watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Bát Trận Đồ - tác giả Đỗ Phủ Đỗ Phủ

Bát Trận Đồ

Tác giả: Đỗ Phủ

八陣圖– 杜甫
功蓋三分國,
名成八陣圖。
江流石不轉,
遺恨失吞吳。


Tạm Dịch:
Công cái tam phân quốc,
Danh thành Bát trận đồ.
Giang lưu thạch bất chuyển,
Di hận thất thôn Ngô.
Triển Khai:
Công cái thế định nên Tam quốc,
Bát trận đồ, Cát Lượng lừng danh.
Sông nước đá, còn trơ trơ đó,
Lưu chúa hận, thất chiếm Đông Ngô.
Bản dịch - Trương Văn Tú


A. Tóm Lược Tiểu Sử Tác Giả:
Đỗ Phủ (công nguyên 712-770) thuộc đời nhà Đường, tự Tử Mỹ, sinh quán nơi huyện Củng, tỉnh Hà Nam (nay thuộc thị xã Củng Nghĩa, huyện Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam.) Thuộc dòng dõi quan tước đời nhà Tấn, và là cháu của nhà thơ nổi tiếng Đỗ Thẩm Ngôn. Tổ tiên sinh quán tại thành Tương Dương, Hồ Bắc sau di cư về Hà Nam.


Đỗ Phủ còn được mệnh danh là Đỗ công bộ (là do chức kiểm úy công bộ) (1), Đỗ thập di (là do chức tả thập di) (2), còn được hiệu là Thiếu Lăng Dã Lão. Thế hệ của ông là thế hệ bắt đầu khúc quanh lịch sử của nhà Đường. Từ sự hưng thịnh, phồn vinh, bước dần đến sự suy thoái, trụy lạc của nhà Đường là do sự ăn chơi hoan lạc, vô cần chính sự của nhà vua, tham ô lộng quyền của Thừa tướng Dương Quốc Trung, anh chú bác của Dương Quí phi (Dương Ngọc Hoàn), tạo nên 8 năm (755-763) chiến tranh với loạn Hồ, An Lộc Sơn và Sử Tư Minh.


Nơi đây, ta cũng không quên được những câu chuyện truyền thuyết của Đường Minh hoàng (Đường Huyền Tông - Lý Long Cơ) cùng với Dương Quí phi, và chị Hằng Nga ….


Đỗ Phủ tư chất thông minh, năm ông 7 tuổi đã biết làm thơ, năm 13 tuổi thì đã biết thư pháp và hội họa. Từ những bối cảnh chiến tranh cho đến sự hoan lạc của nhà vua, lạm quyền của thừa tướng, cộng với sự phóng túng và tình tiết của ông, làm cho thơ ông tràn đầy lòng thương dân, yêu nước chẳng hạn như trong “Xuân Vọng”:


國破山河在,
城春草木深。
感時花溅淚,
恨别鳥惊心。
…..


Quốc phá sơn hà tại,
Thành xuân thảo mộc thâm.
Cảm thời hoa tiện lệ,
Hận biệt điểu kinh tâm.
…….


- Xuân Vọng, Đỗ Phủ
Nước mất nhà tan kìa sông núi,
Kinh thành cỏ dại mọc sum sê.
Nhìn hoa hoang dại sầu rơi lệ,
Chim kêu hoảng sợ hận biệt ly.
Bản dịch – Trương Văn Tú


Bài thơ Xuân Vọng của ông mang cho tôi một hoài cảm đến nữ sĩ Huyện Thanh-Quan trong bài “Thăng Long Thành Hoài Cổ”
…..
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.
…..
- Thăng Long Thành Hoài Cổ, Huyện Thanh-Quan
Hay trong bài “Qua Đèo Ngang” diễn tả lòng yêu nước của bà
…..


Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.
Dừng chân đứng lại trời non nước,
Một mảnh tình riêng ta với ta.
- Qua Đèo Ngang, Huyện Thanh-Quan
Trong bài “Binh Xa Hành” Đổ Phủ diễn tả sự ra đi chinh chiến của người cha, người chồng, con, với sự tiễn đưa vội vả của mẹ già, vợ trẻ, con thơ


車轔轔,馬蕭蕭,
行人弓箭各在腰。
耶娘妻子走相送,
塵埃不見咸陽橋。
….
Xa linh linh, mã tiêu tiêu,
Hành nhân cung tiễn các tại yêu.
Dã nương thê tử tẩu tương tống,
Trần ai bất kiến Hàm Dương kiều.
…….
- Binh Xa Hành, Đỗ Phủ



tạm dịch:
Ngựa xe rầm rộ bốn phương,
Chinh nhân cung tiễn thắt liền ngang lưng.
Mẹ già, con trẻ, vợ thương,
Trần ai đưa tiễn Hàm Dương chân cầu.
……
Bản dịch – Trương Văn Tú
Hình như thi sĩ Đặng Trần Côn, dưới triều vua Lê Dụ Tôn, trong thi khúc “Chinh Phụ Ngâm” đã dùng nhiều ý của Đỗ Phủ như
“….
Đường giong ruổi lưng đeo cung tiễn,
Buổi tiễn đưa lòng bận thê noa.
….”
rồi lại
“….
Tiếng nhạc ngựa lần chen tiếng trống,
Giáp mặt rồi phút bỗng chia tay!
Hà lương chia rẽ đường này,
Bên đường trông lá cờ bay bùi ngùi.
…..”
- Chinh Phụ Ngâm, nguyên tác Đặng Trần Côn
dịch giả từ Hán sang Nôm: không rõ nguồn (3)
Nói tóm lại, thơ Đỗ Phủ ghi lại những giai đoạn lịch sử, và diễn tả trung thực của xã hội trong thời suy thoái, loạn lạc của Đại Đường, phản ảnh và châm biếm sự trụy lạc của triều đình. Vì thơ ông mang những dòng sự kiện của lịch sử triều đại nên người đời xưng thơ ông là “Thi Sử” và ông là “Thi Thánh”. Chúng ta cũng không nên quên rằng Lý Bạch, người đời cho ông là “Thi Tiên”, là bạn tâm giao của Đỗ Phủ tuy rằng họ cách nhau trên dưới 12 tuổi. Đôi khi chúng ta cũng thường nghe “đại Lý Đỗ”, ý chỉ Lý Bạch và Đỗ Phủ. Còn “ tiểu Lý Đỗ” ý chỉ Lý Thương Ẩn và Đỗ Mục (Hậu Đường.)


B. Bát Trận Đồ - Bối Cảnh Thiên Nhiên và Địa Lý
Bài thơ được viết khi Đỗ Phủ đến sông Mai Khê nơi giáp với dòng sông chính Trường giang, còn được gọi là sông Dương Tử.
Sông Trường giang dài 6403 km, là dòng sông lớn hàng thứ ba trên thế giới cùng với lượng nước. Thường ta gọi sông Dương Tử là để chỉ sông Trường giang ở mạn Nam Trung Quốc như các tỉnh Chiết Giang, Tô Châu. Sông Trường giang phát nguồn từ cao nguyên Thanh Tạng, chạy dọc về phía Nam, tỉnh Tứ Xuyên (nơi động đất 5/12/2008), Tây Tạng, Vân Nam, rồi trở ngược về phía Đông Bắc Trung quốc,
“Vọng Trường Giang cuồn cuộn chảy về đông”
- Niệm Nô Kiều (Xích Bích Hoài Cổ), Tô Đông Pha (Tô Thức)
đổ vào Trùng Khánh, Hồ Bắc, Hồ Nam, giang Tây, An Huy, Giang Tô, Thượng Hải, rồi ra Đông Hải, Thái Bình Dương.


Một điểm đặc thù trên dòng sông Trường giang mà ta không thể không thể nào nhắc đến đấy là Trường giang tam hiệp (Three Gorges Dam.) Trường giang tam hiệp nằm ở vị trí Trung nguyên Trung Quốc, là một đoạn sông Trường giang chạy dài từ Trùng Khánh cho đến Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc.


