Ngã Rẽ Của Dòng Sông
Tác giả: Hoài Yên
Huy đưa tay kéo tấm màn cửa qua một bên, mắt nhíu lại vì sự khác biệt bất chợt giữa cái bóng tối mù mờ trong gian phòng và cái ánh sáng rực rỡ bên ngoài . Chàng mở toang cánh cửa bước hẳn ra ngoài balconỵ. Bình minh nơi thành phố biển bắt đầu thật sớm, mặt trời ló dạng sáng loang cả một góc trời . Mặt biển buổi sáng thật xanh, lấp lánh những tia nắng lân tinh trên đầu những ngọn sóng lao xao . Huy vươn vai khoan khoái hít một hơi thật đầy cái không khí trong lành mằn mặn của biển . Tầm nhìn chợt ngừng lại ở một cái bóng thật quen thuộc đang chạy bộ trên cát . Cái bóng nhỏ với những bước chân khoan thai, nhịp điệu . Trông thấy chàng, An Thy giơ cánh tay ra vẫy vẫy và lắc lắc mái tóc ngắn . Huy có thể hình dung ra cặp môi đang trề ra chừng như chế giễu:
- Khiếp, ngủ gì mà kinh thế . Giờ này mới chịu dậy . Người ta đã chạy được mấy miles rồi .
Mặc dầu theo cái kim đồng hồ trên tay Huy thì còn chưa đến sáu giờ . Cô bé thật đúng là một cái máy với những thói quen đều đặn . Tối hôm qua hai người đã thức nói chuyện đến khuya mà sáng nay An Thy vẫn dậy thật đúng giờ để chạy bộ như nàng vẫn làm từ ngày ra trường . Nhanh quá, mới đó mà đã gần hai mươi năm kể từ lúc cô sinh viên năm thứ nhất, nhỏ tuổi và nhỏ người nhất lớp, với cái trán bướng bỉnh và cái tên An Thy xuất hiện trong lớp kinh tế 101 do chàng dạy . Hai mươi năm dài đủ để phủ lớp bụi dày trên mọi khuôn mặt ngoại trừ cái ánh mắt tinh nghịch, cái nụ cười lém lỉnh vẫn y nguyên như trong ký ức cũ ...
- Thưa thầy !
Giọng con gái thật nhỏ nhẹ bằng tiếng mẹ đẻ vang lên trước mặt làm Huy đang thu gọn giấy tờ sách vở trên bàn phải ngẩng lên . Cô bé Việt Nam duy nhất trong lớp Economics 101 chàng dạy đang đứng trước mặt, trên tay là một chồng sách thiếu điều muốn cao hơn cả người, cô bé ngập ngừng:
- Thưa thầy, em tên là An Thy . Em có thể làm phiền thầy một tí không ạ .
Huy mỉm cười hiền lành:
- Tôi biết tên em mà. Có chuyện gì không An Thy ?
- Em muốn xin thầy giảng lại cho em mấy bài học vừa rồi . Tuần sau có test rồi mà vẫn còn nhiều chỗ em chưa hiểu . Có được không hở thầy ?
Huy nhíu mày ngạc nhiên . Niên học mới bắt đầu hơn một tháng mà có bài tập nào của An Thy mà không được điểm A đâu . Tuy lớp học có hơn một trăm sinh viên, ngồi chật cả cái auditorium, nhưng cái mái tóc đen ngắn ôm lấy khuôn mặt còn non choẹt như một nữ sinh trung học hơn là một sinh viên đại học, ngồi ngay bàn đầu đã gây sự chú ý cho Huy từ những buổi học đầu tiên . Thoạt nhìn chàng tưởng An Thy người Nhật Bản hay Đại Hàn vì khuôn mặt tròn của cô bé nhưng mấy ngày sau tình cờ đi ngang qua khu student center nghe cô bé ríu rít giọng bắc kỳ với bạn, Huy mới biết đó chính là cô bé có cái tên “An Thy Nguyễn” trong cuốn sổ điểm danh của mình . Huy bỏ hết giấy tờ vào cặp sách gật gù:
- Được chứ sao không nhưng chắc phải về văn phòng của tôi vì mười lăm phút nữa ở đây có lớp . Em biết văn phòng của tôi ở đâu không ?
An Thy chúm chím cười, định nói em không những biết văn phòng thầy ở đâu mà tuổi tác, lý lịch, tiểu sử, tình ái, sự nghiệp gì của thầy em cũng đều biết cả . An Thy đưa tay vuốt lại mái tóc ấp úng:
- Thưa thầy, em biết văn phòng thầy ở đâu nhưng khổ một điều là em phải ngồi ở dưới student center chờ chị em đến đón về . Chị ấy đi làm ra ghé đón em luôn nên không có giờ giấc nhất định mà em thì có nhiều thắc mắc phải hỏi thầy . Em sợ em ngồi trong văn phòng của thầy chị em không biết tưởng em gặp chuyện gì lại lo . Ơ ... ơ ... nếu thầy không ngại thầy có thể ra student center ngồi giảng bài cho em được không cơ ? Ở đó giờ này cũng vắng vẻ không ồn ào lắm đâu thầy .
Hơi bất ngờ vì đề nghị khác thường của cô bé nhưng nghe cũng có lý nên Huy gật đầu dễ dãi:
- Cũng được . Vậy em ra đó trước đi nhé, tôi về văn phòng cất bớt giấy tờ sách vở rồi tôi sẽ xuống kiếm em .
An Thy nói như reo:
- Cám ơn thầy . Em đi xuống đó xí bàn trước .
Huy bật cười sau câu nói của An Thy, những từ ngữ đơn giản hồn nhiên đã lâu lắm rồi Huy mới được nghe lại . Thành phố dạo sau này nhờ làn sóng tị nạn và đoàn tụ mới bắt đầu có nhiều người Việt Nam chứ hồi năm 75 khi Huy mới về đây đi học số gia đình Việt Nam có thể đếm trên đầu ngón tay . Trường đại học cộng đồng này cũng vừa thành lập hội sinh viên Việt Nam . Họ mời Huy làm Giáo sư cố vấn nhưng Huy từ chối mặc dầu vẫn thường xuyên tham dự những sinh hoạt của hội . Một phần vì Huy chỉ đi dạy bán thời gian sau giờ làm việc ở công sở, phần khác chàng vẫn nghĩ về mình như một người anh lớn đi trước của họ hơn là một người thầy . Có nhiều sinh viên còn lớn tuổi hơn ca? Huy vì qua sau phải học lại từ đầu . Chàng vẫn nói với họ sự thành công của chàng chẳng qua là nhờ may mắn đến bến bờ tự do trước họ mà thôi .
Cái bàn An Thy "xí được" nằm ngay sát hành lang . Đi ở ngoài Huy đã nhìn thấy cô bé đang cắm cúi đọc sách, cây viết chì ngậm trong miệng đưa lên đưa xuống nghịch ngợm . Huy đến bên cạnh mà An Thy vẫn không hay biết, chàng phải ho nhẹ cô bé mới ngẩng đầu lên :
- A, chào thầy !
Huy ngồi xuống cái ghế trước mặt An Thy . Trên bàn là cuốn sách toán đang mở, chằng chịt những số và phương trình . Huy vờ nghiêm giọng:
- Đâu có thấy đọc sách Economics đâu, như vậy làm sao hiểu bài được ?
An Thy hóm hỉnh:
- Tại thầy không biết đó chứ hồi nhỏ em thích đọc truyện Quỳnh Dao nhất, còn bây giờ thì mê đọc sách Economics nhất . Nhưng phải cái tối dạ nên đọc hoài mà vẫn không hiểu nên bây giờ mới phải làm phiền đến thầy .
- Học trò không hiểu bài là tại thầy giáo giảng dở, không tường tận . An Thy không hiểu bài nào tôi sẽ giảng lại .
- Thầy làm ơn giảng lại giùm em chính sách tiền tệ của Ngân Hàng Quốc Gia đem lại những hiệu quả nào cho nền kinh tế?
Huy hơi nhíu mày, chăm chú nhìn An Thy:
- Những hiệu quả của chính sách tiền tệ không có gì gọi là ngoắt nghoéo . Chuơng 3 trong sách đưa ra những thí dụ rất minh bạch . Trong lớp, tôi cũng đã đưa ra mấy thí dụ về những biện pháp mà Ngân Hàng quốc gia dùng mới đây để khuyến khích xuất cảng . Em thấy có điểm nào cần giảng lại ?
An Thy tỉnh bơ:
- Thầy giảng lại nguyên Chuơng đó cho em được không thầy ? Em đọc mà chẳng hiểu tí ti gì, và còn thấy có nhiều điểm mâu thuẫn nữa ....
