Trái Tim Tan Vỡ
Tác giả: Diệc Thư
Đôi nét về tác giả:
Diệc Thư nguyên tên là Nghê Diệc Thư, sinh năm 1946 tại Thượng Hải, người gốc Chiết Giang ; năm 5 tuổi theo gia đình di cư đến Hương Cảng, là em gái của tác gia nổi tiếng Nghê Khuông, cùng với Kim Dung và anh trai được xem là “tam đại kỳ tích”của giới văn đàn Hương Cảng (Kim Dung sáng tác tiểu thuyết võ hiệp, Nghê Khuông sáng tác tiểu thuyết khoa học viễn tưởng còn Diệc Thư sáng tác tiểu thuyết ngôn tình).
Năm 15 tuổi bà đã bắt đầu viết tiểu thuyết đăng báo. Tổng cộng tiểu thuyết dài, ngắn và tạp văn có hơn một trăm bộ. Từ bé, tác gia tiêm nhiễm nền văn hoá, đạo đức truyền thống, đến tuổi thanh niên lại ảnh hưởng sự mỹ lệ của văn hoá Tây Âu; tác phẩm của bà ngày càng thịnh hành, phát triển. Mấy năm gần đây tạo thành hiện tượng Diệc Thư tại Hương Cảng. Tác phẩm của Diệc Thư thể hiện một thứ tình cảm lãng mạn đặc biệt, nó nhẹ nhàng, mênh mông đầy ý vị. Ngoại trừ thiên bẩm, bà còn có một vốn sống phong phú, nhận xét sắc bén, và bút văn rất dào dạt. Đặc điểm tiểu thuyết Diệc Thư là tình cảm tế nhị, cao nhã hiển hiện trong không khí nồng hậu, đầy màu sắc của thời đại.
-- o0o --
Cửa hàng của nàng tên gọi "Tiểu Họa Lang" nằm ở góc ngoài cùng bên phải của trạm công trình vận chuyển hàng hóa biển.
Hôm ấy tôi đi dạo phố, vô tình thế nào lại đến chỗ của nàng. Điều đầu tiên hấp dẫn tôi chẳng phải là mấy mấy bức họa trong cửa hàng kia mà chính là dáng người xinh đẹp của nàng.
Chỉ cần nhìn qua một lần là biết ngay nàng không phải nhân viên bán hàng mà là chủ cửa tiệm, ấy cũng do khí chất. Nàng ước chừng 26 -27 tuổi, gương mặt bầu bĩnh, đôi mắt to tròn, tóc dài đen nhánh tết lại thành những bím to thả sau gáy, áo trắng cổ rộng bằng vải lanh hợp cùng đôi giày sandal mang dưới chân.
Tôi lập tức chú ý ngay đến chuỗi hạt mà nàng đeo trên cổ, những hạt châu nhỏ bằng san hô đỏ xâu thành một tràng những hạt tim ánh vàng, vốn là rất bình thường, tuy nhiên hạt tim ở mé bên trái lại có một vết rạn, vết rạn nhỏ khảm bên trong ấy khiến cho viên ngọc bích bên ngoài nứt vụn, hệt như một trái tim tan nát vừa được phục hồi nhưng mãi mãi đọng lại bên trong những vết thương không bao giờ liền lạc được.
Tôi trở nên ngây dại vì trước nay chưa từng thấy qua một thứ trang sức nào quý hiếm và lãng mạn như thế, nhịn không được bật ra khỏi miệng một tiếng nho nhỏ: "Tim vỡ!"
Nàng ngẩng đầu lên, trông thấy kẻ xa lạ như tôi liền mỉm cười đáp: "Vâng ạ?"
Tôi vì vẻ tự nhiên của nàng mà đâm ra ngại ngùng, lập tức giả ra vẻ muốn mua tranh, đánh mắt nhìn khắp nơi.
"Anh cứ xem thoải mái đi." Nàng nói.
Phòng tranh ở nơi đây khó mà buôn may bán đắt vì đa số các phiên bản tranh của nàng đều họa cảnh thuyền buồm và nữ thuyền viên theo sở thích của du khách. Tuy cũng có khá nhiều tranh của các danh họa như Picasso, Joan Miró... Tuy nhiên, người xem thì nhiều mà người mua thì ít.
Vì nàng theo phục vụ ở phía sau nên tôi cảm thấy ngại, vội chọn lấy bốn tác phẩm của Picasso vẽ vào "thời kỳ xanh", nghĩ thầm nếu đem treo trong phòng khách nơi nhà trọ tôi ở thì xem ra cũng không đến nỗi nào.
"Khung tranh khoảng cuối tuần này mới được lắp xong, xin anh để lại số điện thoại trước, chúng tôi sẽ nhờ người mang đến sau." Nàng bảo.
"Để tôi tự đến lấy là được rồi" Tôi trả tiền hóa đơn.
"Thế vậy." Nàng mỉm cười, "Cảm ơn anh."
Nàng đưa danh thiếp cho tôi, mặt trên có đề: "Vương Khả Nhi".
Nàng tên là Vương Khả Nhi.
Tôi nhất thời kích động, cũng đưa lại nàng một tấm danh thiếp.
Tôi rời khỏi cửa hàng, vừa đi vừa quay lại nhìn về phía hạt tim vỡ kia một lần nữa.
Nàng mỉm cười, không giống như hình dáng hạt tim vỡ ấy chút nào.
