watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Hồng Nhan - tác giả Hồng Hoang Hồng Hoang

Hồng Nhan

Tác giả: Hồng Hoang

Cạnh bờ hồ, chỉ duy nhất một băng ghế dài bằng gỗ, sơn nâu, trông cứng như miếng kẹo chocolate nguyên chất. Cô gái ngồi im lặng ở góc bên phải của băng ghế, góc bên trái đã có mấy bãi phân chim xam xám, khô khốc. Cô gái ngồi ở đó lâu lắm rồi. Từ lúc ánh mặt trời còn chói chang xuyên qua kẽ hở của mấy nhánh thông trên đầu. Bây giờ, khung trời đang chập chùng, thấp hơn, dường như sắp đổ mưa. Phía bên kia bờ hồ, trên bãi cỏ, một con chim mỏ nâu cũng đang đứng im lìm, đầu cúi xuống.


Bên đây bờ hồ, cô gái đâu khác gì con chim mỏ nâu, đâu khác gì cảnh vật chung quanh. Khuôn mặt đó cúi xuống. Khuôn mặt đó hiện rõ nét trầm lắng như nét chấm phá đậm đặc trên khung tranh. Chung quanh hoàn toàn không một tiếng động, ngoại trừ tiếng thì thầm của những nhánh lá mỗi lần có ngọn gió nhẹ len lén ùa về ngang. Thấp thoáng trong vùng tư tưởng của cô gái, sự im vắng ở đây là thứ hữu hình, có thể nhìn thấy bằng mắt không thể so sánh với sự im vắng trong cuộc đời. Thứ im vắng vô hình chỉ cảm thấy bằng tâm hồn của chính mình.


Quạ! Tên của một loài chim lông đen, xấu xí. Tiếng hót chỉ là những tiếng khàn khàn, cụt ngủn. Đồng thời, Quạ cũng là tên của người con gái nhan sắc tầm thường. Đôi mắt trũng sâu như muôn đời trốn tránh thế giới bên ngoài. Khung cửa sổ linh hồn được giấu kín sau hàng mi dày như những hàng chấn song cửa của nhà giam.


Quạ ngồi đó. Ngồi giống như những chiếc lá đã trót rơi trên mặt nước hồ yên tĩnh kia. Chiếc lá không được trôi theo dòng nước chảy cũng là một định mệnh. Dòng nước trong hồ không được trôi đi cũng là một định mệnh. Nước không có chân, sao bảo là nước đứng? Nước không có miệng, sao bảo là nước im? Còn Quạ! Quạ là con người, sao gọi là Quạ? Có lần cô gái đã hỏi:

- Tại sao mẹ chọn tên Quạ để đặt cho con?

Người mẹ trả lời:

- Mẹ muốn con gái của mẹ xấu xí như con quạ đen.

- Tại sao?

- Hy vọng đời con sẽ không bị khổ đau.

Người con gái hỏi thêm:

- Nhiều người vẫn khen mẹ đẹp, tại sao mẹ ích kỷ với con? Cô gái nào cũng muốn mình đẹp. Không đẹp thì đi sửa cho đẹp ra. Mũi con không cao, mẹ không cho con đi giải phẩu thẩm mỹ, có phải là mẹ ích kỷ không? Có phải mẹ không muốn thấy con đẹp hơn mẹ?

- Mẹ không ích kỷ đâu. Mẹ chỉ lỡ đẹp thôi con ạ. Má hồng thì phận bạc, hồng nhan thì đa truân.

- Cái gì là má hồng? Phận bạc? Cái gì là hồng nhan? Đa truân?

- Má hồng hay hồng nhan là người con gái đẹp. Phận bạc là số phận không may mắn. Đa truân là nhiều gian nan, vất vả. Những nghĩa đó đều ám chỉ về chuyện tình duyên. Đời người con gái mà duyên nợ trắc trở thì... khổ lắm.


Mẹ giải thích như vậy, nhưng Quạ có hiểu được đâu. Để rồi từ đó, như một giới hạn, Quạ không muốn thắc mắc thêm. Mẹ vẫn có cái quyền làm mẹ, còn chứng minh hay không là do cuộc đời trước mắt, đang xảy ra hàng ngày.


