Vợ cũ
Tác giả: đặng văn sinh
Sắp đến chương trình phim truyện. Theo thông lệ, Đài truyền hình Việt Nam phát mấy phút quảng cáo. Thằng cháu nội bảy tuổi đang ấm ức vì mục này kéo quá dài, sốt ruột, thì bất ngờ tôi đọc được mấy dòng cáo phó: "Gia đình vô cùng đau đớn báo tin, mẹ chúng tôi là bà Phạm Thị Xuyến, sinh năm 1932, quê quán tại xã... huyện... tỉnh Thái Bình, do mắc bệnh hiểm nghèo đã từ trần...".
Chuyện chị Xuyến từ bấy đến nay tôi chưa hề hé răng với vợ. Bây giờ chị ấy đã thành người thiên cổ, bà Ngần dù có đanh nọc đến mấy cũng chẳng còn đối tượng để ghen tuông. Và, biết đâu được, khi hiểu rõ ngọn ngành, ngày mai bà ấy lại cùng với tôi về làng? Vì thế, tôi quyết định kể... Năm năm mươi, tôi đang học tiểu học, gia đình bắt phải cưới vợ. Lúc ấy tôi mới mười hai tuổi, chỉ mải thả diều, bắt ve sầu, cởi truồng tắm sông, biết gì về chuyện vợ chồng. Thấy tôi không hào hứng lắm, ông bố bảo:
- Nhà mình mấy đời độc đinh, phải lo vợ cho mày để bố mẹ sớm có cháu bế.
Tôi lắc đầu:
- Con không lấy vợ đâu. Chúng nó cười chết.
- Cười hở mười cái răng. - Mẹ nhả miếng bã trầu, thêm vào. - Thằng Chu con ông Trương Hành kém mày một tuổi ở xóm Trại, người bé như hạt mít thế mà đã lấy cái Nhinh con bà Vạn cuối tháng trước.
- Con đã bảo không lấy vợ - Tôi dứt khoát phản đối. - Nếu cứ bắt ép là con bỏ nhà đi đấy.
- Thằng này láo, dám cãi lại người lớn. - Ông cụ quát. - Không lấy vợ thì nghỉ học, muốn đi đâu thì đi, tao không cấm.
Ông cụ vốn là người có máu gia trưởng, nóng tính lại dữ đòn. Mấy hôm sau, bà mẹ nói mãi vẫn không dỗ được tôi lấy vợ ông liền vơ tất cả sách vở quẳng ra sân rồi dứ dứ chiếc roi mây ra lệnh:
- Cá không ăn muối cá ươn. Mày định thi gan với tao phải không? Vào buồng ngay!
Cái roi mây của ông cụ thật đáng sợ nhưng sợ hơn cả vẫn là hình phạt bị nhốt vào buồng. Nghe bố quát, các chị tôi xanh mắt, lảng mỗi người một nơi. Tôi lấm lét nhìn quanh tính nước chuồn nhưng không kịp. Ông bố hình như đã đoán được ý nghĩ ấy bèn vung roi thị oai, quất cho ba nhát đau điếng rồi ấn vào buồng khóa cửa lại. Thế là tôi trở thành tù tại gia. Sang ngày thứ hai, không được ăn gì, tôi đói lắm. Nửa đêm chị Ngà đưa bát cơm qua cửa sổ. Vừa thò tay ra đỡ thì nghe đến vút một cái, tay tôi tê dại, bát cơm rơi xuống hè vỡ tan tành. Thì ra ông cụ đã rình sẵn quyết tâm chặn mọi đường tiếp tế để khuất phục tôi. Hôm sau chị Ngà bị trận đòn nhớ đời.
Ngày thứ ba, tôi đói quá không đứng vững nữa. Nhìn xung quanh cái gì cũng lốm đốm như hoa cà hoa cải. Người bủn rủn, chốc chốc lại toát mồ hôi. Nghĩ mình sắp chết đói đến nơi, mà chết ở tuổi mười hai thì phí quá, thế là đành phải đầu hàng không điều kiện. Người mà bố mẹ hỏi cho tôi là chị Xuyến con ông Hương Đậu bên làng Vẽ, năm ấy mười tám đẹp có tiếng trong vùng.
- Có chuyện như thế thật à? - Bà Ngần hình như bị nghẹt thở hỏi bằng giọng không được bình tĩnh lắm - Vậy mà mấy chục năm qua ông cứ im thin thít như thóc đổ bồ. Ngay cả chị Ngà, chị Ngái cũng không thèm nói với tôi một lời.
- Thì mình cứ từ từ để tôi kể, làm gì mà sồn sồn lên thế.
Vợ tôi hạ giọng chép miệng:
- Chắc là gia cảnh có chuyện éo le bà ấy mới chịu lấy ông, chứ vợ chồng như thế khác gì đôi đũa lệch.
- Mình nhận xét đúng đấy. Nhà tôi mấy đời nghèo rớt mồng tơi, quanh năm các cụ đi thiên hạ làm thuê, mỗi lúc về làng không dám ngẩng mặt lên. Đến đời ông cụ sinh ra tôi, bị cánh chức dịch chèn ép quá, không chịu được phải bỏ lên mạn ngược theo nghề sơn tràng. Mấy năm sau, làm ăn phát đạt, cụ về nhà tậu ruộng, mua trâu rồi mua luôn cả cái chức Lý Cựu để có một cái chỗ vai vế trên chiếu đình. Hồi còn ở Lạng Sơn, ông cụ học được môn thuốc chữa rắn độc cắn. Ông này một hôm đi rừng hái thuốc gặp con gấu ngựa ở Khe Hùm. Con gấu to quá mà trong tay ông ta chỉ có cây dao quắm thành ra đánh không lại bị nó tát cho, lăn xuống vực. Cũng may, hôm ấy bố tôi về bản Khuổi mua rượu cho cánh thợ xẻ. Trên đường đi, phát hiện ra, ông cụ tuột xuống vực dìu được ông lên đưa về nhà. Gia đình cảm động lắm, giữ lại chơi mấy ngày. Sau khi lành vết thương, ông già tặng bố tôi một nén vàng và truyền cho cả môn thuốc chữa rắn độc.
Dịp ấy hình như vào tháng bảy tháng tám ta, ông Hương Đậu bị rắn cạp nia cắn trong lúc đi ăn khao về. Rắn cạp nia sọc đen sọc trắng chỉ nhỏ bằng ngón tay cái nhưng nọc rất độc, độc hơn cả rắn hổ mang. Bị loài này cắn, sau mấy giờ đồng hồ, nếu không chữa kịp thời thì cái chết cầm chắc trong tay. Lúc đầu ông Hương nghĩ là rắn mòng, thấy buốt cũng chẳng để ý. Về đến nhà, ra cầu ao rửa chân, vết thương ngấm nước sưng tấy lên, ông phải vất vả lắm mới lê được vào giường nằm rên hừ hừ. Cả nhà rối rít chạy tìm thầy. Xế trưa, mấy ông lang quanh vùng được mời đến nhìn thấy vết thương tím bầm, bệnh nhân nằm thiêm thiếp, thở khò khè, vị nào cũng lắc đầu. Tầm chiều, chị Ngái cắt cỏ về bảo với ông cụ:
- Con nghe bên làng Vẽ có người bị rắn cạp nia cắn sắp chết. Các thầy thuốc đều chịu cả. Từ trước đến nay thầy ít chữa nên bà con không biết. Hay là thầy sang bên ấy xem sao, may ra cứu được.
- Ai thế con? - ông cụ hỏi.
- Dạ, hình như ông Hương Đậu.
- Nhà ông ấy thì thầy có biết... Thôi được để tao đi kiếm ít lá.