***
Tôi đợi lâu ơi là lâu mới đến ngày cuối tuần, vội gọi điện thoại đến cửa hàng Tiểu Họa Lang.
"Tôi là người đã mua bốn bức tranh chép 'thời kỳ xanh' đây mà."
"A, anh Lâm." Là trí nhớ nàng tốt, hay do cửa hàng ế ẩm, ít khách đây? "Đã làm xong rồi, mời anh đến nhận nhé."
"Tôi xong việc sẽ đến ngay."
Tan sở, tôi đến ngay chỗ của nàng. Nàng đã thay đổi trang phục: áo T-shirt trắng, quần Jeans xanh lợt, giày vải tinh tươm, trên cổ vẫn mang vật trang sức kia.
Tôi nhìn vẻ xinh xắn của nàng mà trong lòng dậy lên một niềm thôi thúc khôn tả.
Tôi cố hết sức làm cho giọng nói của mình nghe không giống như một kẻ phóng đãng, bảo: "Cô Vương này, sau giờ nghỉ tối nay cô cùng tôi đi uống nước nhé?"
Nàng cười đáp: "Được thôi."
Tôi vừa mừng vừa ngạc nhiên, nàng không giống loại con gái mỗi lần hẹn hò đều đồng ý đấy chứ?
***
Đúng sáu giờ tối, chúng tôi đã ngồi trong quán cà phê trò chuyện.
Nàng bảo: "... Thấy chẳng có gì làm, em liền mở một hàng tranh Trung Hoa, ngẫm lại mỹ thuật trước nay vốn là một vấn đề xa xỉ!"
Tôi gật đầu: "Việc buôn bán tốt chứ?"
"Tạm được anh à, không sợ mất vốn, lại cùng lúc có thễ giữ mấy ngàn đồng lương, so với đi làm công sở, đỡ phải trông mày trông mặt của thủ trưởng."
Tôi chỉ: "Hạt tim này..."
Nàng cười: "Đẹp lắm phải không anh?"
Tôi gật đầu: "Trái tim toàn vẹn thì thiếu vắng nội dung, trái tim vỡ nát lại chứa nhiều đau khổ, trên đời này khó mà có được chuyện lưỡng toàn kỳ mỹ."
Nàng sờ vào vết nứt bảo: "Vốn là thứ mã não quý giá do chính Picasso thiết kế, tuy nhiên nói thật đây chỉ là hàng phỏng theo mà thôi."
Tôi hỏi: "Vậy sao em thích nó?"
Vương Khả Nhi nhấp một ngụm cà phê giải thích: "Vì chính em cũng có một trái tim không toàn vẹn." Nàng thật thẳng thắn.
Tôi sửng sốt.
Tôi rất có hảo cảm với nàng nên lập tức mường tượng ra vấn đề, vì không tiện hỏi nữa bèn đổi sang chủ đề khác.
"Em thích Picasso phải không?" Tôi hỏi.
"Vâng." Khả Nhi nói: "Em rất thích tác phẩm chim bồ câu của ông ta. Con gái của ông ta tên là Paloma, theo nghĩa Tây Ban Nha cũng chính là chim bồ câu".
Tôi lúc lắc đầu: "Vì vậy mà em chú ý đến cô ấy hay sao? Thật là 'yêu ai yêu cả đường đi lối về' nhỉ!"
Khả Nhi tủm tỉm cười.
Trong lòng tôi thầm nghĩ: một cô gái vừa xinh đẹp lại có cá tính như vậy, ai lại nỡ làm tổn thương nàng chứ? Tôi thì chẳng bao giờ làm như vậy rồi.
Tôi nhìn ra bên ngoài, nói giả lả: "Mới đó đã bảy giờ rồi, dù sao cũng phải ăn cơm, hay là ta gọi một ít thức ăn đơn giản nhé?"
Khả Nhi biết tôi muốn giữ nàng lại dùng cơm, lại mỉm cười.
Nàng không nói nhiều, nhưng hễ hỏi là đáp. Nàng tỏ ra là một cô gái tự nhiên và vô cùng có kinh nghiệm, tuy thẳng thắn nhưng bạn sẽ không bao giờ đoán được bí mật trong lòng nàng đâu, tuy nhiên tôi biết chắc một điều là nàng không hề ghét tôi.
So với nàng, mấy cô bé trong văn phòng tôi cách biệt quá xa.
Trang phục của bọn họ tuy có vẻ thời trang hơn nàng nhưng lại chẳng có hồn, trông cứ như một bình hoa được cắt tỉa gọn gàng nhưng sáo rỗng vậy.
Sau khi dùng cơm xong đã tám giờ rưỡi, Khả Nhi nói nàng hơi mệt, tôi liền đưa nàng về nhà.
Lúc dừng trước cửa, tôi nói: "Hôm nay là thứ tư, thứ bảy hay chủ nhật này cửa hàng của em có bán hay không? Anh đến đón em, chúng ta cùng đi xem buổi triển lãm tranh của Tề Bạch Thạch nhé?"(1)
"Cuối tuần cũng khai mạc hay sao?" Nàng ngạc nhiên.
"Triển lãm bày bán ấy mà." Tôi giải thích.
Nàng tỏ vẻ chợt hiểu ra.
"Vậy chủ nhật này, khoảng mười một giờ, chúng ta đi ăn trước nhé!" Tôi nói.
