Kẻ bỏ đạo
Tác giả: Jack London
"Nay thức dậy đi làm
Cầu Chúa sao cho mình đừng bỏ việc
Nếu có chết vào lúc hoàng hôn.
Cầu Chúa sao công việc được yên lành
A men"
- Giôn (Johnny) ơi, con mà không dậy, mẹ không cho con ăn đâu!
Câu dọa đó cũng chẳng có tác dụng gì với cậu bé. Nó cứ nằm lì, chân tay quờ quạo như người nằm mơ. Hai bàn tay cứ nắm lỏng rồi đột nhiên vung lên đấm yếu ớt trong không khí. Những quả đấm đó nhằm vào người mẹ, nhưng bà ta tránh được, lấy tay lắc mạnh vai nó.
- Mặc con!
Mới đầu mới là tiếng kêu ú ớ vì ngái ngủ, rồi vút lên thành tiếng khóc, càu nhàu, rồi lại lắng xuống dần thành tiếng rên ư ử. Tiếng khóc nghe dã man, của một tâm hồn bị day dứt khổ đau, chứa chất muôn vàn sự phản kháng và đau đớn.
Nhưng nào bà mẹ có bận lòng. Là một phụ nữ có đôi mắt buồn và bộ mặt khắc khổ nên bà cũng đã quen với nhiệm vụ đó, hết ngày này qua ngày khác trong cả cuộc đời của mình. Bà ta giằng lấy cái chăn và kéo tuột xuống, cậu bé ngừng tay đấm và giữ chặt lấy. Cậu ta nằm cuộn tròn trong đống chăn lộn xộn ở cuối giường. Thế là bà mẹ lôi tuột cả cái chăn xuống sàn nhà. Cậu bé chống lại, bà mẹ ra sức giữ. Rồi vì bà mẹ to lớn hơn, nên cậu bé và cái chăn cũng phải chịu thua, nhưng theo bản năng, bà lại che vội cho con mình khỏi lạnh giá.
Lúc nằm mấp mé giường cứ ngỡ cậu ta phải ngã chúi đầu xuống sàn nhà. Nhưng rồi ý thức làm cậu ta bừng tỉnh, loạng choạng một lát rồi lấy lại được thăng bằng. Nó dậm chân thình thịch xuống sàn. Bà mẹ lanh lẹ nắm lấy vai nó và lắc mạnh. Cậu ta lại vung tay đấm nhưng lần này mạnh và nhằm thẳng hơn. Cùng lúc ấy cậu ta mở mắt. Bà mẹ buông ra. Cậu ta tỉnh ngủ.
- Vâng, con dậy đây rồi – cậu lẩm bẩm.
Bà mẹ vớ lấy cái đèn và đi vội ra, để cho cậu trơ khấc trong bóng tối.
- Con sẽ bị trừ lương đấy, - bà mẹ nhắc với lại.
Cậu bé không sợ bóng tối. Mặc xong quần áo, cậu đi vào nhà bếp. Người thì gầy và nhẹ như cái bấc, vậy mà đi nghe thình thịch. Hai cẳng chân gầy guộc kéo lê được cái thân trông đến là vô lý. Cậu ta kéo cái ghế đã thủng vào sát bàn.
- Giôn! – Bà mẹ gọi sẵng giọng.
Cậu ta đứng phắt dậy, rồi lẳng lặng đi đến chậu rửa bát bẩn nhầy nhụa. Chỗ kẽ nứt ở chậu bốc ra một mùi khó chịu. Cũng mặc, vì cái mùi ấy đối với cậu là tất nhiên chẳng khác gì nước rửa bát cáu bọt xà phòng, khó mà đánh cho sạch được. Mà hơi đâu lại đi mất sức vì chuyện đó. Lấy vòi nước xối vài lần vào đấy là ổn thôi. Cậu không đánh răng, vì vậy mà chẳng bao giờ cậu nhìn thấy cái bàn chải đánh răng , cũng chẳng bao giờ thèm biết trên đời này lại có những kẻ mắc phải tội ngốc nghếch là đã biết đánh răng.
- Đáng nhẽ ngày nào con cũng phải rửa ráy một lần chứ đâu lại cứ phải để mẹ nhắc thế, - bà mẹ phàn nàn. Tay bà cứ phải đỡ lấy cái nắp vỡ khi rót cà-phê ra hai cái cốc. Cậu không nói gì, vì đấy là điều xung khắc thường xuyên giữa hai mẹ con, điều bà mẹ cương quyết bắt buộc cậu phải rửa mặt mỗi ngày một lần. Cậu lấy khăn cáu ghét và rách như xơ mướp ra lau khô, trên mặt còn vương lại những sợi vải.
- Mẹ cũng muốn ở gần, chứ đâu phải xa xôi thế này, - bà mẹ nói lúc cậu bé ngồi xuống. - Mẹ cố gắng hết sức. Con biết đấy. Đỡ một đồng thuê nhà là đỡ tốn kém bao nhiêu rồi con ạ, vả lại, mẹ con mình ở đây rộng hơn. Rõ là như thế.
Cậu hầu như không nghe mẹ nói. Đã chán nghe như thế rồi. Tầm suy nghĩ của bà mẹ chỉ có giới hạn, lúc nào nói chuyện y như rằng lại quay về vấn đề khó khăn, vất vả vì phải sống xa nhà máy.
- Dành dụm chả thấy đâu, chỉ thấy vất vả hơn thôi, - cậu nhận xét, giọng cụ non. – Không khéo lại đi ăn xin sớm.
