watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Tôi, ấu thơ và mẹ - tác giả Du Tử Lê Du Tử Lê

Tôi, ấu thơ và mẹ

Tác giả: Du Tử Lê

Như mọi người, rất khó cho tôi khi phải tự khẳng định: Tôi là ai?

Chưa bao giờ tôi có ý muốn tự vẽ mình bằng những nét vẽ tốt đẹp nhất, huê dạng nhất. Tôi tự biết: tôi không hề là một con người toàn hảo.



Tuy nhiên, tôi cũng không muốn ôm lấy cho mình tất cả những xấu xa, những hèn hạ... Như vậy, theo tôi, nó cũng chỉ là mặt khác của sự "lên gân," "cường điệu" một cách lố bịch mà thôi.



Tôi vẫn nghĩ, như có lần tôi đã viết xuống trong một câu thơ 6 chữ thôi, nhưng đã có tới 4 dấu hỏi... Câu thơ vài chữ ấy, sau đó, may mắn được nhiều người nhắc nhở. Đó là câu:

Tôi Lê? Lê? Lê? Lê nào?



(Ngoài ý hướng triết lý, tôi muốn nhắc nhở chính tôi rằng:

Sự thực, cuối cùng không hề có một kẻ nào tên Lê trên mặt địa cầu này;) ở mặt phô ra, cụ thể, tôi muôn nói:

Tôi luôn thấy, trong mỗi cá nhân, bao giờ cũng ẩn tàng rất nhiều con người khác.

Để có được một cái nhìn tương đối khách quan về mình, tôi nghĩ, tốt nhất hãy dựa trên những gì mình đã viết xuống; đã ghi lại.

Với tôi, khi một người làm thơ trước trang giấy, hay trên tấm kính chiếc computer của hắn, hắn thường chân thật với hắn hơn lúc nào hết. (Nói thế, tôi không có ý loại bỏ, cũng có những cá nhân, không ít, thấy họ trở thành người khổng lồ trước trang giấy, hay trước chiếc máy computer của họ.)



Tôi mới có lại cuốn thơ thứ hai trong đời làm thơ của tôi. Cuốn Tình Khúc Tháng Mười Một.



Cuốn thơ này được in năm 1965, tại Saigòn; cách đây đã 34 năm. Đó là tuyển tập những bài thơ tôi viết trong khoảng thời gian trước và, sau 1960, khi chưa tới tuổi 20.

Đọc lại, tôi tìm thấy trong tập thơ, một bài thơ nhan đề: Tôi, Du Tử Lê.

Bài thơ có 4 đoạn. Đoạn đầu, tôi viết như sau:


năm mười sáu tuổi, tôi chính thức khai sinh tên tôi lần thứ hai
sau lần khai sinh của bố me.
từ đó tôi bắt đầu làm thơ
tôi bắt đầu sống - tôi bắt đầu đời tôi
như con sông bắt đầu ra biển
như tình người mới lớn, rất nhiều bao dung
như lòng tôi bắt đầu mềm sũng
bắt đầu yêu ai, bắt đầu bất hạnh
bắt đầu từ đó
tôi, du tử lê. tôi, du tử lê.


Năm 16 tuổi, cũng là năm tôi bỏ nhà ra đi, sống tự lập bằng những khoản tiền kèm trẻ tư gia.

Năm 16 tuổi, cũng là năm thứ ba, tôi phải sống xa mẹ tôi. Một điều, tôi những tưởng không thể nào làm được trong suốt cuộc đời mình.

Với tôi, mẹ tôi không chỉ là người mang nặng, đẻ đau ra tôi. Với tôi, mẹ tôi không chỉ là người nuôi nấng, che chở, ấp ủ tôi, kể từ khi tôi mới lên ba, Thầy tôi chết; rồi một người chị, một người anh của tôi, lần lượt theo nhau, qua đời.

