watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Ô cửa hẹp - tác giả Đỗ Hải Yến Đỗ Hải Yến

Ô cửa hẹp

Tác giả: Đỗ Hải Yến

N àng đứng tựa cửa sổ. Đầu hơi chồm về phía trước. Bên ngoài tấm kính dày hai ly là những đám mây đang trôi nặng trịch trên bầu trời vần vũ cơn giông.

Nàng không nói, thỉnh thoảng húng hắng ho rồi khịt khịt cái mũi đang cảm cúm. Nàng cứ giữ yên tư thế đó hết phút này sang phút khác, giờ này sang giờ khác. Tôi cứ ngỡ chân nàng đã bị chôn cứng dưới sàn căn gác gỗ và đôi tay nàng không thể dịch chuyển khỏi khung cửa dù chỉ một li. Hơi thở nàng có lúc đứt quãng. Hình như hai hàng mi dài khẽ động đậy. Mắt nàng vẫn đang nhìn và quan sát mặc dù trước mặt luôn là cây bàng trơ lá cùng với dòng kênh quanh năm tanh nồng mùi bùn non.

Tôi nằm trên giường, chính xác là trên tấm nệm dày một tấc rưỡi trải tấm drap màu xanh cốm ngọt lịm. Tôi chỉ khẽ liếc nàng mỗi bận ti vi chuyển sang các mẩu quảng cáo nhăng nhít. Rõ ràng nàng sẽ cảm thấy nhồn nhột từ phía sau vì nàng vốn là người nhạy cảm. Nhưng hôm nay tuyệt nhiên nàng không động đậy hay nói đúng hơn mặc dù tôi cố gây sự chú ý nhưng nàng vẫn phớt lờ.

Nàng lại ho. Đôi bàn tay ôm lấy khuôn ngực. Tôi xót xa ngắm nàng run rẩy: "Em ngồi xuống đi". Nàng không trả lời, chỉ lắc đầu. "Em đang ho đấy. Cửa sổ gió lạnh". Nàng vẫn không hưởng ứng, ngay cả cái lắc đầu cũng tiết kiệm. Ti vi chuyển sang phần tin thể thao, cái mà nàng và tôi đều đặc biệt quan tâm. Tôi thầm mong nàng sẽ quay đầu lại liếc lên màn hình nhưng nàng vẫn trơ như đá. Tai nàng lắng nghe, mắt nàng thì không mảy may ngó lại. Tôi thất vọng lên tiếng: "Này em, đứng đó làm gì. Ngồi xuống đây". Lần này xem ra có chút tác dụng vì nàng đã chuyển trạng thái đứng tựa cửa sổ bằng việc ngồi xuống nệm và tất nhiên lưng vẫn quay về phía tôi, lạnh lùng.

Chiếc nệm này đã từng chứng kiến ít nhất năm lần tôi với nàng âu yếm nhau. Những lần như thế nó lại lún xuống rồi phát ra những âm thanh kỳ quặc. Không hiểu sao, càng nghe lại càng như nghiện. Thậm chí hôm nào không có nó, tôi lại trở mình liên tục vì nhớ mùi da thịt, mùi tóc ướt đẫm mồ hôi và mùi ngăn ngắt không thể gọi thành tên. Nàng hay nhắc tôi giặt drap mỗi tuần vì nàng không thể chịu được cảm giác nằm cạnh người yêu trên một tấm drap nhăn nhúm. Thường sau những giờ stress ở sở làm, nàng hay vùi đầu vào vòng tay mở rộng của tôi kể lể đủ chuyện. Những lúc ấy trông nàng giống con mèo con mắc mưa, tội nghiệp. Nhưng khi nàng tiếp chuyện với mấy tay khách hàng, nàng bỗng biến thành con cáo sẵn sàng nuốt chửng những chùm nho ngon ngọt. Tôi luôn tự nhắc mình phải xem những chuyện đó thật bình thường vì đó là công việc của nàng, nhưng thú thật là tôi khó chịu. Chuyện gì tôi cũng có thể tin trừ chuyện nàng sẽ thay đổi cách nói chuyện với mấy gã đàn ông mê ngọt.

