Bạn chiến đấu
Tác giả: Doãn Dũng
M ùa hè nước Nga tắt nắng rất muộn. Bảy giờ tối mặt trời vẫn vàng rực chưa chịu giấu mình sau rặng bạch dương xa xa phía tây làng Orekhovo. Những người đàn ông trong làng thường tụ tập vào lúc này, sau một ngày đồng áng vất vả. Họ uống bia, chơi đô mi nô và nói dăm ba câu chuyện tầm phào đợi cơm tối.
Bên cạnh những người đàn ông Nga to khoẻ, ở trần, da rám nắng đỏ au, đang cười nói vung tay đập côm cốp những quân đô mi nô lên mặt bàn gỗ sồi là một người đàn ông châu Á. Trông anh nhỏ bé, khuôn mặt gầy, tóc tai bờm xờm rất khó đoán tuổi. Anh mặc một cái áo sơ mi cũ, cúc cài cúc buông, xộc xệch nhầu nhĩ. Chiếc quần khaki màu xám, bạc phếch, xắn đến tận đầu gối. Tư thế ngồi của anh cũng khác những người đàn ông quanh đó. Một chân có giày buông dưới đất, một chân co lên ghế thì không giày, cằm tì lên cái đầu gối củ lạc, mắt chăm chú theo dõi những quân đô mi nô trên bàn. Chốc chốc lại thấy anh đổi chân cho đỡ mỏi, chân kia dò dò dưới gầm bàn tìm chiếc giầy há mõm, quăn queo, mốc thếch.
_Này ông, đồng hương của ông đến đấy - Vợ anh, một người phụ nữ Nga, bất chợt xuất hiện, thò đầu qua lớp hàng rào gỗ gọi vọng vào.
_Bảo họ đợi một chút, tôi chơi nốt ván đã.
_Họ lại đến mua lợn à? – Ai đó trong hội hỏi.
_Chắc vậy - anh lơ đãng trả lời và đặt quân đô mi nô cuối cùng lên bàn – Tôi thắng rồi nhé - anh thông báo rồi đứng dậy, chân lại rờ rẫm tìm chiếc giày lúc nãy hẩy khỏi chân.
Người đàn ông châu Á đó tên là Tuấn. Gần hai chục năm trước, anh được chuyển tiếp sang Nga học năm thứ 5 về ngôn ngữ. Trên một chuyến tàu, anh quen người thôn nữ Nga, không xinh nhưng chất phác và đôn hậu. Họ yêu nhau, lấy nhau rồi về quê vợ làm lụng sinh sống, tại cái làng nhỏ bé này.
* * *
Rất mất công Việt mới tìm ra Tuấn nhân thể một chuyến công tác sang Nga. Mọi mối quan hệ được anh đào xới để tìm ra manh mối Tuấn “điên”, cái tên mà ngày xưa mọi người vẫn gọi Tuấn. Ở Matxcova có người bảo hình như Tuấn ở dưới vùng Novoxibir. Việt mua vé, bay mất 5 tiếng xuống đây. Lùng sục trong cộng đồng người Việt, những câu hỏi, những lời miêu tả mơ hồ, những cái lắc đầu trễ nải của người được hỏi không làm Việt nản nòng. Rốt cuộc cũng có người nhíu mày bảo: “Có lẽ đó là ông Tuấn “lợn”, chuyên cung cấp lợn thịt, thực phẩm tươi sống cho “ốp” này. Đúng là ông ấy lấy vợ Tây, nhưng ở cái làng cách thành phố này hàng trăm km, khó tìm lắm đấy”.
Giờ thì Việt khẳng định người đàn ông đang đi trên con đường làng là Tuấn “điên”. Cái dáng người nhỏ bé, lưng còng còng, khi đi hai tay đút túi quần, đầu chúi ra đằng trước như chực ngã chẳng lẫn vào đâu được. Trông anh vẫn thế, ngoại trừ cái lưng có vẻ còng hơn dưới gánh nặng tuổi tác.
_Mua gì thế ông? Lợn hay gà? - Tuấn vừa bước vào vừa hỏi. Dường như theo một phản xạ có điều kiện, những người Việt nam đến đây chỉ để mua thực phẩm tươi sống đem về thành phố chế biến bán kiếm lời, cho nên Tuấn vào đề ngay.