Với tôi, mẹ tôi là toàn thể ký ức thời ấu thơ, niên thiếu tôi; dù cho, đó là một ký ức buồn thảm. Một ký ức đầy khăn tang và, đầy nước mắt. Nhưng ký ức đó, lại chính là cội nguồn, khởi đi của thế giới văn chương tôi, sau này.



Năm 1989 khi mẹ tôi qua đời, tôi ghi lại gần như từng bước hình thành lộ trình ký ức ấu thơ tôi, trong trường khúc "Mẹ Về Biển Đông," (TK/MVBĐ) với những đoạn như:


trí nhớ tôi là ngôi nhà nằm ven sông đáy
ngôi nhà có rất nhiều cửa sổ
có cánh cửa ngó xuống nỗi lầm than của mấy đời chạy giặc
những ngôi mộ xới nhanh
dấu xác người chết trẻ
xác chị, xác anh
Nho Quan, mồng ba tết
những viên đạn lửa không hận thù
những viên đạn lửa rất khoái trá
tôi chắc: người xạ thủ Tây Đen, Tây Trắng nào đó
đã xằng xặc cười
lúc thấy những viên đạn lửa xuyên suốt qua thân thể anh tôi
lồ lộ bên bờ ruộng.
... nửa đêm người đem tin đập gấp rút cánh cửa gỗ lim tiếng nện thình thịch dội trên những bộ ngực thoi thóp vùng tề mẹ tôi xé vội chiếc áo dài trắng
quấn lên đầu chúng tôi
và, bà cũng không quên
tự quấn lấy cho mình
một mảnh tang khác.

mai tôi chết, liệu có ai ngồi khóc?
như giữa chiều nay, một bến sông!"
...


Tôi là đứa trẻ không may mắn trong một gia đình nho học cuối mùa.

Tôi sinh ngày mồng 10 tháng 11 năm 1942 tại huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.

Khu nhà của gia đình tôi, nằm trên lộ chính dẫn xuống một bến sông của con sông Đáy. Từ bậc thềm cao, tôi có thể nhìn thấy bến sông này mỗi chiều, mỗi sáng.

Cũng nhờ bến sông này, mẹ tôi bương bả nuôi nấng chúng tôi, bằng hai nghề chính, kể từ khi thầy tôi mất: Nghề buôn bán vật liệu xây cất và, làm ô mai...



Khi chiến tranh bùng nổ dữ dội, khi nhân số trong gia đình chúng tôi cứ thưa vắng dần,... , có những giai đoạn, mẹ tôi phải gồng gánh chúng tôi chạy tản cư vào Đồi Mơ, vào Do Lễ, vào Nho Quan...



Đó là thời gian trước 1950. Khi hồi cư, không còn ai xây cất, không còn ai đặt mua ô mai của mẹ tôi nữa! Mẹ tôi xoay qua nghề buôn hàng chuyến.

Trong thơ tôi, thời điểm này, hình ảnh mẹ tôi được ghi nhận, như sau:


trí nhớ tôi là ngôi nhà nằm ven sông Đáy
ngôi nhà có rất nhiều cửa sổ
có cánh cửa ngó xuống bước chân ngược, xuôi của mẹ tôi
trên lộ trình Hà Nội-Phủ Lý
những đoạn đường bị đắp mô
những đêm bạn hàng phải ngủ tro.
tiếng "mọc chê" câu vào đêm đen
tiếng nổ "cắc bùm" bắn đi niềm tang chế
mẹ tôi bưng mặt
khấn nguyện vong linh thầy tôi
phù hộ cho bà sống sót
trở về
nuôi lấy những đứa con côi cút
những đứa con không cha
những đứa con mất anh, mất chị.

trí nhớ tôi có những cánh cửa
mở xuống bữa cơm chiều
bữa cơm có cút rượu trắng, cái cốc sành
mẹ tôi vừa uống, vừa kể chuyện ngày... xưa
"ngày xưa" của bà: ngày thầy tôi chưa mất... !