Nàng cười, mở cửa vào nhà.
Nàng sống trong một căn phòng theo lối kiến trúc xưa, tôi bước xuống lầu lại đứng trên con phố ngước nhìn lên, nàng trên ban-công vẫy vẫy tay chào về phía tôi.
Về đến nhà, tôi cảm nhận được một nỗi thư thái chưa từng có trước đây. Tôi tự nhủ chính mình: Lâm ơi, mi đã tìm được người con gái mi muốn rồi, hãy ngủ một giấc thật thoải mái đi nhé.
Dù cõi lòng nàng có vỡ nát đi nữa, tôi cũng nhất quyết phải chữa trị cho nàng.
Chẳng phải người xưa có câu: "Thời gian sẽ xóa nhòa mọi đau thương" hay sao?
Người xưa thì tuyệt đối không sai được!
***
Sáng chủ nhật, tôi đến gặp nàng, hóa ra màu nàng thích là xanh và trắng.
Màu áo xanh nhạt hòa cùng chiếc quần dài trắng, trên cỗ vẫn là chuỗi hạt ấy. Lạ một điều, hình như nó phối với bộ trang phục nào cũng hợp cả.
Chúng tôi dùng trước một bữa trưa đơn giản.
Nàng rất thích Tề Bạch Thạch, ngoài ra còn có Bát Đại Sơn Nhân, "Thời nay thì em chú ý cả Triệu Vô Cực." (2)
Theo lời nàng nói, gia đình nàng có quen biết với Triệu Vô Cực. Vào khoảng những năm 40 khi sống ở Thượng Hải, nhà họ Vương là hàng xóm của nhà họ Triệu. Triệu lão tiên sinh là một chủ ngân hàng, cha của Khả Nhi làm nhân viên cho ông ta. Những người con của Triệu tiên sinh cũng vô cùng xuất chúng, có người là nhà khoa học, cũng có người là nghệ thuật gia, Triệu Vô Cực vì thế cực kỳ nổi danh.
Khả Nhi nhớ lại: "Mẹ em bảo, người vợ đầu tiên của ông ấy mẹ hay gọi là "chị Lan", vốn học thanh nhạc..."
Nàng kể những chuyện vui khác, tôi chăm chú nghe một cách say sưa.
Chúng tôi chầm chậm tản bộ đến tham quan những tác phẩm của Tề Bạch Thạch.
Vừa vào hội trường, chúng tôi không hẹn mà cùng mỉm cười hiểu ý, bốn mắt nhìn nhau, che miệng thầm khúc khích. Vốn tưởng có thể tiêu tốn một ít thời gian tham quan tại đây, nào ngờ xem qua một lượt hầu như chẳng có bức tranh nào là thật cả.
Giá niêm yết cũng không đắt lắm, mỗi bức chỉ khoảng hai ba vạn Hồng Kông tệ.
Khả Nhi nói khẽ bên tai tôi: "Mấy thứ cá, tôm, cua ở đây đều là giả hết đó anh."
Tôi cũng thầm thì: "Trông giống như món ăn hấp chín nhỉ."
Nàng phì cười.
Tôi bảo: "Đi thôi!"
Hai người mỉm cười rời khỏi hội trường.
Khả Nhi nói: "Em có một người bác, trong nhà ông ấy chẳng những có tranh của Tề Bạch Thạch mà còn có cả tranh của Ngô Xương Thạc, Thạch Đào, Hoàng Tân Hồng nữa, tiếc là ông ấy không được dễ dàng với khách đến thăm lắm, em cũng chỉ được một lần làm thượng khách của ông ấy vào mười năm trước mà thôi, sau này chắc ông ấy sẽ không sẵn lòng nữa đâu."
Tôi gật gật đầu.
Tiếp đó, chúng tôi dạo loanh hoanh khắp phố phường mất một lúc. Tôi dành toàn bộ thời gian ngày chủ nhật của mình cho nàng mà không hề nghĩ vẩn vơ đến ai khác, vậy mà nàng lại nói: "Cứ đi như thế này sẽ mệt chết mất, hay là về nhà thôi!"
Tôi không chịu buông xuôi: "Nếu em không ngại thì đến nhà của anh ngồi một lúc nhé, anh ở một mình, em không phải chào hỏi người lớn đâu."
Nàng cười: "Em cũng ở một mình, hay là anh đến chỗ của em đi, em muốn rửa mặt và uống một tách trà Long Tỉnh cho nhẹ người lại."
Tôi như mở cờ trong bụng, sốt sắng bảo: "Được thế thì còn gì bằng!"
***
Đến nhà nàng rồi tôi mới phát giác ra đây quả là một địa điểm nghỉ ngơi vô cùng lý tưởng, ngôi nhà rộng rãi, vật dụng đơn giản, trên tường có treo vài bức tranh thư pháp, tôi hỏi: "Là trường phái Lĩnh Nam phải không?" Nàng gật đầu.
Tôi định nói trường phái Lĩnh Nam sao lại thiếu đi nét thanh thoát vốn có, nhưng nghĩ lại nàng treo bức họa này ở đây ắt hẳn có lý do của nàng, tôi cũng không tiện phê bình.
Làm một nhà phê bình mà chỉ có thể thưởng thức, không thể lên tiếng thì chẳng hóa ra vô nghĩa.
