watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Lênh đênh - tác giả ĐỖ TIẾN THỤY ĐỖ TIẾN THỤY

Lênh đênh

Tác giả: ĐỖ TIẾN THỤY

Ngôi nhà nhờ nhợ tối. Hai đứa con úp mặt vào ngực mẹ không dám quay ra. Ngoài sân, hai hình nhân bèo nhèo nhếch nhác, dật dờ vươn những cánh tay nguều ngoào, tiếng nói lào thào như vọng lên từ huyệt mộ…

Chị cắn răng khóc thầm. Nước mắt giọt thon thót xuống hai mái đầu khét nắng hôi rình. Đời chị coi như xong. Nhưng còn hai đứa trẻ chúng có tội tình gì? Giá chị goá bụa, con chị bồ côi bồ cút đã đành. Đằng này, nó đang sờ sờ sống đấy. Cha chúng đấy mà những đứa con chị không dám nhìn. Sống như thế thì còn nhục cho vợ con hơn là hắn chết! Trong thâm tâm, đã vài lần khi nỗi khổ cực dâng lên đỉnh điểm, chị đã có những ý nghĩ đen tối.

Không biết ông trời có hiểu lời cầu khẩn của chị hay không mà hôm nay ông lại mượn tay một con nghiện khác đến đây giải thoát cho chị. Chỉ còn một liều thuốc, Lăng đã quá đà hít hết. Con nghiện kia đang đòi cơn không được thoả mãn, tức thì rút con dao chọc tiết lợn nhọn hoắt nhằm bụng hắn xâu một đường rất ngọt. Trong khi phê thuốc con nghiện không biết đau. Lăng ơ lên một tiếng ngạc nhiên trước khi đổ vật xuống sân, ruột phòi một bụm, máu bò lênh loang sân gạch. Chị hét lên một tiếng kinh hoàng rồi nhảy bổ ra. Tiếng kêu làng nước thất thanh. Nhà chị phút chốc chật kín người. Những tiếng thì thào vọng xói vào tai chị: “Thế là con Nền thoát nợ!”…

- Mụ kia! Mù à? Nút start là nút nào? Đổ xà phòng vào chưa? Nó mà trào bọt ra thì mụ chết!

Chị lóng ngóng đong bột giặt đổ vào máy, lập cập ấn nút khởi động. Guồng quay máy giặt sùng sục mà bụng chị còn run bắn. Chị cúi đầu lí nhí:

- Dạ, em xin lỗi cô!

Câu đáp lễ dành cho trẻ mẫu giáo lại bật ra từ miệng một người đàn bà ba mươi tuổi. Thì chị là học trò mà.

Cô giáo bĩu môi xì một tiếng rõ dài rồi bỏ lên lầu. Chị chúi vào đống áo quần dang dở, lẩm nhẩm: “Không nghĩ nữa, không nghĩ nữa…”. Nhưng mà lại nghĩ...

Hắn quằn quại trên giường bệnh, toàn thân co rút, gẫy gập. Hắn đòi cơn ngay sau ca mổ. Vết khâu như con rết trăm chân trên bụng oằn oại ựa máu tươi. Những nốt chích chi chít trên khắp cơ thể hắn đã đóng vảy sừng, đen như vừng rắc. Các y tá vã mồ hôi vừa ghì giữ, vừa săm soi tìm ven nhưng bất lực. Chúng đã nát và lặn sạch, không thể nào truyền thuốc được. Biệt dược có trong bệnh viện thành vô tác dụng. Bác sĩ chụm đầu hội ý. Cứ để hắn vật vã thế này đứt chỉ là cái chắc. Ba đoạn ruột nối… sức hắn không thể chịu thêm một lần đụng dao. Chị mếu máo níu lấy những bóng áo blu trắng: “Cứu… cứu lấy anh ấy…với!”. Trong đầu chị lúc ấy không còn sự dày vò của những tháng ngày đày đoạ. Không còn một gánh tội nợ như đã mang từ tiền kiếp. Chỉ có anh Lăng, người chồng mà chị đã từng si mê, bất chấp mọi can ngăn của gia đình, người đã có với chị hai mặt con thơ dại. Vị bác sĩ nhìn sâu vào mắt chị, cảm thông, kéo chị ra góc phòng nói nhỏ. Chị lao ra phố. Những góc phố ngoằn ngoèo tăm tối. Những mặt người lãnh đạm, dửng dưng. Bên bờ một con sông đen ngòm ì ạch chảy, chị chìa nắm tiền ướt nhàu vào một con nghiện đang lờ đờ tựa lưng vào góc tường lở mốc, giật vội cái gói nhỏ trong tay hắn, tuông về. Chỉ một hơi khói mơ màng lãng đãng, cánh mũi Lăng nở phồng, tham lam nuốt trọn. Hắn duôi người, lỏng lẻo, thiêm thiếp ngủ. Chị nhìn ông bác sĩ nhoẻn một nụ cười thoát nạn…

