Những chùm hoa nắng
Tác giả: Đoàn Thị Hồng Thủy
Thái Nguyên chớm hạ có một cái gì đó rất riêng. Cái lạnh rơi rớt và cái nắng bắt đầu khiến cho không khí dậy lên mùi hương vừa gần gũi vừa xa lạ.
Thái nguyên không có nhiều ngõ hẻm như Hà Nội , phố cổ thì lại càng không. Nhưng thi thoảng khi ta đạp xe lang thang trên những con đường sẽ bất chợt phát hiện những ngõ nhỏ yên tĩnh, nằm khuất xa thành phố sôi động.
Nhà Điệp nằm trong một ngõ hẻm như thế, căn nhà bé xinh như một cái tổ chim cu, trên những mảng tường đã cũ tigôn và dạ hương thi nhau leo lên trổ hoa um tùm thành mhững vệt màu loang lổ. Trước cổng lại có thêm một cây phượng già và một cây điệp vàng. Phượng vẫn chưa đến mùa ra hoa nhưng điệp đã lấm tấm đầy những chum nắng li ti, những bồng hoa vàng ngọt ngào và thật dịu dàng. Dịu dàng đến nỗi mỗi lần ngắm hoa, điệp lại im sững , như thể bàn tay ấm áp của mẹ vừa lướt trên mái tóc Điệp. Mẹ bảo mẹ mong con gái mẹ cũng xinh đẹp và đáng yêu như những chùm hoa ấy, nên mẹ đặt tên con gái là Điệp. Điệp nhớ, cười mà như muốn khóc.
Căn nhà chẳng có gì nhiều. Một cái tủ quần áo cũ kỹ, cái giá gỗ đầy những cuốn sách cả nhà thích: bông hồng vàng, Jane Eyre, Hoa mộc lan,… Cái bàn gỗ xoan để Điệp học bài. Cái bàn tròn để bố đón khách, mà cũng lâu lắm rồi không có khách đến, chỉ thi thoảng bác Liên hàng xóm chạy qua, mang cho Điệp khi thì đĩa xôi khi thì mấy củ khoai lang luộc… Và hai chiếc giường: một của Điệp, một của bố mẹ. Giường bố mẹ lúc nào Điệp cũng giữ cho sạch sẽ, gọn gàng … nhưng lạnh lắm. Có những đêm Điệp lên giường bố mẹ ngủ, phủ đến tận hai cái chăn, mong dung hơi ấm của mình ủ ấm lại chiếc giường ngày xưa đầy hơi ấm của bố mẹ, đầy tiếng cười của cả nhà. Thế mà cũng không được. Vẫn lạnh, lạnh buốt đến từng ngón tay. Nước mắt chảy tràn ra. Cái hôm ấy, Điệp cũng trốn lên giường bố mẹ ngủ như thế này này, cũng phủ chăn như thế này này… Rồi tiếng chân bác Liên chạy vào, giọng hốt hoảng. Tai Điệp ù đi… Một nhóm thanh niên đua xe… Bố và mẹ…tai nạn…bệnh viện… Điệp cuống quýt lao ra ngoài. Trước nhà cây điệp già rụng lả tả từng chùm nắng…
…Đám tang nhỏ và giản dị. Hàng xóm đến viếng rất đông, ai cũng ái ngại và thương cảm cho Điệp…
Điệp như người mất hồn, không nghe, không thấy gì. Đêm, tĩnh lặng đến rợn người. Điệp không bật đèn, chỉ thắp một cây nến, ánh sáng leo lét. Điệp cầm kéo soi mình trước gương, từng nhát từng nhát một, mái tóc dài óng ả rơi xuống nham nhở, nỗi đau dường như quá sức chịu đựng với một cô gái 18 tuổi…
