Không hẹn mà gặp
Tác giả: Đoàn Lê
Xóm núi gồm mươi nóc nhà bình lặng yên ả, nằm sát chân ngọn Mẫu Sơn, dân chưa đủ đầu người phục vụ chạy vặt cho nhu cầu khu du lịch bờ biển sát nách đó. Giặt chăn ga gối đệm, chợ búa đón hải sản tươi sống, phục dịch nhà buồng, nhà bàn, chạy xe ôm đưa đón hàng từ khách sạn này sang nhà nghỉ kia, thường trực hăm bốn trên hăm bốn... Ôi a, trăm thứ việc không tên làm sao kể xiết.
Trong số những cư dân bản địa nhao ra kiếm sống ở khu du lịch biển có Ty. Cái nghèo đẩy Ty ra đó từ rất sớm, khi Ty mới ngoài hai mươi, một nách hai con thơ, quần lúc nào cũng xếch ngược một ống.
Ty vốn tên cúng cơm là Tỵ. Sợ xấu thị bỏ bớt dấu nặng từ hồi dậy thì, biết làm dáng. Nhưng Ty không hiểu các mỹ nhân tuổi Tỵ rất có duyên thầm. Duyên thầm đến nỗi Ty sập bẫy ngay khi chưa học xong lớp tám. Gia đình vội cho làm đám cưới qua quýt với anh thợ xây, chuyên đóng cọc móng, nhà cùng xóm, tên Nang. Qua quýt cũng để Ty mau chóng còn tới hộ sinh xã, cho ra đời đứa con gái đẹp như ngọc nữ. Đứa bé may mắn không bị vứt vào bờ bụi là phúc cho nó.
Ở chốn sơn cùng thủy tận, với anh chồng khỏe mạnh hơi đần đù, ngày đêm chỉ biết cắm mặt quai vồ đóng cọc móng thật lực, nếu Ty không khéo đảm đang, có mà rã họng sớm. Đóng cọc móng tính ba ngàn một đầu cọc tre, gặp lớp đất thổ cư rắn đanh cứ gọi bỏ bố. Ráo mồ hôi hết tiền. Chưa biết chừng phát ho lao, tiền thuốc không đủ cứu, nói gì nuôi vợ con?
Nhưng được cái tiến độ xây dựng khách sạn nhà hàng khu du lịch biển đang leo thang vùn vụt. Nhờ vậy Nang làm không thấu việc. Những ngày ấy hai đứa trẻ một trai một gái nhà Nang -Ty ăn thịt nhờn mép, cười khanh khách, đùa nghịch suốt ngày. Nhưng sau một đận Nang bị sưng gan nặng, thằng bố vai u thịt bắp bắt buộc phải bỏ nghề quai vồ, hai đứa con không quen sống kham khổ, cũng giống hệt bố chúng ruồi bâu mép chả buồn đuổi.
Bấy giờ tất cả gánh nặng đổ lên đầu người đàn bà. Nuôi ba cái miệng ruồi đậu đó, chưa kể thuốc men, Ty quay như chong chóng. Thị bỗng trở thành người khổng lồ dưới cái lốt mảnh mai nhỏ nhắn đến tội nghiệp. Vừa thấy thị cất rượu cho quán cơm bình dân, lại đã thấy thồ sò huyết, dưa hấu cho khách sạn cuối bãi, rồi tranh thủ nhận chở mấy xe cải tiến gạch trong xóm, trước khi bịt khăn nửa mặt quét vôi ve ở hiệu cắt tóc mới mở.
Có người nửa đùa nửa thật bảo:
- Làm đến phát cuồng phát dại thế, chả mấy nỗi tò tí te mày ơi!
Đừng hòng, giời nghiệt ngã chưa cho phép thị được hưởng ân huệ tò tí te đâu. Ngược lại càng bắt thị phải khỏe để gánh tiếp tội nợ. Cứ xem, tuy nhịn miệng nhường chồng con, người ngợm thị vẫn thon thả, bắp thịt tròn lẳn, săn cứng tựa củ sắn cái, trông ngon mắt đáo để.
