Nuôi con một mình
Tác giả: Dương Nữ Khánh Thương
Những ngày đến giảng đường không còn mang nhiều háo hức như những ngày xưa. Giang giận mình như một đứa trẻ con dẫu đã mang hình hài của một người đàn bà. Sao lúc ở quê đã cảm tưởng chai lì, trơ trẽn được với tất cả mọi tình huống cơ mà?
Giang suýt rơi nước mắt khi con bíu vai thỏ thẻ: “Mẹ Giang ơi, mẹ Giang, mẹ không cho con đi cùng à?”.
Giang xốc cái túi du lịch cũ kỹ mà gần hai năm trước cô vẫn dùng, hôn con trao cho bà ngoại rồi đi như chạy. Mẹ Giang cũng rơm rớm nước mắt. Thì có khác gì con Giang hai mươi tuổi khi xưa. Cũng đi học. Có điều Giang bây giờ đẫy ra, mặn mà hơn và có cả thứ hành lý không thể mang đi được là bé Bi.
Giang đi vào trường. Bác giữ xe ở cổng ký túc xá ngờ ngợ. Bác định kêu lên câu gì đấy xong lại thôi. Vài đứa học khóa sau biết Giang nên nhìn cô săm soi lạ lùng. Giữa cổng ký túc xá, Giang vừa đi vừa sợ lại mọc ra một đôi mắt cũ.
Cuối cùng các thủ tục cũng xong. Cô ở phòng 411 cách phòng cũ mấy phòng. Phòng cũ chỉ còn An ở lại. Đào, Liên đã ra trường. Tam chuyển ra ngoài. An vẫn hiền lành ra dỡ đồ đạc hộ Giang. Tội nghiệp, nó không dám hỏi tình hình Giang bây giờ. Nó sợ Giang buồn. Ngày xưa nó vẫn hay bênh Giang nhất khi lũ đanh đá cá cầy kia hùa vào nói Giang. Bất kể nói sau lưng hay trước mặt nó đều xông vào bảo vệ Giang quyết liệt dù bọn kia nói cũng có cái lý của nó. Và lúc đấy thì không thể bảo là hiền được, trông nó như con nhím xù lông, hung hăng và dữ tợn lạ thường. Giang sau khi tan cuộc nghe nó kể lại cười: “Chấp gì chúng nó hả em, mà chúng nó nói đúng đấy. Chị mê muội như thế thật”. Đến lúc đấy nó khùng lên: “Chị nói nghe chướng lắm”. Nói xong nó nhảy phốc xuống giường làm một ca nước bể tu mà phát khiếp. Thế mà bình thường nó sống chỉn chu, ngoan lành như một cái máy. Sáng đi học, chiều chui lên cái thư viện bé tí, thoảng lắm mới thấy nó đi chơi. Thế giới của nó rành rọt khác hẳn thế giới của Giang nhưng chưa thấy ai thương Giang như nó.
Ăn bữa cơm bụi đầu tiên, Giang cứ ngờ ngợ. Cơm nhà ăn quen rồi. Thức ăn chẳng có gì ngoài quả cà, rau dưa quanh vườn, tôm cá phơi khô nhưng ngon lạ lùng. Cơm bụi nhớt nhát, nguội ngặm. Ăn xong Giang lững thững đi dạo bộ. Cô đi đến những chốn quen ngày xưa Quân và cô vẫn hay đi.
Giang mỏi chân dừng lại ở ghế đá. Một đôi trai gái khác nhanh chân hơn đã đến trước cô. Người con trai dìu tay người con gái kéo xuống ghế. Và chỉ chờ có thế người con gái nhào vào lòng chàng trai. Họ hôn nhau. Giang tự dưng tò mò cứ đứng mãi sau bụi hoa ngọc anh mà ngắm họ. Nụ hôn người con trai tham lam và cuồng nhiệt. Càng lúc họ càng bện chặt vào nhau. Giang không thể tự vấn an lòng mình được nữa. Cô thở dài, lén quay vào bóng tối.
Những ngày đến giảng đường không còn mang nhiều háo hức như những ngày xưa. Giang giận mình như một đứa trẻ con dẫu đã mang hình hài của một người đàn bà. Sao lúc ở quê đã cảm tưởng chai lì, trơ trẽn được với tất cả mọi tình huống cơ mà?
