Hình ảnh mới của tư duy
Tác giả: Gilles Deleuze
Hình ảnh giáo điều của tư duy xuất hiện trong ba luận đề cốt yếu sau đây :
1° Người ta khẳng định rằng người tư duy, trong tư cách là người tư duy, muốn và yêu sự thật (tính trung thực của người tư duy) ; rằng tư duy trong tư cách là tư duy chắc chắn chứa đựng hoặc bao hàm sự thật (tính bẩm sinh của ý niệm, tính tiên nghiệm của khái niệm) ; rằng suy nghĩ là sự thực hành tự nhiên của một khả năng, rằng chỉ cần suy nghĩ « thực sự » là có thể suy nghĩ một cách thành thực (bản chất ngay thẳng của tư duy, lương năng được chia cho tất cả mọi người) ;
2° Người ta cũng khẳng định rằng chúng ta lầm lạc xa rời sự thật vì những sức mạnh xa lạ với tư duy (cơ thể, dục vọng, sự hứng thú về cảm giác). Bởi vì chúng ta không phải chỉ là những sinh vật tư duy, chúng ta phạm sai lầm, chúng ta cho giả là thật. Trong kiểu tư duy như vậy sai lầm sẽ là hệ quả duy nhất của những sức mạnh bên ngoài đối lập với tư duy.
3° Cuối cùng người ta cho rằng chỉ cần một phương pháp để suy nghĩ đúng đắn, để tư duy thực sự. Phương pháp là một mẹo, nhưng nhờ nó mà chúng ta đạt tới bản chất của tư duy, chúng ta xâm nhập vào bản chất này và gạt bỏ tác động của những sức mạnh bên ngoài, những sức mạnh làm cho tư duy biến chất và làm cho chúng ta lơ đãng. Nhờ phương pháp chúng ta gạt bỏ sai lầm. Không quan trọng vào lúc nào và ở đâu, nếu chúng ta áp dụng phương pháp : nó sẽ đưa chúng ta gia nhập vào cái miền của « những gì có giá trị ở mọi thời và ở mọi nơi ».
Điều lạ lùng nhất trong hình ảnh này về tư duy, đó là cái cách mà sự thật được quan niệm như là cái phổ quát trừu tượng. Chưa bao giờ người ta tiếp cận được với những sức mạnh thực sự tạo nên tư duy, chưa bao giờ người ta đưa tư duy tiếp cận với những sức mạnh thực sự mà nó giả định trong tư cách là tư duy. Chưa bao giờ người ta đưa sự thật tiếp cận với cái mà nó giả định. Thế mà không có sự thật nào, trước khi là một sự thật, lại không là sự thực hiện một ý nghĩa hoặc một giá trị. Hoàn toàn không thể xác định được sự thật như một khái niệm. Tất cả phụ thuộc vào giá trị và ý nghĩa của điều mà chúng ta nghĩ. Những sự thật, chúng ta luôn luôn có những sự thật mà chúng ta đáng có tuỳ theo ý nghĩa của những gì mà chúng ta hiểu, tuỳ theo giá trị của những gì mà chúng ta tin tưởng. Bởi vì một ý nghĩa có thể nghĩ tới và được nghĩ tới luôn luôn được thực hiện trong chừng mực các sức mạnh tương ứng với nó trong tư duy cũng chiếm lĩnh, chiếm giữ một cái gì đó ở ngoài tư duy. Rõ ràng là không bao giờ tư duy suy nghĩ nhờ chính nó, nó lại càng không tìm thấy sự thật nhờ chính nó. Sự thật của một ý nghĩ cần phải được diễn giải và đánh giá dựa vào những sức mạnh hoặc quyền lực thúc đẩy nó phải suy nghĩ, và phải suy nghĩ về cái này hơn là về cái kia. Khi người ta nói với chúng ta về sự thật « trần trụi », về cái sự thật- tự nó, vì nó hoặc vì cả chúng ta, chúng ta cần phải tra vấn xem sức mạnh nào ẩn giấu trong suy nghĩ về sự thật đó, và từ đó mà tra vấn xem ý nghĩa và giá trị của nó là gì. Điều gây bối rối là : sự thật được quan niệm như cái phổ quát trừu tượng, tư duy được quan niệm như khoa học thuần tuý, việc đó không bao giờ làm hại ai cả. Sự thực là ở chỗ : trật tự hiện hành và các giá trị hiện hành luôn luôn tìm thấy trong quan niệm ấy sự ủng hộ tối ưu. « Chân lý xuất hiện như một tạo vật nhu nhược và yêu thích sự tiện nghi của mình, tạo vật này không ngừng đảm bảo cho mọi quyền lực hiện hành rằng nó không bao giờ khiến cho bất kỳ ai phải mảy may lúng túng, vì chung quy nó chỉ là khoa học thuần tuý (1). » Đấy chính là cái mà hình ảnh giáo điều về tư duy che giấu : tác động của các sức mạnh hiện hành, các sức mạnh xác định tư duy như là khoa học thuần tuý, tác động của những quyền