bữa cơm nào của gia đình chúng tôi cũng chấm dứt bằng nước mắt.

khi ấy tôi còn quá nhỏ
để hiểu mẹ tôi khóc
cho cảnh tình côi cút của chúng tôi
hay bởi vì làm ăn lỗ lã?
(Trích TK/MVBĐ)


Chẳng những tôi không có được một tuổi thơ bình thường, như những đứa trẻ cùng thời, (mà,) cả một thơ ấu, một niên thiếu tôi đã trôi lăn theo nước mắt mẹ tôi. Lộ trình tuổi thơ tôi là "Lộ trình nước mắt."

Tôi trôi, lăn theo dòng nước mắt không bao giờ ngưng chảy của mẹ tôi, từ Kim Bảng, Phủ Lý, ra tới Hà Nội, 1951.

Sau Hiệp định Geneva, cuối năm 1954, theo người anh thứ hai (bị trở thành anh cả,) gia đình chúng tôi di cư vào Đà Nẵng; rồi Hội An; Đà Nẵng; (và,) cuối cùng: Saigòn, 1957.



Tháng Tư, 75, ngày 29, gia đình người anh lớn của tôi: Di tản...

Mẹ tôi không chịu đi... ! Chỉ bởi vì tới chiều hôm đó, mẹ tôi vẫn chưa có tin tức tôi...

Bà không biết đứa con út của bà, là tôi sống, chết ra sao!

Thời điểm này, tôi đã lớn. Tôi đã trưởng thành; đã ra đời...



(Tôi đã kiếm ăn với tất cả những trầy trụa, trây trúa của một xã hội chiến tranh, điên đảo... )

Mẹ tôi ở với anh tôi và, các cháu, ở đường Trương Minh Giảng. Tôi ở Ngã Bảy; Rừng Cao Su Phú Thọ; rồi Thị Nghè; rồi làng Báo Chí, Xa Lộ.

Thời gian 1975, tôi đã bước vào tuổi ba mươi. Dù xã hội khi ấy nhìn tôi thế nào, ra sao, (thì,) mẹ tôi, trong sâu thẳm, cũng như qua tất cả mọi lời nói của mẹ tôi, tôi vẫn là đứa con út côi cút, đứa con tật nguyền, đứa con bất hạnh nhất trong số 4 đưa con còn sót lại, sau tất cả 12 lần sanh, nở của bà.

Thời gian 1975, dù cho xã hội có đánh giá tôi ra sao, thế nào, (thì,) mẹ tôi vẫn chỉ thấy tôi, trước, sau là "Chú Phá" (tên và, cách gọi của mẹ tôi, dành cho tôi, tới phút cuối đời bà.)

Một "chú Phá" nhút nhát, không bao giờ trưởng thành, như các anh, các chị tôi.

Một "chú Phá" vẫn làm nũng, vẫn sà vào lòng mẹ, kéo căng, vầy vò hai núm vú đã nhăn nheo, đã bèo nhèo, đã đen đúa như hai cục đất nhão của bà...



Nhưng, dù mẹ tôi có yêu thương tôi cách mấy, dù tôi cần thiết biết bao nhiêu, phải có bà cho đời mình; cuối cùng, rồi mẹ tôi cũng qua đời!



Bà sống thêm, chỉ được vỏn vẹn hai năm, kể từ ngày tôi đưa được mẹ tôi ra khỏi đất nước.



Sự ra đi vĩnh viễn của mẹ tôi, không hề mang ý nghĩa cái "lộ trình nước mắt" đời tôi chấm dứt.



Lộ trình dòng lệ không ngừng tuôn, chảy kia, nơi mẹ tôi, lại truyền thừa sang tôi. Tôi trở thành người có thể khóc, bất cứ lúc nào, như một đứa con nít, mỗi khi nhớ, nghĩ tới mẹ tôi.