Nàng đưa đến cho tôi một tách trà Long Tỉnh hương bay ngào ngạt. Tôi nhấp một ngụm, nàng ngồi phía đối diện, hệt như một người bạn đã quen biết lâu năm, tôi chỉ cảm thấy trong lòng tràn ngập thỏa mãn. Có được một hồng nhan tri kỷ hòa hợp về tâm hồn, đồng điệu về sở thích, người đàn ông còn cầu van chi nữa? Tôi cũng không gấp gáp việc muốn ôm nàng vào lòng, tôi phải hưởng thụ mối thơ tình họa ý này đã, cứ uống một ngụm trà rồi sau đó chầm chậm giãy bày con tim.
Ôi, lòng tôi sao lân lân thế này!
Khả Nhi chợt hỏi: "Sao anh lại cười, cười chuyện gì thế?"
"Cao hứng thôi mà!"
"Chuyện gì mà cao hứng vậy, nói em nghe đi?"
Tôi vẫn còn đang mỉm cười, trả lời: "Thí dụ như chuyện quen biết em."
Nàng cũng bật cười bảo:"Khờ quá đi, có nhiều bạn bè là chuyện bình thường thôi mà."
Tôi không trả lời, vẫn cứ thong dong hưởng thụ buổi chiều hiếm có này, khí trời tuy có chút oi ả nhưng vì trần phòng khá cao, không khí vẫn thông thoáng nên chẳng có gì đáng kể.
Tôi hỏi: "Có thể cho anh biết câu chuyện lòng ấy được không?"
Nàng ngẩn người, hỏi ngược lại: "Anh có hứng thú muốn biết sao?"
"Ừm, chuyện gì liên quan đến em anh đều muốn biết hết!"
"Nói ra cũng đơn giản thôi!" Nàng khẽ cười: "Chuyện đã xảy ra lâu lắm rồi, tóm lại một câu: có người đã khiến em đau lòng."
"Đến giờ đã khỏi hay chưa?" Tôi hỏi.
Nàng đột nhiên trở nên ủ dột: "Vẫn chưa anh à, em biết em đã vĩnh viễn giữ lại con tim vụn vỡ ấy rồi, nó sẽ theo em cả quãng đời còn lại."
Tôi kinh ngạc: "Cả quãng đời còn lại của em ư? Sinh mệnh của em chỉ vừa mới bắt đầu thôi mà, em còn hơn năm mươi năm nữa phải trải qua, em mất trí rồi sao?"
Nàng cúi thấp đầu không nói.
Tôi an ủi nàng: "Không sao đâu Khả Nhi, anh biết em là người làm nghệ thuật, xem trọng tình cảm, nhưng em có phần bi lụy quá rồi, không ai có thể nhớ một người cả đời được..."
Nàng đột nhiên hai tay bưng lấy mặt: "Nhưng em không thể quên được người ta, em thật sự không thể... Anh ta vẫn luôn xuất hiện trong những giấc mơ của em."
Nàng vỡ òa ra khóc hệt như một đứa bé: "Em khó chịu lắm... Giấc mơ thì rõ ràng, nhưng cảm giác lại trống rỗng..."
Khả Nhi thổn thức.
Tôi chuyển khăn tay cho nàng: "Đừng khóc, đừng khóc nữa!"
"Bảy năm rồi..." Nàng sụt sịt.
"Không phải lúc ấy em chỉ mới 15 tuổi đấy chứ?" Tôi cố chọc cho nàng cười.
"Lúc ấy em đã 20 tuổi rồi." Nàng nói.
"Bé ơi, em không hiểu hay sao? Em chỉ là đang bị tổn thương, tự nhiên sẽ giữ chặt chuyện ấy trong lòng, nhưng một ngày nào đó em sẽ quên đi tất cả thôi."
"Không đâu!"
"Đừng cố chấp nữa."
"Hơn ai hết em muốn quên anh ta, nhưng thật sự là không thể..." Khả Nhi hai mắt đỏ hoe khiến cho người khác phải mủi lòng.
Tôi không hề ghen ghét gì với gã đàn ông nọ, quá khứ đã là quá khứ, tôi ôm ấp một niềm khâm phục lớn lao đối với Khả Nhi, nếu là tôi thì đến bây giờ có quên được người ấy hay không? Tình cảm ngày nay chỉ là một thứ hàng hóa xa xỉ trong lúc trà dư tửu hậu mà thôi, chẳng mấy ai hiểu rõ mà quý trọng cả, nhưng Khả Nhi lại nhớ mãi không quên, loại người đáng quý như nàng có thể nói đã gần đến bờ "tuyệt chủng" rồi, tôi vì vậy mà càng yêu thương nàng hơn.
"Anh ta là người như thế nào?"
"Anh ta là người đàn ông tốt nhất mà em từng gặp trong đời..."
"Hầy dà, đừng làm anh đau lòng thế chứ." Tôi lại trêu nàng.
Khả Nhi cũng bật cười.
"Nói tiếp đi!"
"... Lớn hơn em mười tuổi..."
Tôi lại cắt ngang: "Vậy không phải là một ông già hay sao? Ầy, không được rồi!"
Khả Nhi bỗng đổ giận: "Không nói nữa!"
Tôi bảo: "Khả Nhi, chuyện đã qua lâu lắm rồi, cũng không cách nào trở lại, em đừng quá cố chấp được không? Nào, chúng ta nói những chuyện vui vẻ hơn nhé."
