Sang Sông
Tác giả: Hồ Ðình Nghiêm
Người con gái rót cho hắn một ly nước. Cô đậy cái nón giấy lên miệng chai rồi mang ly tới gần hắn. Ly đầy nước, những ngón tay cô gái thấm ướt. Chiếc bàn gỗ đen có nhiều vết xước và giữa căn phòng nhỏ luôn đọng một nỗi tịnh yên. Trời tức giông, màu xám đè nặng ở ngoài, len vào cửa sổ và xô đẩy theo một hương mùi ngai ngái của đất nồng.
"Uống tạm đi. Nhà chẳng còn gì cả".
Hắn ngó xuống mặt bàn. Những vệt mực, những dấu khắc, những con số, những chữ viết. Tất cả như chẳng có gì thay đổi. Hoặc chúng đã bị chìm sâu, mù mờ như đứng bên này sông trông qua thành phố một ngày mưa bão. Hắn nhớ tới những ngõ ngách đầy nước, mấy bụi chè tàu ngoi ngóp trồi đầu lên cùng với rác rến. Mấy mụ đàn bà ngồi thổi cơm ở trên giường, khói củi ẩm bay dật dờ với mùi mắm thính. Mặt nước đục ngầu, bắp chân trần cô bạn trắng muốt. Chiếc quần xắn cao và hàng vải phin đang bị nước xâm thực lần để rồi bày biện ra bên trong hình thể chiếc quần lót bó chặt...
Trời vừa nháng qua một ánh chớp. Hắn đợi một tiếng nổ đì đùng nhưng chẳng có. Rồi mưa sẽ giáng xuống thịnh nộ. Mưa thúi đất, và hôm nay lụt lội có chịu trở về nữa không? Ly nước lọc chẳng được ngọt, mặn lơ lớ. Cái ly có bọt, rãi rác hai ba hột nằm trong lớp thủy tinh. Ở ngoài in sơn đen đỏ bốn lá bài cơ rô chuồn bích. Xì-lát cát-tê xập-xám xì-phé. Hắn đã đặt mạng sống ra để đánh đủ mọi ván bài và kết quả hắn đã trôi giạt đi xa. Thắng hay thua, hắn cũng chẳng rõ. Vui đó rồi buồn đó, như ngày nắng ngày mưa. Những giọt nước cuối trôi xuống trong cổ. Thực ra thì hắn đang khát một điều gì đó mà nước không phải là thứ để cứu hỏa.
"Bao giờ đi?"
"Chẳng biết. Có thể là ngày mai".
Hắn rụt vai khi trả lời. Hai lỗ tai thoáng nghe như có tiếng ai thì thầm kề cận: "Khuya nay em cắt cổ con gà vàng, để chi mai nó gáy hai đàng biệt ly". Hắn ngó lên cô gái. Khuôn mặt xanh, thỉnh thoảng cô ta nhăn nhó và thỉnh thoảng cô ta bỏ cái ghế đẩu để bước đi loanh quanh. Mấy tháng rồi? Hắn không biết. Ở bên kia, người ta sẽ cởi truồng ra và chụp ảnh lưu niệm từng tháng một. Họ nhét vào cuốn album, khi buồn tình họ sẽ mang ra khoe, hài lòng như một chuyên viên sửa sắc đẹp: Thấy không? Before and after.
"Trở về và lo chuyện lập gia đình đi. Người ta không thể sống đơn chiếc suốt đời được".
Hắn nhìn vào bụng người bạn gái. Chẳng rõ ở đây người ta có bán tờ tạp chí Parents không? Hắn đã tẳn mẳn đọc và xem những tấm hình chỉ dẫn cách làm tình chẳng ảnh hưởng tới thai nhi trong lúc bà xã bạn đang mang thai.