Huy nhăn mặt:
- Lạ nhỉ, không hiểu tí gì cả thật à ? Đó là bài học của hai tuần vừa qua, em đâu có vắng mặt buổi học nào đâu mà tại sao nói không hiểu ? Thôi được, để tôi tóm lược những điểm chính, rồi nếu em còn thắc mắc chỗ nào, cứ hỏi, tôi sẽ đi vào chi tiết hơn ...
An Thy nói dựa theo, nửa như giận dỗi, nửa như châm biếm:
- Em đã nói với thầy là em tối dạ lắm mà .
Huy quan sát An Thy . Cô bé chống hai tay lên cằm cũng nhìn chàng lại không chớp mắt . Huy chỉ cái bài kiểm tra của An Thy trên bàn nói:
- Nếu em có thể làm cái bài toán đầy những phương trình, ẩn số như vầy với số điểm cao như thế thì em không thể nào không hiểu được một vài ý niệm căn bản về vai trò của nhà nước đối với nền kinh tế đâu An Thy ạ . Tôi không phải mới đi dạy học ngày hôm qua đâu cô bé .
Bị bắt gặp quả tang, An Thy ngượng ngùng nhìn xuống bàn, hàm răng cắn nhè nhẹ môi dưới im lặng không trả lời . Huy cũng im lặng chờ đợi . Mãi một lúc sau An Thy mới ngập ngừng :
- Em ... em ... em nói cái này cho thầy nghe thầy hứa đừng mắng em nhé .
Huy bật cười:
- Tôi là giảng viên của em chứ đâu có phải là ông thầy đồ hồi xưa đâu mà có quyền mắng em ?
Cô bé nhỏ giọng:
- Mấy con nhỏ bạn của em và mấy chị học năm thứ hai thách em mời thầy ra ngồi uống nước với em . Nếu em làm được họ sẽ mất cho em một chầu kem . Em .. ơ ... em không biết phải nói làm sao để mời thầy nên em nói dối là không hiểu bài .
Huy đưa mắt nhìn chung quanh, đoan chắc rằng có vài cặp mắt con gái tinh nghịch đang dõi theo mọi cử chỉ hành động của mình nhưng chỉ thấy toàn là học sinh người ngoại quốc . An Thy như hiểu ý giải thích:
- Tụi nó còn trong lớp học chưa có ra đâu thầy . Bảy giờ tụi nó mới tan lớp . Bởi vậy nên em mới phải nói thầy giải thích cho em cả chương sách để câu giờ đó .
Huy nhìn đồng hồ đeo tay lắc đầu:
- Vậy hơn một tiếng đồng hồ của tôi chỉ có giá trị bằng một ly kem thôi hở ?
An Thy sửa:
- Em nói một chầu kem chứ đâu phải một ly kem đâu thầy . Em đâu có định ăn một ly .
Huy không biết phải nói gì sau câu trả lời đó, thật đúng là hết ý kiến với mấy cô nhỏ . An Thy tiếp lời:
- Vả lại đâu chỉ là một chầu kem, em mà không làm được chúng nó cười em chỉ giỏi nói dóc đó thầy .
Huy lắc đầu cười cười một tý rồi đứng lên đẩy cái ghế vừa ngồi vào trong . An Thy xịu mặt nói xuôi xị :
- Em xin lỗi đã làm mất thời giờ của thầy . Thầy đừng giận em nhá .
Huy hỏi:
- Em uống nước gì ?
An Thy ngơ ngác:
- Thầy hỏi cái gì cơ ?
- Tôi hỏi em muốn uống nước gì tôi đi mua . Không phải em nói muốn ngồi uống nước với tôi sao ?
Cô bé tươi hẳn nét mặt cười rạng rỡ:
- Thầy để em đi mua cho .
- Thôi được rồi, giờ này chỉ còn có nước ngọt trong mấy cái máy vending machine thôi . Em uống cái gì ?
- Cho em lon Diet Coke .
Huy dợm bước định bước đi về phía cuối căn phòng nơi có một hàng máy vending machines bán đủ thứ từ kẹo bánh cho đến nước ngọt thì bỗng An Thy kêu giật lại:
- Thầy ơi, thầy lại em nói cho thầy nghe cái này .
Huy quay lại chờ đợi, An Thy hỏi:
- Thầy định uống cái gì ?
- Tôi uống Coke .
An Thy đưa ngón tay chỉ chỏ :
- Thầy đếm từ bên phải qua, cái máy thứ ba, cái máy đó nó bị hư, thầy chỉ cần bỏ 50 cents vào, thầy nhấn một lúc hai cái nút Coke và Diet Coke nó sẽ rơi ra cả hai lon một lượt đấy .
Nhìn thấy cái vẻ mặt thất kinh của Huy, An Thy cười khanh khách:
- Đó là một trong những cái "fiscal instruments" của em để "tăng giá trị đồng dollar" trong túi áo em đó thầy ...
Những ngày sau đó An Thy vẫn đến lớp đều đặn nhưng thỉnh thoảng mới nói chuyện với Huy . Huy chọc cô bé :
- Ăn xong chầu kem rồi không thèm để ý đến thầy giáo nữa hở ?
An Thy cười:
- Vẫn để ý đó chứ, còn để ý nhiều hơn là đàng khác nhưng em không muốn mấy đứa mỹ nó bảo tại thầy quen với em nên thầy thiên vị em . Mất công gây khó khăn cho thầy thôi chứ em thì chẳng sợ, đứa nào dám nói với em, em mắng vào mặt cho đấy chứ .
Mỗi lần nói chuyện với An Thy là Huy lại thấy tức cười . Cô bé chuyên môn có lối nói chuyện "dao to búa lớn" cứ như là ta đây ngon lành lắm vậy, mặc dầu người thì bé tí teo :
- Thôi, em đừng mắng chúng nó An Thy ạ . Tôi sợ chúng nó chỉ thổi một cái là em bay mất tiêu thôi .
- Thầy đừng lo, lúc nào em cũng thủ sẵn cuốn sách Economics dầy bằng hai cuốn tự điển của thầy trong cặp sách đeo theo bên mình, bay làm sao được mà bay ...
Hình như bất cứ câu nói nào của Huy, An Thy đều có sẵn một câu trả lời ngổ ngáo để đáp lại . Như hôm chàng hỏi:
- Ngành An Thy học hình như không phải lấy lớp Economics phải không ?
- Vâng, nhưng em lấy làm lớp elective của em .
- Chỉ là elective sao em không lấy mấy lớp nào dễ hơn, như hội họa hay âm nhạc chẳng hạn . Học chi cái môn khô khan này ?
- Em đã ghi danh lớp "History of Arts" rồi đó chứ, nhưng nghe đồn lớp Economics có ông thầy người Việt Nam, trẻ tuổi, đẹp trai và giảng bài hay như người ta kể chuyện cổ tích nên em bỏ lớp "History of Arts" một cái rụp ...
Huy vẫn nghe người ta nói con gái khi chỉ có một mình thì thường hay mắc cở, nhát ăn nói, chỉ khi nào hội họp hai, ba cô lại mới dám bạo dạn phá giỡn . Nhưng với An Thy thì khác hẳn, lúc nào Huy cũng thấy cô bé nói chuyện tỉnh bơ . Nhiều khi Huy cố tìm trên khuôn mặt An Thy coi cô bé đang nói giỡn hay nói thật nhưng cũng đành chịu thua không phân tích nổi . Có lần An Thy nghiêm nghị kể cho chàng nghe:
- Thầy biết không hồi em còn nhỏ em bị té giếng đó .
Huy hình dung ra những cái giếng nước sâu đen ngòm mà chàng vẫn thấy hồi còn ơ? Việt Nam mà giật mình :
- Thật không ? Lúc đó em mấy tuổi ? Vậy mà em không sao là may mắn lắm đó .
An Thy đưa mắt nhìn theo những cái lá bay bay trong sân trường, giọng nói tự nhiên hạ nhỏ, bùi ngùi:
- Sao thầy biết là em không sao ? Thầy không nghe người ta gọi những người hơi man man là "té giếng" sao ?Tại té giếng nên những sợi giây thần kinh trong đầu bị đảo lộn đó ...