Khả Nhi nói: "Em còn có chuyện gì vui vẻ đây? Mỗi ngày bất quá chỉ đến ngồi ở Tiểu Họa Lang, xem xem có khách hàng nào ghé đến mà thôi."
"Không ai theo đuổi em sao?"
"Người ta nếu biết em chỉ ghi lòng tạc dạ một người thì làm sao có hứng thú theo đuổi chứ." Nàng nói đùa: "Có ai mà rảnh rỗi đến chữa vết thương lòng cho em đâu?"
Tôi nói: "Anh với bọn họ... khác nhau, với anh thì đặc biệt rỗi rảnh."
Khả Nhi cảm kích, u buồn nhìn tôi.
Nhưng cảm kích thì cảm kích, tình cảm của chúng tôi trong thời gian ngắn cũng không thể nào tiến thêm bước nữa.
Nàng không quên được con người ấy. Gã ta lớn hơn nàng mười tuổi, đã có vợ con, là một kiến trúc sư đẹp trai lịch thiệp, phong độ thành thục, đồng thời còn có năng khiếu nghệ thuật. Bức tranh theo trường phái Lĩnh Nam treo trong nhà Khả Nhi chính là kiệt tác của gã ấy, tuy nhiên gã lại không chịu ly hôn vợ.
Câu chuyện cũ ấy một khi đã xảy ra rồi thì vĩnh viễn tiếp diễn. Tình yêu thiếu nữ là toàn bộ lẽ sống của nàng, còn đối với một gã đàn ông trung niên mà nói, đó chẳng qua chỉ là một khúc nhạc êm đềm, có hay không cũng chẳng ảnh hưởng gì quá lớn, vì đối với gã ta, danh dự, nghề nghiệp và gia đình đều quan trọng hơn Khả Nhi nhiều, biết trước ở với nàng sẽ không có kết cuộc tốt, cho nên gã ra đi.
Còn Khả Nhi lại mang theo trái tim vỡ nát ấy mà tồn tại suốt bảy năm qua.
Tôi muốn tìm đến gã đàn ông ấy, tóm cổ áo và mắng gã rằng: "Cái tên súc sinh nhà anh, sao lại làm đau lòng người ta mà không thèm ngó ngàng đến hử?"
Nhưng tôi là ai cơ chứ? Tôi có thể đại diện cho Khả Nhi nói những lời ấy hay sao? Tôi đã được bao nhiêu tuổi đầu rồi?
Ôi, ai bảo Khả Nhi lại si tình như thế!
Người đời nhất định sẽ không đồng tình với nàng.
***
Suốt cả mùa hè, tôi đều ở bên cạnh Khả Nhi.
Nàng dần dần đã tín nhiệm tôi hơn và xem tôi như người bạn tốt nhất, ngược lại tôi cũng không có bất cứ cử chỉ nào thái quá với nàng, dù tôi không phải thánh nhân, cũng không phải Liễu Hạ Huệ, nhưng chắc hẳn không phải hạng háo sắc. Chúng tôi tạo ra mối quan hệ vô cùng trong sáng, luôn giới hạn tình cảm của mình trong khuôn khổ cho phép.
Thành thật mà nói, có thể quen biết nàng đã là hạnh phúc lớn nhất đời tôi rồi, tôi còn đòi hỏi gì hơn đây? Đối với một linh hồn đang chịu sự tổn thương mà nói, ngoài kiên nhẫn đợi chờ ra thì chẳng còn cách nào khác nữa.
Ngày sinh nhật Khả Nhi, hai chúng tôi ra ngoài ăn mừng, uống cạn cả một chai Champagne mà vẫn cảm thấy chưa thỏa mãn.
Rượu có thể dung hòa ý chí con người, tôi dần trở nên buông lơi.
Khả Nhi gối cằm lên mu bàn tay, nàng nói: "Nhữ Cường, anh càng đối xử tốt với em thì lương tâm em càng cắn rứt, em không biết phải đền đáp anh như thế nào nữa..."
Tôi đáp:"Anh không cần người ta trả ơn."
"Nhưng mà em đã lãng phí thời gian của anh."
"Nói bậy, khoảng thời gian chúng ta ở bên nhau là khoảng thời gian hạnh phúc nhất rồi."
"Nhưng... Nhữ Cường, em mãi mãi cũng thông thể lấy anh được!" Nàng nói.
Lòng tôi như nhói lên một cơn đau: "Mãi mãi - ý em là sao?"
"Nhữ Cường, em yêu anh, em yêu anh như một người anh lớn, anh có hiểu không? Đó chẳng phải là tình yêu nam nữ, chúng ta mãi mãi không thể kết hôn được!"
Đầu tôi như bị người khác dội vào một gáo nước lạnh, chẳng phát ra được câu nào. Khả Nhi cũng thật quá thẳng thắn, những lời rõ ràng sẽ làm tổn thương trái tim tôi như thế này nàng cũng không câu nệ mà nói ra.
Nàng nắm chặt lấy tay tôi: "Nhữ Cường, em chỉ vì muốn tốt cho anh nên mới nói thẳng ra những lời này, em không muốn lôi kéo anh thêm năm ba năm nữa."
Tôi thở dài một hơi bảo: "Là anh cam tâm tình nguyện, chỉ cần có thể thường xuyên trông thấy em, cho dù em có lấy anh hay không anh cũng không để tâm nữa."
Nàng bật khóc: "Anh cần gì phải đối xử tốt với em như thế chứ?"