Nói cách khác, trước sau gì, ký ức tôi, cũng vẫn là ký ức của một kẻ tật nguyền. Ký ức của một kẻ khôn thoát khỏi cái lộ trình nước mắt của chính hắn:


tới lúc chết
mẹ tôi còn ngỡ mình vẫn thở
giữa Saigòn, Trương Minh Giảng, Hồng Thập Tự, Hàng Xanh, Trần
Hưng Đạo
những chuyến xa Lam về Hòa Hưng, Ông ta.
những chuyến xe nửa đời, nửa đoạn
những chuyến xe chưa kịp về sông Đáy
đã nghe buồn trên những trở lui...

biển thở tít chân trời thăm thẳm, chết
biển Đông vào cửa khác, phân, ly
tôi ngồi lại nghe buổi chiều chụp, phu?
nén hương tàn, mộ chí ai kia?

mẹ một thuở theo đàn con đi khuất
để hôm nay mất dấu quay về
trong thân xác đã khô cằn máu đỏ
thịt xương kia rồi cũng rữa, tan.

những ngôi mộ Ở bên ngoài đất nước
ngàn năm sau hai tiếng Việt Nam
không ai gọi, không ai còn nhớ nữa
nắm xương xưa rồi cũng quên nguồn.

khi tôi tới những bông hoa ối đỏ
cỏ cây chờ như tượng đã bao năm
tôi muốn chọn một chỗ nằm bên cạnh
không còn cha, môi mẹ máu hoen bầm!
(Trích TK/MVBĐ)


Sau cái chết của mẹ tôi không lâu, một buổi trưa, tôi đang ngồi trong một quán ăn ở miền Nam California, quán Song Long, với Nhà văn Mai Thảo; Bác sĩ Nguyễn Mạnh, một người bạn văn chương (và,) cũng là bạn đồng môn trường trung học Chu Văn An, từ bàn bên cạnh bước qua.

Ông bảo tôi, theo ông (thì,) tôi đã mắc phải chứng bệnh Thyroid...

Tôi cần phải đi chữa ngay; nếu không muốn chết bất đắc kỳ tử. Lý do, trái tim của tôi có thể ngưng đập, bất cứ lúc nào!

Bác sĩ Nguyễn Mạnh chuyên về quang tuyến X, nên hôm sau, tôi tới phòng mạch một người bạn khác. Phòng mạch Bác sĩ Đặng Đức Nghiêm, cũng là chỗ quen biết với tôi...



Sau khi thử nghiệm, Bác sĩ Nghiêm nói kết quả thử nghiệm xác nhận: Tôi đã bị mắc chứng bệnh Thyroid.



Tôi có cố gắng làm theo những đòi hỏi của B.S Nghiêm, như thử máu, chụp phim,... , nơi phòng mạch của Bác sĩ Phùng Gia Thanh, trong khu Magnolia Medical Center... Tuy nhiên, nửa chừng, tôi lại bỏ ngang. Tôi không đủ phương tiện theo đuổi cuộc chữa, trị. (Khi đó, tôi không hề có Medical, cũng chẳng có bảo hiểm.)



Cuối năm 1991, anh em CVA ở Houston, nhân một cuộc họp mặt cuối năm, mời Giáo sư Toàn Phong-Nguyễn Xuân Vinh qua, nói chuyện. Giáo sư Vinh được mời nói chuyện về đề tài "Hệ thống giáo dục tại Hoa Kỳ." Tôi cũng được anh em mời qua, nói về đề tài "Tình cảnh người cầm bút sau 1975."

Lúc phải trả lời những câu hỏi của các bạn đồng môn, có một người không đặt cho tôi câu hỏi nào liên quan tới đề tài; (mà,) lại bước ra, hỏi tôi có biết tôi đang mang chứng bệnh Thyroid trong cơ thể?

Ông hỏi tại sao tôi không chữa chạy căn bệnh ấy?

