trong bóng rừng
Tác giả: Hồ Dzếnh
Nói đến rừng, tôi quên sao được lớp nhà lá đẹp đẽ của ba tôi dựng trên một cánh đồng lớn, lớp nhà đổ xuống sân một đường bóng dài đậm, mỗi lần mặt trời nghiêng xuống dãy đồi cong. Chính ở nơi đó, tôi lớn lên, giữa những cuộc kinh doanh còn bề bộn của ba tôi. Chính ở nơi đó, trên đôi mắt trong và sáng của tôi, lần đầu tiên bóng rừng núi chạy qua, ánh sáng chiều phản lại và hai thứ này cùng nhịp nhàng trong tôi những cảm tưởng về thế sự buồn rầu và cảnh đời hùng tráng. Tôi thở cái hương rừng mọi rợ, yêu say mê mùa sim vừa chín đến, và tự mê hoặc mình bằng cách mê tín những bùa phép của dân Mường, Mán xung quanh.
Trước nhà tôi, thường thường đi về những người mặc áo chàm ngắn cỡn, tay cầm lăm lăm dao quai. Trong đám người đó, lẩn vào những khuôn mặt mùa xuân đặc biệt sáng lên bởi những cặp mắt to và trong suốt. Bóng họ bình yên trộn vào bóng rừng thẳm và mỗi bước chân gieo xuống đất, làm sống lại những nỗi u kín của ngày xưa...
Tôi có trông theo toán người xa lạ ấy thì bất quá cũng chỉ để buồn vơ vẩn trước những sợi khói lam chầm chậm tỉa khỏi mấy nóc nhà chơ vơ trên lưng chừng núi.
Nhà tôi ở quay mặt ra hướng Bắc, gió tiện lối vào, đem theo về lòng tôi nỗi hoang mang của bốn chân mây vắng ngắt.
Ba tôi thường ngồi ngó ra khoảng cao rộng, lâu hàng giờ không nói và thỉnh thoảng gợi về cho tôi, bằng những câu chuyện kín đáo hơn tiếng thở dài của người, cả một xứ Trung Hoa bí mật, cái tình yêu tiềm tàng trong tôi, âm thầm như một niềm đau xót.
Tôi ngơ ngác theo từng chiều mắt, dò từng sợi tóc bay lên của người, và sau khi không biết được thêm điều gì, tôi cất tiếng hỏi:
- Ba tìm gì đấy, ba?
Ba tôi không đáp, đưa mắt nhìn xuống ngọn đèn dầu lạc. Những cử chỉ ấy, thoạt đầu còn làm tôi khó chịu, sau tôi quen dần đi, và thầm nhủ như thế này:
- Ba mình già rồi. Chỉ biết hút thuốc phiện. Thôi kệ!
Tôi nghĩ thế, rồi bỏ ba tôi, chạy đi tìm các trẻ nhỏ thân mật đến nỗi bây giờ tôi đâm ngờ cả những sự thân mật nhất mà loài người ban cho tôi, vì cớ là không còn tình gì trên thế gian, dưới mắt tôi, đẹp hơn thứ tình tôi đã để trôi mất.
Mỗi lần nghe anh tôi học về sự hại của thuốc phiện, tôi sốt sắng chạy lên gác, lại bên bàn đèn của ba tôi, mà khuyên người:
- Này ba ạ, thuốc phiện tối chi là hại đấy. Nó làm cho người ta xấu đi và tồi lắm. Ba bỏ thuốc phiện đi, ba ạ, không nhỡ nguy mất.
Một nụ cười hiếm hoi nở trên đôi môi của ba tôi. Người thủng thẳng:
- Ai bảo con là thuốc phiện làm cho người ta xấu đi?
- Anh Hai học thế!
Ba tôi đáp lạnh nhạt:
- Không có thuốc phiện thì ba đã chết từ lâu rồi. Không có thuốc phiện cũng không có con ngày nay.
Tôi ngạc nhiên, trụt đôi guốc, trèo lên giường rồi hỏi gặng:
- Thế thuốc phiện nó... đẻ được ra người ta, à ba?
- Đẻ thì không đẻ được, nhưng nó giải được thủy thổ bất phục.
