Ngày xưa vui thế
Tác giả: Isaac Asimov
Buổi tối hôm ấy, Mây gõ nhẹ trên bàn phím của máy điện tử. Em viết nhật ký. Ở đầu trang, có đề ngày 17/05/2157. Mây viết:
-Hôm nay, anh Thông có tìm ra một cuốn sách thật sự! Một cuốn sách thật cũ, cũ ơi là cũ!’. Mây còn nhớ ông Nội có kể rằng ngày xưa, khi ông còn bé, ông Sơ có nói rằng những câu truyện cổ tích hay những truyện tiểu thuyết đều được in trên giấy.
Hai đứa lật từng trang sách, những tờ giấy vàng cũ kỹ và nhăn nhó. Thật là ngộ nghĩnh khi nhìn thấy chữ viết đứng yên rõ nét, không như lúc chúng nó đọc trên màn ảnh, chữ viết lúc nào cũng run run. Lạ hơn nữa là khi lật ngược để xem lại những trang vừa đọc, cũng vẫn thấy những hàng chữ viết đó, không có một chữ nào thay đổi cả.
-Ôi chao !' Thông nói :
-Phí quá hở? Khi mình đọc xong là có thể vứt quyển sách này đi. Đúng là như thế. Không như màn ảnh của máy điện tử, có cả hàng trìệu câu truyện mà vẫn còn thừa chổ. Không thể nào mình muốn quăng bỏ máy hết.'.
-Em cũng nghĩ như thế.' Mây nói. Mây mới có 11 tuổi nên chưa đọc được nhiều sách điện tử như Thông. Về phần Thông, nó được 13 tuổi. 'Anh tìm ra quyển sách này ở đâu ?'
-Trong nhà anh.' Nó chỉ tay nhưng mắt còn nhìn trang sách vì nó đang chăm chú đọc.
-Ở trên gát thượng đó !'.
-Quyển sách nói gì hở anh ?'
-Về trường học.'
Mây chu miệng khinh bỉ,
- Về trường học sao ? Người ta nói gì về trường học ?' Mây ghét cay ghét đắng trường học, nhất là lúc này. Người máy thầy giáo cứ cho nó bài kiểm này đến bài kiểm nọ về môn địa lý, và Mây cứ làm trật hoài làm cho má nó nổi giận lên, la nó và đem nó đến gặp ông Thanh tra vùng.
Ông ta mập, lùn với khuông mặt đỏ hồng. Bên cạnh ông có một hộp có đầy mặt số và giây điện. Ông ta mỉm cười với Mây và đưa nó một trái bôm, rồi mang thầy giáo ra một bên. Nhìn ông ta khiêng thầy giáo, Mây cầu khẩn ông ta không sửa chữa được. Nhưng chừng một tiếng đồng hồ sau, ông ta cho biết rằng máy đã chạy tốt. Thầy giáo là một máy móc rộng, vuông và xấu xí với màn ảnh lớn trên đó, là nơi hiện ra những bài học và câu hỏi. Đúng ra, không phải cái gì cũng xấu hết đâu ! Nhưng phần Mây ghét nhất là cái khe hở, chỗ nó phải nhét bài làm và những tờ giải đáp. Thường thường nó phải viết với dạng mã từ khi nó được 6 tuổi; Rồi từ những dạng mã ấy, người máy thầy giáo tính điểm một cách nhanh chóng.
Ông thanh tra mỉm cười. Sau khi sửa xong xuôi rồi ông ta xoa đầu nó. Ông ta nói với má nó : 'Mây không có lầm lỗi gì hết, Bà Bốn à. Tôi nghĩ rằng phần địa lý đã được thảo quá cao. Chuyện đó cũng thường xảy ra. Tôi làm cho phần ấy được chậm lại rồi, cho hợp với lứa 10 tuổi. Bây giờ tất cả biểu hình tượng trưng cho sự phát triển của con bà trở thành tốt.' Rồi ông lại xoa đầu Mây một lần nữa.
Mây thất vọng lắm. Vì nó hy vọng rằng họ sẽ dẹp thầy giáo ra một bên. Có lần họ lấy đi thầy giáo của Thông trong vòng một tháng vì tất cả phần lịch sử bị hư.
Nó lại hỏi Thông :
-Thế tại sao có người viết về trường học ?'