Người đàn bà đã qua hơn bốn mươi năm cuộc sống, nhưng nhiều người chỉ đoán chừng ba mươi bốn, ba mươi lăm thôi. Tại vì mẹ vẫn còn đẹp lắm. Đẹp tự nhiên do trời cho chứ không phải đẹp do bàn tay khéo léo của mấy ông, mấy bà bác sĩ thẩm mỹ. Làn da trắng mịn màng không son phấn. Mái tóc đen óng mượt, dợn sóng len lén, ngầm ngầm. Nếu nhìn từ phía sau tới, ai cũng lầm tưởng mẹ là một cô nữ sinh trung học nào đó.


Mẹ cũng có tài nữa. Mẹ nấu ăn thật ngon. Mẹ làm thơ tình được rất nhiều kẻ yêu thơ ngưỡng mộ.


Tên mẹ hay lắm: Từ Diễm Phượng. Nếu đem so sánh với tên Từ Thị Quạ. Rõ ràng là bất công!


Tên Quạ đã xấu, dung nhan người con gái tên Quạ cũng xấu luôn. Tài năng Quạ lại không có gì. Mẹ vẫn vào bếp mỗi ngày và Quạ, nếu phải làm nội trợ thì chỉ là một người nội trợ ngơ ngác, vụng về.


Số tử vi của mẹ có sao Đào Hoa, Hồng Loan nằm trong cung mệnh. Mẹ vẫn được nhiều đàn ông thương yêu, đeo đuổi. Quạ đã ngoài hai mươi, chưa được người khác phái tỏ tình lần nào. Không hiểu "sao" gì đang choán trong số tử vi của Quạ? Quạ nhìn mẹ vừa ao ước vừa ganh tị.

- Tại sao mẹ sinh ra con xấu xí?

- Mẹ đâu có quyền lựa chọn để sinh ra đứa con đẹp.

- Tại sao con không giống mẹ?

- Đâu phải đứa con nào cũng giống mẹ.

- Vậy con giống ai?

- Con không cần giống ai hết. Con là con của mẹ. Người mẹ nào cũng thấy con gái mình đẹp cả.

Chỉ giản dị thế thôi, Quạ không muốn hỏi thêm, những thắc mắc kế tiếp Quạ vẫn để dành lại. Quá khứ vẫn nằm yên như chồng sách cũ được xếp nằm im trong một góc tối.

Quạ lười biếng tìm hiểu tất cả mọi thứ cùng một lúc. Khung cửa sổ linh hồn vẫn nằm khuất sau những chấn song rèm mi. Bình yên hay sợ hãi? Người ta phê bình: "Quạ ít nói, rụt rè". Quạ cười, nhưng nụ cười chỉ được phân nửa rồi biến mất.

Kể cả tiếng khóc, Quạ cũng không khóc được. Nhiều lắm chỉ là rưng rưng nơi khoé mắt. Giọt lệ không bao giờ thành hình. Giọt lệ chảy ngược trở vào.


Mẹ khóc dễ như cá sấu. Mẹ cười dễ như đười ươi. Mẹ nói chuyện hoạt bát như một ứng cử viên trong thời gian còn chạy loanh quanh tìm thêm lá phiếu cho kỳ bầu cử sắp tới. Vì thế, nhiều đàn ông vẫn thích mẹ, vẫn muốn chiếm giữ mẹ cho riêng họ. Chẳng hạn như người tình trẻ trước kia, trẻ hơn mẹ năm tuổi, mỗi ngày đi làm vẫn gọi điện thoại về ba lần: hai lần vào giờ giải lao và một lần vào giờ ăn trưa để hỏi xem mẹ có ở nhà hay không.

Bước chân mẹ vẫn tiếp tục trên đường thử thách. Sau đó, người tình lớn tuổi không đòi giam giữ mẹ như tù nhân, nhưng lại ganh ghét, tị hiềm với những dòng thơ mẹ viết.

- Tôi không thích em làm thơ nữa.

- Tại sao vậy anh?

- Lý do dễ hiểu là lúc nào em cũng ngoại tình trong tư tưởng.

- Những thứ đó chỉ là thương vay khóc mướn thôi mà anh.

- Tôi cảm thấy rất khó chịu đối với những tiếng khóc vô lý, với những lời thương yêu bâng quơ của người tôi yêu. Tư tưởng em lúc nào cũng đi hoang. Tâm hồn em bao giờ cũng phiêu bạt.

- Trước khi yêu em, anh đã biết em là thi sĩ mà.

- Giả sử, trước khi yêu tôi, em là một gái giang hồ, em có tiếp tục giang hồ nữa hay không?

- Thi sĩ không thể đem so sánh với gái giang hồ được.

