CÒN MỘT GIÒ …
Tác giả: Huân Long
Đ ã ba mươi hai năm rồi, anh mang cái giò lủng lẳng đó như một nghiệp. Có một thời, người ta cấp cho anh một đôi nạng, anh dùng để di chuyển, nhưng trong một chuyến đi buôn, anh bị bọn quản lý thị trường đập tơi bời đến gãy luôn cặp nạng. Từ đó, anh quẳng luôn chúng đi để nghiền ngẫm nỗi đau bị đời bỏ bê, hành hạ.
Từ xa xưa lắm rồi, anh là lính miền Nam. Anh đăng vào ngành thiết giáp, đội cái mũ bê rê đen ngồi trong xe nồi đồng, có súng to đùng chĩa ra trước, coi gồ ghề dữ tợn. Vậy mà rồi mấy tay
“ ve chai “ cũng mò mò dện một trái B-40 vô đốt cháy tiêu chiếc xe. Anh đang lái tiến hùng dũng bỗng nghe cái chân rát rạt và ngọt ngào, ngó lại máu đổ xối ra, ngỡ là đi đoong liền một khi.
Song cái số của anh chưa hết nghiệp, nên dù ngất đi tới mấy ngày, rồi cũng sống lại. Có điều là cái giò bị xển thì mất tiêu luôn, vì bác sĩ điều trị nói là không giữ được bởi nhiễm trùng nặng quá. Kỳ đó, anh bị thương trong trận Mậu Thân khi cố giải tỏa khu gia binh Thiết Giáp miệt Hạnh Thông Tây, Gò Vấp.
Lây lất được giải ngũ, lãnh tiền thương phế binh dài dài, đùng một cái năm 75 mấy tay “ ve
chai “ chớp chính quyền, anh mất hết. Không lương, không nhà, gia đình bị đuổi đi, còn bị chửi là“ ngụy “, bị hăm he đủ thứ. Anh phải làm đủ mọi nghề để mưu sinh.
Anh gom góp được món tiền cho vợ đi buôn sang tay ở chợ. Đứng đầu chợ, ngồi cuối phố, ngong ngóng ai bán gì thì mua kiếm chút lời, bị xua đuổi như ma, như tà, công an dẹp bên này thì nhảy qua bên kia lề để thành dân phường khác, dây dưa sống. Món nào lớn vốn thì gọi bạn sang tay, kiếm tí chia lời, người ta bảo đó là lối buôn nước bọt.
Dạo đó, “ ve chai “ ở Bắc vào ùn ùn, thấy thứ gì của miền Nam cũng tấm tắc khen và hối hả mua. Miệng thì nói ngoài đó gì cũng có, song tranh nhau gom đủ thứ mang về. Dân miền Nam trong cảnh nước mất nhà tan, thân còn chẳng tiếc, tiếc chi ba cái món của cải ngày xưa, nên có gì đem ra chợ tất tần tật. Những chuyến xe bít bùng chở hết của nả các công sở chạy ngày đêm ra Bắc, nhưng miệng thì chửi “ ngụy “ làm nô lệ cho ngoại bang.
Đã bao lần vợ và anh bị kêu ra khóm học tập. Họ kiểm điểm gia đình anh về cái tội con buôn phe phẩy, chây lười lao động. Họ bắt anh chị chụp hình như tù đeo số và cho dán ở phường, ở chợ để bêu riếu vợ chồng anh.
Thời đó, anh không đởm lược cũng không được, vì nếu không làm thì lấy gì bỏ vào mồm. Lại thêm, anh muốn làm người công dân bình thường mà nào họ có cho đâu. Tới nơi nào họ đều xua như xua người bịnh hủi, người bị HIV. Họ nhiếc, họ mắng, họ lôi quá khứ của anh ra để làm cho anh tối mày, tối mặt. Cho nên họ nói mặc họ, phê bình chán cũng thôi, vợ chồng anh cứ bám cứng thành phố để lo nuôi bọn con ăn học.
Bọn con nít trong xóm gặp anh đều hát ghẹo ồm ồm : còn một giò đi lái xe ôm, còn một giò đi mót cơm rơi. Anh khổ nhứt khi mùa hè về vì bọn nhóc được nghỉ học, chúng nhởn nhơ khắp nơi, anh bước chân ra đều miên man đụng đầu chúng. Bọn con cán bộ thật mất dạy, chúng lấy đá chọi vô chân anh rồi chạy để anh đuổi theo bất lực. Cha mẹ chúng có thấy cũng chẳng rầy la.
Anh cam chịu nỗi đời hẩm hiu không than van, oán hận. Nhiều khi tủi thân, anh chỉ âm thầm khóc một mình. Thời ăn bo bo, bột mì, anh đau lòng vì bọn con anh ăn không nổi. Tay chưn tụi nó mụn mủ mọc tràn, các ngón run run, kẽ tay chìa bè ra, không khép lại được. Anh nghĩ ăn còn chẳng có, lấy đâu ra vi ta min uống để mụn tan đi.
