Bàn Vuông Luận
Tác giả: Đức Trí Quế Anh
Trong khoảng không bất định, họ, bốn vĩ nhân của mọi thời đại, an tọa tại bàn vuông và cùng luận …
Bốn Mặt Cuộc Sống
Mùa xuân đang nảy lộc trên bề mặt địa cầu. Darwin thoải mái ngồi tại bàn vuông, ngắm nhìn đàn khỉ nô đùa và rửa các trái cây nhặt được trên bờ sông. Một người đàn ông với bộ râu rậm rạp và ánh mắt siêu nhân tiến về phía Darwin. Darwin đang cao hứng nên cất tiếng gọi:
Darwin : Này, Nietzsche. Anh có bao giờ nghĩ con khỉ kia có thể là họ hàng của anh không?
Nietzsche : Ông Tiến Hóa ơi, ông vẫn còn tin là con người xuất phát từ loài khỉ đột?
Darwin : Sao không? Anh không thấy nhiều khoa học gia vẫn còn tin vào thuyết của tôi?
Nietzsche : Tuy là họ tin nhưng loài khỉ có được đối xử như con người đâu.
Darwin : Đó là vì con người vẫn mang nặng đầu óc tự tôn của anh nên luôn cho là họ vượt hẳn các loài vật khác và siêu nhân như anh.
Nietzsche : Tại sao không? Con người vẫn đang thống trị thế giới với đầu óc siêu phàm. Mỗi con người đều phải phấn đấu để thông hiểu tất cả, ông à. Vả lại, con người nên tự tạo ra triết lý sống cho mình hơn là theo khuôn mẫu xã hội.
Darwin : Chính Phật và Chúa mới thông hiểu tất cả.
Nietzsche : Ông mà tin vào Thượng Đế, đấng tạo hóa vô hình sao? Hậu duệ ông nhiều người đã không tin như thế.
Darwin : Tôi có bao giờ chống Thượng Đế đâu, chỉ có anh thôi. Hẳn anh nghĩ Thượng Đế đã chết, đúng không?
Nietzsche : Đúng. Ông nên nghe tôi giải thích đây. Có bao nhiêu người thật sự trông thấy Thượng Đế khi họ còn sống? Chẳng bao nhiêu người. Chỉ có tâm linh của họ nhìn thấy Thượng Đế, nghĩa là họ đã bị chính tâm thức lừa dối. Tôi muốn họ phải tin vào chính mình như thể Thượng Đế đã chết.
Darwin : Ồ, Thượng Đế chưa chết đâu. Thượng Đế ơi! Ngài đâu rồi? Giúp chúng tôi với. Siêu Nhân của tôi muốn ngài chết.
Phật và Chúa Kitô hiện ra cùng lúc với nụ cười thanh thoát. Phật vẫn chấp hai tay như thường lệ, trong lúc Chúa dang rộng tay:
Chúa : Chúa ở cùng anh em.
Darwin (cười): Thấy chưa, quả là có Chúa! Những vĩ nhân của tôi! Cám ơn các ngài đã xuất hiện, Nietzsche cần sự giúp đỡ, anh ta không tin vào thuyết của tôi, thượng đế hoặc bất cứ cái gì. Nietzsche, theo anh, ai tạo ra sự sống và loài người?
Nietzsche : Tôi không muốn tranh cãi về nguồn gốc sự sống. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh là làm sao con người có thể đạt được tự do trong suy nghĩ. Như thuyết Chọn Lọc Tự Nhiên của Darwin, chỉ có con vật mạnh mới sinh tồn được. Thuyết của tôi cũng vậy. Tự làm chủ là chìa khóa trong cuộc đời mỗi người. Điều này sẽ giúp cho con người trong xã hội hiện đại thoát khỏi hỗn loạn tư tưởng.
Chúa : Nếu con người không thể tự làm chủ thì sao?
Nietzsche : Thì kẻ đó không thể sinh tồn. Cuộc sống chỉ dành cho kẻ mạnh với khả năng sinh tồn. Con người là động vật biết suy nghĩ và vốn không có bình đẳng giữa con người. Ngay cả Darwin cũng đã nói vậy trong thuyết của ông. Bất cứ trong hoàn cảnh nào, con người vẫn phải biết anh ta làm gì và ở đâu hơn là trông cậy vào Thượng Đế.
Chúa : Thế con người có thể sáng tạo ra Thượng Đế sao?
Nietzsche : Chắc chắn, cả ngài cũng được sinh ra bởi con người và mang hình hài con người.
Chúa : Tuy nhiên, con người không thoát khỏi tội lỗi và sự chết. Họ vẫn cần tình yêu và mầu nhiệm trong cuộc sống, và ta mang sự mầu nhiệm đến cứu rỗi con người. Cuộc sống quả thật là mầu nhiệm. Tự chủ cuộc sống không có nghĩa là anh tự tôn giá trị của anh mà quên đi sự hiện hữu của Thượng Đế. Nếu ai tin vào Thượng Đế thì sẽ được an bình, và người ấy có thể mang hạnh phúc đến cho mọi người.
Nietzsche : Nói như vậy, ngài cũng muốn là siêu nhân?
