Dấu ấn Phật Giáo trong nền văn hoá Mộ Táng Cổ ở Việt Nam
Tác giả: Đỗ Đình Truật
Từ thời xa xưa, người Việt cổ đã bắt đầu quan tâm đến cái chết. Có nhiều trường hợp chôn người chết ngay trong hang động, chỗ ở, chỗ ăn ngủ của mình (như trong nền văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn, trong một số hang động ở phía Bắc), và họ cũng biết giữ lại linh hồn theo kiểu ma thuật đa thần giáo ngày
Xưa, mà nay một số đồng bào Mường ở phía Bắc còn làm. Đó cũng là thời kỳ mà chưa phân định được các loại hình mộ táng ở Việt Nam, vì chưa thể hiện những khuynh hướng tôn giáo rõ rệt. Mãi tới thời kỳ Lý-Trần, thì chúng tôi thấy xuất hiện lại loại văn hóa mộ táng theo khuynh hướng tâm linh - tôn
giáo rõ ràng.
Khuynh hướng thứ nhất là loại hình văn hóa mộ táng theo Nho giáo.
Nho giáo không phải là tôn giáo, nên mộ táng có sự tùy tiện hơn, để mồ mả theo ý niệm của phong thủy nhiều hơn, coi trọng cung mạng người chết, để mồ mả phải đúng hướng, tránh ngày hung tháng dữ v.v... (khuynh hướng này chúng tôi không trình bày nhiều, chờ dịp khác).
Khuynh hướng thứ hai là loại hình văn hóa mộ táng của Phật giáo, loại này tuy ít nhưng lại quy mô, kỳ vĩ "hướng thiên, không hướng địa", như các mộ tháp để xá lỵ của các Sư tượng trưng cho linh hồn và xác thịt về với cõi Phật.
Loại hình thứ hai, của Phật giáo là "thổ mộ"chôn xuống đất, biểu trưng ýnghĩa phần hồn đã về với cõi Phật nhưng phần xác còn ở lại trần gian.
Loại này chiếm đa số, kể cả các Tăng Ni đến công hầu quí tộc vua chúa, vàhình thức rất gần gũi với Nho giáo. Do vậy, chúng ta rất khó phân định những ngôi mộ cổ loại này của Phật giáo hay Nho giáo, kể cả về vấn đề kiến trúc và nghệ thuật.
Dưới đây là những trường hợp cụ thể ở loại hình văn bia mộ táng, vừa Nho giáo và Phật giáo đan xen nhau tạo nên một sắc thái văn hóa mộ táng Việt Nam phong phú về nhiều mặt tâm linh lẫn vật chất cùng với nền kỹ nghệ ướp xác cổ Việt Nam và đang được khắp thế giới quan tâm.
Văn hóa mộ táng kiểu Nho giáo hoặc Phật giáo, thực ra là một khối văn hóa được tập trung cao và chứa đựng các ý niệm tâm linh và vật chất. Vậy nên danh từ của mộ là kho, một tập hợp nhiều báu vật về nhiều mặt mà nền văn hóa 4.000 năm của Việt Nam đã tiềm tàng và chứa đựng. Loại kho báu đầy bí ẩn này đã bắt đầu được nghiên cứu, khám phá ; và cá nhân tôi cũng tự tin là đã "thám hiểm đầu tiên" về lĩnh vực này.
Năm 1963-1965, vô tình ở huyện Hoàng Hóa-Thanh Hóa, các nhà khảo cổ đã khai quật được một xác ướp của vua Lê Dụ Tông thời Lê-Trịnh. Xác cón nguyên như nhà vua còn đang an tịch ở giấc nồng. Nhà vua đầu cạo trọc, đầu đội mũ tu ni thay vì là một vương miện, mình mặc một áo cà sa màu nâu, thay vì mặc hoàng bào. Tài sản của nhà vua mang theo không có gì ngoài cây quạt lông, đôi hài thường và cây bút,cái nghiên ! Sự chân tu đã làm cho nhà vua hoàn toàn thoát tục ; không mang theo hầu như một thứ gì của một thời về cung vàng bệ ngọc.
Một ví dụ thứ hai : ở huyện Đông Anh ngoại thành Hà Nội, vô tình nhà máy sấy thuốc lá ở đây đào được hai cái xác của hai vũ nữ thời Lê. Tôi và ông Phạm Như Hồ đã được phái đến nghiên cứu hai cái xác này, thì điều lạ lùng là theo bia ký là hai vũ nữ nhà Lê, nhưng lại đầu cạo trọc, thân mình ăn mặc kiểu nâu sồng (quần áo còn nguyên), và cả thi thể như được gói trong một bọc gấm hoa. Sau khi giải phẫu, ông Phạm Như Hồ còn lấy ra trong cái bọc đó một quả tim, bằng nắm tay, rắn chắc. Ông Phạm Như Hồ có đem quả tim ấy rửa trong dòng nước của sông Cà Lồ, song nó vẫn trơn láng và rắn rỏi thêm.
Tìm hiểu câu chuyện, chúng tôi được biết hai vũ nữ này có tiếng hát rất hay mà nhà vua hâm mộ, nhưng hai nàng lại thiếu một vẻ mặt mỹ nhân, nên nhà vua hất hủi, sau đó đi tu và khi chết còn để lại một quả tim mà chúng tôi ghi nhận được.
