Giao Thừa
Tác giả: Hoàng Chính
Hắn ngồi thụp xuống, lượm những mảnh giấy vụn ghi địa chỉ lũ bạn, loay hoay nhét vào cái bóp da rách nát. Con bồ ỷ có tiền đuổi hắn ra khỏi nhà. Ngay đêm cuối năm mới đau chứ. Đuổi thì đuổi bằng miệng được rồi, nỡ lòng nào quăng cả thẻ quốc tịch, thẻ bảo hiểm sức khỏe, thẻ an ninh xã hội với cái bóp rách ra ngoài hành lang. Hắn lủi thủi nhét cái bóp vào túi quần. Thế là hết một chuyện tình.
Hắn lết ra đường. Đêm 31 tháng mười hai, trời lạnh căm căm. Những ngọn đèn xanh đỏ nhấp nháy ở ngã tư. Không biết đi đâu, hắn leo đại xe bus, ra tổng trạm. Xuống xe, hắn co ro trong hành lang, nhìn ra ngoài khung kính. Những đóa hoa tuyết nở trên ngọn cây nhuộm ánh đèn xanh xanh đỏ đỏ vui mắt. Vài người khách lơ đãng chờ chuyến xe khuya. Ai cũng cuộn mình trong hai ba lớp áo. Đầu óc hắn làm việc tận lực. Cần một địa chỉ tạm trú qua đêm. Hắn gỡ cái găng tay dầy cộm ra, tẩn mẩn lật qua lật lại những mảnh giấy nhàu nát, nhìn đăm đăm những con số điện thoại. Rồi cái bàn tay cục mịch ấy luồn vào túi quần, sục sạo. Còn đúng sáu đồng hai mươi lăm xu, ba đồng năm xu và mấy đồng một xu vô tích sự. Vậy là gọi được sáu người. Một danh sách lướt qua óc hắn. Phải thanh lọc rất kỹ. Chỉ những người nào hắn tin là có chút lòng mới đáng cho hắn bỏ phí hai mươi lăm xu mà gọi điện thoại giữa đêm giao thừa.
Hello. Khỏe không. Mày đó hả. Đang làm gì đó. Vậy hả. Tao lại chơi được không. Thì lại đón giao thừa với mày cho vui mà. À bận hả. Thôi khi khác vậy, đi party vui vẻ nghe. Hắn buông cái ống nghe điện thoại xuống, biết chắc sẽ chả bao giờ còn có khi khác nào nữa. Ô chào chị. Có anh ở nhà không chị. Em đây mà. Em vẫn lại nhà anh chị chơi mỗi cuối tuần đó mà. Đúng rồi, em là người khiêng đồ dọn nhà tiếp anh chị đó. Cái tủ lạnh mới của chị nặng nhưng mà quá trời đẹp. Anh ấy bận hả chị. Thôi vậy. Bye. Vâng thì mai mốt rảnh em ghé chơi. Hắn cúp máy, biết chắc sẽ chẳng còn mai mốt nào nữa hết. Hello, Nancy. Tom there? Can I talk to him. Sleeping? I want talk to him. He don't want talk now? OK. See you later. Hắn giộng mạnh cái ống nghe điện thoại vào khung gác máy. Sẽ chẳng còn later nào nữa để see you. Con vợ Tây không muốn thằng chồng Việt đi nhậu. Bây giờ mới hiểu được lòng người. Té ra tất cả chỉ là những kẻ lợi dụng, đãi bôi và yêu thương giả hình.