Huy ú ớ không biết nên phản ứng ra sao, nên phát cáu hay nên phì cười vì cái vẻ tưng tửng của cô bé . Nhưng có một điều Huy biết chắc là chàng cảm thấy thật thoải mái mỗi lần nói chuyện với An Thy . Thấy lòng rộn lên những niềm vui nho nhỏ khi nhìn thấy đôi mắt chớp chớp khi tò mò hỏi han điều gì, những ngón tay thon thon che ngang miệng, cười khúc khích, những nét trẻ thơ ngộ nghĩnh mà chàng không tìm được ở những cô sinh viên cùng lứa với An Thy . Ngay cả những suy nghĩ khác thường của An Thy cũng là một sự thú vị cho Huy, cô bé tâm sự:
- Khi em chọn học ngành này ai cũng bảo em điên . Bố mẹ và các anh chị em nói con gái nên học những ngành nào nhẹ nhàng hơn, đừng nghiêng quá về kỹ thuật . Các chị em ai cũng học về công nghiệp hay thương mại . Nhưng em vẫn nghĩ tại sao mình phải làm giống mọi người ? Em là em mà, là một con người rất cá biệt của riêng mình . Thầy biết không, em thích câu nói của Ralph Waldo Emerson " Do not go where the path may lead, go instead where there is no path and leave a trail ". Và em tự bảo mình phải ráng sống được như thế .
Khóa học chấm dứt dường như nhanh hơn bình thường . Chẳng cần phải thiên vị thì điểm của An Thy cũng cao nhất lớp . Huy biết mình rồi sẽ nhớ những tờ bài tập, bài kiểm của An Thy . Ở cuối bài làm nào cô bé cũng diễn tả cái cảm giác của mình bằng những cái mặt người ... Hôm nào Huy "lỡ dại" đặt câu hỏi khó quá thì cô bé vẽ một dọc những cái mặt méo xệch dài ngang trang giấy . Hôm nào bài dễ thì cô bé "thưởng" cho chàng cái mặt cười toe toét . Buổi học cuối cùng An Thy cố ý nán lại đợi Huy cùng ra, An Thy nói :
- Bắt đầu từ ngày mai thầy hết bị em tò tò đi theo phá thầy rồi . Thầy có đi mua chuối về cúng tạ ơn ông Táo không ?
Huy gật đầu: - Tôi cũng đang nghĩ đến điều đó . Em có biết chuối ở đâu bán ngon không ?
Nhìn thấy mặt An Thy xụ xuống, Huy cười khẽ:
- Giỡn với ngươì ta thì được, người ta giỡn lại thì phụng phịu vậy hở ? - Chàng nghiêm giọng - Tôi chưa bao giờ có cảm giác bị em phá . Trái lại em đã đem đến cho tôi rất nhiều nụ cười . Nhờ em mà tôi tìm lại được cái tuổi trẻ hồn nhiên của mình . Tôi phải cám ơn em chứ . Em là cô học trò lạ lùng nhất mà tôi có được từ trước đến giờ đó An Thy ạ .
Cô bé líu lo :
- Vậy mỗi lần thầy có cảm tưởng rằng mình già thì thầy xuống student center tìm em nha . Em hứa sẽ bao thầy một lon coke .
- Cái máy coke đó vẫn còn hư hở ?
An Thy nghiêm mặt:
- Ngoài mấy đứa tụi em ra chỉ có thầy biết điều đó thôi . Họ mà lấy cái máy đó đi em đổ thừa cho thầy ngay ...
Buổi trưa mùa hè rải những giọt nắng nhẹ qua những khe lá trên đầu . Những chiếc lá nhỏ bé, mướt một màu xanh non mới thay . Sân trường đại học những ngày thi cử vắng lặng . Phần lớn sinh viên tụ tập trong thư viện hay trong những lớp học bỏ trống để ôn bài . Người con gái ngồi tựa lưng vào thân cây với cái quần jean đã bạc mầu và cái áo trắng học trò . Trên tay là một tờ báo đang mở, cô bé lật từng trang, nhưng chỉ xem lướt qua không có vẻ gì chú ý cho lắm . Hai mắt thỉnh thoảng nhìn xa xa lơ đãng, dáng điệu thanh thản, nhàn hạ . Hình ảnh êm đềm đó của An Thy vào lúc Huy đang sắp sửa rời bỏ ngôi trường quen thuộc, thành phố thân quen đã đi vào trong trí nhớ của chàng, rất lâu .
Trông thấy Huy cô bé ríu rít:
- Chào thầy, thầy không đi canh thi hở thầy ?
Huy cười:
- Vừa làm xong nghĩa vụ rồi . An Thy không phải thi cử gì sao mà ngồi rảnh rỗi thế ?
- Đâu có, hôm nay em có hai bài thi . Làm xong một cái rồi, đang ngồi đây chờ đến một giờ vô làm thêm cái nữa .
- Vậy sao không vô thư viện ôn bài mà ngồi đây nghênh thiên hạ ?
An Thy cười rúc rích:
- Thiên hạ chui vô thư viện gạo bài hết rồi, em đang buồn vì không có người nghênh . May quá lại gặp thầy .
Huy ngồi bệt xuống thảm cỏ ngay bên cạnh An Thy hỏi:
- Lát nữa thi môn gì mà không thấy cuốn sách nào hết vậy ?
An Thy chỉ vào đầu:
- Thi môn toán . Tất cả ở trong này hết rồi thầy . Vả lại em nghe người ta nói trước giờ thi không nên gạo bài, vì khi mình vô phòng thi mình chỉ còn nhớ những gì mình mới học thôi . Em chỉ cần cái này ...
An Thy chìa hai cây bút chì số 2 và cái máy tính ra trước mặt Huy . Huy lắc đầu:
- Tự tin quá ha . Đi thi mà không cầm sách vở gì theo ôn bài có lẽ chỉ có em là một thôi đó .
- Đi học không cầm theo sách vở là một cái mode đó thầy . Để em đọc cái này cho thầy nghe - An Thy lên giọng ngâm nga :
Hỡi thành đô với linh hồn bách thảo
Còn nhớ ta, "nàng" tuổi trẻ tóc bay ?
Làm học trò không sách cầm tay
Có tâm sự đi nói cùng cây cỏ
Huy nhìn An Thy :
- Em sửa thơ của Đinh Hùng không sợ tác giả kiện sao ?
- Ai bảo với thầy là em sửa ? Mà thầy cũng biết Đinh Hùng sao ? Em tưởng thầy chỉ có biết Adam Smith và John Maynard Keynes thôi chứ .
Huy nháy mắt chọc An Thy:
- Người ta đây là một tủ thơ đấy cô ạ . Đó là bài "Khi mới lớn" của Đinh Hùng, nguyên văn của nó là:
Hỡi thành đô với linh hồn bách thảo
Còn nhớ ta chăng, tuổi trẻ tóc bay ?
Làm học trò nhưng không sách cầm tay
Có tâm sự đi nói cùng cây cỏ
An Thy tròn mắt nhìn Huy:
- Thầy làm em ngạc nhiên . Có nhiều điều về thầy mà em không biết quá - cô bé chợt trầm giọng - cũng như em không hề biết hết hè này thầy không còn dạy ở đây nữa .
Huy bối rối phân bua:
- Tôi cũng đang tìm dịp để nói cho em nghe . Hết hè này tôi trở về bên miền đông cho gần ông bà cụ . Gia đình tôi ở hết bên đó . Năm 75 lúc mới qua tôi được trường bên này nhận và cho học bổng đi học nên tôi qua đây . Ra trường có việc làm liền nên ở lại luôn . Bây giờ ông bà cụ lớn tuổi rồi, cứ hối về bên đó mãi nên tôi quyết định dọn về cho gần gia đình .
An Thy nhìn Huy ranh mãnh:
- Chỉ có một lý do duy nhất là gần gia đình thôi hở thầy ?
Huy bật cười:
- Vách tường ở trường này có nhiều tai quá . Đúng ra cũng chẳng có gì là bí mật . Tôi trở về bên đó cho gần gia đình và để lập gia đình, được chưa cô bé ?
An Thy tò mò:
- Sao không bao giờ em nghe thầy nói về cô vậy ?
- Tại vì cô không dính líu gì đến môn kinh tế cả .
- Nếu vậy thì thôi vậy, tại em tưởng cũng có rất nhiều thứ chẳng dính líu gì đến môn kinh tế mà mình vẫn nói với nhau đó thôi .
Huy nhìn theo những sợi tóc lòa xòa bay trong gió của An Thy, những sợi tóc rối bời không nằm theo một đường ngôi nào cả . Hai mắt cô bé nhìn chăm chăm đàng trước không thèm ngó chàng, đôi môi mím lại giận dỗi . Huy chậm rãi nói :
- Cô tên là Ngọc . Hồi ở Việt nam chúng tôi ở cạnh nhà nhau . Bố me. Ngọc là bạn thân của bố mẹ tôi . Lúc loạn lạc gia đình Ngọc qua bên Tây, cách đây mấy năm mới dọn nhà về gần bố mẹ tôi . Mối giây liên hệ vốn có sẵn bây giờ lại càng thân thiết hơn . Ngọc có việc làm bên đó lại không muốn xa gia đình nên biện pháp đơn giản nhất là tôi về lại, tuy rằng việc làm của tôi sẽ không bằng ở đây cũng như chắc chắn tôi sẽ nhớ ngôi trường này lắm .