lực hiện hành, những quyền lực được biểu hiện một cách lý tưởng trong sự thật như là chính nó. Lời tuyên bố lạ lùng của Leibniz vẫn còn đè nặng lên cả nền triết học : tạo ra những sự thật mới, nhưng đặc biệt « không làm đảo lộn những tình cảm ổn định ». Và từ Kant đến Hegel, chúng ta đã thấy rút cuộc triết gia vẫn còn là một nhân vật vừa rất thường dân [civil – trong nghĩa là người dân thường, đối lập với người theo đạo – ND] vừa sùng đạo, thích lẫn lộn những cứu cánh văn hoá và lợi ích của tôn giáo, của luân lý, của Nhà nước. Khoa học tự xưng là phê phán, vì nó triệu về trước nó những sức mạnh của thế giới, nhưng là để trả về cho những sức mạnh ấy những gì nó nợ chúng, để trả về cho chúng sự thừa nhận sự thật như là sự thật tự nó, vì nó hoặc vì chúng ta (2).
Một hình ảnh mới của tư duy trước hết có nghĩa như sau : sự thực không phải là yếu tố của tư duy. Yếu tố của tư duy là ý nghĩa và giá trị. Phạm trù của tư duy không phải là thật và giả, mà là cao quý và hèn hạ, cao và thấp, tuỳ thuộc vào bản chất của những sức mạnh chiếm lĩnh chính bản thân tư duy. Ở cái thực cũng như ở cái giả, chúng ta luôn luôn hưởng cái phần mà ta đáng hưởng: có những sự thật đê tiện, những sự thật của giống nô lệ. Ngược lại, những tư duy cao siêu nhất của chúng ta tính đến cái giả ; hơn nữa, chúng không bao giờ ngừng biến cái giả thành một quyền lực cao siêu, một quyền lực khẳng định và quyền lực của người nghệ sĩ, nó tìm thấy trong tác phẩm nghệ thuật sự thực thi, sự kiểm nghiệm, cái sẽ là-sự thực (3) của nó. Từ đó mà có hậu quả thứ hai : trạng thái phủ định của tư duy không phải là sai lầm. Sự lạm phát của khái niệm « sai lầm » trong triết học chứng tỏ khả năng tồn tại dai dẳng của hình ảnh giáo điều này. Theo hình ảnh này, trên thực tế những gì đối lập với tư duy chỉ có một tác động đối với tư duy, đó là : đưa tư duy đến chỗ sai lầm. Khái niệm « sai lầm », về mặt pháp lý, diễn đạt tình huống xấu nhất có thể xảy ra cho tư duy, có nghĩa là tình trạng của một suy nghĩ xa rời sự thật. Ở điểm này Nietzsche chấp nhận vấn đề như nó được đặt ra về mặt pháp lý. Nhưng tính chất ít nghiêm túc của các ví dụ mà các triết gia thường nêu ra để chứng minh cho điều sai lầm (chào Thééthèse khi gặp Théodore, nói rằng 3+2=6), cho thấy khá rõ rằng khái niệm « sai lầm » chỉ là phép ngoại suy của những tình huống trên thực tế mang tính chất trẻ con, giả tạo hoặc lố bịch. Ai nói 3+2=6, nếu không phải là một đứa trẻ ở trường phổ thông ? Ai nói « chào Théétète », nếu không phải là một người cận thị hoặc lơ đễnh ? Tư duy của người lớn và tư duy ứng dụng có những kẻ thù khác, những trạng thái tiêu cực sâu sắc hơn thế nhiều. Sự ngu ngốc là một cấu trúc của tư duy với tư cách như vậy : nó không phải là một cách thức nhầm lẫn, nó biểu đạt điều vô nghĩa trong tư duy. Sự ngu ngốc không phải là một sai lầm cũng không phải là một mạng lưới những sai lầm. Ta biết rằng có những ý nghĩ ngu xuẩn, những diễn ngôn ngu xuẩn được hình thành hoàn toàn từ sự thật ; nhưng đó là những sự thật thấp kém, những sự thật của một tâm hồn thấp kém, trì độn, ngờ nghệch. Sự ngu ngốc và cái mà nó biểu tượng, một cách sâu sắc hơn, là : một cách thức suy nghĩ thấp kém. Đấy là những gì diễn tả trung thực tình trạng một đầu óc bị chế ngự bởi những sức mạnh phản ứng. Trong sự thật cũng như trong sai lầm, suy nghĩ đần độn chỉ phát hiện ra những gì thấp nhất, chỉ phát hiện ra những sai lầm thấp kém và những sự thật thấp kém, những gì thể hiện chiến thắng của người nô lệ, thể hiện sự ngự trị của những giá trị ti tiện hoặc thể hiện quyền lực của một trật tự hiện hành. Nietzsche, trong khi chống lại thời đại mình, đã không ngừng tố cáo : Thật thấp kém biết bao khi có thể nói điều này, khi có thể suy nghĩ điều nọ !
