watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Qua cầu chợt nghĩ thương mình - tác giả Đỗ Tuyết Mai Đỗ Tuyết Mai

Qua cầu chợt nghĩ thương mình

Tác giả: Đỗ Tuyết Mai

Nằm trong số 5 truyện ngắn đạt giải khuyến khích cuộc thi "Truyện ngắn ĐBSCL 2005", Qua cầu chợt nghĩ thương mình của cây bút Đỗ Tuyết Mai đã phác họa được một góc đời sống đầy khó nhọc, vất vả của tầng lớp trí thức, thị dân ở tỉnh lẻ, huyện lỵ hiện nay. Hình ảnh người phụ nữ trong truyện đẹp và buồn: cam chịu, tận tụy với bổn phận nhưng vẫn day dứt được sống đúng với bản chất.

Quầy nước của cô Tư Mín lèo tèo chỉ hai cái bàn nhỏ, vài cái ghế nhựa xanh đỏ nằm nép một góc bên hông nhà lồng chợ. Giá đặc biệt bình dân: cà phê đá ngàn rưỡi một ly, trà đá năm trăm, trà nóng uống miễn phí. Ngoài những mối quen biết ruột rà mua bán hằng ngày quanh khu nhà lồng, cô Tư còn một số mối lưu động cũng ruột rà không kém. Chiều chiều khoảng từ bốn rưỡi tới năm giờ - lúc chợ nhà lồng sắp đóng cửa - một nhóm gồm năm, sáu chị vai đeo túi xách, sau khi thu xong tiền hụi thường gom về đây. Vài ly trà đá đẩy đưa, sau đó là một ngàn lẻ một thông tin đa chiều xoay quanh chuyện hụi hè tha hồ nổ ra. Chuyện lãi hụi trong ngày trồi sụt ra sao; bữa nay choàng lắp hết mấy chân cho tay em; dây hụi cũ sắp mãn chưa, chừng nào thì nối đuôi dây mới; tình hình hụi hè dạo này êm xuôi hay có động tĩnh gì?... Đoạn vĩ thanh thường là phần linh tinh thuộc lĩnh vực nhà cửa, chồng con, các loại mỹ phẩm chống nám, trắng da... Trẻ nhất là Tiên, tuổi chưa tới ba mươi, trắng trẻo, no mộng, có thâm niên làm chủ hụi trên mười năm - từ thời còn con gái chuyển qua gái hai con vẫn tiếp tục. Nga trông sên sến nhưng ăn nói có duyên. Thảo sắc đanh, đáo để. Liên quá diêm dúa cộng thêm kiểu nói năng táo tợn... Cứng tuổi nhất và cũng có vẻ mờ nhạt nhất là chị Luận, tuổi khoảng năm mươi. Mọi cái từ trong con người chị đều toát ra vẻ đơn sơ, giản dị.
Chiều nay cũng như mọi buổi chiều khác, cũng cảnh cũ, người cũ, nhưng có phát sinh tình tiết mới. Không biết thu thập thông tin từ đâu, vừa sà xuống ghế, Liên háo hức thông báo ngay: “Ê, hay gì chưa? Chồng bà Luận nghi chuyển qua ung thư, chở lên Sài Gòn rồi, hồi khuya, bao xe bốn chỗ ngồi”. Nga: “Sao lẹ vậy trời! Mới thấy chả còn ngồi sau yên xe ôm eo ếch vợ cứng ngắc đây mà, hỏng lẽ? Ê, mà thằng chả không phải ôm theo kiểu thường đâu nghen, như vầy nè, nhè mấy cái chỗ nghiệt ôm không mới chết chớ!”. Thảo: “Thiệt hông đó, cái miệng mắm muối của bà, tui nghi quá!”. Tiên: “Rồi, coi như xong. Vùng đất xa xôi cuối trời Tổ quốc thêm một góa phụ”. Nga: “Tính sao mấy dây hụi của bả đây trời!”...