An Thy nói nhỏ :
- Thầy phải yêu cô lắm mới hy sinh sự nghiệp như vậy .
Huy im lặng cười không trả lời . Tình yêu đối với Huy là một cái gì đó thật mơ hồ . Làm sao để biết mình có yêu một người nào đó hay không ? Gặp lại Ngọc sau mấy năm dài xa cách Huy hơi giật mình vì cô bé hàng xóm ngày xưa bây giờ đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp, duyên dáng . Mấy lần về thăm nhà hai gia đình có ý gán ghép hai đứa nên đã tạo thật nhiều cơ hội cho hai đứa gặp gỡ riêng tư . Ngọc ít nói, hơi khép kín, nhưng rất khéo trong cách xử sự . Khi bố mẹ ngỏ ý muốn hỏi Ngọc cho chàng Huy đã gật đầu chấp nhận không mảy may suy nghĩ . Người ta khi lớn lên một là đi tu hai là lập gia đình . Ơ? Ngọc là tất cả những gì toàn mỹ để làm một người vợ đảm, một người mẹ tốt . Đi bên Ngọc Huy hiểu rõ hơn cái câu ca dao "giàu vì bạn, sang vì vợ " . Vậy thì có cần lắm không những câu yêu đương lãng mạn, những hẹn hò cuống quýt, những đam mê nồng nàn ? Tình yêu như thế có lẽ chỉ có trong thơ văn hoặc chỉ có ở những cô cậu học trò mới lớn . Huy tự bảo mình đã qua rồi cái thời mộng mơ vớ vẩn đó . Huy tự bảo mình thật may mắn vì Ngọc chín chắn và thực tế để mình không phải trải qua những giận dỗi hờn ghen của một người tình trẻ con .
An Thy chợt lên tiếng phá tan bầu không khí thinh lặng:
- Thầy này, em nghe người ta nói con gái nên lấy người yêu mình hơn là người mình yêu . Thầy nghĩ có đúng không ?
Huy nheo mắt chọc cô bé :
- Tôi dạy môn kinh tế học chứ không phải tâm lý học cô bé ạ . Nhưng sao không lấy người yêu mình và mình yêu cho đơn giản ?
An Thy nhìn thẳng vào mắt Huy hạ giọng:
- Không phải ai cũng có cái diễm phúc lấy được người mình yêu và cũng yêu mình như thầy đâu . Bây giờ thì em biết chắc chắn rằng mình sẽ chẳng bao giờ có cái may mắn đó . Thầy biết em nghĩ gì không, em nghĩ nếu mình đã không lấy được người mình yêu thì lấy bất cứ người nào khác cũng chỉ là những kẻ xa lạ, yêu mình hay không, không cần thiết .
Nói rồi An Thy đứng dậy, đưa hai tay phủi lại quần áo rồi quay qua nhìn Huy cười thật tươi:
- Thôi đến giờ em phải đi vào phòng thi rồi . Em chúc thầy cô trăm năm hạnh phúc thầy nhé .
Trước khi Huy có thể có một phản ứng nào An Thy đã chân sáo chạy biến mất đàng sau những hàng cây trong sân trường . Huy nhìn theo bóng An Thy, thở dài bâng quơ . An Thy có ý gì khi nói với chàng những câu như vậy ? Từ trước đến giờ chưa có người con gái nào đem lại cho Huy nhiều thắc mắc như An Thy . Một người con gái rộn ràng như những giọt nắng mùa hạ, tươi mát như những hạt mưa mùa xuân, thay đổi như chiếc lá thu và tinh nguyên như cánh tuyết đông . Một cô bé thuộc thơ Đinh Hùng và thích Ralph Emerson Waldo . An Thy chắc không ngờ được rằng mình đã là một hòn sỏi vừa làm gợn lên những vòng sóng lan ra trên mặt hồ phẳng lặng . Một ngày thật gần Huy sẽ giã từ nơi chốn này . Không làm sao không nhớ những gì An Thy đã nói hôm nay, không làm sao không nhớ đôi mắt hình như vừa vương lại một nỗi buồn . Nhưng An Thy còn nhỏ quá, mười bảy tuổi cô bé có biết mình nói gì, nghĩ gì, muốn gì hay không, hỡi cô bé của một năm học nhiệm màu ...
**
Buổi thuyết trình đã đi vào phần kết thúc . Mark, người đứng đầu trong nhóm bốn người của Huy đang nói vài lời kết luận . Huy đưa mắt nhìn đoàn cử tọa cả ngàn người trước mặt, thở ra nhẹ nhõm, chàng quyết định không đi dự bữa tiệc chiêu đãi ban tổ chức dành cho những thuyết trình viên tối nay, một mình đi loanh quanh phố kiếm mua một vài món quà lưu niệm cho Ti, cô con gái mười bốn tuổi của chàng, rồi về khách sạn sửa soạn cho chuyến bay ngày mai . Dạo gần đây những buổi liên hoan ồn ào, náo nhiệt không còn gây hứng thú cho Huy nữa . "Không lẽ mình đã già rồi sao ? " . Chàng cười vu vơ khi nghĩ đến lời "an ủi" của Ti hôm nào:
- Bố chưa có già đâu, bé còn chưa thấy bố có sợi tóc bạc nào mà . Bố mới chỉ "over the hill" một chút xíu thôi .
Ừ, qua bốn mươi tuổi là đã bắt đầu trên con đường đi xuống của con dốc đời, đã bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, đã có những phút giây ngồi nghĩ lại đoạn đường đã qua . Một chút tiếc nuối những gì mình đã để vụt mất . Một chút ngậm ngùi vì những đổ vỡ mình đã gây ra . Biết nâng niu qúy trọng hơn những gì mình đang có trong tay . Vì vậy mà mỗi lần nhận lời mời đi thuyết trình ở xa Huy đều tránh không đi vào những ngày cuối tuần . Huy muốn dành những ngày nghỉ trọn vẹn cho Ti . Con bé ở với mẹ nhưng lúc nào cũng tận dụng bố đến mức tối đa . Làm tài xế đưa đi học những ngày "con lỡ ngủ quên" trễ chuyến xe bus trường, hay đưa đến nhà bạn bè . Làm người ... sai vặt cho cả đội bóng chuyền của Ti . Làm nhà băng mỗi lần Ti đi shopping . Huy thường giả vờ nhăn nhó cự nư. Ti rằng :
- Chỉ khi nào bé cần gì bé mới nhớ đến bố thôi .
Để thấy con bé nghiêm nghị trả lời:
- Yep, bé cần bố cả đời đó bố biết không ?
Rồi nghe niềm thương yêu dâng tràn cả tâm hồn . Hình như Huy đã đọc được ở đâu đó câu " Khi mình có con là lúc mình hiểu được cái ý nghĩa xác thực của tình yêu ".
Tiếng vỗ tay rào rào vang lên kéo Huy về với hiện tại . Huy mỉm cười cúi chào thính giả rồi đứng lên thu dọn những giấy tờ trên bàn . Bỗng một giọng nói con gái thật nhẹ vang lên :
- Thưa thầy, em tên là An Thy . Em có thể làm phiền thầy một tí không ạ .
Huy giật mình ngẩng lên, suýt chút nữa chạm tay làm đổ ly cafe trên bàn . Trước mặt chàng là một người đàn bà trẻ, lịch sự trong bộ âu phục hợp thời trang và nụ cười hóm hỉnh trên môi . Huy tưởng chừng như mình vừa quay ngược lại thời gian nơi giảng đường cũ. Khuôn mặt "nhí " ngày xưa chỉ hơi già dặn rắn rỏi thêm một tí , nhưng nụ cười ranh mãnh và ánh mắt tinh nghịch thì vẫn nguyên vẹn như trước . Sự kinh ngạc và nỗi vui mừng làm Huy thốt lên một câu hơi thừa thãi :
- Trời ơi ! An Thy ! Em là An Thy đó sao ?
An Thy nháy mắt:
- Ngoại trừ một vài nếp nhăn trên mặt, một vài sợi tóc bạc trên đầu còn thì em vẫn còn là An Thy . Thầy có muốn coi bằng lái xe của em không ?
Huy cười rộn rã:
- À, đúng là An Thy rồi . Chỉ có An Thy mới có lối nói chuyện đặc biệt như vậy thôi . Đã gần hai mươi năm rồi mà em vẫn chẳng có gì đổi khác . Em làm gì ở đây vậy ?
