Lão Dộp
Tác giả: Đỗ Xuân Thu
Lão Dộp năm nay đã ngoài năm mươi tuổi. Người lão dong dỏng cao, nếu không nói là hơi gầy. Dáng đi của lão luôn lao về phía trước. Cứ bước thấp, bước cao, thập thà thập thõm lão đi. Mẹ tôi bảo những người có dáng đi như thế là vất vả lắm. Tôi chẳng biết có đúng không nhưng năm sáu mươi tuổi rồi mà lão Dộp lúc nào cũng tất tất tưởi tưởi vác cuốc ra đồng thì cũng vất thật.
Da lão Dộp đỏ au như đồng hun. Đầu lão lúc nào cũng đội cái mũ lá rách. Thời buổi người ta đội mũ phớt, mũ le vít, hay chí ít cũng mũ cối, thế mà lão vẫn đội cái của nợ thịnh hành từ đời nảo đời nào, kể cũng kỳ. Lão Dộp ít nói. Trước đám đông, đặc biệt là nhà đám thì lão Dộp chỉ ngồi nghe và hút thuốc lào vặt. Hoạ hoằn lắm mới thấy lão chêm vào đôi câu, nhất là câu "chả thế lại không ư" như khẳng định lão cũng biết lắm lắm.
Lão Dộp khá đông con, những bảy người con cả thảy. Khi nói đến chuyện này trong lúc nhàn rỗi, mấy tay tre trẻ cùng xóm cứ chê lão Dộp là không thức thời đẻ nhiều đâm ra đến già vẫn còn khổ. Khi cán bộ dân số đến tuyên truyền về sinh đẻ có kế hoạch, lão chỉ ngồi nghe gật gù. "Chả thế lại không ư". Đẻ nhiều là khổ, ý lão nói thế. Về nhà lão quán triệt cho mấy anh con trai chớ có nơi gương bố về việc này. Được cái các con của lão ai cũng ngoan và chịu khó. Mấy anh con trai đều đi bộ đội cả. Mấy chị con gái hễ cứ nhinh nhỉnh lên một chút là có người dòm ngó. Phải nói rằng những người con gái của lão Dộp xinh thật. Cơm toàn trộn sắn với khoai thế mà lớn lên người nào người ấy trông cứ như tranh vẽ. Chẳng cô nào quá tuổi hai mươi mới lấy chồng. Lão Dộp bây giờ đã có gần chục cháu nội ngoại, lên chức ông từ mươi năm nay rồi. Ấy vậy mà lão vẫn lam làm lắm.
Ở với người con cả, đáng ra chỉ có việc ở nhà trông cháu nhưng lão Dộp chẳng lúc nào yên. Hôm thì đi lợp nhà cho bà Bơi cuối xóm, hôm thì đào móng cho tay Sơn mới ra ở riêng. Hễ ai có công to việc lớn gì là lão đến. Chẳng mời lão cũng đến. Lão đến tự nguyện, vô tư. Làm bao giờ xong việc thì lão về. Nhiều người thấy việc lão có mặt như là một lẽ đương nhiên. Thế nên, không nhà nào có việc mà không bảo lão một câu. Không có lão Dộp thì đám ấy không vui. Tuy lão đến chẳng nói gì, chỉ hùng hục vào làm nhưng ai cũng quý lão. Lão là đối tượng cho họ tán chuyện. Còn lão Dộp chỉ ậm ừ cười trừ "chả thế lại không ư". Ấy thế mà vui đáo để. Con lão nhiều lúc cằn nhằn với lão: "Ông cứ đi thế người ta cười cho. Ai không biết lại tưởng ông thèm ăn thèm uống mà đến thì thật tội. Bận sau ai nhờ ông đừng có đi nữa. Vác cái thân già làm quần quật cho người ta để đổi lấy miếng ăn thì đừng có đi". Lão Dộp nghe vậy ức lắm. Lão bảo: "Người ta có việc mình đến giúp là phải đạo. Đến cho có người nọ người kia. Cả đời người ta mới có việc hệ trọng, làng xóm với nhau thì phải giúp nhau chứ. Chả thế lại không ư". Được cái lão không nghiện rượu. Chỉ vài hớp là mặt lão đỏ gay. Cho nên chẳng ai bảo lão là bê tha được. Chỉ có vài kẻ dỗi hơi gọi lão là lão hâm. Thì cứ "việc nhà thì nhác việc chú bác thì siêng" như thế thì ai chả bảo lão hâm. Nhất là vợ lão.
