Phong thủy bảo địa
Tác giả: Đào Thế Quỳnh
Thiên địa vạn vật đều phân thành âm dương. Nam là dương, nữ là âm, sơn là dương, thủy là âm. Mảnh đất đó là đất âm. Nơi hai dòng suối giao nhau là chỗ ngưng tụ âm khí. Vì thế ta chọn là chọn cho ông. Ông thuộc về dương, mệnh lại lớn, dương khí trọng. Ông trăm tuổi mai táng ở đấy, âm dương hòa hợp thì đất ấy mới có linh khí. Còn như chôn cất đàn bà, âm khí trùng hợp, tụ hội lại sẽ thành sát khí, con cháu chẳng những không thịnh vượng, mà ngược lại, như tuyết đổ thêm sương, cả người lẫn của nhất định bị suy kiệt.
Long Khê là một thị trấn nhỏ miền núi, nhưng lại là quê hương cả một loại miến nổi tiếng gần xa, được coi là đặc sản của địa phương. Ngô Cát Thủy là người lập ra xưởng sản xuất loại miến đó theo phương pháp cổ truyền, sản phẩm được người tiêu dùng đặc biệt ưa chuộng, hoan nghênh, được mệnh danh là “Vua Miến”.
Hôm đó, Ngô Cát Thủy mời nhân viên thu mua của Hợp tác xã cung tiêu huyện đến quán Tứ Quý Hương, quán cơm lớn nhất thị trấn, dùng cơm trưa. Ngô Cát Thủy vốn là khách thường xuyên của Tứ Quý Hương, bao giờ cũng dùng cơm ở phòng chính, nhưng hôm nay thì không thể. “Phòng chính đã có Lưu Trường Canh đặt chỗ rồi!”, ông chủ quán thông báo. Thì ra hôm nay, Lưu Trường Canh mời Cục trưởng Uông ở Cục Quốc thổ, Cục trưởng Lý ở Cục Giao thông và Chủ tịch thị trấn Long Khê dùng cơm tại đây.
Vậy Lưu Trường Canh là ai? Chính là đối thủ cạnh tranh việc sản xuất kinh doanh miến của Ngô Cát Thủy. Năm ngoái, Lưu Trường Canh lập ra cơ sở sản xuất, treo biển “Xưởng miến Long Khê”. Ông ta có văn hóa, giỏi kinh doanh, không dùng lạt buộc miến thành bó theo kiểu cũ mà dùng các loại túi nilon to nhỏ khác nhau đựng miến, bên ngoài in hoa màu sắc sặc sỡ. Vì thế sản phẩm của họ Lưu tiêu thụ rất nhanh, làm giảm đáng kể thị phần của miến Ngô Cát Thủy.
Hôm nay phòng ăn chính của Tứ Quý Hương bị Lưu Trường Canh chiếm chỗ làm cho Ngô Cát Thủy cụt hứng, đành mời khách ngồi tạm ở chiếc bàn vuông phòng ngoài. Trong khi ăn uống, Ngô Cát Thủy nghe được chuyện quan trọng từ phòng chính vọng ra. Mấy vị lãnh đạo chủ chốt các ngành của huyện hôm nay về đây là vì việc cải tạo và nâng cấp con đường từ huyện lị tới thị trấn Long Khê.