Nàng nhỏ hơn tôi sáu tuổi. Cái thời tôi học lớp một, nàng chỉ vừa chào đời. Khi tôi vào đại học, bắt đầu biết yêu, nàng mới là cô bé cấp hai, đến trường vẫn phải có người đưa đón. Thời ấy, cái thời tôi yêu, nàng ở đâu đó. Nàng sẽ mặc váy xanh, áo trắng có thắt nơ, lưng mang ba lô hình thủy thủ mặt trăng. Tôi thì quanh năm bạc phếch quần bò, tóc tai dài thoòng, lưng vác mấy cái giá vẽ từ góc chùa này đến góc nhà thờ khác. Sau lưng tôi là cô bạn học cùng khóa với nước da đặc trưng con gái Hà thành, sống mũi cao, cặp chân dài sẵn sàng duỗi ra cho tôi tựa đầu tìm cảm hứng hội họa.

Chúng tôi yêu nhau suốt năm năm mài nhẵn ghế Đại học Mỹ thuật. Có nhiều lúc tôi cứ ngỡ cô ấy là cây bút sắt hiệu pentel hay hộp màu đắt tiền mà tôi đã may mắn sở hữu. Thế cho nên, chẳng có thằng sinh viên nào đủ khả năng để mắt tới, huống chi sử dụng. Tất nhiên, cô ấy luôn tự hào khi được trở thành người yêu của tôi. Dễ gì kiếm được một thằng đàn ông vừa vẽ ra những bức tranh tê người, vừa lạnh lùng, vừa mãnh liệt, vừa biết cách làm cho phụ nữ chạy theo một cách tự nguyện.

Chúng tôi yêu nhau thật lòng. Tôi hay nói với cô ấy, tôi sẽ kiếm thật nhiều tiền, sắm thật nhiều xe hơi, xây thật nhiều nhà cao tầng và đẻ thật nhiều những đứa con cũng biết biến kiến thức thành tiền như bố mẹ chúng. Mỗi lần như thế, cô ấy lại cười, nụ cười tin tưởng tuyệt đối vào anh chàng người yêu hai mươi đang trắng tay.

Hai mươi ba tuổi, tôi tốt nghiệp loại trung bình. Mấy ông thầy được mệnh danh là họa sĩ già không thể nào cảm được tác phẩm đầy sáng tạo của thằng đàn ông hai mươi ba hừng hực sức sống. Sau hai năm lăn lóc ở năm công ty lớn nhỏ trên đất Hà, tôi quyết định ôm tác phẩm của mình vào Sài Gòn lập nghiệp. Trước ngày đi, cô người yêu khóc ướt đẫm vai áo. Chúng tôi chẳng nói với nhau điều gì ngoài lời hứa "Anh sẽ thường xuyên liên lạc với em".

Khi tôi đặt chân vào Sài Gòn, nàng vừa tròn mười bảy. Nàng đã bắt đầu biết làm điệu. Nàng hay ngồi thẫn thờ vì tiếng đàn của anh chàng chung lớp cho đến khi nàng phát hiện, hình như người đàn ông của nàng thuộc một hình mẫu khác. Đó là thời điểm nàng bước qua tuổi mười chín.

Cũng trong thời khắc ấy, gia đình hối thúc tôi trở về cưới vợ. Trong chuyến tàu ra Hà Nội chuẩn bị cho đám cưới, tôi cứ bị ám ảnh bởi mấy cái hợp đồng dang dở. Tôi nhớ tới chỗ ngồi mát lạnh mỗi sáng, khi cô thư ký bảo "Tranh của anh vừa được ngã giá" thì trong tích tắc tôi có thể biết nó đáng giá bao nhiêu. Nhưng giờ tôi đang trên đường trở về để cưới vợ. Cưới vợ nghĩa là chấm dứt cuộc sống bay nhảy, chấm dứt dự định mua nhà, mua xe và thành lập một công ty chuyên cung cấp những bức tranh tê người. Nhưng tôi không thể nhảy xuống tàu để quay lại Sài Gòn vì khi tôi mở mắt ra sau hai ngày nằm vùi trên tàu, trước mặt tôi là cô người yêu, mà không, là người tôi sắp cưới làm vợ. Cô ấy nở nụ cười thật tươi khi nhìn thấy tôi, còn tôi cũng cười nhưng nụ cười như bị dính chặt vào môi bởi loại keo màu đắt tiền nào đó.