- Không đổi khác mà phải nhận ra em bằng giọng nói hở thầy ? Em đi dự seminars . Không ngờ lại gặp thầy ở đây . Hồi nãy ngồi dưới kia nghe thầy nói tí nữa thì em đã giơ tay lên hỏi câu hỏi như ngày xưa rồi .
Huy đang định trả lời thì Mark đã khoác tay ra hiệu cho mọi người vào phòng họp bên trong . An Thy nói :
- Thầy đi họp với họ đi . Một chút nữa nói chuyện cũng được .
Huy gật đầu vội vã:
- Dưới lobby có cái nhà hàng, em đợi tôi ở đó được không ? Nhanh lắm, chỉ khoảng mười phút thôi, nhé ?
- Vâng, thầy đừng lo, em sẽ xuống đó xí bàn trước .
Huy quay đi với nụ cười rộn rã trên môi chợt nhận ra mình đã nhớ lối nói chuyện nghịch ngợm ấy nhiều hơn là mình nghĩ ...
Nhà hàng vắng tênh vì không phải là giờ ăn . Người bồi bàn uể oải đứng xếp những cái khăn ăn chuẩn bị cho bữa tối . Huy cố tình đứng ở cửa lâu hơn một chút, quan sát An Thy . Cũng cái dáng ngồi lơ đãng, nghiêng đầu ngắm những người qua lại ngoài đường phố, lâu lâu lại nhếch miệng cười . Đã bao nhiêu năm qua rồi, sao em vẫn còn giữ cái vẻ hồn nhiên như ngày tháng cũ của khuôn viên đại học xưa ? Trong những năm qua đã nhiều lần Huy tự hỏi không biết ở đâu đó An Thy có bình yên hạnh phúc . An Thy chợt quay đầu ra nhìn về phía chàng, cô bé nhoẻn miệng cười đưa tay ra vẫy .
Huy ngồi xuống trước mặt An Thy :
- Xin lỗi An Thy nhé, cái ông Mark hồi nào đến giờ vốn hay dông dài .
- Không sao đâu thầy, con gái cổ càng cao càng đẹp mà .
Huy đưa tay ra hiệu cho người bồi bàn, gọi một ly cafe cho mình rồi đưa mắt nhìn An Thy dọ hỏi . Cô bé lắc đầu chỉ vào ly nước vẫn còn một nửa trước mặt . Huy háo hức :
- Gặp lại An Thy tôi mừng quá . Thời gian trôi qua nhanh thật . Mới đó mà đã mười chín năm rồi . An Thy còn nhớ đến ngôi trường xưa không ?
An Thy cười:
- Xời, ngôi trường chỉ là mấy cái buildings cũ kỹ, già nua, đi đâu em chả thấy . Nhớ làm gì cho mệt hở thầy ? Em chỉ nhớ thầy thôi .
Huy lắc đầu bối rối:
- Cô này chẳng có đổi khác gì ... Nhưng mà này, tôi bây giờ đâu còn là thầy của em nữa, đừng kêu bằng thầy nữa được không ? Làm tôi có cảm tưởng mình đã một trăm tuổi .
- Đâu có được, thầy không nghe người ta nói "nhất tự vi sư, bán tự vi sư" sao ? Dạy một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy . Huống hồ thầy đã dạy em cả ...tỷ chữ . Vả lại thầy đừng lo là mình già, thầy ... già rồi .
An Thy nháy mắt trêu chọc sau câu nói . Huy cười xòa:
- Em nói em có tóc bạc chứ tôi chưa có đâu đó nghe cô . Kể cho tôi nghe dạo này em làm gì ? Ở đâu ? Tại sao lại thích đi dự những buổi thuyết trình về kinh tế không liên quan gì đến ngành của em như vầy ? Hay là sau khi tôi rời trường em chuyển ngành ?
An Thy dẩu môi:
- Em đâu có chuyển ngành, mất công phải ganh đua với thầy . Thỉnh thoảng em ghi tên đi dự những buổi thuyết trình về kinh tế để cãi nhau với mấy ông kinh tế gia về cái chính sách kinh tế hóa thị trường thế giới đó mà .
- Tại sao phải cãi ?
- Tại vì em không phải là công dân Ấn độ . Cũng chỉ vì cái chính sách kinh tế hóa đó mà bao nhiêu việc mấy ông CEO đưa qua Ấn độ hết, lấy lý do là dân công rẻ mang lại lợi ích cho nền kinh tế nhưng thực ra để cái bonus check của mấy ổng được nhiều chứ kỹ sư ở đây thì bị sa thải hàng loạt . Thầy biết không, riết rồi ở đất nước này không còn ai phát minh hay chế biến cái gì nữa, cũng nhờ cái lý thuyết "Free Trade" ...
Huy bật cười khi thấy cô bé làm một hơi dài . Chàng có thể hình dung ra cái hình ảnh An Thy hùng hồn chống đối chính sách ngọai thương tự do . Chàng nói :
- Cũng may mà em thương tình tôi nên không giơ tay lên hỏi câu hỏi lúc nãy . Tôi nghĩ tôi cãi không lại em đâu . Mà ông xã đâu mà đi có một mình thôi ?
- Ông xã ... của ai hở thầy ?
Huy đưa mắt nhìn xuống cái nhẫn cưới trên tay An Thy cười không trả lời . An Thy đưa bàn tay mình lên ngắm nghía:
- Thầy nhìn cái nhẫn nên kết luận là em có gia đình hở ? Nhỡ em thấy thiên hạ có nhẫn đeo em cũng mua một cái đeo cho có với người ta thì sao ? Còn thầy ? Nhẫn của thầy đâu mà em không thấy thầy đeo ?
À, thì ra cũng lại cái lối nói như cua . Huy nhại lại:
- Tôi để nhẫn ở nhà để người ta tưởng mình chưa có gia đình ...
Họ ngồi bên nhau như thế giữa những tiếng cười, giữa những câu chuyện quá khứ hiện tại, cho đến khi thành phố lên đèn . Đã lâu, lâu lắm rồi Huy mới có một buổi tối thật vui vẻ và thoải mái đến như vậy . Dư âm của câu chuyện và nụ cười của An Thy như quyện vào với ánh sáng lung linh tỏa ra từ ngọn đèn cầy trên bàn làm Huy ngẩn người . Trong một thoáng cố trấn tĩnh lại lòng mình bằng ý nghĩ diễu cợt " mình đã bốn mươi lăm tuổi rồi chứ đâu còn là cậu bé mười lăm ... cô bé mà nhìn thấy cái bối rối của ông thầy cũ chắc lại được một mẻ cười ngả nghiêng ... ".
**
Lần đầu tiên đọc được cái tên họ của An Thy trên tấm danh thiếp Huy đã ngạc nhiên:
- Chồng em người ngoại quốc hở ?
An Thy thản nhiên:
- Đâu có, chồng em sinh đẻ ở đây mà . Em mới là người ngoại quốc .
Huy lắc đầu:
- Sợ em luôn, lúc nào cũng đùa giỡn được vậy ? Tôi chỉ không ngờ An Thy lập gia đình với một người ngoại quốc vì An Thy vẫn còn Việt nam ghê lắm .
An Thy cười buồn:
- Em lập gia đình với Greg vì em nghĩ rằng nếu không lấy được người mình yêu thì lấy ai khác cũng đều là xa lạ . Người ngoại quốc hay người Việt nam cũng đâu có gì quan trọng . Trên đời cũng có biết bao nhiêu người đàn bà lấy người mà mình không yêu . Rồi cũng sinh con đẻ cái, cũng chu toàn bổn phận của một người vợ, một người mẹ cho đến ngày răng long tóc bạc đó thôi . Em tưởng mình cũng làm được như họ ...
An Thy thở dài nhè nhẹ nhìn Huy tiếp:
- Nhưng thầy nói đúng, em vẫn còn nhiều bản chất Việt nam trong người lắm, thế nên hôn nhân của em mới đổ vỡ . Em lấy một Gregory Jones của New York mà em đòi một tình yêu cao thượng như Dũng và Loan của Nhất Linh . Em lập gia đình với một người không cùng tiếng nói mà tối ngày em cứ nghêu ngao tiếng mẹ đẻ chẳng trách Greg chán không muốn ở nhà . Người ta bảo ở đất nước này cứ bốn cặp lấy nhau là hết hai cặp bỏ nhau . Không ngờ thầy và em đều ở trong thống kê đó .
