watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Nghệ sĩ nhịn đói - tác giả Franz Kafka Franz Kafka

Nghệ sĩ nhịn đói

Tác giả: Franz Kafka

M ột trong những nhà văn Âu châu viết ít mà lại có ảnh hưởng nhiều ngang với A. Camus và L. Bonges, chính là Kafka, một nhà văn Do Thái lai Tiệp Khắc. Hai tác phẩm chính của ông là The Trial (1925) (Vụ Án) và The Casile (1926) (Thành Quách) đã đưa ông lên hàng một nhà văn lớn của thế kỷ 20. Hai tác phẩm này thực ra ông dặn là khi ông chết thì đốt đi, nhưng bạn ông là Max Brod đã trái lời, đem xuất bản vì thấy đó là hai kiệt tác của nhân loại.
Truyện "Người Nghệ Sĩ Nhịn Đói" sau đây là một truyện hết sức lạ lùng Kafka đưa ra một ẩn dụ về vị trí của người nghệ sĩ trong xã hội, một xã hội mà Kafka cho rằng nguyên tính là Ác và càng ngày càng đi đến chỗ mọi rợ.
Có lẽ Kafka còn có một ẩn ý gì khác nữa, xin mời quý vị suy đoán qua truyện ngắn sau đây:
Trong những thập niên vừa qua cái thích thú trong nghề trình diễn nhịn đói rõ ràng giảm xuống nhiều. Ngày trước người ta thường trả rất hậu để được riêng xem những trò trình diễn vĩ đại, nhưng ngày nay không thể như thế được. Chúng ta sống trong một thế giới khác đi rồi. Có một thời toàn thể cả thành phố đều quan tâm một cách nhiệt liệt đến người nghệ sĩ làm trò nhịn đói, trong cuộc nhịn đói của anh ta càng ngày cái sự khích động càng lên cao; mọi người đều muốn ít nhất phải đến xem anh ta mỗi ngày một lần; có nhiều người lại mua vé bao hết những ngày sau chót và ngồi từ sáng đến tối trước cái lồng có chấn song của người nghệ sĩ nhịn đói; cả ban đêm cũng có những giờ người ta đến xem, nhất lại dưới ánh đuốc chập chờn càng nhiều kích thích; còn vào những bữa đẹp trời thì cái lồng được để ra ngoài trời và thế là đặc biệt trẻ con xúm lại xem người nghệ sĩ nhịn đói; đối với phụ huynh chúng thì người nghệ sĩ đây chỉ là một trò đùa thời trang, nhưng đối với chúng, chúng là trẻ con, cứ đứng há hốc mồm ra xem, tay chúng nắm với nhau để đỡ sợ và chúng ngó anh ta một cách dị kỳ, trong khi anh ta vẫn ngồi yên, xanh xao trong bộ đồ đen chật bó lấy người, xương sườn nổi hằn lên rõ rệt; mà anh ta không ngồi trên ghế, lại ngồi dưới đất trên một ổ rơm, thỉnh thoảng lại gật đầu chào một cách lịch sự, mỉm cười hết sức nhã nhặn để trả lời những câu hỏi, hoặc thò một cánh tay ra khỏi chấn song cho người ta sờ xem tay anh ta ốm đến chừng nào, rồi lại rút vào thản nhiên, chẳng quan tâm đến ai hay đến sự vật gì, kể cả đến tiếng gõ nhịp rất quan trọng của chiếc đồng hồ, là vật trang bị duy nhất trong chiếc lồng của anh ta; anh ta chỉ nhìn đăm đăm vào khoảng hư vô, đôi mắt lim dim, thỉnh thoảng nhấp một chút nước trong cái ly nhỏ cho ướt môi.