Khái niệm « sự thật » chỉ được xác định nhờ một loại hình học đa nguyên. Và loại hình học bắt đầu bằng một kiểu topo học. Đó là việc biết được những sai lầm như vậy, những sự thật như vậy thuộc về khu vực nào, chúng thuộc loại nào, ai tạo nên chúng và ai nghĩ ra chúng. Bắt sự thật phải chịu sự thử thách của cái thấp kém, và bắt cái giả, cái sai phải chịu sự thử thách của cái cao siêu : đó là nhiệm vụ phê phán thực sự và là phương tiện duy nhất để tự nhận ra mình trong « sự thật ». Khi có ai đó hỏi rằng triết học dùng để làm gì, câu trả lời cần mang tính chất gây gổ khiêu khích, bởi vì câu hỏi tỏ ra mỉa mai và cay độc. Triết học không dùng để phục vụ Nhà nước lẫn Nhà thờ, những thiết chế này có những bận tâm khác. Nó cũng không phục vụ cho bất kỳ một quyền lực hiện hành nào. Triết học dùng để gây đau buồn. Một thứ triết học không làm cho ai buồn bã, không làm cho ai phiền muộn thì không phải là triết học. Triết học làm hại sự ngu ngốc, nó biến sự ngu ngốc thành một cái gì đáng xấu hổ (5). Nó không dùng vào việc gì khác ngoài việc này : tố cáo sự thấp kém của tư duy dưới mọi hình thái. Liệu có một ngành nào khác, ngoài triết học, nhằm phê phán tất cả mọi sự huyễn hoặc, cho dù chúng có nguồn gốc và mục đích như thế nào ? Tố cáo tất cả những huyễn tưởng mà nếu không có chúng thì những sức mạnh phản ứng không thể chiến thắng. Chỉ ra trong huyễn hoặc có sự kết hợp giữa thấp kém và ngu đần, và những thứ này tạo nên sự đồng loã kỳ quặc giữa nạn nhân và tác giả. Cuối cùng, biến tư duy thành ra một cái gì khiêu khích, một cái gì mang tính hoạt năng và khẳng định. Khiến con người trở nên tự do, nghĩa là những con người không lẫn lộn các cứu cánh văn hóa và các lợi ích của Nhà nước, của đạo đức hoặc của tôn giáo. Chiến đấu chống lại nỗi oán hận, chống lại cảm giác tội lỗi [mauvaise conscience], những thứ đã thế chỗ của tư duy trong chúng ta. Chiến thắng sự tiêu cực và những uy tín giả tạo của nó. Cái gì có hứng thú làm tất cả những chuyện đó nếu không phải là triết học ? Triết học cũng như sự phê phán, biểu lộ với chúng ta điều tích cực nhất của chính nó : giải trừ huyễn hoặc. Và chúng ta không vội vàng tuyên bố sự thất bại của triết học về mặt này. Vốn đã rất kinh khủng, sự ngu đần và thấp kém có lẽ sẽ còn kinh khủng hơn nữa, nếu như ở mỗi thời kỳ không có một ít triết học có khả năng ngăn cản sự ngu đần và thấp kém đi xa tới mức chúng muốn, nếu mỗi thời kỳ không có một ít triết học có khả năng – dù chỉ là bằng tin đồn - cấm đoán chúng, cả ngu đần lẫn thấp kém, trở nên ngu đần và thấp kém tới mức độ mà chúng mong muốn. Một vài điều thái quá bị ngăn cấm đối với chúng, nhưng cái gì có thể ngăn cấm chúng nếu không phải là triết học ? Cái gì buộc chúng phải đeo mặt nạ, phải tỏ vẻ cao quý và thông minh, phải tỏ ra mình là người tư duy ? Đương nhiên đúng là có sự huyễn hoặc của chính triết học ; hình ảnh giáo điều của tư duy và bức biếm hoạ của phê phán chứng tỏ điều đó. Nhưng sự huyễn hoặc của triết học bắt đầu từ thời điểm nó từ bỏ vai trò…kẻ phá vỡ huyễn hoặc, và để ý đến quyền lực hiện hành : khi nó từ chối phá hoại sự ngu đần và từ chối tố cáo sự thấp kém. Nietzsche nói rằng thực sự là ngày nay các triết gia đã trở thành những ngôi sao chổi 5. Nhưng từ Lucrèce đến các triết gia thế kỷ XVIII, chúng ta cần quan sát những ngôi sao chổi này, theo sát họ nếu có thể, để từ đó tìm lại con đường kỳ diệu. Các triết gia – sao chổi biết biến thuyết đa nguyên [pluralisme] thành nghệ thuật tư duy, nghệ thuật phê phán. Họ biết chỉ ra cho con người điều bị che giấu bởi cảm giác tội lỗi và nỗi oán hận. Họ biết chống lại các giá trị và các quyền lực hiện hành, dù chỉ là bằng hình ảnh của con người tự do. Sau Lucrèce, làm sao còn có thể đặt câu hỏi : triết học dùng để làm gì ?