Mẹ không nói nhiều, nhưng tâm tư mẹ không chịu nổi những lời xúc phạm nặng nề như thế và vẫn được lặp đi lặp lại như những hồi chuông từ ngôi giáo đường bên kia dãy phố vẫn vọng lại mỗi chiều. Giữa hai sự chọn lựa, mẹ thích làm thi sĩ hơn. Trời đã bắt mẹ sống bằng nội tâm, mẹ phải chấp nhận như một phần gia sản trong cuộc đời.

- Người đàn ông đó chỉ yêu "tình yêu" của mình chứ không phải yêu "người yêu" của mình. Lời nói "yêu mới ghen" chỉ là ngụy biện. Người đàn ông nào cũng nghĩ người đàn bà của họ là một vật thuộc quyền sở hữu riêng tư, muốn cất giấu nơi nào tuỳ ý. Dưới mắt họ, người đàn bà phải bị cai trị chứ không thể đòi quyền tự do. Mẹ không buồn ai hết, chỉ tại số phận mình chưa may mắn thôi.

Mẹ phân trần với Quạ bằng một giọng hết sức bình thản.

"Hồng nhan đa truân"! Có phải chính lời nói này là một câu sấm truyền vẫn đeo đuổi dọc theo suốt cuộc hành trình đời sống của mẹ? Hay chính mẹ là một mẫu người không thể chịu đựng được những điều trái ý? Hay chính mẹ không chấp nhận được "sự chấp nhận" mà nhiều người đàn bà khác vẫn phải chấp nhận cho đời mình khi đã trót sinh ra làm một người đàn bà?

* * *

Người tình hiện tại của mẹ còn quá trẻ, mới ngoài ba mươi tuổi thôi. Bởi thế, tiếng "chú" trên môi Quạ đôi lúc trở nên ngượng ngùng, lúng túng.

- Tại sao mẹ có thể chấp nhận một người tình quá trẻ như thế?

Mẹ hết sức thản nhiên:

- Việc mẹ chấp nhận một người tình quá trẻ, không đáng để đặt câu hỏi bằng việc người tình quá trẻ đó chấp nhận mẹ, phải vậy không? Con thử nhận xét đi. Đàn ông thường không suy nghĩ nhiều về quyết định tình cảm, nếu hỏi thì lý do của họ sẽ rất chính đáng.

- Nếu mẹ cho là lý do nào của họ cũng chính đáng thì sẽ không còn câu hỏi gì để đặt ra nữa, phải không?

Mẹ chỉ lặng im, xoay lưng bỏ đi.

Chú hào hoa, lịch sự y như dân Tây thượng lưu. Mỗi lần ra xe, chú chạy vòng qua bên kia mở cửa chờ cho mẹ và Quạ lên ngồi rồi mới trở về chỗ ngồi của tài xế. Mỗi cuối tuần chú mang tới hai bó hoa, một cho mẹ và một cho Quạ.

Chú gọi tên Quạ bằng một âm thanh trìu mến. Cái âm thanh dễ thương đến nổi đôi lúc Quạ cảm thấy tên Quạ của mình đã đổi màu, không còn đen đúa xấu xí nữa.

Chú giải thích: Cái tên không biểu tượng cho vẻ đẹp của con người. Cái đẹp có thể tùy thuộc nhãn quan của từng người. Hơn nữa, "dung nhan chỉ là bên ngoài", cái đẹp trong tâm hồn mới đáng quý.

Chú thông minh lắm, khi nói chuyện, chú biết lúc nào thì dừng lại để tránh lời nói quá lố. Chú biết bao nhiêu lời là vừa đúng để cho vừa lòng nhau. Chú không bao giờ thắc mắc gì tới lối đi hoang trong tư tưởng mẹ. Tha hồ cho mẹ làm thơ tình đăng báo.

Cái tâm của chú cũng yên lắm, bởi vì không bao giờ chú điều tra về sự vắng mặt của mẹ trong mỗi lần chú gọi điện thoại tới. Vắng lần nầy thì gọi lại lần khác. Mỗi người đều có quyền có một sự tự do tối thiểu cho riêng mình, chú thường bảo thế. Mọi người đều có quyền sống giống nhau.

Chú còn nói thêm, đừng bao giờ bắt buộc một người phải thương yêu mình, biết làm cách nào để tự người đó cảm thấy thương yêu mình mới là điều quan trọng. Mẹ nhận xét: Chú là một mẫu người đàn ông rộng lượng, vị tha và dễ yêu.