_Tôi chẳng mua gì cả, đến thăm anh thôi - Việt vừa nói, vừa cười, nheo mắt ngắm Tuấn từ đầu đến chân - Lôi thôi quá! vẫn chẳng khác gì một anh nông dân vừa cầy xong thửa ruộng - Việt bảo.
_Thì…tôi vẫn là nông dân đấy thôi - Tuấn cười chống chế, đưa tay gãi đầu, nhìn Việt khó hiểu, không rõ con người đứng trước mặt mình là ai, đến đây làm gì?
_Vẫn chưa nhận ra ai à? - Việt mở túi xách, móc ra một vật khum khum được gò bằng tôn hoa. Năm tháng đã làm nước mạ bay mất, chỉ còn lại một mầu tôn xám xỉn - Nhận ra ai chưa?
_Chú Việt - Tuấn thốt lên - Chú khác quá, chú vẫn giữ cái này à? – Bà béo ơi, đây là bạn chiến đấu của tôi - Tuấn bỗng hoạt bát hẳn lên, í ới giục vợ làm cơm. Lăng xăng đi bắt gà đãi khách. Miệng không ngớt lẩm bẩm: “Là chú Việt! Quí hoá quá! Quí hoá quá”.
* * *
Tuấn sinh ra và lớn lên ở một vùng quê Bắc bộ. Khi Tuấn bắt đầu cắp sách đến trường, cũng là lúc chiến tranh leo thang ra miền Bắc. Bom Mỹ vãi như trấu trên những cánh đồng quê Tuấn. Tuấn đi học phải đội mũ rơm. Cha Tuấn làm cho hai cái mũ rơm. Một cái rộng vành đội đầu như mũ của các bạn khác. Cái nữa nhỏ hơn, không vành, khum khum như cái mo cau. Cha Tuấn dặn: “Đi học nhớ che dái”. Tuấn lờ mờ hiểu rằng cái mũ đó quan trọng cho cuộc đời mình. Trẻ con mải chơi hay quên, nhiều hôm Tuấn đi học chỉ mang cái mũ rộng vành. Tuấn đành lấy cái mũ đó che phần bụng dưới mặc cho đầu trần. Lũ bạn thấy thế trêu chọc bảo Tuấn “điên”. Lúc đầu Tuấn còn cáu, chửi lại. Càng chửi chúng nó càng trêu tợn, sau Tuấn thây kệ.
Khi Tuấn bắt đầu phổng phao thì thống nhất đất nước. Bố Tuấn ăn mừng chiến thắng bằng một tiếng thở phào nhẹ nhõm. Ông sợ Tuấn sẽ phải nhập ngũ khi vẫn còn chiến tranh. Ông bảo Tuấn: “May cho mày”.
Năm 1978, Tuấn đã 18 tuổi. Tuấn có giấy gọi nhập ngũ. Cha Tuấn thở dài, hoá ra chiến tranh vẫn chưa kết thúc hẳn, sự chết chóc vẫn còn lẩn quất đâu đây. Biên giới Tây Nam lại căng thẳng. Mẹ Tuấn khóc. Đàn bà không làm được gì hơn ngoài khóc. Cha mẹ Tuấn chạy đôn chạy đáo làng trên xóm dưới hỏi vợ cho Tuấn trước ngày nhập ngũ. Chẳng nhà nào đồng ý cho con gái về làm dâu nhà Tuấn. Cũng chẳng hiểu tại sao!
Sau thời kỳ huấn luyện thì đơn vị di chuyển vào Nam. Cuối năm đó đơn vị vượt sông Mê Kông trong bão lửa của dàn DKZ bên kia, đánh thọc sâu vào vùng đất bên ấy.
Gần 5 năm tham gia các trận đánh lớn nhỏ, Tuấn bị thương cũng vô số mảnh nhưng không vào chỗ hiểm. Tuấn được đi học trường Ngoại ngữ quân đội. Loắng ngoắng thế nào lại được chuyển sang trường Sư phạm ngoại ngữ Cầu giấy. Thế là thành chuyển nghành sang dân sự. Tương lai sẽ trở thành ông giáo.