Người đó là Bác sĩ Hồ Tấn Phước; một cựu học sinh CVA.

Khi được biết, tôi rất muốn chữa, trị; nhưng không có điều kiện... ; BS Phước nói, ngay trong buổi họp mặt rằng, anh sẽ chữa, trị cho tôi; chỉ với một điều kiện:

Tôi phải dọn nhà, phải di chuyển về Houston...



Tôi vô cùng cảm động (và,) cũng vô cùng áy náy trước tấm lòng hết mực tử tế của BS Phước.

Khi trở lại Cali, tôi coi chuyện đó như không có. (Tôi không nhìn thấy nơi tôi một khả năng, một cơ hội đền ơn, dù rất nhỏ, dành cho Bác sĩ Phước.)

Tôi tiếp tục chung sống với căn bệnh Thyroid của mình, thêm một năm nữa.

Người tích cực điên thoại hối thúc, thậm chí đề nghị cung cấp phương tiện di chuyển, nơi ăn, chốn ở, xe cộ... cho tôi là Trương Trọng Trác, tức nhà báo Trọng Kim, một bạn học thuở thiếu thời của tôi.

Trước sự quan tâm, hối thúc tới nao lòng của Trác, cuối cùng, tôi quyết định đình bản tờ báo Tay Phải, di chuyển về Houston. Đó là những ngày đầu năm 1992.

Giai đoạn này, cuộc đời tôi, cũng bắt đầu một khúc quanh khác.)



Theo Bác sĩ Hồ Tấn Phước ở Houston, Texas, người tình nguyện trả tất cả mọi y phí trị bệnh cho tôi, (thì,) Thyroid hay bệnh "Bướu cổ lộ hầu" thường xẩy tới cho những người có gia đình đổ vỡ, phá sản, thất tình; hoặc, bị bệnh ưu uất kéo dài quá lâu...



Những lời giải thích kia, của Bác sĩ Phước trùng khớp với hoàn cảnh tôi, thời điểm ấy.



Thời điểm cuối thập niên 80, đầu thập niên 90.



Trước (và,) sau cái chết của mẹ tôi, đời sống tôi là một loạt những đổ vỡ: Đổ vỡ gia đình. Đổ vỡ tình cảm. Đổ vỡ niềm tin, trong đời thường.

Tôi nhận chịu mọi tai ương, không một lời giải thích.

Tôi nhận chịu mọi kết án, nguyền rủa, không một đính chính...

Để chống trả những mạng lưới bủa vây trùng điệp bất hạnh này, tôi tìm vào hai nguồn an ủi chính: Tôn Giáo và, Thi Ca.

Đây là thời gian tôi viết được khá nhiều thơ; (mà,) nguồn cảm hứng chính lại khởi đi từ kinh Phật, (và,) kinh Cựu Ước, nhiều nhất là Tân Ước, của Ky Tô Giáo.

Cũng thời gian này, bất ngờ, cố thi sĩ Nguyên Sa cho đăng trên Tạp chí Văn của Nhà văn Mai Thảo; cùng một lúc ba bài thơ. Ba bài thơ mở đầu cho loạt thơ (mà,) ông gọi là "Thơ Tám Câu Viết Về Bằng Hữu."

Đó là các bài có nhan đề "Mai Thảo;" "Doãn Quốc Sỹ;" "Du Tử Lệ"

Mở đầu bài thơ nhan đề: "Du Tử Lê," cố thi sĩ Nguyên Sa viết:


bạn ta bằng nửa con cò
vác trên lưng cái đền thờ con voi
con voi nặng cũng vừa thôi
có em người đẹp lại ngồi bên trên.
...


Bài thơ sau đó được in lại trong cuốn Thơ Nguyên Sa, tập 3, của Nguyên Sa, tính ra cũng đã gần 10 năm.

Tuy nhiên, tới ngày hôm nay, vẫn còn rất nhiều người hỏi tôi:

- Đâu là ý nghĩa sâu xa của câu "có em người đẹp lại ngồi bên trên?"