"Hầy" Tôi chấn phấn: "Là em khóc vì anh, hóa ra em cũng có thể vì anh mà rơi nước mắt đấy!"
Khả Nhi lắc lắc đầu, từng giọt lệ càng rơi xuống nhanh hơn.
***
Tôi vẫn không quên phép lịch sự tiễn nàng về đến tận nhà.
Đến trước cửa, đập vào mắt chúng tôi là một bó hồng thật lớn màu trắng đặt ngay phía trước. Tôi là người trông thấy đầu tiên liền khẽ "ồ" lên một tiếng.
Khả Nhi toàn thân run rẩy, cất bước đi lên.
Tôi không có ý dò xét chuyện gì, chỉ hỏi: "Là ai tặng em vậy?"
Khả Nhi bảo: "Nhữ Cường, anh mệt rồi, cả em cũng mệt nữa, ngày mai chúng ta nói sau đi." Giọng nàng thật ôn hòa.
Tôi nói: "Khả Nhi, anh theo ý em!" Nói xong, tôi vẫy tay với nàng rồi bỏ đi.
"Nhữ Cường." Nàng đuổi theo tôi.
Tôi chạm nhẹ môi lên trán nàng khẽ nói: "Tạm biệt!"
Thế rồi tôi loạng choạng đón xe trở về nhà.
***
Ngày thứ hai tỉnh lại, đầu tôi đau như búa bổ, bụng dạ trống rỗng, cổ họng thì rát buốt. Sau trận uống rượu hôm qua, tinh thần tôi ủy ủy mị mị trông chẳng ra cái gì cả.
Tôi nói với chính mình: "Lâm Nhữ Cường ơi Lâm Nhữ Cường, người ta đã nói rõ là không yêu mi rồi, sau này dù mi có thành tâm thành ý thế nào người ta cũng sẽ không chấp nhận tình cảm của mi đâu."
Trái tim tôi thắt lại.
Còn Vương Khả Nhi, vì sao người ta làm tổn thương lòng nàng, còn nàng cũng theo cách ấy mà làm tổn thương lòng tôi chứ?
Một mình tôi chịu đựng nỗi giày vò đến buốt tim. Sao tôi không thể hạ quyết tậm, thu hồi tình cảm của mình lại... Không, tôi không phải là hạng ong bướm, tôi là bạn tốt của nàng, đã nói nghĩa khí thì phải chấp nhận hy sinh.
Đúng vào lúc này, Khả Nhi gọi điện đến.
Nàng thấp giọng hỏi: "Anh tỉnh rượu chưa? Là em đã liên lụy đến anh rồi."
Tôi tức thì dịu ngay mọi bực tức lại.
"Nhữ Cường..."
"Đừng nói nữa!" Tôi thở dài: "Kẻ khờ không trách em đâu."
"Nhữ Cường, em có chuyện muốn nói với anh, anh ra ngoài được không?"
"Bây giờ ư?"
"Vâng, ngay bây giờ."
"Cũng được." Tôi nhún nhún vai, bất chợt nảy sinh một loại suy nghĩ cam chịu: dù sao trong trường hợp nào tôi cũng là kẻ bị động, nàng đã muốn như thế thì tôi phải chấp nhận thôi.
***
Đến nhà của Khả Nhi, trông dáng vẻ của nàng như vừa trải qua một đêm không ngủ, tiều tụy vô cùng.
Tôi hỏi nàng: "Em sao vậy? Tối qua đã xảy ra chuyện gì?" Tôi dường như có được giác quan thứ sáu, cảm giác hết sức bất an.
Khả Nhi run giọng đáp: "Nhữ Cường, anh ta... anh ta trở về rồi!"
Tôi bắt đầu trở nên bối rối: "Ai? Ai trở về chứ?"
Khả Nhi giẫm giẫm chân.
Tôi tức thì hiểu ra ngay. "Là... anh ta!" Thêm vào bó hoa hồng trắng kia, vậy là tên xấu xa ấy đã trở về rồi, lúc tôi thốt ra lời này thì tiếng nói cũng trở nên lắp bắp.
"Anh ta lại đến lừa gạt em nữa sao?" Tôi cười lạnh hỏi.
"Không phải đâu, anh ấy đã ly hôn rồi, dây dưa suốt nhiều năm, cuối cùng anh ấy cũng quyết định ly hôn."
Tôi hỏi xoáy vào: "Trên đời có nhiều phụ nữ như vậy, vì sao anh ta cứ nhất định không chịu buông tha cho em chứ?"
"Anh ấy nói... anh ấy yêu em!" Khả Nhi so với tôi cũng chẳng bình tĩnh hơn.
"Em tin ư?" Tôi trách hỏi.
Nàng không đáp, chỉ xoay mặt khóc.
Tôi không khỏi thầm trách Khả Nhi, mỗi khi xảy ra chuyện thì chỉ biết có nước mắt.
"Em định thế nào?" Tôi cố dằn xuống hỏi nàng.
"Em không biết..."
"Em không biết ư?" Tôi hỏi: "Sao em lại có thể không biết? Anh ta đối với em như thế..." Tôi ngừng lời, không nói nữa. Tôi không muốn trở thành một kẻ nhỏ mọn đi nói xấu người khác.
Thật lâu sau tôi mới cất tiếng: "Em nên hiểu rõ, đây là quyết định liên quan đến bản thân em, chính em phải biết mình nên làm gì."