Thế là ông cụ vào nhà lấy gói thuốc bột giắt lên vành khăn xếp rồi xắn quần tất tả chạy đi.
Ông cụ đến nơi thì ông Hương đã nằm bất tỉnh nhưng mắt vẫn còn phản ứng và tay chưa đến nỗi bắt chuồn chuồn. Môn thuốc gia truyền quả là công hiệu. Chỉ một liều uống và một liều đắp vào chân, đến đêm ông Hương đã tỉnh lại, vết sưng xẹp dần, sang ngày hôm sau thì ngồi dậy được. Chưa đầy nửa tuần trăng, ông Hương đã chống gậy cùng với vợ sang nhà tạ ơn. Đầu tiên ông ấy đặt lễ lên bàn thờ, thắp hương vái các cụ rồi quay ra sụp xuống lạy ông cụ nhà mình ba lạy. Ông cụ vội đỡ ông Hương dậy giọng bối rối:
- ấy chết, sao ông lại làm thế.
- Thưa ông, ơn cứu mạng của ông như trời biển không biết lấy gì báo được. Hôm nay, tôi cùng bà nó sang đây là có câu chuyện muốn thưa...
- Mời ông bà ngồi xơi nước. Việc trị bệnh cứu người là trách nhiệm của thầy thuốc, ông bà không nên cả nghĩ.
- Là thế này ạ - Ông Hương khẽ khàng nói. - Nhà ta có cậu quý tử sắp đỗ xéc phi ca. Vợ chồng tôi chỉ sinh được mình cháu Xuyến là gái, tuy còn vụng về đường ăn nết ở nhưng cũng mạo muội gửi cậu Khóa làm người nâng khăn sửa túi để đền đáp một phần ơn cứu tử của ông bà.
Lời nói của vợ chồng ông Hương trúng ý bố tôi. Từ lâu ông cụ đã có ý định chọn vợ cho tôi nhưng chưa tìm được đám nào vừa ý. Ông cụ mừng như vớ được của tuy vẫn làm ra vẻ nhún nhường:
- Ông bà có lòng thương chúng tôi xin đa tạ, nhưng cháu nó còn đang học sợ đa mang chuyện thê nhi ảnh hưởng đến sự nghiệp.
- Tôi có lời thế này - Ông Hương vẫn từ tốn nói - Việc nào ra việc ấy. Con Xuyến nhà tôi năm nay tròn mười tám, cậu Khóa mười hai, kể về tuổi có chênh lệch tý chút nhưng tôi đã nhờ người xem tử vi, ngày sinh tháng đẻ rất hợp nhau. Hơn nữa cậu Luân sắp đi học trường tỉnh. Cô Ngà, cô Ngái rồi ra cũng xuất giá làm dâu con người ta. ở nhà chỉ còn cô út, ông bà cũng phải có nàng dâu gánh vác việc gia đình phải không ạ?
Nghe ông Hương rỉ rả phân tích, bố tôi lọt tai, thích lắm. Thế là ngay chiều hôm ấy hai gia đình ra tuyên bố bắt tôi phải chấp hành "nghị quyết" cưới vợ.
Đám cưới được ấn định vào cuối tháng hai âm lịch. Lúc ấy tôi đang chuẩn bị thi bằng tiểu học. Thực tình, đến lúc ấy tôi chẳng có khái niệm gì về chuyện vợ chồng. Làng Báng từ bao đời nay, mười thằng con trai thì có đến năm, sáu thằng lấy vợ trước tuổi mười bốn, thậm chí có đứa còn thò lò mũi xanh, bố mẹ đã rước nàng dâu về. Thỉnh thoảng có cặp vợ cõng chồng, dỗ chồng cứ như là chị cõng em, thế mà vẫn đẻ một đống con, ở với nhau suốt đời. Thôi thì cái lệ làng nó vậy, một mình không chống lại được, đành chấp nhận.
Đến hôm cưới tôi mới nhìn rõ mặt chị Xuyến. Người làng nói không ngoa. Chị ấy đẹp lắm, mặt trái xoan, răng đen bóng, môi đỏ như son, da trắng mịn lại thắt đáy lưng ong. Đứng cạnh nhau, tôi chỉ cao đến ngực chị ấy. Lúc sang đón dâu tôi nhác thấy chị Xuyến buồn lắm. Lấy chồng chỉ cách nhà một cánh bãi mà chị ấy làm như là các thiếu nữ ngày xưa phải vượt trùng khơi đi cống rợ Hồ. Chị ấy trải chiếu hoa cạp điều ở gian chính giữa, mời bố mẹ ngồi lên rồi gạt nước mắt, sụp xuống lạy ba lạy. Bà mẹ thương con lắm, mắt đỏ hoe ngậm ngùi bảo:
- Con về làm dâu bên ấy nên ăn ở cho phải đạo đừng để bố mẹ chồng chê trách. Mẹ biết lòng con không được thanh thản nhưng đây là cái ơn cái nghĩa, đừng phụ công lao dưỡng dục của cha mẹ.
Trên đường về tôi ngẫm nghĩ, thế là chị ấy đã sang sông, coi như bỏ phí một đời thiếu nữ. Cách đấy dăm hôm, tôi nghe mấy người đi chợ Cháy bảo chị Xuyến phải lòng anh Đọc ở xóm Cầu Đá. Anh Đọc làm nghề đâm ba ba ở sông Yên. Ông Hương chê nghèo không gả. Vào hôm tổ chức đám cưới của tôi anh Đọc bỏ làng ra đi.
Hãi nhất là ngay tối hôm ấy, khi khách khứa ra về, mọi công việc dọn dẹp đã xong, mẹ ấn tôi với chị Xuyến vào buồng rồi chốt cửa lại. Tôi vừa khóc vừa đấm cửa ầm ầm đòi ra. Gào mãi không ăn thua gì, mệt quá, tôi ngồi bệt xuống đất thiu thiu ngủ. Sáng ra, khi thức dậy tôi thấy mình đang nằm trên giường còn chị ấy trải chiếu ngủ dưới đất, gương mặt mệt mỏi với cặp mắt thâm quầng. Tôi vừa ngồi dậy chị ấy bảo:
- Tối qua nhà khóc nhiều quá, ngủ thiếp đi, tôi phải bế lên giường. Thôi ra rửa mặt ăn cơm rồi còn đi học.
- ứ ừ! Chẳng đi học nữa đâu.
- Kìa, sao lại thế? Nhà không đi học thầy sẽ đánh đòn.
- Đi ra ngoài bọn trẻ nó ê xấu hổ lắm.
- Hay là để tôi đưa đi...
- Không được! - Tôi quắc mắt. - Chị về nhà chị đi.
Chị Xuyến không một chút bối rối, lấy tay vuốt tóc tôi như là vuốt tóc một đứa trẻ con rồi nhẹ nhàng bảo:
- Tôi đã phải về làm dâu thầy u. Từ nay trở đi nhà này cũng là nhà của tôi. Đó là cái lẽ ở đời. Nếu sau này, khi đã trưởng thành, nhà nghĩ ra, giữa chúng ta không có duyên phận, lúc ấy nhà đuổi tôi sẽ đi.
- Vì sao chị lại ở nhà tôi lâu thế? - Tôi ngớ ngẩn hỏi lại. - Những bốn năm nữa cơ mà?
- Lũ chúng tôi, trời sinh ra làm phận gái phải tòng quyền nhà ạ. - Chị ấy dịu dàng nhìn tôi nói bằng giọng trầm trầm thoáng buồn. - Ông Lý đã cứu mạng sống thầy tôi cho nên, phận làm con tôi phải thay gia đình đáp nghĩa...
- Tôi nghe người làng bảo chị phải lòng anh Đọc cơ mà, sao chị không lấy anh ấy?
