Thằng củi
Tác giả: Huỳnh Mẫn Chi
Thắng, nó sống chung trại trẻ em khuyết tật với tôi. Hồi đó, tôi mới lên tám. Trong khi năm nay, tôi đã bước sang tuổi hai mươi lăm. Ký ức tôi vẫn hình dung ra nó, một thằng con trai có thân hình khẳng khiu, ốm nhom. Nói chung, nó xấu xí lắm. Mặt mày to ró, da vẻ đen đúa, nước mồm nước dãi lúc nào cũng chảy lòng thòng, chân cẳng lại què quặt. Ở nó chỉ được mỗi đôi mắt kha khá. Đôi mắt trông rất tội tội, đôi mắt đen thui đen thủi nhưng lại ươn ướt, trong vắt như nước lã. Hàng mi dài đễnh, rậm rì, dày đặc như rơm như rạ. Hai thứ đó hợp lại trên mỗi đôi mắt nó đã ăn đứt tôi nhiều thứ. Chính vì vậy, nó nhìn mọi thứ đều tha thiết. Nó nhìn lạ lắm, nó nhìn cái gì cũng đắm đuối. Nếu có ai bất chợt nhìn vào, người ta sẽ có cảm tình với nó ngay. Một vài người lớn tuổi bảo nhau, nó có đôi mắt đa tình. Tôi chạng chạng tuổi với nó. Cho nên, tôi không hiểu ý của người lớn nói gì? Tôi chỉ thấy ở nó một đôi mắt lì lợm.
Một hôm, nó vừa ngủ dậy. Tôi vẫn nằm yên nhìn nó. Đôi mắt nó cứ đăm đắm một hướng. Tôi tò mò, đưa tay khều khều nó:
- Người lớn nói mày có đôi mắt đa tình tao thấy đúng thiệt.
Nó quay sang tôi hì hồ nạt nộ:
- Mày khùng quá!
Tôi lặng im. Vì mọi thứ chưa tỏ rõ nên tôi không thể tranh cãi với nó. Cãi làm gì, tôi bao giờ cũng là đứa thua cuộc? Thằng thần sầu quỷ khóc đó, tôi còn lạ gì nữa? Trông nó lừ đừ như vậy chứ thật ra nó khôn cha đời. Cả phòng này, nó chính là đứa vượt trội, đứa xếp sòng.
Nói cho đúng, nó còn có nhiều điểm nổi bật hơn tôi. Đôi mắt nó cũng đủ ăn tiền mọi người. Chính vì vậy cả phòng này, đứa nào cũng chê bai tôi đủ thứ. Tụi nó bảo tôi y chang như con khỉ đột trong phim hoạt hình, to mồm rộng họng nhất vẫn là nó. Cho nên, tôi đâu có dại dột gì mà đem những nét đẹp ấy của nó ra, để gắn biệt danh cho nó. Tôi gọi nó là thằng Củi. Nó làm gì được tôi?
Nhớ mãi chiều hôm ấy, trong căn phòng rộng thênh thang, tôi chạy đến kéo tay thằng Củi. Miệng hét to:
- Que Củi!
Bất thình lình, thằng Củi ngã dài xuống sàn nhà. Đám bạn tôi xúm nhau đỡ nó ngồi dậy. Ngẩng đầu nhìn tôi, giọng nó cáu gắt:
- Tao mách cô phụ trách bây giờ.
Tôi liền khiêu khích nó:
- Mốc xì! Ba tao làm giám đốc oai hơn bất cứ chức nào.
Thằng Củi nhìn tôi chằm chằm. Đám trẻ vây quanh nhìn nó rồi nhìn tôi với ánh mắt trông đợi. Tôi định chọc tức thằng Củi tiếp để diễn trò cho đám bạn xem. Thế nhưng, nó kịp thời quay sang tôi, huênh hoang:
- Thế thì tao mách ông giám đốc trung tâm này, nội tao là bạn thân với ông ta. Mày sợ chưa?
Tôi ngồi lặng im, vì không còn cách nào để trả đũa nó. Mặc cho đám bạn vẫn tiếp tục bày trò trêu chọc nhau, tôi lặng lẽ rút lui. Lúc này, nổi bật nhất đám vẫn là thằng Củi. Nó nhìn quanh quẩn căn phòng. Sau đó, mắt nó lia qua lia lại rồi chiếu thẳng vào thằng Bi, gắn biệt danh hoàng tử mù. Thằng Bi lấy làm thích thú. Chàng ta cất giọng cười ha hả, vang dội ra đến bên ngoài. Thằng Củi khoái chí. Nó lại quay sang nhỏ Nhi, miệng lặp đi lặp lại câu công chúa câm. Nhỏ Nhi không hiểu thằng Củi nói gì nên đứng trước chúng tôi, mặt ngơ ngác. Đến lượt tôi, một đứa dữ dằn nhất đám, biệt danh cũng có trước tiên vậy mà thằng Củi vẫn không tha. Nó đưa mắt nhìn tôi từ đầu đến chân, nhưng cứ đứng lặng im mãi. Có lẽ, thằng Củi không tìm được câu chữ gì hay hơn bà già lưng gù.