Cậu ăn vội, vừa nhai bánh, vừa nhúng những miếng rắn không nhai được vào cà-phê. Đó là một chất lỏng như bùn nhão và nóng mang tên cà-phê. Giôn cho đấy đúng là cà-phê, mà lại là loại thượng hảo hạng. Đó là một trong những ảo tưởng lúc nào cũng lảng vảng trong óc cậu. Chưa bao giờ trong đời cậu bé được uống cá-phê thật sự cả.
Ngoài bánh mì ra, còn một miếng thịt lợn lạnh tanh. Bà mẹ rót thêm cà-phê vào cốc cho con. Ăn gần hết miếng bánh, cậu bèn nhìn xem có còn được ăn thêm. Bà mẹ ngắt ngay cái nhìn dò hỏi đó.
- Nào, đừng có ăn uống tham lam, tục tằn, con, - bà mẹ nhận xét. – Con có phần của con, các em con được phần nhỏ hơn rồi còn gì.
Cậu bé không đáp lại sự quở trách của mẹ. Cậu vốn ít nói. Mà cậu cũng không tỏ ra muốn ăn nữa. Không ca thán một lời, với lòng kiên nhẫn ghê gớm không kém gì ngôi trường nơi cậu đã được dạy dỗ như thế. Uống xong cà-phê, cậu lấy mu bàn tay quệt miệng, rồi đứng dậy.
- Đợi mẹ một tý, - bà mẹ vội nói – Thôi này, mẹ cho con một khoanh nữa, mỏng thôi nhé.
Hành động của bà mẹ thật khéo léo. Trông bà như đang cắt khoanh bánh mì, nhưng thật ra bà để bánh mì vào trong hộp rồi mang lại cho cậu ta một trong hai khoanh của mình. Bà tin là mình đã đánh lừa được cậu con, nhưng nào ngờ cậu đã nhìn thấy sự đánh tráo của mẹ mình. Dẫu sao, cậu vẫn cầm lấy bánh một cách trơ tráo. Cậu lại lý lẽ rằng do mẹ mình ốm yếu luôn thế nên ăn bánh mì sao được.
Thấy con ăn bánh mì khô, bà mẹ với cái chén của cậu và rót hết chỗ cà-phê của mình sang đấy.
- Sáng nay không hiểu sao mẹ không muốn ăn, - bà mẹ giải thích.
Tiếng còi rít lên từ xa, kéo dài hồi lâu làm cho hai mẹ con bật đứng dậy. Bà mẹ kéo khăn quàng quấn quanh vai và đội trên đầu một chiếc mũ bẩn thỉu, méo mó và cổ lỗ.
- Mẹ con mình phải chạy mất, - bà mẹ nói , vặn bấc đèn và thổi tắt đi.
Hai mẹ con mò mẫm đi xuống cầu thang. Trời sáng và lạnh, cơn gió đầu tiên ùa từ ngoài đường vào làm Giôn rùng mình. Các vì sao vẫn còn sáng tỏ trên bầu trời và thành phố vẫn im lìm trong bóng tối. Hai mẹ con Giôn kéo lê chân trên đường phố. Các cơ bắp ở chân cũng không buồn nhấc khỏi mặt đất.
Sau mười lăm phút im lặng, bà mẹ rẽ ngoặt sang bên phải.
- Đừng đến muộn con nhé, - tiếng nhắc nhở lần cuối cùng vọng ra từ bóng tối đang nuốt chửng lấy bà.
Cậu bé không trả lời, vẫn bước tiếp đều đều. Trong khung nhà máy, cửa đã mở khắp nơi và loáng một cái cậu đã hòa vào dòng người đang chen lấn trong bóng tối. Bước vừa tới cổng nhà máy, còi lại hú lần nữa. Cậu bé liếc nhìn về hướng đông, thấy một vệt sáng nhợt nhạt đang trườn trên những nóc nhà nhấp nhô nơi đường chân trời. Cảnh này ngày nào cậu cũng nhìn thấy khi bắt đầu quay lưng lại và hoà vào dòng người đi làm.
Cậu đứng vào chỗ làm việc trong những dãy dài các máy. Phía trước, trên một cái thùng đựng đầy những ống chỉ nhỏ, là những suốt chỉ to đang quay tít. Công việc cậu phải làm là xe sợi đay từ những suốt chỉ nhỏ. Động tác cũng đơn giản, chỉ cần mau lẹ mà thôi. Những cuộn suốt nhỏ được cuốn đi rất nhanh vào những suốt chỉ to, nên chân tay không được ngơi một lúc nào
Cậu làm răm rắp như máy. Khi có cuộn suốt nhỏ nào hết sợi, cậu dùng bàn tay trái hãm máy, ống suốt to dừng lại, cùng lúc ấy ngón tay cái và trỏ nắn đầu sợi dây xe đang xổ ra. Đồng thời bàn tay phải nắm lấy đầu sợi xe rời của suốt chỉ nhỏ. Những động tác khác nhau này được hai tay thực hiện cùng một lúc và nhanh nhẹn. Hai bàn tay củacậu thoăn thoắt vung lên nối sợi và thả suốt chỉ ra. Nối sợi không có gì khó. Có lần cậu còn khoe là mình có thể vừa ngủ, vừa nối được sợi. Nên cũng vì lý do đó mà đôi lúc cậu đã làm quần quật một công việc kéo dài hàng thế kỷ ấy trong một đêm, liên tiếp nối vô vàn những nút chỉ.