Môi trường sinh viên rất khác với môi trường quân ngũ. Đối với họ, chiến tranh đã đi qua rất lâu, nó không còn hiện hữu trong tâm trí họ, không còn được nhắc đến trong bản tin thời chiến như hồi chống Mỹ. Tuấn cũng nhận thấy rất khó nói chuyện với họ. Những câu chuyện về vùng quê nơi Tuấn sinh ra, hay những trận đánh máu lửa của đồng đội trên những cánh đồng, cánh rừng đất bạn không hấp dẫn họ. Họ thích nói về những ước mơ, mà trong ước mơ đó họ là con người của chủ nghĩa thực dụng.
Tuấn phát hiện ra trong khối còn hai người đàn ông nữa, họ lên giảng đường vẫn mặc bộ quân phục xanh rì kiểu cũ trước năm 82, chân đi dép lốp, đôi mắt nghiêm nghị ít cười. Nhưng chính họ lại chưa một ngày quân ngũ chứ đừng nói đến chuyện nghe tiếng súng nổ hay xung phong dưới mưa bom bão đạn. Sự phát hiện ấy làm cho Tuấn thêm buồn. Anh cảm thấy mình lẻ loi đơn độc, một mình một chiến hào, không có đồng đội bên cạnh. Cảm giác đó làm cho Tuấn sợ.
Nói thế cũng không phải lắm. Bởi học đến năm thứ 2 thì Tuấn có một người bạn. Đó là một cậu bé 15 tuổi mới nhập trường và ở nội trú như Tuấn. Trường Sư phạm có một trường phổ thông nhỏ bên trong, gọi là nuôi gà nòi. Cậu bé mới lên cấp 3 và học ở trường đó. Tuấn tình cờ ngồi gần cậu bé ấy ở thư viện. Cậu ta chăm chú đọc một cuốn sách, lúc nghỉ giải lao, anh ngó qua. Đó là một cuốn truyện viết về hai cô bé bị bắt vào trại tập trung của bọn Polpot. Hai cô bé đã mưu trí trốn khỏi bàn tay độc ác của lũ diệt chủng, nhằm hướng đông cắt rừng lội suối sang được đến miền đất tươi sáng là Việt nam. Tuấn bảo: “Anh chiến đấu ở đấy gần 5 năm”. Thế là họ thành bạn của nhau. Chỉ có cậu ấy mới nghe được những câu chuyện của Tuấn, mới hiểu được những giấc mơ ám ảnh, chia sẻ với anh ký ức trận mạc. Có một người bạn vong niên như thế là Tuấn vui lắm rồi.
Tuấn bắt đầu mắc chứng mất ngủ. Lúc đầu mới chỉ là khó ngủ. Cứ chợp mắt là thấy sáng loà của quầng lửa B40, tiếng xé gió rách tai của đạn pháo vượt qua đầu, tiếng cắc đùng của cối cá nhân, tiếng rên la của đồng đội. Thường thì Tuấn bừng tỉnh ngay trước khi mơ mình bị bắn chết. Mồ hôi đầm đìa ướt áo, tim đập thình thịch hốt hoảng như ngày đầu ra trận. Những cậu sinh viên cùng phòng tỏ vẻ khó chịu ra mặt với những cơn mơ của Tuấn. Họ bảo: “Đã nóng, đã đói cố mà ngủ cho quên, anh lại cứ la hét ầm ầm thế bố ai mà ngủ được”. Tuấn cảm thấy mình có lỗi vì làm phiền những người xung quanh. Anh đi ra ngoài cho họ ngủ.
Tuấn lang thang trong khuôn viên của trường đến gần sáng, khi khí trời đã bớt hầm hập thì anh chợp mắt được một lát dưới mái hiên ngôi nhà nào đó. Tuấn thiếp đi trong sự mệt mỏi và không còn sức để mơ về những trận đánh nữa. Có hôm còn mơ thấy giấc mơ đẹp, được làm tình với bọn con gái. Những đêm như thế, Tuấn hay bị dậy muộn vì cứ nấn ná nhấm nháp sự sung sướng trời chỉ ban cho trong giấc ngủ. Cho đến lúc sáng rõ, có tiếng người lao xao đi học và cú đá vào mông của mấy cậu sinh viên: “Tuấn điên, dậy đi” thì anh mới lồm cồm bò dậy về phòng đánh răng rửa mặt, chuẩn bị sách bút lên giảng đường.