- Giải được thủy thổ bất phục là gì, hả ba?
- Là như có sơn lam chướng khí thì thuốc phiện đánh cho tan ra.
- Thế sơn lam chướng khí là gì, ba?
- Là hơi núi, khí đất không hợp với người ta.
- ờ... ờ... Thế sơn lam chướng khí nó có biết đánh ba không mà ba đánh nó?
- Nó quấy ba như quấy mọi người. Ba hút thuốc phiện cho tiêu nó đi.
Ba tôi vốn hà tiện lời nói. Người khó khăn và nghiêm. Tôi còn nhớ rõ cái sống mũi dọc dừa trên một khuôn mặt xương gầy. Mẹ tôi bảo ba tôi giàu vì có hai cái tai nhọn. Tôi, tôi tin rằng ba tôi giàu vì ba tôi là người Trung Hoa. ýnghĩ ấy đem tôi đến một cuộc phỏng vấn ngây thơ này:
- Ba hả, tại làm sao người Tàu không ở bên Tàu lại cứ sang bên nước Nam?
- Tại vì người Tàu thích đi ra ngoài. Tại vì người Tàu nghèo, dân nhiều, gạo ít. Tại vì ở bên Tàu lắm cướp. Cướp nó ở rừng, cướp ở đâu cũng có ăn, vì nó ăn cướp.
ở vùng đây, ba tôi chiếm một địa vị khả quan. Không phải người có quyền tước gì, nhưng vì người buôn bán phát đạt nên được những cái đầu to, mặt lớn nể. Thêm nữa, ba tôi có tài ngoại giao, có cái oai thầm của những người Trung Hoa khiến kẻ bên cạnh phải sợ vì, những kẻ gian phi xa lánh. Ba tôi thường bảo trong đời một người đàn ông, không nên sợ gì hết, cứ thẳng mà tiến, ngang nhiên mà làm. Nhưng ba tôi làm tôi nghi hoặc câu nói cứng đó, nên tôi hỏi:
- Thế ba không sợ dì Hai là gì?
- à chuyện, người ta là đàn bà, nể người ta một chút cũng chẳng sao.
Nơi ba tôi đi lại thân mật nhất là gia đình ông Châu Khâm. Ông Châu Khâm sống yên lặng ở trên một chiếc nhà sàn với người vợ, cô con gái - cô Fin - và con chó mực. Cả ba thứ động vật sau này đều học được tính chủ, nghĩa là rất ít nói, ít cắn, mơ màng. Cô Fin thì ngày ngày vẫn quay tơ, để tiêu bình thản thời giờ bằng cách rút hết guồng sợi này đến guồng sợi khác. Đời nàng như một dòng suối tù hãm, trên dải nước chết chỉ hơi lờ mờ gợn bóng mây, nó là những vẩn sống buồn bã, không đủ sức hun ấm động mạch cơ chừng đã chết lạnh trong người nàng. Fin có đôi mắt rất đẹp, vì chúng rất to và sáng, nhưng không phải là gương thông minh mà là biểu chứng của một tấm lòng ngây dại. Đôi mắt ấy, ngày nay vẫn còn mở trong trí tôi, như một ảnh hình khó mất.
Chúng tôi thường sang chơi nhà Fin bằng xe ngựa. Không biết tôi có nên gọi đó là chiếc xe ngựa không, vì đó thực là mấy mảnh gỗ chắp lại thành hình mui thuyền, và đúng là có họ gần với chiếc xe bò kéo.
Tuy nhiên, giữa cánh đồng lúa non thì con gái, chiếc xe ấy cũng đã đem lại cho tôi những giờ phút khoái trá, khi tôi thấy giàn giụa ra hai bên mình màu cỏ xanh thắm, đậm đà thêm vị hương sắc thanh bình của thôn quê. Mỗi lần chiếc roi ngựa hạ xuống, mỗi lần chiếc xe chạy mau thêm, tôi rùng mình bảo ba tôi:
- Ba nhỉ, những con rắn con nhái chắc chả dám lên cắn con đâu.
Tôi còn nhớ con đường trải thứ đá răm từ ngoài ngõ chạy vút vào nhà Fin, nên mỗi lần xe ngựa của chúng tôi đến, Fin đều dừng tay việc nhìn lên vì nghe tiếng bánh sắt lăn trên đá.