Khả Nhi dùng khăn gạt lệ nói: "Anh cảm thấy em vô dụng lắm phải không? Bảy năm trời vẫn không quên nổi một người. Nhưng Nhữ Cường ơi, nếu anh chưa từng yêu ai, anh sẽ không thể hiểu được cảm giác bên trong đó đâu, bảy năm ấy anh ta không hề rời xa em, giờ giờ phút phút đều ở bên cạnh em; bất chợt lúc sáng sớm, cô tịch buổi đêm khuya, em vĩnh viễn đều nhớ đến người ta. Hôm nay con người ấy lại vẫy gọi em, em..."
Tôi thất vọng nhìn nàng.
Nàng tuyệt vọng bảo: "Anh vẫn còn chưa hiểu có phải không?"
"Phải, anh không hiểu" Tôi nói: "Nếu như em rời khỏi anh, anh cũng sẽ thương nhớ em cả đời, tuy nhiên anh không phải hạng người mời gọi là đến, vẫy tay là đi như vậy. Nhớ em là việc của anh, nhưng anh muốn giữ lòng tự trọng của chính mình hơn."
Khả Nhi hạ thấp đầu xuống.
Tôi biết ý nghĩ của tôi và nàng trái ngược nhau. Nàng là một người con gái si tình, tôi không thể giúp nàng, càng không thể cứu nàng được.
Nhưng nếu nàng cứ theo con người ấy ra đi như vậy liệu sẽ có kết quả như thế nào? Nàng có nguyện giao cả đời cho anh ta hay không một khi phát hiện ra con người ấy không hoàn mỹ như những gì trong ký ức nàng còn lưu giữ? Kết cuộc dù chiếm được anh ta rồi, nhưng sau phút giây hứng khởi ấy nàng sẽ cảm giác ra sao?
Khả Nhi thật sự không nghĩ đến những vấn đề này.
Nàng chầm chậm ngẩng đầu lên, trong ánh mắt tràn ngập vẻ bàng hoàng, Khả Nhi bảo: "Nói cho em biết đi, em muốn nghe ý kiến của anh, nói cho em biết đi..."
"Không!" Tôi đáp: "Quyết định tùy ở em" Nói rồi tôi xoay người bỏ đi.
Về đến nhà, tôi ôm đầu khóc nức nở, lệ từ khóe mắt cứ trào ra, cảm giác vừa nóng ấm vừa nhức buốt. Đã nhiều năm rồi tôi chưa từng khóc qua như vậy, người không đau lòng sẽ không khóc - câu nói này rất đúng, nhưng khóc cũng là một cách để phát tiết tình cảm tốt nhất, sau khi khóc xong trong lòng tôi đã không còn cảm giác khó chịu nữa, thần kinh cũng thư thái hơn ít nhiều.
Kể như xong, nếu nàng đi thì từ nay nàng sẽ không còn thuộc về tôi nữa. Nếu yêu tôi, nàng nhất định sẽ trở về.
Tôi cứ thẫn thờ.
***
Tôi lững thững trên con đường đến Tiểu Họa Lang, một ngày rồi hai ngày không thấy mặt nàng, tôi muốn tìm xem ai đã thế công việc nàng buôn bán. Đó cũng là một cô gái có đôi mắt to mi dày, nhưng không giống như Khả Nhi, cô ta có nét trưởng thành và từng trải hơn.
Tôi chỉ yêu mỗi mình nàng, không thể yêu bất kỳ ai khác.
Tình yêu của chúng tôi đều quá hạn hẹp và ích kỷ.
Trong hai ngày ấy, tôi không hề nhận được tin tức gì của nàng. Trước đây, mỗi ngày phải có ít nhất hai cuộc điện thoại mà tôi vẫn chưa thấy đủ, đến giờ tôi đã không còn quá tin vào câu nói "thời gian sẽ xóa nhòa mọi đau thương" nữa.
Nửa đêm chiêm bao, tôi mơ thấy một ngày vô cùng vô tận nào đó, một người lướt đi qua tôi với vẻ lạnh lùng và thinh lặng. Mất đi Khả Nhi sự sống cũng chẳng còn ý nghĩa, tôi kinh hoảng thét gọi rồi giật mình tỉnh lại, rồi thì cả đêm mất ngủ, chỉ biết tìm vào khói thuốc và men rượu. Ban ngày thì chán nản đủ điều, ngay cả râu cũng không buồn cạo, cứ thế mà đi làm, cũng may công việc kinh doanh nho nhỏ của tôi vẫn cứ xuôi lọt một cách tự nhiên.
Ngày thứ hai, lúc tôi dạm bước đến Tiểu Họa Lang thì cửa hiệu đã đóng cửa.
Khả Nhi ơi là Khả Nhi! Lòng anh đau lắm, em quyết định theo kẻ lừa gạt ấy ra đi hay sao? Cả việc chết sống của anh em cũng không màng đến nữa à?
Tôi dựa người vào tường, chỉ mong sao ngất lịm tại nơi đây cho rồi.
Cảm giác thất tình thật khó hình dung, cầu cho cả đời tôi sẽ không bao giờ gặp lại nó.
Lúc ăn cơm, tôi chỉ cầm đũa dạo qua dạo lại, chẳng thể ăn được thứ gì và cũng chẳng có cảm giác buồn ăn.
