Tay vin nhành quýt
Tác giả: Hoàng Thị Bích Ti
Khi ra khỏi tiệm bán nữ trang, anh vùng vằng hỏi tôi: "Tay anh lớn, tay em nhỏ, mà hai chiếc nhẫn cùng bằng giá tiền. Sao không trả giá?".
Tôi ngớ ngẩn, làm thinh. Sau ngày cưới, anh hỏi tôi: "Cây đàn tranh đó ở đâu mà có? Sao không thấy em đàn?". Tôi ấp úng trả lời: "Đàn của một người bạn gửi mua từ Hà Nội cho. Lỏng dây rồi, không đàn được nữa!".
Lấy nhau gần nửa năm, một đêm khi anh đã ngủ say, tôi lôi cây đàn tranh dưới gầm giường ra, gảy nhẹ lên những sợi đàn. Xê. Xàng. Cống. Líu. Vuốt ve những con nhạn nằm xấp ngửa lên nhau và những vết nứt mới nguyên do bàn tay thô bạo của anh. Tôi bỏ đàn vào hộp, lẳng lặng đem ra thùng rác. Anh thức dậy, xin lỗi tôi và hỏi tại sao. Tôi trả lời bằng một cái nhìn dửng dưng.
Có lần anh hỏi tôi: "Sao lâu nay em không đeo nhẫn cưới?". Tôi lạnh lùng, trả lời: "Đeo nhẫn sợ trầy da con mỗi khi ôm ấp nó". Anh bảo tôi: "Em đem con về nhà ba má chơi một thời gian. Sẵn đang thất nghiệp, anh ghi danh đi học thêm ngành điện tử. Cái bằng xã hội học của anh bây giờ coi như vứt đi!". Tôi lặng lẽ thu xếp đồ đạc, tã, sữa.
Hôm đưa mẹ con tôi ra phi trường, anh ngồi ôm khư khư mấy giỏ hành lý chờ giờ bay, nét mặt khẩn trương như ông thần giữ của. Tôi nắm tay con đi loanh quanh mấy gian hàng "duty free" (miễn thuế - BT), nghĩ đến căn nhà tràn nắng ấm của ba mẹ tôi, và đêm quay quần bên nồi bánh tét của gia đình mà thấy lòng vui như ngày nhỏ dại. Trước khi bước lên phi cơ, anh nhìn tay tôi, hoạnh hoẹ: "Nhẫn em đâu?". Tôi buông tay con, lục lọi túi xách, lôi trong cái ngăn nhỏ nhất lấy cặp nhẫn ra, bình thản thả vào ly càphê đen anh đang cầm trên tay, nói nhỏ: "Anh giữ đi", rồi xoay lưng đi.
Ngồi trên phi cơ nhìn xuống thành phố lần sau cuối, lòng bảo lòng: "Tôi sẽ bỏ anh!".
2. Chị và ông anh cả đón tôi ngoài sân bay. Anh tôi bế cháu, xoa đầu em gái như ngày xưa: "Ba nó vẫn thường chứ!". Tôi trả lời nhát gừng: "Vẫn thế"... Ôm lấy tôi, chị thở dài: "Em ốm đi nhiều lắm rồi! Lấy chồng sớm mà làm gì. Cứ như hoa lài cắm bãi cứt trâu!". Về đến nhà, mẹ ôm lấy cháu, xuýt xoa: "Thằng bé kháu quá! Nhà có mười bảy cháu nội, ngoại nhưng chỉ có nó là đẹp nhất!".
Ba tôi nghe chàng rể muốn đi học thêm, vẻ mặt mừng hẳn ra: "Tốt! Học được chừng nào tốt chừng ấy! Có bằng cấp mới nuôi nổi vợ con". Tôi buột miệng sắp nói, nhưng vội vàng dừng lại kịp. Mẹ bĩu môi, hứ: "Đi học cả đời như ông, bằng cấp đầy mình mà nuôi ai chưa? Gần tám mươi mà cũng rán lấy cho được cái bằng, rốt cuộc để làm gì? Cả đời hết chữ Nho rồi tới tiếng Tây, tiếng U. Không giống ai!...". Ba cười hì hì: "Cho dzui mà!". Mẹ nguýt: "Già rồi! Lo mà tu đi cho con gái nó nhờ! Ở đó mà bằng này với bằng nọ, tranh hơn tranh thua với ba đứa con nít!".
Tôi cười, xách vali đi vào trong. Bốc điện thoại gọi anh báo tin mẹ con đã đến nơi. Giọng đàn bà nũng nịu bên kia đầu giây. Tôi cười một mình, cúp máy. Lòng bảo lòng: "Tôi sẽ bỏ anh!".