- Reeeeng reeeeng reeeeng…! Tiếng chuông gắt gỏng thúc giục. Chị cuống cuồng lao bổ lên cầu thang. Chị co rúm người lại trước những tấm gương gắn tứ phía trong căn phòng lộng lẫy xa hoa. Bóng chị hiện lên trong những tấm gương sao mà ảo não. Một mụ đàn bà tóc tai xơ xác, má nổi sần những vệt nám cơm cháy. Những nếp nhăn xô bồ đuổi bắt nhau dưới khoé mắt sầu muộn. Chị cũng không nhận ra chính mình nữa.

- Sao mà đơ ra đấy! Dọn phòng đi!

Giường ngủ của cô giáo nhầu nhò, ướt nhoẹt, dấu vết của cuộc truy hoan vội vã. Mặt cô giáo phấn son nhoe nhoét, tóc tai bù xù như rơm rối. Một người đàn ông bụng chảy như bụng ỉ bước từ trong nhà tắm ra nhìn chị với con mắt thản nhiên như thể chị là một con gì chứ không phải con người. Chị cúi đầu cuốn tấm ga, lóng ngóng thế nào dẫm phải chiếc bao cao su nhụng nhịu trơn nhẫy, trượt chân ngã đập đầu vào cạnh giường đánh đốp. Không dám suýt soa, chị lồm cồm đứng dậy nhón vội chiếc bao cuốn vào tấm ga cun cút bước đi.

Tin tin tin, cậu Bim đã về! Anh tài xế taxi chạy vòng qua đầu xe sang mở cửa. Chiếc xe bềnh lên khi cậu uể oải chui ra. Mới mười tuổi mà cậu đã bốn nhăm cân. Cậu giơ một cánh tay lên, không nói không rằng, để chị lột chiếc cặp to nặng trịch những sách là sách. Sách nhiều thế này chả trách cậu học giỏi. Thằng Na nhà chị có mấy cuốn vở chép đủ các môn, xong trang nào là xé ra gấp tầu bay, bao nhiêu chữ nghĩa bay vèo theo gió. Cô giáo bảo nó thông minh, gia đình nên quan tâm. Dào ôi, đến ăn còn chả đủ, quan tâm quan tiếc nỗi gì? Học cho có học thôi, lớn lên cho vào bộ đội. Mà chắc gì vào được bộ đội. Thằng Na học hành như thế chắc gì hết lớp 12. Thôi thì mua cho bầy vịt mà lùa.

- Mẹ tôi đâu?

Vừa hỏi cậu vừa ục ịch bước lên. Chị vội vàng kéo lại nói thầm:

- Cậu đừng lên! Cô đang có khách. Cậu đi tắm cho mát...

Cậu Bim bặm môi phụng phịu, buông một câu chỏng lỏn:

- Cóc tắm! Lạnh!

- Cậu Bim giỏi nào, trời lạnh mà tắm mới là anh hùng chứ…

Đấy là chị dùng cái giọng vẫn dỗ thằng Na ở nhà. Mỗi khi cần giục nó cái gì chỉ cần hích một câu là cu cậu tỏ ra một đấng nam nhi. Nhưng cậu Bim không thế. Cậu trợn mắt:

- Ngu thế! Tắm lạnh sưng phổi.

Chị cười xoà nắm tay cậu lôi vào nhà tắm. Nước ấm bốc khói mờ cả tấm gương to. Cậu la oai oái như thể bị bỏ vạc dầu. Thân thể cậu phốp pháp, nổi lập lờ như một bìa đậu phụ trong bồn. Dỗ dành mãi cậu không chịu nằm yên cho kì cọ. Chị gắt:

- Ấm thế này còn kêu!

Cậu trừng mắt nhìn rồi bất ngờ giằng vòi hoa sen xịt thẳng vào mặt chị. Giận quá. Giá phải thằng Na chị đét ngay cho một phát vào mông. Nhưng chị chỉ dám làm mặt nghiêm. Cậu Bim nhảy ra ngoài ngồi bết xuống sàn tần mần nghịch chim, lầm bầm: “Nhớ nhé… nhớ nhé!”.