Hắn đứng lên. Cái bức vách đằng kia có treo một loạt ảnh làm lôi cuốn chân đi. Chẳng có tấm nào đồi trụy. Ngay cả bức ảnh chụp đôi vợ chồng đứng trên đồi Vọng Cảnh, hai nhân vật chính tuồng như biết mắc cỡ trước ống kính khiến họ để cho một cây thông lạnh lùng chen vô giữa. Người chồng mặt mày cũng dễ coi mặc dù hơi đen đúa. Ông ta khá lớn tuổi và hiện tại thì bận theo cơ quan đi công tác ngoài Hà nội. Ông sẽ ghé chợ Ðồng xuân tranh thủ mua ít áo quần trẻ con. Hai ba hôm sau đón tàu Thống nhất đội mưa trở về, việc đầu tiên ông sẽ tụt quần cô ấy xuống, áp cả khuôn mặt rít rát bụi đường vào cái lỗ rốn đang trồi ra:" Giời ơi! Bố nhớ hai mẹ con mày quá đỗi". Ông hôn hít ở tư thế quỳ và ông không tài nào biết được trước đó, ở đúng cái vị trí ấy, đã có bàn chân của kẻ lạ dẫm lên trên. Ừ, cũng phải. Người ta không thể sống đơn chiếc suốt đời được!
Ở khóe mắt, hắn thấy cô bạn đang theo dõi những đổi thay có trên gương mặt hắn. Hắn quay đầu thật nhanh khi phát hiện cái dáng đứng gần như xiêu đổ của cô ta.
" Hạnh... Hạnh có sao không?"
Những giọt mồ hôi ứa ra trên vầng trán thoáng cau lại. Một tay vịn mép bàn và tay kia xoa mãi miết ở phần bụng dưới. Hắn ôm cô gái. Mùi dầu tràm váng vất chôn trong kẻ tóc ở một bên mai. Ngực mềm mại khi áp người vào, lưng trôi tuột khi bàn tay ham vuốt ve. Hắn hôn lên đôi môi đang nóng bừng những hơi thở gấp. Không quá một giây, Hạnh xô hắn ra. Không phải đàn bà có bầu thảy đều yếu. Hắn chới với, hụt hẫng. Da mặt cô ấy xanh, hai con mắt nhìn hắn bằng cái ánh mắt ngày xưa lội nước lụt và kêu thét lên khi bất ngờ ngó thấy một con chuột chết trôi. Giờ này Hạnh không hét, Hạnh nhỏ nhẹ, Hạnh dửng dưng:
"Bà cụ sắp về tới nơi. Ðã chiều rồi..."
"Hạnh đừng có mọc một ý nghĩ xấu về tôi. Một người bạn, người ấy có thể..."
"Người ấy có thể đứng ở ngoài thôi. Ðứng ở lằn ranh của quá khứ. Hôm nay không giống như hôm qua... Cám ơn đã trở về thăm và hãy mừng cho Hạnh đang hạnh phúc".
Hắn moi trong bọc quần ra một phong bì:
"Ừ, chúc mừng. Ít tiền đô này Hạnh giữ mà sắm sửa đồ đoàn cho đứa bé".
"Ðâu phải Việt kiều ai cũng ăn sang xài lớn, đúng không? Ðừng làm vậy. Hạnh chẳng thiếu thứ gì cả".
Cánh cửa thu mỗi lúc một hẹp lối ra vào. Bàn tay nhiều gân xanh đang dứt khoát làm công việc ấy, như thể ở trong buồng có tiếng người chồng vừa ném xuống đất cái chén cơm để dằn mặt. Tiếng sấm nổ lục bục ở trong mây. Gió cuốn bụi làm cay mắt. Hắn đưa tay dụi cái xốn xang đi. Mưa lộp độp rớt trên mái tôn. Vỡ xuống thềm rêu và như biết rơi vào trong người hắn những giọt lạnh đâm nghiêng.
*
Hắn tạt ngang phố làm ly cà phê đen. Ðốt bốn năm điếu thuốc mà mưa cứ dằng dai không dứt hạt. Tách cà phê đắng, sóng sánh những vị chát chua. Ðầu hắn thì lợn cợn chẳng có ý nghĩ nào rõ ràng. Leo lên một chiếc xích-lô biểu người đạp chạy loanh quanh dưới mưa? Chui xuống tấm poncho căng bên hông chợ để cho thằng hớt tóc cầm tông-đơ vò đầu bức tóc lấy ráy tai một hồi cho tỉnh táo? Lên trên núi trọc cầm ba cây hương mà khấn vái trước nấm mồ song thân? Lạnh lùng quá những hình ảnh vừa thoáng hiện. Hắn vác mặt ngó mông qua phía bên kia đường, đặt để đôi mắt vào cái khung sáng đèn dựng đứng trước một căn hộ. Ánh đèn xanh mét, chiếu xuống hình hài một thằng đàn ông khẳng khiu đang ngồi vặt lông mũi. Ở sau lưng bày biện la liệt những khuôn mặt ẩn hiện trên mỗi vuông giấy. Thằng đàn ông râu tóc để dài, trông như một đạo sĩ chẳng màng thế sự sau khi đã vẽ xong một loạt bùa trừ ma. Ngoáy lỗ mũi, rờ râu cằm, khạc đờm bay ra ngoài bực thềm và gióng hai con mắt đỏ lên khi thấy hắn bước vô.