- Không được nói như thế. Thầy u nghe thấy là rất phiền - Chị Xuyến khẽ bảo. - Nhà còn ít tuổi, phải cố gắng học hành để mai đây thành người có trí lực. Lúc ấy nhà đã lớn, hiểu lẽ đời tôi sẽ xin cho về bên kia. Còn chuyện nhân duyên có phải muốn là được đâu. Người ta vẫn chờ đấy nhưng ván đã đóng thuyền chỉ biết ngậm ngùi nhớ nhau trong lòng thôi...
Mình nên hiểu rằng vào những năm năm mươi ấy, rất nhiều nơi ở nông thôn miền bắc còn chịu ảnh hưởng nặng nề tàn dư của chế độ thực dân, phong kiến. Chuyện tảo hôn chỉ là một trong những hủ tục ấy thôi. Đến lớp, bạn bè tìm đủ cách chọc ghẹo, may mà tôi học trội hơn hẳn nên chúng còn nể đôi chút. Một lần, trên đường về, bọn làng Thị xúm nhau vào đồng thanh réo:
Bồng bồng cõng chồng đi chơi
Đi đến chỗ lội thì rơi mất chồng
Ai ơi cho Xuyến mượn chiếc gầu sòng
Xuyến tát, Xuyến té cho chồng
là thằng... Luân ngoi lên.
Nghe lần đầu còn cho qua, lần thứ hai là đã ngứa ngáy, lần thứ ba thì không thể chịu được nữa, tôi bèn húc đầu vào bụng thằng Xước Rỗ làm nó ngã ngửa ra đè lên đống phân trâu. Thế là chúng túm lấy tôi đấm túi bụi vào đầu vào mặt rồi ù té chạy. Tôi uất quá vừa thất thểu về nhà vừa khóc. Đến sân, vừa nhìn thấy ông bố, tôi quẳng cặp sách đến bịch một cái xuống đất rồi càu nhàu:
- Từ mai tôi đếch thèm đi học nữa...
Ông cụ trợn mắt quát:
- Lại đánh nhau với đứa nào hả?
- Ai bảo bố bắt lấy vợ, đến trường chúng nó xúm vào trêu, nhục lắm.
- A, thằng này láo! Mày định cãi lại tao đấy à?
- Người lớn gì mà xui trẻ con lấy vợ để cả làng chửi.
Ông bố tức lắm, những thớ thịt trên khóe miệng giật giật, đôi môi run run không nói được thành lời. Ông ấy đảo mắt nhìn lên mái nhà, có lẽ là tìm cây roi mây... Chỉ có chị Xuyến là bình tĩnh hơn cả. Trước tiên, chị ấy nhặt cặp sách, sau đó kéo tôi ra giếng múc nước rửa chân tay, xong việc gọi tôi vào buồng hỏi:
- Hôm nay những đứa nào trêu nhà?
- Bọn thằng Xước, thằng Quai làng Thị.
- Được rồi, để tôi nói với thầy mai đến gặp ông đốc trường. - Chị Xuyến an ủi - Chúng nó nói kệ nó, nói mãi mỏi mồm cũng chán. Nhà còn bé không đánh lại được bọn làng Thị đâu.
- Thế chị bảo phải làm thế nào? - Tôi vẫn còn ấm ức vì trận đòn, chỉ muốn học vài miếng võ để trị bọn kia cho hả giận.
- Nhà hãy nghe tôi - Chị Xuyến lại bảo - Chỉ hơn tháng nữa là đỗ xéc phi ca, nhà sẽ lên học trường tỉnh. ở đấy cách biệt hẳn với lũ học trò trường huyện chẳng ai biết chuyện cả. Hằng tháng tôi sẽ mang gạo và tiền lên, không phải về thường xuyên nữa.
Tôi nghe chị. Mọi việc rồi cũng ổn. Tốt nghiệp tiểu học xong, lấy cớ là phải ôn thi vào trung học đệ nhất cấp, tôi bắt bố mẹ phải cho lên tỉnh trọ ở nhà một ông ký nhà băng trước đây có quen biết với gia đình. Cả nhà biết thừa tôi giở quẻ chê vợ nhưng lúc ấy ông cụ, bà cụ đều nghĩ, việc học là trọng, còn vợ chồng đã cưới xin hẳn hoi rồi cứ để khuyên giải, bảo ban dần dần thế nào tôi cũng nghe ra, vì thế, đành phải cho tôi đi sớm hơn dự định.
Trước khi ra tỉnh tôi hỏi chị Xuyến:
- Chị biết anh Đọc đi đâu không?
- Nghe nói anh ấy vào Việt Minh.
- Nếu chị biết chỗ tôi sẽ viết cho anh ấy mấy chữ.
- Nhà đừng viết - Chị Xuyến xua tay nhếch nụ cười buồn - Anh ấy là dân lực điền có học bao giờ đâu mà đọc được thư.
- ừ nhỉ - Tôi ngẩn người ra một lúc rồi dặn - Lúc nào anh Đọc về chị cho biết để tôi nói với anh ấy một lời...
- Đừng. Thầy u mà biết thì lôi thôi.
- Tôi chả sợ - Khi ấy tôi đã coi chị Xuyến thân thiết như các chị gái mình nên rất ái ngại cho hoàn cảnh của chị - Vì tôi thương chị. Tôi hận thầy tôi, hận cả ông Hương Đậu nữa...
Chị Xuyến lẳng lặng nhìn tôi rất lâu, mắt rưng rưng như là sắp khóc. Từ đấy, cứ đều đặn tháng một lần chị Xuyến mang tiền gạo lên tiếp tế cho tôi. Chị cho mọi thứ vào quang thúng, đi bộ, mùa đông chẳng giày dép gì, gót chân bị nứt ra, rỉ máu, trông tội lắm. Lần nào ra tỉnh chị cũng mua quà. Bà ký nhìn thấy chị chăm sóc tôi chu đáo như thế cứ nghĩ là chị ruột.
Hôm ấy vào dịp tháng chín ta, tôi về nhà lấy chứng thực của lý trưởng vào bản sao giấy khai sinh, chị Xuyến bố trí cho tôi gặp anh Đọc ở Cồn Dâu. Tôi hỏi:
- Anh tức tôi mà đi Việt Minh à?
Anh Đọc cười nhạt bảo:
- Cậu đã học đến trung học đệ nhất cấp mà ăn nói hồ đồ. Đánh giặc cứu nước là trách nhiệm của kẻ làm trai, đâu phải vì chuyện thất tình mà đem sinh mệnh ra làm trò đùa với hòn tên mũi đạn.
Thấy tôi có vẽ lúng túng anh hỏi:
- Cô Xuyến bảo cậu có chuyện muốn gặp tôi?
- Chị Xuyến là người tốt, đáng tuổi chị cả tôi, chỉ tại hai gia đình ép gả khiến chị ấy phải khổ, mà tôi cũng bị bạn bè chửi. Tôi nói thật lòng, nếu có thể được, anh đưa chị ấy trốn sang bên kia sông mà sống với nhau. Bên ấy là vùng Việt Minh thầy tôi không làm gì được đâu.
- Cảm ơn! - Anh Đọc thở mạnh như người vừa trút được gánh nặng trên vai. - Tôi chỉ muốn biết rõ ý của cậu thôi, còn bây giờ Xuyến chưa thể đi được.
Tối hôm ấy tôi lấy cớ là nóng nằm ở tấm phản gian giữa. Bà mẹ vốn sốt ruột vì chưa có cháu bồng lôi vào buồng, giọng khẽ rít lên:
- Này, đừng có giở chứng, bố mày mà nóng lên thì đừng trách.
Khi cửa buồng đã bị khóa, tiếng chân bà cụ xa dần chị Xuyến mới thì thầm:
- Nhà lên giường nằm để tôi rải chiếu xuống dưới này.