Trường giang tam hiệp không những là nơi địa linh nhân kiệt, tranh hùng tranh bá, còn là chứng nhân của trận chiến vô tiền khoáng hậu như Bát trận đồ, Xích Bích, rồi đến ngoại xâm cận đại - Đế quốc Nhật Bản (Trùng Khánh và Nam Kinh.)


Trường giang tam hiệp còn là một nơi “bồng lai tiên cảnh” “thiên ngoại hữu thiên”, và là một nơi lý tưởng cho các thi sĩ. Nơi đây đôi khi ta vẫn còn thấy được những bài thơ bất hủ của những nhà đại thi sĩ, văn hào vẫn còn ghi lại trên bia đá với dòng chữ viết cổ Trung Quốc như Lý Bạch, Từ Thức, Đỗ Mục, Bạch Cư Dị ....


Trường giang tam hiệp kết hợp bởi Cù Đường hiệp, Vu hiệp (bởi núi Vu Sơn), và Tây Lăng hiệp. “Hiệp” là gì? “Hiệp” theo chữ Hán có nghĩa là cái hẽm, đèo, hay cái khe nhỏ cách đôi bởi hai, hay nhiều ngọn núi. “Tam hiệp” nầy tạo bởi những vách núi cao ngàn mét, với những ngọn đèo cao hiểm trở, trùng trùng điệp điệp, sừng sững giữa trời, cộng vào nước sông Trường giang cuồn cuộn đổ vào, khiến cho dòng sông càng chảy mạnh hơn.


Cái khe nhỏ nhất thì không dài qúa hơn 100 m thì lại nằm ở Cù Đường hiệp, do đó tốc độ nước đổ nơi đây cực mạnh. Sông Mai Khê nằm ở giữa hai thị trấn Phong Tiết và Bạch Đế thành, và liền với Cù Đường hiệp. Mùa hè nước có thể dâng cao hơn trăm thước và tạo nên những cơn sóng lớn, với những cơn gió lốc thổi vào những con đường hầm quanh co, khúc khỷu của những triền núi cao hiểm trở.


Tôi cố ý đưa đọc giả vào sự thiên nhiên, và bối cảnh địa lý để chúng ta có thể tham hiểu, và dễ dàng phân tích về Bát Trận đồ của Khổng Minh ở phần sau nầy.


C. Bát Trận Đồ - Giảng Dịch và Bối Cảnh Lịch Sử


Đỗ Phủ du ngoạn đến nơi Ngư Phục Bô, sông Mai Khê, nay thuộc huyện Phong Tiết, thành phố Trùng Khánh, hoài cảm cổ nhân nên phát họa bài thơ “Bát Trận Đồ.” Thơ thuộc dạng ngũ ngôn, hay năm chữ. Mở đầu bằng sự cảm phục của ông đối với Gia Cát Lượng, Khổng Minh
“Công cái tam phân quốc”
tạm dịch:
“Công cái thế định nên Tam quốc”
Ý chỉ Gia Cát Lượng phù trợ Lưu Bị, nước Thục để tạo thành ba nước cục diện - Ngụy, Thục và Ngô. “Công cái” có nghĩa là “công lao cái thế” tài cán vô song, trong đương thời không có ai sánh bằng. Ông là một vị khai quốc công thần của nhà Thục.
Tiếp đến Đỗ Phủ lại diễn tả sự tài ba đảm lược của Gia Cát Lượng
“Danh thành Bát Trận Đồ”
tạm dịch:
“Bát Trận Đồ Cát Lượng lừng danh”
cùng với Bát Trận đồ có sức đẩy lui mười vạn tinh binh của Ngô quân Đô đốc Lục Tốn (tự Lục Bá Ngôn.) Nơi đây Đổ Phủ dùng chữ “Tam phân quốc” đối với “Bát Trận Đồ” là một tuyệt xảo đối chữ làm thơ của Đỗ Phủ.
Tôi cũng muốn thêm vài dòng lịch sử của “Bát Trận Đồ” tại sao có được, và ở trong trường hợp nào.