Xong người là chó. Vỗ về mãi mới lôi được nàng Juny đài các vào chậu tắm. Sữa tắm Dove thơm ngao ngát. Máy sấy tóc thổi lông. Bộ cánh của nàng Juny tơi phơ trắng muốt. Chị chạnh nhớ con Vá nhà chị. Bát cơm hớt chả bõ dính răng, suốt ngày Vá chạy nhảy ngoài đồng bắt chuột. Cái đuôi Vá như cán cờ dỏng trong ruộng lúa nhấp nhô. Năm ngoái cậu bị ghẻ kềnh, dẹo dọ cóm róm tưởng chết. Chị lấy nước điếu tắm, cu cậu xót kêu ăng ẳng. Thế mà khỏi, lông lại trơn nuột, mướt dáng như thường.

- Nhắng nhắng nhắng!

Juny vằng ra, ngoắt mõm vào mặt chị mắng xa xả. Ra mải nghĩ, chị đã gí hơi sát máy sấy. Cậu Bim lao đến ôm ghịt lấy con chó xót xa:

- Mày chết nhớ! Phỏng da Juny rồi nhớ!

Tim chị nhảy loạn khi nhìn những ngón tay cậu Bim vạch lông con chó. May mà da nó chỉ hơi đo đỏ. Chị ngọt ngào lấy giọng cầu an:

- Cậu Bim thích ăn món gì để tôi nấu nào?

Như mọi ngày, cậu sẽ ỏng eo món này món nọ, rằng ở trường các cô bắt cậu ăn nhiều ớn tới tận cổ rồi. Còn hôm nay cậu ngẩng phắt lên nhìn bằng ánh mắt căm hờn:

- Ông ăn thịt mày!

Cậu xót con Juny! Trẻ con tuổi này đứa nào cũng thương loài vật. Thằng Na nhà chị, khi bố nó giơ chày nện bốp vào đầu con Vá mang ra quán lấy tiền đi hít, nó cũng ôm đầu rú lên đau đớn và khóc ròng rã cả tuần.

Từ đó cho tới tối, chị làm việc quần quật đặng dìm nỗi lo sợ bị trừng phạt. Khi chị đang chuẩn bị sách vở đi học tiếng Đài thì cô gọi chị lên, mặt lạnh tanh:

- Ngày nay chị phạm bốn lỗi nhẹ: Sử dụng máy giặt chưa thành thạo, dọn phòng chưa khéo léo, có thái độ trịch thượng với trẻ, chăm sóc thú vật chưa đạt yêu cầu. Mỗi lỗi phạt mười ngàn. Và một lỗi nặng: Tọc mạch vào quan hệ của chủ nhà. Lỗi này không chấp nhận được, phạt một trăm ngàn. Tổng cộng một trăm bốn mươi ngàn!

Tai chị ù đi. Chị toan mở miệng thanh minh, rằng cái lỗi thứ năm ấy là oan cho chị quá, chị chỉ bảo cậu Bim là mẹ đang có khách, thế thôi chứ có nói gì đâu? Nhưng cô đã phẩy tay:

- Không nói nhiều! Phạt cho quen đi. Sang bên đó nó không phạt bằng tiền Việt đâu, mà là Đài tệ. Phạt tiền còn may, chứ họ đuổi về là tiền mất tật mang. Biết chưa?

Thấy chị còn xậm xịu, cô giáo đến bên thân ái:

- Là đàn bà với nhau tôi hiểu chứ. Tâm tính đàn bà Việt Nam mình còn u tối lắm, người ta không chấp nhận đâu. Tháng trước bên kia trả về một chị chỉ vì một tội là trưa nào cũng thế, khi chủ nhà đi ngủ là lén mở cửa ra ngoài tìm người Việt Nam để buôn dưa lê. Phải nhịn chuyện đi! Chị nên nhớ, bên đó bất cứ chỗ nào cũng gắn camera, chị làm gì chủ nhà biết hết. Vừa rồi có một chị bị phạt nửa tháng lương vì tội cho trẻ con ăn sữa mà dám ăn vụng của nó một thìa. Và một chị nữa, khi đổ bô cho người già mà dám nhăn mũi, thay quần áo cho người ốm mà mặt mày không tươi tỉnh, bị phạt nửa tháng lương. Nửa tháng lương là bằng ba triệu đồng tiền Việt đấy!