Sau buổi cơm chiều, tôi đem câu chuyện này kể lại cô phụ trách. Cô nhìn tôi lúng túng. Thằng Củi cướp lời:
- Ba mẹ nó bỏ nó luôn phải không cô? Giám đốc ai lại có con là bà già lưng gù.
Cô phụ trách cúi đầu, lặng im. Đám bạn tôi vỗ tay tán thành câu phát biểu đó của thằng Củi. Nó vênh vênh mặt nhìn tôi mỉm cười. Tôi hơn thua:
- Nó nói xạo phải không cô? Ba con bảo đến đây ở một tháng sẽ đón về.
Nó bật cười đắc thắng. Đám bạn tôi cùng nhau reo hò để tung hê nó. Tôi bực tức nói không ra lời. Nó thừa cơ hội chen vào:
- Ai nói xạo thì mày phải biết chứ ? Ai bảo mày ở đây một tháng, nay đã hai ba chục tháng rồi?
Cô phụ trách ngồi ấp úng. Tay vỗ nhẹ vào đầu nó. Tôi bật khóc nghẹn ngào:
- Ba mẹ mày bỏ mày luôn thì có. Ba tao bỏ tao thì con đâu để nuôi?
Thằng Củi cười hớn hở. Nó không biết xúc động hay sao chứ ? Trong khi, nước mắt tôi đổ ròng ròng xuống mặt, nó vẫn tìm thời cơ tranh thua tranh thắng với tôi:
- Mẹ mày sinh em bé khác rồi.
Nó dứt lời. Tôi xông tới:
- Sao mày biết?
Cô phụ trách nước mắt chan hòa, vẫn cúi đầu lặng im. Thằng Củi vẫn bình thản. Đến lúc này, nó vẫn nói năng hồ hởi hơn nữa chứ.
- Ba tao thường bảo mẹ tao như vậy.
Bỗng nhiên, thằng hoàng tử mù cất tiếng oang oang:
- Mẹ bà già lưng gù sinh em bé rồi phải không?
Lập tức, thằng Củi ríu rít chuyện nhà nó:
- Lúc còn bé xíu, tao ở nhà của ba mẹ. Ngày nào, tao không nghe ba bảo mẹ sao mình không sinh đứa khác để gửi thằng Thắng vào trung tâm cho rồi, nhìn thấy nó tôi chán ngán chẳng muốn làm ăn gì cả.
Kể đến đây, thằng Củi quay sang nhìn tôi:
- Mày thấy chưa? Ba mẹ nào chẳng thương em bé hơn mình?
Cô phụ trách đưa tay vỗ nhẹ vào đầu thằng Củi, ngắt lời:
- Các con còn nhỏ không nên suy đoán quá nhiều như vậy. Ba mẹ đang bận rộn nên chưa đến đón về. Các con phải biết ở đây còn có cô và bạn bè.
Những đứa trẻ dại khờ như chúng tôi nghe cô phụ trách nhắc đến ba mẹ đón về đoàn tụ cùng gia đình là reo mừng. Cả tôi và thằng Củi đều hớn hở trông chờ.
Một hôm, đến giờ ngủ trưa, tôi thấy thằng Củi cầm trên tay một túi ni lông chứa đầy bánh kẹo. Loại kẹo sô-cô-la rất ngon như tôi từng được ăn lúc còn sống chung với ba mẹ. Chẳng muốn ngủ nghê gì cả, tôi cứ mãi lòng vòng bên cạnh thằng Củi:
- Ở đâu mày có vậy?
Thằng Củi nhìn tôi bối rối:
- Một bà đến cho tao, bà thật đẹp và rất tử tế.
Tôi ghen tức:
- Tao dám cá là mày ăn cắp.
Nó nổi giận:
- Không đúng! Bà ấy còn bảo khi khác sẽ cho tao nhiều hơn.
Bỗng nhiên, thằng Củi im bặt nghĩ ngợi, rồi giọng đầy lo lắng:
- Tao quên mất. Mày không được giành phần bánh kẹo này mỗi khi bà ấy mang đến đây.
Tôi cười vả lả với nó:
- Mày cho tao. Tao sẽ không giành.