- Không, chị ở trên ấy. Tôi nằm đất cho mát.
Nhưng chị không chịu, tôi đành phải nhượng bộ. Và mình có biết không, suốt từ ngày "cưới" đến những dịp nghỉ hè, năm nào cũng như năm nào, tôi và chị ấy đều thực hiện cái chiến thuật xem ra có vẻ hạ sách ấy mà cả bố lẫn mẹ đều không phát hiện được.
- Còn mùa đông? Chẳng hạn những ngày nghỉ Tết Nguyên đán hai người xử sự thế nào? Hay là lúc ấy... nằm chung?
- Nếu vậy thì đã chẳng có chuyện tôi kể cho mình nghe hôm nay - Tôi chép miệng bảo - Khổ nỗi chỉ có một cái chăn mà trời lại mưa dầm gió bấc. Hai chị em ngồi thu lu mỗi người một góc giường, răng đánh vào nhau lập cập. Thấy tôi buồn ngủ díp mắt, chị Xuyến dỗ:
- Nhà nằm xuống đắp chăn vào. Tôi quấn mấy cái chiếu ngủ tạm cũng được. Tôi thương chị ấy lắm nhưng chẳng biết làm thế nào liền nói dỗi:
- Ngủ dưới đất không có chăn ngày mai chị ốm mất. Chị không thương tôi à?
- Tôi thương, nhưng bảo nhà phải nghe vì nhà còn phải giữ gìn sức khỏe để đi học.
- Có lẽ bọn tôi nói hơi to nên bà cụ ở gian buồng ngoài nghe được. Bà cựa mình giọng ngái ngủ:
- Khuya rồi. Vợ chồng ngủ đi, có chuyện gì để mai.
Đêm ấy rét lắm. Nằm chăn bông mà còn run cầm cập huống hồ chỉ có hai tấm chiếu. Gần sáng, tôi bật lửa châm vào ngọn đèn nhỏ dưới gầm hòm rồi lấy chiếc áo khoác mỏng rón rén lại gần đắp cho chị ấy.
- Tôi dám chắc lúc ấy chị Xuyến chưa ngủ.
- Tôi cũng nghĩ như thế. - Tôi thở dài bảo vợ. - Thật tội nghiệp cho những người phụ nữ nông thôn rơi vào hoàn cảnh như chị Xuyến.
Bà Ngần ngẫm nghĩ một lúc rồi hỏi:
- Rồi sau thế nào? ý tôi muốn nói là, sau đó anh Đọc có về đón chị Xuyến không?
- Chuyện không đơn giản như mình nghĩ đâu. Anh Đọc bấy giờ được điều sang quân chủ lực phải đi chiến đấu xa, ít có dịp về làng. Còn chị Xuyến vẫn không muốn bỏ nhà trốn đi. Chị ấy là người có hiếu với bố mẹ, làm thế thì vợ chồng ông Hương Đậu còn mặt mũi nào nhìn thấy ông cụ bà cụ nhà ta cũng như hàng xóm láng giềng. Lệ làng là một chuyện nhưng cái ơn cứu mạng mới chính là lý do làm chị Xuyến không thể bỏ nhà chồng theo anh Đọc. Chị ấy cứ sống âm thầm, cô đơn và tủi hận như thế cho đến ngày ký Hiệp định Đình chiến tháng bảy năm năm tư. Hòa bình lập lại, chính quyền mới bãi bỏ toàn bộ những đồi phong bại tục cũng như chính sách bất công của chế độ thực dân phong kiến. Trường trung học tạm thời đóng cửa. Tôi về nhà tuyên bố trước toàn thể gia đình:
- Từ ngày mai bố mẹ để chị Xuyến về bên nhà. Ông cụ tức điên lên, quen thói gia trưởng, rút ngay chiếc roi mây trên mái nhà xuống hằm hằm quát:
- Mày có câm đi không! Tao lấy vợ cho mày có cưới cheo hẳn hoi, thế mà mày lại...
- Thầy đánh thì con chịu nhưng con xin nói thật, nhà ta cưới chị Xuyến về làm người ở không công chứ đâu phải con dâu. Từ lâu rồi con coi chị Xuyến như chị gái và đã hứa giải phóng cho chị ấy ngay lúc mới đặt chân đến nhà ta cơ.
Bố chắc là uất lắm, mặt nặng như chì, quát đến lạc cả giọng:
- Cho mày ăn học tốn bao nhiêu tiền của giờ về cãi tao phải không? Đồ bất mục.
Tôi không nhịn được nữa đành phải nói thẳng:
- Đất nước độc lập rồi, mọi việc không còn như thời phong kiến đế quốc nữa. Giữa con và chị Xuyến từ bao năm nay chưa bao giờ là vợ chồng. Thày u cứ cố tình ngăn cản là con sẽ đề nghị với chính quyền xã...
- Mày...mày dám...
Ông cụ nghiến răng trèo trẹo vung roi quất túi bụi vào vai, vào lưng, đau lắm nhưng tôi chẳng thèm tránh đòn. Giữa lúc ấy, chị Xuyến đi làm về, vội chạy đến chắp tay:
- Con xin thầy...
- Cút mẹ chúng mày đi! Đừng bao giờ bén mảng đến nhà tao nữa.
- Vậy là ông cụ chịu chứ? - Vợ tôi hỏi.
- Chưa đâu. Phải lằng nhằng đến mấy tháng chị Xuyến mới chính thức được về hẳn bên nhà. Ông cụ ỷ thế họ to gây khó dễ nhưng khi anh Đọc ở đơn vị về thì mọi việc cũng xuôi. Cuối năm năm tư, chị Xuyến lấy anh Đọc. Hai người cưới nhau có đăng ký đàng hoàng. Phải nói chị Xuyến vừa đẹp người vừa có lòng nhân hậu và sự chịu đựng đến mức thánh thiện. Riêng cái đức bao dung của chị ấy làm tôi vô cùng cảm phục...
- Mình xử sự thế là phải lắm - Vợ tôi lẳng lặng gật đầu - Thế còn bác Đọc sau khi tổ chức đám cưới thì phục viên hay vẫn tại ngũ?
- Vẫn ở quân đội, chỉ thỉnh thoảng mới về thăm nhà. Nhưng mà số chị Xuyến cũng vẫn khổ. Anh Đọc đi B năm sáu mươi nhăm, chẳng có tin tức gì, đến năm bảy hai thì hy sinh ở mặt trận Quảng Trị, lúc ấy mới bốn mươi ba, là chính trị viên tiểu đoàn. Chị Xuyến không đi bước nữa, ở vậy nuôi hai con, vất vả lắm, nhưng sau này đứa nào cũng thành đạt. Thằng lớn hiện là tiến sĩ vật lý đang giảng dạy ở Đại học Bách khoa. Con em thì đâu như làm phóng viên của báo "Tia sáng".
- Chuyện hệ trọng thế mà mấy chục năm qua ông không nói với tôi một lời. - Vợ tôi lại trách.
- Không phải thế đâu - Tôi ngỏ ý xin lỗi bà Ngần - Quả thật trước đây có những lúc tôi chưa thật hiểu mình, nhắc đến chuyện cũ sợ không thông cảm...
- Mình coi thường tôi quá. - Vợ tôi tỏ vẻ giận, kéo chăn đến cổ nằm nhích hẳn vào phía trong, ngẫm nghĩ thế nào một lúc lại quay ra bảo. - "Trái tim phụ nữ vốn rất nhạy cảm nên mới chứa được cả nỗi đau nhân thế". Mình biết câu nói ấy của ai không? Đố biết đấy! Thôi, cố chợp mắt một lúc để sáng mai ta về quê cho kịp dự tang lễ.