Những ngón tay run rẩy lật cuống cuồng những trang giấy vụn xé từ cuốn sổ ghi số điện thoại người quen, bạn bè. Người trần gian vậy là không được rồi. Còn ba đồng xu nữa, đành thử gõ cửa nhà Chúa và nhà Phật thôi. Hắn bấm số điện thoại nhà ông mục sư người Việt, chỉ thấy máy trả lời. Gọi chùa Việt Nam cũng lại thấy máy, vậy là mất toi năm chục xu. Buông cái ống nghe điện thoại xuống mà đầu óc hắn quay cuồng. Lâu nay hắn nghiệm ra một điều là những thằng bạn có gia đình sớm muộn gì cũng thành những tên tù giam lỏng, bị vợ kìm kẹp tới nơi tới chốn. Bụng đói cồn cào làm hắn nghĩ tới những món ăn. Hắn ngồi xuống băng ghế gỗ, con mắt ngó mông lung những bóng người lướt qua trước mặt. Món ăn tây: miếng hamburger nóng, ngầy ngậy hương vị thơm ngon làm ứa nước miếng ở chân răng. Tô bún bò Huế cay nồng nàn làm dựng đứng cả những sợi tóc trên đỉnh đầu. Đĩa cơm sườn có quả trứng chiên vàng óng, có mỡ hành lấp lánh, có nước mắm chua chua, ngòn ngọt. Ôi những món ăn Việt Nam làm ruột gan cồn cào. Những tiệm ăn Việt Nam trong thành phố làm món ăn không ngon cho lắm và những người chạy bàn chỉ xăm xoi coi khách ăn xong chưa để dọn. Nhưng có còn hơn không. Muốn có miếng ngon và chỗ ăn thoải mái phải tự nấu lấy. Có vợ cũng sướng. Hắn bần thần nghĩ ngợi. Chỉ khổ cho cái tự do bị tước đoạt. Có vợ nấu nướng, chồng chỉ việc mua đồ ở tiệm thực phẩm Việt Nam về rồi đứng phụ bếp với vợ, là tha hồ có món ăn ngon. Đồ ăn thì mua ở tiệm thực phẩm á châu. Tiệm thực phẩm á châu. Phải rồi. Tiệm thực phẩm á châu. Còn chỗ nào hơn tiệm thực phẩm á châu trong thành phố. Nơi tạm trú tuyệt vời cho một đêm cuối năm đói, lạnh. Hắn dùng đồng 25 xu cuối cùng, gọi điện thoại hỏi giờ đóng cửa. Giọng con gái trả lời. Hắn hình dung cô gái bán hàng trong tiệm một đôi lần dẫn con bồ tây đi chợ hắn đã gặp. Cũng may mà hắn có mấy tấm vé xe bus nhân viên xã hội tặng trước hôm lễ Giáng Sinh.
Hắn leo lên chiếc xe bus. Tới trạm ngừng gần tiệm thực phẩm, hắn lục tục bước xuống và tất tả đi bộ lại tiệm á châu. Hắn luồn vào theo mấy gia đình người Việt ồn ào mua đồ vào giờ chót. Người chủ tiệm đang sửa soạn đóng cửa không thèm nhìn mặt khách hàng. Cô gái làm công đang loay hoay tính tiền. Hắn luồn lách giữa những kệ đồ, rồi len vào kho chứa gạo, ngồi co trong đó. Mùi hôi mốc sộc vào mũi hắn. Hắn bóp chặt hai lỗ mũi, cố dập tắt cảm giác ngứa ngáy. Giờ này mà hắt xì một cái thì có trời mới biết chuyện gì sẽ xảy ra. Nếu mọi chuyện suông sẻ, hắn sẽ nghỉ đêm ở đây. Hết giờ chủ tiệm đóng cửa ra về, hắn chỉ cần nằm im trong góc nào đó. Chủ tiệm đi rồi, chả lụa, bánh mì, thịt hộp... sẵn trên quầy, tha hồ no say. Ngày mai mồng một tết tiệm không mở cửa, hắn được bảo đảm thêm một ngày no nê.
Hắn co người trong khung tối chật hẹp. Tiếng người thưa dần. Tiếng gã chủ quán ồm ồm. Tiếng cửa sắt khép lại. ánh đèn tắt bớt. Giọng đàn ông cười pha lẫn cái thô lỗ với cái quyền uy. Giọng nài nỉ của cô gái giúp việc. Tiếng dép lê trên sàn nhà. Giọng người con gái run rẩy. Không được đâu chú ơi, con có chồng rồi. Nói dóc đi, anh rể em bảo lãnh em qua đây ai mà không biết... Không mà, con nói thiệt đó. Con về muộn chồng con đi tìm... Ai mà tìm em được. Đêm nay ở lại đây đi. Anh không chạc thêm tiền đâu mà sợ. Thằng anh rể cho tiền nó cũng không dám đi đón. Không có anh rể nào hết, chồng thiệt mà. Chồng bảo lãnh vợ qua đâu có bỏ lây bỏ lất như vậy. Ưng anh cho rồi cưng ơi, làm bà chủ tiệm không sướng à. Những tiếng động cục mịch. Hình ảnh giằng co tô đậm nét trong trí tưởng tượng hắn. Người con gái có thân thể gầy gò. Có đôi con mắt buồn buồn hay nhìn lơ đãng ra ngoài khung cửa sổ. Người con gái hắn hay gặp nhặt những lá sâu trong bó rau bỏ qua một bên. Buộc những cọng hành xanh thành từng bó nhỏ. Hắn nhớ cái giọng khó khăn của bà cụ lúc nào cũng nồng mùi dầu khuynh diệp, mẹ người chủ tiệm. Hạ ơi, mày bó rau thế này thì tao có mà dẹp tiệm thôi. Hắn nhớ cả một lần bắt gặp cô bị con cua kẹp ngón tay. Hắn đã anh dũng bẻ gẫy càng con cua để gỡ cho cô. Hắn nhớ nét nhăn nhó dễ thương trên khuôn mặt gầy gò. Cám ơn chú. Chú cháu gì. Tôi đáng tuổi anh cô thôi. Lần ấy, con bồ Tây đã thắc mắc với hắn anh nói chuyện gì với con nhỏ bán hàng vậy.