Giọng Lưu Trường Canh oang oang trong tiếng ồn ào, ly cốc chạm nhau, cứ như đấm vào tai Ngô Cát Thủy. Lưu Trường Canh liên tục mời các vị lãnh đạo cạn ly, lại oang oang rằng: “Tôi đại diện cho giới kinh doanh của thị trấn xin hứa sẵn sàng hỗ trợ tài chính cho việc cải tạo con đường!”. Ngô Cát Thủy tức lắm, lầm bầm chửi: “Mẹ kiếp! Đồ bọ hung đội hoa, rõ thối!”. Đúng vào lúc đó, người được gọi là Uông Cục trưởng lên tiếng khiến Ngô Cát Thủy hết sức chú ý: “Tại sao ở đây người ta không thông chuyện hỏa táng nhỉ? Trên đất canh tác ở vùng này, hàng năm có thêm bao nhiêu là ngôi mộ mới! Lại còn chuyện xí phần cho người sống nữa, có khác gì bọn địa chủ ngày trước? Thử hỏi người sống có cần ăn cơm không hả? Thế hệ con cháu chúng ta lấy đất đâu mà cày cấy? Chuyện này tôi sẽ thỉnh thị ý kiến lãnh đạo huyện, lập tức ra chỉ thị, trong vòng một tháng phải xóa bỏ hết các phần mộ của người còn sống ở đây mới được, không quyết liệt là không xong!”.
Câu nói ấy như một luồng gió lạnh thổi thốc vào đầu Ngô Cát Thủy. Ông ta vội chia tay với anh nhân viên thu mua. Số là, dù mới 50 tuổi, Ngô Cát Thủy đã chuẩn bị sẵn cho mình một “âm trạch” (nhà của người âm). Âm trạch ccủa họ Ngô là mảnh đất “phong thủy bảo địa” mua mất 2.000 tệ, mời cả thầy địa lý nổi tiếng nhất vùng là Thiết Toán Bàn dò tìm long mạch! Thiết Toán Bàn xuất thân con nhà thầy Địa, danh xưng Thiết Toán Bàn chẳng những vì ông ta họ Thiết, mà còn vì khi tìm đất cho người chết, lúc xem giờ mai táng, ông thầy Địa này đều dùng một chiếc bàn tính bằng sắt để tính toán, nghe nói, ông ta đoán cát hung họa phúc chính xác lắm, cấm có sai bao giờ! Để tìm âm trạch cho Ngô Cát Thủy, Thiết Toán Bàn đã đi khắp vùng sông núi xung quanh thị trấn, cuối cùng mới tìm được một mỏm núi nhỏ nơi có hai dòng suối giao nhau.
Ông ta nói với Ngô Cát Thủy rằng đấy là đất “nhị long củng bảo” (hai con rồng chầu báu vật). Đây là đất trồng cây ăn quả của nhà họ Trương, Ngô Cát Thủy phải thương lượng mãi, bỏ ra những 5.000 tệ mua đất và dựng bia bằng đá xanh chạm khắc rồng phượng ra vẻ là nghĩa trang của một ông chủ đang ăn nên làm ra. Trên tấm bia Ngô Cát Thủy còn cho khắc hình quả đào để mọi người nhận biết đây là phần mộ của người đang sống. Ông ta ký thác vào đó tất cả hy vọng của dòng họ, cháu con… Vì vậy, hôm nay nghe Cục trưởng Cục Quốc thổ nói, lòng dạ Ngô Cát Thủy rất đỗi hoang mang. Làm sao để giữ cho được mảnh “phong thủy bảo địa” này? Ngô Cát Thủy nghĩ mãi, chợt nhớ ra câu chuyện thời Tây Hán mà trước đây Thiết Toán Bàn đã kể cho ông nghe. Chuyện rằng, Hàn Tín đã tìm cho mẹ mình mảnh “phong thủy bảo địa”, quả nhiên về sau ông được phong chức Hoài âm hầu. Ngô Cát Thủy nghĩ ngay đến mẹ mình đang ốm nặng, vừa truyền dịch vừa phải thở ôxy, nếu lúc này bà nhắm mắt, mai táng vào đất đó thì tốt biết mấy! Dù sao, trên bảy mươi tuổi rồi, cũng coi là phúc thọ song toàn. Nghĩ đến đây, Ngô Cát Thủy chợt đấm vào đầu mình: “Ôi trời! Ta làm thế có phải là bất hiếu không?”.
