Sóng vẫn xôn xao
Tác giả: Hà Phương
Lão Xanh ở cùng mé đồi với nhà tôi. Xuống sông quẩy nước hay giặt giũ đi chung cái ngõ tắt sau nhà. Cùng cánh thợ mỏ, đi lính rồi phục viên, về cùng lập nghiệp ở đây. Kể cũng là hiếm có. Phải cái tính nết lão Xanh hơi lạ. Kén vợ mãi, bây giờ thằng lớn mới vào Đại học mà con em gái đang cuối cấp Hai. Tuổi ngót nghét sáu chục, nhưng vẫn khoái ngâm thơ và hát ví với đám thanh niên. Đàn với hát, cái gì cũng ham. Nên râu bạc mà tóc vẫn đen, mấy bà “xồn xồn” trong thôn quả quyết vậy. Chuyện cái tên của lão mới thật đang nể. Con cháu hoàng tộc chả phải. Thi nhân nghệ sĩ cũng không. Mà tên gọi thì nghe dài ngoằng: Hoàng-Nguyễn-Thông-Xanh. Đã thế, hội họp gì cũng xung phong lên ngâm thơ với cái tên dài ngoằng ấy. Lần họp ra mắt Chi hội Người cao tuổi xã, giới thiệu tiết mục ngâm thơ do ông Xanh trình bày. Lão phật ý, đính chính cho bằng được. Bảo cái tên người ta chính là một thứ mã hoá của Trời Đất, không thể tuỳ hứng mà thêm bớt.
Không biết trời đất mã hoá kiểu gì mà tính nết lão cợt nhả, lại hay quên đến thế. Thằng lớn nhà tôi từng đếm được đúng năm lần lão kể cùng một câu chuyện cho nó nghe.
Duy chỉ có chuyện này thì lão dấu biến, bây giờ mới bục ra. Chuyện bắt đầu từ hôm lão bỗng dưng biến khỏi nhà. Một tuần sau trở về, gặp ông Bí thư chi bộ, nói ráo hoảnh: “Tôi mới tìm thấy thằng con trai đầu lòng. Ít hôm nữa, sẽ lên đón cả nhà nó về trình diện gia tiên và bà con chòm xóm. Ba mươi mốt năm nay, cha con ông cháu mới biết có nhau, có phúc đức không chứ”.
Chuyện động trời mà nói cứ nhẹ tênh. Cái tính lão phớt đời, già vẫn thế. Lão Xanh chưa biết những gì xảy ra, cũng chưa hình dung nổi giông bão sấm sét đang dồn tụ về căn nhà của lão, vốn yên ấm nhất làng. Người làng Dâu này ai cũng biết lão là người cao tuổi gương mẫu, chỉn chu hết lòng vì vợ con. Bằng danh hiệu "Gia đình mẫu mực, con cháu thảo hiền" lão treo đầy nhà.
Thông Xanh biến đi được ba hôm, mụ Thuần kéo sang nhà tôi ăn vạ. Réo từ ngoài cổng:
- Ông đã hỏi dò được tin tức lão Xanh nhà tôi chưa? Chả biết nghe ai xui khiến mà bỗng dưng bỏ đi đâu biệt tăm thế này. Rõ khổ quá.
Vừa “bắn” xong mồi thuốc lào, khói thuốc đang quyện chặt vào bát nước chè xanh đặc quánh. Mụ Thuần xồng xộc bước vào, riết róng, như là tôi bắt cóc lão Xanh:
- Tôi hỏi thật nhớ, hay là ông lại xui lão đi hát xướng thơ ca giao lưu nữa đấy. Người ta bảo dưới Yên Tử đang có Hội. Nếu đúng thế thì lần này tôi không để yên đâu.
Nghe mà khiếp. Nhất là kiểu đứng chống nạnh thế kia. Không hiểu ngày trước làm sao mà thi sĩ Thông Xanh lại được “duyệt” nhỉ. “Võ công” của Xanh lúc đó nào có cao cường. Chỉ mỗi ngón đòn ngâm thơ với hát điệu "Luyện năm cung". Nhưng chơi cây đàn tứ thì hay áo để. Lại dẻo mồm. Hồi đám cưới, tôi đứng tên người làm chứng.
Giờ bị oan, tôi hỏi vặn lại:
- Tại tôi là nghĩa làm sao? Bà giữ lão quanh năm, giờ để xổng đi đâu thì chính bà phải đi mà tìm chứ.
Rồi lại nói chọc tức:
- Thế bà đã kiểm tra mấy cái quán karaoke ở phố huyện chưa mà vội lu loa lên thế?
