Bóng hình trong
Tác giả: Hoàng Dung
"Những buổi chiều mưa, chúng tôi lại rủ nhau đi mò cua, bắt ốc, bắt cua..."
Thuở bé, gần như các anh em họ chúng tôi trạc mươi mười lăm tuổi đều được “tống” về nhà ngoại vào những ngày cuối tuần hay dịp hè. Chúng tôi tha hồ tắm sông, lội hào, trèo me, hái dừa….Nhưng thú vị nhất là rủ nhau đi…hái trộm trái cây của nhà hàng xóm mặc dù vườn nhà không thiếu!
Những buổi chiều mưa, chúng tôi lại rủ nhau đi mò cua, bắt ốc, bắt cua, đêm đến lại theo người lớn đi soi ếch. Những đứa con nít thành phố lâu ngày được lội sình, thức đêm, mò mẫm trong đêm đối với tôi là chuyến phiêu lưu kỳ thú như trong truỵên hình sự. Và dĩ nhiên chưa bắt được con nào thì cả lũ đã chụp cả đống ếch… to cộ sực nức mùi sình bùn.
Mỗi lần nghe bài "Lá diêu bông” tôi lại thấy bóng hình của dì
Năm đó bà ngoại đã ngấp nghé tuổi “thất thập cổ lai hy” mà vẫn phải khản giọng vì lũ cháu tinh nghịch. Cách duy nhất của ngoại có hiệu quả nhất đối với lũ chúng tôi là: méc dì Út. Nghe đến, cả đám chúng tôi đều lè lưỡi, rụt đầu ngán ngẩm. Mà không lo, mấy tuần dì mới về ngoại một lần vì dì đang công tác ở tỉnh bên, chỉ xúi quẩy cho ai mắc tội ngay ngày dì ở nhà thôi. Dì Út không đánh đòn cũng không bắt phạt đứa nào hết, nhưng mỗi lần nghe dì kêu lại đứng hay ngồi thẳng người để hỏi rõ ràng đầu đuôi xong dì giảng cho một bài dài lê thê… còn ớn hơn bị một roi vào mông. Vẫn chưa hết, những “tội đồ” ấy sẽ biến thành tấm gương cho bất kỳ tên quấy phá nào soi vào mỗi lần dì luận tội… Bao giờ trước khi trả đứa nào về nhà đứa nấy, dì đều lôi cả bọn ra “tẩy trần” đám phèn đất bám đầy trên đầu cổ, mình mẩy của từng đứa để về “ba má nhận hổng ra à”. Lần đó cả đám lăn ra bệnh một trận. Người lớn bảo do dì gột rửa sạch sẽ quá đâm ra bọn nhỏ thiếu “vi trùng” hộ thân chống lại bệnh tật, và chúng tôi hoàn toàn tin như vậy. Dì bảo: “Con ngoan trò giỏi gì mà ở dơ thấy sợ!”. Danh hiệu cao quý của học sinh ngày đó mà bị dì giễu cợt như vậy thì xấu hổ quá chừng, nên bao phen tôi hoảng sợ thật sự khi đít quần đen thui do lúc chơi vui quá ngồi bệt luôn ra đất, còn tay áo thì lằn đen sọc dọc vì chùi mồ hôi và quẹt mũi…
Nhưng vẫn chưa hãi bằng lần dì mắng tôi: “Con gái lớn rồi, ra đường phải mang theo giỏ xách đựng khăn, lược, kim chỉ…”. Dì bảo: “Phải tập thói quen như vậy để sau có đến nhà ai cũng không tùy tiện sử dụng đồ dùng cá nhân của người ta, con gái về đến nhà phải nhanh chóng thay đồ, rửa chân tay mặt mũi, kẹp cao tóc (lúc đó tóc tôi rất dài) xong cầm ngay chổi quét cái nhà trước nhất rồi muốn làm gì thì làm…”
"Dì lôi cả bọn ra “tẩy trần” đám phèn đất bám đầy trên đầu cổ, mình mẩy của từng đứa"
Dì Út là thế. Dì luôn tạo ra vẻ đạo mạo, trịch thượng khi răn đe, nhưng thật ra dì thương chúng tôi lắm. Phần thưởng của dì cho những ai siêng năng, học giỏi là lốc tập trắng phau phau vào đầu năm học mới – mà ngày ấy, dễ mấy ai có được nhiều vở trắng trong cặp táp. Và cả những chiếc áo sơ mi trắng có được từ vải tiêu chuẩn may áo blouse của dì ở bệnh viện cũng biến thành quà tặng chúng tôi, trong khi chiếc blouse trắng dì đang mặc đã sờn nhưng trông vẫn rất mới và tinh tươm…
Không ai trong chúng tôi trưởng thành mà không một lần được thưởng và vô số lần bị biến thành “gương”, nhưng tất cả không chỉ là kỷ niệm tuổi thơ mà giờ đây chúng tôi vẫn thường đạo mạo, trịch thượng nói chuyện với con của mình y như dì Út ngày xưa. Bây giờ tôi đã vào tuổi “biết lo” nhưng mỗi lần về quê vẫn được nghe dì lên lớp. Dì vẫn ở vậy để lo cho ngoại và lũ cháu chúng tôi. Mỗi lần nghe bài ”Lá diêu bông” của nhạc sĩ Trần Tiến, tôi lại thấy bóng hình của dì, dì Út vẫn mãi là dì Út ngày xưa…