Bọn sinh viên trong trường cả gái lẫn trai, năm trên khoá dưới đều biết đến Tuấn. Chúng nó gọi Tuấn là Tuấn điên. Anh cũng mặc kệ, từ bé anh nghe tên mình như thế thành quen tai.
Người quản lý ký túc xá cũng từng là một người lính thời chống Mỹ. Ít nhiều ông cũng hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh của Tuấn. Ông ta thu xếp cho anh một căn phòng khoảng 6 mét vuông ở tầng áp chót. Thực ra nó là một cái nhà tắm công cộng được bố trí ở chiếu nghỉ tầng 4 rưỡi của một ngôi nhà 4 tầng xây từ những năm 50. Nước nôi khan hiếm đã biến cái nhà tắm ấy hoang phế nhiều năm nay. Tuấn dọn dẹp sạch sẽ và kê vào một chiếc giường sắt.
Cớ ngỡ là không còn làm phiền đến ai thì Tuấn có thể yên tâm la hét rồi vùi mình trong giấc ngủ. Hoá ra không phải vậy! Những giấc mơ vẫn hiện về, không còn chói loà ầm ĩ như trước, nhưng ám ảnh nặng nề hơn trước rất nhiều. Giấc mơ về những trái mìn cóc và những đôi chân không lành lặn của đồng đội. Có lần Tuấn mơ thấy trái mìn nhảy lên ngang hông. Nó không nổ ngay như mọi khi. Nó biết nói tiếng người và hỏi anh: “Tao đang ngủ sao mày dẵm vào tao hả thằng kia”. Tuấn trả lời: “Mày mầu cứt ngựa lẫn với cỏ đất tao đâu nhìn thấy”. Nó lại bảo: “Bất luận thế nào mày cứ dẫm lên tao, làm đau tao thì tao phải nổ”. Và nó cười ngạo nghễ trước khi phát nổ. Tiếng nổ không to, sát thương không rộng nhưng tàn độc. Người dính mìn cóc không chết nhưng mất vĩnh viễn đôi chân, tệ hơn là mất cả đôi ngọc hoàn, cướp đi quyền năng tạo hoá ban cho đàn ông để có thể làm khổ được đàn bà. Một người đàn ông nếu có cụt cả 2 chân đến bẹn, nhưng quyền năng tạo hoá vẫn còn, thì họ vẫn còn cơ hội để làm khổ một ai đó. Còn chút ít niềm hi vọng để sống, để tồn tại hay ít nhất cũng còn có thể tự mình làm khổ mình như anh trong những giấc mơ hoan lạc.
Cũng có thể do ý thức được cái mũ không vành cha làm cho thời thơ ấu, nên Tuấn rất chú trọng giữ gìn bảo vệ phần dưới rốn. Lần đâu tiên Tuấn biết thế nào là mìn cóc khi bám theo xe tăng đánh cứ điểm. Xe tăng tấn công đi trước mở đường, bộ binh nép theo sau tác chiến cùng. Người bên cạnh Tuấn dính mìn cóc, anh nhìn rõ khoảnh khắc trái mìn nhảy lên rồi nổ tung. Người ấy đổ ập xuống sau tiếng nổ, đau đớn tột cùng với cái quần rách nát lùng bùng xương vỡ lẫn thịt vụn. Sự việc còn kinh hoàng gấp bội khi Tuấn phát hiện ra cặp ngọc hoàn của ngưới lính đó văng lên nóc xe tăng. Tuấn nhìn nó rất rõ, thậm chí còn thấy mấy sợi lông bay phất bơ đính trên một mẩu da bìu vương vãi. Tuấn buồn nôn và ngồi thụp xuống. Chẳng ai quan tâm, lính mới nhìn thấy máu me phát nôn là chuyện thường.