Ba tôi để tôi ngồi cạnh mẹ Fin và Fin, rồi lên gác hút thuốc phiện với ông Châu. Tôi ngồi chăm chú ngắm Fin đắm chìm trong công việc, trong lòng trẻ nhỏ thốt nổi dậy một thứ rung động thầm kín, cái cảm giác đẹp đẽ mà tôi không tìm thấy được nữa trên đường đời. Trái hẳn với bản tính của những người Kinh trẻ tuổi, Fin rất ít nói. Nàng hồn hậu và nghiêm nghị, tươi tắn nhưng mơ màng. Nhiều lúc Fin nghiêng đầu, lắng tai vào không khí, tựa hồ như nghe ngóng một tiếng gì huyền bí, trong cái dáng điệu lơ đãng rất đáng yêu.
Năm ấy, tôi lên mười và Fin lên tám.
Bầu trời sáng và rộng, luôn luôn thấy những buổi hiền hòa, cây xanh gió mát nhịp nhàng với nhau như trong một bài thơ cổ. Tuần lễ một lần, ba tôi đánh xe ngựa sang nhà Fin, và cứ thế, yên yên, lặng lặng, trong tôi đã nảy nở tự bao giờ mối thiện cảm sâu xa đối với người em gái Kinh lai Mán.
Một lần tôi đột ngột hỏi Fin:
- Fin này, Fin có muốn lấy chồng không? Fin lấy tôi nhé?
Fin nhìn vào mắt tôi hồi lâu rồi cười:
- Lấy nhau là cái gì?
- Là ăn cơm với nhau, như ba và mẹ tôi ấy.
Không hiểu sao, Fin vụt cười lên một cách vô cùng lạnh lẽo:
- à! Lấy thế thì không lấy.
Đương vui, bỗng như bị ai đánh, tôi sa sầm ngay nét mặt xuống.
- Thế là... Fin không thích tôi rồi nhé. Để tôi bảo ba tôi không đánh xe sang đây nữa cho mà xem.
Tôi rơm rớm nước mắt, chạy mách ba tôi thực.
- Ba này, Fin nó ghét con, nó không chơi với con, về đi, ba ạ.
Ông Châu ngồi dậy, nhại cái miệng mếu của tôi, rồi cười:
- Không, Fin nó thích con đấy, nó không ghét con đâu. Ra ngoài chơi rồi chốc nữa ông đánh nó cho.
Tôi thui thủi lại ngồi cạnh Fin, đưa mắt buồn nhìn cảnh rừng núi trước mặt, tâm hồn lần đầu rạo rực trong những cảm giác chán nản mênh mông. Lúc ấy, tôi mang máng nhận thấy rằng Fin là người con gái kỳ lạ, không bao giờ có thể trở nên bạn tôi. Và sau này, mỗi lần nhớ đến Fin, tôi vẫn rùng mình trước vẻ lạnh lẽo ấy.
Một hôm, tôi và Fin vào cánh rừng nhỏ gần đấy hái sim. Chúng tôi đi giữa hương mùa thu mới chớm, thanh sắc kỳ lạ của cỏ hoa không quen tên. Lòng tôi rộn lên một niềm say sưa, còn lòng Fin thì vẫn lạnh lẽo. Khi đến một gốc cây gần đấy, tôi chỉ tay bảo Fin:
- Fin này, ổi chín quá, tôi hái cho Fin ăn nhé.
Fin vẫn đi, trả lời buông thõng:
- Tôi không ăn, anh muốn ăn thì lấy.
Tôi tức giận nhìn Fin bước đi, hằn học, nhủ thầm:
- Đã làm bộ thế, ta cho biết tay.
Rồi tôi gọi Fin:
- Fin ạ, con ong nó đốt tôi.
Fin hốt hoảng chạy lại, hỏi tôi:
- Ong đốt đâu, anh có đau không?
Tôi cầm lấy bàn tay Fin hờ hững đưa ra, và sau câu nói:
- Nó đốt thế này này.