Huy gật đầu buồn bã . Đám cưới xong Huy và Ngọc cũng như gia đình hai bên đều muốn hai người có con ngay . Ngọc bị xẩy thai hai lần liên tiếp cho nên đến khi sinh ra được bé Ti, ca? Huy lẫn Ngọc đều vô cùng mừng rỡ . Bản năng làm cha, làm mẹ đã khiến hai vợ chồng dành hết thời gian cho Ti, đến quên cả bổn phận làm vợ, làm chồng . Người ta vẫn nói đứa con là sợi giây liên kết giữa cha và mẹ nhưng trong trường hợp của Huy và Ngọc thì trái lại, khi Ti lớn cũng là lúc họ nhận ra rằng mình đã không còn có thể sống bên nhau . Huy biết trong việc đổ vỡ một phần lớn là lỗi của mình . Vì Huy chưa bao giờ xác nhận được mình có yêu Ngọc hay không . Một cuộc hôn nhân mà tình yêu không phải là nền tảng thì thật khó để hy sinh cho nhau suốt đời . Quyết định xa nhau là quyết định chung của cả hai người . Huy vẫn nghĩ mình đã làm đúng, thà là sống xa nhau để khi gặp nhau vẫn còn đối xử với nhau hòa nhã còn hơn cứ cố chịu đựng lẫn nhau trong một cuộc hôn nhân không còn hạnh phúc . Hai người cùng đồng ý là phải đặt quyền lợi của Ti trên hết nên mua nhà ở gần nhau đê? Ti có thể chạy qua chạy lại giữa bố và mẹ . Thời gian đầu khi trở lại cuộc sống "độc thân" Huy cũng hơi buồn và hụt hẫng vì Ngọc được chính thức giữ con . Nhưng lâu dần rồi cũng quen .
Cuộc hội ngộ hầu như định mệnh của hơn một năm trước đã mở đầu cho những thay đổi trong đời sống của Huy . Những điều thay đổi thật cần thiết như những hạt mưa rào bất ngờ tưới xuống mảnh đất tưởng sẽ muôn đời cằn khô . Để rồi cái khoảng trống trong lòng bỗng nhiên được lấp đầy và cuộc sống bỗng tràn ngập muôn vàn màu sắc . Buổi sáng thức giấc, nghe trong lòng một sự chờ đợi, một nỗi nhớ thương . Buổi tối đi ngủ, hình ảnh cuối cùng là nụ cười nghịch ngợm trên khuôn mặt bướng bỉnh . Đó có phải chỉ là một nỗi đam mê, hay chính là tình yêu ta đã nửa đời tìm kiếm ? Hơn một nửa đời người rồi mới biết được cái chìa khóa hạnh phúc đã nằm trong tay cô bé học trò của hai mươi năm trước .. Ừ, đã bao nhiêu năm phí phạm loanh quanh trong cái vòng tròn rồi mới tìm về được cái khởi điểm của mình . Có lẽ chưa muộn đâu phải không em ?
Thành phố An Thy cư ngụ là một thành phố nhỏ, hiền hòa và khá xa nơi Huy sống . Khoảng đường hơn một ngàn dặm đi, hơn một ngàn dặm về và những chuyến bay đêm giờ đây đã là một phần trong thời khóa biểu của Huy . Họ tìm đến nhau thân quen như khoảng thời gian gần hai mươi năm qua chưa từng hiện hữu . Nhưng phải mấy tháng cùng những nhắc nhở thường xuyên An Thy mới tập bỏ được chữ "thầy" . Cô bé bướng bỉnh:
- Anh hay thầy cũng chỉ là tiếng xưng hô thôi mà !
- Tiếng xưng hô cũng quan trọng lắm chứ bé . Người ta nói "em yêu anh" chứ ai lại nói "em yêu thầy", nghe nó làm sao ấy .
An Thy lụng bụng:
- Em đâu có thấy làm sao đâu, em đã nói như vậy trong đầu cả mấy chục năm nay rồi, nghe quen thuộc ghê lắm, có chết thằng tây nào đâu chứ .
Mỗi lần nghe một câu trả lời ngang xương như vậy và so sánh với những suy nghĩ của An Thy Huy lại lắc đầu khó hiểu . Những nghịch lý của cô bé không hề giảm theo thời gian cách biệt mà càng ngày càng hiển hiện rõ rệt hơn . An Thy sẵn sàng nằm trong lòng Huy vẽ vời chuyện tương lai, đi du lịch ở tây, ở tàu bất cứ lúc nào nhưng lại rụt về rất lẹ mỗi lần Huy nhắc đến chuyện giới thiệu An Thy với Ti . Chàng thường dỗ dành:
- Nó ngoan lắm em ạ . Ngoan như bố nó vậy đó . Thấy cô An Thy chắc chắn sẽ mê liền tù tì . Đâu có gì đâu mà em phải lo . Vả lại Ti là con gái anh mà, có phải là mẹ anh đâu mà em sợ dữ vậy hở An Thy ?
An Thy chỉ cười không trả lời . Mãi đến hôm nay An Thy mới bằng lòng qua bên chàng để gặp Ti . Huy chọn căn nhà chàng có phần hùn ngay bờ biển làm địa điểm gặp gỡ nhằm tạo sự thân mật giữa hai người con gái mà chàng thương yêu nhất . An Thy đến từ hôm qua . Chiều nay sau buổi học Huy sẽ đón Ti về với chàng hai ngày cuối tuần . Huy huýt sáo một bản nhạc quen thuộc, nhìn ra bãi biển lặng sóng trước mặt, gió biển lồng lộng những thương yêu độ lượng ... Bình yên, rồi sẽ bình yên phải không hỡi em yêu dấu ?
**
Huy lặng lẽ ngắm An Thy và con gái mình đang chăm chú đọc những tấm thực đơn trước mặt . An Thy nháy mắt với Huy đàng sau tờ giấy , còn Ti cúi xuống bàn vừa đọc mà những ngón tay vừa nghịch tờ menu. Huy thở dài thật khẽ . Thái độ của Ti từ hôm qua đến giờ đã làm chàng ngạc nhiên không ít . Chiều hôm qua An Thy từ chối đi đón Ti với Huy, nàng nói:
- Anh đi đón cháu một mình đi . Em muốn ở nhà sửa soạn bữa ăn chiều cho hai bố con - An Thy cười - Vả lại anh cũng cần có những giây phút riêng tư với Ti để chuẩn bị tinh thần cho con bé trước khi gặp ngáo ộp chứ .
- Chỉ nói bậy . Thứ nhất em không phải là con ngáo ộp, em chỉ có dữ với riêng anh thôi bé ạ , chứ với mọi người em hiền khô . Thứ hai, anh biết tính con gái anh mà . Ti cởi mở và hòa hợp với mọi người trong mọi hoàn cảnh .
Ngồi trên xe suốt đọan đường dài từ trường ra đến biển Ti im lặng hơn mọi ngày, mắt nhìn thẳng ra đường . Huy gợi chuyện:
- Cô An Thy đến từ chiều hôm qua . Cô đang ở nhà sửa soạn bữa ăn tối chào mừng con đó .
- Nhà của mình mà sao cô phải chào mừng con ?
- Lần đầu tiên gặp con mà, phải đặc biệt chứ . Cô hỏi bố con thích ăn món gì để cô nấu .
Ti nhún vai :
- Con thấy không cần thiết .
Huy cau mặt:
- Tại sao con nói kỳ vậy ?
Ti im lặng không trả lời, mãi một lúc sau con bé mới hỏi:
- Tại sao bố lại muốn con gặp cô An Thy ? Hồi xưa bố quen với Dana rồi Terry bố đâu có trịnh trọng như vậy ? Con vô tình gặp bố đi shopping với họ con mới biết thôi .
Huy gật đầu:
- Con nói đúng . Hồi xưa bố không đưa Dana hay Terry về nhà giới thiệu với con vì họ chỉ là những người bạn . Không phải bạn nào bố cũng muốn giới thiệu với con gái mình . Cô An Thy thì khác, cô quan trọng hơn là một người bạn . Bố mong con sẽ bỏ thời giờ ra để tìm hiểu thêm về Cô . Bố tin chắc rằng con sẽ rất thích cô . Cô An Thy vui vẻ và trẻ trung như tụi con vậy . Cô nói với bố ngày mai đưa hai cô cháu đi shopping đó .
Ti không nói gì sau đó, mãi đến lúc xe quẹo vô sân con bé vừa gỡ giây an toàn vừa nói :
- Con không có nói với mẹ con đi gặp bạn gái của bố hôm nay . Con không muốn bố kể cho mẹ nghe .
