watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Bên Kia Sông - tác giả Hoàng Long Hải Hoàng Long Hải

Bên Kia Sông

Tác giả: Hoàng Long Hải

“Châu Ô châu Lý mà chi nữa,

Đất đã mang về nỗi biệt ly”


(Huy Phương)

Thành phố Quảng Trị ở bên nầy sông Thạch Hãn, bên kia sông là làng Nhan Biều, làng ngoại tôi.

Hình như dòng họ nội tôi có máu lưu lạc tha phương. Ông nội tôi bỏ làng mà đi khi ông còn trẻ, lập nghiệp ở quê vợ của ông. Ba tôi cũng bỏ làng mà đi, khi ông cũng vừa hai mươi tuổi. Tới đời anh em tôi cũng vậy, chẳng ai ở lại quê nhà cho đến già, chết và chôn ở quê hương. Có lẽ đó là định mệnh.

Ba tôi từ Thừa Thiên tới Quảng Trị khi ông còn trẻ, cưới mẹ tôi ở ngay tại thành phố Quảng Trị. Rồi anh em chúng tôi sinh ra và lớn lên ở đó. Tuy làng ngoại ở bên kia sông, chúng tôi cũng ít khi về.

Ấn tượng sâu sắc nhất của tôi về làng ngoại là con sông Thạch Hãn, con sông chảy ngang thành phố Quảng Trị, nơi tôi sinh ra và lớn lên ở bên nầy sông và làng ngoại tôi, bên kia sông. Dĩ nhiên, con sông Thạch Hãn đã để lại trong lòng tôi quá nhiều ấn tượng thời thơ ấu cũng như thời niên thiếu và cả sau nầy nữa, khi tôi đã lang thang nơi xứ người, khi tôi đã già nua tuổi tác, như tôi có nhắc lại trong bài viết nhan đề “Sông Thạch Hãn”. Làng ngoại tôi bên kia sông cũng là một hình ảnh ấm cúng và thân thiết, bao giờ cũng nằm sâu trong tiềm thức của tôi, từ khi tôi còn thơ dại. Quê hương ấy, như những bức tranh nhiều màu sắc, sống động, như một cuốn phim đẹp đẽ và êm đềm, mỗi khi tôi lưu lạc nơi xứ người, mỗi khi buồn bã, nhung nhớ, mỗi đêm trằn trọc, thao thức thì những thước phim thời thơ ấu ấy như được gắn lên một cai máy quay phim, từ từ và êm ái hiển hiện ra trong trí óc tôi, làm cho tôi đã không ngủ được lại càng thêm thao thức vì những hình ảnh xưa cũ thời thơ ấu. Thường “Cuốn phim tiềm thức thức dậy” ấy bắt đầu bằng một hình ảnh rất xưa mà nay không còn nữa. Đó là cái tháp đạo bên sông, mặc dù người dân làng ngoại tôi ít ai theo đạo Thiên Chúa.

Đứng đầu đường Cửa Hậu (1), kế bờ sông, chỗ nhà tôi, ngó qua bên sông là tháp đạo. Chỗ ấy, ngày xưa triều đình Huế khi cấm đạo, đã xử trảm ông thầy dòng Thomas Nguyễn Văn Thiện. Sau khi triều đình Huế bị thua Tây rồi, đạo Thiên Chúa mạnh lên, họ bèn xây một cái tháp đạo ở đó, để kỷ niệm một người đã hy sinh vì Chúa Giê Su.

Tháp đạo cách bờ sông không xa.

Hồi xa xưa, có nhiều khi tôi ra ngồi chơi bên bờ sông Thạch Hãn nhìn qua cái tháp đạo bên sông. Cái tháp đạo hình bút tháp, màu xi măng xám buồn thảm, vươn cao lên giữa đám cây dứa dại um tùm và nhiều ngôi mộ ngổn ngang của làng, đằng sau tháp đạo là một hàng dương liễu bốn mùa xanh ngắt, tưởng như nó là hậu cảnh của một cái sân khấu vậy. Hình ảnh đó, hồi ấy, đem lại cho tôi ý nghĩ về sự chết chóc hơn là những ý niệm gì về việc cấm đạo hay lòng trung kiên với tôn giáo - buồn thảm và ma quái. Cho nên khi chiều xuống đã lâu, khi bóng tối từ từ lên cao, khi chim chóc bay về tranh nhau chỗ ngủ ở cây đa kề bên tháp đạo, kêu réo nhau om sòm thì tôi rời chỗ ngồi bên nầy sông để về nhà. Mặc dù hơi sợ ma, nhưng tôi biết chắc chẳng có con ma nào ở bên kia vượt sông qua đây để nhát tôi.

Ngay từ thời ấy, tôi không rõ tôi thích hay không thích cái tháp đạo ấy. Tôi không phải là người theo đạo Thiên Chúa để có thể nghe các ông linh mục giảng giải hay tuyên truyền về lòng hy sinh cao cả của những người vì Chúa mà giữ đạo như ông thánh Thomas Thiện hay những người tin chúa chạy trốn lên La Vang, - ở bên nầy sông, cách thành phố Quảng Trị không xa -. Và cũng không ai dạy cho tôi sự kỳ thị tôn giáo để tôi không ưa những người có đạo hay ngay cả việc không ưa cái tháp đạo đứng chơ vơ ở bên sông. Nhưng quả thật khi Tây cho xe tăng bắn sập cái tháp đạo ấy, lòng tôi không khỏi buồn. Buồn ít hay buồn nhiều, tôi không chắc, nhưng tôi đã có buồn vì cái tháp đạo bên sông không còn nữa.

Số là khoảng đầu năm 1954, có lẽ khi trận đánh Điện Biên Phủ càng lúc càng căng thì Việt Minh ở xứ tôi cũng tăng cường hoạt động để cầm chân lính Pháp. Một đêm, Việt Minh đem súng cối về bên sông, đặt sau cái tháp đạo để pháo kích qua thành phố. Không biết đạn pháo kích của Việt Minh trúng những đâu nhưng lính Tây ở Trung Đoàn Kỵ Binh Hải Ngoại Số 1 (1ère Étrangère Regiment De Cavalier) đóng ở nhà thương cũ đã cho xe tăng của họ ra đậu nơi bờ sông, nhắm thẳng đại bác vào cái tháp đạo mà phản pháo. Có lẽ mấy “anh Việt Minh” chạy trối chết vì từ trước đến giờ họ vẫn núp bên tháp đạo pháo kích qua sông nhưng chưa bao giờ Tây đem xe tăng phản pháo một cách dữ dội như thế. Nạn nhân không ai khác chính là “cái tháp đạo của tôi”. Sáng ra, tôi không còn thấy cái tháp đạo đâu hết. Nó đã “bay mất” vì những quả đạn trên xe tăng của Tây bắn ra. Và dĩ nhiên, trong lòng tôi nổi lên một nỗi buồn. Làng tôi mất đi cái tháp đạo không phải của làng, nhưng lòng tôi mất đi một hình ảnh buồn bã đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng tôi khi tôi còn thơ ấu.

Năm 1958, tôi dạy tạm mấy tháng ở trường trung học Thánh Tâm Quảng Trị, cũng ông Thomas Nguyễn Văn Thiện, hiệu trưởng, - ông thầy dòng đời nay là “hậu duệ” ông thánh Thomas Thiện bị trảm quyết ngày xưa -, nhân dịp lễ thánh bổn mạng, ông tổ chức làm lễ ở cái tháp đạo bên sông, làng ngoại tôi. Ông Thomas Thiện có rủ tôi qua tham dự. Tôi đi theo ông ấy. Giữa cái nghĩa địa hoang tàn bên bờ sông, chỗ kỷ niệm ấy đã được xây dựng lại, bằng một tượng đài thấp ngang mặt người. Người ta không xây lại cái tháp đạo cao như xưa. Và lòng tôi vẫn tiếc về một cái tháp đạo bên sông tuổi thơ của tôi vậy.