Tôi cắn mạnh vào tay Fin với tất cả sức điên rồ của một tấm lòng thơ trẻ. Tôi chỉ buông Fin ra cho nàng giãy giụa trên mặt đất, khi những tiếng kêu bất thần của Fin làm tôi chợt tỉnh. Tiếng kêu ấy làm giật mình ông bà Châu, ba tôi, và tất cả, người cầm súng, người cầm dao chạy lại cứu, vì đều ngỡ là chúng tôi bị nạn. Tôi quên làm sao được đôi mắt hờn oán của bà Châu, đôi mắt dữ dội của Fin nhìn tôi, sự yên lặng đầy miệt thị, lãnh lẽo như nước đá của con người sinh ra tôi. Tôi xấu hổ, đi lại phía sau, đưa tay áo ra gạt nước mắt...
Cuối năm ấy, ba tôi mất, vết xe ngựa hằn trên dải đường đưa đến nhà Fin đã mòn dần đi, và chận lên đó những bước chân yếu ớt của chúng tôi, những người đôi lúc sang nhà Fin để làm sống lại chút ít sự thân thiết ràng buộc hai gia đình. Ông Châu bỏ tiền ra mua con ngựa trắng của ba tôi và giữ hộ ít hàng cho khỏi bị tịch ký. Thời gian êm đềm trôi qua, tôi và Fin đã lớn. Xung quanh người con gái mười sáu tuổi ấy, mùa xuân bắt đầu rạo rực, ngày tháng bắt đầu thêu hoa. Fin đẹp một cách mọi rợ trong bóng rừng đã thấy nàng lọt lòng mẹ rồi sẽ đi lấy chồng.
Rồi tôi lên hai mươi, Fin mười tám tuổi.
Cách đây hai năm, nhân dịp nghỉ hè, tôi về chơi nhà ông Châu. Ông Châu già rồi, sinh lực tàn như ánh đèn dầu lạc. Mẹ Fin và con chó mực đã chết. Riêng Fin vẫn đẹp. Nàng vẫn ngồi quay chỉ, đạp guồng, mắt vẫn nhìn những đường trắng của lớp chỉ chạy đi, quên rằng thời gian bên nàng đã thay đổi tất cả.
Tôi ngồi cạnh Fin, hôm đó là một buổi chiều, một buổi chiều sương đục lờ mờ rây trên dải núi đằng xa. Tôi nhắc lại cuộc chơi bời ngày nhỏ và hỏi Fin:
- Fin còn nhớ ngày nào tôi cắn tay Fin không?
Nhưng Fin trả lời hời hợt:
- Lâu quá rồi, ai mà còn nhớ được!
Nói xong, Fin không tỏ vẻ gì buồn bã cả. Fin điềm nhiên một cách lạnh lẽo, cả đến khi nghe tôi hỏi nàng câu thứ hai:
- Cô Fin sắp lấy chồng chưa?
Fin đáp một giọng lơ lớ:
- Tôi sắp lấy, anh nà. Tôi lấy một người con trai làng tử tế lắm.
Không dưng, lòng tôi nhói lên, như bị ai chích. Rồi tôi chợt hiểu. Tôi hiểu rằng, trong lòng người con gái của xứ rừng núi này, ẩn một cảm tình khác, nó chỉ đặc biệt ràng buộc với những cái gì thuộc về quê hương, mà không có sức mạnh nào, quyền phép nào, dẫu nhiệm màu, cao cả ở trên thế gian này mua được.
Nhiều lần, ở xa, nhớ đến người con gái vô tình đi qua ngày tháng của tôi, tôi mang máng nghe tỏa từ quãng mênh mông một tiếng gọi gì buồn bã, một tiếng gọi không hiểu chính của lòng tôi hay của khu rừng linh thiêng nghìn đời lặng lẽ:
- Em Fin! Em Fin!
Tôi còn yêu Fin được đến ngày nay, đó chỉ vì tôi ở xa Fin, và không bao giờ tôi gặp Fin nữa. Muôn trùng sở dĩ rạo rực được lòng người, vì muôn trùng là nỗi thương nhớ mênh mông của những tấm lòng rất bạn.
