và, dừng lại chung quanh chiếc giường hắn, họ nhìn hắn bằng cặp mắt của bọn lái buôn trong khi môi họ cất lên những lời có tính cách cũng nghi thức, những câu pha trò nghi thức, bằng cái giọng lơ đễnh và mệt mỏi mà người ta thường dùng để nói với trẻ con hay nói với bọn khờ dại, mà vẫn không ngớt quan sát hắn, rình đợi hắn (những cái nhìn của họ như tách rời hẳn những lời nói, đúng hơn là ẩn núp dưới những lời nói, rình mò, tính toán, sắc bén, như cái nhìn quá chú ý của đám dân quê, quen thường với những trò đánh lừa của bệnh tật, đang ước lượng, đánh giá).

Thường, sau đó, hắn vẫn hay phải bị đưa đến phòng mổ, ở ngay giữa căn phòng mà chính căn phòng cũng ở ngay giữa, chính căn phòng là lý do người ta sắp đặt cho có những hành lang lát cao su, có những cầu thang, những căn phòng cửa có ghi số, những thành tường bằng kính mờ ngang qua mặt kính hiện ra những hình thể mù mờ màu trắng nằm dài: một hang động tối mù và trống không, trừ cái thứ ngai vàng mọi rợ kia, dưới ánh sáng dữ dội của ngọn đèn chiếu, mà người ta bước lên bằng những bực cấp và trên đó hắn ngồi, mình trần, trong vùng ánh sáng tỏa lóng lánh, vẻ kỳ quái và vua chúa, trong khi chung quanh hắn các trợ tá đang bận rộn một cách lặng lẽ, như những vị hành lễ chăm chú của một đạo sùng bái bí mật và lén lút nào đó, những kẻ quấn chung quanh hắn những dải băng nhỏ, khoác lên người hắn những miếng vải trắng tinh có khoét những lỗ hổng tiếp nhận máu và thép, thứ thép nhọn của những dụng cụ hắn nghe được sau lưng hắn trên chiếc bàn mà người ta sắp xếp những thứ đó, tiếng kêu lẻng kẻng kim khí, độc ác và lạnh lẽo. Rồi thì (nhưng điều này hẳn chỉ có thể nhớ lại được, chứ không thể cảm giác lại, không thể biết được, bởi vì không ai có thể tưởng tượng được – dù họ có được những cảm giác này hay không – sự đau khổ và sự sợ hãi) những đồ vật bằng thép nhọn càng gặm vào da hắn – những con sâu với những đầu mũi nhọn hoắt, tinh xác, mau mắn – rồi tiếp đến là sự sụm xuống yếu ớt và chậm chạp kia, cái hư vô mù tối trong đó hắn thấy như mình đang lún sâu xuống từng bực một, hòa tan, thây phanh ra, treo ở đầu cái cánh tay kia buộc ở phía trên cao chỗ hắn, cảm thấy những đường rãnh mồ hôi từ thân thể hắn rỉ ra, chạy trên làn da hắn thành rất nhiều lọn, rồi tiếp đến nữa là ngọn lửa chính xác đánh quất vào hắn, dữ dội, sôi nổi và, đột nhiên, quét hết những tiếng rên rỉ, tiếng kêu mà hắn nghe từ trong người hắn phát ra, chộp hắn, giận dữ, bất lực, nhục nhã, phẫn uất...

Bên ngoài, là ánh sáng xuống dần của một đêm hè, một cánh buồm lướt trên sông, những con thuyền mái chèo lấp lánh và, từ giường nằm của hắn, khi họ đỡ hắn dậy, ngồi thật thẳng, cứng nhắc, đuối sức, hắn có thể thấy, qua hàng dương ngô đồng lớn xào xạc, những thân hình trần truồng của bọn trẻ con chạy dọc theo bờ sông, đuổi bắt nhau, nhảy xuống nước, và khi những chiếc bóng bắt đầu dài ra (trong khi vùng màu xanh lá cây nhạt tranh tối tranh sáng đậm dần lên và trong mặt tủ kính đối diện với hắn hắn chỉ còn phân biệt rất khó tấm thân ma dại nhợt nhạt của hắn), nhảy nhót một cách khôi hài sau các bụi cây, lúng túng trong những bộ quần áo, cái thằng bé muôn thuở chạy chậm, áo quần mặc vào lại nửa chừng, chạy theo đuôi những thằng khác.