Mụ Thuần được thể nói bừa:
- Tất cả chỉ tại ông nên mới ra cơ sự này.
Vừa lúc bà nhà tôi về, mụ quay ra, giọng dịu lại:
- Bác nói hộ em với. Mọi chuyện chỉ tại bác giai cho lão ấy mượn cái đài, rồi trưa nào cũng thấy ghi ghi chép chép, ngỡ chỉ chép thơ phú như mọi khi. Ai ngờ đánh đùng một cái bỏ đi biệt tăm, có khổ thân em không...
Quên khuấy mất chuyện ấy. Tưởng lão mượn cái đài để chép bài tập dưỡng sinh, hoá ra lão giữ rịt luôn, suốt ngày đeo kè kè bên hông. Định bụng tặng luôn thì giờ lại rắc rối thế này.
Rồi ông Dũng, Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi, nhắn sang chơi có việc. Lại chuyện lão Thông Xanh. Trong chi hội có chuyện gì quan trọng, ông Dũng đều trao đổi với tôi trước. Hai chục năm làm “Thi đua khen thưởng", ông ấy biết tôi nắm rất vững nguyên tắc công tác. Riêng cái vụ lão Xanh thì xem ra có vẻ chuyện hình sự lắm. Ông Dũng lôi trong cái xắc cốt vải bạt đã sờn, một gói nhỏ bọc giấy báo, đặt lên bàn. Chắc là tang vật, tang chứng quan trọng. Không thấy mở. Vẫn thủng thẳng:
- Mọi chuyện đều là sự thật cả, ông ạ. Lão Xanh không nói đùa đâu. Lại còn nhờ tôi xin cho con cháu nội chuyển về học dưới trường điểm huyện mình đấy.
Tôi đặt chén nước xuống bàn:
- Sao ông lại vội vàng thế? Chuyện này có thật là nguy to rồi, ảnh hưởng đến cả chi hội chứ chả chơi. Vấn đề này nghiêm trọng lắm. Không thể đơn giản như thế được. Đây là vấn đề lí lịch, là vấn đề trung thực của một thành viên người cao tuổi chúng ta. Xử lí không khéo có thể còn gây đổ vỡ trong gia đình lão Xanh. Lại còn phản ứng của mụ Thuần nữa...
Ông Dũng ngắt lời:
- Thế ý ông thì nên giải quyết thế nào?
- Ông dừng ngay việc xin cho con bé cháu học dưới này, phức tạp lắm. Trước tiên, phải yêu cầu lão Xanh làm ngay bản tường trình nói rõ vụ việc. Lão phải tự nhận hình thức kỷ luật về quan hệ luyến ái. Sau đó là sai phạm về khai man lí lịch. Xong những khâu quan trọng ấy, ta mới xin ý kiến chi bộ và chi hội Người cao tuổi xã cho hướng giải quyết.
Ông Dũng ngồi chăm chú nghe, không nói gì.
Tôi bồi tiếp:
- Chuyện này còn nguy hại cho cả uy tín của tôi chứ chả riêng gì lão Xanh. Bạn nối khố với nhau mà chính tôi còn không biết. Có thế, ngày xưa mới làm chứng cho đám cưới của lão. Ai ngờ lão lừa cả đồng đội. Việc này coi như một hành động phản bội, cần phải làm cho đến nơi đến chốn.
Ông Dũng vẫn lặng im, rót chén nước khác nóng nguyên, giục tôi uống. Tay kia mân mê gói giấy báo.
Ngoài sân, nắng đã tắt. Trẻ chăn trâu lục tục kéo về, đua nhau nghêu ngao hát. Tiễn tôi ra đầu ngõ, ông Dũng vẻ đăm chiêu:
- Chiều mai, ta họp Chi hội, ông giúp tôi mời các cụ đến đông đủ. Lão Xanh đang lên phố. Thắng làm thủ tục cho con bé chuyển trường. Chờ lão về thì lâu quá, chuyện loang ra không lợi.
Đêm ấy, tôi không sao chợp mắt. Liệu tôi có bị liên quan vì chứng thực sai trong bản đăng kí kết hôn của lão Xanh. Giờ biết ăn nói thế nào với vợ con lão? Bênh vực cho lão thì không được.
Còn phải làm gương cho lớp trẻ. Tóm lại phải làm nghiêm mới được.