Chị cúi đầu lí nhí:

- Em cám ơn cô!

Đấy là lời cám ơn thực lòng của kẻ bần cùng. Bao nhiêu công nợ ngập đầu ngập cổ, chỉ còn trông vào cơ hội này thôi. Nếu cô đánh trượt, chưa cho bay thì khốn. Mà hết thẩy những điều cô dạy mình đều đúng chứ có sai đâu. Cô bảo, đây là giai đoạn thực tập, hoàn cảnh còn nhẹ nhàng hơn thực tế nhiều. Đấy là cô còn ưu tiên chị, cho về nhà riêng thử việc, chứ mấy chị em khác còn phải chen chúc lê la trong một ngôi nhà kín cổng cao tường như một nhà tù cơ.

*

Hắn ngồi khom người trên ghế, hai tay luồn trong áo xoa xoa vết mổ. Da hắn xanh rớt, mái tóc cắt ngắn để lộ hộp sọ gồ ghề. Nhìn hắn bấy như một con cua vừa lột. Cảnh ngộ đẩy họ vào tình trạng khó mở lời.

- Em đi lấy tiền trả nợ… nhục nhã lắm… nhưng không còn cách nào khác…

Hồi lâu hắn mới ngẩng lên, cái nhìn bị phủ một màn sương:

- Tôi có quyền gì đâu!

- Anh đừng nghĩ thế. Con em gửi ông bà ngoại. Chỉ hai năm thôi mà. Lúc ấy anh cũng đã gần mãn hạn…

Hắn lảng mắt lên tường nhìn theo hai con thạch sùng đuổi nhau. Tần ngần một hồi, Lăng móc túi đưa cho chị một tờ giấy gấp tư. Chị mở ra đọc và bỗng khóc oà. Đơn li dị! Lăng đơn phương xin li dị! Lăng tự trọng. Lăng biết xấu hổ. Lăng muốn giải thoát cho chị. Không phải bây giờ chị mới đứng giữa ranh giới của sự chia lìa. Ngay từ những ngày đầu Lăng nghiện ngập, nhiều lần chị đã có ý định chia tay, nhưng những lá đơn viết rồi lại đốt.

Bạn học với nhau mười hai năm. Chung trường chung lớp chung hoài bão. Nếm chung vị đắng hỏng thi. Chung cả niềm an phận về nhà làm ruộng. Thửa ruộng nhỏ tin hin như manh chiếu không phỉ sức Lăng. Hết việc đồng áng, Lăng chỉ biết ôm con, thuốc lào vận cạp quần lê la những chiếu tổ tôm. Nền không nói nhưng trong ánh mắt gợn lên những ánh muộn phiền. Một buổi tối sau vụ gặt, chân Lăng đi xoắn quẩy về nhà, miệng sừng mùi rượu. Tôi chán cái cảnh này lắm rồi. Hai sào ruộng, bốn tạ thóc. Giống má phân gio hết nửa. Bốn mồm ăn. Húp cháo cũng không đủ. Tôi sẽ đi. Đi đâu? Đi Hà Nội. Làm gì? Làm giàu. Chao ôi, không nghề ngỗng như Lăng thì chỉ có nước đứng chợ người. Móc cống, rửa nhà cầu, làm điếm đực... Chút sĩ khí của kẻ có học trỗi dậy, Lăng giã từ chợ người, chiềng mặt ra làm cò bến xe Giáp Bát. Đất có thổ công, sông có Hà bá, đồng tiền kiếm được đẫm đụa nước mắt mồ hôi. Đêm nằm còng queo dưới mái hiên chờ chuyến xe sáng sớm, nhớ lại những gương mặt ngác ngơ trẻ già đủ loại bị mình doạ nạt đấm đá phủ đầu, thấy lương tâm cắn dứt. Lăng dìm nốt chút lương tâm ấy xuống bằng những liều hút chích, huỷ diệt nốt những gì gọi là người để ngày mai lại tiếp tục ngụp lặn nơi nhốn nháo tranh giành. Sức vóc kiệt cùng, Lăng lê tấm thân tàn tạ về làng. Ngôi nhà nhẵn trơn đồ đạc, chỉ còn tiếng chuột chạy rầm rầm và tiếng nợ đòi ông ổng. Khi không còn lừa ai được nữa, Lăng buôn thuốc phiện để có tiền tiếp tục đánh đu cùng tiên trắng. Nhát dao oan nghiệt của con nghiện hôm trước là bất hạnh hay may mắn cho Lăng? Nếu không có nhát dao ấy biết đâu Lăng đã chịu án tử hình thay cho cái án ba năm như hiện nay?