Trở về nhà, nhìn lên tường, Ngô Cát Thủy thấy bức ảnh của cha, liền nảy ra ý định mới. Ông quỳ trước bức ảnh lẩm nhẩm trình với cha những điều vừa nghĩ. Đoạn Ngô Cát Thủy xé hai mảnh giấy, một mảnh viết “được”, một mảnh viết “không”, vo tròn, thả xuống bàn. Ông cầu khấn cha mình chứng giám, phù hộ rồi mở một viên giấy ra, là chữ “được”. Thế là Ngô Cát Thủy hạ quyết tâm luôn!
Hôm sau, Ngô Cát Thủy cho người đi mời Thiết Toán Bàn, nói là có việc cần kíp lắm. Bụng nghĩ, chờ Thiết Toán Bàn đến sẽ rút ống thở của mẹ, sau đó cho mai táng ngay. Nhưng đợi những bốn ngày Thiết Toán Bàn mới tới. Ngô Cát Thủy ấp úng nói với ông ta rằng, mẹ mình đang hấp hối, phải tính chuyện hậu sự ngay, sẽ mai táng ở mảnh đất “nhị long củng bảo” kia. Thiết Toán Bàn thoạt nghe đã lắc đầu quầy quậy: “Không được! Không được!”. Ngô Cát Thủy hỏi tại sao, ông thầy địa lý chậm rãi giải thích đạo lý như sau:
“Thiên địa vạn vật đều phân thành âm dương. Nam là dương, nữ là âm, sơn là dương, thủy là âm. Mảnh đất đó là đất âm. Nơi hai dòng suối giao nhau là chỗ ngưng tụ âm khí. Vì thế ta chọn là chọn cho ông. Ông thuộc về dương, mệnh lại lớn, dương khí trọng. Ông trăm tuổi mai táng ở đấy, âm dương hòa hợp thì đất ấy mới có linh khí. Còn như chôn cất đàn bà, âm khí trùng hợp, tụ hội lại sẽ thành sát khí, con cháu chẳng những không thịnh vượng, mà ngược lại, như tuyết đổ thêm sương, cả người lẫn của nhất định bị suy kiệt. Sách từng viết rằng “Âm dương điều hợp hỷ phùng xuân/ Lục diệp phồn hoa vạn vật sinh/ Âm khí trung trùng tam cửa hậu/ Chân long địa biến sát nhân khanh” (Đại ý: Âm dương hòa hợp thì vui mừng như gặp mùa xuân, hoa lá vạn vật xanh tươi, còn âm khí mà trùng hợp tích tụ lại thì mảnh đất thiêng sẽ thành mảnh đất giết người). Đến lúc đó sự nghiệp của Thiết Toán Bàn ta bị tiêu tan, đó là chuyện nhỏ, việc làm hại cả con cháu hậu thế của ông mới chính là điều mà lương tâm ta không sao chịu nổi!”.
Đây chỉ là những lời nói dối, song Ngô Cát Thủy như bị giội gáo nước lạnh vào đầu. Ông ta vội vàng thuật lại lời Cục trưởng Uông cho Thiết Toán Bàn nghe. Thiết Toán Bàn im lặng hồi lâu mới lên tiếng: “Lời nói trên chiếu rượu hà tất đã là sự thực, dù sao cũng không thể không đề phòng. Ta khuyên ông tạm thời hãy giả vờ ốm để nghe ngóng động tĩnh xem sao. Nếu như tờ công văn kia không đến, thì là vô sự rồi. Còn nếu có công văn thật, người nhà ông cứ bảo ông đang nguy kịch lắm, làm như đang lo việc hậu sự, đồng thời trình báo với lãnh đạo địa phương và kéo dài việc giải tỏa nghĩa địa gia đình một thời gian nữa. Chẳng phải đã có bao nhiêu chuyện lúc đầu như nước sôi lửa bỏng, song chỉ cần khôn khéo tránh gió, dần dà cũng qua đi, chẳng còn ai truy cứu nữa đó sao?”.