đ.v.s
Sắp đến chương trình phim truyện. Theo thông lệ, Đài truyền hình Việt Nam phát mấy phút quảng cáo. Thằng cháu nội bảy tuổi đang ấm ức vì mục này kéo quá dài, sốt ruột, thì bất ngờ tôi đọc được mấy dòng cáo phó: "Gia đình vô cùng đau đớn báo tin, mẹ chúng tôi là bà Phạm Thị Xuyến, sinh năm 1932, quê quán tại xã... huyện... tỉnh Thái Bình, do mắc bệnh hiểm nghèo đã từ trần...".
Chuyện chị Xuyến từ bấy đến nay tôi chưa hề hé răng với vợ. Bây giờ chị ấy đã thành người thiên cổ, bà Ngần dù có đanh nọc đến mấy cũng chẳng còn đối tượng để ghen tuông. Và, biết đâu được, khi hiểu rõ ngọn ngành, ngày mai bà ấy lại cùng với tôi về làng? Vì thế, tôi quyết định kể... Năm năm mươi, tôi đang học tiểu học, gia đình bắt phải cưới vợ. Lúc ấy tôi mới mười hai tuổi, chỉ mải thả diều, bắt ve sầu, cởi truồng tắm sông, biết gì về chuyện vợ chồng. Thấy tôi không hào hứng lắm, ông bố bảo:
- Nhà mình mấy đời độc đinh, phải lo vợ cho mày để bố mẹ sớm có cháu bế.
Tôi lắc đầu:
- Con không lấy vợ đâu. Chúng nó cười chết.
- Cười hở mười cái răng. - Mẹ nhả miếng bã trầu, thêm vào. - Thằng Chu con ông Trương Hành kém mày một tuổi ở xóm Trại, người bé như hạt mít thế mà đã lấy cái Nhinh con bà Vạn cuối tháng trước.
- Con đã bảo không lấy vợ - Tôi dứt khoát phản đối. - Nếu cứ bắt ép là con bỏ nhà đi đấy.
- Thằng này láo, dám cãi lại người lớn. - Ông cụ quát. - Không lấy vợ thì nghỉ học, muốn đi đâu thì đi, tao không cấm.
Ông cụ vốn là người có máu gia trưởng, nóng tính lại dữ đòn. Mấy hôm sau, bà mẹ nói mãi vẫn không dỗ được tôi lấy vợ ông liền vơ tất cả sách vở quẳng ra sân rồi dứ dứ chiếc roi mây ra lệnh:
- Cá không ăn muối cá ươn. Mày định thi gan với tao phải không? Vào buồng ngay!
Cái roi mây của ông cụ thật đáng sợ nhưng sợ hơn cả vẫn là hình phạt bị nhốt vào buồng. Nghe bố quát, các chị tôi xanh mắt, lảng mỗi người một nơi. Tôi lấm lét nhìn quanh tính nước chuồn nhưng không kịp. Ông bố hình như đã đoán được ý nghĩ ấy bèn vung roi thị oai, quất cho ba nhát đau điếng rồi ấn vào buồng khóa cửa lại. Thế là tôi trở thành tù tại gia. Sang ngày thứ hai, không được ăn gì, tôi đói lắm. Nửa đêm chị Ngà đưa bát cơm qua cửa sổ. Vừa thò tay ra đỡ thì nghe đến vút một cái, tay tôi tê dại, bát cơm rơi xuống hè vỡ tan tành. Thì ra ông cụ đã rình sẵn quyết tâm chặn mọi đường tiếp tế để khuất phục tôi. Hôm sau chị Ngà bị trận đòn nhớ đời.
Ngày thứ ba, tôi đói quá không đứng vững nữa. Nhìn xung quanh cái gì cũng lốm đốm như hoa cà hoa cải. Người bủn rủn, chốc chốc lại toát mồ hôi. Nghĩ mình sắp chết đói đến nơi, mà chết ở tuổi mười hai thì phí quá, thế là đành phải đầu hàng không điều kiện. Người mà bố mẹ hỏi cho tôi là chị Xuyến con ông Hương Đậu bên làng Vẽ, năm ấy mười tám đẹp có tiếng trong vùng.
- Có chuyện như thế thật à? - Bà Ngần hình như bị nghẹt thở hỏi bằng giọng không được bình tĩnh lắm - Vậy mà mấy chục năm qua ông cứ im thin thít như thóc đổ bồ. Ngay cả chị Ngà, chị Ngái cũng không thèm nói với tôi một lời.
- Thì mình cứ từ từ để tôi kể, làm gì mà sồn sồn lên thế.
Vợ tôi hạ giọng chép miệng:
- Chắc là gia cảnh có chuyện éo le bà ấy mới chịu lấy ông, chứ vợ chồng như thế khác gì đôi đũa lệch.
- Mình nhận xét đúng đấy. Nhà tôi mấy đời nghèo rớt mồng tơi, quanh năm các cụ đi thiên hạ làm thuê, mỗi lúc về làng không dám ngẩng mặt lên. Đến đời ông cụ sinh ra tôi, bị cánh chức dịch chèn ép quá, không chịu được phải bỏ lên mạn ngược theo nghề sơn tràng. Mấy năm sau, làm ăn phát đạt, cụ về nhà tậu ruộng, mua trâu rồi mua luôn cả cái chức Lý Cựu để có một cái chỗ vai vế trên chiếu đình. Hồi còn ở Lạng Sơn, ông cụ học được môn thuốc chữa rắn độc cắn. Ông này một hôm đi rừng hái thuốc gặp con gấu ngựa ở Khe Hùm. Con gấu to quá mà trong tay ông ta chỉ có cây dao quắm thành ra đánh không lại bị nó tát cho, lăn xuống vực. Cũng may, hôm ấy bố tôi về bản Khuổi mua rượu cho cánh thợ xẻ. Trên đường đi, phát hiện ra, ông cụ tuột xuống vực dìu được ông lên đưa về nhà. Gia đình cảm động lắm, giữ lại chơi mấy ngày. Sau khi lành vết thương, ông già tặng bố tôi một nén vàng và truyền cho cả môn thuốc chữa rắn độc.
Dịp ấy hình như vào tháng bảy tháng tám ta, ông Hương Đậu bị rắn cạp nia cắn trong lúc đi ăn khao về. Rắn cạp nia sọc đen sọc trắng chỉ nhỏ bằng ngón tay cái nhưng nọc rất độc, độc hơn cả rắn hổ mang. Bị loài này cắn, sau mấy giờ đồng hồ, nếu không chữa kịp thời thì cái chết cầm chắc trong tay. Lúc đầu ông Hương nghĩ là rắn mòng, thấy buốt cũng chẳng để ý. Về đến nhà, ra cầu ao rửa chân, vết thương ngấm nước sưng tấy lên, ông phải vất vả lắm mới lê được vào giường nằm rên hừ hừ. Cả nhà rối rít chạy tìm thầy. Xế trưa, mấy ông lang quanh vùng được mời đến nhìn thấy vết thương tím bầm, bệnh nhân nằm thiêm thiếp, thở khò khè, vị nào cũng lắc đầu. Tầm chiều, chị Ngái cắt cỏ về bảo với ông cụ:
- Con nghe bên làng Vẽ có người bị rắn cạp nia cắn sắp chết. Các thầy thuốc đều chịu cả. Từ trước đến nay thầy ít chữa nên bà con không biết. Hay là thầy sang bên ấy xem sao, may ra cứu được.
- Ai thế con? - ông cụ hỏi.
- Dạ, hình như ông Hương Đậu.
- Nhà ông ấy thì thầy có biết... Thôi được để tao đi kiếm ít lá.
Thế là ông cụ vào nhà lấy gói thuốc bột giắt lên vành khăn xếp rồi xắn quần tất tả chạy đi.