2-1942
Hồ Dzếnh - Tác phẩm chọn lọc,
Nhà xuất bản Văn học - Hà Nội, 1989
Nói đến rừng, tôi quên sao được lớp nhà lá đẹp đẽ của ba tôi dựng trên một cánh đồng lớn, lớp nhà đổ xuống sân một đường bóng dài đậm, mỗi lần mặt trời nghiêng xuống dãy đồi cong. Chính ở nơi đó, tôi lớn lên, giữa những cuộc kinh doanh còn bề bộn của ba tôi. Chính ở nơi đó, trên đôi mắt trong và sáng của tôi, lần đầu tiên bóng rừng núi chạy qua, ánh sáng chiều phản lại và hai thứ này cùng nhịp nhàng trong tôi những cảm tưởng về thế sự buồn rầu và cảnh đời hùng tráng. Tôi thở cái hương rừng mọi rợ, yêu say mê mùa sim vừa chín đến, và tự mê hoặc mình bằng cách mê tín những bùa phép của dân Mường, Mán xung quanh.
Trước nhà tôi, thường thường đi về những người mặc áo chàm ngắn cỡn, tay cầm lăm lăm dao quai. Trong đám người đó, lẩn vào những khuôn mặt mùa xuân đặc biệt sáng lên bởi những cặp mắt to và trong suốt. Bóng họ bình yên trộn vào bóng rừng thẳm và mỗi bước chân gieo xuống đất, làm sống lại những nỗi u kín của ngày xưa...
Tôi có trông theo toán người xa lạ ấy thì bất quá cũng chỉ để buồn vơ vẩn trước những sợi khói lam chầm chậm tỉa khỏi mấy nóc nhà chơ vơ trên lưng chừng núi.
Nhà tôi ở quay mặt ra hướng Bắc, gió tiện lối vào, đem theo về lòng tôi nỗi hoang mang của bốn chân mây vắng ngắt.
Ba tôi thường ngồi ngó ra khoảng cao rộng, lâu hàng giờ không nói và thỉnh thoảng gợi về cho tôi, bằng những câu chuyện kín đáo hơn tiếng thở dài của người, cả một xứ Trung Hoa bí mật, cái tình yêu tiềm tàng trong tôi, âm thầm như một niềm đau xót.
Tôi ngơ ngác theo từng chiều mắt, dò từng sợi tóc bay lên của người, và sau khi không biết được thêm điều gì, tôi cất tiếng hỏi:
- Ba tìm gì đấy, ba?
Ba tôi không đáp, đưa mắt nhìn xuống ngọn đèn dầu lạc. Những cử chỉ ấy, thoạt đầu còn làm tôi khó chịu, sau tôi quen dần đi, và thầm nhủ như thế này:
- Ba mình già rồi. Chỉ biết hút thuốc phiện. Thôi kệ!
Tôi nghĩ thế, rồi bỏ ba tôi, chạy đi tìm các trẻ nhỏ thân mật đến nỗi bây giờ tôi đâm ngờ cả những sự thân mật nhất mà loài người ban cho tôi, vì cớ là không còn tình gì trên thế gian, dưới mắt tôi, đẹp hơn thứ tình tôi đã để trôi mất.
Mỗi lần nghe anh tôi học về sự hại của thuốc phiện, tôi sốt sắng chạy lên gác, lại bên bàn đèn của ba tôi, mà khuyên người:
- Này ba ạ, thuốc phiện tối chi là hại đấy. Nó làm cho người ta xấu đi và tồi lắm. Ba bỏ thuốc phiện đi, ba ạ, không nhỡ nguy mất.
Một nụ cười hiếm hoi nở trên đôi môi của ba tôi. Người thủng thẳng:
- Ai bảo con là thuốc phiện làm cho người ta xấu đi?
- Anh Hai học thế!
Ba tôi đáp lạnh nhạt:
- Không có thuốc phiện thì ba đã chết từ lâu rồi. Không có thuốc phiện cũng không có con ngày nay.
Tôi ngạc nhiên, trụt đôi guốc, trèo lên giường rồi hỏi gặng:
- Thế thuốc phiện nó... đẻ được ra người ta, à ba?
- Đẻ thì không đẻ được, nhưng nó giải được thủy thổ bất phục.
- Giải được thủy thổ bất phục là gì, hả ba?