Vẫn còn có thể hỏi như vậy bởi vì hình ảnh của triết gia vẫn luôn bị che mờ. Người ta biến triết gia thành một hiền nhân, kẻ chỉ là bạn của sự minh triết [sagesse], bạn trong một nghĩa mơ hồ, có nghĩa là phản-minh triết, kẻ phải tự đeo mặt nạ minh triết để sống sót. Người ta biến triết gia thành bạn của sự thật, kẻ bắt sự thật phải chịu thử thách cam go nhất, ra khỏi thử thách đó, sự thật cũng tan nát như Dionysos : thử thách của ý nghĩa và của giá trị. Hình ảnh của triết gia bị che mờ bởi toàn bộ sự cải trang cần thiết của ông ta, và cũng bởi toàn bộ những bội phản đã biến ông ta thành triết gia của tôn giáo, triết gia của Nhà nước, thành nhà sưu tập các giá trị hiện hành, thành công chức của lịch sử. Hình ảnh thực sự của triết gia không sống sót lâu hơn cái kẻ biết cách trở thành hiện thân của hình ảnh đó trong một thời đoạn, trong thời đại của mình. Hình ảnh đó cần được tiếp tục, được hồi sinh, nó cần tìm thấy một trường hoạt động mới ở thời đại kế tiếp. Nếu công việc phê phán của triết học không được lặp lại một cách tích cực ở mỗi thời đại thì triết học sẽ chết, và cùng với nó hình ảnh của triết gia và hình ảnh của con người tự do cũng chết theo. Sự ngu đần và thấp kém không ngừng tạo ra những hợp kim mới. Sự ngu đần và thấp kém luôn luôn là của thời đại chúng ta, của những người đương thời với chúng ta, sự ngu đần của chúng ta, sự thấp kém của chúng ta (6). Khác với việc khái niệm « sai lầm » mang tính chất phi thời gian, sự thấp kém không tách khỏi thời gian, có nghĩa là không tách khỏi sự chuyên chở này của hiện tại, không tách khỏi cái thời sự trong đó nó tồn tại và chuyển động. Chính vì thế mà với thời gian, triết học có mối quan hệ cốt yếu : luôn luôn chống lại thời đại mình, phê phán thế giới hiện tại, triết gia tạo ra những khái niệm không mang tính vĩnh cửu cũng không mang tính lịch sử, mà là không đúng lúc và không có tính thời sự. Sự đối lập trong đó triết học được hình thành là sự đối lập giữa tính thời sự và không có tính thời sự, giữa sự không hợp thời và thời đại của chúng ta (7). Và trong tính chất không hợp thời có những sự thật bền vững hơn cả những sự thật mang tính lịch sử và những sự thật vĩnh cửu gộp lại : những sự thật của thời tương lai. Tư duy một cách tích cực có nghĩa là « hành động một cách không hợp thời, do vậy chống lại thời đại, và qua đó thậm chí tác động đến thời đại, có lợi cho (tôi hy vọng thế) thời tương lai» (8). Chuỗi các nhà triết học không phải là chuỗi bất diệt của những hiền nhân, càng không phải là xâu chuỗi tiếp nối của lịch sử ; mà đó là một chuỗi đứt gãy, là sự tiếp nối của các ngôi sao chổi, tính đứt quãng của chúng và sự lặp lại của chúng không dẫn tới bầu trời xanh vĩnh cửu nơi chúng băng qua, cũng không dẫn tới trái đất có tính lịch sử trên đó chúng bay lượn. Không có triết học mang tính vĩnh cửu, cũng không có triết học mang tính lịch sử. Tính vĩnh cửu cũng như tính lịch sử của triết học chỉ dẫn đến điều này : triết học, luôn luôn không hợp thời, không hợp thời ở mỗi thời đại.