Cô Tư nãy giờ bưng nước tới lui lắng tai nghe không bỏ sót câu nào. Cô cũng thấy lo lo. Bưng từng ly nước, dành dụm nuôi chân hụi mười ngày của chị Luận định mùa nắng tới hốt nâng cái nền nhà sau lên cho đỡ cảnh tát nước. Mấy năm nay, con kinh nhỏ nằm phía sau hai dãy nhà bị lấn vô tội vạ. Mạnh ai nấy lấn, nấy nâng nền. Lấn riết, lấn mãi, tới hồi nhìn lại thấy con kinh biến đâu mất. Mùa mưa xuống, không còn chỗ thoát, dòng nước của trời cứ mặc nhiên lang thang vô định, nhà nào nền thấp sẽ trở thành cái bể chứa. Ý định là vậy, nhưng nếu có trục trặc gì thì cảnh tát nước lại tiếp tục tái diễn mỗi khi mùa mưa tới. Mới loáng thoáng nghĩ vậy thôi mà cô Tư thấy mình có gì như không phải với chị Luận. Chồng người ta sống chết tới nơi không thấy cám cảnh sao mà còn nghĩ vẩn vơ này nọ? Trong thâm tâm, cô vẫn tin chị Luận là người đàng hoàng. Thầy giáo cô giáo không hỏng lẽ làm bậy? Cô nghĩ là dù có xảy ra chuyện gì, chắc chị Luận cũng thu xếp ổn thỏa. Uy tín con người là thứ vô giá không thể mua lại được một khi đã lỡ để mất. Nhưng biết đâu được, chuyện hụi hè mà, cũng giống như chuyện thiên tai địch họa vậy thôi, phải biết chấp nhận rủi may. Nhiều khi người ta đâu có chủ tâm giựt, nhưng có một ngàn lẻ một hoàn cảnh đưa đẩy. Gần mười năm bán quầy nước tại đây, cô Tư chứng kiến tận mắt không biết bao nhiêu là cảnh nhiễu nhương do chuyện hụi hè gây ra! Gương con Kim Ngân vợ thằng cha trưởng khóm còn sờ sờ đó chớ đâu xa! Nó khoe với người này người nọ nó có tới bốn cái nền nhà toàn đất thổ cư trong thành phố. Thấy nó đeo vàng đỏ tay đỏ cổ tính chắc ăn, ngủ một đêm sáng ra nghe nó trốn mất. Hỏi mới biết bị bể hụi. Đám tay em đùng đùng kéo tới nhà vây thằng chồng đòi tiền, nó trả lời hụi hè gì vợ nó làm nó không biết, đi kiếm vợ nó mà đòi. Một thời gian sau con nhỏ lù lù về. Ai có tức quá thì tới đứng trước cửa nhà nó chửi mười bữa nửa tháng cho đã tức rồi huề. Chuyện thưa gởi bây giờ không linh nghiệm nữa đâu!
Sống trong thời buổi mà ai cũng ý thức được rằng đồng tiền là chìa khóa vạn năng mở được mọi cánh cửa, suy cho cùng thì chơi hụi cũng có lợi lắm chớ! Nó là chất men kích thích góp phần thúc đẩy xã hội phát triển, hai bên hợp tác làm ăn cùng có lợi. Người làm chủ được tiền cò, tay em có được số vốn để buôn bán, làm ăn. Cuộc chơi tất nhiên đòi hỏi người chơi phải bằng cái tâm trong trẻo, không khuất tất. Chơi hụi thực tế là có lợi nên dù biết là nó có xác suất tai biến cũng rất cao nhưng người ta cứ chơi và mọi sự đời may rủi cứ tiếp tục diễn ra.