Tôi trước giờ không được xem như một kẻ may mắn nhưng luôn gặp khá nhiều thuận lợi, đả kích mà Khả Nhi ban cho lần này chính là đả kích lần đầu tiên trong đời.
***
Tôi đã quên nàng rồi!
Vậy mà bất giác trong lúc đang ăn, tôi lại chạy đến nơi góc phố quen thuộc kia, ngóng đợi bóng hình người con gái quen thuộc.
Tôi là một kẻ chẳng tiến bộ gì cả.
Cô gái mắt to mi dày kia trông thấy tôi liền vẫy tôi đến gần.
Tôi ngơ ngác nhìn cô ta.
Cô nói với tôi: "Anh có phải Lâm tiên sinh không ạ? Xin mời vào cửa hàng một chút được không?"
Tôi dập tắt ngòi thuốc, chua chát bước vào. Nhất định là Khả Nhi có chuyện muốn nói với tôi liền nhờ người chuyển lời.
"Mời anh ngồi!" Cô ta mang đến cho tôi một chiếc ghế nhỏ.
"Cô có chuyện gì mau nói ra được không!" Tôi sốt ruột.
"Anh Lâm à" Cô ta bắt đầu: "Khả Nhi nhờ tôi nói với anh, cô ấy đã suy nghĩ rất nhiều và muốn chuyển lời xin lỗi đến anh, người cô ấy yêu là một người khác, anh ta dù có đối xử không tốt với cô ấy thì cô ấy cũng vẫn yêu, chỉ cần anh ta chịu quay lại, cô ấy nhất định sẽ theo cùng."
Trái tim của tôi trong phút giây ấy hoàn toàn tan vỡ.
"Được..." Tôi nghe giọng nói của chính mình phát ra: "Hay lắm, rất hay!"
"Lâm tiên sinh à, Khả Nhi mong anh đừng nên đau lòng."
"Tôi chẳng sao cả." Tôi bảo.
"Phòng tranh này, cô ấy vừa nhượng lại cho tôi. Cô ấy đã theo người đàn ông kia ra nước ngoài rồi."
Tôi ngỡ ngàng hỏi lại: "Đã đi rồi sao?"
"Đi rồi anh à." Cô ta lấy ra một gói gì đó: "Đây là Khả Nhi nhờ tôi giao lại cho anh, bảo anh cứ xem nó như một vật kỷ niệm."
"Vâng, cảm ơn cô."
"Lâm tiên sinh này!" Cô gái mắt to đột nhiên bảo: "Nếu tôi là Khả Nhi, tôi nhất định sẽ chọn anh."
Tôi mỉm cười đáp: "Cảm ơn cô."
Mắt đã ngập nước lúc nào không hay...
***
Tôi ngơ ngơ ngẩn ngẩn trở về nhà, mở gói bao ấy ra xem, thì ra chính là chuỗi hạt mà Khả Nhi yêu thích nhất.
Nàng đã tặng nó cho tôi.
Hạt châu làm từ san hô đỏ, bên trong ánh vàng, vết nứt từ trung tâm khiến cho viên ngọc bích rạn vỡ hệt như một trái tim tan nát vĩnh viễn mang theo những vết thương ứ đọng, quả là một vật trang sức tinh xảo vô cùng.
Nàng đã rời khỏi tôi.
Tôi tắm rửa sạch sẽ, cạo nhẵn râu, giặt tinh tươm quần áo, ép mình ăn thật nhiều cơm, sau đó nhẹ nhàng lấy chuỗi hạt san hô ấy đeo lên cổ.
Tôi là một người trưởng thành, cuộc sống sau này dù có đau khổ nhưng sẽ không vô ích, tôi còn phải yên ổn mà sống tiếp.
Tuy vậy, trái tim tôi đã tan vỡ rồi.
Khả Nhi đi qua đời tôi, xuất hiện và biến mất như một ánh sao băng, sau khi lóe lên đã vội tan biến vào bóng đên mờ mịt. Tôi cũng đã quen dần.
Nhưng muốn quên nàng có phải là chuyện dễ dàng đâu, mỗi lần trông thấy những thiếu nữ mặc áo trắng, trái tim tôi lại ngầm nhói đau.
Tôi bắt đầu yêu thích một khúc ca của Rod Stewart:
"Trái tim ơi, trái tim của tôi ơi, nếu ngừng lại một khắc, liệu em có nghe được tiếng lòng của tôi không?"
Khúc ca này thường khiến tôi rơi lệ.
Hóa ra, nàng đã không nghe được tiếng lòng của tôi rồi...
Chú thích:
(1) Tề Bạch Thạch (1864-1957) là 1 họa sĩ nổi tiếng với lối vẽ sinh động đầy sức sống. Tác phẩm của ông chủ yếu miêu tả thú, cảnh, thực vật... Những năm cuối đời, ông chủ yếu vẽ cá, tôm, cua, chuột chim...
(2): Bát Đại Sơn Nhân tên thật là Chu Đạp, người Nam Xương, là nhà danh họa thư pháp vào khoảng cuối Minh đầu thanh, nét vẽ của ông có ảnh hướng rất lớn đến thế hệ sau.
Triệu Vô Cực - sinh năm 1921 tại Bắc Kinh, là nhà danh họa kiệt xuất của TQ và thế giới.
(Tuyển từ tập tiểu thuyết "Ngọn lửa nhỏ" của Diệc Thư )
-- Hết --