Bằng cách đặt tư duy vào trong thành tố của ý nghĩa và của giá trị, bằng cách biến tư duy tích cực thành việc phê phán sự ngu ngốc và thấp kém, Nietzsche đề nghị một hình ảnh mới về tư duy. Đó là : tư duy không bao giờ là sự thực hành tự nhiên của một khả năng. Không bao giờ tư duy suy nghĩ một mình và bằng chính nó, cũng không bao giờ nó bị rối loạn bởi những sức mạnh vẫn còn ở ngoài nó. Tư duy phụ thuộc vào những sức mạnh chiếm lĩnh sự suy nghĩ. Chừng nào tư duy của chúng ta còn bị chiếm lĩnh bởi sức mạnh phản ứng, chừng nào nó tìm thấy ý nghĩa trong những sức mạnh phản ứng, thì cần phải thú nhận rằng chúng ta vẫn còn chưa tư duy. Suy nghĩ là hoạt động của tư duy, nhưng tư duy có những cách thức riêng để trở nên không hành động, với tất cả những sức mạnh của mình nó có thể tìm mọi cách để trở nên hoàn toàn không hành động. Những huyễn tưởng nhờ đó sức mạnh phản ứng chiến thắng tạo nên cái thấp nhất trong tư duy, tạo nên cái cách để tư duy không hoạt động và cố không suy nghĩ. Khi Heidegger tuyên bố : chúng ta vẫn còn chưa tư duy, thì một phần nguồn gốc của chủ đề này khởi từ Nietzsche. Chúng ta chờ đợi những sức mạnh có khả năng biến tư duy thành một cái gì hoạt năng, tuyệt đối hoạt năng, chúng ta chờ đợi quyền lực có khả năng biến tư duy thành sự khẳng định. Suy nghĩ, cũng như hoạt động, luôn luôn là quyền lực thứ hai của tư duy, không phải là sự thực hành tự nhiên của một khả năng, mà là một sự kiện phi thường trong chính bản thân tư duy, vì chính bản thân tư duy. Suy nghĩ là quyền lực luỹ thừa n… của tư duy. Hơn nữa, tư duy cần phải cao hơn thứ quyền lực này, nó cần trở nên « nhẹ nhàng », « có tính chất khẳng định », « biết khiêu vũ ». Thế nhưng nó sẽ không bao giờ đạt tới quyền lực ấy nếu những sức mạnh không tác động lên nó một bạo lực. Cần có một bạo lực tác động lên nó trong tư cách là tư duy, cần có một quyền lực buộc nó phải suy nghĩ, ném nó vào trong một vận động - hoạt năng. Sự cưỡng bức ấy, sự giáo dục ấy chính là cái mà Nietzsche gọi là « Văn hoá ». Văn hoá, theo Nietzsche, chủ yếu là sự giáo dục và tuyển chọn (9). Nó thể hiện bạo lực của những sức mạnh chiếm lĩnh tư duy để biến tư duy thành ra một cái gì có tính hoạt năng, có tính khẳng định. Ta chỉ có thể hiểu khái niệm này về văn hoá nếu ta nắm được tất cả những cách thức mà nó dùng để đối lập với phương pháp. Phương pháp luôn luôn giả định một thiện ý của người tư duy, « một quyết định có suy tính ». Văn hoá, ngược lại, là một bạo lực mà tư duy phải chịu đựng, một cách hình thành nên tư duy dưới tác động của những sức mạnh tuyển chọn, một sự giáo dục sử dụng toàn bộ vô thức của người tư duy. Người Hy Lạp xưa kia không nói đến phương pháp, mà nói đến paideia [từ Hy Lạp có nghĩa là « giáo dục » – ND] ; họ biết rằng tư duy không suy nghĩ xuất phát từ một thiện ý, mà nhờ vào những sức mạnh tác động đến nó để buộc nó phải suy nghĩ. Thậm chí Platon còn phân biệt giữa những gì buộc suy nghĩ và những gì để yên cho tư duy không hoạt động ; và trong huyền thoại về cái hang, ông còn