Chuyện chồng chị Luận nghi ngờ bị ung thư lan nhanh như sóng thần. Vài ngày sau giới hụi hè trong thành phố hầu như ai cũng biết - dĩ nhiên cũng có không ít người tỏ ra lo lắng. Có điều, cái sự biết sự lo đó tùy theo tầng văn hóa thấp cao mà mỗi người có một cách biểu hiện riêng. Người có tâm có tính thì giữ kín nỗi lo trong lòng; người nông nổi, hám lợi thì kêu la đong đỏng... Cô Tư Mín thuộc loại nghèo nhưng rất biết trong tình huống nào mình nên xem nhẹ đồng tiền. Cô thương chị Luận là thương một người đàn bà đa đoan, lúc nào cũng vì người khác hơn là vì bản thân mình. Cô nhớ hoài hình ảnh khật khờ của anh Châu chiều chiều ngồi đợi vợ trên chiếc ghế nhựa này. Người anh to nhưng tay chân yếu, cái ghế thì nhỏ nên anh phải giữ thăng bằng trong tư thế ngồi yên, hai tay để lên đùi, không dám động đậy nhiều sợ ngã không gượng nổi. Nhiều bữa ngồi đợi lâu, mỏi mệt, anh đổ quạu chửi bới ầm ĩ, chị Luận vừa trờ tới là lãnh ngay cái tát tay. Chị không giận chỉ đưa tay lên xoa xoa chỗ bị tát, rồi cười. Cô Tư nhìn thấy cảnh đó muốn ứa nước mắt. Trong đời cô chưa hề chứng kiến cảnh oái oăm nào tương tự như thế. Vợ đi thu hụi thỉnh thoảng phải chở chồng theo. Chị Luận hay tâm sự với cô là thỉnh thoảng ảnh cứ đòi theo, ở nhà một mình than buồn, không chịu. Tới đâu thì để ảnh ngồi đợi ở chỗ đó, thu hụi xong rồi mới tiếp tục chở ảnh đi. Cảnh đó diễn đi diễn lại mấy năm nay, từ ngày anh Châu bị trận tai biến nặng thoát chết, người đâm ra khật khờ, lơ lửng. Nếu để ảnh ở nhà không chở theo thì lại có nỗi khổ khác. Cứ khoảng một tiếng là ảnh bấm máy gọi di động cho chị một lần. Lúc nào ảnh gọi kêu về mà chưa kịp về thì kể như sau đó bị ăn tát tay.
Hơn mười ngày sau chị Luận về mặt mũi bơ phờ. Chồng chị bị ung thư thật, ung thư ruột! Từ Sài Gòn về, chị tất tả lao ngay vào chuyện hụi hè. Tới đâu chị cũng được đon đả bằng những câu hỏi đại loại như: ổng bị thời kỳ thứ mấy rồi? Trước đó có biểu hiện gì khác dữ hôn? Rồi trị theo cách nào? Liệu kéo tới được cỡ bao lâu? Tiếp tục làm hụi hay ngưng?... Mệt vì mất ngủ, vì lo cho chồng, vì chuyện hụi hè thì ít, mà mệt vì mấy cái miệng thích hau háu chuyện người, những ánh mắt soi mói, nghi ngại nhiều hơn là sự cảm thông, sẻ chia. Tìm đâu ra giữa chốn lao xao này một tấm lòng trắc ẩn, một ánh mắt biết sẻ chia?
Lúc chạy xe ngang qua cầu, nhìn xuống con sông vời vợi sóng nước, chị nghe lòng buồn lạ lùng! Trăm năm rồi con sông xưa vẫn thế, vẫn ngầu đục phù sa, vẫn âm thầm thao thiết chảy vắt vẻo giữa lòng thành phố đìu hiu xa hút ở cuối trời Nam này. Và chị nữa, bao nhiêu năm rồi, giữa lòng thành phố chật hẹp đua chen này, như con sông kia, chị cũng lầm lũi, cũng âm thầm sống cho hết kiếp con tằm. Giữa thế giới những người đàn bà ngày ngày sống chung lộn với tiền, chị thấy mình vô cùng mệt mỏi. Niềm vui của họ đến rất giản đơn, nó được nhân lên tỉ lệ thuận cùng với lãi lời ngày càng sinh sôi. Họ say sưa nói chuyện chồng con, chuyện sửa sang tu bổ từng ngày cho cái tổ ấm của mình. Hả hê rồi, họ chuyển sang săm soi những thứ trang sức lóng lánh trên người của nhau, mốt áo quần, kem phấn... Chán chê, họ lại bắt qua chuyện gối chăn, nghệ thuật giữ chồng... Nhiều lúc chị cũng không rõ mình đang muốn gì, chỉ thấy sao mình không giống ai. Mà tại sao mình lại kỳ lạ vậy? Chẳng phải mình cũng đang cật lực lao vào thế giới của những người đàn bà mình vừa nói đó sao? Chẳng phải mình cũng đang sấp ngửa, đang khổ ải chỉ vì đồng tiền đó sao? Sao chẳng có lúc nào mình cảm nhận được một cách trọn vẹn niềm vui trong cái thế giới làm người. Thuở mới mười tám đôi mươi, thời đẹp nhất của đời con gái mình cũng vậy. Có lẽ tại mình nghèo nên ít khi có được niềm vui. Người ta có tiền thì vung vít bay cao bay xa, vào đại học này đại học nọ tận đất Sài Gòn. Còn mình thì sao? Thích dạy học nhưng nhà nghèo nên với được tới cái khóa sư phạm cấp tốc đã là cao lắm rồi. Buồn làm sao những buổi tan trường, một mình lững thững đi bộ về chỗ trọ. Trên đường về trăm lần như một, mình rất sợ khi phải đi ngang qua ngôi nhà cửa gỗ màu xanh có giàn hoa giấy nở bung trước cổng. Những chùm hoa mong manh tím ngắt phơ phất giữa bảng lảng trời chiều gợi trong lòng mình một nỗi gì buồn bã không thôi. Buồn cho số phận hay vì điều gì mình cũng không rõ nữa? Chỉ nghe nỗi buồn mục rữa ngày càng thấm sâu vào tận ngõ ngách của tâm hồn.