Buổi sáng, gà gáy ó o. Tôi nằm trên giường, ngỡ như mình đang còn ở Việt Nam. Con tôi mở mắt ra, ôm quíu lấy mẹ. Tôi vỗ về: "Đừng sợ! Gà gáy đó con". Bên ngoài, tưng bừng tiếng cười nói. Mùi gừng đang sên trong bếp thơm ngọt. Giọng Huế trầm trầm của chị Song, chị dâu tôi, chen lẫn giọng cười trong veo của mẹ. Cả nhà đang vây quanh bếp.
Ba mẹ cười vui bên đàn con cháu. Thấy tôi, chị Song kêu lên: "Úi chao! Có o là đông đủ hết cả nhà rồi! Năm ni nhà mình ăn Tết vui ghê hỉ!". Tôi hỏi ông chồng chị đâu sao không tới chơi. Chị dãy nảy: "Phiền lắm nì! Cho ổng tới đây làm chi".
Mấy đứa cháu bu lấy con tôi, dắt ra xem bầy gà của ông Cuba hàng xóm. Mẹ lấy tay lùa vô rỗ mớ đậu xanh vàng thắm trong thau, bảo tôi: "Mẹ pha trà sẵn rồi, uống đi con!". Tôi rót tách trà, ngồi xuống bên mấy chị, lặng lẽ ngắm bàn tay đã trổ đồi mồi của mẹ. Nhà có năm chị em gái, tính luôn cả chị Song, chưa kể bốn bà chị dâu khác và sáu cô cháu gái xinh như ngọc nữ.
Chị em, cô, dì, cháu ngồi lại với nhau là vui như hội. Chị Song nhìn tôi không chớp mắt: "Răng mà lấy chồng xa rứa o. Về với ba mạ sướng chết đi! Ở chi trên nớ lạnh chết!". Tôi cười, nghiêm trang: "Em về ở luôn mà! Chị nuôi em nghe!". Chị xí dài: "Ở luôn răng mà luôn. Ván đã đóng thuyền rồi. Chồng mô thì vợ nớ". Chị Gấm cười: "Ván đã đóng hòm thì đúng hơn!". Chị Nga nghiêng đầu, ê a phụ hoạ: "Đào tiên đã bén tay phàm, thì vin nhành quýt cho cam sự đời". Cả nhà phì cười.
Chị Song quay sang mẹ, thở dài: "Lúc anh con còn sống, ảnh thương o nớ nhất. Úi cha! Lúc mô cũng nói về o thôi. Sinh đứa con đầu lòng cũng lấy tên o đặt cho nó!". Tôi quay đi, chớp mắt; chạnh lòng khi nhớ đến chị Song và những đứa cháu không cha.
Nhìn sang chị Gấm, vẫn đẹp như ngày nào. Mỗi lần có người ngấm nghé, chị vẫn lắc đầu cười trong khi mẹ thở dài: "Đi thêm bước nữa thì có thêm một giòng con. Làm đàn bà mà có tới hai ba giòng con như con Song thì cơ cực lắm!". Ba hậm hực: "Tại nó lụp chụp, mới qua chân ướt chân ráo đã vớ ngay thằng Cuba. Mấy đứa nhỏ thật vô phước!". Và mẹ lần nào cũng gắt lên: "Nó còn trẻ mà! Con ông chết bộ ông đòi gả dâu nữa à?". Ba cố vớt vát: "Con không cha như nhà không nóc!". Mẹ lại cau mày: "Sao lại không? Còn mẹ nó vất đi đâu?".
Có lần chị Song giọt vắn giọt dài:"Trong đời con chỉ có anh là người con thương nhất! Không người đàn ông nào có thể thay thế được. Lâu nay ba mạ vẫn thương con như con gái. Có thương thì thương cho trót, xin ba mạ đừng trách con, tội nghiệp! Bây chừ có làm vợ ai, khi mô con cũng coi gia đình ni là gia đình của con".
Bên cạnh mẹ, chị Song vẫn cười nói líu lo: "Càng lớn, o càng giống mạ ghê!". Mẹ nhìn lên bàn thờ, giọng buồn buồn: "Không, nó giống bà ngoại. Giống như gương mặt cắt để qua. Nhưng bà ngoại sướng hơn nó". Ba đang ăn bánh in, chen vào: "Ông ngoại là quan mà. Lấy chồng làm quan thì cả họ được nhờ". Chị Song nhăn nhó, kêu lên: "Thôi ba ơi! Chồng con cũng quan nhưng chết thảm đó tề!". Tôi cầm tách trà lẳng lặng đứng lên đi ra sân sau.