Sau khi Quan Vân Trường trúng kế của Lục Tốn đánh mất Kinh Châu, vội vã lui quân về Mạch thành lại bị hai tướng thái thú phản đồ, Lộc Phương và Phó Sĩ Nhân, đóng cửa thành nên tiếp tục lui quân từ Ninh Hạ về Giang Lăng, giữa đường bị phục kích của đội quân Ngô, Phan Chương, cùng sự truy sát của quân Ngụy hợp sức. Quan Vân Trường cùng con là Quan Bình bị vây khốn. Bởi sự cao ngạo “anh minh thần võ”, mang lại sự bất cẩn và khinh địch của Quan Vũ, ông cùng con Quan Bình phải bỏ mạng nơi tuyết lạnh xa trường, đầu thì ở Bắc, thân lại ở Nam.


Lưu Bị đau lòng mất đi lý trí, phá hỏng sách lược “kết Ngô phạt Ngụy” của Khổng Minh, đem bảy mươi vạn quân chinh phạt Đông Ngô. Cuối cùng lại phải xa vào bẩy của Lục Tốn một lần nữa. Lục Tốn nhẫn nại không ra ứng chiến mà chỉ cần đợi vào mùa hè khi “đồng khô cỏ cháy”. Quân Thục thiếu nước tất phải lui về chân núi. Lưu Bị lại kém tài về chiến lược lại cho doanh trại liên kết lẫn nhau. Đây là điều tối kỵ của binh gia, và là một điều tối thiểu cơ bản mà các binh gia phải biết mà nên tránh. Với rừng núi khô héo chỉ cần một trận hỏa công cả bảy mươi vạn quân Thục chiến bại không còn manh giáp.


Mã Lương vội vã về Trường An gặp Cát Lượng. Cát Lượng lịnh cho Mã Lương nên rút quân về Bạch thành để giữ toàn tánh mạng Lưu chúa công. Chính ở giữa đoạn đường này, ở Ngư Phục Bô, sông Mai Khê, Cát Lượng lợi dụng sự thiên nhiên của trời đất (thuận thiên) và địa hình (ứng thời) và tâm lý của Lục Tốn (y nhân) để tạo nên bát trận đồ.


Lục Tốn truy đuổi Lưu Bị đến nơi và bị chặn lại những tảng đá được sắp xếp như một thế trận, cát bụi mù mịt, tựa như trăm ngàn quân lính vượt qua nơi nầy, sát khí đằng đằng. Lục Tốn hoang mang, lại e dè cho đội thám sát lần thứ hai, nhưng chỉ thấy những tảng đá không người. Lại cho người hỏi thì lại biết là do Cát Lượng bài trận. Lòng lại càng sợ hãi hơn bởi uy danh của Cát Lượng. Nhưng Lục Tốn đâu có biết đấy chỉ là cát bụi ở dòng sông bị những cơn gió to sóng lớn thổi tạc vào. Các tướng thì lại bảo ấy chỉ là những tảng đá vô tri giác. Giá như lúc ấy Lục Tốn có ống viễn vọng kính thì sẽ rõ ràng hơn mà không ngần ngại cho quân tiến vào thì chắc có cơ hội để bắt sống Lưu Bị mà lập nên công lớn.


Cho đến chiều tối Lục Tốn cho quân tiến vào. Thường các binh gia nghĩ rằng tấn công vào đêm ít nhiều cũng khó bị phát hiện hơn. Cát Lượng rõ điều này hơn ai hết. Đây là tâm lý của các binh gia. Cát Lượng càng hiểu rõ khi càng về chiều sông Trường giang lại càng lên cao, nhất là vào mùa hè nóng bỏng da người, sóng càng vỗ mạnh tạo những sương mù, gió lại càng thổi to tạo nên những âm thanh quái dị bởi những đường hầm gió (wind tunnel) của những triền núi lân cận.