Nhưng bây giờ chắc chắn là chẳng còn cánh buồm nào, chẳng còn thuyền bè, mà cũng chẳng còn thằng bé nào nữa và, vẫn ở đó, mưa sẽ rơi trên những bờ sông hiu quạnh, như nó vẫn bắt đầu rơi từ giữa tháng mười, ngày nào cũng vậy, hầu như không hề dứt đoạn, trên những ống khói, những mái nhà ngời sáng trong khung cửa sổ. Thỉnh thoảng mưa ngừng lại một hay hai giờ, rồi bắt đầu rơi lại, không một tiếng động, nhẹ nhàng, và hắn có thể trông thấy những miếng ngói vừa khô đã lại bóng lên dần, lại phản chiếu cả nền trời tái ngắt và ảm đạm.

Vẫn cùng những mặt tiền kia, cùng những mái nhà kia, và nếu bây giờ hắn chết đi, chúng vẫn còn ở đó, và chắc chắn chỉ có như vậy thôi và không có gì hơn nữa: những chiếc giày và những bao tay trẻ con ngả màu trắng phấn viết phơi trên bờ cửa sổ trước mặt, những buổi sáng chủ nhật tháng tám và, buổi tối, hai chị em béo tròn đi xem hát bóng hay dự buổi khiêu vũ nào đó trong khu phố trở về muộn: những chiếc cửa sổ sáng đèn, tảng ánh sáng đột nhiên chiếu vào bức tường trong căn phòng từ đó, vẫn luôn luôn nằm, mà không ngủ được, hắn trông thấy hai người đi qua đi lại nhiều lần một cách lặng lẽ, cởi bỏ áo quần dần dần (hai vai và hai cánh tay trắng sữa của họ để ngoài những bộ áo quần lót màu đen), cặm cụi với những công việc lạ lùng và người ta vẫn làm lúc nửa đêm. Và như thế, ngày này qua ngày khác, bị bắt buộc phải nằm hoài ở cùng một chỗ, với cái chết nọ ẩn núp bên trong hắn mà người ta vẫn chăm nom ngăn ngừa cẩn thận, hắn có thể, qua hai chiếc cửa sổ của cái mặt tiền lớn trắng xóa, nhìn vở kịch câm kia diễn ra, bí ẩn (có nguyên cả một gia đình dường như sống trong hai căn phòng, và chắc hẳn gia đình không được khá giả lắm, bởi vì các cánh cửa chỉ đóng luôn có một tuần lễ, vào khoảng mười lăm tháng tám, sau đó hắn lại trông thấy họ: hai chị em gái, người em trai chải rất lâu cái áo vét trước khi ra khỏi nhà, bà mẹ to lớn, đứa bé gái ngồi cúi mình hàng giờ bên cửa sổ để nhìn xuống sân), có thể trông thấy như là qua những chỗ rách, những kiếp sống về trước kết sợi, những mảnh nhỏ của chính cuộc đời hắn trong đó hắn tự nhìn mình cùng một cách như khi hắn nhìn chuyển động những bóng hình quen thuộc và lạ lùng, đoạt mất bởi một đời sống chen chúc. Những chỗ rách. Như những vết thương kia mà các tên lính già để lộ làn da trắng của họ thường phô bày, lố bịch và đáng thương, khi các vị tướng thắng trận đi qua: những kỷ niệm, những vết thẹo xanh xao trên cái nền phai màu của thời gian.