Những chùm hoa tím ngắt mong manh ấy mãi còn ám ảnh chị đến tận bây giờ.
Dạo chị mới ra trường về dạy học ở quê nhà, một buổi sáng đột nhiên nghe tin thằng bạn học bị viên đạn mồ côi xuyên đúng qua tim chết tươi khi còn đang nằm trên giường ngủ. Hộc tốc chạy đến nhà thấy bạn mình nằm đó, gương mặt thảnh thơi như đang mơ. Chưa hết bàng hoàng thì đâu đó có tin về, thêm một người bạn, rồi một người bạn nữa vừa nằm xuống ở chiến trường. Chị thấy hoang mang, buồn chán.
Cuộc sống chung quanh sao quá nhiều bất trắc, tất cả chỉ là ảo mộng. Từ đó chị sống lặng câm như một chiếc bóng giữa lòng thành phố bé nhỏ này, không chút ước vọng cao xa. Ngày ngày đến trường dạy học là cách để chị tồn tại. Rồi chị lấy chồng như bao nhiêu người phụ nữ bình thường khác. Chồng chị dạy cùng trường với chị, một người đàn ông bình thường không có gì đặc biệt. Đồng lương khiêm tốn của giáo viên giỏi vun vén lắm cũng chỉ vừa đủ chi phí cho một gia đình gồm ba thành viên: hai vợ chồng và đứa con trai. Rồi chồng chị ngã bịnh lúc thằng con mới vào đại học ở Sài Gòn. Gia cảnh túng bấn, rối reng, không còn lối thoát, chị đành nghỉ dạy bung ra làm hụi, vừa nuôi người chồng bịnh tật, vừa nuôi thằng con học đại học. Từ một giáo viên lành hiền, rụt rè chuyển sang thế giới hụi hè là cả một quá trình lột xác đau đớn ghê gớm.
Lúc mới tấp tễnh làm quen với thế giới của đường phố, của chợ búa, chị rất hay bị sốc trước những tình huống vặt vãnh của đời thường. Mình đến nhà, họ nhìn thấy mình rõ mười mươi rồi mà họ cứ tỉnh khô quay lưng, tỉnh khô đi rửa chén quét nhà. Mình đứng đợi chán chê rồi họ mới sai con ra bảo với mình là ngày mai mẹ con mới có tiền đóng hụi, bữa nay kẹt. Thế là lùi lũi ra về, ngồi trên xe mà nghe nỗi buồn cứ thấm tới tận ruột tận gan. Hôm sau lại ghé, lại ái ngại không dám vào thẳng trong nhà sợ người ta bắt bẻ là mình sấn sổ, cứ thập thò ngoài cửa như kẻ trộm rình nhà. Có hôm bốn, năm giờ chiều rồi mình mới bước tới cửa nhà người ta, cô giúp việc từ nhà sau thủng thỉnh đi ra, lễ phép thưa: "Thưa, cô con đang ngủ. Dì cứ đi lòng vòng đâu đó một lúc đi rồi hãy quay lại”. Thế là lủi thủi quay ra. Lên xe nổ máy rồi mà chẳng biết đi đâu, cứ chạy lòng vòng ngắm người ngắm phố như kẻ đang nhàn tản, thảnh thơi. Kỳ thực là đang như có lửa đốt trong lòng. Sợ chuông điện thoại réo, sợ nghe tiếng ông chồng trong máy giật giọng bảo phải về ngay. Tới ngã tư, đèn đỏ, dừng lại, một ông trung niên dáng bảnh bao dừng xe bên cạnh quay sang bắt chuyện: “Tôi thấy chị hay chở ông chồng mặc quần sọt chạy tới chạy lui hoài trông thiệt là ngộ. Sao chị không để cho ổng chở chị, bộ ổng không biết chạy xe hả?... Thương chồng quá há...!”.