Tuấn cắt vỏ đạn lựu pháo 105 rồi gò thành một cái mũ không vành hình tam giác, khum khum che kín chỗ cần che. Đục lỗ ba đầu luồn dây dù treo lên người. Lúc đầu bọn trong đơn vị cười sằng sặc không chấp thằng Tuấn “điên” này. Thời gian sau, đơn vị càng vào sâu, càng trúng nhiều mìn càng mất nhiều ngọc hoàn. Những người lính trẻ tuổi bắt đầu lo sợ, họ cũng làm như Tuấn. Ít ra là cả tiểu đội Tuấn đều có rọ mõm như cách gọi tếu táo của lính. Đúng là Tuấn chẳng biết gọi nó là gì, áo giáp cũng không phải, quần giáp thì nghe không lọt tai, cuối cùng ai đó gọi là rọ mõm thấy hay hay rồi quen tai. Rọ mõm được cất trong ba lô, lúc nào lâm trận thì dùng. Sau chợt hiểu mìn không đợi vào trận đánh mới nổ, mìn có ở khắp mọi nơi nên Tuấn chỉ tháo rọ mõm khi đi ngủ.
Trong cái chuồng cu 6 mét vuông này, trái mìn biết nhảy biết nói hiện diện khắp nơi. Hồi đầu nó chỉ xuất hiện trong giấc ngủ. Bây giờ cả trong lúc thức, lúc Tuấn đang ngồi học bài cũng nghe văng vẳng bên tai: “Thằng kia, tao nổ này”. Tuấn bị nó hành hạ không ngủ được khiến cơ thể suy nhược. Tuấn sợ nó đến mức đi đường thấy vật gì mầu nâu nâu xanh xanh là tránh thật xa, kể cả nó chỉ là hòn đá hay mảnh sành mảnh chĩnh.
Sự sợ hãi đã lớn đến độ, Tuấn không dám bước chân xuống cái giường sắt thì cậu bé, bạn vong niên của anh tìm ra cách chế ngự nó. Cuộc sống có nhiều thứ ngược đời, cứ tưởng là đơn giản hoá ra phức tạp, có cái phức tạp lại giải quyết vô cùng đơn giản. Cậu ra chợ đặt ông thợ gò hàn làm một cái rọ mõm bằng tôn như trong câu chuyện cậu được nghe Tuấn kể. Cậu ta đưa cho Tuấn bảo: “Dùng thử xem”. Rõ ràng là sau đó anh tự tin hơn, anh đã có thể khủng khỉnh trả lời ngược lại với quả mìn rằng: “Mày cứ nổ đi, bố mày mất hai chân là đinh nhé, đố mày lấy được cái chân thứ ba của bố đấy”.
Có một sự lạ là khi Tuấn đeo rọ mõm thì quả mìn ấy như có mật thám báo trước, nó trốn biệt. Chỉ khi Tuấn tháo ra thì nó mới xuất hiện. Đã thế Tuấn đeo luôn trong người, kể cả lúc đi học. Có điều, lúc nào cũng thấy hai tay Tuấn đút túi quần, để vừa đi vừa giữ rọ mõm cho chắc chắn. Cái quần lính khá rộng che bớt cũng không đến nỗi nào, chẳng phải ai cũng nhìn thấy sự khác lạ nơi anh.
Những giấc mơ chết chóc và quả mìn biết nhẩy không còn hiện diện trong cuộc sống của Tuấn thì anh bắt đầu thấy thích ngắm lũ con gái. Nhất là lúc chúng cúi xuống múc nước ở cái bể nước công cộng. Mắt Tuấn như bị dính vào những đường gân hằn lên sau lớp vải lụa đen.
Tuấn chú ý đến một người con gái cùng lớp. Chị ta gầy, đen đúa và xấu gái. Tuấn rủ chị ta đi chơi đến lần thứ ba thì chị ta nhận lời. Cũng chẳng phải là đâu xa, đi loanh quanh trong trường vào buổi tối thôi. Dạo trước khó ngủ Tuấn hay lang thang đêm, anh biết rất nhiều ngóc ngách buổi tối trai gái hay chui vào tâm sự. Tuấn rủ chị ta vào, một thoáng lưỡng lự rồi cũng đồng ý. Bình thường Tuấn đã không biết phải nói chuyện gì với bạn nữ. Trong hoàn cảnh này, Tuấn càng không biết nói gì, mọi suy nghĩ biến đâu mất, đầu óc rỗng tuếch. Tuấn bèn cầm tay cô ấy và định làm cái việc như những thằng đàn ông khác ngồi gần đấy đang làm. Anh muốn biến những cảm giác sung sướng chỉ xuất hiện trong giấc mơ thành hiện thực. Cô gái đẩy Tuấn ra, chống cự quyết liệt. Chị ta hét lên: “Anh điên à?”. Những người xung quanh giật mình dừng hết công việc của mình và ngó sang. Tuấn phẩy tay cho qua. Đúng là đồ đàn bà!