Đầu óc hắn quay cuồng những đoạn phim cũ. Tiếng ì ạch bên ngoài. Đừng chú ơi. Con sợ lắm. Tiếng con gái ui da vang vọng tới từng ngõ ngách căn nhà. Tiếng ngã đổ của chai lọ phũ phàng lùa vào tai hắn. Tiếng xô đổ của cả một quầy hàng rổn rảng. Hắn hình dung những ống lon lăn lóc dài theo lối đi hẹp. Ôi trời. Tiếng đàn ông rống lên đau đớn. Mẹ mày, muốn tao báo cho sở Di Trú biết mày di dân lậu phải không, con khốn nạn. Con không di dân lậu, con có chồng thiệt mà. Tiếng con gái khò khè qua cuống họng bị siết. Chồng mày là ai, tên gì, hả con khốn nạn... Tên gì, nói đi, tao để yên...
Lòng hắn bừng bừng lửa đốt. Tiếng vải xé sắc lạnh. Đến nước này thì không còn lặng im được nữa. Hắn đứng bật dậy. Đầu húc vào khung gỗ đau choáng người. Tiếng khò khè van vỉ xoáy hai lỗ tai. Con lạy chú, con lạy chú...
“Thôi!” Hắn quát lên, hai chân luồn lỏi giữa những chai lọ, thùng, ống ngổn ngang trên lối đi hẹp.
Người đàn ông kéo vội bàn tay ra khỏi ngực áo cô gái. Trong một thoáng, hắn thấy được khuôn ngực tròn tròn mầu hồng lợt lạt dưới ánh đèn nê ông.
Người đàn ông lồm cồm ngồi dậy. “Anh là ai?”
Cô gái tóc tai rũ rượi, luống cuống kéo vạt áo che ngực, loay hoay chống tay đứng dậy.
“Mày là ai?”
Hắn luống cuống một giây, tay xoa chỗ đau trên đỉnh đầu, rồi hít một hơi dài, dõng dạc, “Tôi là chồng cô ấy.”
Cái đầu người đàn ông quay tới quay lui, hết nhìn hắn đăm đăm rồi lại trân trân nhìn người con gái. Giọng gã run run, “Anh nói gì?”
“Hạ là vợ tôi.”
Hắn đứng thẳng người, lần đầu tiên trong đời hắn đứng thẳng người. Hắn nhìn người con gái một cách tự tin. Nàng nhìn hắn bằng tất cả sững sờ trên thế gian trộn với một chút gì rất mênh mang, trìu mến.
Những ngón tay người đàn ông run rẩy phủi bụi trên chiếc áo sơ mi lòe loẹt mầu sắc. “Sao cô ấy không bao giờ nói với tôi... Nhưng mà anh trốn trong tiệm tôi làm gì.” Gã đổi qua giọng hùng hổ, “Định ăn cướp phải không?”
Hắn tự tin, “Tôi nghe đồn anh dê vợ tôi cả năm nay rồi, hôm nay mới bắt được quả tang.”
“Vợ anh mới làm chưa được ba tháng làm sao dê được cả năm, đồ gian xảo. Tôi gọi 911 cho xem.”
“Gọi đi, tôi chờ.” Hắn đứng sát vào người con gái lúc này đã thu hẹp lại như chiếc bóng sát bên quầy trái cây đóng hộp, ân cần nhìn nàng, “Em đừng phủi áo quần, cứ để nguyên vậy làm bằng chứng cho cảnh sát.”
“Tụi mày ra khỏi đây ngay!” Người đàn ông sừng sộ.
Người con gái níu tay áo hắn, “Đi về thôi, chú... anh à!”
“Áo lạnh của em đâu.” Hắn hỏi.