Học hết lớp 12, Điệp đi xin việc. Hồ sơ thi CĐ Sư phạm Điệp nộp rồi quên. Ước mơ trở thành cô giáo cũng đi theo bố mẹ, vụn vỡ. Đêm hôm ấy, Điệp ngồi rất lâu trước tấm ảnh chụp cả nhà. Bố cười,mẹ cười, Điệp cũng cười. Niềm hạnh phúc kia vốn rất gần mà giờ xa lắm. Cái giá gỗ im lìm. Những cuốn sách mẹ mua về cho cô giáo dạy văn tương lai buồn hiu, lạnh ngắt. Ước mơ của Điệp, ước mơ của mẹ, ước mơ của bố. Của mẹ, của bố… Điệp khóc, rồi ngồi vào bàn học. Năm ấy, Điệp đỗ vào trường CĐSP Thái Nguyên…
Trường mới to, rộng và đẹp. Ở góc sân cũng có mấy cây điệp đang nở hoa vàng. Điệp ngắm hoa nhưng không còn thấy những chum nắng nhảy nhót nữa. Lớp mới của Điệp toàn con gái. Con gái lớp văn vừa dịu dàng vừa xinh đẹp. Điệp thấy mình lạc long, cô đơn, lọt thỏm giữa cái tập thể toàn những con người xa lạ ấy.
Người ta bảo con gái lớp văn mơ mộng. Nhưng Điệp không có thời gian mơ mộng. Hết giờ học trên trường, Điệp chạy như con thoi kiếm tiền trang trải sinh hoạt phí. Tiếp thị, phát tờ roi, bồi bàn , gia sư. Điệp nhớ, hôm đầu tiên tới nhà học trò của mình, bà mẹ đã gần như phát hoảng. Có lẽ bà không tin được cái con bé gầy gò, trẻ con này lại có thể cầm cự lâu vơi thằng con “nghịch thành thần” và học văn “dốt đặc cán mai”. Với vẻ nghi ngờ, bà vừa dẫn Điệp lên phòng vừa thì thào cảnh báo: “Nó đã khiến hai cô gia sư trước phải xin nghỉ việc đấy”.
Buổi học đầu tiên, Điệp viết lên bảng dòng chữ tiếng anh: “I like number there”. Huy-tên thằng bé- cười ranh mãnh: “Em cũng vậy”. Điệp quay đi, giấu cái thở phào, bắt đầu bài giảng.
Huy khiến Điệp ngạc nhiên về sự hợp tác của mình. Thảng, đôi khi thằng bé lộ ra vài lời nói tinh quái, nhưng tất cả cũng chỉ dừng ở đấy. Điểm số môn văn ở lớp của nó dần nhích lên. Tới hôm nó chìa ra trước mặt Điệp bài kiểm tra văn hai tiết ở lớp: điểm 8. Điệp ngỡ ngàng, khẽ cười. “Thế mà em cứ tưởng chị không biết cười cơ đấy?”. Tiếng thằng bé vang lên. “Nói thật nhé chị cười trông xinh hơn nhiều đấy. Bỏ cái vẻ cứng cỏi lạnh lung giả tạo ấy đi”.
Điệp im bặt, nhìn thằng bé, lạ lùng. Trông gương mặt nó vừa cáu kỉnh, lại vừa bí ẩn. Buổi học hôm ấy kết thúc sớm. Đạp xe về nhà, Điệp băn khoăn suy nghĩ không biết một thằng bé lớp 7 có thể nhìn thấy những gì.
Các bạn ở lớp ai cũng bảo Điệp lạnh lùng. Ít nói, ít cười, khép kín. Cứng rắn, không mơ mộng và mau nước mắt như con gái lớp văn. Chẳng ai biết, chỉ khi kết thúc một ngày đầy bận rộn, trở về ngôi nhà quen thuộc, Điệp mới thật là Điệp. Yếu ớt, bé nhỏ và đầy sợ hãi. Những kỷ niệm không đủ để sưởi ấm trái tim một cô nhóc cô độc. Trong bức ảnh, bố mẹ và cô nhóc Điệp vẫn cười, tươi rói, đầy hạnh phúc. Mẹ bảo Điệp cười trông xinh lắm. Đã bao lâu rồi điệp không cười như thế nhỉ?