Mọi người làng tôi phong cho lão là "thần nước". Cánh đồng Cây Ké rộng bảy tám chục mẫu ấy rất dễ bị hạn. Nguồn nước tưới cho nó là một cái đập và một con suối giáp ranh giữa 2 xã. Từ đầu nguồn về đến cuối nguồn dài gần 2 cây số. Do cự ly quá xa như vậy, nguồn nước lại ít, mương máng không hoàn chỉnh cho nên nước về được đến cuối nguồn rất khó khăn. Vào vụ làm mạ hoặc vụ cấy thì nước quý hơn vàng. Các nhà tranh nhau về nước. Người có ruộng ở đầu nguồn thì úng ngập thối hết cả mạ và lúa mới cấy. Người ở cuối nguồn thì bắt mãi nước chẳng về để mà gieo mạ. Ngày nào cũng có người cãi nhau ở ngoài đồng. Từ khi khoán hộ sự việc này lại xảy ra thường xuyên. Lão Dộp nghe mà rầu rĩ cả ruột. Ngày trước còn HTX đâu có đến nỗi thế. Lão là đội trưởng đội 202 của xã. Một thời đội 202 của lão đã đào đắp bao nhiêu mét khối đất đá làm đường, làm mương. Thế mà mới chỉ có vài năm khoán hộ, mương, đường họ đã đẽo phá gần hết. Ai cũng muốn cái lợi về mình. Bờ đẽo đằng bờ, đường đẽo đằng đường để đến bây giờ ra đồng phải đi trên những cái bờ bé như cây cau. Không cẩn thận lựa chân mà bước thì lội xuống bùn như bỡn. Mương thì san san lấp lấp, cấy xuống cả lòng mương, nhiều đoạn tắc tịt. Như thế bảo nước về cuối nguồn sao được? Mãi sau mọi người phải bàn với nhau cử người ra "trông nước", tức là làm cái nhiệm vụ điều hành nước. Lão Dộp xung phong nhận ngay cái chức đó. Thế là con lão rồi vợ lão bảo lão là lão hâm. Chả hâm lại không ư khi nhận cái chân điều hành nước đó để cho người được nước người không được nước lại chả cứ réo tên lão mà chửi? Già rồi còn dại. Thanh niên trai tráng bao người không ai nhận thế mà lão lại nhận. Công xá nào có khá gì cho cam. Lão Dộp nghe thấy hết. Mặc. Lão phải đưa nước về cho cây lúa. Nhìn những cây lúa khô cằn quắt queo vì thiếu nước lão cảm thấy xót ruột. Nghe người ta chửi nhau vì nước mà lòng lão tái tê. "Chả thế lại không ư". Vừa mới hôm qua còn chén chú chén anh ở một đám xứ nào đấy thế mà hôm nay vì mấy giọt nước đã lại cãi nhau. Thật chẳng ra làm sao cả.