Có một số cậu bé bỏ việc, lãng phí thời gian và để máy nghỉ vô ích do đã không thay những suốt chỉ nhỏ khi chúng hết sợi. Tuy vậy, luôn có một đốc công theo dõi ngăn chặn. Hắn nắm lấy tay một cậu bé đứng cạnh máy với Giôn vì bắt quả tang cái trò bịp bợm đó, và bạt tai cậu ta.
- Hãy trông thằng Giôn đây này. Sao mày không làm việc được như nó hả? – Tên đốc công giận dữ nói.
Các suốt chỉ của máy Giôn chạy hết tốc độ nhưng trước lời khen gián tiếp đó, cậu cũng không tỏ ra vui sướng. Cũng có một lần… nhưng đã từ lâu lắm rồi. Bộ mặt lãnh đạm của cậu ngây ra khi thấy người ta nêu gương mình. Cậu là một công nhân hoàn hảo. Cậu biết điều đó và cũng đã thường xuyên nghe người ta nói thế về mình. Đó là lẽ thường tình. Vả lại điều đó cũng chẳng có ý nghĩa gì đối với cậu nữa. Từ một công nhân hoàn hảo, cậu sẽ biến thành một cái máy hoàn hảo. Khi công việc bị hỏng do vật liệu không tốt, cả cậu và máy đều phải chịu trách nhiệm. Thánh nhân còn có lúc mắc sai lầm nữa là cậu bé. Mà cũng đến lạ, cậu bé chẳng bao giờ thấy rời cái máy. Nó như đã ăn sâu vào con người cậu, nhưng dẫu sao chăng nữa nó cũng nuôi sống cậu.
Cách đây mười hai năm, ngay trong chính phòng máy dệt của nhà máy này đã xảy ra một câu chuyện lý thú. Mẹ của Giôn bị ngất. Họ đặt bà ta nằm duỗi thẳng trên sàn nhà, giữa những chiếc máy đang gầm rú. Một vài chị đứng tuổi đang đứng máy được gọi lại. Tên đốc công giúp cho một tay. Và thế là trong dăm ba phút, một linh hồn đã nghiễm nhiên xuất hiện trong phân xưởng máy dệt. Đó là cậu bé Giôn, ra đời trong tiếng máy gầm rú đinh tai nhức óc, quyện hơi thở đầu tiên của cậu là hơi nóng ngột ngạt ẩm thấp vương đầy những bụi sợi bay. Chính ngày đầu tiên đó cậu đã ho vì bụi sợi; và cũng vì lý do đó mà cậu đã bị mắc bệnh ho từ ngày đó.
Cậu bé đứng cạnh Giôn khóc thút thít và khụt khịt mũi. Mặt cậu ta nhăn lại căm phẫn nhìn tên đốc công vẫn còn đứng từ xa hăm dọa: song các suốt chỉ vẫn đang cuộn đầy. Cậu bé hét lên những tiếng chửi tàn bạo vào những suốt chỉ xoay tít trước mặt, nhưng căn phòng như một bức tường ngăn tiếng chửi lại, không vang xa hơn là mấy.
Giôn chẳng để ý. Những việc như thế cậu đã quen cam chịu. Vả lại, chúng lặp đi lặp lại đều đều, hơn nữa, sự việc đặc biệt ngày hôm nay cậu cũng đã chứng kiến nhiều lần. Theo cậu, có chống lại tên đốc công thì cũng chỉ vô ích, chẳng khác gì chống lại ý muốn của máy móc. Người ta sản xuất ra máy móc là để cho nó chạy theo ý muốn của nó và làm những nhiệm vụ mà nó phải làm. Cả tên đốc công cũng chẳng khác gì cái máy.
Đến mười một giờ cả phòng máy dệt xôn xao nhốn nháo. Sự náo động trong nháy mắt đã lan ra khắp phòng một cách bí hiểm. Một cậu bé một chân đang làm ở máy đối diện với Giôn vội chạy thẳng đến cái xe thùng đựng suốt để không, lao vào và mất hút trong đó, mang theo cả cái nạng. Viên giám thị của nhà máy đang đi lại, theo sau là một người mặc sang trọng, áo sơ-mi cổ cồn – theo như sự đánh giá của Giôn thì ông ta là một nhà quý phái, một "viên thanh tra".
Ông ta vừa đi vừa nhìn chăm chăm vào các cậu bé. Đôi lúc ông ta dừng lại hỏi chuyện. Mỗi lần như thế, ông ta buộc lòng phải hét to, mặt mũi nhăn nhúm đến buồn cười, để cho các cậu bé nghe thấy mình. Cặp mắt lanh lợi của ông ta phát hiện ra một chiếc máy không có người làm bên cạnh máy của Giôn, nhưng ông ta không nói gì. Giôn cũng bắt gặp cặp mắt của ông ta, thế là ông ta quay lại, nắm lấy tay Giôn kéo lại một bước.Sau đó ông ta bật lên một tiếng kinh ngạc và thả tay cậu ra.
- Khá gầy, - viên giám thị cười, tỏ ra lo lắng.
- Như ống sậy, - người kia trả lời. – Ông hãy nhìn cẳng chân này xem, cậu ta bị còi xương, nhưng mới chớm thôi, dẫu sao cũng đã bị rồi. Cuối cùng mà không mắc chứng động kinh, thì thế nào cũng bị bệnh lao trước mà xem.
Giôn lắng nghe, nhưng không hiểu gì. Hơn nữa cậu đâu có quan tâm đến những bệnh tật phát sinh trong tương lai. Trước mắt có một bệnh hiểm nghèo đang đe dọa cậu dưới hình thức là viên giám thị (thanh tra?).