- Thôi, mình cứ yên tâm đừng nghĩ ngợi gì. Em…đi!

Chị bậm môi chạy vụt ra cửa bưng miệng khóc. Tờ đơn li hôn trên bàn gỗ chập chờn...

Đối diện Nền là một ông già bảy mươi tuổi, tuy liệt nửa người nhưng dáng vẻ vẫn phương phi. Người của công ty môi giới nói với chị, ông già này khó tính lắm, đã có ba người bị ông đuổi thẳng rồi đấy, chị nên cẩn thận.

Ông già nhìn Nền từ đầu tới chân bằng con mắt dò xét. Trống ngực Nền đập thình thình. Dọn nhà, chăm trẻ, nuôi chó mèo, nấu ăn… chị đã quen, còn chăm sóc người già chị bỡ ngỡ vô cùng. Ngày học nghề, trung tâm không có người làm mẫu. Mấy chị em thay nhau làm “người già” để cô giáo giới thiệu sơ qua cách nâng đỡ, thay áo quần, bế lên xe lăn… “Hãy yêu quí kính trọng như với cha mẹ mình!”, Nền nhắm mắt niệm câu thần chú của nghề. Ông già gật đầu nhè nhẹ. Nền trút một hơi nhẹ nhõm.

Ông già là chủ một công ty lớn Đài Loan. Tuy lâm bệnh nhưng ông vẫn điều hành công việc. Chiếc điện thoại cầm tay của ông suốt ngày rung vù vù như dế mèn rũ cánh. Con trai ông bốn mươi tuổi, đang thay ông giám sát công việc, nhưng ngày nào cũng hai lần sáng tối đến vấn an. Anh ta bảo Nền đi nghỉ một chút, tự tay lau mặt, thay áo quần cho bố. Cô con dâu cũng làm một chức vụ gì đó trong công ty, thỉnh thoảng cũng vào thăm bố chồng. Cô ta luôn miệng sai Nền nấu sâm pha sữa, Còn mình thì ngồi sẵn bên giường đón từ tay Nền rồi bón cho ông già. Thi thoảng, Nền bế ông lên xe lăn đẩy đi dạo phố. Nền luôn tự nhắc: Mặt mày tươi tỉnh, mặt mày tươi tỉnh. Nụ cười trên môi Nền tươi được hơn ba tháng, cho đến một hôm, môi Nền vẫn cười tươi nhưng nước mắt thì thánh thót rơi vào bát cháo. Đứa em bên nhà điện sang báo bố ốm nặng, sắp qua đời. Nền lo lắng rụng rời cả chân tay. Hợp đồng đã ghi, trong thời gian làm việc không được xin về dù bất cứ lí do gì. Thế mà đứa em lại nói rằng bố nằng nặc đòi gặp chị.

Nhìn cô người hầu, ông già động lòng hỏi chuyện. Nền đành thưa thật. Ông già thở dài, nắm tay Nền nói nhỏ:

- Con cứ về đi. Khi nào xong việc lại sang.

Nền hấp tấp gào qua điện thoại:

- Ngày mai chị bay. Em nói với anh cả đặt đồng tiền xu vào lòng bàn tay bố... Ông chủ bày cho chị thế đấy. Bố sẽ đợi kịp chị về!...

Nhưng cô con dâu đã đến bên Nền lạnh lùng:

- Cô về, bắt buộc chúng tôi phải thuê người khác. Cô suy nghĩ cho kĩ!

Anh con trai ngậm ngùi:

- Hay em chịu khó ở nhà chăm cha. Khi nào cô ấy qua em lại đi làm?

Cô con dâu không chịu. Một cuộc cãi vã nổ ra, có nguy cơ bùng phát. Nền quết nước mắt cúi đầu:

- Thôi, cháu không về nữa đâu.

Sóng gió tạm lắng trong gia đình chủ, nhưng trong lòng Nền lại cồn cào nhức nhối. Cô em van vỉ:

- Bố phát phiền rồi… nhưng cố lòng đợi chị!

Nền cắn răng nói trong nước mắt:

- Em bảo anh cả... bỏ đồng xu trong tay bố đi... Chị không về được đâu!...

Chỉ nói được thế rồi chị úp mặt vào tường nức nở. Chị tin rằng, khi đồng tiền xu được bỏ ra, bố sẽ ra đi thanh thản. Chị âm thầm mua khăn chuẩn bị chịu tang cha nơi đất khách.