- Là như có sơn lam chướng khí thì thuốc phiện đánh cho tan ra.
- Thế sơn lam chướng khí là gì, ba?
- Là hơi núi, khí đất không hợp với người ta.
- ờ... ờ... Thế sơn lam chướng khí nó có biết đánh ba không mà ba đánh nó?
- Nó quấy ba như quấy mọi người. Ba hút thuốc phiện cho tiêu nó đi.
Ba tôi vốn hà tiện lời nói. Người khó khăn và nghiêm. Tôi còn nhớ rõ cái sống mũi dọc dừa trên một khuôn mặt xương gầy. Mẹ tôi bảo ba tôi giàu vì có hai cái tai nhọn. Tôi, tôi tin rằng ba tôi giàu vì ba tôi là người Trung Hoa. ýnghĩ ấy đem tôi đến một cuộc phỏng vấn ngây thơ này:
- Ba hả, tại làm sao người Tàu không ở bên Tàu lại cứ sang bên nước Nam?
- Tại vì người Tàu thích đi ra ngoài. Tại vì người Tàu nghèo, dân nhiều, gạo ít. Tại vì ở bên Tàu lắm cướp. Cướp nó ở rừng, cướp ở đâu cũng có ăn, vì nó ăn cướp.
ở vùng đây, ba tôi chiếm một địa vị khả quan. Không phải người có quyền tước gì, nhưng vì người buôn bán phát đạt nên được những cái đầu to, mặt lớn nể. Thêm nữa, ba tôi có tài ngoại giao, có cái oai thầm của những người Trung Hoa khiến kẻ bên cạnh phải sợ vì, những kẻ gian phi xa lánh. Ba tôi thường bảo trong đời một người đàn ông, không nên sợ gì hết, cứ thẳng mà tiến, ngang nhiên mà làm. Nhưng ba tôi làm tôi nghi hoặc câu nói cứng đó, nên tôi hỏi:
- Thế ba không sợ dì Hai là gì?
- à chuyện, người ta là đàn bà, nể người ta một chút cũng chẳng sao.
Nơi ba tôi đi lại thân mật nhất là gia đình ông Châu Khâm. Ông Châu Khâm sống yên lặng ở trên một chiếc nhà sàn với người vợ, cô con gái - cô Fin - và con chó mực. Cả ba thứ động vật sau này đều học được tính chủ, nghĩa là rất ít nói, ít cắn, mơ màng. Cô Fin thì ngày ngày vẫn quay tơ, để tiêu bình thản thời giờ bằng cách rút hết guồng sợi này đến guồng sợi khác. Đời nàng như một dòng suối tù hãm, trên dải nước chết chỉ hơi lờ mờ gợn bóng mây, nó là những vẩn sống buồn bã, không đủ sức hun ấm động mạch cơ chừng đã chết lạnh trong người nàng. Fin có đôi mắt rất đẹp, vì chúng rất to và sáng, nhưng không phải là gương thông minh mà là biểu chứng của một tấm lòng ngây dại. Đôi mắt ấy, ngày nay vẫn còn mở trong trí tôi, như một ảnh hình khó mất.
Chúng tôi thường sang chơi nhà Fin bằng xe ngựa. Không biết tôi có nên gọi đó là chiếc xe ngựa không, vì đó thực là mấy mảnh gỗ chắp lại thành hình mui thuyền, và đúng là có họ gần với chiếc xe bò kéo.
Tuy nhiên, giữa cánh đồng lúa non thì con gái, chiếc xe ấy cũng đã đem lại cho tôi những giờ phút khoái trá, khi tôi thấy giàn giụa ra hai bên mình màu cỏ xanh thắm, đậm đà thêm vị hương sắc thanh bình của thôn quê. Mỗi lần chiếc roi ngựa hạ xuống, mỗi lần chiếc xe chạy mau thêm, tôi rùng mình bảo ba tôi:
- Ba nhỉ, những con rắn con nhái chắc chả dám lên cắn con đâu.
Tôi còn nhớ con đường trải thứ đá răm từ ngoài ngõ chạy vút vào nhà Fin, nên mỗi lần xe ngựa của chúng tôi đến, Fin đều dừng tay việc nhìn lên vì nghe tiếng bánh sắt lăn trên đá.