Dĩ nhiên làng ngoại tôi không chỉ có chừng ấy. Trong tuổi thơ của tôi, còn có con đường làng nhỏ nhắn và lặng lẽ chạy dọc theo bờ sông, với một nỗi buồn cô quạnh như bao nhiêu con đường làng ở thôn quê Việt Nam. Đồng hành với con đường làng nhỏ bé là lũy tre làng xanh ngắt. Tôi không được đến gần lũy tre để xem những ngọn tre già ngã nghiêng theo gió như thế nào, nhưng một màu xanh kéo dài chạy dọc bên kia sông thường để lại một ấn tượng tươi mát nào đó trong tâm hồn tôi, không như những ngọn dương liễu trồng dọc theo bờ sông bên nầy, bao giờ cũng vi vu một điệu nhạc trầm lắng và buồn bã muôn năm, dù trong những ngày hè có gió Lào nóng nực hay những ngày mưa phùn có gió bấc lạnh lẽo từ vùng Tây Bá Lợi Á thổi về. Tôi yêu lũy tre làng ấy như tôi từng yêu những lũy tre làng đã được nhiều nhà văn mô tả trong văn chương, và nó cũng để lại một ấn tượng gần gủi khi ai đi xa về, thấy lũy tre làng hiện ra xa xa ở phía chân trời. Tôi cũng vậy, nhiều khi thấy lũy tre làng, tuy chưa tới gần lũy tre làng ấy lần nào, một cảm tưởng nhẹ nhàng, gần gủi và thân ái hiện ra trong trí óc trẻ thơ của tôi: Lũy tre làng ấy là làng ngoại tôi đó. Phía trên lũy tre làng, hướng dãy núi Trường Sơn là một bãi cát vàng rộng và phẳng.

Những ngày hè, khi nước sông Thạch Hãn cạn xuống, tôi cùng những đứa trẻ cùng tuổi bơi qua sông để đến chơi ở bãi cát bên kia sông. Lần qua sông đầu tiên thật là một thành công vĩ đại, mặc dù từ chỗ bắt đầu bơi bên nầy dòng nước, qua tới bên kia, chỗ có thể đứng thẳng được mà không lút đầu những đứa trẻ như chúng tôi, xa chưa đầy hai mươi thước. Dĩ nhiên, chúng tôi phải chơi và phá cho thật dữ để bù lại cái công trình vĩ đại vượt qua con sông cạn đó. Phá tức là lùng bắt cho hết những đám dế lửa, dế mọi, dế ban-lông núp dưới những thân bắp khô mà người ta đã đốn và xếp thành đống, là hái những trái dưa non, trái quả, khoét một cái lỗ để làm “nhà” cho những chú dế đã kiên cường chiến đấu, nhiều phen thắng trận vẻ vang, với tiếng kèn vinh quang vang dội phát ra từ đôi cánh mỏng manh của nó, sau khi địch thủ bỏ chạy. Hiền hơn một chút thì chúng tôi ghé lại nền văn miếu cũ, trèo lên những cây dương liễu còn sót lại để bẻ cành hay đi sâu vào trong xóm, tới nhà bạn học – chúng nó ở bên sông nhưng sang học bên nầy sông vì trong “tiêu thổ kháng chiến”, trường đã bị phá sập – kiếm khoai lang mới luộc hay khoai lang lát phơi khô, nhai cho đã miệng.

Trước chiến tranh, khi tôi mới cắp sách đến trường để học lớp Đồng Ấu - với cô giáo đầu đời của tôi là cô Hồ, một người cháu kêu thân phụ tôi bằng cậu - thì anh cả tôi, lúc đó cũng chưa tới 15 tuổi, thường lấy xe đạp của ông cậu tôi chở tôi qua chơi bên Văn Thánh, hay còn gọi là Văn Miếu. Chỗ ấy nay chỉ còn là cái nền gạch không. Hình ảnh về một ông Thánh Khổng cùng với “Thất Thập Nhị Hiền” (2) không còn lại một chút gì trong tâm hồn tôi. Có lẽ vì hồi ấy tôi còn nhỏ, ưa chơi đùa quanh sân Văn Thánh hơn là vào trong để xem hình tượng mấy ông mũ cao áo rộng, râu ngắn, râu dài mặt mày lúc nào cũng nghiêm trang, đạo mạo và khó đăm đăm mà trước đó tôi không mấy gần gủi, chỉ thấy hình vẽ mấy ông ấy đâu đó trong sách “Luân Lý Giáo Khoa Thư”, sách các anh chị tôi đang học. Nhưng chắc chắn những hình ảnh ấy không còn lại trong tâm hồn tôi không phải vì một cuộc “Đại Cách Mạng Văn Hóa” nào đó như bên Tàu. Cũng may, tôi lớn lên chưa từng gặp một cuộc “Đại Cách Mạng Văn Hóa long trời lỡ đất” nào để về sau, khi người ta nhớ lại không khỏi khiếp đảm kinh hồn.

Tuy nhiên, có một âm thanh còn lại sâu lắng trong tâm hồn trẻ thơ của tôi là tiếng tắc kè kêu đâu đó, trên mái nhà, trên xà nhà khi tôi còn nhỏ đến chơi ở đây với anh tôi. Hình ảnh một con tắc kè to quá cở, da xanh lốm đốm trắng mốc trông đến dễ sợ, - khác xa với những con thằn lằn mỗi đêm thường xuất hiện bắt muỗi trên vách nhà tôi -, làm cho tôi sợ không ít. Nó có cái vẻ gì đó ma quái, gần gủi với âm ty nhiều hơn với cõi dương chúng ta đang sống, và tiếng tắc kè vang lên cô quạnh trong những buổi trưa hè như tiếng vang vọng nào đó phát ra từ cõi âm ty. Cái âm thanh lạnh lẽo và ma quái để lại một ấn tượng sâu sắc trong lòng tôi cho tới bây giờ.

Bao giờ tôi cũng yêu quê ngoại tôi nhưng tôi cũng không bao giờ nhận rằng tiếng kêu của những con tắc kè ấy ở văn miếu hay cái tháp đạo bên sông thuộc về quê ngoại tôi. Chúng thuộc về một thế giới khác nào đó, mơ hồ hơn, xa vời hơn và cũng buồn bã hơn, gần với âm cảnh nhiều hơn là với quê ngoại bình yên và lặng lẽ yêu dấu của tôi.

Cái cầu Ga nằm hơi xa thành phố một chút, khiến cho những người qua sông bằng xe phải đi xa hơn. Lấy chiếc xe đạp đàn ông ra, anh tôi đặt lên giàn sắt ngang một cái gối trẻ em để tôi ngồi cho khỏi đau đít, rồi chúng tôi bắt đầu một cuộc hành trình về quê ngoại mà chỗ anh em chúng tôi thường đến nhứt là Văn Miếu. Con đường từ phía ngoài thành phố đi lên phía cầu ga hồi ấy chưa tráng nhựa, nên bánh xe dằn lọc cọc trên những hòn đá lớn bằng củ khoai lát trên mặt đường. Nhiều khi anh tôi phải chạy xe sát lề đường, chỗ không lát đá, chỉ có đất đỏ để xe chạy được êm, tránh cho tôi những cú xóc đau đít dữ tợn nhưng tôi không dám kêu đau, sợ lần sau không còn được anh tôi chở đi chơi nữa. Chưa kể những năm máy bay Mỹ Nhựt đánh nhau, vỏ xe đạp cũng hiếm; thay vào những bánh xe bơm hơi là những bánh xe cao su đặc, giống như tình hình miền Nam sau ngày “giải phóng” vậy. Với hai cái bánh xe đặc, chiếc xe trở thành một sức nặng quá cỡ, và những cú sóc trên mặt đường đá trở thành “vô tiền khoáng hậu”.