Đây là lần đầu tiên Tuấn cật vấn bản thân mình có điên hay không. Anh còn gặp cậu bạn hỏi: “Mày thấy anh có điên thật không?” Cậu bạn tủm tỉm an ủi: “Anh hoàn toàn bình thường”. Tuấn suy tư: “Sao cô ấy lại nghĩ là anh điên nhỉ?” Cậu bé cười: “Tại vì cô ấy điên mới nói thế”. Tuấn bật cười khà khà, như thể anh mới phát hiện ra điều gì rất lý thú trong cuộc sống.
Hết năm thứ 4, tuy học không khá lắm, nhưng Tuấn vẫn nằm trong danh sách chuyển tiếp. Anh được cộng khá nhiều điểm ưu tiên. Cậu bạn Tuấn cũng vừa hết phổ thông, chuẩn bị nhập ngũ. Tuấn bảo: “Em thích mua gì ở bên ấy thì bảo anh”. Cậu bé bảo: “Anh để lại cho em cái rọ mõm làm kỷ niệm là được rồi”.
Tuấn bay sang Nga vài ngày thì cậu bé cũng lên đường. Có lẽ cậu là thế hệ cuối cùng phải đối mặt với chiến tranh, đối mặt với cái chết để bảo vệ từng tất đất biên cương. Một thời gian sau thì tiếng súng cũng tắt hẳn. Chiếc rọ mõm luôn ở trong ba lô người lính trẻ như một thứ kỷ vật về một người bạn chứ chưa lần nào phải sử dụng nó. Thời gian trôi thế mà nhanh, thấm thoắt cũng gần hai chục năm rồi.
* * *
Bữa cơm đã được dọn ra. Có món gà luộc như ở Việt nam. Chị vợ Tuấn bê ra một bình rượu hoa quả bảo nhà làm, khách quí mới mang ra đãi. Tuấn xua tay: “Cất…cất đi, để tôi với chú ấy uống loại này”. Anh lôi ra một chai rượu trắng lắc lắc sủi tăm, nháy mắt: “Quốc lủi, anh nấu lấy đấy”.
Chị vợ Tuấn làm một hơi hết phần rượu rót ra cốc, quay ra thắc mắc với Việt : “Anh là bạn chiến đấu với ông lão nhà tôi mà sao trông trẻ thế. Có chiến đấu cùng một mặt trận không?” Việt cười: “Biết nói thế nào với chị nhỉ. Tôi kém anh Tuấn cả chục tuổi. Anh ấy là một trong những người lính đầu tiên chiến đấu ở biên giới Tây nam, còn chúng tôi là những người lính cuối cùng chiến đấu ở biên giới phía Bắc. Xét về mặt địa lý thì khác nhau, kẻ thù cũng khác nhau, nhưng bản chất thì cùng chung một mặt trận, mặt trận bảo vệ tổ quốc”. Cả ba người đều cười nói vui vẻ. Tuấn bảo: “Mụ béo này sinh ra sau Đại chiến thứ hai, có biết mùi bom đạn là gì đâu nên giải thích như chú cho bà ấy dễ hiểu. Chứ còn như anh với chú, cuộc chiến đấu để trở về với cuộc sống thường ngày sau chiến tranh cũng ác liệt chẳng kém. Chú là đồng đội, là bạn chiến đấu của anh trong cuộc chiến đấu đó. Đúng không?”
Việt ngẫm một lúc rồi bảo: “Anh nói đúng, anh là người chiến thắng”. Như chợt nhớ ra điều gì Việt hỏi: “Mải chuyện quên không hỏi, các cháu đi đâu mà không thấy ở nhà?” Tuấn bảo: “Chúng nó đi trại hè cuối tuần này mới về. Chú ở lại chơi đợi các cháu về được không?” Việt từ chối: “Mai em phải quay về Matxcova, mọi người đang đợi ở trên ấy. Chuyến công tác này, gặp được anh, thấy anh thế này là thành công ngoài dự kiến rồi”.
Vợ Tuấn nhìn cái rọ mõm hỏi là cái gì. Tuấn bảo: “Vũ khí của tôi đấy” rồi nhìn Việt phá lên cười.