"Anh tới lấy hình bà Cúc hả?"
"Không".
"Ủa. Thiệt là kỳ lạ. Xong đã hai hôm rồi mà răng chẳng có ma mô chịu tới lấy. Tang gia dẫu có bối rối thiệt nhưng tấm hình đặt trên bàn thờ dĩ nhiên phải là thứ quan trọng số một chớ!"
Ông ta thôi nói, khoanh tay nhìn cái ướt át có trên người hắn. Nền xi-măng đen thẩm chỗ hắn đứng.
"Cắc cớ. Khi không mà mưa to gió lớn. Mưa như ri thì mấy thằng cha đào huyệt mừng rơn, khỏi phải hào hển cuốc cày sỏi đá như trời nắng nóng."
Hắn nhìn những khuôn mặt câm ghim đầy tường. Thằng cha thợ vẽ này táy máy tay chân quá. Tỉa từng sợi lông mi rõ ràng tới độ có thể đếm được. Nhưng mà cũng tốt thôi, đi sát tới trung thực được phần nào quý phần đó.
"Không tới lấy hình rứa thì anh tới có chuyện chi không? Tiệm tui thì có quỷ chi mà tham quan. Ðừng nói là xin mượn chỗ trốn tạm cơn mưa".
Hắn chùi tay vào quần, ở cái chỗ khô ráo nhất:
"Phóng đại một bức ảnh, mất bao lâu thì ông vẽ xong?"
"Nhẫn nha thì nửa ngày mà khẩn trương thì tàn ba cây hương là đâu vô đấy. Nhưng cái cốt yếu tùy thuộc vô một điều..."
Hắn đưa tấm ảnh cho người thợ vẽ. Bức ảnh nhỏ, chụp đã lâu và chẳng hiểu sao khi ăn cắp hắn đã nhanh tay lựa lấy nó. Khi đó Hạnh học lớp 12. Ở lớp cuối bậc trung học, Hạnh chưa hề biết vị ngọt của một nụ hôn. Hạnh giữ mình, Hạnh chờ đợi và hắn lỡ mang lời thề nguyền ra đi cùng với những con sóng bạc đầu luôn vỗ vào cửa biển Thuận an.
"Mặt người này chẳng được rõ lắm. Ðể tui dùng kính lúp xem sao. Anh ưa nhẫn nha hay khẩn trương?"
"Khẩn trương. Bao nhiêu tiền tôi cũng trả".
Người đàn ông ngồi xuống bàn. Xoa hai tay với nhau như lực sĩ ưa làm trước khi cử tạ.
"Người trong ảnh ngó không được vui. Có nét chi phảng phất giống anh. Mẹ hay chị?"
"Chị".
"Ở đây tôi chuyên trị vẽ chân dung, điều đó thì ai cũng biết cả rồi. Nhưng mà con người cũng kỳ quái, trăm người như một khi bước chân vô họ đều đưa những tấm ảnh của người quá cố để vẽ xong mà mang về thờ phụng. Nói bỏ lỗi, chị anh còn sống hay đã khuất mặt khuất mày?".
"Khuất mặt khuất mày".
"Thấy chưa. Nói ác đức chớ công việc mà tui đang làm đây có sống còn hay không là do vô mấy ông già bà cả, mấy kẻ bệnh tật thập tử nhất sinh. Trời kêu thì họ dạ, mà họ dạ thì tui mừng, tui có bát cơm để ăn. Bấy lâu nay con người đánh thắng ông Trời hay sao mà tui đây phải ngồi ngáp vặt? Hay là họ điếc cả rồi, không nghe tiếng kêu tự cao xanh? Thiên lôi thì vác búa chạy không, sấm sét đì đùng cho vui rứa thôi chớ cóc có ai lãnh búa".