Ngoài những người đến xem bất chợt, thì có những người thay phiên nhau thường trực canh chừng, do công chúng lựa chọn và lạ thay, những người canh chừng này thường là các tay hàng thịt, nhiệm vụ các người này là ngày đêm canh chừng người nghệ sĩ nhịn đói, xem anh ta có bí mật ăn uống gì không; cứ mỗi phiên là ba người. Đây chỉ là chuyện canh chừng cho có hình thức để làm quần chúng tin tưởng, chứ còn những người chủ trương việc đó họ cũng biết rõ rằng suốt trong thời gian trình diễn nhịn đói, nhà nghệ sĩ kia không bao giờ ăn một chút gì, dù trong hoàn cảnh nào đi nữa; dù bị ép phải ăn đi nữa; là vì danh dự nghề nghiệp cấm anh ta ăn như thế. Tuy vậy không phải người gác nào cũng hiểu được cái danh dự đó, nên có nhiều người gác đêm cố ý chểnh mảng trong việc gác chừng, cố ý xúm vào một góc nào đó đánh bài một cách say mê, ý rằng để cho người nghệ sĩ trình diễn nhịn đói kia có dịp ăn uống lén lút một chút gì mà anh ta giấu đâu đấy. Thật là không có gì làm khổ người nghệ sĩ bằng mấy ông gác đêm đó; họ làm cho anh khó chịu; họ làm cho anh ta cơ hồ không chịu nổi cơn nhịn đói; đôi khi anh ta phải hát ca lên không ngớt để dằn sự cám dỗ, để chứng tỏ cho các người đó biết rằng họ lầm. Nhưng vô hiệu. Các người đó càng lấy làm lạ là làm sao anh ta tài tình vừa nhịn ăn vừa hát. Người nghệ sĩ chỉ thích thú nhất là với các người gác đêm mà ngồi sát lại trước cái lồng, ánh đèn trong phòng chưa đủ cho họ vừa ý, họ còn dùng đèn pin để soi vào quan sát người nghệ sĩ. Ánh đèn pin chói lòa không làm người nghệ sĩ khó chịu chút nào; vì dù trong trường hợp nào thì anh ta cũng không thể ngủ được, cho dầu ánh đèn thế nào và dù lúc nào, và dù trong phòng đông người xem ồn ào đến đâu đi nữa, anh ta cũng chỉ buồn ngủ chút chút thôi. Anh ta hãnh diện nếu qua được một đêm mà không ngủ chút nào trước mắt người xem biết chú tâm đến anh ta; anh ta sẵn sàng làm trò cười cùng họ, kể chuyện cho họ nghe về cuộc sống vô định của anh ta, một cuộc sống không có gì có thể nói là làm cho họ thao thức cả và anh cho họ thấy là trong lồng của anh ta chả có gì ăn được cả và anh ta nhịn đói trình diễn như thế này họ khó mà làm theo cho được. Nhưng giờ phút thú vị nhất đối với anh ta là lúc sáng sớm ra, anh ta chịu trả tiền để đãi các người gác đêm một bữa điểm tâm đầy đủ, các người này đổ xô lại ăn một cách ngon lành sau một đêm thức mệt nhọc để canh chừng. Dĩ nhiên nhiều người lý luận rằng bữa điểm tâm này là một cố gắng không tốt, nhằm hối lộ các người gác đêm kia. Nhưng họ lý luận như vậy là đi quá xa, đến khi mời chính họ gác đêm, đừng cho họ ăn sáng như vậy thì họ lại chuồn mất, để rồi lại vẫn cứ nghi ngờ một cách ngoan cố.