bắt paideia phụ thuộc vào bạo lực mà những tù nhân phải chịu hoặc là để thoát ra khỏi hang, hoặc là để quay trở lại đó (10). Nietzsche tìm thấy chính cái ý niệm này của người Hy Lạp về sức mạnh tuyển chọn của văn hoá trong những văn bản nổi tiếng. « Ta hãy xem xét tổ chức hình sự cổ xưa của mình, và ta sẽ nhận thức được những khó khăn trên đời này để nuôi dạy một dân tộc của những người tư duy… » : thậm chí nhục hình là cần thiết trong việc này. « Học tư duy : trong trường học của chúng ta, người ta đã hoàn toàn đánh mất khái niệm ấy… » « Thật lạ lùng là điều đó có thể như vậy, tất cả những gì tồn tại và chưa bao giờ tồn tại trên trái đất, nào là tự do, là sự tinh tế, sự táo bạo, nghệ thuật nhảy múa, sự tự tin mãnh liệt, chúng chỉ có thể nở hoa được dưới sự chuyên chế của những luật lệ võ đoán (11). »
Và hẳn là có tính chất mỉa mai trong những văn bản ấy : « dân tộc của những người tư duy » mà Nietzsche nói đến không phải là dân tộc Hy Lạp, mà là dân tộc Đức. Dù vậy, nó mỉa mai ở chỗ nào ? Không phải trong ý tưởng cho rằng tư duy chỉ có thể suy nghĩ được dưới tác động của những sức mạnh cưỡng bức nó. Không phải trong ý tưởng cho rằng văn hoá giống như sự giáo dục hà khắc. Đúng hơn, tính chất mỉa mai xuất hiện trong sự hoài nghi đối với sự hình thành của văn hoá. Ta bắt đầu giống như người Hy Lạp và kết thúc giống như người Đức. Trong nhiều văn bản lạ lùng, Nietzsche đề cao giá trị sự thất vọng của Dionysos hoặc của Ariane : đứng trước một người Đức trong khi ta muốn một gặp người Hy Lạp (12). Hoạt động mang tính chủng loại của văn hoá có một mục đích tối hậu : đào tạo nghệ sĩ, đào tạo triết gia (13). Toàn bộ bạo lực tuyển chọn của nó nhằm phụng sự mục đích này ; « lúc này tôi quan tâm đến một loại người hướng tới mục đích cao hơn lợi ích của Nhà nước đôi chút » (14). Những hoạt động văn hoá chủ yếu của Nhà thờ và Nhà nước tạo ra một danh sách khá dài của những người hy sinh vì chính bản thân nền văn hoá. Và khi một Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho văn hoá, thì « nó chỉ ưu đãi cho văn hoá để nhằm tạo thuận lợi cho chính nó, và không bao giờ nhận thấy một mục đích nào cao hơn lợi ích của nó và cao hơn sự tồn tại của nó. » Tuy nhiên, mặt khác, sự lẫn lộn giữa hoạt động văn hoá và lợi ích của Nhà nước dựa trên một điều gì đó có thật. Lao động về phương diện văn hoá của các sức mạnh hoạt năng có nguy cơ bị biến đổi ý nghĩa ở mỗi khoảnh khắc : chính xác là có thể xảy ra việc nó làm lợi cho những sức mạnh phản ứng. Có lúc Nhà thờ và Nhà nước đã sử dụng bạo lực này của văn hoá để thực hiện những mục đích của mình. Có lúc các sức mạnh phản ứng đã tách bạo lực này ra khỏi văn hoá, đã biến nó thành một sức mạnh phản ứng, thành một phương tiện để làm cho tư duy trở nên ngu đần hơn, thấp kém hơn. Có lúc các sức mạnh phản ứng lẫn lộn bạo lực văn hoá với bạo lực riêng của chúng, với sức mạnh riêng của chúng (15). Nietzsche gọi quá trình này là « sự suy đồi của văn hoá ». Trong chừng mực nào thì điều đó là không tránh khỏi, trong chừng mực nào có thể tránh được, vì những lý do nào, và vì những phương tiện gì, sau này chúng ta sẽ biết. Dù thế nào đi nữa, về phương diện này, Nietzsche nhấn mạnh tính hai mặt của văn hoá như sau : từ văn hoá Hy Lạp nó trở thành văn hoá Đức.