- Này cậu bé, ta muốn chú mày nói lên sự thật cho ta nghe đây, - viên giám thị (thanh tra?) nói, ghé sát tai cậu bé mà hét lên cho cậu nghe thấy. – Chú mày mấy tuổi?
- Mười bốn, - Giôn nói dối, lấy hết gân sức căng lồng ngực lên để nói. Cậu ta hét to quá đến nỗi phát ra những tiếng ho khô khốc, làm lay đọng những sợi bông đã đọng lại trong phổi cậu ta suốt sáng nay.
- Trông ít nhất cũng đến mười sáu tuổi, - viên giám thị nói.
- Hay sáu mươi tuổi, - viên thanh tra ngắt lời.
- Lúc nào trông nó cũng thế đấy.
- Đã bao lâu rồi? – Viên thanh tra hỏi nhanh.
- Bao năm nay vẫn thế. Trông nó chẳng già đi chút nào.
- Có lẽ lại trẻ ra ấy chứ. Chắc nó làm ở đây đã lâu?
- Cũng có lúc đi làm, có lúc nghỉ việc, nhưng đây là trước khi luật mới được thông qua, - viên giám thị nói thêm.
- Máy này nghỉ hả? – Viên thanh tra hỏi, chỉ vào chiếc máy không có người đứng bên cạnh Giôn, với những suốt sợi mới cuộn được một nửa đang quay cuồng điên loạn.
- Này, hãy coi này, - viên giám thị gọi tên đốc công lại. Ông ta vừa quát vào tai hắn ta vừa chỉ vào chiếc máy đứng không. – Thưa ông, máy không có ai làm, - ông ta lại báo cáo với viên thanh tra.
Họ đi tiếp, còn Giôn tiếp tục làm việc, thở phào vì đã tránh được cái bệnh ấy. Nhưng cậu bé một chân không may lắm. Viên thanh tra có cặp mắt cú vọ đã phát hiện ra cậu ta cách cái xe thùng suốt chỉ có một sải tay. Môi ông ta run lên, và mặt ông ta mang một nét thể hiện thảm họa, giáng xuống kẻ nào thì thật sâu sắc và không thể nào phục hồi được. Tên đốc công nhìn ngỡ ngàng cứ như lần đầu tiên hắn mới nhìn thấy thằng bé đó, còn bộ mặt của viên giám thị thì tỏ ra sửng sốt và khó chịu.
- Tôi biết thằng bé này, - viên thanh tra nói – Nó mới mười hai tuổi. Trong một năm tôi đã ra lệnh đuổi nó ba lần ra khỏi ba nhà máy. Lần này là lần thứ tư.
Ông ta quay lại phía cậu bé một chân:
- Mi đã hứa với ta, thề sống thề chết là mi phải đi học cơ mà.
Cậu bé òa lên khóc:
- Cháu xin ông thanh tra, hai đứa em cháu đã chết. Nhà cháu nghèo quá.
- Sao mày ho nghe lạ thế? – viên thanh tra hỏi cứ như kết tội nó.
Cậu bé chối phăng, nói:
- Không sao ạ. Cháu vừa bị cảm lạnh tuần trước, thưa ông thanh tra. Không sao đâu ạ.
Cuối cùng , chú bé một chân bước ra khỏi phòng cùng viên thanh tra và viên giám thị, mặt mày lo lắng và bất bình. Tiếp theo đó, công việc đơn điệu lại lặp lại. Buổi sáng dài đằng đẵng, rồi đến buổi chiều dài hơn nữa trôi qua, còi nhà máy rú lên báo hết giờ làm việc. Giôn đi qua cổng nhà máy, ngoài trời đã tối. Đó đây còn tia nắng mặt trời như cái thang màu vàng nối trái đất với bầu trời, tỏa khắp một hơi ấm dễ chịu, rồi lặn dần và biến mất ở phía tây sau những nóc nhà nhô lên xơ xác nơi chân trời. Trong ngày, bữa ăn tối là bữa ăn có đông đủ mọi người trong gia đình – một bữa ăn Giôn có thể gặp các em của mình. Đối với cậu, điều đó có phần nào mang tính chất gặp gỡ vì cậu đã quá già, còn các em mình lại còn quá trẻ. Cậu không còn sự kiên nhẫn trước tính hoạt bát quá mức và đến kỳ lạ của chúng. Cậu không hiểu điều đó. Quãng đời thơ ấu của cậu đã lui vào dĩ vãng từ lâu. Cậu như một người đàn ông già và hay bẳn tính, khó chịu trước sự nhộn nhạo của bọn em mà theo cậu, chúng thật là bọn đại hâm. Cậu im lặng nhìn chăm chú vào thức ăn của mình, trong lòng thấy đôi chút được đền bù vì bọn chúng chẳng bao lâu nữa cũng sẽ phải đi làm. Có thế bọn chúng mới bớt nghịch ngợm đi, điềm đạm và nghiêm túc hơn, như cậu chẳng hạn. Vậy là theo khuôn mẫu của thuật làm người, Giôn tự cho mình là khuôn vàng thước ngọc để cho cả thiên hạ noi theo. Trong bữa ăn, bà mẹ luôn mồm giải thích bằng đủ mọi cách rằng bà đã cố gắng hết sức mình, và thế là bữa ăn đạm bạc đã trôi qua một cách nhẹ nhõm. Giôn đẩy lùi ghế lại và đứng dậy. Cậu đứng càu nhàu một lúc giữa cái giường và cửa ra vào, rồi sau đó bỏ đi. Mới ra đến hiên, cậu đã ngồi xuống, co đầu gối lại và đôi vai hẹp rũ xuống phía trước, hai khuỷu tay
chống lên đầu gối và lòng bàn tay đỡ lấy cằm.