Những ngày tiếp theo, chúng tôi bận rộn chuẩn bị cho lễ cưới. Hầu như thời gian không có để tôi và cô ấy trò chuyện. Hình như, người ta sẽ chẳng cần nói gì khi tin rằng người trước mặt sẽ thuộc về mình, và phải chăng đó là sai lầm chung của đàn bà, luôn tin tưởng một cách mù quáng.

oOo

Khi ngày cưới chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, tôi bắt đầu hoảng sợ. Sợ gặp cô vợ sắp cưới, sợ đối diện với hàng tá lời chúc mừng của bạn bè, dòng họ. Tôi vùi đầu vào rượu, be bét đến gần sáng và ngủ vùi cho hết trưa hôm sau. Bố tôi cho rằng con trai của ông đang rơi vào tâm trạng chuyển giai đoạn sang đàn ông nên cứ để cho nó tung hoành mấy ngày còn lại. Ông hoàn toàn không thể tưởng tượng tôi đang muốn bỏ chạy, chạy thật xa, trốn khỏi cái trách nhiệm trở thành chồng.

Cuối cùng, tôi cũng thu hết can đảm để thú nhận với bố rằng tôi không thể cưới vợ trong lúc này. Bố tôi hầu như bất động trên ghế, cho đến khi tôi thấy mặt mình nóng bừng lên, mới biết đó là cái tát của ông dành cho tôi sau hai lăm năm. Dù thế nào thì điều đó cũng nhẹ nhàng hơn việc tôi phải hứng chịu sự ghẻ lạnh của mọi người.

Tôi trở vào Sài Gòn một ngày sau Tết. Trên chuyến tàu hôm ấy, tôi gặp em. Em nhỏ hơn tôi ba tuổi nhưng cách nói chuyện lại muốn thể hiện hơn tôi cái đầu. Em lý luận nhiều, thường hay thích đón đầu suy nghĩ người khác và luôn chứng tỏ sự tự tin của mình một cách kiêu ngạo. Quãng đường từ Hà Nội vào Sài Gòn đủ để tôi biết em đang làm gì, ở đâu, hoàn cảnh gia đình thế nào. Trước khi rời ga, em đầm ấm: "Khi nào cần thì gọi em nhé".

Tôi đã không gọi em như những người đàn ông khác hay làm vì tôi thấy không cần và thời gian cứ thế trôi đi. Có thể một lúc nào đó, em sẽ trông thấy tôi với chiếc Vespa cổ thấp thoáng bên nhà thờ Đức Bà hoặc thoảng chừng, em sẽ lướt qua tôi trong dòng người đông đúc một buổi thứ bảy đẹp trời nào đó. Thế nhưng như lời em nói, tôi chính là số phận của em nên em không dễ gì bỏ qua. Em chủ động gọi và mời cà phê, lý do là để xem anh chàng Hà Nội sống sao trong cái đất Sài Gòn này.

Sau vài cuộc hẹn hò, vài chục tin nhắn, vài trăm cuộc gọi, bất ngờ có, sắp đặt có, tôi và em chính thức yêu nhau. Khi ấy, vết thương hủy hôn đã trải qua cơn đau mười ba tháng. Tôi chẳng có gì phải giấu em về việc tôi đã từ bỏ người phụ nữ yêu tôi suốt năm năm trời. Giờ thì tôi đã tìm được câu trả lời cho "tình huống" này, về sau tôi nghiệm ra rằng, mình gặp khá nhiều tình huống trong cuộc đời mà trớ trêu thay mọi lời giải đều giống nhau. Đó là, tôi yêu bản thân nhiều hơn mọi thứ.

Nhưng em không quan tâm tới điều đó, vì em khẳng định em yêu tôi chứ không yêu quá khứ tôi. Cho nên, dù tôi có hủy hôn cả chục lần cũng không có gì quan trọng.

Những ngày tháng đầu yêu nhau, cả hai hoàn toàn hài lòng với những gì đang có: tình yêu, công việc..., mọi thứ đều chạy tốt về phía trước. Tôi dự định (những dự định như thế thường ập đến trong lúc tôi hưng phấn), sẽ cưới em khi chúng tôi tích trữ được một số tiền kha khá. Mặc dù em thuộc tuýp người phụ nữ không thích ràng buộc, nhưng em đã đồng ý tôi sẽ là người đàn ông cuối cùng.