Mỗi khi qua cầu Ga, tôi thường nhắm mắt lại. Tôi sợ nhìn thấy mặt nước xanh ngăn ngắt ở dưới cầu, trông nó thật gần gủi với cõi âm ty nếu như anh tôi không vững tay lái khiến chúng tôi rơi xuống đó. Tôi cũng sợ lỡ khi qua nửa cầu thì xe lửa ầm ầm trờ tới, nếu không rớt xuống cầu thì cũng đụng nhằm con khủng long khổng lồ thời hiện đại.

Những cảm giác vừa hồi hộp vừa thích thú ngày ấy mỗi khi đi xe đạp qua cầu, cách nay đã hơn năm mươi năm, nhưng bao giờ tôi cũng thấy như gần gủi lắm, chưa phải là những cảm giác rời khỏi tiềm thức.

Thật vậy, về sau, khi đi qua nhiều chiếc cầu sắt trên con đường xuyên Việt như cầu Ga Huế, cầu Đà-Rằng hay cầu Bình Lợi, cái cảm giác hồi hộp và kỷ niệm thích thú hình như sống lại gần nguyên vẹn trong lòng tôi vậy.

Quả tình tôi khó thể nào quên được quê mẹ. Ngày sau lớn lên, khi đọc thơ Huy Cận:

“Không cầu nối lại niềm thông cảm
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng”

là tôi nghĩ tới bãi cát vàng bên kia sông và những hàng tre dài bên làng ngoại, hiện ra rõ ràng trong trí óc của tôi.

Cũng chưa hết đâu, nếu như tâm trạng cô Kiều khi lưu lạc xa xôi nơi “Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia” hay “Đùng đùng gió giục mây vần, Một xe trong cõi hồng trần như bay” và “Vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh” là tôi nghĩ tới những chiếc xe chạy bên sông, từ Cầu Nổi băng qua bãi cát vàng để đi vào Quốc Lộ 1, cùng với những đám bụi tung lên mù mịt phía sau xe, khiến đôi khi tưởng như chiếc xe đã biến mất trong đám bụi vàng, mặc dù quê ngoại tôi không phải là Vô Tích hay Lâm Chuy để cô Kiều đặt bước chân giang hồ lưu lạc của cô tới.

Những năm chiến tranh, khi cầu Ga (cầu xe lửa bắt qua sông Thạch Hãn) bị Việt Minh phá sập thì quân đội Pháp, sau khi chiếm lại thành phố năm 1947, họ bắt một cây Cầu Nổi ở chỗ nhà máy nước cũ nối qua bên kia, chỗ bãi cát bên sông.

Thời chiến tranh Việt Pháp, tôi còn nhỏ, đêm nằm bên nầy sông, vài khi khuya lắm, tôi nghe tiếng xe hơi chạy ì ầm bên sông; có khi tôi nghe cả tiếng xích sắt của xe tăng nghiến trên đường nhựa. Kinh nghiệm trẻ thơ của một đứa bé lớn lên trong chiến tranh cho tôi biết rằng Pháp đang chuyển quân. Họ đang chuẩn bị một trận đánh lớn, như trận Thanh Hương chẳng hạn. Thế nào những ngày hôm sau cũng có tiếng súng nổ ầm ì ở vùng quê. Thật vậy, năm 1953, trận Thanh Hương lớn lắm, là đề tài một bài bút ký chiến tranh của Bernard Falls với nhan đề là “Con Đường Buồn Thiu” (The Street Without Joys). Đó cũng là nhan đề một cuốn sách nổi tiếng của tác giả viết về chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (1945-54) (3)

Trên con đường chuyển quân đó, âm thanh ầm ỉ nhứt là khi xe qua cầu Ái Tử. Mặt cầu không lót ván mà lại lót bằng sắt nên tiếng dội rất lớn. Tiếng động ấy gợi cho tôi hình ảnh chiếc cầu nhỏ trên một con sông nhỏ, ranh giới phía bắc của làng ngoại tôi và làng Ái Tử. Như nhiều người biết, Ái Tử đi vào lịch sử từ lâu lắm, nhứt là kể từ khi chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa. (4)

Tôi cũng có rất nhiều kỷ niệm thời thơ ấu với Ái Tử, với Chùa Phật Lồi, với chùa Sắc Tứ (Sắc Tứ Tịnh Quang). Nhưng vùng nầy ở ngoài địa phận làng ngoại tôi nên tôi không viết vào đây làm gì.

Hồi ấy, mới học lớp Đồng Ấu, đọc chưa thông chữ Quốc Ngữ, tôi vẫn lấy sách “Quốc Văn Giáo Khoa Thư” đánh vần từng chữ để đọc bài “Chim Sơn Ca”. Tiếng chim ấy hót hay và vang xa lắm. Nhiều khi chim bay tuốt trên trời cao, không thấy nó đâu cả nhưng tiếng chim hót vẫn vang vọng tới tai người nghe. Tôi yêu tiếng chim ấy. Vì là dân thành phố, tôi chưa từng được thấy chim sơn ca. Nhưng những lần về thăm quê ngoại, ra chơi ngoài đám ruộng trước nhà Cụ Đốc, tôi vẫn không thấy chim sơn ca đâu cả. Cái thất vọng ấy vẫn đeo đuổi tôi đến nhiều năm, cho đến khi khôn lớn. Ngày nay, tôi đã nghe nhiều tiếng chim kêu rất hay do người ta nuôi trong lồng. Nhưng chắc chắn, dù là tiếng chim hót hay trong cảnh lầu son gác tía cũng không bao giờ làm cho tôi thích thú bằng tiếng hót của một con chim sống trong cảnh tự do giữa trời cao đất rộng! Chính ngay con người của chúng ta cũng vậy thôi.

Tôi vẫn mang trong lòng một nỗi tiếc nuối ấy, cho tới bây giờ, tôi vẫn chưa từng thấy một con chim sơn ca để biết hình dạng và nghe tiếng chim hót hay như thế nào.

Có lẽ ngay chính mẹ tôi cũng không phải là người sinh ra ở làng. Lâu lắm, hồi cuối thế kỷ 19, ông ngoại tôi đóng “loon” đội lính Khố Xanh trong cổ thành Quảng Trị. Không rõ do đâu ông ngoại tôi cưới bà ngoại tôi người làng Cu Hoan, Phủ Hải Lăng, không phải là người cùng làng. Ông ngoại tôi qua đời khi tôi chưa có mặt trên cõi đời nầy. Cả bà ngoại tôi cũng vậy. Bà ngoại tôi quá vãng trước khi tôi đi học lớp Đồng Ấu với Cô Hồ. Bà ngoại tôi cũng được đem về chôn ở quê chồng, như phong tục người Việt Nam vậy. Ông bà ngoại tôi không có con trai, chỉ có 6 người con gái. Mẹ tôi là thứ ba, kể theo cách của người Trung và người Bắc. Phần nhiều các bà dì tôi qua đời sớm. Năm 1948, khi hồi cư về thành phố Quảng Trị, mẹ tôi chỉ còn hai chị em. Mẹ tôi và một người em gái. Tuy vậy, ngay cả trước khi chiến tranh Việt-Pháp, mẹ tôi là người làm ăn khá giả nhứt và không theo chồng đi xa như các chị em của mẹ tôi nên mỗi năm, ngày giỗ kỵ mẹ tôi đứng ra cáng đáng lo liệu hết. Bà trở thành một “người anh cả” để lo thờ phụng tổ tiên.