Từ ngày giữ cái chân "quản nước" lão Dộp lại càng hay ra đồng. Cứ cái cuốc trong tay lão khơi khơi đoạn mương nọ, đắp đắp khúc bờ kia chẳng lúc nào nghỉ. Lão thiết kế lại tuyến mương. Mấy bố con lão xoay lưng ra nạo vét, be đắp để con mương chính trở lại như cái ngày còn hợp tác xã. Mấy nhà cố tình cấy cây lúa xuống mương lão nhổ vứt tiệt lên bờ. Cái đồ chỉ tham bát bỏ mâm, đúng là... Lão xây dựng bản quy định lấy nước thông qua cả thôn. Hôm họp thôn ai nghe thấy cũng chí phải. Khi nước về ưu tiên cho các hộ cuối nguồn lấy trước. Như thế các hộ có ruộng ở đầu nguồn sẽ được nước thấm qua, khi đến lượt chỉ cần tháo qua là đủ. Ấy vậy mà vẫn có mấy hộ đầu nguồn sốt ruột, nóng tĩ lên, cứ sểnh lão Dộp ra là vác cuốc cuốc ngay mấy trổ cho nước vào ruộng nhà mình. Lão Dộp bực lắm. Lão lọ mọ suốt đêm trông chừng cho dòng nước chảy xuôi theo kế hoạch. Lão nhắc người nọ, nhắn người kia "hôm nay đến nhà ông, nhà bà lấy nước đấy, liệu ra mà cày bừa". Có nhà lười đến nỗi nước chảy qua ruộng cũng chẳng cho người ra mà bắt nước về. Lão lại xắn quần lên khơi khơi rạch rạch cho nước chảy vào. Nhiều nhà bận quá chỉ cần nhắn một câu cho lão là lão lăm xăm lấy cho bằng được nước vào cho ruộng nhà họ, họ chỉ còn có việc sẵn cày bừa. Thế nên hình bóng lão Dộp đội cái mũ lá rách, vai vác cuốc trên đồng, nghe tiếng lão rít thuốc lào kêu rong róc ở ruộng thì mọi người yên tâm lắm. Chưa đến ngày nhà mình lấy nước thì cứ yên trí làm việc khác. Đến thời vụ khắc có nước. Có lão Dộp rồi không phải lo gì nữa cả.
Từ ngày lão Dộp giữ cái chân "quản nước" này ai cũng quý lão. Lão còn tham mưu cho trưởng thôn đắp thêm một cái đập ở đầu khoảnh 9 chặn con suối lại để bổ sung nguồn nước đưa về giữa đồng. Lão lại huy động con cái mang bao nhiêu là cọc tre, phên néo hì hục ra đắp đập. Nước suối to, lòng suối rộng, có bận vừa đắp được hôm trước sáng sau ra đập đã bị nước phá trôi. Lão không nản chí. Lão cởi trần ra xoay mình vác đất đắp đập be bờ. Lão chở đất từ nơi xa đến, kè đá để chặn suối. Lão vác hàng trăm cây tre của nhà mình ra để đóng cọc đắp đập. Cuối cùng lão cũng đắp được cái đập to tướng chặn ngang dòng suối giữa đồng. Nhờ có thêm cái đập này mà chỉ cần 4 đến 5 ngày là cả cái đồng Cây Ké này đủ nước. Bây giờ chuyện nước nôi cho cày cấy chẳng có gì phải bàn cãi cả. Vào vụ cấy hái thì cả cánh đồng nhộn nhịp người trâu cày bừa. Không khí ồn ã vui lắm. Cấm nghe thấy tiếng ai cãi cọ hoặc chửi nhau vì nước cả. Những tiếng hát tiếng hò vang lên rộn rã cả cánh đồng. Mấy bà có chồng là liệt sỹ cứ thấy lão Dộp đâu là nheo nhéo gọi: "Bác Dộp ơi cho em thêm tí nước", "Hôm nào tranh thủ bác cày đêm cho em với nhé". Lão Dộp nghe vui cả cái lỗ tai. "Chả thế lại không ư". Chỉ có vợ lão là ngấm ngoảy.