Chú đến, luôn luôn với nụ cười rạng rỡ trên môi. Chú đến, ánh đèn trong phòng bỗng nhiên trở nên ấm cúng hơn. Nét trẻ trung của mẹ trông tươi mát hơn. Màu son mẹ tô lên môi cũng thắm hơn. Còn Quạ, cô gái bỗng nhiên khám phá ra một ngày nào đó, không hay, khung cửa sổ linh hồn như mở rộng và đang tràn ngập ánh sáng. Những hàng chấn song nhà giam, không hiểu từ lúc nào, cũng trở nên linh động và mềm mại. Nụ cười của Quạ đã được nở hơn phân nửa trên môi, không giấu giếm.

Quạ không bao giờ thoải mái khi đi đến những chỗ ồn ào hoặc đông người. Thế mà chú cũng hiểu được khi chưa cần phải hỏi. Những buổi cuối tuần, chú thường mời mẹ và Quạ đi về vùng thôn quê.

Quạ bắt đầu cảm nhận một nỗi nhớ nhung âm thầm trong những ngày chú không tới. Quạ cảm nhận cả nỗi băn khoăn, ray rứt mỗi lần chú ở trong phòng mẹ và cửa đóng lại. Đêm nào chú ở lại là đêm đó Quạ trằn trọc không ngủ được.

Bây giờ, ngoài nỗi ganh tị, Quạ còn có thêm mối hờn ghen với niềm hạnh phúc mà chú đang mang đến cho mẹ. Ngay cả trên những ngôn từ xưng hô, Quạ thèm thuồng cái âm thanh ngọt ngào của tiếng gọi anh anh, em em...

Tiếng "chú" bắt đầu ngập ngừng trên môi Quạ. Âm thanh tiếng "chú" bắt đầu nghe chương chướng nơi lỗ tai Quạ.

Một lần, như thường lệ, chú đến có lễ mễ mang theo mấy cái cần câu cá. Mẹ bận công việc không đi chơi được nhưng mẹ cho phép Quạ đi với chú. Lòng Quạ vừa hồi hộp vừa sung sướng.

Lần đầu tiên được đi riêng với chú, Quạ cảm thấy bước chân mình như đang nhảy tung tăng trên lối đường gập ghềnh sỏi đá dẫn đến bờ sông. Chú vừa móc con trùn vào lưỡi câu vừa hỏi:

- Quạ có sợ con trùn không?

- Sợ chứ! Sao chú không sợ vậy?

- Bản tánh con trai thường không sợ gì hết.

- Chú có sợ mẹ không?

- Mẹ đâu phải là bà chằng mà sợ! Chú chỉ chìu ý mẹ thôi.

Chú đứng sát mé sông, thẳng người, lấy sức mạnh quăng cái lưỡi câu có cục chì ra phía ngoài xa xa. Cục chì rớt cái tõm xuống nước rồi chìm mất hút.

Chú trao cần câu cho Quạ cầm rồi tiếp tục móc con trùn khác vào lưỡi câu thứ hai. Những động tác được lặp lại.

Rồi chú ngồi xuống sát bên cạnh Quạ, mắt chăm chú nhìn ra dòng sông. Dòng nước đang lững lờ trôi. Thời gian len lén trôi. Sợi dây cước im lìm, mỏng manh nối dài từ chót cần câu tới mặt nước. Bên kia bờ sông là những khóm cây mọc dại chỗ lưa thưa, chỗ dày đặc. Xa nữa là khu rừng thông xanh rì, bát ngát.

Trên cao, bầu trời trong xanh có loang lỗ vài đám mây trắng. Quạ không dám xoay qua nhìn chú, nhưng thứ hơi hướm đàn ông từ người chú thỉnh thoảng vẫn được ngọn gió nhè nhẹ gởi sang. Quạ cảm thấy mình đang tôn trọng những ngọn gió vương hương như thế.

Những lần đi câu cá trước đây, mẹ luôn luôn là người ngồi ở giữa như một vật cách điện nên cảm giác của Quạ hoàn toàn khác biệt. Lần này, hai dòng điện âm và dương không có vật ngăn cách, Quạ biết mình đang âm thầm chống lại một sự cuốn hút.

Buổi chiều xuống tuy chậm nhưng vẫn biến đổi được không gian. Hai cây cần câu đã được kéo lên, bỏ xuống nhiều lần để thay trùn mới nhưng chưa có con cá nào lỡ dại cắn mồi. Quạ chợt nghĩ, có phải mình đang cầm cần câu để câu niềm hy vọng hay không? Nếu cá cắn câu, niềm hy vọng thành; không con cá nào cắn câu, niềm hy vọng vỡ!