Sóng to, gió lớn là một hiện tượng cân bằng sức hấp dẫn (gravity effect) của địa cầu và nguyệt cầu. Âm thanh lại càng quái dị (sound effect) hơn khi sóng, gió, cát bụi lại phải vượt qua những tảng đá bát trận đồ nầy. Tựa như có cả trăm binh vạn mã. Sương mù (do nước tạt lên những tảng đá), cùng với cát bụi do những trận gió to đưa vào, phải làm cho Lục Tốn không còn phương hướng. Nếu như, Lục Tốn vào lúc ban ngày hay trưa thì hiện tượng nầy chắc không có lẽ xảy ra , và sẽ dễ dàng thoát ra nếu có kim chỉ nam.


Còn sự huyền bí của bát quái thì tôi không giải thích được. Cũng như không ai có thể giải thích được Kim Tự Tháp ở Ai Cập, ngoài trừ những giả thiết không chắc chắn. Dầu sao, nếu có cơ hội được đi vào bát quái trận thì tôi cũng phải thử xem một lần cho biết, để xem sự thiên biến vạn hóa của bát quái trận nhưng thể nào, nhưng đừng quên mang theo GPS (global position satellite), kim chỉ nam trong trường hợp GPS mất sóng của vệ tinh nhân tạo, và cây đèn bin….


Theo như tác giả La Quán Trung – Tam Quốc Chí, thì Lục Tốn không may mắn bước vào cửa Tử của Bát quái trận nên không thoát ra được tử vong. Nhưng may mắn thay lại được nhạc phụ của Gia Cát Lượng, Huỳnh Trình Nhan dẫn dắt ra khỏi được trận hình nầy.


Theo tôi có lẽ tác giả cố ý thần kỳ hoá Khổng Minh về Bát Trận đồ để cho câu chuyện thu hút, và hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, ta không thể phủ nhận sự tài cán, đa mưu và trí lược của Cát Lượng với sự tỉ mỉ, quan sát, và sự phối hợp của thiên nhiên, và thời điểm.


Cát Lượng không những là một nhà thiên văn địa lý, chiến lược gia, chính trị gia mà ta phải xem ông ta là một nhà đại Tâm Lý, chuyên gia về “tâm lý sợ hãi” (psychoanalysis) của con người. So với nhà phân tâm học Sigmund Freud cận đại, Mr. Freud ắt phải bái Cát Lượng làm sư.
“Giang lưu thạch bất chuyển”
Ý nói khi trời trở Đông, nước sông Trường giang hạ xuống cho dầu vạn vật thay đổi thì ta vẫn còn thấy những 64 tảng đá của bát trận đồ mà ngày xưa Cát Lượng đã dùng để đẩy lui trăm vạn tinh binh của quân Ngô mà không cần một tên chốt. Chữ “thạch” kết liền với Khổng Minh nơi đây với một tằm sâu sắc của Đỗ Phủ để chỉ tấm lòng trung trinh, tiết liệt của Khổng Ming đối với Lưu Bị như bàn thạch không lay chuyển.
“Di hận thất thôn Ngô”
Ý chỉ Lưu Bị vì trả thù riêng mà quên đi sách lược “liên Ngô, phạt Ngụy” của Khổng Minh, đưa đến sự thảm bại chinh phạt Đông Ngô.


D. Bát Trận Đồ Cấu Trúc
Bát Trận đồ gồm tám trận: Thiên, Địa, Phong, Vân, Long, Hổ, Điểu, Xà, cộng với Trung Quân tạo thành chín đại trận tuyến, và 64 (2^6) trận nhỏ.