Dù sao, những sự nghi ngờ như thế không thể không có đối với nghề nhịn đói biểu diễn. Bởi không ai có thể liên tục ngày đêm canh chừng người nghệ sĩ trình diễn nhịn đói, nên không ai có thể làm chứng hiển nhiên rằng quả thật cuộc trình diễn nhịn đói đã tiếp diễn hết sức đứng đắn; chỉ có chính người nghệ sĩ trình diễn là tự biết điều đó, thành ra chỉ có mình anh ta là kẻ chiêm ngưỡng thỏa mãn nhất về cuộc trình diễn nhịn đói của mình. Tuy thế, có nhiều điều khác, anh ta lại không được thỏa mãn; như có lẽ không phải chỉ vì nhịn đói mà anh ta ốm giơ xương, ốm đến nỗi nhiều người không dám nhìn, đành bỏ qua không dám xem cuộc trình diễn của anh ta, mà anh ta ốm xuống như thế có lẽ còn vì không được toại nguyện với chính mình nữa. Không có ai, ngoại trừ chính nhà nghệ sĩ kia, biết được rằng cái chuyện nhịn đói rất là dễ. Nó là việc dễ nhất trên đời. Nhà nghệ sĩ đã không dùng một bí quyết nào cả, thế nhưng thiên hạ lại không tin như vậy; giỏi lắm là họ tin rằng anh ta nói nhũn nhặn thế thôi. Còn hầu hết thì nghĩ rằng anh ta nói như vậy là nói quảng cáo, hoặc là lường gạt, đã có một bí quyết nhịn ăn, rồi mới nói ầm lên nhịn ăn là dễ này nọ và trình diễn như thế. Nhà nghệ sĩ đã phải chịu đựng những nghi ngờ như thế, lâu rồi thành quen, nhưng trong thâm tâm sự bất mãn luôn luôn ngấm ngầm, và chưa bao giờ sau một cuộc trình diễn nhịn ăn mà anh ta đứng dậy dời khỏi chiếc lồng một cách thỏa mãn - hẳn thế! Cuộc trình diễn ở những đô thị lớn; và dĩ nhiên có lý do để ông bầu quyết định như vậy. Kinh nghiệm cho biết rằng trong khoảng bốn mươi ngày thì sự chú tâm của quần chúng hết sức là dễ khích động nhờ hiệu năng quảng cáo, nhưng sau khoảng thời gian đó thành phố bắt đầu mất dần sự chú tâm thích thú và sự nâng đỡ về mặt cảm tình mất dần đi rõ rệt, dĩ nhiên không phải đến nơi nào cũng thế, mỗi thành phố hay mỗi địa phương đều là có chút ít khác nhau, tuy nhiên lệ chung thì vẫn là trong giới hạn bốn mươi ngày. Tới ngày thứ bốn mươi, chiếc lồng trang điểm nhiều hoa của nhà nghệ sĩ nhịn đói đó được mở ra, các người xem đứng chật cả rạp, một giàn nhạc nhà binh trổi nhạc, hai vị y sĩ bước vào lồng để đo nghiệm những hậu quả của cuộc nhịn đói, các hậu quả đó được đọc to lên máy phóng thanh, và cuối cùng có hai vị phu nhân quý phái, nét mặt tươi vui sung sướng vì được tuyển chọn danh dự, đến đỡ nhà nghệ sĩ bước xuống mấy bậc cấp tới một chiếc bàn nhỏ trên đó đã dọn sẵn một bữa ăn nấu cẩn thận hợp cho người còn yếu. Và cho đến lúc đó nhà nghệ sĩ vẫn tỏ ra chưa chịu. Anh ta có thể đưa đôi cánh tay gầy ốm ra cho hai vị phu nhân đang cúi xuống đỡ lên, nhưng còn chuyện đứng dậy thì anh ta không chịu đứng dậy. Tại sao lại phải ngưng trình diễn nhịn ăn vào ngày thứ bốn mươi đặc biệt như vậy? Anh ta sẽ chịu đựng được một thời gian dài, một thời gian dài không giới hạn; tại sao bây giờ phải ngừng đang khi trình diễn hay nhất, hoặc nói cho đúng hơn đang khi chưa hoàn toàn nhịn đói tới độ hay nhất? Tại sao người ta lường gạt anh, không cho anh được cái danh tiếng là nhịn lâu hơn nữa, không cho anh được cái danh tiếng là một nghệ sĩ trình diễn nhịn đói không những phá kỷ lục từ xưa tới nay mà