Ba tôi để tôi ngồi cạnh mẹ Fin và Fin, rồi lên gác hút thuốc phiện với ông Châu. Tôi ngồi chăm chú ngắm Fin đắm chìm trong công việc, trong lòng trẻ nhỏ thốt nổi dậy một thứ rung động thầm kín, cái cảm giác đẹp đẽ mà tôi không tìm thấy được nữa trên đường đời. Trái hẳn với bản tính của những người Kinh trẻ tuổi, Fin rất ít nói. Nàng hồn hậu và nghiêm nghị, tươi tắn nhưng mơ màng. Nhiều lúc Fin nghiêng đầu, lắng tai vào không khí, tựa hồ như nghe ngóng một tiếng gì huyền bí, trong cái dáng điệu lơ đãng rất đáng yêu.
Năm ấy, tôi lên mười và Fin lên tám.
Bầu trời sáng và rộng, luôn luôn thấy những buổi hiền hòa, cây xanh gió mát nhịp nhàng với nhau như trong một bài thơ cổ. Tuần lễ một lần, ba tôi đánh xe ngựa sang nhà Fin, và cứ thế, yên yên, lặng lặng, trong tôi đã nảy nở tự bao giờ mối thiện cảm sâu xa đối với người em gái Kinh lai Mán.
Một lần tôi đột ngột hỏi Fin:
- Fin này, Fin có muốn lấy chồng không? Fin lấy tôi nhé?
Fin nhìn vào mắt tôi hồi lâu rồi cười:
- Lấy nhau là cái gì?
- Là ăn cơm với nhau, như ba và mẹ tôi ấy.
Không hiểu sao, Fin vụt cười lên một cách vô cùng lạnh lẽo:
- à! Lấy thế thì không lấy.
Đương vui, bỗng như bị ai đánh, tôi sa sầm ngay nét mặt xuống.
- Thế là... Fin không thích tôi rồi nhé. Để tôi bảo ba tôi không đánh xe sang đây nữa cho mà xem.
Tôi rơm rớm nước mắt, chạy mách ba tôi thực.
- Ba này, Fin nó ghét con, nó không chơi với con, về đi, ba ạ.
Ông Châu ngồi dậy, nhại cái miệng mếu của tôi, rồi cười:
- Không, Fin nó thích con đấy, nó không ghét con đâu. Ra ngoài chơi rồi chốc nữa ông đánh nó cho.
Tôi thui thủi lại ngồi cạnh Fin, đưa mắt buồn nhìn cảnh rừng núi trước mặt, tâm hồn lần đầu rạo rực trong những cảm giác chán nản mênh mông. Lúc ấy, tôi mang máng nhận thấy rằng Fin là người con gái kỳ lạ, không bao giờ có thể trở nên bạn tôi. Và sau này, mỗi lần nhớ đến Fin, tôi vẫn rùng mình trước vẻ lạnh lẽo ấy.
Một hôm, tôi và Fin vào cánh rừng nhỏ gần đấy hái sim. Chúng tôi đi giữa hương mùa thu mới chớm, thanh sắc kỳ lạ của cỏ hoa không quen tên. Lòng tôi rộn lên một niềm say sưa, còn lòng Fin thì vẫn lạnh lẽo. Khi đến một gốc cây gần đấy, tôi chỉ tay bảo Fin:
- Fin này, ổi chín quá, tôi hái cho Fin ăn nhé.
Fin vẫn đi, trả lời buông thõng:
- Tôi không ăn, anh muốn ăn thì lấy.
Tôi tức giận nhìn Fin bước đi, hằn học, nhủ thầm:
- Đã làm bộ thế, ta cho biết tay.
Rồi tôi gọi Fin:
- Fin ạ, con ong nó đốt tôi.
Fin hốt hoảng chạy lại, hỏi tôi:
- Ong đốt đâu, anh có đau không?
Tôi cầm lấy bàn tay Fin hờ hững đưa ra, và sau câu nói:
- Nó đốt thế này này.