Chẳng còn điều gì anh chẳng làm, kể cả đi ăn mày, ăn xin. Nhiều đồng bạn anh đã chuyển sang nghề hát dạo, kết nhóm nhau thành một băng hát rong. Người đàn, kẻ đập xèng xèng, ca những bài xưa lơ xưa lắc. Kẻ dễ dãi thì lơ là cho thương binh chế độ cũ kiếm tiền, kẻ độc ác thì dọa dẫm giờ còn đem nhạc vàng ra hát hỏng.
Độc chiêu nhất là bọn bộ đội nhân dân. Chúng thích các bài ca tâm sự lính đòi anh hát bằng được. Thằng nào thằng ấy nghe dẩu mẹ miệng ra, nốc rượu như nước lã. Bọn công an đến kiếm chuyện, mấy thằng quân đội nạt đuổi đi, loạng choạng đập cho chạy không kịp. Cùng là lực lượng quân sự với nhau mà thằng áo cứt ngựa coi thằng bò vàng khinh như chó. Anh nhẫn nhục hát theo sự yêu cầu, nhặt từng tờ bạc sờn mòn về chiu chắt nuôi con.
Anh đau nhất là ngày vợ anh cũng bỏ đi nốt. Cô ả chịu khổ không xuể nên có thằng lao công biên chế gạ gẫm là cuốn gói xéo ngay. Mấy đứa nhỏ níu kéo kêu má ơi, má hỡi, nhưng đàn bà khi đã khăng khăng thì chịu, chẳng làm sao nói điều hơn thiệt. Anh cắn chặt môi đến rớm máu, bật lên nỗi chua cay như xát muối vào lòng.
Vậy mà anh cũng trụ lại nổi. Bọn nhóc lớn lên, học xong cấp 2 là bổ nháo bổ nhào đi làm. Công việc toàn là thứ vứt đi, làm phu quét đường hay dọn vệ sinh khu phố. Bọn cầm quyền dỗ ngon dỗ ngọt phải chịu khó nhận thử thách, dốc tâm lao động thì lần hồi mới được cất nhắc việc nhàn hơn. Song lời hứa của “ ve chai “ có họa là lập thiên lập địa lần nữa cũng không có.
Bọn trẻ đi làm, anh trơ trọi một mình. Cứ lê cái giò cà nhắc đi khắp nơi như một chứng nhân thời đại. Gần gần đây, anh nghe đồn có ông quan phe mình được bà con ở nước ngoài tin tưởng gửi tiền về giao toàn quyền lo việc giúp đỡ phe ta. Anh nôn nao hỏi thăm để mong được nhận chút ơn mưa móc đó. Khốn nỗi là ông quan ở mãi tận đâu đâu, anh dò hỏi được thì ông đã đi sang vùng khác.
Anh không tin là phận hẩm hiu đeo đuổi anh hoài. Nhưng dường như duyên anh còn lềnh bềnh nơi đầu nguồn cuối lạch sao đó, mà đợi chờ hoài vẫn chưa thấy tăm hơi. Một vài lần, anh mon men đến các nhóm đoán là đồng đội ngày nào. Anh chưa ghé vào đã nghe các bố huyên thuyên trận này, trận nọ. Bố nào cũng phồng môi trợn mắt kể thành tích ngày xưa, lại kháo tin ông tướng này tướng nọ đang mon men về gần đất nước làm cách miệng.
Cái hôm đọc tờ báo nghe nói ông tướng tàu bay vừa về thăm quê nhà. Anh muốn chửi um khi nhìn bộ râu cá chốt của lão xun xoe trước cán bộ. Mẹ, cái thằng ăn tục nói phét, cuỗm cả vợ đàn em mà còn vênh váo nhặng lên. Anh nghĩ cỡ thằng đó chỉ nên vùi đầu xuống bùn cho đỡ nhục, trăm voi không được tẹo nước sáo, hùng hùng hổ hổ rồi cút bỏ mặc đàn em. Nay lại ti toe nịnh cái lũ ngày xưa đã bị chính hắn mở mồm chửi vung vít.
Cuộc đời là như vậy. Tiếc là miền Nam vô phúc có lũ tướng phường tuồng, nhi nhô tranh nhau bả danh lợi, khi thấy không xong là cun cút chạy nhanh. Những thứ đó anh coi là rơm là rác, phí lời chửi vì chúng có nghe đâu.
Bởi vậy, anh thủ chặt một giò, nhảy lình xình cho trải đời, trải kiếp. Anh không hề khoe về binh chủng ngày trước của anh, những vinh quang đó giờ còn đâu nữa mà khua môi múa mép. Hoang phế một thời giờ có nhắc chỉ thêm chua xót mà thôi, triều đại đã qua như một trận cuồng phong kéo qua, chẳng còn để lại mảy may nào nữa.
Anh cúi đầu lặng thầm trong bóng đêm. Thành phố chưa tàn một ngày lăn lội. Chỗ của anh là gầm cầu bỏ ngỏ đã lâu. Nhát chân cầu cụt lêu vêu như một vết chém chặt lìa quá khứ với hiện tại giờ đây, cách nhau một trời một vực. Cái đế cầu còn cụt ngủn lặc lè, anh có ý nghĩ như đó là cái giò của anh chỉ sót lại một, cũng lặc lìa, loi choi như thế.
Anh ôm câu ca : còn một giò đi lái xe ôm, còn một giò đi mót cơm rơi mà nước mắt chan hòa tự lúc nào.
Huân Long