còn phá được chính kỷ lục của mình bằng một cuộc trình diễn nhịn ăn vượt ngoài sức tưởng tượng của con người, điều mà anh cảm thấy anh có thể làm được đến vô giới hạn? Công chúng giả bộ ngưỡng phục anh quá nhiều, mà tại sao họ không có chút ít kiên nhẫn cùng anh ta; anh ta có thể nhịn ăn lâu hơn thì tại sao họ không chịu đựng xem anh lâu hơn? Vả lại, lúc bấy giờ anh thấy mệt, ngồi trong ổ rơm bấy lâu dễ chịu, bây giờ phải đứng thẳng lên để đi dùng một bữa ăn mà chỉ nghĩ đến bữa ăn đó thôi anh ta đã thấy lợm giọng; cố gắng lắm và nhất là vì sự có mặt của hai vị phu nhân kia, anh mới không nói điều đó ra. Và anh ta nhìn vào mắt hai vị phu nhân, hai người bề ngoài có vẻ thân ái nhưng thực ra rất độc ác, anh ta lắc đầu, chiếc đầu như quá nặng trên cái cổ không còn sức lực của anh ta. Đúng vào lúc đó thì điều luôn luôn xảy đến là: Ông bầu của anh ta bước tới, không nói không rằng gì cả - có nói thì ban nhạc cũng lấp mất tiếng nói - đứng trước mặt chàng nghệ sĩ, đưa hai tay lên trời, như muốn mời Thượng Đế hãy nhìn xuống đứa con của ngài trong ổ rơm đây, một kẻ có thể nói là tuẫn đạo - mà thực ra là kẻ tuẫn đạo thật dù có một ý nghĩa hoàn toàn khác lạ, rồi ông bầu ôm lấy cái eo tiều tụy của người nghệ sĩ, cẩn thận một cách quá đáng như thể rằng ý thức sự yếu đuối mong manh của nghệ sĩ; nâng anh ta lên giao cho hai vị phu nhân đang tái mặt và không quên bí mật lắc người nghệ sĩ một cái, buộc chân anh ta phải cử động bước tới và thân hình anh ta phải di chuyển. Bấy giờ thì người nghệ sĩ hoàn toàn chịu khuất phục; đầu anh ta ngoẹo xuống ngực như nó vô tình mà ngoẹo xuống; thân hình anh ta hốc hác; hai chân anh ta giựt giựt để cố đứng vững, hai đầu gối như dính lại nhau; thế mà cũng quèo quào trên mặt đất như thể đất nghiêng ngả và hai chân anh ta như đang tìm một miền đất vững vàng; toàn thể sức nặng của thân thể anh ta - thực ra chỉ nhẹ như lông - khụy tựa lên một vị phu nhân, vị phu nhân này nhìn quanh để cầu cứu và hơi thở có phần hổn hển - nàng không ngờ cái vị trí danh dự lại là như thế - trước hết nàng ngửa cổ để tránh cho cái mặt mình khỏi chạm tới người nghệ sĩ, rồi thấy không tránh được, mà người bạn gái cùng với mình cũng tay đang run run để đỡ cái bộ xương nghệ sĩ, nàng liền bật lên khóc trước sự đang vui của mọi người và thế là phải đưa một vị phu nhân khác, đã đợi sẵn từ lâu vào thay nàng. Rồi tới bàn ăn, ông bầu tìm cách đưa chút đồ ăn lên môi người nghệ sĩ trong khi anh ta ngồi im như trong một cơn xuất thần ngây ngất và giàn nhạc thì trổi lên ầm ĩ như để làm xao lãng bớt sự chú tâm của công chúng đang để ý đến tình trạng sức khỏe của người nghệ sĩ; sau đó, dường như là do người nghệ sĩ nói khẽ vào tai ông bầu, một ly rượu được anh ta nâng uống chúc mừng công chúng; giàn nhạc lúc đó trổi lên một điệu hết sức rộn rã, các người đi xem lần lượt tan dần và không ai vì lẽ gì mà chẳng vừa ý được, ngoại trừ chính chàng nghệ sĩ trình diễn nhịn đói, luôn luôn chỉ một mình anh ta là không mãn nguyện.
Cứ thế qua bao năm, trừ những khoảng ngắn đều đặn để phục hồi sức khỏe, còn thì người nghệ sĩ trình diễn nhịn đói luôn luôn chỉ một mình anh ta là không mãn nguyện.