Rồi cuộc họp rất đúng giờ. Rút cuộc, cũng chỉ có ông Dũng nói từ đầu chí cuối. Chả có thư kí ghi biên bản, cũng không ai làm chủ toạ. Ông Dũng cứ thủng thẳng giọng thường ngày, kể chuyện:
"… Ba mươi mốt năm trước, ông Xanh này đã có người yêu. Cô Thanh ấy đẹp người đẹp nết. Họ thích nhau, vụng trộm yêu nhau, chứ gia đình bên Thanh không đồng ý. Cậu Xanh ngoài hai mươi, vừa xong đại học, nhưng thua kém anh cán bộ huyện ở cùng thôn với Thanh. Anh ta có cả đài bán dẫn Ôriôngtông to như cái tráp thợ cạo, lại đi xe đạp Phavôrít cung cấp. Xanh xui người yêu tính chuyện trốn nhà để cưới nhau, nhưng cô Thanh dùng dằng không dám. Rồi Xanh xin được chân kế toán Ty Lâm nghiệp. Mới chỉ tạm tuyển, đã vội vàng nếm thử "trái cấm". Đám cưới không thành, bố mẹ Thanh ép lấy người khác. Lão Xanh chán đời, tìm xuống Hòn Gai làm thợ mỏ. Lão không biết Thanh đã theo chồng đi những đâu, không biết cả giọt máu của mình đã có hình hài từ ngày ấy. Nhưng ông chồng Thanh thì biết. Ban đầu, máu quân tử còn đầy, hứa không phân biệt con riêng con chung, nhưng sự thể đã không bền được như thế.
Thằng Tuấn, giọt máu của lão Xanh, lớn lên trong đòn roi đày đoạ của bố dượng rồi tự đi làm kiếm sống. Đến lượt mẹ chịu đủ đòn thay con thì bệnh ung thư lại cướp đi. Mãi lúc hấp hối, mẹ nó mới trối trăng: "Thể nào cũng phải tìm cho ra bố đẻ của con. Hoàng-Nguyễn-Thông-Xanh. Phải gọi đúng cái tên đầy đủ của bố con như thế. Bao giờ tìm được, con nói bố hãy tha thứ cho mẹ. Bố con có đặc điểm…". Mẹ Tuấn không kịp nói hết câu cuối...
Không ngờ sự thể lại ra như thế. Ông Dũng đã ngừng lời, phòng họp vẫn im lặng. Cái điếu cày nằm chỏng chơ, không ai buồn hút. Ấm nước chè xanh hãm đặc vẫn đầy nguyên, nguội ngắt.
Chú Vinh, Hội viên Cựu chiến binh vừa được kết nạp, ngồi ngay sau tôi, là người đầu lên tiếng:
- Bác Dũng đã thuật lại đầy đủ chuyến đi vừa rồi của hai anh em tôi. Lên tận phố Thắng, mất hẳn nửa ngày đèo nhau xe máy. Chúng tôi đã ghé thăm cả nhà ông bố dượng cháu Tuấn. Sau đó, mới tìm về thăm gia đình và thăm mộ bà Thanh. Bà ngoại thằng Tuấn còn giao cho bác Dũng cái gói niêm phong kĩ lắm. Giờ đông đủ mọi người, bác Dũng thử mở ra xem sao.
Ông Dũng nhẹ nhàng mở gói giấy báo trên mặt bàn. Vẫn gói giấy tôi thấy từ hôm qua. Mọi người xúm lại hồi hộp. Cái máy cát-sét chỉ cỡ bàn tay, cuộn băng ghi âm được bọc rất cẩn thận. Một tấm ảnh vàng ố rơi ra. Ảnh chụp hai người, đẹp quá, một mẹ một con quấn quýt. Thoạt nhìn, ngỡ đó là hình ảnh lão Xanh ngày bé đứng bên cạnh một thiếu phụ xinh đẹp.
Ông Dũng bấm phím nghe băng. Có giọng nói vang lên, nghe quen quá. Đúng là cái giọng vẫn thường nói trên Đài: “Con Hoàng-Nguyễn-Tuấn nhắn tìm bố Hoàng-Nguyễn-Thông-Xanh, mất liên lạc từ năm 1972 khi ở Quảng Ninh... Nhận được tin này, xin bố tìm về ngay. Chúng con hiện ở tại thôn…”.
Hết đoạn băng, vẫn không ai nhúc nhích. Tôi muốn có ý kiến, nhưng im lặng thế này đâm ngại. Chờ nghe các cụ cho ý kiến xử lí vụ việc, đằng này lại ngồi trầm ngâm thế kia. Cả ông Dũng quân báo gan lì thế, giờ ngồi như phỗng, tay lau mãi đôi mắt kính.