Thông nhìn nó với vẻ người lớn,
-Tại vì không cùng loại trường học như bây giờ, cù lần ơi là cù lần ! Đây là một thể trường học rất xưa, cả mấy trăm năm nay rồi.'. Với vẻ hãnh diện, nó nói gằng từng chữ một
-Hằng thế kỷ đã qua rồi đấy nhé!'.
Mây cảm thấy bị đụng chạm,
-Hứ, mà khi xưa là loại trường học nào ?' Mây nhón người ráng đọc quyển sách qua vai của Thông. Một lát sau, nó nói
-Dầu sao đi nữa, tụi nó cũng có thầy giáo.'
-Dĩ nhiên là có thầy giáo rồi, nhưng không phải là một thầy giáo thông thường đâu nhé ! Mà là một người ta.' 'Một ông thầy giáo à ? Làm sao người ta có thể làm thầy giáo được ?'
-Phải, ông ta giảng dạy và cho bài tập, rồi khảo bài từng đứa.'-'Nhưng mà một người làm sao có đủ kiến thức để giảng dạy được ?'
-Có chứ sao không ? Ba của anh có nhiều hiểu biết như một thầy giáo.'
-Sao có được ? Người ta không thể nào có nhiều và đủ kiến thức như một thầy giáo được.'
-Có chứ, cá không ?'
Mây không muốn cãi vã, nhưng nó lại muốn nói thêm
-Mà em không thích một người lạ ở trong nhà để giảng dạy em.'
Thông cười ngất
-Quê quá đi thôi, không biết gì hết. Khi xưa thầy giáo không có ở trong nhà. Họ có cơ sở riêng và các học trò phải đến đó để học.
-Rồi tất cả học trò đều phải cùng học một bài à ?'
-Dĩ nhiên, nếu tụi nó có cùng một lứa tuổi với nhau.'
-Nhưng Má em có nói rằng mỗi thầy giáo phải biết dạy dỗ uyển chuyển theo trình độ của mỗi học trò và mỗi đứa trẻ phải được chăm sóc một cách riêng biệt.'
-Thì họ có phương pháp giảng dạy như thế nhưng... À, không phải hoàn toàn như vậy. Nếu em không thích thì đừng đọc cuốn sách này.'
-Ơ kìa, em đâu có nói rằng em không thích đâu.' Mây trả lời một cách nhanh chóng, thật sự là nó muốn đọc cuốn sách để biết được những điều vui thú khi xưa.
Hai đứa chưa đọc được phân nửa thì má của Mây gọi
-Mai, vô học đi con.'
Mây trả lời
- Chút nữa đi Má !.'
-Không, ngay bây giờ ! Và chắc cũng là giờ học của Thông rồi đấy.'
Mây nói với Thông 'Cho em đọc quyển sách sau giờ học nha !'
-Có thể.’ Thông nói một cách ưỡm ờ. Nó vừa quay đi vừa huýt sáo, cuốn sách đầy bụi bặm được cặp dưới nách nó.
Mây đi vào phòng học cạnh phòng ngủ của nó. Người máy thầy giáo đã sáng đèn lên và đang chờ nó. Cứ mỗi ngày trừ thứ bảy và chủ nhật, sự việc xảy ra như vậy, vì má nó bảo rằng học có giờ giấc thì mới có kết quả tốt.
Màn ảnh bật sáng và cho biết 'Hôm nay, học về môn số học, bài học về tính cộng của các tỷ số. Hãy nhét vào khe hở, bài làm của ngày hôm qua.'
Mây vừa nhét bài vừa thở dài. Em đang nghĩ đến trường học khi xưa, lúc ông Sơ còn là một thằng con nít bé tí teo. Những đứa cùng xóm cặp sách đến trường. Tiếng cười, tiếng đùa náo nhiệt, rộn rã trong sân trường. Trong lớp, đứa này ngồi cạnh đứa kia rồi cùng nhau tung tăng về nhà lúc tan học. Học cùng chung một bài vở ; Đứa này, đứa nọ chỉ bài lẫn nhau rồi bàn tán với nhau về bài vở.
Và thầy giáo là một con người...
Trên màn ảnh của người máy thầy giáo, hàng chữ nhấp nháy 'Khi ta cộng thêm 1/4 vào tỷ số 1/2...'
Mây nghĩ đến những điều vui thú mà những đứa trẻ được hưởng khi xưa. Em tự nói với mình :
-Chao ơi ! Ngày xưa sao vui thế !'.
(The Boys and Girls Page, 1951)