Cậu ngồi đó mà tỏ ra không suy nghĩ gì, chỉ ngồi nghỉ thôi. Tâm trí cậu đã ngủ từ lâu rồi, nếu xét về mặt đó mà nói. Mấy đứa em của cậu ùa ra chơi đùa ầm ĩ với mấy đứa em quanh cậu. Một bóng đèn điện rọi sáng chỗ bọn trẻ đang chơi đùa. Cậu tỏ ra cáu kỉnh và bọn trẻ cũng biết thế nhưng chúng đánh bạo trêu cậu. Bọn chúng nắm tay nhau và đung đưa trước mặt cậu, rồi cất tiếng hát những câu vè khó hiểu, nghe đến bực mỉnh. Lúc đầu cậu còn văng những câu chửi mà cậu học được ở những tên đốc công. Rồi do thấy chửi thề cũng vô ích và chợt nhận ra mình đã là con người chững chạc, nên cậu trở lại im thin thít.
Thằng em Uyn-lơ (Will) sát ngay cậu, vừa mới lên mười, là thằng đầu trò. Giôn chẳng có cảm tình một tí nào với nó. Cậu đã sớm thấy chua xót trước việc phải hy sinh cho Uyn-lơ. Cậu vĩnh viễn có cảm giác là Uyn-lơ nợ cậu một món nợ lớn mà nó lại vô ơn. Trong cái ký ức xa xưa, cậu chỉ nhớ lờ mờ rằng trong khi chơi đùa, phần lớn thời gian cậu dành để trông Uyn-lơ. Lúc đó thằng em cậu còn bé, và cũng như hiện nay, mẹ cậu còn phải đi làm ở nhà máy dệt. Cậu trở thành một phần là người bố bé nhỏ và một phần là người mẹ bé nhỏ.
Trông Uyn-lơ thì biết nó đã từng hưởng sự hy sinh đó. Nó mập mạp, hơi thô, cao bằng anh mình, thậm chí còn nặng hơn là đằng khác, cứ như dòng máu sống của người này truyền sang người kia. Cả về mặt tinh thần cũng vậy. Giôn thì mệt mỏi, tiều tụy, không còn sức dẻo dai thì thằng em thì tỏ ra tràn trề sức sống.
Tiếng hát nhạo báng mỗi lúc một to hơn. Uyn-lơ nhảy ngã nghiêng người, luỡi thè ra. Giôn giơ tay trái ra tóm lấy cổ thằng em, nắm tay gầy đến thảm hại là thế mà nghe tiếng kêu đau la lối mới biết nó thật là mạnh. Những đứa trẻ kêu hoảng hốt, còn cô em gái Gien-ni (Jennie) của nó chạy thục mạng về nhà.
Cậu đẩy thằng Uyn-lơ ra, đá một cách độc ác vào cẳng chân, rồi với lấy thằng em và đánh nó dúi dụi xuống đất, cho đến lúc mặt mũi thằng em vùng vẫy mãi trong đám bụi nó mới thả ra. Một lát sau bà mẹ chạy đến, mặt tái xanh, hốt hoảng và tức giận.
- Tại sao nó không để con yên! – Giôn trả lời mẹ khi bà quở mắng nó. - Thế nó không thấy là con mệt sao?
- Tao bây giờ lớn bằng mày rồi, - Uyn-lơ tức giận lao vào cánh tay mẹ, mặt nó dính đầy nước mắt, bụi và máu. - Giờ tao lớn bằng mày rồi, mà tao còn lớn hơn nữa cơ. Lúc ấy tao sẽ cho biết tay, tao mà không làm được cứ gọi là…
- Mày cứ phải đi làm đi rồi mới thấy lớn như thế nào, - Giôn vặc lại, - Vấn đề với mày là ở chỗ đó. Mày phải đi làm. Mà mày có phải đi làm hay không là tuỳ mày*.
- Nhưng em nó còn bé quá, - bà mẹ nói lại. – Nó hãy còn bé nhóc con.
- Lúc con bắt đầu đi làm, con còn bé hơn nó.
Giôn trễ môi, ra điều cậu cảm thấy như thế là không công bằng, nhưng rồi lại cụp môi xuống ngay. Cậu buồn thỉu quay gót, đi thẳng vào trong nhà và leo lên giường ngủ. Cửa phòng của cậu để ngỏ đón hơi ấm từ dưới bếp phả lên. Trong bóng nửa tối nửa sáng, cậu cởi quần áo và nghe thấy tiếng mẹ mình nói chuyện với bà hàng xóm rẽ vào ngôi nhà chơi. Bà mẹ khóc, ngắt quãng bởi những tiếng xì mũi nghe yếu ớt.
Tôi không hiểu đầu óc thằng Giôn ra sao nữa, - cậu nghe rõ tiếng mẹ mình nói. – Trước đây cháu nó không thế đâu. Nó hiền lành như bụt ấy. - Dẫu sao cháu nó cũng ngoan bà ạ, - bà mẹ vội bênh con. – Cháu làm việc chăm chỉ, mà thật ra cháu nó đi làm lúc còn bé quá. Nhưng đâu có phải lỗi tại tôi. Xin dám chắc với bà là tôi cũng đã cố gắng hết sức mình rồi.