Nói xong con bé mở cửa xe đi xuống không đợi câu trả lời . Huy nhìn theo con, hơi sững sờ, không ngờ Ti lại có ý nghĩ Ngọc sẽ buồn . Đã từ lâu Huy tưởng hoàn cảnh của mình không ảnh hưởng gì đến con cho lắm . Ti bình thản với cuộc sống ly biệt của bố mẹ., đôi khi đến độ thờ ơ . Huy nghĩ có lẽ vì bạn bè chung quanh cũng nằm trong hoàn cảnh bố mẹ li dị nên Ti không cảm thấy lẻ loi . Mà thật ra Ti cũng chẳng mất mát gì nếu không muốn nói là có lợi . Ti có hai căn phòng và ...hai đường giây điện thoại, một điều rất quan trọng với một cô bé ở tuổi teenager, một ở nhà bố, một ở nhà mẹ . Ngày sinh nhật Ti được bố mẹ dẫn đi ăn và có hai gói quà . Ngày của Me. Huy dẫn Ti đi mua quà cho Ngọc . Ngày của Cha Ngọc giúp Ti lựa quà cho Huy . Mỗi dịp lễ lạy hay sinh hoạt gì ở trường ca? Huy lẫn Ngọc đều đi dự với Ti . Một trong những lo ngại lớn nhất của Huy khi chia tay với Ngọc là vấn đề dạy dỗ Ti . Huy chỉ sợ bố nói gà mẹ nói vịt và con không thèm nghe ai hết cho tiện . Hay Ti lợi dụng sự nhân nhượng của cả bố lẫn mẹ để qua mặt cả hai người . Nhưng trái lại Ti vẫn ngoan ngoãn, học giỏi và vâng lời . Một đôi lần Ti gặp Huy đi chung với những người bạn gái chung hãng, những người không phải là Ngọc, Ti cũng vẫn thản nhiên chào hỏi không một chút gì thắc mắc . Có khi còn tự nhiên bình phẩm trêu ghẹo:
- Bố nói Terry đừng có đeo đôi bông tai đó . Cái đó chỉ hợp với con nít như con thôi . Hay nói cô ta cho con đi .
- Dana có cái bóp đẹp quá, có phải bố mua không ? Tại sao bố không mua cho bé một cái ?
Vậy tại sao hôm nay Ti lại có thái độ kỳ lạ như thế với An Thy ?
Suốt bữa ăn tối An Thy hỏi câu nào thì Ti trả lời câu đó . Không tỏ vẻ quá khó chịu nhưng cũng chẳng có gì là thân mật . Ăn cơm xong Ti gọi điện thoại nói chuyện với bạn, cố tình tránh không cho An Thy gợi chuyện . Nói điện thoại xong con bé ôm chăn gối ra ngoài phòng khách bật TiVi lên coi một cách thật chăm chú một chương trình chiếu lại, rồi nói như đuổi khéo:
- Good night Bố ! Good night cô An Thy !
An Thy cười nháy mắt với Huy như thầm nói :
- Con bé muốn canh chừng cho chắc ăn rằng Bố ở phòng Bố và cô An Thy ở phòng cô An Thy .
Buổi sáng thứ bảy Ti kéo cô bạn cùng trường về chơi, hai đứa ra biển phơi nắng cả ngày . Huy chỉ còn biết nhìn An Thy thở dài . An Thy cười an ủi:
- Không sao đâu anh . Để từ từ cho Ti quen với sự có mặt của em . Tình cảm không thể gượng ép được đâu .
Người bồi bàn đến viết những món ăn mọi người gọi, rồi khen cái áo Ti mặc đẹp trước khi bỏ đi . Huy nháy mắt với Ti:
- Anh chàng bồi bàn này khéo moi tiền tips của bố quá .
Ti cười chúm chím:
- Không phải anh ta khéo mà là Ti đẹp .
An Thy cười theo:
- Ti mặc áo này xinh thật đấy . Hôm nọ cô thấy họ bày bán ơ? Banana Republic cô không để ý cho lắm nhưng hôm nay thấy Ti mặc mới hiểu tại sao họ bán chạy .
Ti chỉ cười, không trả lời . Không khí lại rơi vào im lặng . Huy thấy vậy phải nói về việc làm của chàng, việc trường lớp để khoả lấp . Đồ ăn đem ra, An Thy với tay lấy một miếng bánh mì để vào dĩa của mình . Ti bỗng nhìn chăm chăm vào cổ tay An Thy, con bé hỏi như buộc tội:
- Cái vòng của cô là bố mua cho cô phải không ?
Huy sửa:
- Bố mua tặng cô chứ không phải mua cho cô . Đúng rồi, cái vòng hôm nọ bố hỏi ý kiến bé đó .
Ti xuôi xị nói lí nhí :
- Con tưởng bố mua cho mẹ vì sắp sinh nhật mẹ rồi .
Huy cau mày, đang định nói lâu nay bố chỉ chở con đi mua quà sinh nhật cho mẹ thôi chứ bố đâu có mua, nhưng An Thy đã nhanh miệng:
- Thì ra là có sự cố vấn của Ti nên cô mới có được chiếc vòng đẹp như vầy . Cô cám ơn Ti nhé .
Ti lụng bụng:
- Không có chi cô .
Rồi cả hai lại im lặng . Huy nuốt vội miếng đồ ăn trong miệng gọi:
- Bé này !
- Da.
- Da.
Cả hai người con gái đều lên tiếng trả lời một lúc rồi nhìn nhau ngượng ngùng . Huy đọc được cái ánh mắt khó chịu của Ti, chàng thở dài nhè nhẹ, thầm trách mình sao không có ý tứ . Đến lúc này Huy mới nhận ra rằng mình đã gọi cả con gái và người yêu bằng danh từ "bé" . Chàng vờ như không để ý, nói luôn :
- Ti chơi bóng chuyền giỏi lắm đó An Thy . Là captain của đội bóng chuyền trong trường đó . Cô An Thy hồi còn đi học cũng chơi bóng chuyền như con đấy .
An Thy gật nhẹ :
- Nhưng cô lùn chứ không cao được như Ti nên chơi không giỏi như Ti đâu . Ti cao ghê . Con gái có dáng cao mặc quần áo lúc nào cũng đẹp .
Huy ngắt lời:
- Con gái Việt nam cao quá cũng khó lấy chồng đó .
Ti lắc đầu:
- Con không lấy chồng đâu . Lấy làm gì ? Bây giờ đâu có ai sống với nhau suốt đời đâu .
Hình như bữa ăn vừa đi từ không thành công đến thật tệ . Huy nhìn Ti buồn bã, con bé cúi xuống nhìn vào dĩa đồ ăn tránh tia nhìn của bố . Một lúc sau Ti quay qua An Thy hỏi :
- Cô có con không ?
An Thy buồn buồn:
- Không Ti ạ, cô không có cái diễm phúc đó .
- Bởi thế nên cô không hiểu được tình cảm và sự hy sinh của một người mẹ dành cho con mình đâu .
Đến lúc này thì Huy chịu hết nổi, chàng cao giọng:
- Ti !
An Thy khoác tay ngăn không cho Huy nói tiếp rồi nắm nhẹ bàn tay Ti đang để trên bàn, nhìn chăm chú vào mắt con bé nhẹ nhàng:
- Ti nói đúng, cô không có cái diễm phúc làm mẹ nên có thể cô không hiểu hết nỗi lòng của một người mẹ nhưng cô có cái may mắn làm con nên cô hiểu được tình thương của một người con ghê lắm Ti ạ .
Buổi sáng thức dậy, Huy vươn vai lười biếng, niềm vui lâng lâng của đêm hôm trước vẫn còn trọn vẹn trong trí . Cuối bữa ăn tình hình có vẻ bớt căng thẳng hơn . Ti từ từ dịu dàng lại và cười đùa với An Thy mặc dầu vẫn còn một chút ngượng ngập . Về đến nhà Ti vào thẳng trong phòng than mệt vì cả ngày tắm biển . Huy rủ An Thy ra bờ biển đi dạo .
Bãi biển về đêm vắng lặng, vành trăng treo nghiêng xà xuống lưng chừng mặt biển . Hai người bước những bước chân trần trên cát, thong thả, êm đềm . Huy bóp nhẹ bàn tay An Thy đang nằm ngoan ngoãn trong tay mình, thấy lòng rộn lên những cảm giác khó tả, phải chăng đó là cái người ta gọi là hạnh phúc ? Đơn giản như khuôn mặt của người con gái với khoảng cách thật gần . Nhẹ nhàng như những đợt sóng biển về đêm . Huy cúi xuống thì thầm:
- Biển về đêm đẹp quá phải không em ?
An Thy cười bâng quơ:
- Vâng, biển chẳng bao giờ ngủ .
- Bờ biển này năm nào anh cũng đến vài lần nhưng anh chưa bao giờ có dịp đi dạo vào ban đêm như thế này . Ngay cả tiếng sóng cũng khác với ban ngày, nghe tựa như một dàn nhạc cổ điển lúc hài hòa lúc hùng vĩ .