Công việc đang ngon nghẻ như thế thì có người xía vô. Họ thấy lão Dộp chỉ có vác cuốc thong dong ra đồng mà mỗi vụ lĩnh những hai tạ thóc. Thời buổi người nhiều việc ít, có việc như lão Dộp thật quý. Nhà nông biết kiếm đâu ra được mỗi vụ hàng mấy tạ thóc như thế. Thế là có kẻ kèn cựa với cái chân "quản nước" của lão Dộp. Họ đòi "đấu thầu" cái chức này. Khổ thế cơ chứ. Lúc còn lanh tanh bành thì chẳng ai nhận. Đến khi công việc vào nề nếp rồi thì tranh nhau giữ cái chức đó. Ông trưởng thôn lại nghiêng về phía mấy người này. Thì thỉnh thoảng mấy tay ấy chả bia bọt với "sếp" ở ngoài quán gợi ý về vấn đề này là gì. "Cứ cho bọn em vừa làm bảo vệ vừa trông nước luôn thể. Ông Dộp già rồi cho ông ấy nghỉ". Trưởng thôn nghe cũng xuôi tai. Thế rồi sau một buổi liên hoan của tổ bảo vệ, chè chén xong họ cho gọi lão Dộp đến. Ông trưởng thôn tuyên bố lão Dộp nghỉ chân "quản nước" bàn giao lại chức đó cho tổ bảo vệ vì lý do tuổi tác. Lão Dộp nghe mà ù tai. Lão bực lắm không thèm nói một lời nào. Đêm ấy về lão nằm vắt tay lên trán trằn trọc không sao ngủ được. Lão tiếc công mình thì ít mà lão lo cho "sự nghiệp giữ nước" của thôn thì nhiều. "Chả thế lại không ư". Thế là lão Dộp nghỉ trông nước thật. Họp thôn thông qua ai cũng cho như thế là phải. "Thôi ông ấy già rồi nghỉ cũng được. Phải "đào tạo" lớp trẻ chứ". Tiếc thì tiếc thật đấy nhưng thôi, cứ cho lão nghỉ. Lão nghỉ cho khoẻ rồi còn bao đám xứ người ta còn nhờ lão kia mà. Vợ lão thấy thế cũng phải. Tuy vậy bà cũng tiêng tiếc vì mất một nguồn thu cho gia đình. Con lão thì hậm hực: "Bố tôi già không làm được thì còn chúng tôi chứ. Cứ "sẵn nong sẵn né" thế ai chả làm được". Lão phải an ủi động viên các con. "Chả thế lại không ư, thiếu gì việc làm mà phải ôm mãi lấy cái chân ấy. Người ta lại cho là tham quyền cố vị". Quyền với vị quái gì cái chân trông nước. Chẳng qua là bọn chúng tưởng ngon ăn mới lao vào đấy chứ. Thằng con cả của ông vẫn ấm ức.
Lão Dộp nghỉ trông nước nên nhàn hẳn. Nhiều hôm lão cứ ngơ ngẩn vào ra. Có bận không chịu được nữa lão lại vác cuốc ra thăm đồng mặc dù thời gian ấy lúa đang thì con gaí xanh tốt. Lão rẻo qua một lượt từ khoảnh 1 cho đến khoảnh 10, từ đập đầu nguồn đến đập khoảnh 9. Thi thoảng lão lại dừng lại đắp lại cái trổ cho ruộng nhà nào lấy nước bỏ quên. Ai đời lúa đang thì con gái mà để ruộng nẻ tuếch nẻ toác ra thế kia chứ. Lão vừa cuốc cuốc dẵm dẵm vừa cằn nhằn một mình. Cây lúa thời kỳ này là cần nước lắm. Thiếu nước nó đẻ thế nào được. Mai kia dảnh thưa, năng xuất thấp lại kêu. Chả thế lại không ư. Lão cứ lúi húi làm một mình như vậy. Khi về, lão gọi hết nhà nọ, người kia ra mà bắt nước vào ruộng. Đúng là hâm, chẳng phải việc của mình cứ lo bò trắng răng. Mấy tay bảo vệ thấy thế chép miệng.