Ví dụ thứ ba là xác ướp của bà Phạm Thị Nguyên Chân, vợ Thượng thư Trụ quốc Đặng Đình Tướng thời Lê-Trịnh, phát hiện được ớ Phủ Dãy tỉnh Hà Nam vào năm 1968 !
Xác bà do bom Mỹ năm Mậu Thân làm bật lên. Tóc bà được cạo và gói thành một gói để bên gối. Xác bà được quấn vào nhiều lớp vải vóc nhung lụa bên ngoài, và hình như là bà không quan tâm gì đến những thứ đó, bởi lẽ một lá minh tinh phủ trên ngực bà có ghi rõ "Phạm Thị Nguyên Chân Phật diệu phù tri". Ngoài ra không có gì nữa, bà như giấu hết tên tuổi và đời riêng của một "phu nhân ở loại khai quốc đại công thần". Sở dĩ chúng tôi biết được điều này là khoảng sau đó 6 năm, chúng tôi mới tìm thấy lăng mộ của chồng bà và bia ký có ghi rõ "Bà là Phạm Thị Nguyên Chân thực tên là Phạm Thị Hoa", vì theo đạo Phật chân tu nên mới lấy tên là Nguyên Chân thoát tục từ đó. Bà là chánh thất phu nhân của tướng quân Đặng Đình Tướng - Trấn sơn Nam Đại tướng quân - Phụ quốc Công thần. Ấy vậy, mà qua khai quật chỉ thấy bà là một Phật tử chân tu, bà không muốn mang theo vàng ngọc châu báu của thân thể, kể cả tên tuổi của bà ở nơi di mộ.
Thêm một dẫn chứng cuối cùng là vào cuối năm 1994-1995, tại xóm Củi - Q.5 của TPHCM, chúng tôi khai quật lăng mộ bà Nguyễn Thị Hiệu (cũng có thể là Trần Thị Hiệu vì chữ Trần hay chữ Nguyễn bị nhòe không rõ).
Bà được chôn cất cẩn thận theo nghi thức của hoàng gia, thi thể bà còn nguyên viện, thậm chí là còn rất đẹp, cơ bắp còn co duỗi được. Các nhà y học đã tiếp vào cơ thể bà nhiều lít nước thuốc vẫn dẫn hết dưới da thịt như chúng ta tiếp nước ở bệnh viện vậy.
Bà mang theo nhiều đồ trang sức và dưới chân có hai đôi giày thêu bằng vàng. Đáng nói là trong lớp áo cuối cùng, ngay ở ngực, chúng tôi tìm thấy được một bài chú vãng sanh và một bản quy y với Phật hiệu là Trần Thị Hiệu pháp danh kà Minh Trường (chúng tôi sẽ công bố riêng 2 bản bút văn này với bản báo ở dịp khác).
Và như vậy bà Hiệu cũng là một Phật tử được chôn cất theo hình thức thổ táng ; còn những hiện vật gì quý chôn theo bà ở đây là do người thân thương bà chôn theo, đương nhiên là ngoài ý muốn của bà. Hiện nay xác bà được lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử TPHCM.
Nhìn chung, các xác ướp trong các di mộ nói trên đều có liên quan với sự tu hành ngày xưa, đều là xác còn nguyên, đều là những người chân tu theo Phật. Có phải kỹ thuật ướp xác của tiền nhân xưa đã được cộng thêm vào đó một "siêu lực" nào đó của thế giới tâm linh nhà Phật nên các xác đó tồn tại tốt đẹp như vậy ?
Loại hình cuối cùng là mộ tháp :
Mộ tháp rất dễ phân biệt với mộ địa, vì mộ địa còn lẫn lộn với ý niệm chôn cất của Nho giáo. Mộ tháp thường dành cho các bậc chân tu trưởng thượng trong Phật giáo.
Như trên chúng tôi đã nói, khi một vì Hòa thượng nào đó qua đời thí thi thể được hỏa thiêu, tro than còn lại được gọi lá những xá lỵ (hay xá lợi). Nhưng điều đáng lưu ý ở đây là mộ tháp. Mộ tháp của tu sĩ nhà Phật là một thế giới dành riêng cho mối liên hệ tâm linh giữa trần gian và cõi Phật. Còn ngọn tháp chỉ có một ngọn duy nhất hướng thẳng về trời (đấy là Tây Trúc, đất Phật) và cũng chỉ có một ngọn đó thôi. Triết lý uyên thâm này đến nay chúng ta chưa hiểu được bao nhiêu...
Nhìn chung, văn hóa mộ táng cổ Phật giáo đã góp phần khá độc đáo vào nền văn hóa kiến trúc dân tộc còn tàng ẩn nhiều vấn đề tâm linh triết học khác, ý niệm nhan văn của con người Việt Nam thưở xa xưa rất đáng trân trọng.
Chúng tôi nghĩ rằng giới Phật tử cùng chúng tôi nên quan tâm nghiên cứu và bảo vệ các di mộ cổ có gía trị về mặt văn hóa ở nhiều mặt. Đó cũng là góp phần vào việc phát huy văn hóa của dân tộc.