Tiếng xì mũi cứ tiếp tục mãi không thôi, và cậu bé Giôn lẩm bẩm trong miệng cho đến lúc hai mí mắt nhắm lại:
- Bắt người ta làm việc chăm chỉ để cho mình sướng chứ gì?
Sáng hôm sau còn đang say sưa cậu lại bị mẹ gọi giật dậy. Ăn qua bữa ăn sáng rau dưa xong, cậu lại thất thểu bước qua bóng tối, đến khi cậu xây lưng lại và đến qua cổng nhà máy, ánh sáng nhợt nhạt của ban ngày đã xuất hiện trên những nóc nhà. Lại một ngày nữa trôi qua, và cứ như thế tiếp diễn triền miên, chẳng có ngày nào khác ngày nào.
Dẫu sao cuộc đời của cậu cũng có nhiều vẻ, đó là vào những lúc cậu thay đổi công việc hay lúc ốm đau. Lúc mới lên sáu tuổi, cậu đã là cha, là mẹ bé của thằng em Uyn-lơ và của những đứa em bé hơn. Lên bảy tuổi đi làm ở nhà máy dệt, đánh ống suốt chỉ. Khi lên tám, cậu vào làm ở một nhà máy khác. Công việc mới thật vô cùng dễ làm. Cậu chỉ việc ngồi xuống cầm lấy cái gậy nhỏ và giữ cho cuộn vải dệt tuôn ra từ miệng một cái máy để vải không chạy chệch ra ngoài, mà phải chạy qua chỗ cậu ngồi, theo một cái ống lăn nóng, và cứ thế vải tuôn đều đặn ra chỗ khác. Nhưng cậu lúc nào cũng phải ngồi yên một chỗ, tối như bưng mắt, một luồng hơi đốt lóe lên phía trên cậu, vì cậu cũng là một bộ phận của máy.
Cậu rất sung sướng được làm công việc đó dù cho nó có nóng bức, ẩm thấp, chẳng qua là vì cậu còn trẻ vẫn còn những mơ mộng hão huyền. Và khi nhìn thấy những dòng vải dệt tuôn ra khỏi máy dường như vô tận ấy, đã là cả một giấc mơ tuyệt vời. Dẫu sao công việc không được đi lại vận động chân tay, đầu óc lười suy nghĩ, rồi mỗi ngày một ít mơ mộng đi, làm cho óc trở nên trì độn, mệt mỏi. Tuy thế, cậu cũng kiếm được hai đô-la một tuần, mà hai đô-la đủ để nói lên sự khác nhau giữa cái đói rũ người với việc ăn uống thường xuyên bị đói.
Nhưng khi lên chín tuổi, cậu mất việc. Nguyên nhân là do bệnh sởi. Sau khi khỏi bệnh cậu kiếm được việc làm ở nhà máy thủy tinh. Tiền công có hậu hĩnh hơn, nhưng công việc đòi hỏi phải khéo tay thì tiền công càng cao. Đó là sự khuyến khích, và chính có chế độ khuyến khích đó mà cậu đã phát triển thành
một công nhân xuất sắc.
Công việc thật đơn giản, chỉ việc ngồi buộc những nút dây thủy tinh vào những cái chai nhỏ. Cậu cầm một nắm sợi dây ngang lưng. Hai đầu gối kẹp lấy cái chai để rảnh hai tay làm. Cậu phải ngồi ở tư thế lom khom trên đầu gối, đôi vai hẹp trông rũ xuống và bộ ngực co rúm lại suốt mười tiếng đồng hồ một ngày. Như vậy là không có lợi cho phổi, vậy mà cũng buộc được hơn ba trăm chiếc chai mỗi ngày.
Viên giám thị rất hãnh diện về cậu, và đưa khách đến tham quan. Trong mười tiếng đồng hồ, hơn ba trăm chiếc chai đã qua tay cậu, như vậy trình độ đã đạt mức hoàn hảo của một chiếc máy. Tất cả những động tác thừa đã bị loại trừ. Từng động tác của cánh tay gầy guộc, của từng thớ thịt ở những ngón tay khẳng khiu di chuyển nhanh và chính xác. Do làm việc ở cường độ cao, nên kết quả là cậu trở nên lúc nào cũng hoảng sợ. Đêm đêm, những thớ thịt co giật trong giấc ngủ, ban ngày cậu lại không sao nghỉ ngơi được. Đầu óc luôn luôn cẳng thẳng và các cơ bắp vẫn cứ tiếp tục co giật. Cậu trở nên xanh xao, và bệnh ho vì bụi sợ mỗi ngày một tồi tệ. Sau đó cả hai lá phổi yếu ớt nằm trong lồng ngực co rúm ró bị viêm, thế là cậu mất việc trong nhà máy thuỷ tinh.
Giờ đây cậu trở lại làm việc trong nhà máy đay, ban đầu bằng việc cuộn suốt... Là một công nhân giỏi nên cậu có triển vọng được đề đạt. Có thể cậu sẽ chuyển lên đứng máy hồ vải rồi sau đó sẽ đứng máy dệt. Tất cả đòi hỏi một hiệu suất lao động ngày càng tăng.