Hắn đứng hút thuốc khi người đàn ông bắt đầu vờn bóng. Trời bên ngoài nặng đục, thành phố chìm trong sắc xám, hoang đường như có trong chuyện cổ tích. Mọi vật đều cũ kỹ, trung thành đến tội nghiệp. Chỉ có con người, con người đã lỡ đánh rơi nhiều thứ trên đường đi. Và con người bội bạc sao chưa có ai lãnh búa?
"Ngó có đặng không anh? Ðể tui nhấn thêm một vài chỗ đen nữa là xong. Nghệ thuật chán!"
Hắn nhìn Hạnh. Hạnh nhìn hắn. Thằng cha này vẽ khá thật. Lột được cái lạnh lùng mà giờ này Hạnh có. Lôi được quá khứ về hiện tiền mà thủ phất lên gương mặt non trẻ kia cái vẻ đẹp cứng cáp của một bức tượng thạch cao.
"Ừ. Nghệ thuật. Có bao ny-lông thì gói lại giùm kẻo ướt mất".
"Bắt buộc rồi. Chưa khi nào tui hài lòng như bữa nay".
Người đàn ông ngó xuống những đồng tiền lạ trên đôi bàn tay run.
"Tại sao à? Tại vì vẽ đàn bà con gái bao giờ cũng sướng hơn chân dung mấy ông già bà cả".
Hắn thu tờ giấy cuốn tròn vào trong áo. Hắn sẽ cùng Hạnh giã từ nụ cười của người thợ vẽ đang đứng trên thềm hân hoan. Hắn sẽ mang Hạnh đi tới phương trời mà có khi Hạnh từng mơ tưởng được cất bước đến. Ðâu phải Việt kiều là đứa nào cũng ngon lành hết ráo? Phải, tôi đã tằn tiện khổ sở trong bao năm dài để ngàn dặm nóng ruột về thăm em. Ðêm hôm đó, người ta nói gì em biết không? "Ðù má mày, muốn bể ổ cả đám hay sao mà còn lên bờ từ biệt người yêu?". Vượt biên mà, em hiểu không? Tụi nó bảo mật còn hơn người ta đi hành quân nữa. Ðò chở anh ra cửa biển để đổi sang thuyền đánh cá. Ðò ngụy trang với những chùm rong tanh. Ông lái đò chột mắt nói với anh: "Tội nghiệp, đi không đành hay sao? Tui cho anh mượn đứa con gái đó, đừng sợ, ôm nó đi cho đỡ nhớ đỡ lo". Anh ôm đứa con gái gầy nhom trong vòng tay. Người cô ta hôi mùi khói củi lửa. Cô ta chẳng có phản ứng gì cả. Tóc dài, khuôn mặt đọng vũng tối và anh đã hối hận quên hỏi tên người đã cho anh chút ấm áp phút rời xa quê hương đầy hoang mang.
"Ði không anh?"
Một đứa con gái nép mình sau thân cây bất thần ló đầu ra hỏi.
"Ði... Ði đâu?"
"Anh ni nói hay không? Ði hí?"
Hắn không biết đã mấy giờ. Hắn quên thời gian. Mọi thứ trộn lẫn với nhau. Thực và mộng. Những ngọn đèn đường đã thắp sáng, run trong màn đêm từng vũng mờ. Hắn chẳng rõ đôi chân đang muốn đi đâu. Sự định hướng tuồng như không mọc lên trong đầu hắn. Khách sạn? Hắn đâu ngờ có khi mình phải thuê một chỗ nằm ở chính trên cái thành phố thân thuộc.
"Mà đi mô mới được chứ?"
"Bắt tui nói trắng ra mới chịu hay răng? Anh biết chơi gái không?"
"Chơi gái? Không biết".
"Ðừng giỡn chơi nghe anh. Mấy tuổi đầu rồi? Cái mặt ngó tra khú đế. Tra có hột mà giả bộ thơ ngây!"
Giọng nói và bộ tịch đứa con gái làm hắn có hơi vui.
"Rứa còn em, em được mấy tuổi?"
"Mười lăm. Không phải tui đâu nghe. Tui kêu cho chị tui. Chị tui mười tám tuổi, đẹp và múp hơn tui. Chịu đi chưa?"