Thực tình lúc này Ngô Cát Thủy cũng chẳng nghĩ ra được cách gì khác, đành cứ thế mà theo. Ông giả ốm, cố ý bắn tin cho hàng xóm rằng bệnh tình vô cùng trầm trọng rồi đi bệnh viện luôn. Bệnh viện biết họ Ngô là người giàu có nên vừa cho nhập viện vừa cho dùng toàn thuốc tốt, chẳng cần biết có bệnh hay không! Trong thời gian này xưởng sản xuất miến của Ngô Cát Thủy gặp khó khăn, lúng túng cứ như rắn mất đầu, chẳng ai chịu ai. Số thợ giỏi có kinh nghiệm bị Lưu Trường Canh dụ dỗ hứa trả lương cao lần lượt về với xưởng ông ta hết. Công nhân cũng tự động bỏ việc, sản xuất đình đốn. Số nguyên liệu lưu kho dần dần hư hỏng cả, khách hàng rút hợp đồng, rút luôn tiền đặt cọc. Tất cả những chuyện đó khiến ông Ngô cực kỳ lo lắng. Và ông đổ bệnh thật!
Điều khiến cho Ngô Cát Thủy càng sốt ruột hơn là, không chờ công văn như Cục trưởng Uông nói, người ta bắt đầu cho xây trụ cầu bắc qua mỏm núi nơi có mảnh đất “nhị long củng bảo” của ông.
Sản xuất đình đốn, thương hiệu “Vua Miến” cũng bị mai một dần. Ngô Cát Thủy không thể không xuất viện! Trong khi đó việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của Lưu Trường Canh ngày càng phát đạt làm cho họ Ngô càng tức giận. Trong thời gian Ngô Cát Thủy không ốm mà cứ phải nằm viện, họ Lưu cho in nhãn hiệu “Rồng Vàng” trên bao bì sản phẩm của mình và in luôn dòng chữ đỏ chói “Chính tông Vua Miến, đặc sản nổi tiếng Long Khê” bên dưới.
Hôm nay, Ngô Cát Thủy lầm lũi tới quán Tứ Quý Hương uống rượu giải sầu. Ông không còn hào hứng và tự tin vào phòng chính nữa, chỉ ngồi ở phòng ngoài, gọi đĩa thịt thủ và xị rượu đế, tự rót tự uống. Hốt nhiên, từ trong phòng ăn chính lọt ra tiếng hai người đang nói chuyện, giọng rất quen:
- Chuyến này thầy đã quá nhọc lòng, kẻ hậu bối này xin đa tạ. Bây giờ, xin kính thầy một ly - Đó là tiếng Lưu Trường Canh.
- Không dám! Không dám! Ông Lưu tuy trẻ người mà rất có uy, túc trí đa mưu, mưu sự như thần. Lão đây già nua cũ kỹ rồi, chẳng qua chỉ biết dùng ba tấc lưỡi, nhắc đến làm gì - Thiết Toán Bàn nói.
- Thầy quá khen! Hôm đó gặp thầy ở thị trấn, nghe nói ông ta đang vội đi tìm thầy, tôi đoán chắc thế nào lời Cục trưởng Uông cũng đã đến tai ông ta. Ai chẳng biết thầy đã tìm cho ông ta một khoảnh “phong thủy bảo địa”? Bây giờ ông ta rơi vào thế gà bay trứng vỡ, trong lòng chắc là xót xa lắm!
Ngô Cát Thủy đang nâng ly rượu chợt sững lại, tức đến phát run, rượu trong ly tràn cả ra bàn. Ông ngơ ngác đứng dậy bước ra khỏi quán, lẩm bẩm: “Sao ta lại thua mưu một kẻ tiểu nhân như vậy nhỉ?”.
Đào Thế Quỳnh (Trung Quốc)
Trà Ly dịch