Đừng Mơ Là Thác Đổ
Tác giả: Đoàn Thạch Biền
Một lần đứng trên đỉnh thác Đambri nhìn xuống đáy vực sâu thăm thẳm, tự nhiên tôi bủn rủn tay chân và thốt gọi: "Má ơi!" Một cô nữ sinh Bảo Lộc đứng kế bên, cười nói: "Ông ngó lớn vậy mà nhát như một chú nhóc.". Tôi đỏ mặt im lặng. Về đến nhà, tôi viết ngay truyện này để bào chữa cho tánh nhát gan của mình.
*
* *
Đứng trên đỉnh thác Đambri nhìn xuống vực sâu, mặc dù hai tay nắm chặt lấy lan can bằng sắt, tôi vẫn cảm thấy "lạnh" đôi chân. Trong khi ấy cô bé thản nhiên chạy đi, chạy lại tìm bứt một đóa hoa rừng rồi em quăng nó xuống mặt thác. Đóa hoa màu tím hồng trôi vật vờ trên mặt nước đục rồi bị cuốn vào dòng thác trắng xóa đổ ào xuống vực sâu. Mất hút.
Cô bé quay qua hỏi tôi:
- Nhóc thấy thác này đẹp hơn những thác ở Đà Lạt không?
Tôi dậm dậm bàn chân cho đỡ "lạnh" cẳng rồi trả lời:
- Nó đẹp hơn nhiều vì nhờ có em đứng bên cạnh.
- Em không đứng mãi bên nó đâu. Em sắp là nó...
Tự nhiên cô bé loạng choạng ôm đầu. Tôi vội chạy đến ôm vai em, dìu đến ngồi ở một kè đá, dưới một tàn cây rậm lá.
- Đừng nhìn xuống vực sâu, em sẽ bị chóng mặt.
Cô bé lắc đầu, thở hổn hển:
- Em có cảm tưởng như ai đang gọi em.
- Ai?
- Cái thác.
- Bá láp. Nó nhắc chúng ta đã đến giờ ăn trưa.
Tôi mở túi xách lấy ra một ổ bánh mì kẹp chả lụa đưa cho em. Cô bé lắc đầu:
- Em không đói.
Tôi khui một lon nước ngọt, bỏ ống hút vào rồi đưa cho em. Cô bé cầm lấy lon nước, hút một hơi dài. Khuôn mặt em đã bớt nhợt nhạt. Tôi vừa nhai bánh mì kẹp chả vừa hỏi em chuyện học hành để em quên đi chuyện cái thác gọi.
- Kỳ thi tú tài vừa qua em làm bài khá không?
Cô bé hút thêm một hơi nước ngọt rồi nói:
- Bài toán của em chắc chắn được điểm 10.
- Đừng quá tự kiêu. Có thể em chỉ được 9.5 điểm.
- Tại sao vậy? Em giải đúng một trăm phần trăm mà.
- Em hãy xòe bàn tay viết bài ra.
Cô bé đưa lon nước ngọt qua tay phải rồi xòe bàn tay trái ra. Tôi chỉ vết mực tím ở ngón giữa.
- Em thấy đó, ngón tay em khi viết còn để dính mực huống chi bài viết của em. Như vậy bài thi của em có thể bị trừ nửa điểm vì dơ bẩn.
Cô bé đưa ngón giữa lên, liếm vào vết mực tím rồi chùi ngón tay vào áo thun trắng. Vết mực vẫn còn nguyên vì vai áo em đâu phải là cụt tẩy. Cô bé gật đầu:
- Thôi được, em chịu mất nửa điểm bài toán. Còn môn Lý chắc trên trung bình. Em chỉ sợ môn Văn được điểm 2.
- Đừng quá tự ti. Những lá thư em viết cho tôi đều rất "văn học". Vậy chắc chắn bài văn của em được điểm 6.
- Em không tin khả năng thẩm định văn học của nhóc.
- Đừng đùa. Tôi từng đi dạy kèm học sinh luyện thi môn văn vào lớp 6.
- Nhưng đây là chương trình lớp 12 mà.
- Thì hơn nhau có 6 lớp chứ nhiêu mà tôi không "thẩm định" nổi. Đó là chưa kể tôi đã có một bài thơ được chọn đăng trên báo Nhi Đồng.
- Nhưng Nhóc viết văn đâu có hay. Vì nếu hay thì những lá đơn xin việc của Nhóc đã không bị người ta trả lại.
Cô bé thực tế quá khiến tôi "cứng họng". Tôi cầm lon nước ngọt, hút một hơi cạn lon để miệng lưỡi được trơn tru. Nhưng tôi cũng chẳng nói được lời nào. Chẳng bao giờ một người đang thất nghiệp lại "ăn nói" hơn người được.
- Em xin lỗi đã nói chạm tự ái Nhóc.