Mỗi lần kỵ, nhất là lần kỵ ông ngoại tôi là kỵ lớn, các cậu tôi ở bên sông che dù xuống đò qua sông để dự đám kỵ nơi nhà tôi. Có lẽ vì sống xa quê nội, ít ai tới lui gần gủi và vì thương mẹ, nên chúng tôi rất gần với bên ngoại. Các ông cậu tôi, dù không phải anh em ruột với mẹ tôi, chỉ là bà con chú bác xa gần nhưng bao giờ tôi cũng thấy rất gần gủi. Các cậu ấy, kể cả Cụ Đốc Hy là một ông quan lớn nên chúng tôi ít dám tới gần, nhưng họ lại rất thương mẹ tôi và thương các con của bà. Tôi có rất nhiều kỷ niệm về các ông cậu của tôi, như cụ Đốc Hy tôi đã viết trong bài về Cụ (5), Cụ Ngọ làm y tá ở Bệnh Viện Quảng Trị trước năm 1945, người vẫn “tin tưởng” anh em chúng tôi khi Cụ từ bên kia sông qua tỉnh làm việc, gởi xe đạp ở nhà chúng tôi. Anh cả tôi đã lấy trộm xe của Cụ chở tôi đi chơi Văn Thánh nhiều lần, Cụ Kham và Cụ Trùm.

Cụ Kham là người tương đối nghiêm khắc nhứt. Khoảng cuối thập niên 1950, khi tôi đã đi dạy ở Huế, một hôm một mình Cụ Kham từ bên sông qua kỵ ông ngoại tôi ở nhà tôi. Khi Cụ qua tới nơi, mẹ tôi sai chúng tôi vặn quạt máy để Cụ ngồi nghỉ ở cái ghế salông trong phòng khách, pha nước trà ngon để cụ giải khát, v.v… Chúng tôi rất kính trọng Cụ.

Vậy mà một lần bỗng nhiên chưa kỵ xong, Cụ bỏ ra về. Từ trên phố về, thấy Cụ vừa ra tới bờ sông, mẹ tôi vội vàng biểu xe xích lô dừng lại hỏi “Sao kỵ chưa xong mà anh về?” Cụ Kham không trả lời, bỏ đi một mạch. Mẹ tôi năn nỉ thế nào Cụ cũng không nói, cứ lầm lủi đi. Mẹ tôi biết ở nhà có chuyện gì đây làm phật lòng Cụ. Chúng tôi chưng hững không biết chuyện gì mà bị mẹ rầy nhưng đứa em gái tôi, lúc đó chưa lấy chồng, ở nhà với mẹ, thường hay chơi với các cháu gọi nó bằng dì, bằng cô bèn nói: “Tại mấy đứa nhỏ ni. Mấy đứa ni hoang lắm!” Gia đình tôi lúc đó, các anh chị em, tuy đã có gia đình, có con cái nhưng sống tập trung vào hai gian nhà kế cận nhau nên bọn nhỏ có cơ hội đùa nghịch với nhau suốt ngày. Khi chị dâu tôi nấu xong một món kỵ, sai mấy đứa nhỏ bưng từ nhà bếp lên đặt trên một cái bàn trước bàn thờ, chờ xong xuôi tất cả, anh lớn tôi đang là công chức, xin phép về nhà sớm để lo cúng cho kịp giờ ngọ.

Những đứa cháu trai năm bảy tuổi (khi qua đời mẹ tôi có 23 đứa cháu nội ngoại kể cả trai lẫn gái), mỗi khi bưng dĩa thức ăn từ nhà bếp đi lên, chúng thường đùa với nhau: “Cái ni của tau. Cúng xong tau ăn cái ni.” Đứa thì bưng dĩa thịt heo, đứa bưng dĩa thịt bò xào, đứa bưng con gà luộc, v.v… Chúng vừa bưng đi vừa chỉ chỏ vào món ăn trên dĩa mà đùa với nhau như vậy. Cậu Kham tôi chẳng rầy chúng một tiếng, nhưng có lẽ trong lòng cậu tôi giận chúng lắm, những đứa con nít tham ăn và vô lễ. Thế rồi Cậu tôi giận dữ đứng dậy xách dù ra về.

Biết chuyện ấy, mẹ tôi “tập trung” mấy dứa nhỏ lại, la rầy sơ qua vì mẹ tôi là người rất thương và cưng các cháu của bà, nhất là những đứa cháu ngoại, những đứa cháu đẹp nhứt nhà, đẹp như “hột nổ”, mẹ tôi thường khen cháu của bà như vậy.

Người Cậu thương mẹ tôi và chúng tôi nhứt là Cụ Trùm. Cụ đã xông pha nguy hiểm để cứu mẹ tôi và chúng tôi.

Gọi là Cụ Trùm vì cụ làm Trùm trong làng. Cụ góa vợ sớm, có hai người con gái, chị Hựu, chị Thiện và một ngườì con trai, anh Bỉnh. Trước 1945, khi anh Bỉnh còn đi học ở École Primaire de Quangtri, buổi trưa anh thường ăn cơm trưa và nghỉ lại nhà tôi. Nhờ đó, anh em chúng tôi rất gần gủi anh.

Cuối năm 1946, “Toàn Dân Kháng Chiến”, cha mẹ tôi dẫn chúng tôi tản cư. Sau tết Mậu Tý 1948, cha tôi qua đời khi còn ở trên chiến khu. Mẹ tôi và anh chị em chúng tôi cũng ở chiến khu. Mùa hè năm ấy, Tây lên lùng. Nhiều người bỏ kháng chiến về thành phố.

Mẹ tôi dẫn chúng tôi đi theo một con đường mòn trong núi. Con đường chạy dọc theo bờ sông Thạch Hãn, từ Chà Cá về tới bến đò Trấm. Trên đường về, anh cả tôi khóc. Anh mới 20 tuổi, còn “mê” kháng chiến, vì nghe lời mẹ mà phải về thành chứ anh chưa muốn về, không muốn “theo Tây”. Anh đi trước dẫn đường. Có một anh bộ đội, cũng người thành phố, chặt một khúc cây làm gậy đi sau chị tôi đang gánh một gánh đồ đạc và áo quần của cả nhà. Anh canh chừng, sợ cọp thường hay rình bắt những người đi sau cùng trong các đoàn người đi rừng. Anh bộ đội vừa đi vừa hát “Nhớ Chiến Khu”: “Chiều nay xa chiến khu trên đường về, Bên đồi nhìn thông reo, ngàn thông reo…” Có lẽ lòng anh cũng buồn khi phải rời cuộc chiến để làm một người “đầu thú”. (6)

Từ Trấm chúng tôi về An Đôn, ngụ tạm nơi nhà Cậu Hai Phố. (7) Nhà nầy tuy là nhà tranh nhưng lớn hơn những nhà trong làng. Cột, xuyên, trến làm bằng gỗ mít, chạm trỗ rất đẹp, khảm ốc xà-cừ, và mái tranh lợp rất dày. Nhà nằm trong một khu vườn rộng trồng rất nhiều mít. Nhìn qua, người ta biết Cậu Hai Phố của tôi, chủ nhà, là nhà giàu có. Cậu Hai và gia đình đã bỏ nhà hồi cư về thành phố.

Hằng ngày chúng tôi chạy chơi quanh vườn, trèo hái cây trái ăn cho đỡ đói. Đêm đêm chúng tôi nghe rất rõ tiếng động ầm ầm như ai lấy búa lớn gõ vào cầu sắt. Đó là Tây đang sửa chữa lại cầu Ga Quảng Trị đã bị Việt Minh giựt sập.

Thấy gia đình tôi gốc thành phố từ chiến khu về đây, gần thành phố hơn nên Việt Minh cắt người canh chừng. Đêm họ cho người ngồi canh trên cây mít.

Khoảng năm bảy ngày sau, khi trời mới sập tối, Cậu Trùm, anh Bỉnh và chị Thiện lên tận đây đón gia đình chúng tôi về làng ngoại để hồi cư về thành phố. Thì ra mẹ tôi đã nhắn về làng, nhờ Cậu tôi lên đón chúng tôi về.

Cậu Trùm tôi cỏng Hùng (móm), đứa nhỏ nhứt trên lưng. Anh Bỉnh dẫn hai đứa em gái tôi, còn tôi đi theo chị Thiện. Chị chỉ lớn hơn tôi vài ba tuổi. Chúng tôi được dặn kỹ là không được làm ồn, không la khóc, cứ lặng lẽ đi theo người lớn.

