Bà mai
Tác giả: Hoàng Thy
Tuấn đang thiu thiu ngủ thì chàng bị đánh thức dậy vì có một bà vừa ngồi vào cái ghế bên cạnh chàng. Trong chuyến bay từ Hồng Kông về Việt Nam này, đây là lần đầu tiên chàng về thăm quê hương sau gần hai mươi năm xa cách.
- Xin lỗi cậu, có phải cậu là người Việt không ?
Câu hỏi của người đàn bà vừa ngồi xuống lúc nãy cắt đứt dòng tư tưởng của Tuấn. Chàng quay sang trả lời :
- Dạ vâng, bác cũng về chơi ?. Bác từ đâu về đấy ạ ?
- Tôi từ bên Tây về. Cậu về đâu vậy ?
- Dạ, cháu về Sài gòn
- Ồ, vậy tốt quá. Không biết cậu cho tôi nhờ chút việc có được không?
Tuấn hơi lưỡng lự, nhưng rồi chàng cũng nói :
- Dạ được, bác cần chuyện gì ạ ?
- Cảm ơn cậu trước. Chả là thế này. Tôi có chút chuyện rất cần nên không về nhà ngay được. Tôi nhờ cậu đưa giùm lá thơ này đến nhà tôi và nhắn giùm là hai tuần sau tôi sẽ về. Không có tiền bạc gì ở trong đâu mà cậu lo. Chỗ tôi ở không dùng tiền, tôi đã ghi rõ ngoài phong bì rồi. Tội nghiệp, con gái tôi nó mong tin dữ lắm.
- Dạ được, bác yên trí. Cháu sẽ đưa giùm thơ bác đến gia đình.
- Cám ơn cậu nhiều, thôi tôi lại ngồụi với mấy người bạn ở đàng sau. Chúc cậu vui vẻ trong chuyến đi.
- Dạ, cám ơn bác.
Người đàn bà đứng dậy đi ra phía sau. Lúc này Tuấn mới ngờ ngợ. Chàng thấy hình như đã gặp bà này ở đâu rồi, nhưng lại nghĩ chắc là người giống người vì bà ta bảo bà ta ở bên Tây cơ mà ! Thôi thì giúp bà ta một chút cũng tốt. Tội nghiệp người con gái đang mong chờ Mẹ về. Tuấn gấp cái phong bì bỏ vào túi áo rồi chàng lại mơ màng. thiêm thiếp ngủ tiếp.
Tuấn uể oải tháo dây nịt bụng an toàn. Chàng nhớm người ra phía cửa sổ, ngắm nhìn cảnh vật nơi phi trường. Sau những thủ tục khám xét rườm rà tại cửa khẩu Tân Sơn Nhất, chàng nhủ thầm cũng may chàng đã được nghe nói, nên kẹp tờ giấy hai mươi đô la vào Sổ Thông hành nên mọi chuyện qua đi mau lẹ, ít phiền phức.
Ra khỏi cổng phi trường, chàng luôn miệng chối từ những lời mời của các bác tài xế taxi, xích lô, xe ôm. Chả là chàng cũng muốn dạo một vòng quanh phố xá cho giãn gân cốt sau hơn mười tám tiếng đồng hồ ngồi trên máy bay và cũng đồng thời xem xét sinh hoạt của Sàigòn bây giờ.
Nóng, cái mà chàng cảm nhận trước tiên là cái nóng. Nóng một cách gay gắt như là ở trong một cái lò ga vậy. Đưa tay tháo bớt nút áo gần cổ. Chàng rảo bước về hướng đường Trương Minh Ký, rồi cứ vừa đi vừa ngắm nhìn cảnh vật hai bên đường. Phố xá cũng không khác xưa là bao, có thêm nhiều công trình xây cất hơn và dơ bẩn cũng nhiều. Vẫn tấp nập người qua kẻ lại, xe cộ ngược xuôi, kèn bóp inh ỏi.
Một lúc, khi cảm thấy mỏi chân, chàng ngoắc một chiếc xích lô vừa trờ tới :
- Bác làm ơn cứ chạy đi. Lúc nào cần xuống, tôi sẽ nói với bác.
Sau khi yên vị, chàng gợi chuyện :
- Nóng quá hả bác ?
- Dạ, chắc cậu ở nước ngoài mới về ?
- Dạ, cháu về thăm quê hương, đã gần hai mươi năm rồi đó bác.
- Nhà cậu ở đâu ?
- Cháu tính đi dạo một lúc rồi sẽ ghé lại nhà người bạn ở nhờ. Cháu không thích ở khách sạn.
Khi xe đi ngang qua đường Nguyễn Thông, cảm thấy quen quen. Chàng bỗng nhớ tới người Thầy cũ hình như là ở gần đâu đây. Chàng nói với bác phu xe :
- Ồ, bác đi chầm chậm lại giùm cháu. Cháu nhớ là có một người Thầy xưa ở đâu đây thì phải. Xem nào, bác quẹo phải ở đây đi...bác quẹo trái ở chỗ đầu đường ấy...bác quẹo phải chỗ này...
- Đường xấu quá, thôi bác tốp giùm, để cháu đi bộ vào kiếm.
Bước xuống xe, chàng hỏi bác phu :
- Cám ơn bác. Bao nhiêu đây ạ ?