Cuộc gặp gỡ chiều nay với Hoan gần như không mong đợi, Hoan là bạn của Quân. Bạn thân nhưng không hiểu sao lại thân với một người như Quân. Không hiểu sao lại thân thì cứ tìm Hoan mà chơi rồi sẽ biết. Nhìn ngón tay Hoan vàng nhờ vì khói thuốc và nụ cười ám nhiều rượu, hơi son đàn bà, hơi tiền Giang đã muốn bật khỏi cái ghế tựa điệu đà của quán cà phê thơ mộng. Nhưng cô cứ ngồi yên, ngồi hơi mơ màng, mi hơi khem khép, tay đặt se sẽ lên đùi, cốc nước hơi lay lay...
Hoan quan sát Giang có thể nói là hơi kỹ. Hoan cũng không hiểu vì sao nữa. Ngày Quân “đá” cô bé này ra lề đường thì Hoan thấy thương hại, thế thôi.
Hoan vừa nhắc đến Quân, Giang không còn có thể khóc được rồi nhưng tay cầm cốc nước thì vẫn run run. Hoan nói bây giờ vợ Quân không tịt đẻ như ngày xưa nữa, cô ta cố gắng chạy chữa và đã sinh cho Quân một mụn con trai xấu xí. Vợ Quân cũng không ghen tuông cấm đoán Quân mà để mặc cho Quân trăng hoa nhưng Quân chán. Hoan nói đến đó thì thở dài. Giang định hỏi vì sao chán nhưng thôi, nghĩa lý gì đâu.
Hoan rủ Giang đến thăm Quân. Giang trợn mắt. Hoan sợ, xua tay: “Thôi, không thích thì thôi. Mà cũng nên oán chứ bỏ qua thì mắm muối quá. Đàn bà rộng lượng ngoảnh đi ngoảnh lại đời đã như tờ giấy nháp”. Hoan đưa cho Giang một nắm tiền toàn tờ to, hơi nhàu bảo Giang mới trở lại học, lớn rồi chẳng nhẽ xin mẹ mãi, cầm mà tiêu nhưng Giang không cầm. Hoan bắt cầm, ngày xưa biết Giang hiền lành, tử tế thế mà Hoan không ngăn Quân được thì Hoan thấy áy náy lắm. Giang cười dài nhờ Hoan nếu quen biết đâu thì xin cho Giang một chỗ làm thêm.
Về đến nơi An hoảng hốt kéo lay: “Phải chị đã đi tìm thằng đấy không?”. Giang lắc đầu, An ôm Giang: “May quá!”. Giang cười: “Sao lại may?”. An bảo: “Không biết, chị trông rõ sắc sảo nhưng dễ mê muội lắm. Từ nay em sẽ canh chừng chị, chị có biết chuyện chú người gỗ và con dế lương tâm không? Chị là chú người gỗ, còn em là chú dế lương tâm ấy đấy”. Giang không khó chịu với quan tâm của An vì nó dễ thương một cách thái quá như một con nhím xù lông vậy.
Hai chị em kiếm được việc làm mẫu trong một tiệm may áo dài. Dáng Giang dong dỏng như gái mười tám, các cô đến may áo dài được thoải mái mượn thân hình Giang để ngắm nghía, tưởng tượng mình với một hình mẫu có thật. Lương bán thời gian được triệu đồng/tháng, tính toán cẩn thận còn dư được mấy trăm gửi về cho bà ngoại với bé Bi. Nhưng như thế thì đến bao giờ Giang mới ngẩng cao đầu và vênh mặt được với đời là Giang này vẫn sống rất đàng hoàng. Mà cái từ đàng hoàng rộng nghĩa lắm, không chỉ đủ ăn, đủ mặc. Phải như thế nào mới gọi là đàng hoàng chứ?
Giang theo Hoan đi buôn. Hàng nửa cấm nửa không cấm. Nói thế cho oai thôi chứ Giang chỉ làm chân vận chuyển hàng. Hoan ưu ái trả công cao. Giang nghỉ quá số tiết quy định, nguy cơ vài môn không được thi. An túm lấy tay Giang giật xuống khi Giang sắp lẫn vào dòng người nhộn nhạo ở bến xe. Giang hét lên: “Em về đi, đây là chuyến quyết định, đi chuyến này về chị sẽ có rất nhiều tiền”. An lấy nước mắt ra dọa, cuối cùng kéo được Giang về. Phòng An không có ai ở nhà, An kéo Giang qua phòng, đóng kín cửa.