Chúng tôi đi trong bóng đêm mờ mờ, theo con đường mòn từ làng An-Đôn về làng Nhan-Biều. Tôi đi chân đất, nhiều khi vấp ngã nhưng không dám kêu to, tuy lúc đó tôi chưa biết sợ Việt Minh. Trước khi băng ngang đường xe lửa, chị Thiện đi lên trước để quan sát có Tây phục kích hay không. Khi thấy an toàn, Cậu Trùm dắt cả gia đình chúng tôi vượt nhanh qua một cái dốc ao. Con đường sắt nằm dài trên ấy. Qua khỏi nơi nầy, coi như chúng tôi được an toàn. Bây giờ chị Thiện mới buông nhẹ tay tôi để tôi đi thoải mái hơn. Tôi nhớ rõ nhất khi tôi bị vấp, chân đau lắm và chút nữa té, chị nắm tay tôi mà xuýt xoa, hỏi nhỏ: “Em có đau lắm không? Em có đau lắm không?” Tuy tôi đã trả lời không nhưng chốc chốc, chị ấy lại hỏi thăm tôi như vậy.

Về tới nhà Cậu, nhà chẳng có ai. Như tôi đã nói, mợ tôi qua đời đã lâu. Hiện Cậu tôi đang ở với hai con: Anh Bỉnh và chị Thiện. Chị Hựu đã theo chồng.

Để chuẩn bị đón o (Cô) và các em, chị Thiện nấu sẵn một nồi khoai lang, một thứ thổ sản của bãi cát bên sông làng ngoại tôi. Có lẽ đã khuya, không ai ăn nhưng tôi và người anh tôi “chiêu cố” rỗ khoai lang rất tận tình. Sau khi ăn vài củ, chị Thiện đến bên rỗ khoai, lựa một củ trắng to, nói với tôi: “Em ăn củ ni. Củ ni bở, ngon.” Tuy không còn muốn ăn nữa, tôi cũng đưa tay nhận củ khoai từ nơi tay chị Thiện. Tôi đi ngủ với củ khoai đó, để trên bộ ván ngựa, ngang với đầu tôi. Sáng hôm sau, khi mọi người ăn khoai lang mới nấu thì tôi ăn củ khoai chị Thiện cho từ tối hôm trước.

Sau khi ăn uống xong, mẹ tôi dẫn chúng tôi ra bờ sông đi về hướng Cầu Nổi để qua thành phố Quảng Trị. Sau ba năm tản cư, nay gia đình chúng tôi hồi cư. Trong số những người ra đi hồi ba năm trước, nay thiếu mất hai người không về. Đó là ba tôi (tôi gọi bằng cậu), nằm lại ở bãi tha ma trên chiến khu “Bơơng” và chị cả tôi, qua đời trước ba tôi một năm, nằm lại trên ngọn đồi cát làng An-Mỹ, cách cửa Tùng không bao xa. Có lẽ mỗi buổi sáng, nằm lại đó, ba tôi còn nghe tiếng vượn hú ở những ngọn núi quanh thung lũng “Bơơng” bên bờ sông Thạch Hãn, trong cảnh sương mù dày đặc của buổi sớm mai, chỉ nghe tiếng vượn hú mà không thấy chúng đâu cả. Và chị tôi nằm trên ngọn đồi cát làng An-Mỹ, đêm vẫn nghe tiếng sóng biển Đông vỗ rì rào ở bờ biển cửa Tùng.

Những người về như mẹ tôi và anh chị em chúng tôi sau ba năm theo kháng chiến, nay thì rách rưới và đói khổ không khác chi… ăn mày. Tuy vậy, cũng có điều an ủi. Anh Xạ Thử (Lê Văn Thử) đang làm lý trưởng phường tôi ra tận bãi cát bên sông để đón mẹ tôi và anh chị em chúng tôi về. Anh ấy ngồi chờ ngay giữa bãi cát, bên cạnh con đường xe hơi nối liền Cầu Nổi với Quốc Lộ 1, không dám đi vào sâu hơn nữa vì sợ Việt Minh. Gặp mẹ tôi anh mừng lắm, nắm tay mẹ tôi nói: “Chị với mấy cháu về rứa là trễ lắm rồi. Thiên hạ người ta đã hồi cư hết rồi.” Biết mẹ tôi lo cho người anh lớn của tôi có thể bị Tây bắt bỏ tù, anh nói: “Tui làm lý trưởng. Tui qua đây để đón chị và mấy đứa về. Có tui bảo lảnh. Chị đừng lo chi.”

Giữa anh Xạ Thử với gia đình tôi có mối quan hệ thâm tình. Bố vợ anh ấy, trước 1945 là ông Xã Hưng, lý trưởng phường tôi. Nay anh nối nghiệp ông bố vợ. Mẹ vợ cũng như vợ anh ấy, trước 1945 có một thời là đồng nghiệp với mẹ tôi ở bệnh viện Quảng Trị. Khi mẹ tôi thôi việc, bà ấy cũng nghỉ theo. Đó là mối quan hệ lâu đời từ những người sống chung trong một phường, cùng làm việc một nơi. Do đó, khi nghe tin mẹ tôi và chúng tôi hồi cư, đích thân anh Xạ Thử ra tận bãi cát bên sông đón gia đình chúng tôi về để, cốt yếu là để mẹ tôi yên tâm.

Tôi không nhớ rõ cảnh hôm đó tôi từ giã nhà cậu tôi như thế nào nhưng củ khoai trắng chị Thiện cho tôi từ tối hôm trước là một món ăn khó quên. Tôi cũng không nhớ buổi sáng gia đình tôi rời nhà Cậu hồi cư, chị Thiện buồn vui như thế nào!

Tuy nhiên, hằng năm, mỗi khi mẹ tôi kỵ ông ngoại tôi thì Cậu Trùm tôi cùng chị Thiện bên kia sông sang dự đám kỵ. Những năm tôi đã lớn, học trung học, khi qua dự đám kỵ, chị Thiện thường tò mò cầm xem qua những cuốn sách tôi đang học. Có vẻ như chị tiếc nuối vì lớn lên ở thôn quê, không được tiếp tục cắp sách đến trường. Đôi khi tôi nhắc đến Nguyễn Cả, Nguyễn Quyền những người bà con bên ngoại của chị, tuy họ lớn tuổi hơn tôi nhưng là bạn học hồi ở tiểu học với tôi. Những người bạn nầy, sau khi đậu tiểu học, bỏ học và lần lượt nhập ngủ, một người đã hy sinh.

Năm 16 tuổi, tôi đi xa. Cũng năm đó, cậu Trùm tôi qua đời nhưng sợ Việt Minh, gia đình tôi không ai về dự đám. Năm sau, anh Bỉnh tập kết ra Bắc.

Mãi khi đã có hiệp định Genève, hòa bình lập lại, tôi mới có dịp về thăm làng ngoại.

Tôi tìm lại nhà cậu tôi hơi khó vì cảnh sắc thay đổi nhiều. Vã lại, tuy tôi có về làng mấy lần, nhưng thuở ấy, tôi còn thơ ấu, tôi không nhớ được nhiều về những gì tôi đã thấy trên con đường xóm. Căn nhà vẫn như cũ nhưng cảnh vật trông thật tiêu điều vắng vẻ. Thật vậy, cậu Trùm tôi thì qua đời, anh Bỉnh tập kết ngoài Bắc, chị Hựu theo chồng vào Nam. Chỉ còn lại chị Thiện sống một mình nơi căn nhà cũ.