Anh tôi ngồi trầm ngâm trong khói thuốc, thỉnh thoảng đưa mắt trông chừng đám cháu. Sợi dây trầu do chính tay anh trồng, leo quanh co bên hàng đu đủ. Hai bên bờ kinh, hàng dừa xanh như lá mới. Con tôi chỉ bầy vịt con vàng như tơ trên con kinh kêu lên: "Mẹ ơi! Hai, ba, bốn con vịt nè!". Tôi ngồi xuống bên con, dịu dàng: "Không phải! Một con vịt con, hai con vịt con, ba con vịt con, bốn con vịt con, năm con vịt con. Nè! Đếm theo mẹ đi!". Thằng bé đưa ngón tay bụ bẫm ra chỉ trỏ, đôi môi thơm mùi sữa xuýt xoa đếm tới, đếm lui.
Nó cười sằng sặc mỗi khi thấy vịt mẹ chổng mông kiếm mồi cho con. Tôi bơi chơi vơi trong tiếng cười của con. Những cánh hồng sa mạc trong cái chậu sứ dưới chân anh tôi như đang cười theo nó. Chưa bao giờ tôi thấy con cười vui như thế!
Sáng mùng ba, khách đến nhà. Những người đàn ông ngồi với nhau trong khi mấy chị em tôi bu quanh mẹ, xem bói Kiều. Mấy chị tôi thay phiên nhau nâng sách ngang mày, thành khẩn khấn vái. Kẹp cây nhang vào giữa trang sách, mẹ bảo đến phiên tôi. Chìu mẹ, tôi cũng bói. "Bắt phong trần phải phong trần. Cho thanh cao mới được phần thanh cao". Đọc xong hai câu bói của tôi, mẹ cười tươi nhưng mắt buồn rười rượi. Tôi đẩy cuốn Kiều ra giữa bàn, ôm vai mẹ cười: "Nhảm! Mẹ đừng lo! Không ai "bắt" con được đâu mẹ ơi".
Ba mẹ giữ khách lại dùng cơm. Thịt kho. Dưa giá. Mứt hột sen. Mứt gừng. Mứt quất. Món nào đối với tôi cũng đều mặn đắng. Chỉ có tiếng cười của con tôi trong veo và ngọt mướt. Khách hỏi tôi: "Em về từ bao giờ? Chồng em có khoẻ không?". Tôi lí nhí trả lời: "Vẫn thế!". Mấy cô cháu của tôi xí xọn đem đàn tranh trong nhà ra, ép khách đàn. Khách miễn cưỡng so dây. Xế. Xự. Hò. Xang. Xê. Xàng. Cống. Líu. Tôi đứng lên, dắt con ra bờ đê. Không nghĩ gì hết ngoài mùi thuốc gội đầu rất thơm trong tóc con!
Sau tết, khách đến nhà thường hơn. Lần nào cũng có anh tôi tiếp. Nhiều khi, tôi đem con ra biển ngồi đến chiều; về đến nhà, thấy khách vẫn ngồi đó. Mấy ngày tết qua mau, thấm thoát mà đã hết mấy tháng. Tôi sống những ngày tháng yên lành, êm đềm như con kinh sau nhà. Trừ hai ngày cuối tuần, các chị của tôi ai về nhà nấy. Căn nhà của ba mẹ chỉ còn lại anh cả, chị Gấm, tôi và bốn đứa cháu. Căn nhà, từng là nơi trú ẩn của một người đàn ông goá vợ, hai người thiếu phụ goá chồng, và người sắp bỏ chồng là tôi.
Đêm, anh tôi ngồi một mình trong căn nhà mát bên bờ đê, cô đơn như oan hồn nhưng hoàn toàn ung dung, tự tại. Bầy đom đóm lập loè dưới chân anh. Tiếng sáo của anh bay vút lên những tàn lá dừa vàng thắm ánh trăng. Tiếng sáo quyện xuống lòng kinh, vỗ về nỗi hung hãn oan khiên của những con sấu hoang. Thỉnh thoảng, ba lê đôi dép lẹp xẹp đứng bên cửa nhìn ra phía anh ngồi, cằn nhằn, rồi chép miệng thở dài: "Đêm nào cũng thổi sáo, nghe muốn điên luôn! Ở ngoài đó, rắn không...".
Mỗi đêm, khi con tôi ngủ say, còn lại một mình, tôi giằng co trong muôn vàn ý nghĩ. Gần sáng, tôi vẫn bảo với lòng: "Tôi sẽ bỏ anh!".
4. Buổi sáng thơm mùi hoa bưởi. Mẹ sai tôi với chị Gấm ra vườn hái hoa bưởi để mẹ nấu chè. Chị Gấm vừa hái hoa vừa ngâm nho nhỏ: "Trèo lên cây bưởi hái hoa/ Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân/ Nụ tầm xuân nở hoa xanh biếc/ Em lấy chồng anh tiếc lắm thay". Quay sang tôi, chị bần thần nhăn mặt: "Nụ tầm xuân nó ra làm sao hả em?". Tôi cười: "Thì... hoa nó màu xanh... biếc!". Chị thừ mặt ra, chắc lưỡi: "Mấy ông văn, thi sĩ cứ hay phịa chộ người ta! Quái gì mà có nụ tầm xuân với lá diêu bông gì đó!". Tôi trêu: "Họ còn phịa nhiều thứ nữa chị ơi! Nhất là ba cái ái tình vớ vẩn".