- Chị nói đi, chị trở lại trường để học nốt và có tấm bằng cơ mà?
- Có lẽ là vậy.
- Chị đừng trả lời em kiểu nước đôi, mệt mỏi như thế được không?
- Nhưng như thế thì biết bao giờ mới nuôi nổi bé Bi, mẹ chị già rồi. Bao giờ chị có thể ngạo nghễ nhìn Quân rằng không có anh ấy chị vẫn có thể sống được. Và sống tốt là đằng khác.
- Bà chị đáng thương, chị tưởng với mấy đồng tiền công mà Hoan trả chị có thể giàu được à, cùng lắm chỉ đủ trang trải tùng tiệm đời sống một đứa sinh viên nghèo. Bù lại chị học hành như một đứa sinh viên cá biệt. Em hỏi chị, học tử tế, có tấm bằng kha khá kiếm một chỗ thơm hay lê lết lấy tiền đi buôn trả tiền học lại cho các môn khác. Đằng nào hơn? Chị sắc sảo ở đâu em không biết chứ với em chị bé bỏng quá đỗi và cả tin, ngây thơ nữa chị Giang ạ. Chị tha lỗi cho em, đứa em chưa hề yêu mà lại dám dạy khôn chị.
Giang giận An đúng một tuần.
Một tuần đấy Giang về thăm nhà. Hôn hít con, nói mấy lời sám hối với mẹ, ăn mấy món mẹ nấu rồi tong tả lên trường. Lúc Giang đưa tiền bảo bà ngoại mua sữa cho bé Bi, bà ngoại chối đây đẩy và mắng Giang vẽ vời, cứ lo học cho tốt, bà ngoại còn tiền để dành chưa phải cậy đến cô. Giang chẳng biết nói gì lại bế Bi. Bi vừa mọc thêm mấy cái răng trắng mũm yêu ơi là yêu. Nó ôm Giang: “Mẹ lại không ở nhà với con hả mẹ Giang? Mẹ lên trường mẹ ngủ một mình con ba bị nó bắt mẹ thì sao? Con ở với bà đêm nào bà ngoại cũng ôm chặt con để khỏi ba bị bắt. Mà con ba bị láo lắm có hôm tè dầm lên mắt bà ngoại ướt mèm. Bà ngoại phải lau đấy”. Giang nhìn mẹ, cô vẫn biết là mẹ thương cô nên không muốn trách cứ cô nhiều nhưng bố mất, có mỗi mụn con gái bà chỉ mong cô có tấm chồng tử tế danh giá để mời bà con chung vui một ngày... Thế mà, từ lúc Giang vác bụng về đến lúc Giang sinh bà vẫn cặm cụi chăm sóc không trách mắng nửa lời. Giang ở lì trong nhà còn mẹ buôn bán, tiếp xúc chịu bao lời ong, tiếng ve của người đời. Mẹ lúc nào cũng như cái cây thẳng đứng, cái cây không sợ gió bão quật đổ. Còn Giang thì...
Giang trở lại trường, đi học chăm chỉ. Buổi chiều phụ bán ở một cửa hàng quần áo, buổi tối lại đi dạy kèm. Cũng tạm ổn. Có mấy anh lớp tại chức mê Giang như điếu đổ, có cả mấy cậu chíp hôi cùng lớp nhưng Giang chả dại. Cửa lòng Giang không đóng nhưng luôn khép hờ. Đấy là lời Tản - một khách quen mua quần áo chỗ Giang. Tản mua khá nhiều quần áo cho cả nam và nữ. Đã đôi lần Giang tò mò tự hỏi: “Anh ta mua cho ai? Mua thường xuyên như thế làm gì? Nàng nào mà được anh ta chiều đến vậy?”. Tự hỏi xong thấy vô duyên vì anh ta mua cho ai đâu có quan trọng bằng mình bán được hàng. Tản hay cười với Giang nhưng chỉ cười chứ cũng không tỏ vẻ thân thiện với một cô bán hàng thuê.