Cái cổng tre tuy đã cũ, nhưng không xiêu vẹo, có lẽ được chăm sóc. Con đường từ cổng đi vào cái sân nhỏ trước nhà dẫy cỏ sạch sẽ, hai bên đường là hai vườn ớt. Ở quê tôi, vào mùa xuân, người dân bắt đầu trồng ớt. Tới giữa mùa hạ là ớt chín. Những trái ớt sừng trâu màu đỏ tươi chen lẫn giữa những trái ớt còn màu xanh già, những trái ớt hườm sắp chín trông những cánh hoa. Những trái ớt ấy không cay lắm. Khi ăn, người ta cầm trái ớt cắn bụp một cái nghe vừa dòn vừa ngon và không đến nổi phải hít hà như khi người ta ăn trái ớt hiểm. Ớt không cay lắm và người đàn bà quê ngoại tôi cũng không hay ghen như trái ớt hay cay. Tôi thường nhớ ớt quê tôi như người ta nhớ cà.

Tôi vừa đi vừa suy nghĩ như thế trên con đường vào nhà, bỗng gặp ngay chị Thiện đứng ngay cửa, chờ tôi vào. Chị cười, khá tươi. Tôi hỏi:

- “Ai trồng ớt mà đẹp vậy chị?”

- “Cậu không nghĩ ra là chị trồng đó à?” Chị tôi trả lời.

- “Không! Em không nghĩ chị là con gái làm được việc nặng nhọc đó.” Tôi nói.

- “Cậu quên rồi. Chị là con gái nhà quê. Nhiều người còn làm được những việc nặng nhọc hơn nữa tê!” Chị Thiện vừa cười vừa trả lời tôi.

Lần về quê đó tôi không khỏi buồn. Buồn vì cảnh nhà cậu tôi trở nên hiu quạnh và chị tôi sống một mình. Tôi vẫn mang trong lòng nỗi thắc mắc, không còn cha mẹ, anh chị em, chị Thiện vui như thế nào nhỉ? Đời không vui thì buồn lắm. Tôi còn trẻ, tôi đang tìm kiếm và được nhiều niềm vui trong đời sống của một người học trò. Làm sao tôi không nghĩ đến chị tôi, một người chị, một ân nhân, một người tôi mang ơn rất nặng vì kỷ niệm hôm chị nắm tay tôi dẫn đi, cùng với anh và cậu đem mẹ tôi và anh chị em tôi hồi cư trong nỗi lo sợ bị Việt Minh bắt giữ là những điều không bao giờ tôi quên được, không bao giờ tôi muốn quên. Càng ngày càng thấy sự tàn ác của Việt Minh, tôi càng nghĩ tới công ơn cậu và anh chị tôi khi đưa gia đình tôi hồi cư là một sự liều lĩnh, gan dạ vì nếu như bị Việt Minh bắt thì tất cả chúng tôi đều mang tội Việt Gian, theo Tây. Những người càng lớn tuổi tội càng nặng và dĩ nhiên sự tù đầy gian khổ sẽ không biết thế nào nói hết được. Thế mà giờ đây gia đình cậu tôi tan tác, kẻ bắc, người nam và chị Thiện thì nay đang sống thui thủi một mình.

Thế rồi tôi bỏ Quảng Trị mà đi!

Có một mùa hè nào đó, tôi quay trở lại nhà tôi ở thị xã. Mỗi chiều, tôi ra ngồi bên bờ sông Thạch Hãn, vui hưởng cái thú khi tôi còn niên thiếu: Nằm trên bãi cỏ xanh bên bờ sông, mắt theo dõi những đám mây trắng như bông bay ra bay vào từ dãy Trường Sơn xanh ngắt trùng điệp ra biển hay từ biển bay vào núi, nhìn những ngọn dương liễu cao vút chỉ chỏ vẫn vơ trên bầu trời xanh trong mùa hạ. Dĩ nhiên, cũng không ít lần tôi nhìn sang bên kia sông, nhìn bãi cát vàng bên sông, phía hơi chếch về hướng núi, nhìn lũy tre làng, hơi chếch về hướng đông môt chút. Bên kia sông là làng ngoại tôi đó. Đã bao nhiêu lần tôi tự nhủ thầm như vậy. Dĩ nhiên, ai cũng vậy, càng thương mẹ, người ta càng yêu làng ngoại của mình. Tôi thì hơi khác đi một chút, tôi nghĩ tới và thương các ông cậu, anh của mẹ tôi, hầu như tất cả các cậu đều đã ra người thiên cổ: Cậu Trùm, cậu Ngọ, cậu Kham. Cậu Đốc đã cùng gia đình đi xa, Nha Trang, Saigon? Và tôi không thể nào không nghĩ tới ân nhân của tôi, cũng là người chị tôi mang ơn và từng yêu mến: Chị Thiện. Cho đến một hôm, nhớ làng, tôi quyết định về thăm.

Khi xuống đò ở bến Chợ để qua làng, tình cờ tôi gặp chị Thiện cũng qua thành phố về. Tôi hơi sửng sờ, hỏi chị:

- “Răng chị không ghé nhà em?”

Chị Thiện hơi bối rối:

- “Chị… chị gấp. Chị phải về gấp!”

Tôi biết chị Thiện nói dối. Thái độ bối rối của chị làm cho tôi nghĩ như vậy! Điều chị nói dối không quan trọng. Điều tôi thắc mắc, đau lòng là tại sao chị không ghé nhà tôi, ghé thăm mẹ tôi. Chị thấy có sự lạt lẽo của mẹ tôi, của anh chị em tôi đối với chị, khiến chị không muốn gần gũi hay đó chỉ là sự xa cách thường tình trong đời sống thường: Dòng sông nào rồi cũng chia ra nhiều nhánh. Cuộc đời nào cũng ly cách, chia lìa. Điều đó rất trái với lòng tôi. Càng thương mẹ, tôi càng muốn gần gủi thêm với bà con bên ngoại, với các cậu, các mự (mợ), các anh, các chị. Càng gần bên ngoại có nghĩa là càng thương mẹ. Hơn vậy nữa, chị Thiện, cậu, anh Bỉnh là ân nhân của gia đình tôi. Có bao giờ tôi quên được tối hôm ấy, cậu Trùm, anh Bỉnh, chị Thiện lên tận vùng Việt Minh để đón mẹ và anh chị em chúng tôi hồi cư, “theo Tây.”

Thế rồi tôi lại bỏ Quảng Trị mà đi thêm một lần nữa!

Ôi! Quê hương yêu dấu. Nơi đó, thế rồi ai ai cũng bỏ mà đi, đó không phải là nơi ở lại để mà sống. Đất không bỏ người mà người đành bỏ đất! Trong nỗi niềm, trong tình cảm của người đồng hương, bao nhiêu đau xót lại nổi lên!

Mùa hè năm sau, khi trở lại Quảng Trị, tôi bỗng thấy nhớ làng ngoại và nhất là nhớ chị Thiện. Lần gặp gỡ trên chuyến đò ngang về quê ngoại năm trước vẫn còn ám ảnh tôi hoài. Tại sao chị Thiện qua tỉnh lỵ mà không ghé thăm mẹ tôi? Mặc cảm vì gia đình mình đối xử không tốt với chị, ám ảnh về những nỗi ly biệt trong cuộc đời vốn quá nhiều biệt ly, xa cách, tôi về thăm quê ngoại, thăm chị Thiện, cố níu lại sự gần gủi giữa gia đình tôi với bà con máu mũ bên ngoại. Nhưng khi tôi về đến nhà cậu tôi thì nhà đã đổi chủ. Gia đình đang ở đây là người bà con bên ngoại của chị. Còn chị Thiện thì đã đi tu. Hai chữ đi tu như một nút thắt, thắt ruột tôi lại. Tại sao chị tôi không sống một đời bình thường, có chồng, có con như bao nhiêu người khác? Người đi tu là người thường có tâm sự u uất, hay gặp một nỗi thương tổn lớn: Thất tình, không lấy được người mình yêu, gặp cảnh gia đình tan nát, ly cách đớn đau, thấy đời là ô trọc, hoặc mong tìm một kiếp người bình an ở một nơi yên tĩnh… Dù bất cứ với lý do nào đi nữa, việc chị Thiện vào chùa là môt đám mây u ám bao phủ tâm hồn tôi, một nỗi thương cảm xót xa cho một người chị, một ân nhân không có được cuộc sống bình thường như mọi người. Chị tôi! Một tâm hồn đau khổ, một cõi lòng sóng gió, một nỗi ngậm ngùi, …