Từ phía cuối dòng sông, ánh mặt trời đang biến dần vào bóng tối. Chú bắt đầu đi quanh tìm lượm những cành cây khô chất lại thành đống rồi đốt lửa lên. Chú nói:

- Thế nào cũng được cá, mình đốt lửa trước để chuẩn bị nướng. Khi trời tối sẽ có nhiều con ra kiếm ăn.

Đúng như lời chú đoán, đống lửa đốt lên chưa bao lâu, một con cá dính câu giãy xoành xoạch trong dòng nước. Nỗi vui mừng hiện ra thật rõ ràng trên nét mặt của hai người. Riêng với Quạ, đây là dấu hiệu của một niềm hy vọng sẽ thành. Còn hy vọng gì thì chưa rõ nghĩa lắm.

Chú gỡ con cá ra khỏi lưỡi câu, lượm một nhánh cây dài xỏ vào miệng cá xuyên qua thân rồi đưa vào lửa. Trời càng trở về đêm, cảnh vật càng trở nên im vắng. Chú im lặng làm việc, Quạ im lặng theo dõi. Thứ im lặng hữu tình chứ không phải khó thở.

Mùi cá nướng thơm lừng trong không khí. Chú vừa gỡ cá cháy vừa hít hà vì nóng.

- Chú đưa Quạ gỡ cho.

- Thôi, nóng lắm, phỏng tay Quạ đó.

- Tay chú không sợ phỏng sao?

- Thà phỏng tay chú còn hơn để phỏng tay Quạ.

Chú gỡ miếng cá trắng phau còn bốc khói đưa lên miệng xoay qua, xoay lại thổi trước mới đưa sang cho Quạ. Cử chỉ quá tự nhiên nhưng ân cần, khiến Quạ cảm động đến độ quên mất chuyện đưa tay ra nhận.

- Ô, xin lỗi Quạ, đáng lẽ chú không nên thổi như vậy. Để chú lấy miếng khác.

- Không! Không phải vậy đâu!

Quạ hốt hoảng chụp lấy cánh tay chú khiến miếng cá cầm hờ hững bị hất văng lên. Quạ chồm tới cố bắt miếng cá, bị mất thăng bằng nên bàn tay chống xuống đất, mấy ngón tay chụp vào đống than hồng. Nóng buốt, Quạ giựt mạnh tay ra.

Chú vội vàng cầm lấy bàn tay Quạ, phủi tro rồi kéo cả người Quạ đứng lên đi thẳng ra bờ sông. Chú ấn Quạ ngồi xuống để nhúng bàn tay Quạ vào dòng nước lạnh. Tất cả những hành động đó đều nằm trong im lặng, không tiếng nói. Quạ không dám cất tiếng nói thì đúng hơn, nhưng còn chú thì sao? Quạ không dám nhìn.

Trên bờ sông, trong bóng tối chập chờn của ánh lửa từ phía sau lưng chiếu tới, trong sự im lặng, một tay chú vẫn giữ bàn tay Quạ cho ngâm dưới nước và cánh tay còn lại chú choàng ngang ôm lấy người Quạ để giữ cho nàng không bị té ngã. Nỗi hy vọng trong lòng cô gái đang lớn dậy... trong niềm hạnh phúc vừa chợt đến.

* * *

"Mình có bị tội không?".

"Dĩ nhiên là không!".

"Tại sao không?".

"Tại sao có chứ?".

Mẩu đối thoại ngắn vẫn loanh quanh trong đầu óc. Chập chờn trong giấc ngủ và lảng vảng đâu đó trong không gian. Câu giải đáp của chú chưa đủ làm yên lòng Quạ. Nàng không phải chỉ mang mặc cảm tội lỗi. Nỗi xót xa cứ lẩn quẩn, đau ngây ngấy trong lòng.

Mấy ngón tay bị phỏng lửa tuy được ngâm xuống dòng nước mát lạnh nhưng Quạ vẫn chưa cảm thấy êm ái bằng... nụ hôn của chú đặt vào đó! Chú trân trọng quá! Chú đã cho Quạ cái cảm tưởng rằng vết thương là của chú, chính chú đang chịu đựng chứ không phải Quạ.