Khoảng thời gian tiếp theo, tôi hùn vốn mở công ty với thằng bạn. Em nhảy vèo từ cô thư ký chạy việc lên trợ lý giám đốc và bận bịu với những cuộc quảng bá thiết bị mới, những chuyến công tác xa. Thằng đàn ông của tôi cứ gặp công việc là lao đầu vào, thậm chí mãnh liệt hơn cả lao đầu vào em mỗi lần cao hứng.

Hình như em chưa bao giờ hiểu được điều đó. Hay nói đúng hơn em không thể tưởng tượng một người họa sĩ khi tập trung vào công việc thì sẽ thế nào, phụ nữ đối với họ khi ấy vô nghĩa ra sao. Em bắt đầu phàn nàn về những tối tôi ở lại công ty đến quá mười một giờ, những bữa em phải la cà với bạn bè thay vì được người yêu đèo đi dạo phố. Tôi thuộc dạng không có thói quen chiều chuộng phụ nữ, việc gửi hoa, tặng quà hay một tin nhắn khiến các cô bủn rủn tay chân không thuộc trường phái của tôi. Bù lại những điều đó, em có quá nhiều việc phải quan tâm, những cuộc hẹn với khách hàng, đối tác, những gã chỉ có thể uống Hennessy và ăn nhà hàng chuẩn.

Có nhiều đêm, tôi đón em với đôi vai nặng trịch, ngà say và thoảng mùi rượu mạnh. Em uống rất khá. Thường thì em không bao giờ say trước mặt đàn ông. Thế nên, tôi không quá lo lắng và cũng như không có lý do gì để ghen, vì em tự tin những thứ đó đều là chuyện nhỏ, em có thể kiểm soát được.

Nhưng những cái em tự tin kiểm soát tốt đều có thể đúng, và em sai duy nhất một trường hợp rất nặng nề, cả cuộc đời, đó là tôi - người đàn ông của em. Sau những cuộc cãi vã, tranh luận về quan điểm, tôi không thể nào tiếp tục yêu em, hay nói đúng hơn, tôi sợ lặp lại chuyện hủy hôn một lần nữa, vì lần này tôi không tự tin sẽ giải quyết mọi chuyện một cách ít ảnh hưởng nhất.

Em bị sốc. Lẽ dĩ nhiên, vì trước đó không lâu tôi còn ủng hộ em số tiền khá lớn mua một miếng đất ngoài quận chín. Tôi tránh gặp em suốt những ngày sau đó, không bắt điện thoại, không trả lời tin nhắn, không đọc email...

Em tìm mọi cách gặp tôi. Tôi chuyển nhà trong tận cùng ngõ hẻm em cũng mò ra. Em khóc lóc, van xin rồi chuyển sang hăm dọa, nhắn những tin khiến tôi phải thót tim vì sợ. Tình yêu mà tôi dành cho em (tất nhiên là có thứ tình yêu đó) đã chuyển sang nỗi day dứt, sợ hãi vô hình. Em càng chao đảo, càng níu kéo thì tôi càng cuống cuồng và muốn lùi xa. Không ngày nào tôi trở về nhà trước mười hai giờ vì sợ sẽ nhìn thấy em đứng chờ ngay con hẻm.

Tất cả bắt đầu xáo trộn. Tôi trốn những cú điện thoại như trốn nợ và làm cuộc tháo chạy tương tự hai năm về trước.

oOo

Trong khi bi kịch cuộc đời thằng đàn ông hai mươi tám đang lên đến đỉnh điểm thì nàng cũng chông chênh không kém. Nàng vừa chia tay anh người yêu chưa đầy hai tháng, cái gã mà có lúc nàng tưởng chính là người sẽ cùng nàng đi đến hết cuộc đời. Nàng bắt đầu làm lại "bộ mặt mới" sau một ngày tự an ủi, tự phán xét và tự cho ra quyết định về tình yêu của mình.