Một làn gió lạ đẫm nước sông, đổ ào vào phòng họp. Gió thổi làm tấm ảnh ố vàng bay lên khỏi mặt bàn, chao liệng rồi tự nhiên đậu vào vai tôi, rơi xuống.
Có tiếng ai từ phía cuối phòng nói to:
- Giờ mời ông Đại tá Dũng đưa chúng tôi sang chơi nhà lão Xanh thăm mụ Thuần với mấy đứa trẻ bên ấy xem binh tình thế nào.
Tất cả ồn ã kéo nhau đi. Nhà lão Xanh bữa nay sao khác lạ. Thiếu cái cổng chào với vài lọ hoa thì thành ngày hội. Mùi xôi nếp đỗ xanh vừa chín tới thơm lừng ra tận ngõ. Có cả khói hương xanh từng sợi bay lên mái ngói đang sẫm lại màu rêu.
Mẹ Thuần thấy đoàn khách đông khác thường, mừng quá, sinh luýnh quýnh. Không đủ ghế ngồi, tôi đứng lại ngoài sân ngắm vườn hoa và mấy chậu cây thế. Lão Xanh thuộc loại sành chơi cây. Người ta thường thích chơi cả bốn thế cây, lão thì chơi chỉ một thế "Huyền", cái thế cây cứ nhoài xuống la đà mà không đổ.
Tôi nhìn vào bên trong. Có đôi vợ chồng trẻ cùng con bé đang quay lưng lại, đầu cúi trước bàn thờ, lầm rầm khấn vái. Mẹ Thuần cười nói, rót rượu mời khắp lượt. Nhớ tôi không hay rượu, rót cho chén nước chè Tân Cương, giọng ngọt như mía lùi:
- May nhờ có cái đài của bác mà nhà ern được sum vầy thế này. Để rồi em bảo lão Xanh sửa lễ sang tạ ơn hai bác.
Lão Xanh ở đâu về, chen ngay vào giữa, nói như ra lệnh:
- Cái chính là phải đi mà cảm ơn mấy anh nhà Đài chứ. Không có họ nhắn tin cho thì dễ có ngày này chắc.
Rồi lão túm lấy vai tôi lay thật lực:
- Đấy, ông chả chê bai mãi cái tên của tới đi. Nhờ cái tên lạ hoắc lại dài ngoằng không ai có như thế, nên nghe Đài họ đọc lên là tôi biết ngay chuyện của mình. Đã bảo trời đất mã hoá trước cả rồi.
Tôi chưa biết trả lời thế nào, lại thấy Thông Xanh nói oang oang:
- Nào, xin rước các bác vào cả trong này. Tôi vừa đưa con cháu về nhận họ. Ngồi hoá vàng sau vườn, nghe tiếng các bác vào chơi nhưng phải chờ tiễn các cụ xong mới vào chào các bác được. Bà Thuần nhà tôi đã có lời trước với chi hội, giờ xin các cụ, các bác ngồi lại xơi chén rượu nhạt để mừng ngày cha con, ông cháu tôi được đoàn tụ.
Mẹ Thuần hớn hở dắt vợ chồng Tuấn và cháu nội đến từng mâm cỗ, cúi chào lễ phép. Ba chục tuổi đầu mà thằng Tuấn vẫn sụt sùi khóc như đứa trẻ. Lão Thông Xanh cười nói luôn miệng, cầm chén rượu đi khắp các mâm, hô “trăm phần trăm”. Con gái út nhà Xanh kéo tôi vào ngồi cùng mâm với bố nó. Tiếng cười nói, tiếng cốc tách va nhau, tiếng Đài hát, nghe chả rõ bà líu ríu những gì.
Mọi chuyện cứ tự nhiên diễn ra ngay trước mắt. Chóng vánh và đơn giản, đến mức không có gì để nói. Bụng dạ nào ngồi ăn nữa. Chả nhẽ mọi Sự Đời trên cái Cõi Người này cứ đơn giản, cứ tự nhiên mất-còn mà nối tiếp nhau như thế thật sao?
Trong nhà có ai đó í ới gọi tìm tôi để bữa tiệc bắt đầu. Tôi lẻn vội ra lối sau vườn, không muốn ai nhìn thấy. Ngõ chung hai nhà đây. Con sông Bồ hiện ra, đẹp đến sửng sốt. Mặt sông đầy ánh trăng giát bạc, lấp loá sáng. Tiếng cười nói nhập nhoà và tiếng cái đài con đang hát đầy ắp phía sau lưng.
Chỉ mặt sông là êm ả, sáng lặng như gương.
Mà đâu đây, vẫn nghe sóng - xôn - xao. Đến lạ.../.