Chị nghe nghẹn đắng trong cổ họng.
Bây giờ khi cuộc sống đã dạy dỗ chị chán chê rồi, đã dạy chị biết “thế nào là lễ độ” rồi, chị trở nên bình thản trước mọi sự đời - bình thản đến độ khô cứng, ít quan tâm đến những thứ thuộc về hình thức bên ngoài. Tuyến - con bạn học thời trẻ rất lâu mới gặp lại, từ trên xe hơi mang bảng hiệu trắng bước xuống, người ngập ngụa vòng vàng, vỗ vai chị cười tươi rói: “Lâu quá mới gặp mầy. Nhà ở đâu, bây giờ làm gì? Làm ăn có khá không? Sao thấy mầy có vẻ chán đời quá vậy?”. Nó nhìn chị một lượt từ trên xuống dưới có vẻ thương cảm. Chị cười: “Nhìn tao giống y như con cù lần nuôi trong sở thú chớ gì?!”. Nó cười ha hả kéo chị vô quán nước, hỏi linh tinh lang tang đủ mọi chuyện trên đời. Chị nhìn nguyên một hệ thống nữ trang vòng vàng đeo dọc dài từ đầu, cổ, xuống tới tận tay chân, cười, hỏi nó: “Chớ theo mầy, giữa người sang trọng đeo nhiều vòng vàng như mầy so với con cù lần như tao, ai sướng hơn ai?” Nó cười ngặt nghẽo rồi từ từ nhỏ giọng: “Mầy thông cảm cho tao đi, hồi đó nghèo quá mà, mầy nhớ không, đi học mặc cái áo dài vá một lỗ tổ chảng, mắc cỡ với mấy thằng lớp mình gần chết”. Nó rơm rớm nước mắt, giọng uất nghẹn: “Bây giờ có tiền rồi thì tao phải trả thù đời, tao phải sống bù”.
Chị nhớ lại năm Tết Mậu Thân 68, căn nhà của nó bị đạn pháo bắn nửa đêm bốc cháy. Trong cơn hoảng loạn, lớp lo tránh đạn, lớp tránh lửa, nó xốc bao áo quần của cả nhà ôm chạy ra hầm tránh đạn. Chừng coi lại đó là bao trấu, còn bao quần áo đã cháy rụi. Những ngày sau tết, nó chỉ còn lại duy nhất cái áo dài trắng mặc tới trường. Một bữa trời mưa, áo ướt phơi chưa kịp khô, xách cái bàn ủi than ra ủi, nó vô ý để cục than rớt xuống áo làm cháy một lỗ, phải đem vá lại... Và bây giờ nó đã là bà chủ bự của một tiệm cầm đồ, cho vay, nó đã trả thù đời bằng cách đem dát vàng lên người, nó đeo tới tận những chỗ lẽ ra không nên đeo. Nó lý luận tỉnh khô: “Có vàng ngu gì hổng đeo. Có người chắt mót cả đời mới sắm được cái mặt dây chuyền vàng hình ông Phật, không sắm nổi sợi dây, phải lấy chỉ xỏ làm dây đeo cho đỡ buồn”.
Ngẫm lại lời của con bạn chị thấy nó có lý. Cũng là một cách nghĩ, một cách sống. Nó tỏ ra rất chăm chỉ trong việc ăn chơi. Từ Cần Thơ lúc trời đã chiều tối, nó với con nhỏ tài xế lái xe hơi xuống tận Cà Mau. Chủ tớ vô nhà hàng kêu một con cua gạch son, một dĩa bồn bồn xào, uống mỗi người một lon bia, rồi lên xe về ngủ.
Nó đang là người hạnh phúc - chị nghĩ thế. Đơn giản, vì sau một vòng đua chí tử nó đã đến được đích cuối cùng. Không cần phải giấu diếm che đậy gì cả, nó hả hê đến ngạo mạn. Khi chia tay, mấy lần nó căn dặn chị: “Có khó khăn gì cần giúp cứ liên lạc với tao. Tao sống có một mình, tiền nhiều có khi không biết để làm gì!?”, rồi cẩn thận móc card gởi chị.