Từ ngày "ăn" được cái hợp đồng bảo vệ kiêm trông nước mấy tay bảo vệ vui ra mặt. Thì có phải làm gì đâu cũng cứ đến vụ lại thêm được 2 tạ thóc chia nhau chả tốt à? Họ đi trông đồng, trông nước mà toàn phóng xe đạp nhong nhong trên đường với lại ngồi quán. Có hôm phởn chí lên họ còn phi xe máy xuống tận phố huyện hát caraôkê nữa chứ. Thế thì bảo sao nước về đến ruộng người ta được? Quần là áo lượt cứ như sếp không bằng. Thế rồi đến vụ cày cấy, cái sự tranh nhau về nước lại diễn ra. Lại cãi nhau. Lại chửi nhau. Có người còn cuốc bung cả bờ của nhau lên để lấy nước. Gọi đến tổ nước thì chẳng thấy ma nào cả. Lúc này ai cũng nghĩ đến lão Dộp. Người ta thức đêm thức hôm để canh dẫn nước về ruộng nhà mình. Có người vừa mở trổ xong quay về nhà uống nước cái ra đã bị người khác chặn mất. Thế là vào vụ cả làng phải thức đêm ngoài ruộng để tranh nhau nước cấy. Lúc đó họ mới thấy lão Dộp khổ và có trách nhiệm biết chừng nào. Và cuối cùng họ quyết định đề nghị ông trưởng thôn gọi ông Dộp lại làm nhiệm vụ cũ. Hôm họp thôn, theo phương thức bầu cử (bỏ phiếu kín cơ đấy), ông Dộp trúng cử chức "quản nước" với 98% số phiếu ủng hộ. Mấy tay tổ bảo vệ cứ trơ mắt ếch ra trước lão Dộp. Chả thế lại không ư. Lão Dộp quản nước cho làng là đúng nhất. Lão lại hăng hái đêm hôm mò mẫm với "sự nghiệp giữ nước" của thôn.
Đùng cái, lão Dộp bị hạn. Người ta đưa lão vào bệnh viện cấp cứu. Mẹ tôi nghe được tin này bà ngẩn ngơ chép miệng: "Thật tội cho ông ấy. Lành hiền như thế mà cũng bị bọn côn đồ nó đánh". Chả là hôm lão đang làm giúp cho nhà Sơn Ny ở gần chợ thì có tiếng nhốn nháo từ trong chợ phát ra. Một tên kẻ cắp bị phát hiện đang bị mọi người xô ra đuổi bắt. Tay hắn cầm con dao sáng loáng. Hắn lao ra cánh đồng. Mấy người đuổi theo nhưng không ai dám tiếp cận hắn. Lão Dộp nghe tiếng vác ngay cái gậy to tướng lao theo. Đến giữa cánh đồng thì lão đuổi kịp tên kẻ cắp. Lão lao cây gậy vào nó. Nó bị vướng cẳng ngã chỏng vó. Lão lao đến vật lộn với nó. Nó giơ dao chém vào vai phải của lão. Lão Dộp đá văng con dao ra ruộng và hai người quần nhau giữa ruộng. Lão quên cả đau. Tên trộm cố vằng khỏi tay lão để chạy. Vừa lúc mọi người lao đến tóm gọn hắn. Lúc này mọi người mới thấy người lão bê bết máu. Phía cánh tay phải máu chảy ra đầm đìa. Lão Dộp xỉu đi vì vết chém khá sâu và bị mất máu nhiều. Mọi người vội vã đưa lão đi bệnh viện.
Mẹ tôi bảo tôi vào viện thăm lão Dộp. Lão nằm viện đã mấy ngày rồi. Hôm tôi đến lão Dộp đã tỉnh. Có bao nhiêu người đến thăm lão. Lão mở mắt nhìn tôi và hỏi tình hình nước nôi trong đồng Cây Ké thế nào. Tôi mỉm cười nói với ông rằng: "Nước ông bắt về từ hôm ấy vẫn chảy tốt lắm. Không ai tranh nhau cả. Vụ này tha hồ nước cày cấy. Ông cứ yên trí nghỉ ngơi chữa bệnh". "Chả thế lại không ư". Lão nở nụ cười nhìn tôi ý nhị. Đúng là lão "Dộp hâm". Nằm trên giường bệnh rồi mà vẫn nghĩ đến việc của người khác. Tôi vui vui nghĩ vậy và ngắm nhìn lão "Dộp hâm" trong tư thế nằm ngủ y như lão ngả mình trên bờ cỏ sau một tua lấy nước về ruộng. Trông lão đáng yêu quá. Hình như lão đang mỉm cười trong mơ.