Tôi nhớ, trong một bài nói về tôi, Nhà thơ Trần Bát Nhã ở New Orleans đã dành nhiều phút giải thích về bài... "Con Cò Du Tử Lê" kia.

Dường những giải thích của họ Trần không thỏa mãn được nhu cầu tìm hiểu của người đọc.

Họ Trần nhấn mạnh khía cạnh "đền thờ con voi" như một ý niệm về sự vĩ đại của ngôi đền thi ca... Ông không tận giải câu "có em người đẹp lại ngồi bên trên." của Thi sĩ Nguyên Sa.

Riêng cá nhân tôi, trước câu hỏi kia, suốt bao nhiêu năm, khi được hỏi, tôi chỉ cười, hoặc lắc đầu.

Hôm nay, tôi nghĩ, có lẽ đã tới lúc nên nói một lần, cho rõ ý nghĩa của câu thơ ấy.

Tôi nghĩ, có dễ, đó cũng là cách bày tỏ lòng trân trọng của cá nhân tôi, trước vong linh Thi sĩ Nguyên Sa, một thi sĩ lớn, có tầm ảnh hưởng rộng rãi trong thời đại chúng ta.

Theo tôi, chữ "người đẹp" mà tác giả dùng trong câu thơ "Có em người đẹp lại ngồi bên trên" không hề mang ý ám thị một người nữ nào, trong đời sống của tôi.

Chữ "người đẹp" ở đây, Thi sĩ Nguyên Sa muốn nói:

-Cảm hứng trong thơ của tôi, bao giờ cũng bắt nguồn từ những cuộc tình...

Dù cho đó là những cuộc tình ồn ào, tan nát, đầy tai tiếng... Hay những cuộc tình đã âm thầm tan đi; (và,) số người biết được, rất giới hạn.

Nhận định của cố Thi sĩ Nguyên Sa về nguồn gốc thơ tôi, với tôi, là một nhận định rất tinh tế.

Có thể, nhờ từ Việt Nam tới hải ngoại, trong nhiều chục năm, liên hệ giữa chúng tôi không hề bị gián đoạn. Đôi khi, ông cho tôi cảm tưởng, ông hiểu về tôi, nhiều hơn chính tôi nữa.

Quả vậy, ngoài nguồn cảm hứng từ người mẹ, đã qua đời; tất cả những bài thơ tôi viết xuống, dù cho chúng không phải là những bài thơ tình yêu đôi lứa... Nhưng động lực thúc đẩy tôi viết, vẫn là một hay nhiều người nữ.

Thời gian Thi sĩ Nguyên Sa bắt đầu loạt thơ tám câu viết về bằng hữu, cũng là thời gian tôi cho phổ biến bài "Cuối Năm Chuyện Vãn Với Bệnh Thyroid."

Đó là một trong những bài thơ không hề có chung một khởi nguồn: nguồn tình yêu, với những bài thơ khác của tôi.

Bài thơ có những câu rất đời thường, rất thô tháp, như:


ô kê, cũng tốt thôi Thyroid
dù giờ đây chúng ta mới tình cờ nhận ra mặt mũi nhau
dù bạn ở trong tôi năm, sáu năm trước
dù bạn đã chọn những miếng ngon nhất của thân thể tôi
để xơi
xơi từ từ
xơi kín đáo
(như những nhà chính trị khôn ngoan: ngậm miệng ăn tiền)
bạn xơi
miếng gan mềm có máu thơm luân lưu
miếng tim xốp nhiều lỗ
bao năm đập liên hồi trống trận.