Hắn nhìn đứa con gái trong khi con nhỏ thì mãi ngó quanh ngó quất. Chiếc nón lá loáng ướt, hứng ánh đèn trơn sáng, dẫy dụa như một vầng trăng treo đơn độc giữa khuya. Con nhỏ nắm tay hắn lôi đi. Mười bảy bẻ gãy sừng trâu. Còn mười lăm? Nếu ưa, cô ấy có thể mang hắn đi trấn nước dễ như chơi. Hắn yếu đuối chẳng kháng cự vùng vẫy.
"Ðò đậu phía dưới kia. Không xa mô mà sợ".
Tay con nhỏ lạnh, những ngón ướt, móp méo.
"Em có em gái không?"
"Vì răng anh hỏi mấy chuyện cắc cớ nớ. Sao không hỏi chị tui có đẹp không? Có điệu nghệ không?"
"Em mười lăm tuổi. Vài năm nữa em thế chỗ chị em rồi khi đó lấy ai dẫn khách cho em?"
"Anh ni nói chuyện tào lao. Tui có ăn có học đàng hoàng, chí ít thì mai mốt tui sẽ mặc đồ xịn mà đứng bán ở cửa hàng công nghiệp thành phố chớ không phải giỡn à nghe".
"Chị em nuôi cho ăn học đó hả?"
"Phải. Anh có thương chị em tui thì nhớ đừng hành hạ bả, tội nghiệp".
Ðò chòng chành khi hắn bước xuống. Ngọn đèn dầu đặt giữa khoang hắt lên mặt đứa con gái mai sau sẽ làm công nhân viên nhà nước một đường hằn màu da cam.
"Tui hết nhiệm vụ rồi. Vui vẻ cả làng nghe anh".
Cô bé nói. Giọng nhão, như khi gửi tới tai hắn đã thấm qua những hạt mưa. Lau sậy xa dần, đò bỏ bến bờ mà lướt ra giữa sông. Có cánh cửa gỗ ngăn chia chiều dài con đò, bàn tay nào ở phía sau đang đẩy giạt nó sang bên. Hắn thấy một vòm cung tối đen, mưa rãi trên sông mù một lớp khói mỏng. Chiếc chiếu vuông ấp ủ mùi hương nồng và nó ấm khi ghé đít ngồi xuống.
Một người con gái lom khom xuất hiện án ngữ tầm nhìn. Cánh cửa khép lại như cũ, tim đèn vặn xuống thấp, tù mù gần biến thành một đầu nhang. Khi ra khơi, có ai đó đã đốt cháy cả bó hương để quỳ sụp lạy bốn phía. Có người niệm Phật giữa sóng gào và từ phía doi cát sáng đèn người trong bờ đã thi nhau bắn vãi ra những tràng đạn chát chúa. Những đường tên đỏ vạch nát màn đêm, AK 47 để qua ngấc tự động như tràng pháo dài khạc xuống biển những lời nguyền rủa tệ hại nhất. Một hai người được thủy táng. Những giọt lệ nóng và mặn hơn nước biển trào ra. Tất cả đều chao đảo, chóng mặt và buộc người ta phải nôn mửa.
"Anh đã có hứng để đi liền chừ chưa?"
Hắn bó gối nhìn những hình ảnh vừa lướt thướt chạy vụt ngang. Mọi thứ có vẻ mới mẻ, giống như hắn là đứa sớm bỏ cuộc, bơi ngược vào bờ và được hai cha con chủ đò vớt lên tối hôm qua.
"Sao không vặn đèn cho sáng lên?"
"Con Tâm đã nói giá cả cho anh biết chưa?"
"Chưa?"
"Có nhiều thứ... Ngủ chay khác với ngủ mặn, mà ngủ mặn cũng khác với tiền bao đò suốt đêm. Anh nắm được giá cả rồi thì dễ làm việc hơn".
Hắn nhìn mái tóc dài. Tóc đen mun, chảy xuống gần đụng mặt chiếu.
"Ai đang chèo đò vậy?"
"Hỏi làm chi? Anh ưa chèo đi đâu?"
"Ba cô có phải là người bị chột một mắt không?"
"Ðừng nói tầm bậy. Ba tui ở tuốt trên vùng kinh tế mới lận, ổng có hai mắt đàng hoàng".
"Cô tên chi?"
"Quan trọng chi mấy cái nớ... Thực ra thì anh muốn chi. Ưa ngủ qua đêm kiểu văn nghệ thôi phải không?"