Nhắc đến chuyện "ái tình", chị ghé vai tôi, thì thầm: "Vợ chồng em lại cãi nhau nữa phải không?". Tôi lắc đầu: "Chị biết em đâu phải là người ưa chuyện cãi cọ". Chị tròn mắt, ngắt nhanh: "Nhưng chị biết em gàn. Gì cũng để trong lòng, không chịu nói. Và cứ tự làm khổ mình". Tôi nói nhỏ: "Em đang sống rất vui vẻ, có gì phiền khổ đâu!". Chị gắt nhỏ: "Em có khổ hay không chị không biết sao? Vừa làm khổ mình, vừa làm khổ "người ta".
Biết chị ám chỉ "người ta" là ai, tôi lạnh lùng: "Hắn đau khổ hay không chẳng mắc mớ gì đến em!". Chị cau mày, âu yếm mắng: "Bạc như vôi! Em biết không, ngày em đi lấy chồng, người ta như là người điên - Thở dài, chị nói tiếp - Em dư biết vì ai hắn đến đây mỗi ngày mà! Lớn hết cả rồi, cư xử với nhau như người lớn đi!". Tôi buông cành bưởi quay đi. Chị Gấm nghiêng người tiếp tục hái hoa, miệng lại nho nhỏ ngâm:
"Em phụ anh rồi đấy biết không?/ Chao ơi! Má đỏ với môi hồng/ Những loài đá gỗ vô tri ấy!/ Đâu biết tình ta như núi sông".
Tôi quay lại lườm chị. Chị cười, giã vờ gắt lên: "Gì? Thơ mà lại!".
Cuối tuần tôi đi biển. Cây cầu Key West (bang Florida, Hoa Kỳ - BT) nằm một mình giữa eo biển lớn. Nước hai màu xanh. Bên trong. Bên đậm. Những người con gái Cuba để vai trần, khoe những hình xâm mời gọi trên lớp da nâu hồng khoẻ mạnh. Ngừng chân ở sạp sách bên đường, xéo trước nhà của Hemingway (E.Hemingway 1899 - 1961, nhà văn Mỹ, Nobel Văn chương 1954 - BT), khách mua cuốn "Ngư ông và biển cả" tần ngần đưa cho tôi. Suốt mười năm quen nhau, chưa bao giờ chúng tôi có được một ngày vui như thế!
Buổi chiều về đến nhà, con tôi nhào ra mếu máo. Đôi mắt sưng đỏ vì khóc. Mẹ tôi cười, trấn an "Nó đi lủm chủm thế nào mà đạp trúng con ong. Mẹ mới bôi thuốc đấy!". Tôi ôm con vào lòng. Nhìn bàn chân mụ mẫm đỏ tấy lên của con, tôi tự trách mình khôn xiết. Đêm hôm ấy thằng bé sốt cao. Tôi đem con vào emergency (cấp cứu - BT). Người ta chườm nước đá cho nó từ đầu đến chân. Tôi ngồi bên con, ủ rũ như con cò lả.
Hơn một giờ sáng, khách đến bệnh viện tìm tôi. Tóc loà xoà, đẫm hết nước mưa. Chúng tôi ngồi bên nhau, không ai nói với ai tiếng nào. Ra đến thềm bệnh viện; một tay khách bồng con cho tôi, tay kia đưa ra: "Em mệt rồi! Đường trơn ướt lắm! Vịn tay anh mà đi nha!". Tôi nhìn khách, lắc đầu: "Em tự mình đi được". Khách thở dài, nói như trách: "Chỉ ra tới xe thôi!". Tôi cười lặng lẽ, mệt mỏi bước.
Trèo lên cây bưởi hái hoa/ Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân (...) Đào tiên đã bén tay phàm/ Thì vin nhành quýt cho cam sự đời (...) Ú. Xề. Cồng. Líu. Líu. Cống. Líu (...) Bắt phong trần phải phong trần... Tôi vin lấy tôi mà đứng dậy. Cứ gì phải có quýt, cam, tùng, bách hở tôi ơi!
Suốt đêm nằm ôm con trong lòng, tôi nghĩ đến chị Song, chị Gấm, nghĩ đến những ngày tháng một mình phải che mưa nắng cho con, và tôi nghĩ đến anh. Lòng bảo lòng: "Ngày mai thức dậy, tôi sẽ bỏ anh!".