Tôi cắn mạnh vào tay Fin với tất cả sức điên rồ của một tấm lòng thơ trẻ. Tôi chỉ buông Fin ra cho nàng giãy giụa trên mặt đất, khi những tiếng kêu bất thần của Fin làm tôi chợt tỉnh. Tiếng kêu ấy làm giật mình ông bà Châu, ba tôi, và tất cả, người cầm súng, người cầm dao chạy lại cứu, vì đều ngỡ là chúng tôi bị nạn. Tôi quên làm sao được đôi mắt hờn oán của bà Châu, đôi mắt dữ dội của Fin nhìn tôi, sự yên lặng đầy miệt thị, lãnh lẽo như nước đá của con người sinh ra tôi. Tôi xấu hổ, đi lại phía sau, đưa tay áo ra gạt nước mắt...
Cuối năm ấy, ba tôi mất, vết xe ngựa hằn trên dải đường đưa đến nhà Fin đã mòn dần đi, và chận lên đó những bước chân yếu ớt của chúng tôi, những người đôi lúc sang nhà Fin để làm sống lại chút ít sự thân thiết ràng buộc hai gia đình. Ông Châu bỏ tiền ra mua con ngựa trắng của ba tôi và giữ hộ ít hàng cho khỏi bị tịch ký. Thời gian êm đềm trôi qua, tôi và Fin đã lớn. Xung quanh người con gái mười sáu tuổi ấy, mùa xuân bắt đầu rạo rực, ngày tháng bắt đầu thêu hoa. Fin đẹp một cách mọi rợ trong bóng rừng đã thấy nàng lọt lòng mẹ rồi sẽ đi lấy chồng.
Rồi tôi lên hai mươi, Fin mười tám tuổi.
Cách đây hai năm, nhân dịp nghỉ hè, tôi về chơi nhà ông Châu. Ông Châu già rồi, sinh lực tàn như ánh đèn dầu lạc. Mẹ Fin và con chó mực đã chết. Riêng Fin vẫn đẹp. Nàng vẫn ngồi quay chỉ, đạp guồng, mắt vẫn nhìn những đường trắng của lớp chỉ chạy đi, quên rằng thời gian bên nàng đã thay đổi tất cả.
Tôi ngồi cạnh Fin, hôm đó là một buổi chiều, một buổi chiều sương đục lờ mờ rây trên dải núi đằng xa. Tôi nhắc lại cuộc chơi bời ngày nhỏ và hỏi Fin:
- Fin còn nhớ ngày nào tôi cắn tay Fin không?
Nhưng Fin trả lời hời hợt:
- Lâu quá rồi, ai mà còn nhớ được!
Nói xong, Fin không tỏ vẻ gì buồn bã cả. Fin điềm nhiên một cách lạnh lẽo, cả đến khi nghe tôi hỏi nàng câu thứ hai:
- Cô Fin sắp lấy chồng chưa?
Fin đáp một giọng lơ lớ:
- Tôi sắp lấy, anh nà. Tôi lấy một người con trai làng tử tế lắm.
Không dưng, lòng tôi nhói lên, như bị ai chích. Rồi tôi chợt hiểu. Tôi hiểu rằng, trong lòng người con gái của xứ rừng núi này, ẩn một cảm tình khác, nó chỉ đặc biệt ràng buộc với những cái gì thuộc về quê hương, mà không có sức mạnh nào, quyền phép nào, dẫu nhiệm màu, cao cả ở trên thế gian này mua được.
Nhiều lần, ở xa, nhớ đến người con gái vô tình đi qua ngày tháng của tôi, tôi mang máng nghe tỏa từ quãng mênh mông một tiếng gọi gì buồn bã, một tiếng gọi không hiểu chính của lòng tôi hay của khu rừng linh thiêng nghìn đời lặng lẽ:
- Em Fin! Em Fin!
Tôi còn yêu Fin được đến ngày nay, đó chỉ vì tôi ở xa Fin, và không bao giờ tôi gặp Fin nữa. Muôn trùng sở dĩ rạo rực được lòng người, vì muôn trùng là nỗi thương nhớ mênh mông của những tấm lòng rất bạn.
2-1942
Hồ Dzếnh - Tác phẩm chọn lọc,
Nhà xuất bản Văn học - Hà Nội, 1989