Ông cụ đến nơi thì ông Hương đã nằm bất tỉnh nhưng mắt vẫn còn phản ứng và tay chưa đến nỗi bắt chuồn chuồn. Môn thuốc gia truyền quả là công hiệu. Chỉ một liều uống và một liều đắp vào chân, đến đêm ông Hương đã tỉnh lại, vết sưng xẹp dần, sang ngày hôm sau thì ngồi dậy được. Chưa đầy nửa tuần trăng, ông Hương đã chống gậy cùng với vợ sang nhà tạ ơn. Đầu tiên ông ấy đặt lễ lên bàn thờ, thắp hương vái các cụ rồi quay ra sụp xuống lạy ông cụ nhà mình ba lạy. Ông cụ vội đỡ ông Hương dậy giọng bối rối:
- ấy chết, sao ông lại làm thế.
- Thưa ông, ơn cứu mạng của ông như trời biển không biết lấy gì báo được. Hôm nay, tôi cùng bà nó sang đây là có câu chuyện muốn thưa...
- Mời ông bà ngồi xơi nước. Việc trị bệnh cứu người là trách nhiệm của thầy thuốc, ông bà không nên cả nghĩ.
- Là thế này ạ - Ông Hương khẽ khàng nói. - Nhà ta có cậu quý tử sắp đỗ xéc phi ca. Vợ chồng tôi chỉ sinh được mình cháu Xuyến là gái, tuy còn vụng về đường ăn nết ở nhưng cũng mạo muội gửi cậu Khóa làm người nâng khăn sửa túi để đền đáp một phần ơn cứu tử của ông bà.
Lời nói của vợ chồng ông Hương trúng ý bố tôi. Từ lâu ông cụ đã có ý định chọn vợ cho tôi nhưng chưa tìm được đám nào vừa ý. Ông cụ mừng như vớ được của tuy vẫn làm ra vẻ nhún nhường:
- Ông bà có lòng thương chúng tôi xin đa tạ, nhưng cháu nó còn đang học sợ đa mang chuyện thê nhi ảnh hưởng đến sự nghiệp.
- Tôi có lời thế này - Ông Hương vẫn từ tốn nói - Việc nào ra việc ấy. Con Xuyến nhà tôi năm nay tròn mười tám, cậu Khóa mười hai, kể về tuổi có chênh lệch tý chút nhưng tôi đã nhờ người xem tử vi, ngày sinh tháng đẻ rất hợp nhau. Hơn nữa cậu Luân sắp đi học trường tỉnh. Cô Ngà, cô Ngái rồi ra cũng xuất giá làm dâu con người ta. ở nhà chỉ còn cô út, ông bà cũng phải có nàng dâu gánh vác việc gia đình phải không ạ?
Nghe ông Hương rỉ rả phân tích, bố tôi lọt tai, thích lắm. Thế là ngay chiều hôm ấy hai gia đình ra tuyên bố bắt tôi phải chấp hành "nghị quyết" cưới vợ.
Đám cưới được ấn định vào cuối tháng hai âm lịch. Lúc ấy tôi đang chuẩn bị thi bằng tiểu học. Thực tình, đến lúc ấy tôi chẳng có khái niệm gì về chuyện vợ chồng. Làng Báng từ bao đời nay, mười thằng con trai thì có đến năm, sáu thằng lấy vợ trước tuổi mười bốn, thậm chí có đứa còn thò lò mũi xanh, bố mẹ đã rước nàng dâu về. Thỉnh thoảng có cặp vợ cõng chồng, dỗ chồng cứ như là chị cõng em, thế mà vẫn đẻ một đống con, ở với nhau suốt đời. Thôi thì cái lệ làng nó vậy, một mình không chống lại được, đành chấp nhận.
Đến hôm cưới tôi mới nhìn rõ mặt chị Xuyến. Người làng nói không ngoa. Chị ấy đẹp lắm, mặt trái xoan, răng đen bóng, môi đỏ như son, da trắng mịn lại thắt đáy lưng ong. Đứng cạnh nhau, tôi chỉ cao đến ngực chị ấy. Lúc sang đón dâu tôi nhác thấy chị Xuyến buồn lắm. Lấy chồng chỉ cách nhà một cánh bãi mà chị ấy làm như là các thiếu nữ ngày xưa phải vượt trùng khơi đi cống rợ Hồ. Chị ấy trải chiếu hoa cạp điều ở gian chính giữa, mời bố mẹ ngồi lên rồi gạt nước mắt, sụp xuống lạy ba lạy. Bà mẹ thương con lắm, mắt đỏ hoe ngậm ngùi bảo:
- Con về làm dâu bên ấy nên ăn ở cho phải đạo đừng để bố mẹ chồng chê trách. Mẹ biết lòng con không được thanh thản nhưng đây là cái ơn cái nghĩa, đừng phụ công lao dưỡng dục của cha mẹ.
Trên đường về tôi ngẫm nghĩ, thế là chị ấy đã sang sông, coi như bỏ phí một đời thiếu nữ. Cách đấy dăm hôm, tôi nghe mấy người đi chợ Cháy bảo chị Xuyến phải lòng anh Đọc ở xóm Cầu Đá. Anh Đọc làm nghề đâm ba ba ở sông Yên. Ông Hương chê nghèo không gả. Vào hôm tổ chức đám cưới của tôi anh Đọc bỏ làng ra đi.
Hãi nhất là ngay tối hôm ấy, khi khách khứa ra về, mọi công việc dọn dẹp đã xong, mẹ ấn tôi với chị Xuyến vào buồng rồi chốt cửa lại. Tôi vừa khóc vừa đấm cửa ầm ầm đòi ra. Gào mãi không ăn thua gì, mệt quá, tôi ngồi bệt xuống đất thiu thiu ngủ. Sáng ra, khi thức dậy tôi thấy mình đang nằm trên giường còn chị ấy trải chiếu ngủ dưới đất, gương mặt mệt mỏi với cặp mắt thâm quầng. Tôi vừa ngồi dậy chị ấy bảo:
- Tối qua nhà khóc nhiều quá, ngủ thiếp đi, tôi phải bế lên giường. Thôi ra rửa mặt ăn cơm rồi còn đi học.
- ứ ừ! Chẳng đi học nữa đâu.
- Kìa, sao lại thế? Nhà không đi học thầy sẽ đánh đòn.
- Đi ra ngoài bọn trẻ nó ê xấu hổ lắm.
- Hay là để tôi đưa đi...
- Không được! - Tôi quắc mắt. - Chị về nhà chị đi.
Chị Xuyến không một chút bối rối, lấy tay vuốt tóc tôi như là vuốt tóc một đứa trẻ con rồi nhẹ nhàng bảo:
- Tôi đã phải về làm dâu thầy u. Từ nay trở đi nhà này cũng là nhà của tôi. Đó là cái lẽ ở đời. Nếu sau này, khi đã trưởng thành, nhà nghĩ ra, giữa chúng ta không có duyên phận, lúc ấy nhà đuổi tôi sẽ đi.
- Vì sao chị lại ở nhà tôi lâu thế? - Tôi ngớ ngẩn hỏi lại. - Những bốn năm nữa cơ mà?
- Lũ chúng tôi, trời sinh ra làm phận gái phải tòng quyền nhà ạ. - Chị ấy dịu dàng nhìn tôi nói bằng giọng trầm trầm thoáng buồn. - Ông Lý đã cứu mạng sống thầy tôi cho nên, phận làm con tôi phải thay gia đình đáp nghĩa...
- Tôi nghe người làng bảo chị phải lòng anh Đọc cơ mà, sao chị không lấy anh ấy?