Đó là để nhấn mạnh thêm một lần nữa cái điểm mà trên đó hình ảnh mới của tư duy áp đặt những mối quan hệ sức mạnh hết sức phức tạp. Lý luận về tư duy phụ thuộc vào loại hình học về sức mạnh. Và còn phải thêm rằng loại hình học này bắt đầu từ topo học. Tư duy phụ thuộc vào một vài toạ độ. Chúng ta có những sự thật mà ta đáng có tuỳ thuộc vào địa điểm nơi ta sống, tuỳ thuộc vào những giờ lúc ta thức, tuỳ thuộc vào môi trường nơi ta năng lui tới. Không có gì sai lầm hơn ý tưởng cho rằng sự thật đến từ cái giếng. Chúng ta chỉ có thể tìm thấy sự thật ở nơi nó hiện diện, ở thời điểm của nó và trong môi trường của nó. Toàn bộ mọi sự thật đều là sự thật của một môi trường nhất định, của một thời điểm, của một nơi chốn : quái vật Minotaure không thoát ra khỏi mê cung được (16). Chúng ta sẽ không tư duy chừng nào ta không tự cưỡng ép mình đi tới nơi có những sự thật được dành cho tư duy, tới nơi có những sức mạnh đang hoạt động, những sức mạnh biến tư duy thành một cái gì mang tính hoạt năng và khẳng định. Không phải phương pháp, mà là paideia, là sự đào tạo, là văn hoá. Nhìn chung, phương pháp là một phương tiện để chúng ta tránh né việc đi tới một nơi như vậy, hoặc nó lấy mất của chúng ta khả năng thoát ra ngoài (sợi dây trong mê cung). « Và chúng tôi, chúng tôi khẩn khoản cầu xin các vị điều đó : hãy treo lên sợi dây này ! » Nietzsche nói : ba giai thoại đủ để định nghĩa cuộc đời một người tư duy (17). Chắc hẳn một giai thoại là về nơi chốn, một về thời điểm và một về môi trường. Giai thoại trong cuộc đời chính là châm ngôn trong tư duy : đó là một cái gì cần được diễn giải. Empédocle và ngọn núi lửa của ông ta, đó là một giai thoại của người tư duy. Nơi cao nhất của các đỉnh núi, các hang đá, mê cung, nửa đêm- giữa trưa ; môi trường trên không, môi trường của chim biển alcyon [một loại chim huyền thoại mà người ta cho là chỉ làm tổ trên những vùng biển lặng, việc gặp loài chim này được xem là một điềm lành – ND], và cũng là môi trường trở nên khan hiếm của những gì ở trong lòng đất. Nhiệm vụ của chúng ta là đi tới những nơi tận cùng, tới những thời khắc cực điểm, nơi tồn tại và nảy sinh những sự thật cao siêu nhất, những sự thật sâu sắc nhất. Không gian của tư duy là những vùng nhiệt đới, nơi lui tới của con người nhiệt đới. Không phải là những vùng ôn đới, cũng không phải là kẻ đạo đức, có phương pháp hoặc ôn hoà đúng mực (18).
TỪ HUY dịch.
Chú thích.