Chúa : Dù ta có xuất hiện như một siêu nhân cũng không phải ý ta. Sứ mạng của ta là cứu rỗi loài người, không phải để trở thành "thượng đẳng". Ta không ngại phải vác thánh giá lần nữa. Rồi anh sẽ thấy ta trở lại địa cầu trong nay mai thôi. (quay sang Phật) Theo Thích Ca thì cuộc sống con người là gì?
Phật : Cuộc sống con người là sự khổ. Để thoát khỏi khổ nghiệp, trước tiên phải trí tịnh thân bình. Sau đó phải hiểu cái ngã của mình. Muốn hiểu ngã thì phải diệt ngã. Diệt ngã thì sẽ giác ngộ. Giác ngộ là giải thoát khỏi thân và trí.
Darwin : Nếu Phật cho rằng đời sống con người là sự luân hồi, thì con người có thể được đầu thai từ khỉ, và vân vân… À, giờ tôi đã thấy mối liên hệ giữa thuyết của tôi và Phật học.
Nietzsche : Nếu Phật nghĩ rằng con người có thể tự chủ bản ngã, suy nghĩ và hành động, thì thuyết siêu nhân của tôi cũng đúng. Con người có thể là Thượng Đế của chính mình.
Phật : Cả hai anh đều không sai. Nhưng Chúa muốn nhấn mạnh là con người vẫn cần tình thương. Khi tham sân si là nguồn gốc của tội lỗi, tình yêu của Chúa rất cần để cứu vãn thế giới. Nếu anh không có duyên để tham tường triết học nhà Phật, anh có thể theo tiếng gọi của Thiên Chúa. Người nào không tin vào Thiên Chúa có thể thỏa mãn với triết thuyết của anh, Nietzsche à. Cũng như những người yêu thích khoa học sẽ đồng ý với Darwin. Tuy nhiên, không phải ai cũng có tư tưởng của siêu nhân. Những người tinh thần yếu đuối sẽ cần giúp đỡ. Hãy nhớ rằng, thế giới này không chỉ cho những người "thượng đẳng", mà cho tất cả. Mọi người đều bình đẳng và có quyền tịnh để đạt tới cảnh giới của sự giác ngộ trong nhiều ngả đường cuộc sống.
Nietzsche : Sao ngài không trở thành con chiên của Chúa?
Phật : Ta đã giác ngộ trước khi Kitô sinh xuống trần. Tự đả thông tư tưởng có thể dẫn anh đến hạnh phúc và giúp anh thoát khỏi vòng luân hồi. Chúa cũng nghĩ như vậy. Chúa có thể giúp anh tự thiền tịnh. Người đời đã hiểu lầm Chúa khá nhiều. Chúa không muốn anh trở thành cuồng tín mà chỉ muốn anh khỏi vướng tội để trở thành người tốt. Nhưng con người không phải ai cũng giống ai. Có người cần Chúa giúp và có người không, nhưng Chúa lúc nào cũng sẵn sàng để giúp mọi người. Chúa và Ta đã chia sẻ nhiều suy tưởng tương đồng về sự sống. Đối với Chúa, cánh cửa Thượng Đế luôn mở rộng nếu anh không thể tự đạt đến cảnh giới giác ngộ.
Darwin : Ngài Siêu Nhân ơi, ngài chịu thua chưa? Phật và Chúa nói rất có lý. Cả hai thật sự là vĩ nhân mà tôi đã từng gặp. Triết lý của họ đều giống nhau, Nietzsche ạ, người đời nghĩ rằng họ khác nhau, nhưng cả hai đều đưa con người đến hạnh phúc. Anh muốn nhìn thế giới với con mắt siêu nhân là tùy anh.
Nietzsche : Xin đừng hiểu lầm tôi. Tôi vẫn kính trọng Chúa và các môn đồ của ông. Tuy nhiên, triết học nhà Phật đối với tôi có lý hơn trong việc "giác ngộ."
Darwin : Không chống Chúa, nhưng anh kính trọng một cách miễn cưỡng. Tôi nghĩ anh vẫn có thể theo ông ta và không cần phải biết đến Kinh Thánh và các môn đồ của ông.
Chúa : Ta chưa hề viết Kinh Thánh hay dựng nên nhà thờ. Thiên Đàng hay Địa Ngục ở ngay trong tư tưởng của các anh em. Anh em có quyền lựa chọn. Người đời có thể hiểu lầm ta, nhưng vẫn phải cần sự giúp đỡ của ta.
Phật : Nietzsche và Darwin, đã đến lúc hai anh nên cùng nhau tìm giải pháp sống an bình và hạnh phúc cho con người. Mọi sự là một và một là mọi sự, phải không người anh em Kitô của ta?
Chúa : Đúng vậy, người anh triết gia. Chúng ta hãy cùng đi cứu nhân loại.
Darwin : Nietzsche, anh đã hài lòng với các câu trả lời của hai vị chưa? Này, giúp tôi tìm hiểu xem các con khỉ kia có liên hệ gì với đám kiến này không?
Nietzsche : (hơi nhăn mặt) Được thôi.
Và rồi cả hai cùng ngồi nhìn đàn khỉ nô đùa trên bờ sông trong khi được gió xuân vuốt ve.
Đức Trí Quế Anh