- Không được nói như thế. Thầy u nghe thấy là rất phiền - Chị Xuyến khẽ bảo. - Nhà còn ít tuổi, phải cố gắng học hành để mai đây thành người có trí lực. Lúc ấy nhà đã lớn, hiểu lẽ đời tôi sẽ xin cho về bên kia. Còn chuyện nhân duyên có phải muốn là được đâu. Người ta vẫn chờ đấy nhưng ván đã đóng thuyền chỉ biết ngậm ngùi nhớ nhau trong lòng thôi...
Mình nên hiểu rằng vào những năm năm mươi ấy, rất nhiều nơi ở nông thôn miền bắc còn chịu ảnh hưởng nặng nề tàn dư của chế độ thực dân, phong kiến. Chuyện tảo hôn chỉ là một trong những hủ tục ấy thôi. Đến lớp, bạn bè tìm đủ cách chọc ghẹo, may mà tôi học trội hơn hẳn nên chúng còn nể đôi chút. Một lần, trên đường về, bọn làng Thị xúm nhau vào đồng thanh réo:
Bồng bồng cõng chồng đi chơi
Đi đến chỗ lội thì rơi mất chồng
Ai ơi cho Xuyến mượn chiếc gầu sòng
Xuyến tát, Xuyến té cho chồng
là thằng... Luân ngoi lên.
Nghe lần đầu còn cho qua, lần thứ hai là đã ngứa ngáy, lần thứ ba thì không thể chịu được nữa, tôi bèn húc đầu vào bụng thằng Xước Rỗ làm nó ngã ngửa ra đè lên đống phân trâu. Thế là chúng túm lấy tôi đấm túi bụi vào đầu vào mặt rồi ù té chạy. Tôi uất quá vừa thất thểu về nhà vừa khóc. Đến sân, vừa nhìn thấy ông bố, tôi quẳng cặp sách đến bịch một cái xuống đất rồi càu nhàu:
- Từ mai tôi đếch thèm đi học nữa...
Ông cụ trợn mắt quát:
- Lại đánh nhau với đứa nào hả?
- Ai bảo bố bắt lấy vợ, đến trường chúng nó xúm vào trêu, nhục lắm.
- A, thằng này láo! Mày định cãi lại tao đấy à?
- Người lớn gì mà xui trẻ con lấy vợ để cả làng chửi.
Ông bố tức lắm, những thớ thịt trên khóe miệng giật giật, đôi môi run run không nói được thành lời. Ông ấy đảo mắt nhìn lên mái nhà, có lẽ là tìm cây roi mây... Chỉ có chị Xuyến là bình tĩnh hơn cả. Trước tiên, chị ấy nhặt cặp sách, sau đó kéo tôi ra giếng múc nước rửa chân tay, xong việc gọi tôi vào buồng hỏi:
- Hôm nay những đứa nào trêu nhà?
- Bọn thằng Xước, thằng Quai làng Thị.
- Được rồi, để tôi nói với thầy mai đến gặp ông đốc trường. - Chị Xuyến an ủi - Chúng nó nói kệ nó, nói mãi mỏi mồm cũng chán. Nhà còn bé không đánh lại được bọn làng Thị đâu.
- Thế chị bảo phải làm thế nào? - Tôi vẫn còn ấm ức vì trận đòn, chỉ muốn học vài miếng võ để trị bọn kia cho hả giận.
- Nhà hãy nghe tôi - Chị Xuyến lại bảo - Chỉ hơn tháng nữa là đỗ xéc phi ca, nhà sẽ lên học trường tỉnh. ở đấy cách biệt hẳn với lũ học trò trường huyện chẳng ai biết chuyện cả. Hằng tháng tôi sẽ mang gạo và tiền lên, không phải về thường xuyên nữa.
Tôi nghe chị. Mọi việc rồi cũng ổn. Tốt nghiệp tiểu học xong, lấy cớ là phải ôn thi vào trung học đệ nhất cấp, tôi bắt bố mẹ phải cho lên tỉnh trọ ở nhà một ông ký nhà băng trước đây có quen biết với gia đình. Cả nhà biết thừa tôi giở quẻ chê vợ nhưng lúc ấy ông cụ, bà cụ đều nghĩ, việc học là trọng, còn vợ chồng đã cưới xin hẳn hoi rồi cứ để khuyên giải, bảo ban dần dần thế nào tôi cũng nghe ra, vì thế, đành phải cho tôi đi sớm hơn dự định.
Trước khi ra tỉnh tôi hỏi chị Xuyến:
- Chị biết anh Đọc đi đâu không?
- Nghe nói anh ấy vào Việt Minh.
- Nếu chị biết chỗ tôi sẽ viết cho anh ấy mấy chữ.
- Nhà đừng viết - Chị Xuyến xua tay nhếch nụ cười buồn - Anh ấy là dân lực điền có học bao giờ đâu mà đọc được thư.
- ừ nhỉ - Tôi ngẩn người ra một lúc rồi dặn - Lúc nào anh Đọc về chị cho biết để tôi nói với anh ấy một lời...
- Đừng. Thầy u mà biết thì lôi thôi.
- Tôi chả sợ - Khi ấy tôi đã coi chị Xuyến thân thiết như các chị gái mình nên rất ái ngại cho hoàn cảnh của chị - Vì tôi thương chị. Tôi hận thầy tôi, hận cả ông Hương Đậu nữa...
Chị Xuyến lẳng lặng nhìn tôi rất lâu, mắt rưng rưng như là sắp khóc. Từ đấy, cứ đều đặn tháng một lần chị Xuyến mang tiền gạo lên tiếp tế cho tôi. Chị cho mọi thứ vào quang thúng, đi bộ, mùa đông chẳng giày dép gì, gót chân bị nứt ra, rỉ máu, trông tội lắm. Lần nào ra tỉnh chị cũng mua quà. Bà ký nhìn thấy chị chăm sóc tôi chu đáo như thế cứ nghĩ là chị ruột.
Hôm ấy vào dịp tháng chín ta, tôi về nhà lấy chứng thực của lý trưởng vào bản sao giấy khai sinh, chị Xuyến bố trí cho tôi gặp anh Đọc ở Cồn Dâu. Tôi hỏi:
- Anh tức tôi mà đi Việt Minh à?
Anh Đọc cười nhạt bảo:
- Cậu đã học đến trung học đệ nhất cấp mà ăn nói hồ đồ. Đánh giặc cứu nước là trách nhiệm của kẻ làm trai, đâu phải vì chuyện thất tình mà đem sinh mệnh ra làm trò đùa với hòn tên mũi đạn.
Thấy tôi có vẽ lúng túng anh hỏi:
- Cô Xuyến bảo cậu có chuyện muốn gặp tôi?
- Chị Xuyến là người tốt, đáng tuổi chị cả tôi, chỉ tại hai gia đình ép gả khiến chị ấy phải khổ, mà tôi cũng bị bạn bè chửi. Tôi nói thật lòng, nếu có thể được, anh đưa chị ấy trốn sang bên kia sông mà sống với nhau. Bên ấy là vùng Việt Minh thầy tôi không làm gì được đâu.
- Cảm ơn! - Anh Đọc thở mạnh như người vừa trút được gánh nặng trên vai. - Tôi chỉ muốn biết rõ ý của cậu thôi, còn bây giờ Xuyến chưa thể đi được.
Tối hôm ấy tôi lấy cớ là nóng nằm ở tấm phản gian giữa. Bà mẹ vốn sốt ruột vì chưa có cháu bồng lôi vào buồng, giọng khẽ rít lên:
- Này, đừng có giở chứng, bố mày mà nóng lên thì đừng trách.
Khi cửa buồng đã bị khóa, tiếng chân bà cụ xa dần chị Xuyến mới thì thầm:
- Nhà lên giường nằm để tôi rải chiếu xuống dưới này.