Cứ thế qua bao năm, trừ những khoảng ngắn đều đặn để phục hồi sức khỏe, còn thì người nghệ sĩ trình diễn nhịn đói sống trong vinh quan trông thấy, sống trong sự được thế giới cảm phục; thế mà tinh thần anh ta vẫn bực bội và càng bực bội vô cùng là không ai coi điều bực bội của anh ta là điều qan hệ. Vậy anh ta cần sự an ủi gì? Anh ta ao ước điều gì hơn nữa? Một người bộc trực nào đó, giá mà cảm thấy thương hại anh ta, đến để an ủi anh ta bằng cách chỉ cho anh ta thấy rằng nỗi buồn trong lòng anh có lẽ do sự nhịn đói mà ra; thì anh ta sẽ bừng bừng nổi giận, nhất là ngay lúc mà anh ta đã nhịn đói được một thời gian, và thế là anh ta rung lắc những chấn song của chiếc lồng, trông tựa một con thú dại. Tuy nhiên ông bầu anh ta có một cách trừng phạt những cơn nổi giận đó và ông rất thú vị mỗi khi đem ra thi hành cách trừng phạt này. Ông ta sẽ xin lỗi công chúng về thái độ nổi giận của người nghệ sĩ, nói là thái độ đó đáng tha thứ và nói là do ở sự nhịn đói gây ra; người ăn uống no đủ khó mà hiểu được tình trạng của anh ta; rồi, một cách rất tự nhiên ông bầu bắt qua nói về cái tính khoe khoang khó hiểu của người nghệ sĩ dám quyết rằng có thể nhịn đói lâu hơn thời gian anh ta đã thực hiện được; ông bầu không phải là không ca ngợi cái ước vọng cao xa, cái thiện chí, cái sự quên mình cao cả hàm chứa trong sự khoe khoang của người nghệ sĩ, nhưng ông đưa ra những bức hình, những hình này cũng để bán cho công chúng, chụp hình ảnh người nghệ sĩ nhịn đói ở ngày thứ bốn mươi nằm trên một cái giường, trông kiệt lực gần chết. Chuyện giải thích sự thật một cách sai bậy như thế tuy người nghệ sĩ chịu đựng quen rồi, nhưng bao giờ cũng cứ làm cho anh ta thêm một lần cảm thấy bải hoải. Cái hiệu quả của việc sớm ngưng cuộc trình diễn nhịn đói của anh ta, lại bị trình bày ở đây như là nguyên nhân! Chiến đấu chống lại sự thiếu hiểu biết như thế, chống lại cả một thế giới không hiểu biết như thế, là một điều vạn nan. Thỉnh thoảng có khi người nghệ sĩ cố tin tưởng, bèn vịn chấn song đứng lên nghe ông bầu của mình nói, nhưng đến khi những bức hình được đưa ra thì anh ta đành thở dài ngồi phịch xuống đống rơm và đám công chúng bị thuyết phục bởi ông bầu liền đến gần để quan sát người nghệ sĩ một lần nữa.
Mấy năm về sau này khi những người đã từng chứng kiến các cảnh trên, nhớ lại các cảnh đó, họ cũng không thể nào hiểu chính mình ngày đó chút nào. Là vì, như đã nói lúc đầu có một sự đổi khác trong quan niệm thưởng thức của công chúng; sự đổi khác đó tựa như xảy ra chỉ qua một đêm; hẳn phải có những nguyên nhân sâu xa của nó, nhưng ai bận tâm làm gì để biết; một ngày đẹp trời, người nghệ sĩ trình diễn nhịn đói bấy nay được quý mến bỗng hôm nay thấy bị bỏ lơ, những người đi tìm vui lạnh lùng đi lướt qua trước mặt anh ta để tìm những thú hấp dẫn hơn. Lần cuối cùng, ông bầu của người nghệ sĩ trình diễn nhịn đói đã đưa anh ta đi vội vã qua gần khắp nửa Châu Âu để xem đó đây họa chăng còn sống dậy cái quan niệm thưởng thức cũ kia chăng; nhưng vô ích; khắp nơi như tuồng theo một sự đồng tình bí mật đều rõ ràng từ khước thưởng thức trò trình diễn nhịn đói. Dĩ nhiên, thực ra thì sự kiện không thể nào xảy ra đột ngột nhanh như vậy, đã có những triệu chứng báo trước, nhưng trong lúc còn thành công rực rỡ, những triệu chứng đó đã không được nhìn thấy ra, hoặc đã bị át đi, bây giờ hồi tưởng lại thì thấy rõ nhưng đã quá chậm để mà có biện pháp đối phó. Có thể rằng trong tương lai trò trình diễn nhịn đói lại được thịnh hành nhưng điều đó chẳng có gì an ủi được những kẻ đang sống bấy giờ về nghề đó. Thế rồi, người nghệ sĩ trình diễn nhịn đói phải làm việc gì đây? Anh ta từng được hoan hô đã nhiều trong đời, thì khó mà hạ mình trình diễn trong một quán nhỏ bên đường vào những lần hội chợ làng; còn tập một nghề mới khác thì không những anh ta đã lớn tuổi mất rồi, mà còn đã quá lỡ hiến mình cho nghề trình diễn nhịn đói. Thành thử anh ta phải từ giã ông bầu của mình, cũng là một người bạn nghề, để đến làm việc cho một gánh xiệc lớn; anh ta đã không đọc hết các điều kiện trong bản giao kèo ký với gánh xiệc, để tránh những cảm xúc của riêng anh ta.