Người con gái bày gối mền ra trên vuông chiếu. Nhẹ nhàng, chậm rãi. Không háo hức, chẳng bối rối. Không than thở, chẳng vui mừng.
"Anh kêu tên gì mà chẳng được, cũng giống như tui chưa bao giờ nói thật tên mình với khách cả. Khi thì Hoa khi thì Huệ khi thì Lan khi thì Ðào... Có hề chi, phải không?"
"Tôi gọi cô là Hạnh thì có bằng lòng không?"
"Anh cho tiền trước thì muốn chi mà lại không được. Ui chao, anh không biết đó thôi, có nhiều ông Việt kiều đã từng vung tiền ra để mặc long bào, ngự thuyền rồng mà bắt cung tần mỹ nữ đờn ca xướng hát suốt đêm trên sông... Ngó tướng anh không khéo là một ông vua đang cải trang? Trời! Ðã là vua thì có quyền sinh sát chớ!"
Hắn lôi phong bì ra. Cái bao thư đựng tiền mà Hạnh đã từ chối. Người con gái nhìn những tờ giấy màu xanh. Cô có hiểu hàng chữ "In God we trust" không? Hay là cô thích Ðộc lập Tự do Hạnh phúc?
Ánh đèn thủy chung vẫn đỏ một hột nhỏ. Tại sao chiếc đò này không phải là chiếc đò ngày xưa đã mang tôi thoát khỏi vũng nước tù hãm? Ông chột mắt và người con gái của ông ở đâu? Sao không cho tôi gặp để trao chút tiền hậu tạ?
"Làm chi mà bần thần ra rứa? Ngại bệnh tật thì tui đây đã sẵn có áo mưa".
Cô cởi áo quần sột soạt. Cô hất mái tóc dài khi nằm xuống chiếu. Chiếu màu mỡ gà, gần như tiệp màu da của cô. Là con thằn lằn bò trên vách nhờ nhợ màu trắng mốc. Một con thằn lằn nhiều thịt, vú bụng mông đều là những đường tròn khoanh vùng định vị. Nó gộp lại trên thân thể người chị và đứa em chỉ dùng một chữ để giải thích: Múp.
"Ðể Hạnh cởi áo quần cho anh hí?"
Người con gái ngồi dậy.
"Hạnh chưa thấy có ai nhác như anh? Những đứa xuống tới đây là những con cọp háu đói. Tụi nó nghèo mà ham. Tiền bạc eo xèo mà bày đặt kiểu cọ lung tung... Lần đầu tiên hả?"
Hắn làm thinh, đầu cúi xuống nhìn đôi bàn tay đang làm việc thiện nguyện. Bức chân dung Hạnh lăn ra trên chiếu.
"Cái chi ri?"
"Hạnh!"
"Dạ".
"Anh bắt đầu có hứng rồi".
"Em biết. Em có đui chột gì đâu mà không thấy"
"Anh có một đề nghị".
"Quen nằm nệm êm nên bây chừ sợ đau đầu gối phải không? Ðể Hạnh nằm trên, có sao đâu?"
Hắn trải thẳng bức ảnh Hạnh ra. Tờ giấy cứng có những đường gãy gập nên chi nhìn xuống thấy mặt Hạnh như đang khóc, méo mó.
"Khi không lại nổi hứng xé nó đi... Anh làm cái chi rứa?"
Ðôi bông tai vẽ trên tờ giấy bị hắn đục thủng. Hai sợi giây thun ở cổ tay cô gái bị hắn tước đoạt. Khẩn trương, cây hương chưa kịp tàn, còn nhanh tay hơn cả người thợ vẽ, hắn đã làm xong chiếc mặt nạ.
"Nằm dưới nằm trên không thành vấn đề, Hạnh chỉ chịu khó đeo cái này vào..."
"Cần tui vặn tim đèn cho sáng lên không? Tui có phải quỷ dạ xoa gì cho cam. Anh chê tui xấu xí đui què mẻ sứt mà không nói đó hỉ?"
Ðứa con gái cầm cái mặt nạ lên ngắm.
"Cô này ngó quen mặt ghê ta. Có phải hôm nọ ở Sài gòn ra diễn tuồng cải lương "Người đẹp và bạo chúa" không"?