Chiều Giang định xin về sớm. Tối nay đứa học trò xin nghỉ nên Giang tính rủ An đi ăn một cái gì đó rồi hai chị em đi xem phim. Không ngờ Tản lại đến mua quần áo. Anh ta nhờ Giang chọn mấy kiểu khá trẻ trung. Giang xã giao: “Anh mua cho ai mà thường xuyên vậy?”. Tản cười: “Tôi quen nhiều cô gái đẹp. Mua một vài món quà không đắt lắm nhưng lại thể hiện sự quan tâm đến nhau. Làm vừa lòng các nàng kể cũng như là một cái thú của tôi”. Giang gật đầu: “Ra vậy”. “Ra vậy” là câu nói xác nhận cho sự vỡ lẽ của Giang. Giang đợi một lý do tương tự như thế, nghĩa là lý do gì thì cũng liên quan đến danh từ “phụ nữ” thôi nhưng đáng ra phải có vẻ mờ tỏ hơi tí chứ ai lại... Tự dưng có một làn gió mơ hồ phảng phất, Giang quên tiệt suy nghĩ vừa thoáng qua và chú tâm với việc bán hàng. Giang xăng xái đưa cho anh ta chọn các kiểu mẫu, đưa một cách ồ ạt, nhiệt tình thái quá đến nỗi Tản chóng cả mặt. Giang đang định chuyền tiếp chiếc áo cho Tản thì phải rụt lại vì cái xua tay mệt mỏi của Tản. Giang nâng chiếc áo lên hời hợt ướm lên người, hời hợt soi vào gương giết thời gian. Không ngờ Giang thấy Giang trong gương và mình khác nhau quá. Giang mê mình quá. Mình trông không tệ tí nào lại còn quá tuyệt nữa là đằng khác. Chắc tại cái gương thôi nhưng... Tản giằng lấy chiếc áo trong tay Giang.
- Cô thích nó chứ?
- Thích.
- Tôi mua tặng cô nhé, nó rất hợp với cô.
- Không. Nếu thích tôi có thể lấy sau đó trừ vào tiền lương.
- Nhưng nó rất đắt mà lương cô còn phải dùng vào nhiều khoản khác.
- À, thế thì cảm ơn sự cảm thông của anh. Tôi không được nhận gì ngoài tiền bán hàng của khách!
- Cô Giang, cô đừng khách khí thế. Một cái áo cũng không nói lên nhiều điều lắm đâu. Đơn giản vì mỗi lần đến mua hàng tôi thích được nhìn thấy cô mặc thế thôi.
- Tôi không phải ăn mặc vì sở thích của ai.
- Không thể nói chuyện với cô thân thiện hơn được sao cô Giang?
-. ..
- Thôi, chào cô tôi về. Gói cho tôi mấy cái áo tôi đã chọn.
Giang đưa túi đồ cho anh ta. Gật đầu nhẹ rồi quay vào kiểm tra sổ sách. Giang rời cửa hàng vào lúc chín giờ ba mươi. Quá muộn để xem phim. Giang rảo bước nhè nhẹ trên vỉa hè. Đang mùa thu, lá rải một lớp như thảm mượt mà. “Mình dẫm lên thì đẹp và thơ nhưng với chị lao công mùa lá rụng này công việc vất vả lên gấp bốn. Hạnh phúc, hưởng thụ trong xã hội này chênh lệch nhau quá nhiều”. Giang lẩm bẩm một mình khi nhìn thấy chiếc chổi loạt xoạt nặng nề đang lại gần. Cô phải tránh sát vào các bức tường, chị ta bịt khăn kín, miệt mài quét như không biết một mùa lá rụng đem lại bao sự nên thơ cho thành phố. Một chiếc lá sót lại cọ vào chân, chiếc lá đẫm sương làm chân Giang ươn ướt như vết liếm âu yếm của một con cún nhỏ. Giang đi thơ thới, tâm hồn tưởng mới có mười hai, mười ba, tuổi còn đi trộm quả, trèo cây chứ không nghĩ mình đã là gái một con và ăn bám mẹ thế này.
Trong lòng Giang những tưởng tượng tươi non làm mọi ý nghĩ đang dang dở với cuộc đời mình tan biến. Giang những thấy mình đang được đi học là hạnh phúc, tự dưng không cần phải lấy chồng mà có đứa con ôm ấp gọi bằng mẹ thì sướng. Giang thấy cả những điều tủn mủn cũng trở nên dễ thương... Cứ thụ hưởng đi chứ, mình không có thứ hạnh phúc được trải sẵn như nhung lụa thì ba chút vui lẻ tẻ cũng đủ dành dụm cho một niềm vui sống đang dâng lên...
Hết