*
* *
Sau lần gặp và chia tay con bạn, đều đặn cứ khoảng một tháng, chị Luận đưa chồng đi Sài Gòn hóa trị một lần, về sau số lần thưa dần. Sau hơn một năm điều trị, bây giờ anh Châu còn lại có nửa người và một cái đầu láng trơn không tóc, cộng thêm tính khí ngày càng cáu gắt kỳ quặc.
Sáng nay vệ sinh cá nhân cho chồng xong, nhờ người nuôi bệnh giường kế bên trông giúp, chị Luận xách cà-mên đi mua cháo cho chồng. Lúc về tới gần cổng bệnh viện định băng qua đường, chợt nhìn thấy Liên - quần Jean trắng áo đỏ mượt mà ngồi trên chiếc Spacy đỏ lướt ngang, chị chỉ kịp ới lên “Liên ơi”. Bóng áo đỏ trước khi vụt biến khuất trong dòng người xe đông đặc còn kịp ngoái nhìn chị cười ruồi một cái. Chị cầm cái cà-mên cháo đứng lơ ngơ, có nhiều người đang đi trên xe ngoái nhìn chị.
Gần một năm trời nay, từ ngày Liên đột ngột biến mất tăm, chị cũng tuột dốc thê thảm. Đánh đậm một quả hơn năm trăm triệu, kéo theo một chồng, hai con, Liên chuồn thẳng. Cũng như trăm ngàn cuộc vỡ hụi khác, không khí nhao lên một lúc rồi cũng lắng xuống. Kẻ ôm được tiền cứ tiếp tục nhởn nhơ, người mất của thêm được bài học cảnh giác. Tuy không can dự phần thắng thua trong cuộc vỡ lỡ này, nhưng bứt dây thì động rừng, hậu quả dai dẳng đâu có loại trừ chị. Ngay sau trận đó, chị đã thoáng thấy nhiều ánh mắt e ngại mỗi khi chị đến thu hụi. Rồi thái độ cảnh giác bắt đầu lộ diện, họ tranh nhau bỏ lãi cao tới ngút trời. Lãi cao bao nhiêu cũng bỏ, miễn hốt được hụi thì thôi. Cô Tư Mín là người hiểu chị, thông cảm với chị nhiều nhất, mà sau khi mãn dây hụi cũ, cô cũng khéo léo lựa lời từ chối không chơi tiếp dây mới. Mỗi lần đi thu hụi về là thêm một lần chị buồn lo rã rượi. Buồn lo mà phải tỏ ra như thanh thản - cuộc đấu tranh buốt nhức tim óc để được tồn tại. Chị cảm thấy đầu óc mình kiệt quệ. Muốn hư đốn thì dễ, làm người đàng hoàng sao khó quá, cực nhọc quá! Những lúc như thế này chị bỗng nhớ tới Tuyến - con bạn học đồng bóng nhưng tốt bụng. Sao chị không quyết liệt trong cuộc ăn thua, không táo tợn như nó để có lúc mình cũng được mơn man sống trong cảm giác của kẻ bề trên nhỏ lòng thương xuống đứa thấp bé hơn mình? Sao chị không mang linh hồn của quỉ, không trơ tráo như Liên để thản nhiên sống phởn phơ mặc kệ nỗi đau của kẻ khác? Lành hay dữ, kiếp người cũng như nhau, cũng mong manh như ngọn gió chiều. Chị đã nhìn thấy cái chết đến dễ như không của một cô gái điếm về chiều, chết khi miệng còn đang nhai dở dang những cọng mì khô. Không quẩy đạp, không đau đớn, cũng chẳng cần trối trăn.
Trời ban cho chị trái tim đa cảm chẳng để làm gì, chỉ để lâu lâu tự dằn vật mình, rồi lâu lâu tới người khác dằn vật mình. Cái cà-mên cháo, chị vừa xách vào chưa kịp đặt xuống, anh Châu bất đồ bật khỏi giường quơ tay gạt đổ tung tóe, kèm theo lời đay nghiến hằn học: “Đi kiếm trai chớ mua cơm mua cháo gì tới giờ này?!”.