1 Co.In., II, « Shopenhauer éducateur », 3.
2 Co.In., II, « Shopenhauer éducateur”, 3, 4, 8.
3 HH, 146 : « Về nhận thức đối với sự thật, đạo đức của người nghệ sĩ không mạnh bằng người tư duy; anh ta tuyệt đối không muốn để cho người ta tước mất sự diễn giải về cuộc đời hào nhoáng…”
4 Co.In., II, « Schopenhauer éducateur », 8 : « Khi người ta ca ngợi một triết gia trước mặt ông, Diogène đã bác bỏ: Anh ta có gì để chứng tỏ mình vĩ đại nào, khi từ lâu anh ta ham mê triết học mà không làm cho một ai thấy buồn phiền cả? Quả thực, cần phải đặt một tấm bia lên ngôi mộ của thứ triết học của giới đại học: Nó đã không làm cho ai buồn phiền;” – GS , 328: các triết gia cổ đại đã có một bài thuyết giáo chống lại sự ngu ngốc, “ở đây đừng hỏi chúng tôi liệu bài thuyết giáo này có lập luận tốt hơn bài thuyết giáo chống lại sự ích kỷ không; điều chắc chắn là nó đã gạt bỏ sự ngu ngốc ra khỏi xác tín luân lý [bonne conscience] : các triết gia này đã huỷ hoại sự ngu đần”.
5 NP- Co.In., II, « Schopenhauer éducateur », 7 : « Tự nhiên phóng triết gia đến với nhân loại giống như một mũi tên; nó không nhắm bắn mà nó hy vọng rằng mũi tên sẽ còn bị mắc lại ở một nơi nào đó.”
6 AC, 38 : « Giống như tất cả các nhà thông thái, tôi rất độ lượng đối với quá khứ, nghĩa là một cách độ lượng, tôi tự cưỡng bức chính mình… Nhưng tình cảm của tôi trở lại, bùng nổ ngay khi tôi dấn vào thời hiện đại, vào thời của chúng ta.”
7 Co. In., I, « Lợi ích và bất lợi của những nghiên cứu lịch sử”, Tựa.
8 Co.In., « Schopenhauer éducateur », 3-4
9 Co.In., II, « Schopenhauer éducateur », 6. – VP, IV.
10 Platon, République, VII : không chỉ là huyền thoại về cái hang, mà cả đoạn văn nổi tiếng về những « ngón tay » (sự phân biệt giữa những gì buộc phải tư duy và những gì không buộc phải tư duy) – Platon phát triển một hình ảnh về tư duy rất khác với hình ảnh đã xuất hiện trong những văn bản khác. Những văn bản khác này giới thiệu với chúng ta một quan niệm đã mang tính giáo điều : tư duy giống như tình yêu và sự ham muốn đối với sự thật, đối với cái đẹp, cái thiện. Liệu ở Platon có sự đối lập giữa hai hình ảnh này về tư duy, vì hình ảnh thứ hai đặc biệt mang tính kinh viện ? Liệu có phải có điều gì giống như vậy mà Nietzsche muốn nói đến khi ông khuyên : « Hãy thử nêu lên những đặc trưng của Platon mà không có Socrate ? » (xem NP)
11 GM, II, 3 – Cr. Id., « Những gì người Đức đang đánh mất », 7 – BM, 188
12 Xem : a, VP, II, 226 : « Vào lúc này Ariane mất kiên nhẫn… : « Nhưng thưa ông, nàng nói, ông nói tiếng Đức như một con lợn ! - Tiếng Đức, tôi nói không chút tức giận, không có gì ngoài tiếng Đức… » ; b) VO, dự thảo lời tựa, 10 : « Chúa xuất hiện trước mặt tôi, đức chúa mà tôi biết từ lâu, ông ta bắt đầu nói : « Này, kẻ đánh bẫy chuột, mày đến đây làm gì ? Mày có phải là kẻ một nửa thuộc dòng Tên, một nửa là nhạc sĩ, và gần như là một người Đức ?» ; c) Ta cũng nhớ lại rằng bài thơ tuyệt diệu Tiếng than của Ariane, trong Zarathoustra, được gán cho Kẻ quyến rũ, nhưng kẻ quyến rũ là một kẻ tạo huyễn hoặc, một « kẻ làm bạc giả » của văn hoá.
13 Co.In., II, « Schopenhauer éducateur », 8.
14 Co.In., II, « Schopenhauer éducateur », 4.
15 Co.In., II, « Schopenhauer éducateur », 6.
16 VP, III, 408.
17 NP.
18 BM,197.