Không thế tha lôi sao nổi tạ tư đến tạ sáu gạo mỗi buổi sáng, bằng cái xe đạp thồ rệu rão, rồi những leo lên dốc, tụt xuống dốc con đường xóm núi gập ghềnh? Chiều đến, nhọ mặt người mới thấy thị đèo hai thùng nước gạo đầy khự, mua gom tại các quán ăn về nuôi đàn lợn hơn chục con ở nhà.
Hai giờ sáng, thị lại mắt nhắm mắt mở ra chợ tạm đón sọt nấm rơm. Chợ tạm ngay chân cầu Rào, nơi người ta đổ về mua cất hàng từ nửa đêm gà gáy. Chưa tỏ mặt người chợ đã tan. Mua mười sáu bán mười tám. Thế này, chỉ ngót giờ đồng hồ sau, riêng khoản nấm thị cầm chắc năm chục tiền lãi trong túi. Giao xong sọt nấm, quay xe về cửa hàng xay xát chở gạo cũng vừa.
Hôm nay những ai gọi gạo nhỉ? Nhất định buổi trưa tranh thủ ghé qua nhà Thắm chọn sách vở cho lũ trẻ vào năm học mới. Chết thôi, sắp mất đứt tiền triệu cho năm học mới. Lấy đâu ra bây giờ. Chả nhẽ không cho thằng cu Đang đến lớp. Nó háo hức chờ đợi cả tháng nay đấy...
- Này, con mẹ Phương đang nhờ tao thuê hộ người đến giặt giũ cho nhà nghỉ Thiên Phương đấy - Noàn, bạn chợ Đêm với Ty mách nước - Tí về chợ, rẽ vào gặp mụ ấy xem.
Nghe đến công việc thị lập tức tỉnh như sáo. Chờ mua thêm ít khoai tây, thị phóng xe về ngay khu du lịch bãi biển cách cầu Rào gần hai chục cây số.
Sau khi trả khoai, trả nấm, phân phối tạ tư gạo khắp thị xã, thị mới ghé vào nhà nghỉ Thiên Phương, dè dặt hỏi thăm:
- Bà chủ có nhà không, các cô ơi!
Các cô đây là mấy em chân dài, buổi sáng chưa có việc làm, còn ngồi cả dãy rỉa lông rỉa cánh, đón hàng quà đi rong.
Tức thì một người đàn bà phốp pháp, mặt bự son phấn từ gian trong đi ra, hách dịch hỏi:
- Hỏi gì?
Thị biết ngay đấy là bà chủ.
- Thưa bà, người ta mách nhà nghỉ cần người giặt giũ, có phải không ạ?
Thị rụt rè hỏi, vừa kín đáo quan sát cái mặt bự thịt, đôi mắt hơi nhỏ, hai cánh mũi khoằm diều hâu phập phồng như đang ngửi thị dò xét.
- A, đúng rồi. Vậy em vào đây. Dựa xe vào gốc cây bên đường kia kìa.
Ty không ngờ cái giọng bà chủ lập tức ngọt ngào dịu dàng. Bà ta còn đưa bàn tay mũm mĩm sực nức nước hoa vuốt lên vai áo Ty.
- Nói nhanh với em nhá, nhà hàng cần người giặt giũ đầu tầm sáng, cuối tầm chiều, cơm một bữa trưa, không giải quyết ngày nghỉ, ngày lễ. Lương triệu ba, nhận được thì nhận em ạ. Khối người muốn làm nhưng tôi cần người thật thà, xốc vác. Làm việc tốt mỗi tháng lương còn được thưởng thêm dăm bảy chục. Nhà lại có máy giặt, không nặng nhọc gì lắm.
Không nặng nhọc gì thật. Nhà có tám em bé, hàng ngày mỗi cô thay một hai bộ cánh; mười hai phòng nghỉ, chăn ga gối đệm phải sạch tinh, thơm tho. Ty xoay vần giữa khu nhà giặt rộng mười mấy mét, mùi xà phòng, bột giặt nồng nặc bốc lên. Rồi phơi, rồi là, rồi gấp...