Khi tôi tới chùa Sắc Tứ ở xã Ái Tử thì vị sư già cho tôi biết chị Thiện đã vào chùa Sư Nữ ở Huế. Chùa Sư Nữ là nơi tôi đến thăm lần đầu khi tôi mới 16 tuổi, chỉ là vì tò mò về một ngôi chùa lạ, dành cho các công chúa muốn thoát vòng tục lụy, cho quí bà, quí cô. Hơn thế nữa, các bà phi, các cung nữ nhà Nguyễn, những người không có con cái, đơn độc khi vua băng hà thì họ lên ở lăng để thờ phụng tiên đế. Tới khi họ già cả thì về tu ở chùa Sư Nữ. Có thể coi như chùa Sư Nữ là nơi trú thân cuối cùng cho những người đàn bà con gái đã một thời cô đơn trong cung lạnh, những người đã một thời “Trải vách quế gió vàng hiu hắt”. Dù sống ở trong Đại Nội, dù được đưa lên lăng hay cuối cùng về chùa Sư Nữ thì đó cũng chỉ là những cuộc đời tiếp nối những nỗi cô đơn. Chị Thiện tôi không là cung nữ, không có cuộc sống lạnh lẽo ở lăng, nhưng có lẽ từ khi mợ tôi qua đời, chị sống với cha, với anh, với chị nhưng tâm hồn chị Thiện là một nỗi cô đơn vô hạn bởi vì mất mẹ là cái mất lớn nhất trong đời một người, là mất cả một bầu trời như Xuân Tâm nói trong hai câu thơ:

Tôi biết tôi mất mẹ
Là mất cả bầu trời!

Mấy năm liền tôi không về Huế cũng như về Quảng Trị. Cuộc đời của một người lính đưa tôi đi rất xa, một nơi trước 1945, có người gọi nó là một nước khác: Nước Saigon.

Cuộc hành quân Lam Sơn 719 diễn ra hồi tháng giêng -1971, tôi bị lôi cuốn vì bức thư của môt người bạn từ Khe Sanh gởi gấp về cho tôi: “Mày hãy rán ra đây một lần mà xem. Trực thăng nhiều hơn chim bay trên trời, còn người thì nhiều hơn lá cây rừng. Không dễ gì Việt Cộng pháo kích trúng mình mà chết được.” Tôi trình bày với ông xếp tôi, giả nói là đi tìm tài liệu cho khối Chiến Tranh Chính Trị, nhưng thực chất là để đi một lần cho biết. Thực ra, ở bộ chỉ huy binh chủng tôi, mấy ông lớn hầu hết đã ra Khe Sanh. Từ phi trường Tân Sơn Nhất, tôi lên chiếc C-141 của Quân Lực Mỹ tới phi trường Đông Hà. Từ Đông Hà, đang chiến dịch, xin trực thăng bay lên Khe Sanh không khó gì. Chiếc C-141 bay đằm bao nhiêu thì trực thăng HU-1B làm lộn ruột ngưòi đi bấy nhiêu. Để tránh súng địch, trực thăng bay sát ngọn cây và lên xuống theo triền núi và thung lũng. Những phi công trẻ Việt Nam bay vào đất giặc mà vừa bay vừa uống bia, không giống một chút gì khi Kinh Kha sang Tần. Họ làm như một cuộc dạo chơi ở đường phố Lê Lợi Saigon. Hôm sau, trên đường về, tôi ghé lại thị xã Quảng Trị thăm nhà. Qua một đời lưu lạc, sau mấy năm trở về, tôi lại ra đứng bên nầy sông, nhìn qua bên kia sông, những nỗi xúc cảm sâu kín trong lòng tôi bỗng nổi lên, xao xuyến như khi tôi còn trẻ dại. Lần nầy về, mẹ tôi không còn ở Quảng Trị, đã mấy năm không gặp mẹ, trông qua làng ngoại, tôi lại thương mẹ tôi biết bao nhiêu! Tôi tự hỏi thầm: “Mạ! mạ ở bên sông hay mạ đã đi xa rồi!” Càng thương mẹ, tôi càng yêu quê ngoại. Và tôi cũng nghĩ tới chị Thiện. Chị cũng không còn ở trong gian nhà lá ở bên sông.

Đó là lần chót tôi về thị xã Quảng Trị mà không qua thăm quê ngoại. Năm sau, tháng 7- 1972, trận chiến Quảng Trị bùng nổ, cầu Dài trở thành “đại lộ kinh hoàng”, tôi về đến Huế để dự đám ma “Hùng móm”. Quảng Trị đã mất vào tay giặc, không còn về được nữa.

Sau đám ma, tôi chọn một ngày lên chùa Sư Nữ thăm chị Thiện, không cho ai trong gia đình tôi biết tôi đi thăm chị ấy. Tôi rủ một người bạn đang làm việc ở tiểu khu, lấy xe Jeep chở tôi đi. Lăm lăm súng cầm tay, tôi cười nói với người bạn:

- “Đi thăm chùa mà như đi vào đất giặc.”

- “Vào đất giặc để cứu chùa” - Bạn tôi cười nói. “Cứu cả bà

chị ông đấy, để bà ấy bị giặc bắt thì nguy!” Bạn tôi nói tiếp.

Thực ra lúc ấy, Quảng Trị vừa mất, quân đội Việt Nam Cộng Hòa đang được lệnh tái chiếm. Để ngăn chận bước tiến của quân ta, Cộng Sản Bắc Việt đang áp sát thành phố Huế. Đêm đêm chúng vẫn còn pháo kích bừa bãi vào thành phố, bất kể trúng trật mục tiêu quân sự.

Người bạn tôi dừng xe phía ngoài cổng, cùng với tài xế chờ tôi. Khi đi vào chùa, tôi thấy tôi và bạn tôi khá liều lĩnh, lên chùa trong lúc chiến trận đang xảy ra như thế nầy. Tuy nhiên, tôi linh cảm rằng có lẽ về Huế lần nầy là lần cuối, có lẽ lâu lắm tôi mới quay trở lại nên thế nào tôi cũng phải đi thăm chị Thiện!

Thấy tôi mặc quân phục vào chùa, sư cô tiếp tôi tỏ vẻ hơi e ngại. Tôi phải khẩn khoản với sư cô rằng tôi ở xa về, không có nhiều cơ hội để thăm chị tôi nên sư cô mới chịu gọi chị tôi ra cho gặp. Thấy chị Thiện, tôi xúc động thật sự vì chị ấy da trắng xanh và gầy đi nhiều. Chị Thiện tỏ ra ngạc nhiên khi thấy tôi về thăm và hơi sững sờ khi thấy tôi mặc quân phục. Trước kia, mỗi khi gặp chị, tôi chưa nhập ngũ.

Hai chị em chúng tôi ngồi trên một cái ghế đá ở góc vườn trước cửa chùa. Cái ghế đặt gần kề một gốc mít già. Tôi mở đầu câu chuyện:

- “Chị khỏe không?”

Chị Thiện trả lời, giọng rất nhỏ, êm nhẹ, đúng là giọng nói của một người nữ tu hành:

- “Chị khỏe! Em đi lính khi mô?” Chị hỏi.

- “Em đi lính sau Tết Mậu Thân. Em không còn đi dạy được nữa.”

- “O với mấy em có khỏe không?” Chị lại hỏi.

- “Cám ơn chị, khỏe cả. Gia đình em không còn ai ở thị xã Quảng Trị cả. Chạy vào Nam hết cả rồi. Em về Huế công tác.” Tôi dấu chuyện về đám ma “Hùng móm”. Tôi không muốn chị ấy biết thêm một chuyện buồn!