"Ừ. Tối nay anh đóng vai bạo chúa".
"Vậy thì được. Tui cũng thích diễn tuồng. Biết xuống sáu câu không đó?"
Cô gái vén tóc, loay hoay sửa sợi dây thun cho đúng vị trí sau khi đã đeo lên mặt tờ giấy cứng:
"Kỳ khôi! Sao mặt nạ mà không đục lỗ nơi hai con mắt? Lấy gì nhìn?"
"Khi làm tình người ta mở mắt thao láo ra hay sao?"
"Ủa. Khi nhắm khi mở thì vẫn hơn chứ. Nhưng mà nói vậy thôi, bạo chúa muốn làm gì thì làm miễn đừng có ăn tươi nuốt sống tui, đừng cào cấu chợt vẹt thân tui là được".
"Hạnh".
Ðứa con gái ngậm câm. Hai chân mở rộng ra. Hắn tự do nhìn ngắm mà không sợ mắc cỡ.
Hắn rờ rẫm, xoa bóp, véo ngắt. Hạnh, trước khi mang bầu, chồng em đã làm những gì với em?
Em có sung sướng, hạnh phúc không?
"Ôn mệ ơi! Bạo chúa kiểu chi mà lạ rứa?"
Hai tay cô gái sờ soạn và giúp hắn nhập cuộc. Da thịt cô không thơm không hôi, nhạt nhẽo và lạnh tanh. Hắn ngó cái mặt nạ khi gần khi xa, khi tỏ khi mờ. Hạnh nhớ những con cá rô tụi mình bắt được trong mùa lụt năm ấy không? Tôi đã để vuột mất đi ba con, chúng đào thoát trong khi Hạnh trách tôi người gì mà vụng về tay chân. Tôi không cải chính dù bị mắng oan, tôi ngậm câm bởi lẽ tôi không thể nói với Hạnh rằng: Nguyên do cớ sự là lỗi ở Hạnh, khi đó Hạnh chẳng mặc áo lót, Hạnh cúi xuống và vô tình Hạnh cho tôi thấy thế nào là vẻ đẹp của một đôi vú tuổi xuân thì. Nếu trả bầy cá về lại với sông hồ để đánh đổi phút giây quý giá kia thì tôi cũng rộng lòng, sá chi có ba con. Nước lụt dâng lên dâng lên và trào ra lai láng. Hắn thở hắt một tiếng rên trong khi người con gái ném chiếc mặt nạ xuống chiếu.
"Ngột thở bắt chết! Chơi kiểu chi mà kỳ cục... Ðã tàn đời bạo chúa chưa hay nửa đêm lại dựng đầu bắt đóng tiếp màn hai?"
Cô ta ngồi dậy, đẩy liếp cửa và lát sau ở trên tay đã có một cái thau nhựa đựng đầy nước. Lom khom ngồi trên thau, mái tóc dài rũ che bàn tay đang khoát nước. Róc rách, lỏm bỏm. Vốc nước lên và nước chảy ngược xuống chỗ chứa luôn xao động. Rửa ráy xong, cô tạt mạnh nó ra mặt sông. Tiếng động gửi trả về nghe như có bàn tay vừa vỗ lên mông nhiều thịt của một người đang đưa đít chịu đòn. Hắn ngó những sợi lông vân vê ướt át, tự dưng nỗi buồn ở đâu tràn về, toang hoác, trống trải. Vô vị vô lai!
"Anh có đói bụng thì để tui biểu đò chèo đi kiếm cái chi ăn qua loa".
Miệng hắn khô, đắng. Hắn nghĩ tới những thằng tự nhận mình là hoàng thượng, mấy đứa đó có sướng thực sự không?
"Răng không nói? Mệt goắc cần câu rồi hả? Có thuốc thơm thì cho xin một điếu. Ai cũng rứa cả, mần ăn xong liền lăn đùng ra, không hút thuốc thì chỉ có việc há miệng ra ngáy".
Hắn lấy bao thuốc 555. Cô gái vân vê hồi lâu mới chịu thắp lửa.
"Kể chuyện nước ngoài cho em nghe đi".
"Có quái gì mà kể. Chuyện cô làm đĩ chắc sẽ hay ho và hấp dẫn hơn".