Người con gái đi vòng ra phía sau quầy hàng. Hắn đi sát theo nàng. Mùi gây gây của tóc luồn vào mũi làm hắn ngây ngất. Hắn kéo dây cài áo cho nàng. Rồi hắn đẩy cửa. Hai người bước vào vũng lạnh băng của tuyết giá cuối năm.
Hai người đứng sát vào nhau cạnh cây cột đèn. Hơi lạnh phả vào mặt hắn, căm căm, làm hắn quên mất tiêu cơn đói bụng cồn cào.
Chợt hắn nghe tiếng người con gái sụt sùi.
Hắn liều lĩnh choàng tay qua vai nàng. Những ngón tay sần sùi chạm vào chiếc quai da cái túi xách nàng đeo trên vai.
“Hạ sao vậy?”
“Em sợ quá!”
“Qua rồi, đừng sợ.”
Đôi con mắt thất thần của người con gái nhìn quanh, “Xe anh đâu?”
Hắn ngượng ngùng, “Anh không có xe.”
Dường như người con gái rùng mình trong gió lạnh. Hắn cầm lấy bàn tay đeo găng của nàng, “Lại đón xe bus đi Hạ.”
Nàng bước theo hắn. Hắn đi sát vào nàng. Cố nghe ngóng chút hơi ấm của thân thể một người con gái đồng hương. Ít nhất đêm nay cũng có chỗ tạm trú, cũng có miếng cơm nóng, cơm rưới nước mắm cũng được nữa. Chỉ nghĩ tới một nồi cơm trắng bốc mùi thơm gạo nhập cảng từ Việt Nam qua, hắn đã thấy ấm cả lòng.
Tới trạm xe bus. Hắn nhường cho nàng lên trước.
“Mình đi đâu hả anh?”
Hắn ngập ngừng một giây, rồi mạnh dạn, “Về nhà em.”
Nàng bật người dậy khi thân thể vừa mới chạm xuống mặt ghế.
Hắn lo lắng, “Sao?”
Nàng ngập ngừng, “Về nhà anh được không?”
Hắn lắp bắp, “Anh mất... chìa khóa... cửa...”
“Thì mình gọi súp-pờ gì gì đó.”
“Superintendent.”
“Đúng rồi, mình hỏi mượn chìa khóa.”
Hắn ngồi xuống bên nàng, “Thằng chả... đi...” Hắn nhìn vào đôi mắt trong của người con gái đang khuấy lên những vẩn buồn mà nghe lòng nao nao. “Nó đi xa, sau tết mới về. Hay mình về nhà em đỡ đêm nay đi...”
“Em đâu có nhà!”
Hắn tròn mắt nhìn nàng.
“Ngày thường em ngủ lại tiệm; ở sau bếp đó.” Nàng buồn rầu.
Hắn ngồi thụp xuống ghế, ngó mông ra những khoảng đường thành phố sáng tối chập chờn bên ngoài khung cửa. Những ngọn đèn Giáng sinh còn dăng đầy hai bên con phố. Những ngọn đèn xanh đỏ chớp tắt không ngừng. Hắn ủ rũ thở dài. Đêm cuối năm nào cũng vậy. Tưởng năm hai ngàn là tận thế luôn cho rồi để hắn đỡ phải lêu bêu ai ngờ hai ngàn lẻ mấy rồi mà cũng vẫn lại lêu bêu.
Xe chạy ngang trung tâm thành phố. Hai con mắt vô hồn, hắn nhìn thiên hạ ùn ùn xô đẩy nhau đi dọc hai bên đường để chờ đón giao thừa.
Những cặp tình nhân quấn quýt bên nhau. Những cha mẹ dìu con nhỏ lướt đi nhẹ nhàng trên bề mặt bóng loáng của sân trượt băng. Ban nhạc chơi những bài nhạc quen thuộc trong năm. Lát nữa đây người ta sẽ đếm khi chỉ còn mười giây cuối cùng là bước qua năm mới. Mười, chín, tám, bẩy, sáu, năm, bốn, ba, hai, một, chúc mừng năm mới.
Xe bò vào tổng trạm. Hắn vẫn bần thần nhìn đăm đăm vào cái nhộn nhịp của thành phố bên ngoài khung kính. Những ngón tay ấm áp của người con gái nắm hờ cổ tay hắn.