1. Thiên Phục trận
2. Địa Tai trận
3. Phong Dương trận
4. Vân Thùy trận
5. Long Phi trận
6. Hổ Dực trận
7. Điểu Tường trận
8. Xà Phương trận


Tứ trụ gồm Càn Khôn Tốn Cán, Thiên (Tây Bắc) Địa (Tây Nam) Phong (Đông Nam) Vân (Đông Bắc) tạo thành chính diện của trận đồ. Chính Đông có Thanh Long nằm ở cung Chấn, chính Tây có Bạch Hổ nằm ở cung Đoài, chính Bắc có Huyền Võ Xà nằm ở cung Khảm, và chính Nam có Châu Tước nằm ở cung Ly của Bát Quái.
Bát Quái là từ trong Kinh Dịch mà ra. Kinh Dịch phát sinh từ thời vua cổ đại Phục Hi, Trung Quốc. Kinh Dịch mang đầy tư tưởng vũ trụ quan và nhân sinh quan trong ngàn năm qua, chẳng hạn như:


Vô cực sinh Thái Cực
Thái Cực sinh Lưỡng Nghi
Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng
Tứ Tượng sinh Bát Quái


Mọi vật đều có âm dương, tương hổ, tương khắc lẫn nhau. Ấy là môi trường hệ sinh thái “ecosystem” mà ngày nay chúng ta thường nghe thấy từ các nhà chuyên gia môi trường đề cập đến. Ví dụ như có sâu bọ thì ắt phải có chim chóc, có rong rêu thì ắt phải có cá nhỏ, có cá nhỏ thì ắt phải có cá to, để tạo nên sự căn bằng trong môi trường sinh thái.


Đơn giản mà nói, thì theo Kinh Dịch vạn vật phải cân bằng, điều hòa, ngay cả trong cơn thể của con người. Mất sự cân bằng của tạo hóa thì vạn vật phải đảo điên, như gió lốc, địa chấn. Mất sự cân bằng trong cơ thể con người là mầm móng của các bệnh tật.


Nếu ta tính theo toán học thì nó là 2^n (2 to the power of n), có nghĩa là “n” trong bát quái sẽ là 3, nghĩa là 2 x 2 x 2 = 8. Muốn vẽ một hình bát quái cũng thật dễ dàng, lấy dương=0 (-) và lấy âm=1 (- -). Thì ta có thể vẽ hình bát quái mà không cần một trí nhớ chi tiết của sơ đồ bát quái một cách dễ dàng, và toàn hảo. Thí dụ:


000 = Càn
001 = Đoài
010 = Ly
011 = Chấn
100 = Tốn
101 = Khảm
110 = Cấn
111 = Khôn


Từ Kinh Dịch ta có thể đưa đến toán học, và cho đến con số 0, 1 kỳ diệu trong điện toán hiện đại. Như vậy, ta có thể kết luận người Trung Quốc đã phát minh toán học nhị phân (base 2 and binary number) từ ngàn năm trước chứ không phải nhà toán học Leibniz, Đức hay Boole, ở Anh mà ta đã biết. Tuy nhiên, ta không thể phủ nhận công trình của Leibniz và Boole trong quán trình hệ thống hoá nhị phân toán học, và logic Boolean.


E. Chú Thích:
(1) Công bộ: một chức quan vào thời phong kiến Trung Quốc. Chuyên về đường xá, cầu cống, vận tải, …. Chức quan cao nhất ở tam phẩm triều đình được gọi là “Công bộ Thượng Thơ”. Đỗ Phủ chỉ ở thất phẩm, chức vụ nhỏ nhoi như ở dưới làng xã.
(2) Thập Di: là mộ chức quan chuyên về thu thập những đồ đạc bị thất thoát. Tương tự như “lost and found.”
(3) Chinh Phụ Ngâm nguyên tác chữ Hán, Đặng Trần Côn. Đặng Trần Côn, đời nhà Lê Hiển Tông. Bản dịch chữ Nôm thì có nhiều nguồn không xác định. Có người cho bản dịch là của Đoàn Thị Điểm. Có người lại cho bản dịch là của Phan Huy Ích. Thôi thì hạ hồi phân giải vậy.
Thơ, và những lời dịch giảng thuộc quyền sở hữu của tác giả, ngoại trừ các nguồn dẫn chứng khác.


Trương Văn Tú
San Jose, CA
6/10/2009