Một gánh xiệc lớn có sự sắp xếp và tuyển mộ người, vật, dụng cụ... một cách quy mô, thì luôn luôn lúc nào cũng có thể thu dụng một người, dù là một nghệ sĩ trình diễn nhịn đói, miễn rằng người đó đừng đòi hỏi gì quá nhiều; và trong trường hợp người nghệ sĩ này, không những người ta thu dụng anh, mà thu dụng cả cái danh tiếng có được từ lâu của anh. Thật vậy, xét tính chất riêng biệt trong sự trình diễn của anh ta, thì thấy không hề kém đi vì tuổi tác; người ta không thể nói rằng anh ta là một nghệ sĩ đã về già, không còn đạt tới mức tuyệt đỉnh của khéo léo nghề nghiệp, muốn tìm một chỗ an thân trong gánh xiệc; mà trái lại, người nghệ này còn quả quyết rằng anh ta có thể trình diễn nhịn đói giỏi như bao giờ, một điều quả quyết hoàn toàn tin được. Anh ta còn quyết rằng nếu được phép nhịn đói theo ý muốn - điều này khó nhọc gì mà người ta không hứa chấp thuận cho anh ta - thì anh sẽ làm ngạc nhiên mọi người bằng cách ghi một kỷ lục chưa từng có; một lời quyết như thế hẳn gây ra một cái cười mỉm giữa những kẻ chuyên nghiệp khác, vì người nghệ sĩ tỏ ra không quan tâm đến sự thay đổi trong quan niệm của quần chúng; trong lúc hăng say anh ta đã quên sự thay đổi kia.
Tuy nhiên, thực ra anh không mất ý thức về hoàn cảnh thực tại, và anh ta coi như một điều dĩ nhiên rằng anh ta và chiếc lồng của anh ta sẽ được đặt không phải giữa sân khấu để lôi cuốn sự chú tâm, mà được đặt bên ngoài, gần những lồng nhốt thú vật, một nơi làm sao cho dễ tới gần. Những tấm bảng quảng cáo lớn, vẽ màu sắc vui tươi làm thành một cái khung cho cái lồng và báo hiệu cho người xem biết trong lồng có gì. Khi công chúng đi ra ngoài rạp để giải trí trong thời gian cách khoảng của các phần trình diễn, họ đến xem các con thú thì phải ngang qua chỗ cái lồng của người nghệ sĩ trình diễn nhịn đói, họ dừng lại xem một lát. Nhưng họ không thể đứng lại xem lâu vì phía sau có nhiều người ùn tới, ai cũng nôn nóng xem các con thú của gánh xiệc, thành thử không ai đứng cản đường đặng mà mải mê xem người nghệ sĩ nhịn đói. Chính vì lý do đó mà người nghệ sĩ thay vì chờ mong giờ phút khán giả đến xem này, như một sự chờ mong thể hiện nghề nghiệp của mình, thì lại rùng mình ghê sợ khán giả. Lúc đầu anh ta đã hồi hộp đợi cái thời gian khán giả nghỉ giải lao kia, thấy khán giả đi về phía anh ta, anh ta rất lấy làm thú vị, thế rồi liền sau đó, dù ngoan cố tự lừa phỉnh thế nào, anh ta cũng phải nhận ra rằng hầu hết các khán giả không trừ một ai, xét theo các cử động của họ thì họ chủ tâm đi về phía có nhốt các thú của gánh xiệc. Lúc nhìn thấy họ đằng xa thì còn đỡ, chừng họ tới gần cái lồng của người nghệ sĩ thì anh ta điếc tai lên vì tiếng ồn ào om sòm của họ, cãi cọ nhau giữa hai nhóm, một nhóm muốn dừng lại ngắm xem người nghệ sĩ trình diễn nhịn đói, một nhóm muốn đi thẳng tới xem các con thú. Anh ta ghét cái nhóm thú nhất vì họ dừng lại xem không phải vì thích thú mà vì ương ngạnh trong vị trí của họ. Khi cái đám đông ồn ào này qua hết rồi, thì có một số người lẻ tẻ đi tới, lẽ ra không có gì cản ngăn các người lẻ tẻ này đứng lại