Sáng ra, nàng vẫn tung tăng váy ngắn đến sở làm, lao đầu vào việc từ sáng đến tối. Các hợp đồng của công ty cứ thế chạy đều đều như thể người chịu trách nhiệm về nó đang tận cùng hạnh phúc. Tôi biết nàng bất ổn, vì thi thoảng sau cánh cửa màu xanh lơ, tôi thấy mi mắt nàng sụp xuống. Nó nặng trĩu những toan tính, biến cố và khao khát điều gì đó rất rõ ràng mà cũng không rõ ràng. Cứ thế, nàng hay cười, thậm chí cười lớn hơn mọi khi, có lúc còn cao hứng kể chuyện tiếu lâm mặn cho đám nhân viên thực tập. Tôi chỉ quan sát nàng theo kiểu cấp trên quan sát cấp dưới. Mỗi ngày nàng sẽ vận một bộ váy mới, một sợi dây đeo cổ mới và một màu son mới. Những sắc màu bao quanh nàng khiến tôi không thể tập trung vào bản vẽ, nó làm xáo trộn những ý tưởng trong đầu và vô tình thôi, tôi lại vẽ ra gương mặt nàng thay vì vẽ một thiếu nữ bên hoa hồng, hoa huệ... như đơn đặt hàng.

Đến bây giờ, tôi hoàn toàn không tưởng tượng nàng đã bước vào cuộc đời tôi như thế nào. Nguyên do nào khiến nàng xuất hiện nhiều trong tranh vẽ của tôi và vì đâu mỗi lần nhìn ra cửa sổ tôi lại thấy dáng nàng thấp thoáng. Tôi càng không thể lý giải vì sao tôi có thể nhắn một cái tin sướt mướt đến độ khi đọc lại tôi cứ tưởng của một thằng nhãi ranh mới chập chững yêu nào đó.

"Em sao thế? Lại đây". "Em thật là khó hiểu. Càng ở bên em, anh càng thấy mình như đi trong bóng tối, không thể nào nắm bắt em đang nghĩ gì, muốn gì?". "Nói gì đi chứ? Im lặng như thế em dễ chịu lắm ư?".

Nàng khẽ động đậy. Hình như tấm drap đã hơn hai tuần chưa giặt nên khiến nàng khó chịu. Nàng đưa tay vuốt tóc, đó là cách nàng hay làm mỗi khi lúng túng. Lâu thật lâu, nàng khó nhọc lên tiếng: "Anh này...". Cuối cùng thì nàng cũng chịu mở miệng. "Sao? Em nói đi!". "Nếu bây giờ mình có con, anh sẽ...?". Tôi ngồi phắt dậy, chưa đợi câu hỏi của nàng kết thúc: "Em nói sao? Chúng mình có con ư?". Nàng đáp nhẹ như gió: "Ừ!". Tôi luống cuống chồm tới bên nàng, ép nhẹ khuôn mặt thất thần của nàng vào lồng ngực: "Em đừng lo, chúng mình cưới nhé...". Tôi vừa dứt câu, nàng đã quay phắt: "Anh nói sao? Cưới ư? Làm sao mà cưới được. Gia đình hai bên chưa biết chúng ta đang yêu nhau. Thậm chí bạn bè cũng không biết. Làm thế nào có thể đột nhiên mà cưới hả anh?". Xem ra cách đặt câu hỏi của nàng vô cùng bình tĩnh. Nó khiến tôi có cảm giác nàng đã chuẩn bị sẵn cách giải quyết cho tình huống này: "Thế bây giờ em tính sao? Mà chuyện đó đã chắc...". "Em không biết nhưng em trễ gần ba tuần rồi...”. "Hay là do mình uống thuốc hoặc có thể em căng thẳng trong công việc nên...". "Em rối lắm. Anh đừng hỏi em gì nữa...". "Anh xin lỗi, anh... anh sẽ... Em đợi anh ở nhà nhé. Anh chạy ra nhà thuốc...". "Để làm gì?". "Chúng ta cần phải biết chính xác để tính tiếp em à".

Ngoài đường, trời bắt đầu chuyển mưa. Tôi chạy một mạch qua hai ngã tư và dừng lại trước hiệu thuốc. Khi ấy, nàng cũng mỏi mệt, buông mình xuống tấm nệm xanh cốm, trên vai vẫn còn mang chiếc túi xách màu rêu xám ngoét. Nàng đang hình dung về ngày mai vì nàng không dám hình dung về một khoảng thời gian nào xa hơn thế. Mà không, chẳng cần gì đến ngày mai. Chỉ một chút nữa thôi, khi tôi trở về, mọi câu hỏi sẽ được giải đáp. Nàng sẽ biết ngày mai mình làm gì, có mặt ở đâu?