Làm đến vậy nhưng xem ra càng ngày lại càng túng thêm. Lứa lợn lãi gần bảy triệu chỉ đủ một lần cho anh chồng đi cấp cứu tại Hà Nội. Đến đận thằng bé lây dịch viêm não Nhật Bản, thị phải vay ngược vay xuôi, nợ chồng chất mới cứu nổi con. Thị bán nửa ao bèo cho chị hàng xóm, bán gốc muỗm gia bảo cho người ta chặt lấy gỗ. Lắm lúc bi quan thị nghĩ chỉ có cái chết mới giải thoát thị khỏi nợ nần thôi.
Mấy bữa nay trở gió, Nang lăn đùng ra giường kêu đau. Bụng trướng lên, phải ngồi tựa tường để thở.
- Bà ơi, nhà cháu khéo chết mất. Khổ thân, ăn gì nôn nấy, không đi vững nữa rồi. Bây giờ ít nhất cũng phải có tiền triệu mới đưa lên được Hà Nội kiểm tra lại.
Thị khóc mếu với bà Phương. Bà chủ nhìn thị, đôi cánh mũi khoằm rung rung có vẻ cũng ái ngại thương cảm đôi chút.
- Ôi giời, nhưng tôi đã cho nhà chị vay rồi đó thôi, lại ứng trước nửa tháng lương... Thế! Tiền chứ đâu phải lá đa. Giết ai mà có? Lại vừa rồi con Thúy bỏ trốn theo trai, tôi mất cả chì lẫn chài, chị lạ gì. Đang chết dở với việc lo cho xong chuyện con Lam, lại sắp phải góp tiền đóng thuế, quà cáp ngày khai trương mùa du lịch... Trăm thứ bà rằn.
Ty vừa gạt nước mắt thổn thức vừa tuôn đống quần áo bẩn cao bằng núi vào máy giặt. Chiều nay liệu thằng chồng tội nghiệp của thị đỡ đau chút nào không? Dù nó có vô tích sự tựa cục đất cũng là người bố trong gia đình. Thị không thể hình dung một hôm nào mất đi cái cục đất ấy.
Trời sập tối nhanh quá. Bữa nay thị phải làm bù việc cả ngày hôm qua vì nghỉ đi cắt thuốc cho chồng. Đã bảo bố con nó liệu cơm nước ở nhà, cứ ăn trước, có thể mẹ về rất muộn.
Đang mải mê những nghĩ cùng ngợi, thị bỗng giật nảy vì bà chủ đứng phía sau từ lúc nào, vỗ nhẹ vai thị:
- Này, tôi bảo chị cái này hay lắm. Bỏ việc đấy đã. Mau lên!
Bà kéo thị vào buồng riêng rồi ấn thị ngồi xuống cái giường đệm sang trọng. Còn đang ngạc nhiên, bà ta đã thẽ thọt vào tận tai thị:
- Này nhá, chị biết nhà mình có mười hai phòng, đêm nay thứ bảy kín mười một phòng rồi. Phải chạy đôn chạy đáo mới đón được thêm ba con bé tận Quý Kim về phục vụ khách. Đã tưởng ổn, ai ngờ phòng mười hai lại có người...
Khách phòng mười hai là thứ khách thật đặc biệt. Ông ta mới làm quen nhà nghỉ Thiên Phương vài lần và lần nào cũng đang say khướt. Tuần trước ông ta đến, dúi tay bà chủ một tập tiền, yêu cầu được phục vụ cẩn thận chu đáo. Bà Phương cho cô Thúy tiếp. Con bé đã vớ bở, lại dò hỏi được tung tích người khách sộp.
Hóa ra lão bị cô vợ trẻ bỏ phăng để đi Australia với một thằng Tây. Lão chán đời bán cái xí nghiệp may mặc để ăn chơi trả thù. Bữa nay lão đến, không hiểu sao trong óc bà chủ chợt tình cờ hiện lên hình ảnh của Ty.