lâu để xem người nghệ sĩ trình diễn nhịn đó, thế mà họ cũng không đứng lại xem, mà còn như không để mắt đến nữa là khác, cứ vội vã bước nhanh về phía các con thú của gánh xiệc cho kịp xem. May đâu thì cũng chỉ có một người cha dẫn mấy đứa con dừng lại trước lồng người nghệ sĩ, trỏ vào người nghệ sĩ trình diễn nhịn đói và giải thích cho các con ông ta một cách rành mạch về ý nghĩa của hiện tượng trình diễn nhịn đói, kể cho chúng nghe những câu chuyện của những năm trước, hồi chính ông ta từng xem những vụ trình diễn như thế này nhưng hồi hộp hơn; mấy đứa trẻ vẫn chưa hiểu, vì ở trong trường hoặc ngoài đời chúng chưa được dạy cho hiểu gì về ý nghĩa của sự nhịn đói cả - tuy nhiên qua các cặp mắt sáng ngời và chăm chú của mấy đứa trẻ, thì có thể là những thời kỳ mới và tốt đẹp hơn sắp đến với người nghệ sĩ. Nhiều lần nhà nghệ sĩ đã tự nhủ rằng có lẽ sự việc hẳn tốt đẹp hơn nếu cái lồng của anh ta không để quá gần với các lồng nhốt các con thú của gánh xiệc. Để gần như thế, như thế, người nghệ sĩ chịu đựng khổ sở cái mùi hôi hám của thú vật, cái ồn ào cựa quậy suốt đêm của chúng, cái cảnh tượng người ta đem thịt tươi đến cho các con vật ăn, cái tiếng hét kêu của chúng khi được cho ăn v.v... đều làm cho người nghệ sĩ khốn đốn miên man. Nhưng anh ta không dám than phiền với ban quản lý; dù sao thì cũng nhờ có các con thú đó mà khán giả mới đi ngang qua lồng của anh ta, trong đám khán giả đó thỉnh thoảng có người chú ý đến anh ta; và nếu anh ta kêu ca than vãn để người ta chú ý đến sự hiện hữu của anh ta, một sự hiện hữu mà nói cho đúng ra như là một trở ngại trên lối đi đến xem các con thú, thì người ta sẽ lại đem anh bỏ vào một góc xó nào ai biết!
Một trở ngại nhỏ, hẳn nhiên là thế; và là một trở ngại nhỏ càng ngày càng nhỏ đi. Người ta đã quen với cái ý tưởng lạ lùng rằng họ bị yêu cầu phải chú tâm đến người nghệ sĩ trình diễn nhịn đói, vì chính vì quen nghĩ tưởng như thế mà thành ra họ chống lại anh ta. Anh ta cố gắng nhịn được cho thật lâu, nhưng rồi vô vọng, người ta đi qua không chú tâm đến anh ta nữa. Làm sao giải thích cho ai nghệ thuật nhịn đói! Không ai thích nữa thì ai hiểu nữa! Các tấm bảng quảng cáo càng ngày càng bẩn và hầu như không còn đọc được vì bị hư nhiều chỗ; tấm bảng ghi số ngày đã nhịn được thì lúc đầu người ta cẩn thận thay đổi hàng ngày, nay cứ nằm ỳ với nguyên một con số, vì sau vài tuần dường như không ai làm cái việc thay bảng đó nữa; thế là người nghệ sĩ chỉ có việc cứ tiếp tục nhịn đói như đã từng mong muốn; anh ta đã từn bảo là nhịn đói bao lâu cũng không sao; thế nhưng chẳng ai đếm giúp số ngày cho anh ta, chính anh ta cũng không biết mình ghi được kỷ lục là bao nhiêu ngày rồi; nghĩ tới đó chợt lòng anh ta nặng chùng xuống. Thảng hoặc có một người nào lững thững đi ngang qua, đứng lại cười ngạo với con số cũ mèm ghi trên bảng và chơi cái trò ghi một con số lường gạt vào, thì đó là một cái trò ngu si vô ý thức nhất, vì chính ra không phải người nghệ sĩ lường gạt; anh ta đã trình diễn hết sức của mình, để người đời chơi xí gạt công lao của anh mà thôi.