Cử chỉ ân cần, tha thiết như một phép lạ khoả lấp đi khoảng trống mông lung trong cuộc đời người con gái. Đêm đó, nếu Quạ không bị phỏng tay thì chú đã không ôm ngang người Quạ để giữ cho nàng khỏi bị ngã xuống nước. Và Quạ đã không thể nhận được thứ cảm giác hồi hộp, xao xuyến và ngây ngất của lần đầu tiên trong đời được tạo ra bởi một người khác phái.

Còn hơn thế nữa, nếu vết thương nơi tay Quạ không đau đớn thì nơi đó đã không nhận được nụ hôn trân trọng của chú.

Chú! Chú! Hình bóng của chú bây giờ quá lớn. Như một bóng mát che chở. Như một khối nặng đè nén. Như một ánh sáng dịu mát. Như một cơn mưa âm thầm dai dẳng... Hình bóng chú có tất cả mọi thứ, từ an ủi đến đay nghiến; từ êm ái đến ray rứt. Và mẹ nữa, mẹ đã vô tình hay cố ý khi để cho Quạ đi một mình với chú?

Mẹ đang là một người tình, có phải người tình nào cũng phải ích kỷ không? Quạ là người con gái mới lớn, tuy không đẹp, nhưng số tuổi hai mươi hai vẫn là điểm thuận lợi và ưu ái đối với quan niệm của mọi người đàn ông. Chú là người đang đứng ở giữa cái khoảng cách của hai số tuổi. Với mẹ, chú thua mười năm; với Quạ, chú hơn cũng mười năm.

Trên con đường nhỏ chạy ngoằn ngoèo trong công viên, chú đã cầm tay Quạ một cách tự nhiên như thể một đôi nhân tình.

- Quạ có yêu ai chưa?

- Chưa.

- Quạ có mơ gì về hình bóng một người đàn ông trong đời Quạ không?

- Không.

- Tại sao?

- Không biết.

- Quạ nghĩ sao về chú?

- Quạ... thích chú.

- Kêu chú bằng anh được không?

- Tại sao không kêu bằng chú nữa?

- Cho cái khoảng cách giữa hai chúng ta được thu ngắn lại.

- Khoảng cách gì?

- Khoảng cách giữa hai kẻ yêu nhau.

- Mình có bị tội không?

- Dĩ nhiên là không.

Quạ dừng bước lại, níu cánh tay chú dừng theo. Lần đầu tiên, Quạ dám nhìn thẳng vào mắt chú:

- Quạ mặc cảm!...

Tia mắt của chú nửa dịu dàng nửa nghiêm khắc:

- Mặc cảm hay không là do mình chứ không do người khác hay do hoàn cảnh chung quanh tạo nên. Em nghe anh nói đây, tại sao phải mặc cảm khi mình có thể chối bỏ được nó? Mặc cảm sẽ không giúp ích được gì cho em trong cuộc sống nầy. Sống là phải tranh đấu. Anh muốn nói đến sự tranh đấu với chính bản thân mình là điều trước tiên. Đừng để sự yếu đuối xâm lấn làm huỷ hoại tâm hồn ta.



Vòng tay chú choàng sau lưng Quạ, siết nhẹ. Bàn tay chú nâng khuôn mặt Quạ lên trong lúc khoé mắt người con gái đang rưng rưng dòng nước. Nụ hôn thật nhẹ chú đặt phớt lên đôi môi mấp máy chưa nói được thành lời.

Quạ buông lơi cả thân người để tựa đầu mình vào nơi ấm áp nhất của con người: vùng trái tim của chú. Từ nơi đó, Quạ nghe tiếng nói thoát ra:

- Mình không có tội gì hết khi vô tình phát hiện một cảm giác chợt đến. Anh không mặc cảm khi nói anh yêu em. Anh đã không cố tình khi không chung thuỷ với mẹ em. Làm sao chung thuỷ, khi gánh tình yêu trên vai anh đang có một bên nhẹ và một bên nặng? Anh không có tội khi anh không cố tình lừa dối. Em không bất hiếu khi em chưa phủ nhận công ơn sinh dưỡng của mẹ... Mẹ đã cho em cái quyền làm người, anh tin rằng mẹ sẽ tôn trọng nó.



Nước mắt Quạ tự do tuôn trào. Khoảng áo trên vùng ngực chú thấm ướt một khung tròn nho nhỏ.

Các tác phẩm khác của Hồng Hoang

Tưởng Rằng Đã Yên

Phải Chi

Hoa Tường Vi Vẫn Nở

Cho Nước Theo Dòng