An Thy nhìn những đợt sóng vỗ đùa vào bờ, vỡ lao xao ngay dưới bàn chân mình, nhỏ giọng:
- Anh có nghĩ cuộc đời cũng có những người giống như sóng biển không ? Sinh ra để đuổi theo nhau, có cố gắng cách mấy cũng chẳng bao giờ với bắt được ...
Huy chợt dừng chân bước, chàng quay qua An Thy dò hỏi:
- Tại sao em lại hỏi anh như vậy ? Có phải những câu nói của Ti làm em buồn không ? Đừng nghĩ ngợi vớ vẩn nha An Thy . Ti nó còn nhỏ nó nói vậy nhưng không nghĩ gì đâu, em đừng giận nó .
An Thy lắc đầu:
- Em đời nào giận Ti được . Em thương Ti như anh thương Ti vậy .
Huy lấy tay nâng nhẹ mặt An Thy gọi:
- An Thy, nghe anh nói đây . Anh không biết sự may mắn nào đã run rủi cho anh gặp lại được em . Anh vẫn hằng cám ơn cái cơ may đó . Hơn một năm qua những gút thắt, những câu hỏi của đoạn đời trước đã dần dần được tháo gỡ, được rõ ràng trong anh . Những lỗi lầm trong quá khứ cũng là những bài học cho tương lai . Anh không dám quả quyết rằng mình sẽ không bao giờ làm cho em buồn . Nhưng anh muốn em nhớ một điều . Giữa những điều không xác thực, những hư ảo của cuộc sống, chỉ có một điều anh biết chắc chắn nhất . Đó là anh yêu em . Và anh biết cái cơ hội để kiếm được một người mình có thể có được một cảm giác đặc biệt như thế không phải là dễ dàng, cho dù mình có trải qua bao nhiêu kiếp người .
An Thy dụi đầu vào ngực Huy, nhại lại câu nói của chàng hôm nào với một cái giọng sũng nước:
- Anh là thầy dạy kinh tế học chứ đâu phải tâm lý học đâu . Tại sao tán gái ngọt như vậy hở ?
Huy đặt một nụ hôn lên cái trán bướng, thì thầm:
- Anh không biết tán gái đâu bé ạ . Đó là những lời từ tâm duy nhất cho cô học trò với cái tên An Thy thôi .
Huy bước thật khẽ ra nhà bếp, không muốn gây nhiều tiếng động sợ làm Ti thức giấc . Chắc có lẽ An Thy đã đi chạy bộ rồi . Chàng chợt nẩy ra ý định làm ngạc nhiên hai cô cháu bằng một bữa ăn sáng do chính chàng làm . Mắt Huy chợt dừng lại ở một cái phong bì màu trắng để bên cạnh cái máy làm coffeẹ Chiếc phong bì để tên Huy với nét chữ mềm mại quen thuộc của An Thy . Huy ngạc nhiên cầm chiếc phong bì ra ngoài phòng khách:
Huy thương yêu,
Có lẽ đây là bức thư khó khăn nhất mà em phải viết từ xưa đến giờ . Cuối cùng thì em cũng phải quyết định điều mà không thể quyết định . Em trở về sớm hơn dự định và em không muốn Huy đi tìm em . Có những lúc mình phải lựa chọn điều mà mình không hề muốn . Em đi vì không muốn chen vào giữa anh và Ti . Cái tình cảm giữa một người cha và con gái nó đặc biệt và thiêng liêng vô cùng Huy biết không ? Ti đang ở lứa tuổi có nhiều thay đổi cả về thể xác cũng như tâm lý, cô bé không cần sự xuất hiện của em làm xáo trộn thêm đời sống của cô bé . Em biết Huy đã bị bất ngờ trước những phản ứng của Ti trong những ngày qua nhưng em thì chẳng ngạc nhiên tí nào . Em đã linh cảm được điều đó vì vậy em cứ chần chừ mãi không muốn anh giới thiệu em với Ti . Em không buồn hay giận Ti đâu bởi vì em cũng là con gái . Em hiểu và thương Ti ghê lắm . Ti ngoan ngoãn và rất thương bố mẹ . Nhưng hiếm có đứa con gái nào chấp nhận được sự có mặt của một người đàn bà khác không phải là mẹ mình trong cuộc sống của bố mình lắm Huy ạ .
Em sẽ nhớ mãi những lời chia xẻ của Huy đêm qua . Những câu nói đó sẽ mãi mãi theo em . Cám ơn anh . Huy biết không, hồi xưa sau mỗi lần cãi nhau với Greg em thường đắm chìm trong cái sự cô độc đến tội nghiệp của mình và tự trách mình tại sao hồi đó không nói với Huy là em yêu Huy . Có thê? Huy sẽ từ chối tình yêu của một con bé mười bảy tuổi nhưng cũng có thể em đã có một cuộc tình thật đẹp . Và như thế cho dù cuộc sống có đẩy đưa thế nào thì em cũng có những kỷ niệm ngọt ngào để làm chốn dung thân mỗi lần cơn bão đời thổi tới . Bây giờ thì em đã toại nguyện . Hơn một năm qua mình đã có với nhau thật nhiều kỷ niệm đẹp phải không Huy ? Kỷ niệm dù buồn hay vui cũng đáng được trân trọng nâng niu vì nó chỉ đến một lần trong đời huống hồ những gì em đã có với Huy là những kỷ niệm tuyệt vời .
Đừng giận em Huy nhé . Cuộc đời cũng giống như một dòng sông với thật nhiều ngã rẽ bất ngờ . Những ngã rẽ chia đời mình ra trăm ngàn thương nhớ . Đâu có bao nhiêu nhánh sông có cái may mắn cùng chảy ra biển bình yên hơ? Huy ?
Chắc có lẽ em sẽ đi xa một thời gian Huy ạ . Huy có tin vào định mệnh không Huy ? Từ ngày gặp lại Huy em bỗng tin vào những cái mơ hồ như thế . Biết đâu năm năm, mười năm nữa, sau một buổi thuyết trình Huy lại nghe thấy một giọng nói nhão nhẹt bên tai :
- Thưa thầy, em tên là An Thy . Em có thể làm phiền thầy một tí không ạ .
Lúc đó nếu Huy vẫn còn là của riêng Huy thì ... Ừ, biết đâu được Huy nhỉ ?
Hãy luôn bình an Huy nhé . Cho em gửi một nụ hôn cho Ti .
Con bé "té giếng" của Huy,
An Thy
Huy đã đứng ngoài balcony rất lâu sau khi đọc thư của An Thy, nhìn ra biển . Những ngọn sóng hôm nay dường như cuồng nộ hơn hai ngày qua, trắng xóa đến bạc đầu. Sóng vỗ vào bờ, sóng trôi dạt ra biển như người đã đến rồi lại lặng lẽ ra đi . Bãi cát trước mặt thiếu đi những bước chân quen thuộc bỗng trở nên mênh mông hoang vắng lạ lùng . Có tiếng Ti gọi đàng sau lưng:
- Good morning Bố !
Huy quay lại cười buồn :
- Good morning con !
Hình như Ti nghe được một cái gì đó bất thường trong giọng nói của Huy, con bé hỏi:
- Cô An Thy đi chạy bộ chưa về hở bố ?
Huy bước hẳn vào nhà, cầm lá thư trên tay bỏ vào cái phong bì trên bàn hạ giọng:
- Cô An Thy đi rồi con ạ .
Ti thảng thốt:
- Cô đi đâu ?
Huy thở dài:
- Bố cũng không biết .
Ti nhìn Huy ngập ngừng:
- Có phải cô An Thy giận con không bố ?
Huy nhìn con lắc đầu:
- Không, cô không giận con đâu . Cô An Thy nhờ bố hôn con hộ cho cô mà .
Ti nhìn chàng dò hỏi:
- Bố có giận con không hở bố ?
Huy ôm choàng lấy vai của Ti, nghiêm giọng:
- Con nghe bố nói đây nè Ti . Con sẽ không bao giờ có thể làm gì cho bố giận con được cả . Cũng như sẽ không bao giờ có ngày bố bỏ quên con vì bất cứ lý do gì . Con phải nhớ rõ điều này .
Ti ôm chặt lấy chàng, giọng con bé rưng rưng:
- Con xin lỗi bố . Con thương bố .
Huy đặt nhẹ trên tóc con một nụ hôn . Bỗng muốn thì thầm với An Thy một điều :
- An Thy ạ, anh cũng tin vào định mệnh . Định mệnh chính là quãng đuờng đời hình vòng tròn, trên đó chúng ta đã đi qua, và bắt buộc phải gặp nhau . Định mệnh đã đưa chúng ta đến với nhau, anh sẽ không để cho em rời xa anh nữa đâu .