"Gió lạnh lắm, bên ngoài mưa rất to. Anh khép cửa lại nhé!". "Không, anh đừng khép. Cứ để đó cho em, em muốn hưởng chút gió trời". "Ừ, nhưng em ngồi xích lại đây, áo xống mỏng manh thế kia...". Tôi dìu nàng vào trong. Trông nàng như vừa trải qua một cơn sốt cao độ. "Cách thử này rất đơn giản... ngoan nhé em". Nàng ép sát đầu vào ngực tôi, tựa như sợ tôi bắt nàng làm một việc gì đó thật kinh khủng. "Kìa em, đơn giản thôi mà. Nhanh đi, anh đợi ở đây". Nàng lí nhí: "Anh ơi, lỡ như...". "Chúng ta sẽ cùng nhau giải quyết, em đừng lo, tin anh đi mà".

Nàng đã dịch chuyển. Đầu tiên nàng nhổm dậy, bỏ cái túi xách lên sàn, chỉnh lại váy áo và đi về hướng toa-lét. Nàng đã vào trong đó được ba phút. Tôi nhìn trân trân vào đồng hồ vì không biết nhìn vào cái gì trong lúc này. Năm phút, sáu phút, bảy phút rồi mười phút trôi qua. Cánh cửa rục rịch, nàng bước ra, trên tay là cái lọ nhỏ. Tôi nhoẻn miệng cười trấn an nàng - một nụ cười rất khó coi. "Xong rồi hả em? Ngồi xuống đây. Chúng ta cùng chứng kiến giờ phút này nhé". Nàng lặng lẽ nép sát vào tôi. Hai bàn tay nàng lạnh ngắt, môi nàng mấp máy điều gì đó rồi chìm vào khoảng không lẫn chung với dung dịch màu vàng nhợt nhạt trước mặt. Tay tôi bắt đầu run khi nhúng cây que thử. Tôi khẽ đặt lên má nàng một nụ hôn, khó mà có thể định nghĩa nụ hôn đó mang ý nghĩa gì. "Ít phút sau chúng ta sẽ biết kết quả, cái này chính xác chín mươi phần trăm đấy em...". Nàng không nói gì, mắt chăm chăm theo dõi cây kim phút trên cái đồng hồ đeo tay bé tẹo. "Xong rồi! Như thế này thì... thì... không có em ơi". Tôi bất giác reo lên như đứa trẻ. Cơ mặt nàng cũng dần giãn ra, hai mắt chớp nhẹ: "Có chắc không anh?". Tôi vuốt nhẹ tóc nàng: "Chắc chứ! Mà thôi để anh thử lại thêm lần nữa".

Lần này, nàng có vẻ thoải mái hơn trong việc tính phút cho tôi. Và khi đã biết đích xác không có đứa con nào trong bụng nàng, tôi nhấc bổng nàng lên, ném xuống chiếc nệm dày một tấc rưỡi màu xanh cốm, động tác quen thuộc vẫn thường làm.

Sáng, nắng chiếu qua ô cửa tối qua nàng không chịu khép. Nắng bò lên mặt, nhởn nhơ trên tấm chăn cuộn tròn thằng đàn ông vừa bước qua cơn ác mộng. Trong tin nhắn đầu ngày của nàng là hình một đứa bé đang cười toe toét: "Anh ơi, chẳng lẽ chúng ta thế này mãi sao? Đêm qua em mơ thấy mình làm mẹ, làm mẹ của những đứa trẻ không rõ hình hài".

Tôi kéo chăn trùm kín mặt. Nóng bức quá, khó chịu quá, tù tùng quá. Tôi muốn tung chăn chạy ra ngoài, chạy đi đâu đấy khỏi căn phòng có màu cốm xanh này. Nhưng nàng đang đứng ngay cửa sổ. Mắt nàng rũ xuống đôi hàng mi dài và vòm ngực thấp thỏm những hơi thở đứt quãng, day dứt. Tôi thấy nàng pha màu cho tôi. Nàng đề nghị tôi vẽ bức khỏa thân thiếu nữ đang mang bầu. Nàng nói, khi ấy người phụ nữ sẽ đẹp nhất trong cuộc đời mình. Tôi nhất mực từ chối. Nàng hất tung giá vẽ rồi ném bảng màu lên bức tường, loang lổ.

Bên ô cửa sổ, phía trước là cây bàng và dòng kênh đen quanh năm tanh mùi bùn non, tôi thấy dáng nàng trôi, trôi đi, trôi đi rồi rơi tõm vào khoảng không của thứ nước màu vàng quánh đặc đêm qua...