Nhiều ngày trôi qua, sự việc phải đến một lúc cuối. Một hôm một người giám thị trong đoàn xiệc chợt để mắt đến cái lồng của người nghệ sĩ, và ông ta hỏi các người làm trong đoàn rằng tại sao cái lồng còn tốt kia lại để làm gì một cách vô dụng với đống rơm bẩn trong đó vậy; chẳng ai biết để trả lời ông ta cả, cho đến khi một người nhìn thấy tấm bảng dơ bẩn, sực nhớ ra có người nghệ sĩ trình diễn nhịn đói. Họ liền lấy cây thọc vào đống rơm và thấy người nghệ sĩ trong đó. Người giám thị hỏi: "Anh còn nhịn đói à? Chừng nào thì chịu dừng lại?" Nhà nghệ sĩ thì thầm rất nhỏ, chỉ có người giám thị để tai sát vào chấn song là nghe: "Xin mọi người tha lỗi". Người giám thị một ngón tay đập đập lên trán mình để có ý cho các người đứng đấy biết tình trạng của người nghệ sĩ và nói:"Dĩ nhiên chúng tôi tha thứ cho anh". Người nghệ sĩ nói:"Tôi luôn luôn muốn các ông phải phục sự nhịn đói của tôi". Người giám thị nói một cách hòa nhã:"Chúng tôi phục lắm"... Người nghệ sĩ lại nói:"Nhưng ông không nên phục lắm". Người giám thị bảo:"À, thế thì chúng tôi sẽ không phục lắm, nhưng tại sao chúng tôi lại không nên phục lắm?" Người nghệ sĩ nói:" Là tại vì tôi phải nhịn đói, chứ không làm sao hơn". Người giám thị nói:"Anh bạn là người thật lạ, thế tại sao anh không thể làm khác hơn?" Người nghệ sĩ hơi ngẩng đầu lên, môi anh ta hơi chu ra như để hôn và nói từng tiếng một vào tai người giám thị:"Là tại vì tôi không tìm được thứ thực phẩm tôi thích. Chứ nếu tìm được thực phẩm tôi thích, thì ông cứ tin tôi đi, tôi không làm điệu bộ gì đâu, tôi ngốn như ông hay như mọi người ngay!" Đây là những lời nói cuối cùng của anh ta, nhưng trong đôi mắt lờ mờ của anh ta vẫn còn sự cương quyết, tuy hết sự kiêu hãnh, cương quyết tin tưởng rằng anh ta vẫn tiếp tục nhịn đói.
"Thôi, dọn sạch cái này đi!" Ông giám thị nói xong, mọi người đào chôn người nghệ sĩ, luôn cả rơm anh ta đang lót ngồi. Rồi họ đem một con báo con nhốt vào cái lồng đó. Dù một người lạnh lùng thế nào cũng thấy vui tươi khi nhìn con vật hoang dại nhảy tưng tưng trong lồng, cái lồng bấy lâu nay buồn thảm. Con báo con coi bộ hay quá. Các người làm không ngần ngại mang ngay thức ăn thích thú của nó đến cho nó; mà nó dường như không mất mát gì sự tự do của nó cả; cái thân hình quý đẹp của nó như chứa đầy đủ tất cả gì cần thiết, như đi tới đâu mang tự do tới đó; đâu đó trong cái hàm của nó như ửng lửa; và từ cổ họng nó như tiết ra dòng sống vui đến nỗi như làm cho các người xem khó chống nỗi cám dỗ. Họ kết chặt tay nhau đứng chung quanh cái lồng không muốn bỏ đi.
NGUYỄN KIM PHƯỢNG dịch



Chú thích:
(*) Truyện này dịch theo bản Anh ngữ, trích trong tập The Pena Colony của Kafka, do Abraham H. Lass và Leonard Kriegel tuyển chọn cho tập "Master Of The Short Story" nhà NAL in tháng 6 năm 1971, trang 317-325.

Các tác phẩm khác của Franz Kafka

Nhật ký

Truyện Ngắn Franz Kafka

Kẻ nhịn đói