Chuông điện thoại lại réo ba nhịp dài nối tiếp. Nhịp chuông đàm thoại quốc tế. Nền run rẩy nhấc máy. Tiếng cô em van nài:

- Chị ơi... Chị cố về đi. Anh cả đã bỏ đồng xu ra rồi. Các vãi đã tụng kinh rồi. Anh hai đã leo lên dỡ ngói mái nhà để cho thoát dương..., vậy mà bố không đi được!... Bố đợi chị về đấy... chị ơi!

Nền dập ống nghe từ từ ngã khuỵu.

Thân thể ông chủ cứ héo úa dần. Nhìn nét mặt căng thẳng của bác sĩ mỗi khi thăm bệnh xong Nền lại cảm thấy lo lo. Số tiền Nền gửi về đã đủ trang trải nợ nần, thời gian hợp đồng sắp hết, dẫu có muốn cũng không thể nấn ná thêm được nữa.

Ông chủ ra đi vào một ngày trời đẹp. Nền khóc ào ạt bên ông, khóc như lúc nghe tin bố qua đời. Đám tang xứ này nhanh chóng nhưng trang nghiêm. Tiễn người quá cố đến nơi an nghỉ cuối cùng, trong Nền đã chuẩn bị tâm thế trở về.

Cả gia đình họ Tống lặng phắc lúc luật sư đọc di chúc. Mọi người có mặt và cả Nền nữa, không ngạc nhiên khi ông chủ trao quyền thừa kế cho người bạn tâm phúc chứ không phải cho con trai duy nhất. Những ông chủ Tàu vẫn thâm trầm nhìn xa trông rộng như thế. Duy chỉ cô con dâu nổi giận đùng đùng. Ngay cả việc đó cũng không khiến mọi người bàn tán. Điều khiến mọi người chú ý là bản di chúc có một khoản thừa kế dành cho cô hầu người Việt. Tài khoản ông dành cho Nền không phải bằng tiền mặt, mà bằng một hợp đồng gia hạn làm việc một năm. Nền mừng đến độ choáng người, quỳ xuống lạy ảnh ông một lạy. Như vậy là vợ chồng chị có cơ hội để làm lại cuộc đời, các con chị có cơ hội mở mày mở mặt.

*

Từ ngày cha mất, ông chủ nhỏ Giang Sinh ăn uống thất thường, về nhà lúc nào cũng say mèm. Bà chủ cũng thất thường đi về không theo quy luật. Họ đã không ăn cùng mâm, không ngủ cùng phòng. Những cuộc đấu khẩu nổ ra kèm theo đồ đạc bay vèo vèo, loảng xoảng. Nền như con chim nhỏ tối tăm mặt mày giữa hai làn tên đạn. “Có tai như điếc, có mồm như câm”, chuyện nhà người, mình không nên can dự. Nhưng khi nhìn thấy bà chủ trợn mắt mắm môi giang tay giơ chiếc bình hoa nhằm đầu ông chủ mà lia, thì Nền không đành lòng được nữa. Nhà cửa chao nghiêng. Mắt chị toé ra muôn búng hoa cải chói vàng rồi tắt ngấm. Bóng đen loang rất nhanh trong óc Nền...

Trong cơn hôn mê, chị thấy mình trở về làng. Cây si già buông từng chùm rễ lòng thòng cạnh ngôi đền cổ không có bóng trẻ con. Thanh niên bỏ cả ra phố làm thuê. Ngõ xóm vật vờ mấy bóng con nghiện rập rình. Những bức tường cắm mảnh chai chi chít nhốt kín tiếng gà gáy lợn kêu. Cánh đồng quê hương miên man cỏ dại. Thửa ruộng hai sào được chia từ ngày lấy nhau đây. Thửa ruộng đã lay lắt nuôi sống bốn miệng ăn giờ thành hoang hoá. Xác rắn lột vương trắng trên những ngọn cỏ năn. Cào cào châu chấu bay nhảy rào rào, chập chờn áo xanh áo đỏ. Thằng Na lếch thếch cõng con Lành chạy khắp cánh đồng tìm mẹ. Tiếng gọi mẹ khản đặc chìm hút vào tiếng ếch nhái inh uôm. Chị mở miệng trả lời con, nhưng càng gọi chúng càng chạy xa. Na ơi! Lành ơi! Mẹ về với các con đây này!