Phải đấy, con này đang cần tiền cuống cuồng thế, chi bằng gạ nó chiều ông khách say qua quýt, cốt moi một khoản về chạy chữa cho thằng chồng. Cũng như bà nhón tay làm phúc với nó. Thì ai bắt đầu bị xô đẩy đến đây chả vì tiền nào?
Ty trợn tròn mắt kinh hoàng nghe bà chủ" bảo ban'' hơn thiệt. Bà ta dám trắng trợn thế ư? Thị đi làm thuê chứ đi cave đâu?
- Ơ hay... sao bà... sao bà lại nói vậy?
- Thôi đi, tôi thương chị mới bày chuyện này. Tôi xin thề trước vong linh ông nhà tôi, chỉ mình tôi với chị biết. Để lộ tí gì tôi làm con chị. Lần trước con Thúy được lão bo hẳn năm trăm ngàn đấy. Tôi nghĩ tiếc. Giờ chị lấy quần áo con Thúy đây mà thay, trông tươm tất một tí. Chị với nó vừa tầm nhau... Nào, mau lên, kẻo lão đợi lâu sinh chuyện. Với lão say, nhoằng một cái cho xong chuyện thôi mà.
Vừa nói bà chủ vừa ấn cái áo màu tím nhạt vào đôi tay run cầm cập của thị, âu yếm thẽ thọt:
- Ai chả vì đồng tiền phải liều thân. Người ta cũng da cũng thịt chứ, lại còn trẻ đẹp ngời ngợi, phải đâu mớ giẻ rách, nhưng vì hoàn cảnh đành nhắm mắt đưa chân cả. Như nhà chị, mất mát gì phải tiếc nào? Nhà chị không kiếm được tiền về cứu thằng chồng nằm chờ chết, thế mới là có tội.
Năm trăm ngàn... Năm trăm ngàn ư? Thị như nhìn thấy năm tờ giấy xanh lá cây xòe ra trước mắt. Thị thở không ra hơi, lào thào yếu ớt:
- Bà ơi, cháu lạy bà, cháu không... cháu không... Người ngợm cháu thế này...
- Vớ vẩn! Hôm trước tôi bắt gặp chị tắm lại chả biết người ngợm ra sao ư ? Còn tươm bằng mấy con Hoa kia kìa. Thôi, mau lên chứ! Tôi cho chị tất, không bắt đóng góp nữa. Khôn ngoan ra lần này chả kiếm tiền triệu.
Biết cái câu tiền triệu đánh một đòn hiểm trúng đích, bà chủ liền giật phăng cúc áo thị, rồi gần như cưỡng bức thị phải khoác tấm áo tím nhạt mỏng tang của Thúy, nắm cánh tay lôi thốc thị đến buồng số mười hai ngay sát đấy. Thị díu chân lại, hổn hển thở, nhũn ra như người chết rồi... Cửa phòng vẫn mở. Thị làm cử chỉ cuối cùng cưỡng lại bằng cách níu chặt lấy cánh tay bà chủ.
- Con khỉ, bỏ ra nào! Nhùng nhằng định để người ta nhìn thấy hay sao?
Bà chủ làm bộ trợn mắt nghiến răng, thì thào khẽ rít vào tai thị. Rồi bằng một cái đẩy rất phũ, bà ta khiến thị ngã nhao tận giữa phòng. Cánh cửa được đóng lại..
Khi người đàn ông chợt tỉnh giấc, lão hoảng hốt ngồi bật dậy. Quái lạ, lão đang nằm ở đâu thế này? Cô gái nào nằm quay mặt vào tường đây? Mất vài giây lão mới định thần nhớ ra. Lão đặt tay lên vai cô gái:
- Này, quay lại đây em!
Buồn cười chưa, không hề nhúc nhích mới lạ chứ. Lão say lờ mờ nhớ lại tuần trước mình đã nhìn thấy màu áo hoa cà biêng biếc này rồi. Không do dự lão ngả người ập lên cái áo đó từ phía sau. Tức thì tấm thân đàn bà lạnh toát ấy giật bắn, quay ngoắt lại. Một khuôn mặt chứa chan nước mắt với đôi mắt trợn tròn chằm chằm nhìn lão đầy kinh hoảng.