Tôi ngồi im không thèm cắn miếng chả to bự ở ổ bánh mì. Tôi vờ như người bị trúng gió á khẩu.
- Sự thật em rất lo...
Thấy cô bé nhíu mày lo nghĩ tội nghiệp, tôi buột miệng nói như một cái máy:
- Đừng lo cho tôi. Rồi tôi sẽ tìm được việc làm mà.
- Không. Em lo cho em. Em không muốn thi trượt lần này.
- Em đừng quá lo lắng. Còn điểm môn thi sinh ngữ nữa. Tôi biết em rất giỏi Anh Văn.
- Bây giờ em đang học tử ngữ.
- Em học tiếng La tinh làm gì?
- Không. Em đang học ngôn ngữ ở nơi đó là im lặng.
- Em đừng quá bi quan. Thua keo này ta bày keo khác. Em hãy học chuẩn bị thi lại kỳ hai. Chắc chắn em sẽ thi đậu.
Cô bé đưa hai tay lên xoa xoa hai bên thái dương:
- Em sợ không còn nhiều thời gian trước khi đến đó.
- Đã đến đó cần quái gì bằng cấp mà em phải quan tâm. Nhiều người chưa học xong lớp một cũng đến đó được.
- Nhưng em không muốn là học sinh thi rớt khi đến đó.
Tôi ném mạnh nửa ổ bánh mì kẹp chả còn lại xuống dòng thác. Lần đầu tiên trong đời tôi phung phí như vậy vì tức giận. Thi rớt cuộc đời mà em không sợ, lại sợ thi rớt bằng tú tài! Nhưng tôi không thể giải thích cho em rõ cái nào quan trọng hơn cái nào. Một khi em cảm thấy đau lòng vì một chiếc lá rơi hơn một cây cổ thụ bị ngã đổ...
Cả hai cùng im lặng nhìn xuống dòng thác và như em nói: im lặng là tử ngữ. Tôi cảm thấy không khí ngột ngạt khó thở dù đang ở độ cao trên ngàn mét so với mặt nước biển. Để phá tan không khí im lặng chết chóc, tôi bẻ gãy một cành khô và nói:
- Xin lỗi, nếu tôi có làm em buồn.
Cô bé mỉm cười nói:
- Đố Nhóc tiếng thác đổ nghe vui hay buồn?
Tôi lắng tai nghe rồi trả lời:
- Không buồn, không vui.
- Em cũng như nó vậy. Bao giờ Nhóc trở về Sài Gòn?
- Ngay chiều nay vì sáng mai có Công ty hẹn tôi đến nhận thử việc. Khi công việc ổn định, tôi sẽ lại lên Bảo Lộc thăm em.
- Thôi Nhóc khỏi lên đây nữa mất công.
- Vậy em sẽ xuống Sài Gòn?
- Nhóc quên "trái đất tròn như con số không" à? Chúng ta đã quen nhau ở điểm nào, chúng ta sẽ gặp lại nhau ở điểm đó.
Tôi vui mừng nói:
- Em thông minh ghê! Vậy chúng ta sẽ gặp lại nhau ở quán bán vịt lộn đường Kỳ Đồng, nơi lần đầu chúng ta đã quen nhau.
- Thiếu chút nữa là Nhóc đã thông minh! Chúng ta sẽ gặp lại nhau ở nơi tổ tiên chúng ta đang sống. Bây giờ em hát tặng Nhóc một bài ca trước khi chia tay. "...Nhiều đêm thấy ta là thác đổ. Tỉnh ra có khi vẫn còn nghe..."
Tôi ngồi im sững nghe em hát. Tôi thành thật cầu mong em đừng mơ thấy mình là thác đổ, vì em còn quá trẻ để phải "đổ" dù cho bệnh ung thư máu của em có là bệnh nan y. Tôi mở to đôi mắt nhìn khuôn mặt nhợt nhạt của em. Không phải tôi muốn ghi nhớ hình ảnh khuôn mặt đó lần cuối. Tôi - một người vốn ích kỷ - chỉ muốn giữ không cho những mí mắt gặp nhau, nếu không những giọt nước mắt tròn như con số không sẽ lăn ra...
*Chú thích: Xin các bạn đừng hiểu lầm tôi tên Nhóc, sự thật tôi tên... Biền đàng hoàng. Cô bé gọi tôi là Nhóc vì không bao giờ em coi tôi lớn hơn em hoặc ngang hàng với em. Tôi cũng chẳng thèm cãi cọ với em về chuyện đó. Chẳng việc gì phải cãi cọ với một người sắp đi xa. Cô bé sắp đi xuất cảnh à? Trời! Nếu bạn nghĩ như vậy thì tôi đành phải khen bạn (như cô bé đã khen tôi): Thiếu chút nữa là bạn đã thông minh!