Sáng, thầy cho nghỉ hai tiết đầu. Cái Linh vỗ độp vào vai Điệp: “nghe nhạc không bạn?”. Chẳng hiểu sao Điệp lại gật đầu, nhét một bên headphone vào tai. Những âm thanh trong như nước vang lên. “Con chim bay lên trong nắng, vỗ cánh bay vào ngày xanh thắm. Trưa nay bao nhiêu mây trắng đã trôi trên bầu trời trong sáng. Để em về nghe. Ngày xưa bé bỏng. Một ô cửa xa, chập chờn hoa nắng… Để em về nghe… Dòng song thắm đỏ…”.
Điệp nghiêng đầu, hơi chớp mắt. Linh đang say sưa với giai điệu bỗng ngẩng lên, nhoẻn cười, dúi vào tay điệp cây kẹo dâu… Chiếc kẹo tan ra, ngọt lịm. “… bay trên cao xanh, xanh mãi, cánh chim mênh mông ngày tháng. Lâng lâng trôi theo cơn gió, tháng năm em đi tìm mãi… chút gì như bóng dáng đời ta… Chút gì như tiếng hát đời ta…”
Được nghỉ nốt hai tiết cuối, không hiểu sao điệp lại đạp xe qua quán Nắng-quán làm thêm của Điệp. Ông chủ rỗi khách đanh hí hoáy vẽ gì đó, thấy Điệp bước vào, ngạc nhiên hỏi: “Đến sớm thế cháu?” “Có việc gì làm chưa chú?” Điệp hỏi. “Chưa, ra đây ngồi ăn với chú miếng bánh này”. Ônh chủ cười rồi lại cúi xuống với bức vẽ dang dở. Điệp không ngồi mà đến gần khung cửa sổ bé tí xíu mở ra con đường xanh bóng lá. Khoảng trời thanh bình phía trên. Những vạt nắng nhảy nhót. Tiếng chim cúc cu. Phía cuối đường, một cây điệp đang trổ nhiều nụ hoa vàng. Lâu lắm rồi, Điệp mới lại có khoảnh khắc thanh bình đến thế.
Tối muộn, điệp ăn qua loa rồi ngồi vào bàn học. Bất chợt ánh mắt chạm vào cuốn lịch trên tường, điệp hơi sửng sốt. Ngày mai là sinh nhật Điệp, ngày mai Điệp tròn 20 rồi sao? Điệp đứng dậy, soi mình trong gương, thấy bố mẹ và Điệp đang rộn ràng thắp nến. Rồi lắc đầu, lại quay vào bàn học. Sinh nhật làm gì, Điệp tự nhủ, có ai còn nhớ đến nó nữa đâu.