- Chị tỉnh rồi! – Tiếng reo mừng rỡ cùng khuôn mặt mờ mờ của ông chủ Giang Sinh khiến Nền tỉnh hẳn. Xung quanh trắng toát. Những bóng người lặng lẽ vào ra. Dù đầu nặng như có một hòn đá tảng, nhưng rất nhanh chị đã ý thức được hoàn cảnh của mình. Chị nghiêng người vùi mặt vào gối trên giường bệnh, mặc cho nước mắt cay đắng chảy dài.

Trời còn thương nên chỉ vài ngày nằm viện chị đã có thể trở về nhà, tiếp tục kiếp con hầu. Bà chủ sau vài ngày lo lắng, không thấy Nền đả động đến chuyện đơn từ kiện cáo, bắt đầu ngứa mắt.

- Chị chuẩn bị về được rồi!- Bà chủ lạnh lùng khi đưa tháng lương thứ hai mươi tư.- Hợp đồng đã hết!

- Ơ! - Nền ngớ người trước lời tuyên bố - Tôi còn một năm nữa mà?

Bà chủ bĩu môi không nói. Giang Sinh đến bên vợ nhẹ nhàng:

- Đấy là ý cha. Cô không có quyền làm thế!

Một trận khẩu chiến tiếp tục nổ ra, để cuối cùng bà chủ hầm hầm bỏ đi ném lại một câu chửi lớn:

- Đồ mạt hạng!

Mấy ngày liền bà chủ không về. Nền bị ném tõm vào hoàn cảnh chứa đầy đe doạ. Ngôi nhà sang trọng, nội thất cầu kỳ bỗng trở lên lạnh lẽo. Một ngày chị lau nhà đến ba bốn bận mà vẫn chưa hết thời gian. Chị ngóng tiếng chuông cổng, nhưng khi nó cất lên chị lại giật bắn mình. Về đến nhà là ông chui ngay lên phòng. Căn phòng vốn sạch sẽ tinh tươm giờ ngập ngụa hơi thuốc và rượu. Thức ăn Nền nấu luôn phải đổ đi vì ông chủ không hề đụng đũa. Khi trút những đĩa thức ăn đầy bổ dưỡng mà chị đã kì công chế biến vào thùng rác, Nền bật khóc. Bắt gặp cảnh ấy, Giang Sinh chững lại một hồi lâu:

- Ăn một mình tôi không nuốt nổi. Từ mai chị ăn cùng tôi cho vui!

Bữa ăn cùng mâm đầu tiên với chủ là một cực hình đối với Nền. Chị cắm mặt vào bát cơm không dám ngẩng lên. Chị chạy trốn những lời thăm hỏi của Giang Sinh bằng cách đếm từng hạt cơm trong bát. Một bát cơm có một ngàn ba trăm năm mươi mốt hạt... Giang Sinh ngừng đũa nhìn đăm đắm. Cái nhìn ấm áp bao trùm lấy toàn thân Nền. Một luồng cảm giác lạ chạy râm ran từ chân tóc mai, lan nhanh ra toàn thân. Nền cuống cuồng đứng lên chạy vào nhà tắm tựa tường thở dốc. Hai năm đằng đẵng xa chồng, cái nhu cầu đàn bà tưởng ngủ yên bỗng chốc bùng lên. Soi mình vào gương, chị bất chợt nhận ra mình trẻ quá. Gò má đã bong hết những nám sần trở thành hồng phấn. Mái tóc thôi xác xơ. Cặp mắt đã hết khô, đuôi mắt đã hết rạn, vút dài một cái nhìn thăm thẳm. Cái nhan sắc bị đầy đoạ tưởng đã úa tàn, qua hai năm no đủ không dầu dãi nắng mưa có cơ phát tiết. Nhiều đêm, khi những ý nghĩ tội lỗi len vào óc, Nền đã dằn lòng bằng câu “chồng ta áo rách...”. Nhưng ánh mắt ấm áp và cử chỉ chăm sóc chân thành của Giang Sinh có mãnh lực của một mạch nước ngầm. Tiết hạnh rất thiêng liêng nhưng cũng rất mơ hồ, giữ được nó cần có nhiều rào chắn. Vậy mà ở đây chị chỉ một mình. Lòng kiên định của đàn bà trong những đêm xa xứ cứ mòn dần, mòn dần, mong manh như tơ nhện, chỉ cần một hơi thở gần là tất cả sẽ tiêu tan. Một ông chủ cô độc với một người hầu đang thì xuân sắc... Cái kết cục biết trước đã khiến chị kinh hoàng.