Đưa cây kẹo cho tôi, nét mặt thằng Củi vẫn đầy vẻ nghi ngờ:
- Mày thề đi ! Tao cho!
Đưa cây kẹo lên miệng, tôi thề liên tiếp miễn sao nó chia đều phần cho tôi.
Trưa hôm khác cũng sắp đến giờ đi ngủ, tôi thấy thằng Củi giấu trong gối một túi kẹo. Tôi tìm cách nằm cạnh nó. Hai đứa cùng ăn hết cây này đến cây khác. Nó nói:
- Bà ấy hứa ngày mai sẽ cho tao nhiều hơn.
Tôi lại tức tối:
- Lạy trời cho bà ấy đừng đến.
Thằng Củi nhìn tôi mỉm cười:
- Mày lạy trời chẳng linh thiêng đâu, vì bà ấy rất thương tao.
Tôi cười chế nhạo:
- Mày làm như bà ấy là mẹ mày không bằng. Mẹ tao còn đẹp và tốt hơn nữa kìa. Nhưng chưa bao giờ cho tao nhiều quà bánh như bà ấy cho mày.
Thằng Củi nhìn tôi thật lâu mới thốt ra được câu:
- Tại mẹ mày là người xấu.
Nghe nó nói lời này, tôi ngập ngừng. Nước mắt giàn giụa. Vứt cây kẹo sô-cô-la sang nó, tôi nằm bất động.
Trưa hôm sau, thằng Củi mỏi mòn trông đợi. Bà ấy biệt tăm. Nó buồn thiểu não, úp mặt xuống giường khóc tức tưởi. Tôi trêu chọc:
- Mày thấy tao lạy trời linh thiêng chưa?
Thằng Củi nằm thin thít. Tôi sung sướng, nhưng cơn thích thú trong lòng tôi bỗng nhiên tắt lịm khi quay sang thằng Củi. Mắt nó trợn tròng trao tráo. Chân tay co giật lẩy bẩy. Tôi ngồi bật dậy:
- Cô ơi! Thằng Củi sao thế này?
Mọi người đang chìm đắm trong giấc ngủ say sưa phải tỉnh hẳn. Trung tâm đưa nó đi cấp cứu. Tôi hy vọng thằng Củi trở về trong ngày mai. Nó sẽ nhận quà bánh của người đàn bà xa lạ nào đó và chia phần cho tôi.
Nhưng chiều hôm ấy, cô phụ trách quay về với đôi mắt đỏ hoe. Chúng tôi hỏi han mọi chuyện về nó. Cô phụ trách chỉ cúi đầu khóc nức nở. Kể từ hôm đó, tôi không bao giờ gặp lại thằng Củi. Và ngay cả mẹ nó cũng không bao giờ đặt chân đến trung tâm. Người đàn bà mà thằng Củi cho là thật xinh đẹp và rất tử tế. Thế rồi, chúng tôi cũng nhanh chóng quên nó.
Thời gian cứ chồng chất. Chúng tôi ngày một lớn dưới mái ấm tình thương của bao người. Cô phụ trách tôi thuở đó do quá đau đớn trước cái chết của Thắng nên xin chuyển công tác nơi khác. Từ đó, chúng tôi sống trong vòng tay nuôi dưỡng của cô này rồi đến cô khác. Cô nào cũng hết lòng yêu thương chúng tôi. Khi chúng tôi trưởng thành, trung tâm lại gửi đi học nghề khắp nơi. Đứa học nghề này. Đứa theo nghề kia. Chúng tôi không có dịp gặp lại nhau. Mỗi mình tôi, trung tâm giữ lại với vai trò nuôi dưỡng trẻ khuyết tật. Được làm công việc này, tôi hạnh phúc vô cùng, vì đây là nguyện vọng lớn nhất của tôi, khi Thắng vĩnh viễn ra đi.
Sáng nay, trung tâm nhận một bé trai. Vừa gặp, tôi đã mến nó ngay. Bởi vì nó giống hệt Thắng ngày trước. Tôi bàng hoàng nhớ đến Thắng, nhớ đến đôi mắt đa tình của nó. Một đôi mắt đượm buồn, mỗi khi chia quà bánh cho tôi. Bây giờ, tôi đã hiểu thế nào là đa tình rồi. Chỉ tiếc một điều, nó không còn nữa, để tôi giải thích nó nghe. Càng nhớ đến Thắng, tôi lại càng nhớ cô phụ trách, nhớ các bạn sống cùng phòng thuở trước, nhớ cả những giấc mơ viển vông, trông chờ ba mẹ đến đón về đoàn tụ cùng gia đình…/.