"Ưa nghe à? Anh mà làm soạn giả cải lương thì không khéo tui đây được nhờ"
Ðứa con gái phun những hơi khói dài. Giọng khàn đục giữa đêm vắng. Quạnh quẻ, lẻ loi. Hắn thiếp đi ngang đoạn bị hiếp dâm, cô gái mang cái bụng bầu trốn về thành phố. "Khi đó trời mưa như bây giờ, anh biết không, em đứng ở bến xe An cựu một mình, em khóc..."
*
Cô gái đánh thức hắn dậy lúc đầu ngày. Ngày quang đãng, gió lộng nhưng mưa đã ngừng rơi. Hắn soát lại bọc tiền, còn y nguyên. Nhìn rõ nét tàn phai có trên mặt con điếm hắn thấy nao lòng. Sông bỗng hẹp trong mắt nhìn sớm mai, nước cau có bởi gió hay bởi có cô gái nào vừa tạt xuống đó thêm một thau nước dơ. Hắn quỳ bên sườn đò đái đi một vòi nước nóng. Tiếng nước sôi bọt réo kêu giữa một bình minh còn ngái ngủ. "Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn". Nghĩa bóng thì không biết. Nghĩa đen thì quá bậy bạ, mất vệ sinh.
"Anh lên chỗ mô thì nói cho biết".
Hắn ngó quanh rồi chỉ tay hướng về hữu ngạn. Nhớ tới hình ảnh một vị tướng quân đưa tay chỉ xuống dòng sông mà thề trước ba quân. Lời thề kíp ghi vào sử xanh.
"Tôi ưa làm bạo chúa một lần cuối".
Cô gái đưa tay lên bịt miệng cười.
"Lần này khác. Ban ngày thì phải khác ban đêm".
"Vậy chớ bạo chúa muốn gì bây giờ?"
"Ta muốn biết tin tức thằng chột lái đò hiện tại ở đâu? Cha nhà ngươi có phải là lão chột mắt không?"
"Nữa. Lại tái diễn cái màn đó. Cứ y như là công an đang tra khảo".
"Nói đi, nói là cha cô bị đui một mắt thì ta cho ít tiền".
"Ðừng có điên. Tui là con đĩ nhưng tui không để cho ai nói xấu ba tui đâu. Tui lỡ mang tội với ba tui nhiều rồi".
Hắn có hơi thất vọng. Hắn nhớ tới lời Hạnh nói, vẻ miệt thị lộ ra trên mặt cô khi đó.
"Việt kiều có ngon lành không?"
"Ai? Anh hả. Ngon lành chứ. Dịu dàng, không thô lỗ với đàn bà. Không đòi hỏi nhiều mà tiền bạc thì dư dã hậu hỉ".
"Nói nghe cũng tạm. Ðây có ít tiền, cô cầm lấy mà trao cho đứa em cô. Biểu nó ăn học đàng hoàng, ăn uống nhiều cho cơ thể nó múp ra".
Ðứa con gái nhận tiền. Gió thổi làm tóc rối cả khuôn mặt.
"Chị em tui xin cám ơn lòng tốt của anh. Không biết nói chi hơn là cầu mong cho anh luôn được sức khỏe, không vướng bệnh tật ở nơi xứ lạ quê người".
Ðò cập bến, ủi cái mũi vào sâu trong cát như một nụ hôn tham lam trước khi tạm biệt. Hắn nhảy lên bờ, không ngoái lui, cắm đầu đi một mạch. Mặt đường đen đúa, bên hông là đồng cỏ hoang sũng ngập nước, là dãy nhà ở tập thể đang dang dở việc xây cất. Cuối con đường là bến xe đò. "Anh biết không? Em đứng ở bến xe An cựu một mình, và em khóc..."
Hắn thở dài. Gió đùa làm những chiếc lá rùng mình gửi xuống người hắn những giọt nước buốt lạnh. Hắn chợt nhớ ra đêm qua, vì Hạnh, mà hắn quên mất chuyện phòng ngừa bao bì, rửa ráy. Hắn mang cái thân thể nhớp nháp ấy tới sắp hàng ở quầy bán vé.
"Sao cùng đến một thành phố mà bà kia lại mua giá rẻ hơn tôi?"
"Nói hay chưa? Anh không phải Việt kiều là gì?"
Hắn ngó thằng đàn ông ngồi sau hàng lưới sắt:
"Tôi hả? Tôi là đứa Việt gian!"