Máy chạy nhanh hơn ngày đầu cậu mới đi làm mà đầu óc cậu lại chậm hơn máy. Cậu hoàn toàn không còn mơ mộng nữa, dù có những năm mới đi làm chứa chan bao ước mơ đã có lần cậu mang lòng yêu. Đó là vào hôm lần đầu tiên cậu ngồi dẫn guồng vải dệt qua ống cuộn nóng, lại làm cùng với cô con gái viên giám thị. Cô ta hơn cậu nhiều tuổi, có thể gọi là phụ nữ được, mà cậu chỉ nhìn thấy cô ta ở xa vẻn vẹn có dăm sáu lần. Song thế đã có sao. Trên mặt vải cuồn cuộn tuôn ra trước mặt, cậu hình dung ra những tương lai rực rỡ, trong đó cậu đã làm nên những chiến tích kỳ diệu bằng lao động cực nhọc, đã sáng chế ra những chiếc máy phi thường, đã giành được chức ông chủ nhà mày, và cuối cùng ôm nàng trong tay và hôn dịu dàng lên đôi lông mày của nàng.
Nhưng chuyện đó đã xảy ra từ lâu, chứ bây giờ đã quá già nua, và sức đâu mà yêu với đương. Vả lại cô ấy đã đi lấy chồng và đi nơi xa rồi, còn tâm hồn cậu cũng đã sao nhãng. Dẫu sao đấy cũng là thời kỳ tuyệt diệu, và cậu vẫn thường hồi tưởng lại kỷ niệm đó như người ta thường nhớ đến thời kỳ mình hay tin vào câu chuyện thần tiên hay ông già Nô-en, nhưng cậu lại hoàn toàn tin vào tương lai rạng rỡ mà trí tưởng tượng của cậu đã làm nên trên mặt những tấm vải cuồn cuộn tuôn ra từ khung cửi.
Cậu trở thành những con người đĩnh đạc quá sớm trong đời. Lên bảy tuổi, khi nhận được đồng lương đầu tiên, cậu đã bắt đầu tuổi thanh niên. Một cảm giác về sự tự lập lan khắp người, do thế mà mối quan hệ giữa cậu và bà mẹ cũng thay đổi. Tuy nhiên, là lao động chính trong gia đình, đi làm một mình không cần nhờ vả ai, cậu không những ngang hàng mà còn hơn cả mẹ. Tuổi trưởng thành, độ thanh xuân đến với cậu vào lúc mười một tuổi khi đó cậu làm ca đêm trong sáu tháng. Chẳng có đứa trẻ nào đi làm ca đêm mà vẫn còn trẻ con cả.
Trong đời cậu có rất nhiều những sự kiện trọng đại. Một trong những sự kiện đó là vào một hôm bà mẹ mua mấy quả mận khô vùng Ca-li-pho-ni-a. Hai lần kia là khi bà mẹ nấu món sữa trứng. Đó là những sự kiện. Cậu nhớ tới chúng mà trong lòng thấy rạo rực. Và cũng trong thời gian ấy mẹ cậu hay kể cho nghe về một món ăn tràn trề niềm vui mà bà thường nấu, gọi là món "đảo trôi", còn ngon hơn cả món "sữa trứng". Đã bao năm cậu ngóng đợi đến ngày được ngồi ăn món "đảo trôi" cho đến khi rút cuộc cậu đành để nó rơi vào quên lãng cùng với những lý tưởng xa vời.
Có một lần cậu nhặt được một đồng 25 xu trên vỉa hè. Đó là một sự kiện trọng đại trong đời cậu, đồng thời cũng là một sự kiện bi đát. Cậu có ý thức được nhiệm vụ của mình ngay khi đồng xu đó lóe lên trước mắt, thậm chí trước khi cậu nhặt nó lên. Thường ở nhà chẳng bao giờ được ăn đủ, đáng lẽ cậu phải mang về nhà như vẫn thường mang lương vào tối thứ bảy. Một cử chỉ đúng đắn lúc này là hiển nhiên, nhưng chưa bao giờ cậu được tiêu tiền, mà cậu lại thèm ăn kẹo đến chết được. Cậu thèm kẹo, nhưng lại chỉ đến những ngày lễ mới được nếm.
Cậu không muốn lừa mình. Cậu biết làm thế là có tội, rồi cố tình phạm tội vì quá bị cám dỗ bởi cái kẹo mười lăm xu. Còn mười xu để dành đến lần liên hoan khác; thế rồi do không quen giữ tiền, nên cậu đánh mất mười xu. Điều đó xảy ra vào lúc lương tâm cậu bị dày vò đau đớn, và theo cậu, đấy là đòn trừng phạt của Chúa. Cậu cảm thấy sợ hãi trước hình ảnh Chúa oai nghiêm và giận dữ. Chúa nhìn thấy, thể nào Chúa cũng trừng phạt ngay, không cho cậu một đồng lương tội lỗi nào nữa.
Trong ký ức, cậu luôn nhớ đến sự kiện đó, coi đây là một hành động tội ác lớn trong đời mình, và cứ nhớ đến nó là lương tâm lại bừng tỉnh và cắn rứt. Đó là vết nhơ trong đời. Cũng do được hư cấu trong tình huống đặc biệt nên cứ nhớ lại hành động đó, cậu lại thấy hối tiếc. Cậu không thấy thỏa mãn với cung cách xử lý việc tiêu số tiền đó. Đáng ra cậu tiêu toàn bộ số tiền đó một lúc. Nhớ lại, cậu cứ thấy mình tiêu đồng xu đó hàng nghìn lần, và mỗi lần tiêu một cách có lợi hơn.
Còn một kỷ niệm nữa về thời quá khứ, không rõ và đã phai nhòa, nhưng nó khắc sâu vào tâm hồn cậu không bao giờ quên được. Đó là đôi bàn chân tàn bạo của ông bố. Nó là cơn ác mộng hơn là một hình ảnh ghi nhớ về một điều cụ thể, một kỷ niệm thoáng qua về con người làm cho cậu rơi vào giấc ngủ và trở về với tổ tiên ở trên cây của mình.