“Hai bạn, tới trạm cuối rồi. Happy New Year!” Tiếng nhắc nhở của người tài xế làm hắn giật mình. Hắn happy new year lại người đàn ông da trắng rồi uể oải lách đi giữa hai hàng ghế, lục tục bước xuống xe. Người con gái đi bên hắn, lặng thinh như chiếc bóng.
“Mình đi đâu hả... chú?”
“Hạ thích ra downtown coi đốt pháo bông không?”
“Lâu không?”
“Lúc giao thừa.”
“Sắp chưa... anh?”
Hắn nhìn đám đông, nói đại, “Khoảng mười phút nữa.”
Tiếng ca hát rộn ràng trong cái lạnh căm căm. Nhạc rock quẫy động không gian. Hắn dắt người con gái luồn lách trong đám người cao nghều nghệu và to xù vì quần áo mùa đông. Những tiếng chúc tụng nổ ran đó đây. Chúc mừng năm mới. Chúc mừng năm mới.
“Hạ... thấy vui không?” Hắn hỏi.
Không nghe tiếng nàng trả lời, hắn quay đầu qua, bắt gặp hai con mắt ướt nhèm.
Hắn không biết nói gì. Mãi, hắn mới nghĩ ra một câu nghe được, “Năm mới khóc xui lắm đó!”
Nàng nhoẻn miệng cười, “Tết tây mà xui gì!”
Hắn thích thú đi sát vào người nàng, “Cứ khóc là tết nào cũng xui. Cười như vậy mới hên.”
Một lát, nàng than lạnh. Hắn trấn an là chút xíu rồi sẽ quen, lúc mới qua ai cũng chịu lạnh dở như vậy đó.
“Sắp giao thừa rồi đó Hạ ơi.” Giọng hắn sôi nổi.
“Giao thừa xong mình đi đâu hở anh?”
Hắt cụt hứng. “Để từ từ rồi tính.”
Nàng cằn nhằn, “Phải như hồi nãy đừng cãi với ông chủ làm gì...”
Hắn giật mình, “Bộ Hạ muốn nó làm gì thì làm à?”
“Nó đòi hoài chứ đâu.”
Tim hắn thắt lại.
“Nhưng em cứ hẹn lần này qua lần khác. Chắc ông ấy cũng biết bị lừa...”
Hắn nói thẳng ra cái điều muốn biết, “Sao Hạ không ở đỡ nhà ông anh rể.”
Người con gái bỗng dưng sụt sùi, “Thì cũng hơn gì thằng cha chủ tiệm tạp hóa!”
Tiếng vỗ tay, tiếng la hét ồn ào xung quanh. Một người con gái tóc vàng mặc áo lông dầy đứng trên bục cao cầm cái dùi lớn chuẩn bị gõ vào cái phèng la tròn như cái nia bên nhà.
“Giao thừa tới rồi đó. Nói chuyện gì vui lấy hên đi Hạ. Hạ thấy con nhỏ tóc vàng đó không, sắp count-down đó.”
Thấy nàng ngơ ngác, hắn toan giải thích lại thôi.
Từng nhịp vung của cánh tay. Tiếng phèng la lanh lảnh. Tiếng đếm ngược từ mười trở lại. Hắn thấy môi người con gái mấp máy, lẩm nhẩm đếm theo. Vui anh há. Hắn nghe tiếng nàng thì thào. Ừ vui. Mười, chín, tám, bảy. Hắn đếm thầm bằng tiếng Việt. Sáu, năm, bốn, ba, hai, một. Happy New Year. Hắn gỡ vội cặp găng tay nhét vào túi áo choàng rồi xoay qua ôm chầm lấy người con gái, hôn vội lên trán nàng. Hắn không muốn làm nàng sợ, nên chỉ hôn thật nhẹ lên vừng trán lạnh băng. Rồi buông ngay nàng ra. Nhưng Hạ đứng yên. Đầu gục hờ trên vai hắn. Những ngón tay gầy của người con gái mầy mò tóc hắn, chạm cả vào cục u vẫn còn ê ẩm. Giao thừa rồi đó Hạ. Chúc mừng năm mới em. Chúc em năm mới đừng bị homeless như anh.
Chúc em năm mới nhiều may mắn.
Đầu người con gái vẫn ngả trên vai hắn. Bầu trời lóe sáng trăm ngàn ngọn pháo bông rực rỡ. Tiếng nổ bùng vỡ không gian, nghe như pháo giao thừa ở một miền quê hương xa thẳm. Trong tiếng reo hò tở mở của thiên hạ xung quanh, hắn nghe tiếng nàng thì thào, “Bây giờ mình về đâu hả anh?”