Buổi sáng trong mát như vốc nước suối. Mưa hơi li ti đôi chút rồi thôi. Điệp đến trường, ngỡ ngàng. Qua một đêm, tất cả những cây điệp trong sân trường đều đồng loạt xoè hoa. Cứ như những ngọn nến lung linh giữ khuôn viên xanh lá. Linh ào đến, gặp điệp đang chăm chú ngắm những chùm hoa nắng, vừa cười vừa dúi vào tay điệp gói quà thắt nơ xinh xắn: “Quà này. Mừng sinh nhật vui vẻ nhé!” rồi chạy biến. Điệp bóc quà… Hai mươi cây kẹo mút vị dâu. Điệp bật cười, cứ ngỡ mình là trẻ con. Mà 20 tuổi, ừ, Điệp mới chỉ 20 thôi…
“Có thư nè!” Điệp ngẩng lên. Lại là Linh. Nụ cười tươi tắn. Điệp cũng cười. Linh hơi ngạc nhiên, rồi khẽ thầm thì: “Cứ cười thế này, Điệp nhé! Trông xinh lắm cơ!” Rồi dường như xấu hổ, cô bạn đỏ bừng mặt chạy biến. Còn lại một mình, Điệp mới cúi nhìn bức thư. Ai lại gửi thư cho Điệp nhỉ? Cái phong bì to chỉ ghi địa chỉ người nhận. Điệp bóc bì thư. Bên trong là một bức tranh vẽ bằng màu nước. Bức tranh vẽ cô gái có nụ cười rông ngoác, hở cả hàm răng to màu đen sì. Cô ấy cầm một cái thước kẻ xanh dài. Là Điệp! Cái thước kẻ xanh to Điệp vẫn dung kẻ bảng khi dạy kèm cho Huy. A, cái thằng nhóc này! Dám vẽ Điệp như thế đấy! Mặt sau của bức tranh là mấy dòng chữ nguệch ngoạc. Xem nào…”Happy birthday! Smile!...” Điệp bật cười, nhớ ra đã lâu lắm rồi Điệp chưa cười nhiều như thế này. Và lại khóc. Những giọt nước mắt thi nhau lăn xuống, tràn ra. Các bạn xúm lại. Điệp dúi mặt vào ngực Linh nức nở.. Nước mắt của điệp ấm quá, ấm thật đấy! … Mượn Linh điện thoại nhắntin cho ông chủ xin nghỉ làm một buổi, điệp chầm chậm đạp xe về nhà. Thành phố đã chớm hè nhưng không khí vẫn mát mẻ, ngọt dịu. Cũng lâu lắm rồi, không biết là đã bao nhiêu ngày, Điệp mới về nhà sớm như hôm nay.
Cây điệp già trước cổng trổ những cụm hoa vàng rực rỡ. Một vài cánh bướm xinh xinh rập rờn. Phía trên là tán phượng xanh mướt dịu dàng. Điệp bẻ một chùm hoa rồi thong thả vào nhà. “Con về rồi đây, bố mẹ à” Điệp thầm thì, khẽ đặt chùm hoa lên cửa sổ. Điệp đi qua chiếc gương soi rồi đứng hẳn lại. Điệp kìa, trong gương là Điệp giữa những vạt nắng nhạt màu đang hắt vào nhà, chỉ Điệp thôi. Điệp soi mình thật kỹ, đám tang đầy người, những buổi tối cô độc, những đêm lạnh chỉ còn là quá khứ thôi, chưa xa, nhưng vẫn là quá khứ. Trong bức ảnh, cả gia đình Điệp đang cười. Điệp chải tóc, thắt bím bằng sợi dây chun vàng tươi. Bác Liên lại chạy sang, mang cho Điệp mấy quả hồng xiêm. Điệp nhìn bác mỉm cười. Bác cũng cười. Ừ, Điệp biết cười mà. Mẹ này, cậu học trò nhỏ này, Linh này… đều bảo Điệp cười trông xinh lắm… Điệp ngồi im, nhận ra can nhà của mình tuy nhỏ thôi nhưng chưa bao giờ thiếu ánh nắng. Và cứ thế, Điệp tự thưởng cho mình một nrỗi rãi. Điệp ăn kẹo, rồi lại đọc sách, cuốn “Bông hồng vàng” của mẹ. Điệp tưởng như đang trông thấy cô thiếu nữ Đa-nhi trong “Lẵng quả thông” đứng trước biển mà thì thầm “Đời ơi, ta yêu người!”. Ngoài kia, nắng đang nhảy nhót nô đùa cùng những chùm hoa điệp vàng, những chùm hoa nắng. Bao lo toan, vất vả, buồn phiền tuy chưa lùi xa, nhưng mùa hè, nắng, mùa hoa điệp vàng… đã về thật rồi đấy.