Thyroid, chính bạn
(chứ còn ai vào đấy)
đã xơi của tôi miếng mắt trong
chính bạn chủ mưu đẩy con ngươi tôi lồi ra khỏi hốc mắt
bạn chơi khăm quá đi
chơi đểu quá đi
chơi sát ván
chơi tôi ná thở...

hơn ai hết
bạn biết Chúa từng dặn dò
nếu để một con ngươi của ngươi có dịp phạm tội
thì thà chịu chột để được vào nước thiên đàng
còn hơn giữ nguyên mà sẽ bị đọa về địa ngục.

bạn vẫn nhất định xơi con mắt của tôi
cũng được đi
nhưng chả việc gì phải chơi nhau tận tình đến thế...
dù sao tôi cũng chỉ cần con ngươi của mình lúc này thôi
(ngay khi chúng từng có cơ phạm tội)
để nhìn những người tình ra đi
như nhìn dòng nước chảy
(những dòng nước không có khởi nguồn
sẽ lấy đâu làm điểm kết thúc?)

dù sao tôi cũng chỉ cần
con ngươi mình lúc này
để thấy các con tôi
những đứa nhỏ như chim
lớn giữa mùa bão rớt
những đứa nhỏ như tre
mọc giữa rừng cháy nám
những đứa trẻ không dám
nghĩ có ngày gặp cha... "
...


(Năm 1994, khi Luật sư Phạm Đức Tiến, tổ chức cho tôi, một buổi giới thiệu tác phẩm "Chấm Dứt Luân Hồi: Em Bước Ra", ở Thư Viện Trung Ương Arlington, Hoa Thịnh Đốn, tôi nhớ, Nhà văn Trương Anh Thụy đã đề cập tới bài thơ này, một cách sâu sắc... )



Đó là thời điểm đầu thập niên 90. Thời điểm mà, những người phụ nữ bỏ tôi ra đi. Thời điểm của những cuộc tình khốc liệt. Những cuộc tình, duyên mang đến cho tôi, cùng lúc hạnh phúc chói, gắt; và, tai tiếng xấu, xa; thậm chí, cả những lời nguyền rủa.



Thời điểm đó, là thời điểm (mà,) cuộc tình giữa tôi và một nữ nghệ sĩ (mà,) tôi gọi là Lãm, hay Lãm Ca, đi tới điểm cực đại của ồn ào, của những lời thêu dệt, của những bài báo, thư rơi...



Hôm nay, nhớ lại, tôi còn ê chề, tôi còn xấu hổ.

Nếu không có hai nguồn cứu rỗi là Tôn Giáo và Thi Ca, tôi nghĩ, hôm nay, tôi đã không còn đứng đây.

Bây giờ, ở đây, khi thố lộ những điều này, với tôi, chính là lời cảm ơn, đồng thời, cũng là, lời xin lỗi...

Tôi muốn bày tỏ cùng lúc, lòng biết ơn và, xin tha thứ cho những tội lỗi, những sai lầm, những bầm giập chất chồng từ một quá khứ sắp tròn 60 năm.



(Nếu mẹ tôi có mặt, lúc này, tại đây, bà sẽ không tin tất cả những gì tôi mới tâm sự. Là một người phụ nữ ít học, mẹ tôi lớn lên, lấy chồng, sinh con, nuôi, ru, răn, dạy chúng tôi, bằng kho tàng ca dao, tục ngữ chừng như bất tận; trước sau, với bà tôi không hề là một đứa con trưởng thành. Với bà, tôi không thể là người có thể làm thơ, viết văn, dù chỉ là loại thơ, văn "vớ vẩn" (như sinh thời, bà thường nói.) Tôi vĩnh viễn chỉ là "chú Phá" tật nguyền, tội nghiệp của riêng bà, mà thôi.)



Mặc dù vậy, hôm nay, xin mọi người, xin quý vị hãy vui lòng nhận đón, không chỉ thơ tôi, (mà,) luôn cả con người tôi, trong đời thường. Một con người, phần nào trần trụi, trước mặt quý vị.


DU TỬ LÊ
Aug. 99

(*) Tự-sự- kể này gồm hai bản văn: Tiếng Việt và tiếng Anh.