Lá thư của Lăng đến đúng lúc, giải thoát cho Nền khỏi tình cảnh chênh vênh: “Tôi được ân xá, ra trước thời hạn. Nhà quê buồn lắm, ăn rồi chẳng biết làm gì. Bà con họ hàng xa lánh…”. Chị run run ấp lá thư vào ngực mà nghe máu trong người chảy dập dồn. Phải về thôi, kẻo Lăng nghiện lại thì chết! “Anh tốt với em lắm! Nhưng em phải về. Chồng và các con em đang đợi.”- Lá thư viết chật vật mãi mới được mấy dòng ngắn ngủi, đặt cẩn thận trên bàn trà. Chị dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, khoá cửa rồi vùi chìa khoá vào chậu hoa trước cổng. Khi cầm tấm vé trên tay chị mới gọi điện cho Giang Sinh.

Sân bay nườm nượp người nhưng Nền vẫn nhận ra bóng Giang Sinh nháo nhác len lỏi trong đám đông. Tiếng động cơ gầm rú át mọi tiếng người nhưng Nền vẫn biết Giang Sinh đang gọi mình rất lớn. Lòng chị cuống thốn từng hồi. Cửa sổ máy bay nắng lóa. Bóng dáng Giang Sinh nhoè dần nhoè dần.

Máy bay cất cánh. Nền thấy hẫng sụt trong lòng. Một quãng đời lắm tủi buồn đã ở lại sau lưng. Bầu trời mênh mông, xanh thẳm. Mây trắng phơi phới ngoài cửa sổ khiến chị cảm thấy bồng bềnh.

Cái cảm giác bồng bềnh ấy còn mãi cho đến khi chị đã bước giữa những mái bếp tỏa khói lam vương vít. Đường làng gạch lát phẳng phiu mà chị châng lâng như bước trên con thuyền say sóng. Chị ào về nhà mẹ. Những nụ cười mếu máo trên những khuôn mặt thân thương. Giây phút mừng vui đoàn tụ qua nhanh. Chị ngập ngừng cất tiếng: Bố thế nào hở Na? Con... không biết! Chị ngỡ ngàng nhìn thẳng vào mắt con ngạc nhiên nhưng rồi chị chợt hiểu. Chúng vẫn ở với bà ngoại và các dì, có dám bén mảng đến gần Lăng đâu mà biết. Bà già kéo khăn chấm mắt ngẩng lên nhìn con gái buồn rầu: Nó gán ruộng cho nhà Thản lấy tiền để đi Ma Lai ma lôi gì đó. Nghe đâu còn đang học việc ngoài Hà Nội. Về thì bảo ban cho con nó học. Thằng Na hai năm lớp bốn rồi đấy, đúp năm nữa thì có nước hót phân! Lời mẹ rù rì chậm chạp mà tới tấp sóng xô khiến chị chao đảo như kẻ sắp đắm đò. Thằng Na đang hí hởn ôm bọc kẹo Taiwan in hình Trư Bát Giới phưỡn bụng vác bồ cào, thấy bà nói đến chuyện học thì vênh mặt lên dẩu mỏ: ứ thèm học nữa đâu! Mẹ cho con đi làm Ôsin, mẹ nhớ! Con Lành cũng ngọng nghịu nối lời: Chon nứa. Cho chon đi làm Ôsin nứa. Làm Ôsin được ăn nhiều kẹo xích hơn!

Trời ơi con tôi! Chị giật mình kêu thót lên một tiếng bẽ bàng rồi nhìn con trân trối. Tiếng bà già chua chát đế vào: ừ, nhà mày có mả làm thuê! Lòng kẻ hồi hương vừa ấm lại phút chốc đã trở nên buốt lạnh. Chị gỡ hai bàn tay con đang níu áo mình vòi vĩnh, tức tưởi lao đi. Chụp vào tay lái một chiếc xe ôm đang đón khách đầu cầu, chị gào như mê sảng. Chiếc xe rồ ga phóng hối hả về hướng phố. Cánh đồng xanh non dọc ngang ô bàn cờ trôi loang loáng. Đang độ rét Nàng Bân, gió tái đông réo ạt ào bên tai chị...


Đại Lải - Hà Nội tháng 3 - 2005



(Trích tập truyện "Vết thương thành thị" - tác giả Đỗ Tiến Thụy, NXB Trẻ ấn hành)

Các tác phẩm khác của ĐỖ TIẾN THỤY

Sóng ao làng

Những nốt nhạc còn xanh