- Ơ hay... Cái gì thế?
Lão cũng giật mình theo.
- Ông... ông gọi cửa giúp... cho em ra. Em gọi bà chủ không mở... Là vì... Em không phải tiếp viên... Em xin lỗi ông.
Người đàn bà bật nức nở. Quả thật thị không giống các em chân dài. Tuy nhan sắc thân hình vẫn ngon lành thật nhưng không có những nét đặc trưng của giống bướm đêm, thứ đặc trưng chỉ thoáng liếc mắt đã biết.
- Vậy sao cô vào nằm đây?
Giọng lão không ra gắt gỏng mà đầy ngạc nhiên. Thị lí nhí trả lời giữa những tiếng nấc một điều gì đó. Lúc ấy lão mới quát lên:
- Nói năng tử tế xem nào. Làm sao cứ khóc như cha chết thế?
Lão vào trong buồng tắm lấy cái khăn mặt ướt vứt cho thị rồi kéo ghế ngồi trước mặt, khoanh tay chờ đợi như một vị quan tòa chờ phán quyết. Phải một lúc sau thị mới cố nén để kể lể hết sự tình. Thị cũng đã định liều nhắm mắt lên giường một lần lấy tiền cứu chồng, nhưng xem ra thị không thể vượt qua cái sợi tóc ranh giới... Thị còn mặt mũi nào ăn ở với chồng nữa!
Lão say ngồi ngây người nghe. Mắt lão bỗng đỏ ậng lên, rưng rưng. Ôi chao, giá con vợ lão có được lấy phần triệu đức hạnh của người đàn bà này
Giá như... Nó sung sướng quá. Nó rửng mỡ quá. Cũng tại lão cung phụng nó đến điều. Hóa ra tình nghĩa thiêng liêng không mua được bằng tiền đâu.
Lão cay cay sống mũi. Lão sợ mình khóc theo những dòng nước mắt kia.
- Thôi cút!
Lão thì thào đuổi thị. Nhưng khi thị chưa đi tới cửa lão bỗng gọi giật lại:
- Này, bảo đã!
Lão dúi cho thị những đồng tiền tình cờ rút được từ túi quần, chẳng thèm đếm.
- Ây chết, em có...
Lần này lão quát thật sự khiến thị run bắn người:
- Cầm lấy rồi cút! Tôi còn nhìn thấy cô lần nữa ở đây tôi đập vỡ mặt cho, nhớ lấy. Khổ mấy cũng phải bám lấy sự lương thiện rồi người ta mới giúp chứ. Cút!
Coi như một lần thị chết hụt. Vậy mà mấy hôm liền thị không thể nhìn vào mặt chồng. Nhưng nhờ có sáu trăm bảy mươi ngàn giời ơi đất hỡi đó, thị đưa được Nang lên Hà Nội. Và may nữa, không phải Nang bệnh trọng gì, chỉ bị sán lá gan, chuyển viện, uống đúng một đợt thuốc đặc trị là khỏi.
Hú hồn hú vía. Thị không dám bén mảng đến nhà nghỉ Thiên Phương từ đó. Thị muốn xóa hẳn trong ký ức những gì liên quan đến cái nhà nghỉ thổ tả ấy. Mỗi đêm nằm ôm các con, thị rùng mình chợt nghĩ đã từng lên giường như một cave thực sự... Hẳn đã từng có các cô cave như thế...
Qua khúc bĩ cực đến tuần thái lai. Nang khỏe mạnh dần, giờ lại may mắn có người đỡ đầu cho làm chân bảo vệ một xí nghiệp thuộc da nhỏ, có đồng lương đưa vợ, có tiền cho con ăn quà sáng đi học. Mặt mũi Ty hồng hào hẳn.
Hôm rằm tháng bảy Nang bỗng bảo vợ:
- Làm mâm cơm thịnh soạn cúng các cụ cho tôi. Cần nhất có món tiết canh ngan để nhắm. Nhân tiện tôi có mời khách đấy.