Ngoài những lời thăm hỏi, chúng tôi nói bâng quơ vài câu chẳng trúng đâu vào đâu rồi tôi chào chị ra về. Chờ bóng chị khuất sau tấm bình phong trước cửa nhà ở của các ni cô, tôi quày quả ra xe, lòng buồn rười rượi. Tôi muốn tỏ bày với chị Thiện nhiều mối xúc cảm nảy sinh trong lòng tôi, khi tôi còn thơ ấu, lần đầu tiên gặp chị khi chị lên làng An Đôn đón gia đình tôi hồi cư, về củ khoai lang trắng chị Thiện cho tôi đêm đó. Ngoài củ khoai ăn cho đỡ đói, chị ấy còn gởi gắm cái tình cảm nào của chị cho tôi mà chỉ riêng một mình tôi mới được chị cầm đưa cho một củ khoai. Hình ảnh chị với mấy sợi tóc mai lơ phơ trước cái trán trắng và phẳng của chị khi chị đứng bên tôi cúi xuống đọc trang sách tôi đang học, với một thái độ tiếc rẻ không còn được cắp sách đến trường, làm cho tôi vô cùng xót xa, và hình ảnh chị khi chị đã lớn, đứng trước cửa tươi cười nhìn tôi khi tôi đi băng qua sân nhà chị trong một lần tôi về thăm.

Lòng tôi ngổn ngang trăm điều muốn nói mà chưa nói được, nhất là tôi muốn tỏ bày một điều tôi đã từng ấp ủ khi tôi mới lớn, một điều tôi đã chuẩn bị sẵn, bằng cách nào khi nghe tôi nói, chị Thiện sẽ không ngạc nhiên, không giận tôi. Có thể câu nói đó là: “Chị Thiện. Chị có biết em yêu chị nhiều lắm không!” Chị ấy sẽ mở tròn xoe hai mắt nhìn tôi kinh ngạc hay chị ấy thích thú nhìn tôi một cách hiền dịu? Tình yêu ấy do từ đâu mà có, quả tình tôi không biết, nó bắt nguồn từ lòng biết ơn sâu xa lần đầu tiên tôi gặp chị, từ máu mũ tình thâm vì chị là con gái của cậu tôi, hay tình cảm dại khờ bắt nguồn từ đáy lòng tôi khi tôi mới lớn, từ tình cảm lãng mạn của Ngọc đối với chú tiểu Lan trong “Hồn Bướm Mơ Tiên”, mà quả thật tôi là người rất lãng mạn, mê đọc những tiểu thuyết lãng mạn, một thứ lãng mạn kín đáo như của Loan và Dũng trong “Đôi Bạn”.

Tôi biết thế là hết. Tôi sẽ không bao giờ có cơ hội để nói với chị một lời tôi từng ấp ủ qua bấy nhiêu năm, muốn nói mà không nói được.

Ở nơi phương trời xa thẳm nầy, tóc tôi đã bạc. Và tôi nghĩ tới phương trời xa thẳm bên kia, xa nửa vòng trái đất, chị Thiện tôi còn hay mất? Có bao giờ chị ngờ rằng chị có một đứa em, một đứa em có một tâm hồn đa cảm, đa tình, lãng mạn, đã bao lần nghĩ về chị, muốn nói với chị một câu nói, dù chị có chấp nhận câu nói đó hay không, nhưng chắc chắn nó sẽ làm khuấy động tâm hồn hiền từ, mộc mạc của chị. Điều ấy không may cho tôi, nhưng rõ ràng rất may cho chị.

Dù sao, hình ảnh chị vẫn còn đây, dù hình ảnh ấy qua chiếc áo lá quê mùa hay chiếc áo lam gặp chị lần chót ở chùa Sư Nữ. Hình ảnh chị vẫn còn nguyên vẹn trong lòng tôi, giống như hình ảnh thân yêu của làng ngoại tôi ở bên kia sông Thạch Hãn.

hoànglonghải

Chú thích:

(1) Thời Việt Nam Cộng Hòa, gọi là đường Lê Văn Duyệt

(2) Đức Khổng Tử và 72 môn đệ của Ngài.

(3) Tôi có dịch đoạn nói về Trận Thanh Hương (The Street Without Joys), đã in trong Viết Về Huế - tập 1

(4) Làng Ái Tử chính là nơi của câu ca dao:

Mẹ thương con ra ngồi cầu Ái Tử
Gái trông chồng lên đứng núi Vọng Phu.

Câu nầy có một cách chơi chữ: Thương con, tiếng Hán Việt có nghĩa là Ái (yêu, thương); Tử (con). Trông Chồng có nghĩa là Vọng (trông), Phu (Chồng)

Khi vào Đằng Trong (sau nầy mới gọi là xứ Đằng Trong), quân binh đi ngang một cái truông cát lớn nên ai nấy khát nước. Người dân ở đây đem nước ra dâng cho Nguyễn Hoàng. Cậu của của Nguyễn Hoàng là Nguyễn Ư Kỷ đi theo, thấy vậy bèn nói: “Nay mới đấn trấn mà dân đem nước ra dâng. Nước đó là nước, là điềm trời cho vậy.” Nguyễn Hoàng bèn dóng quân ở đây, làng Ái Tử. Sử gọi là Dinh Cát (Vì ở giữa truông cát?). (Đọc “Việt Sử Khảo Lược” của Tôn Thất Dương Kỵ).

Trong chiến tranh Đông Dương lần thứ hai, đây là căn cứ lớn của quân đội Hoa Kỳ.

Xin xem bài “Cụ Đốc Hy”, cùng tác giả, in trong “Quê Ngoại”

(6) Đem đầu ra mà thú tội với Tây vì đã tham gia kháng chiến giành độc lập.

(7) Cậu Hai Phố là em ruột “Cụ Đốc Hy”. Tôi không rõ Cậu Hai Phố làm gì, chỉ thấy Cậu vui chơi nhởn nhơ, nổi tiếng có đức hạnh, là thân hào nhân sĩ của tỉnh. Các anh con trai của Cậu học giỏi, các chị con của Cậu đều nổi tiếng đẹp, nhất là chị Bé Em (Xin xem: Quảng Tri, ngày xưa Hoàng thị… - cùng tác giả). Năm 1971, Cậu Hai Phố muốn ra ứng cử dân biểu quốc hội đơn vị Quảng Trị. Nghe lời anh tôi nói rằng tôi có một người bạn thân đang làm việc tại phủ tổng thống, nên Cậu vào Saigon, đến thăm tôi và nhờ tôi giới thiệu với người bạn để giúp Cậu đắc cử. Tôi đưa Cậu tôi đến gặp người bạn ấy. Người bạn ấy nói với cậu tôi: “Việc chọn người đắc cử giao cho tỉnh trưởng địa phương quyết định. Nếu Cậu quen với đại tá Nguyễn Ấm, tỉnh trưởng ngoài ấy thì hy vọng được.” Cậu Hai vội vàng nói: “Ai chớ đại tá Ấm thì tôi quen, tôi nói được.” Nghe Cậu Hai trả lời, tôi thất vọng. Ông Cậu tôi thật thà quá. Người bạn tôi nói thế chỉ là một cách “đẩy cơ” mà thôi. Trong đổ ra ngoài, ngoài đổ cho trong, thế là xong. Sao Cậu tôi thật thà vậy? Mấy ngày sau, tôi gọi điện thoại trách khéo người bạn. Anh ấy giải thích: “Ngoài ấy khó lắm. Đại Việt, Việt Quốc, Thiên Chúa Giáo, Phật giáo tranh nhau dữ lắm. Đúng là trung ương muốn tránh để cho địa phương dàn xếp giữa họ với nhau. Nếu ông Cậu không có thế lực nào ở đằng sau, làm sao qua được. H. nên khuyên ông Cậu rút lui đi”. Nghe lời người bạn, tôi gọi điện thoại nói lại với anh tôi như thế.