Lấy chiếc khăn vắt ở càng xe, bác xích lô giở nón, đưa tay thấm những giọt mồ hôi trên mặt và nói :
- Cậu cho 5000.
Tuấn ngửng lên :
- 5000 là bao nhiêu bác hả ?...Ồ, mà sao trông bác quen quen.
Tuấn đưa tay lên bóp trán, cố moi óc xem chàng đã gặp bác xích lô này ở đâu. Bỗng chàng chợt reo lên :
- Ồ, có phải bác là thầy Liêm không ? Con là Tuấn đây mà Thầy. Con học Thầy từ lớp 6 đến lớp 8 đó.
Bác xích lô ấp úng :
- Anh là...Tuấn đấy ư ?
- Đúng là thầy Liêm rồi ! Thầy còn nhớ con không ?
- Ồ, tôi nhớ ra anh rồi. Tôi khó nhận ra anh vì bây giờ anh đã trưởng thành, trông chững chạc quá. Thôi, ta vào nhà đã.
Bác xích lô đưa Tuấn đi sâu thêm vào trong ngõ hẻm và dừng lại trước một ngôi nhà. Đằng trước nhà là cái quán bán chè, được kê mấy bộ bàn ghế thấp.
Một cô bé chạy ra đon đả :
- Ba, hôm nay Ba về sớm thế, chắc là Ba mệt phải không ?. Để con đi lấy khăn và nước Ba uống.
- Khoan đã con. Lại đây Ba bảo. Đây là anh Tuấn, học trò cũ của Ba.
Quay sang Tuấn, thầy Liêm giới thiệu :
- Đây là Phượng, con gái tôi.
Tuấn ngạc nhiên :
- Phượng đây sao ?. Em lớn quá ! Mà cũng phải, mười mấy năm rồi còn gì ! Em còn nhớ anh không?. Tuấn đây
Phượng bẽn lẻn, hai tay đan vào nhau :
- Chào anh...Tuấn. Ba và anh vào nhà nghỉ đã.
Tuấn theo thầy Liêm vào nhà. Thầy chỉ chiếc ghế :
- Anh ngồi nghỉ đã, tôi đi rửa mặt rồi chuyện trò với anh.
Phượng bưng hai ly nước ra :
- Anh dùng nước. Anh Tuấn ở gần đây không ?
- Anh ở hơi xa
Một ý nghĩ chợt thoáng qua trong đầu, Tuấn tiếp :
- Nhưng thế nào anh cũng đưa Phượng đến thăm chỗ anh ở.
Phượng ngơ ngác :
- Anh nói sao cơ ?
Thầy Liêm cũng vừa bước lên :
- Anh Tuấn ở Mỹ về chơi đấy con ạ.
- Ồ, vậy ư ? Thôi con lên trông hàng, Ba và anh chuyện trò.
Phượng quày quả đi lên nhà trên, hai má nàng tự nhiên ửng hồng như đánh phấn. Qua câu chuyện, Tuấn được biết thầy Liêm bị cho nghỉ dạy từ hồi “ giải phóng”. Cô đã từ trần cách đây bốn năm vì quá cơ cực, nên sinh bệnh lại không đủ thuốc men. Thầy Liêm đã làm đủ mọi việc để nuôi con gái. Phượng năm nay 24 tuổi, chỉ học hết lớp 12 rồi phải nghỉ học. Nàng mở quán bán chè cho bà con lối xóm, phụ bố để sinh nhai. Qua câu chuyện, chàng cũng được biết thêm. Thầy Vân cũng chạy xích lô. Thầy Danh đã qua đời được sáu năm. Thầy Bính đi vùng Kinh tế mới. Thầy Quang làm gác dan cho một cửa hàng bách hóa.
Quả là có nhiều thay đổi với cuộc sống của các vị Thầy cũ của chàng.
Lúc thầy Liêm đưa cho chàng coi cuốn Album gia đình, Tuấn chợt nhận ra người vợ của thầy Liêm sao giống người đàn bà mà chàng đã gặp trên chuyến bay quá. Chàng vội móc bao thư ra xem lại, thì địa chỉ trên phong bì lại đúng là địa chỉ nhà của Thầy. Tuấn kể lại chuyện gặp gỡ Cô cho Thầy nghe, và lúc thầy Liêm bóc phong bì ra thì bên trong không có một cái gì hết. Phong bì trống trơn.
Tuấn cứ mãi suy nghĩ. Cô nói là Cô ở bên Tây, hay là Tây Vực...ở chỗ Cô không dùng tiền...,có điều là từ sau lúc gặp gỡ đó, hình như là Tuấn không thấy lại Cô bao giờ nữa, dù chàng đã để ý tìm.
Thầy Liêm thì cho là Cô đã thi hành xong lời trối trăn lúc lâm chung mà Cô đã nói cùng Thầy :”Em sẽ ráng lo cho con Phượng gặp đượcngười đàng hoàng mà kết bạn “.
Hai tuần sau, nhà ông Liêm xích lô có một đám cưới nho nhỏ. Nghe đâu chàng rể là một thanh niên từ nước ngoài về, và là học trò cũ của ông.
Riêng Tuấn thì cứ thầm cảm ơn “ Bà Mai, mẹ vợ chàng”. Phượng rất xinh, ngoan và hiểu biết. Có một người vợ như thế, chàng còn muốn gì hơn ?