- Không, chị ở trên ấy. Tôi nằm đất cho mát.
Nhưng chị không chịu, tôi đành phải nhượng bộ. Và mình có biết không, suốt từ ngày "cưới" đến những dịp nghỉ hè, năm nào cũng như năm nào, tôi và chị ấy đều thực hiện cái chiến thuật xem ra có vẻ hạ sách ấy mà cả bố lẫn mẹ đều không phát hiện được.
- Còn mùa đông? Chẳng hạn những ngày nghỉ Tết Nguyên đán hai người xử sự thế nào? Hay là lúc ấy... nằm chung?
- Nếu vậy thì đã chẳng có chuyện tôi kể cho mình nghe hôm nay - Tôi chép miệng bảo - Khổ nỗi chỉ có một cái chăn mà trời lại mưa dầm gió bấc. Hai chị em ngồi thu lu mỗi người một góc giường, răng đánh vào nhau lập cập. Thấy tôi buồn ngủ díp mắt, chị Xuyến dỗ:
- Nhà nằm xuống đắp chăn vào. Tôi quấn mấy cái chiếu ngủ tạm cũng được. Tôi thương chị ấy lắm nhưng chẳng biết làm thế nào liền nói dỗi:
- Ngủ dưới đất không có chăn ngày mai chị ốm mất. Chị không thương tôi à?
- Tôi thương, nhưng bảo nhà phải nghe vì nhà còn phải giữ gìn sức khỏe để đi học.
- Có lẽ bọn tôi nói hơi to nên bà cụ ở gian buồng ngoài nghe được. Bà cựa mình giọng ngái ngủ:
- Khuya rồi. Vợ chồng ngủ đi, có chuyện gì để mai.
Đêm ấy rét lắm. Nằm chăn bông mà còn run cầm cập huống hồ chỉ có hai tấm chiếu. Gần sáng, tôi bật lửa châm vào ngọn đèn nhỏ dưới gầm hòm rồi lấy chiếc áo khoác mỏng rón rén lại gần đắp cho chị ấy.
- Tôi dám chắc lúc ấy chị Xuyến chưa ngủ.
- Tôi cũng nghĩ như thế. - Tôi thở dài bảo vợ. - Thật tội nghiệp cho những người phụ nữ nông thôn rơi vào hoàn cảnh như chị Xuyến.
Bà Ngần ngẫm nghĩ một lúc rồi hỏi:
- Rồi sau thế nào? ý tôi muốn nói là, sau đó anh Đọc có về đón chị Xuyến không?
- Chuyện không đơn giản như mình nghĩ đâu. Anh Đọc bấy giờ được điều sang quân chủ lực phải đi chiến đấu xa, ít có dịp về làng. Còn chị Xuyến vẫn không muốn bỏ nhà trốn đi. Chị ấy là người có hiếu với bố mẹ, làm thế thì vợ chồng ông Hương Đậu còn mặt mũi nào nhìn thấy ông cụ bà cụ nhà ta cũng như hàng xóm láng giềng. Lệ làng là một chuyện nhưng cái ơn cứu mạng mới chính là lý do làm chị Xuyến không thể bỏ nhà chồng theo anh Đọc. Chị ấy cứ sống âm thầm, cô đơn và tủi hận như thế cho đến ngày ký Hiệp định Đình chiến tháng bảy năm năm tư. Hòa bình lập lại, chính quyền mới bãi bỏ toàn bộ những đồi phong bại tục cũng như chính sách bất công của chế độ thực dân phong kiến. Trường trung học tạm thời đóng cửa. Tôi về nhà tuyên bố trước toàn thể gia đình:
- Từ ngày mai bố mẹ để chị Xuyến về bên nhà. Ông cụ tức điên lên, quen thói gia trưởng, rút ngay chiếc roi mây trên mái nhà xuống hằm hằm quát:
- Mày có câm đi không! Tao lấy vợ cho mày có cưới cheo hẳn hoi, thế mà mày lại...
- Thầy đánh thì con chịu nhưng con xin nói thật, nhà ta cưới chị Xuyến về làm người ở không công chứ đâu phải con dâu. Từ lâu rồi con coi chị Xuyến như chị gái và đã hứa giải phóng cho chị ấy ngay lúc mới đặt chân đến nhà ta cơ.
Bố chắc là uất lắm, mặt nặng như chì, quát đến lạc cả giọng:
- Cho mày ăn học tốn bao nhiêu tiền của giờ về cãi tao phải không? Đồ bất mục.
Tôi không nhịn được nữa đành phải nói thẳng:
- Đất nước độc lập rồi, mọi việc không còn như thời phong kiến đế quốc nữa. Giữa con và chị Xuyến từ bao năm nay chưa bao giờ là vợ chồng. Thày u cứ cố tình ngăn cản là con sẽ đề nghị với chính quyền xã...
- Mày...mày dám...
Ông cụ nghiến răng trèo trẹo vung roi quất túi bụi vào vai, vào lưng, đau lắm nhưng tôi chẳng thèm tránh đòn. Giữa lúc ấy, chị Xuyến đi làm về, vội chạy đến chắp tay:
- Con xin thầy...
- Cút mẹ chúng mày đi! Đừng bao giờ bén mảng đến nhà tao nữa.
- Vậy là ông cụ chịu chứ? - Vợ tôi hỏi.
- Chưa đâu. Phải lằng nhằng đến mấy tháng chị Xuyến mới chính thức được về hẳn bên nhà. Ông cụ ỷ thế họ to gây khó dễ nhưng khi anh Đọc ở đơn vị về thì mọi việc cũng xuôi. Cuối năm năm tư, chị Xuyến lấy anh Đọc. Hai người cưới nhau có đăng ký đàng hoàng. Phải nói chị Xuyến vừa đẹp người vừa có lòng nhân hậu và sự chịu đựng đến mức thánh thiện. Riêng cái đức bao dung của chị ấy làm tôi vô cùng cảm phục...
- Mình xử sự thế là phải lắm - Vợ tôi lẳng lặng gật đầu - Thế còn bác Đọc sau khi tổ chức đám cưới thì phục viên hay vẫn tại ngũ?
- Vẫn ở quân đội, chỉ thỉnh thoảng mới về thăm nhà. Nhưng mà số chị Xuyến cũng vẫn khổ. Anh Đọc đi B năm sáu mươi nhăm, chẳng có tin tức gì, đến năm bảy hai thì hy sinh ở mặt trận Quảng Trị, lúc ấy mới bốn mươi ba, là chính trị viên tiểu đoàn. Chị Xuyến không đi bước nữa, ở vậy nuôi hai con, vất vả lắm, nhưng sau này đứa nào cũng thành đạt. Thằng lớn hiện là tiến sĩ vật lý đang giảng dạy ở Đại học Bách khoa. Con em thì đâu như làm phóng viên của báo "Tia sáng".
- Chuyện hệ trọng thế mà mấy chục năm qua ông không nói với tôi một lời. - Vợ tôi lại trách.
- Không phải thế đâu - Tôi ngỏ ý xin lỗi bà Ngần - Quả thật trước đây có những lúc tôi chưa thật hiểu mình, nhắc đến chuyện cũ sợ không thông cảm...
- Mình coi thường tôi quá. - Vợ tôi tỏ vẻ giận, kéo chăn đến cổ nằm nhích hẳn vào phía trong, ngẫm nghĩ thế nào một lúc lại quay ra bảo. - "Trái tim phụ nữ vốn rất nhạy cảm nên mới chứa được cả nỗi đau nhân thế". Mình biết câu nói ấy của ai không? Đố biết đấy! Thôi, cố chợp mắt một lúc để sáng mai ta về quê cho kịp dự tang lễ.
đ.v.s