Thị định quát chồng về tội bày vẽ, nhưng kịp im lặng khi hắn đưa ra hai trăm ngoài dự kiến.
- ở đâu thế?
- Tiền thưởng quý ba xí nghiệp cho. Bởi vậy tôi mời bằng được anh Trái về nhà mình ăn cơm. Gớm, nài nỉ mãi bác ấy mới nhận lời.
Nghe đến tên ân nhân, thị không dám ho he gì nữa. Bác Trái là giám đốc xí nghiệp, chính bác đã lấy Nang về làm bảo vệ. Thị dịu giọng kèm theo một cái liếc tình:
- Được, tiết canh thì tiết canh chứ đây sợ à.
Rằm tháng bảy trúng ngày chủ nhật. Hai đứa con sướng như tết, chạy nhảy loạn lên. Đến nỗi thị phải dọa:
- Bố nó lấy cái lồng nhốt ngan, chụp lên đầu chúng nó hộ tôi với.
Rốt cục cũng phải xin ông bà ông vải hai cái chân ngan cho chúng gặm trước, ngay khi mới bày mâm cỗ cúng.
Khoảng mười một rưỡi, hóa vàng xong xuôi vừa kịp nghe tiếng xe ôtô toe còi ngoài ngõ. Bác Trái đến!
Thị tong tả bước theo chân chồng ra tận ngõ đón khách. Bác Trái vừa xuống xe, Nang đã giơ cả hai tay bắt, giọng run run cảm động:
- Anh ạ. Em chỉ sợ anh lại bận gì không đến được.
- Tôi đã hẹn, nhất định phải đến thăm cô chú chứ.
Riêng Ty bỗng nhiên mặt mũi đỏ như bị xát lá han, không biết tìm lỗ nẻ nào để chui xuống. Thị tưởng mình ngất ngay tại chỗ. Thu hết can đảm, thị lý nhí chào được một tiếng rồi chạy thoắt xuống bếp như có ma đuổi.
- Mẹ nó đâu rồi? Ty ơi, Ty!
Mặc chồng ơi ới gọi ngoài sân, thị nhất định không ló mặt ra. Lão say! Giời đất thiên địa ơi, bác Trái với lão say ở Thiên Phương chỉ là một, không thể nhầm được. Bỗng dưng đầu óc thị như có luồng điện sáng lóa chạy vụt qua. Và thị hiểu tất cả. Nào chuyện một người đàn ông vác súng săn chim vào xóm núi, tình cờ đến nhà Nang xin nước uống, lại tình cờ hỏi han gia cảnh, rồi nhận Nang vào chân bảo vệ xí nghiệp. Chuyện xảy ra nhằm lúc thị đi chợ gạo vắng mặt...
Nhưng tại sao ông Trái lại lần được đến xóm núi để tìm cách cứu giúp vợ chồng thị? Hay chửa, dễ ông ta không biết hỏi bà Phương mọi chuyện ư?
- Cô Ty đâu, sao lần đầu mới thấy tôi, cô lại tránh mặt thế này?
Tiếng ông Trái từ tốn hỏi ngay ngoài cửa. Nang đã hồn nhiên dẫn ông Giám đốc xuống bếp, giới thiệu vợ. Ty không chạy đâu được nữa, thị đành đứng đó, mặt cúi gằm, trong bụng chỉ muốn phang cho thằng chồng cù lần một nhát. Ai lại đưa cả khách xuống bếp bao giờ!
- Dạ, em chào bác, mời bác lên nhà ạ.
Vừa lí nhí chào, thị vừa cố lấy can đảm ngước nhìn. Đứng trước thị là một gương mặt bình thản, hay cố tình bình thản, thậm chí hơi nghiêm khắc, làm ra vẻ ông ta chưa từng gặp thị ở đâu...
(Viết tại Trại sáng tác do Báo CAND và Chi hội Nhà văn Công an tổ chức, Sầm Sơn, tháng 10/2009)