Kỷ niệm đặc biệt này không bao giờ đến với Giôn vào lúc ban ngày, vào lúc cậu còn tỉnh như sáo. Nó đến vào ban đêm lúc đã lên giường, vào lúc ý thức của cậu đã đắm chìm trong giấc ngủ. Nó luôn làm cho cậu hoảng hốt, mắt ráo hoảnh, rồi trong giây lát cảm giác ớn lạnh ban đầu khi thấy mình nằm thẳng cẳng, giang tay chân ra như cây thập tự ở cuối chân giường. Trên giường là những hình thái lờ mờ của bố mẹ cậu. Chưa bao giờ cậu được thấy hình dáng người bố ra sao. Cậu chỉ có một ấn tuợng là ông có đôi bàn chân man rợ và tàn bạo.
Những kỷ niệm thời thơ ấu còn bảng lảng quanh cậu chứ những kỷ niệm về sau này thì cậu đâu có. Ngày tháng giống hệt nhau. Hôm qua hay năm ngoái, cũng chẳng khác gì như thiên nhiên vạn đại hay trong giây lát. Chẳng có gì xảy ra. Chẳng có một sự kiện nào để đánh dấu bước tiến của thời gian. Thời gian không tiến bước. Nó đứng yên một chỗ. Chỉ có những chiếc máy quay cuồng chuyển động, mà cũng chẳng chuyển động đến chỗ nào cả, dù thực tế là chúng chuyển động rất nhanh.
***
Khi mười bốn tuổi, cậu đi làm ở bên máy hồ bột. Đó là một sự kiện khổng lồ. Cuối cùng đã có điều gì đó xảy ra để ghi nhớ vượt ra khỏi giấc ngủ ban ngày hay lĩnh lương hàng tuần, nó đánh dấu một thời đại. Đó là cái máy O-lim-pi-át, một vật để đánh dấu ngày đó. Cậu thường luôn miệng nói "khi tôi đi làm bên máy hồ bột", hay là "sau khi", hoặc "trước khi tôi đi làm bên máy hồ bột".
Cuối năm thứ hai đứng bên máy dệt, cậu dệt được nhiều vải hơn bất cứ một thợ dệt nào, còn đối với những người thợ dệt không khéo tay hơn, cậu dệt được gấp đôi họ. Tại gia đình, cậu ngày càng tỏ ra có tư thế và quyền lực hơn vì mọi thứ bắt đầu sinh sôi nẩy nở. Tuy vậy, không phải vì thế mà tiền cậu kiếm được đã vượt hơn hẳn nhu cầu. Bọn em ngày càng lớn hơn, nên chúng ăn khoẻ hơn. Hơn nữa, chúng còn được đi học, mà sách học lại đắt tiền. Ấy thế mà cậu càng làm việc bao nhiêu, giá cả lại càng tăng bấy nhiêu. Thậm chí tiền thuê nhà cũng tăng vọt, mặc dù nhà cửa mỗi ngày một tồi tàn hơn.
Cậu cao hơn, nhưng càng cao, trông lại càng lêu đêu, càng gầy hơn. Cậu cũng càng hoảng sợ hơn, cho nên lại càng hay cáu gắt. Bọn đàn em đã học được nhiều bài học cay đắng nên đều tránh xa cậu. Bà mẹ tôn trọng cậu vì quyền lực ngày càng nằm trong tay cậu, nhưng không hiểu sao sự tôn trọng đó vẫn đượm chút sợ hãi.
Cuộc đời cậu không có lấy chút vui thú. Cậu không bao giờ được nhìn thấy diễn biến của ban ngày. Ban đêm cậu ngủ trong những giấc mơ hoảng loạn. Thời gian còn lại cậu làm việc và ý thức của cậu là ý thức của một cái máy. Ngoài cái đó ra, đầu óc cậu trống rỗng. Cậu không có lý tưởng, mà chỉ có một ảo tưởng; đó là việc cậu được uống món cà-phê thượng hảo hạng. Cậu là một con vật biết làm việc. dù gì chăng nữa, cậu vẫn không có cuộc sống tinh thần; vậy mà sâu thẳm trong nỗi u uất của tâm hồn, mà cậu có biết, công việc nặng nhọc từng giờ, từng sự chuyển động của đôi tay, từng cơn co giật của cơ bắp cho quá trình hoạt động trong tương lai chắc sẽ làm cho cậu và cả cái thế giới nhỏ bé kinh ngạc, vẫn đang được tiến hành.
Đó là vào đêm cuối xuân cậu đi làm về, không hay biết rằng mình đã mệt rũ người. Lúc ngồi xuống bàn, có một cái gì đó sắp xảy đến với cậu hãy còn lơ lửng trên trời, nhưng cậu không hề biết. Cậu ngồi ăn, suốt bữa im lặng buồn rầu. Ăn những gì bầy ra trước mắt như một cái máy. Bọn em hắng giọng rồi làm những tiếng động lốp bốp trong miệng, nhưng cậu như bị điếc chẳng nghe thấy gì.
- Con có biết con đang ăn gì không? – Bà mẹ đã hỏi vậy một cách tuyệt vọng.
Cậu nhìn trừng trừng vào món ăn ở trước mặt, rồi lại lơ đãng nhìn bà mẹ.
- Món đảo trôi đấy con ạ, - bà mẹ thông báo một cách đắc thắng.
- Ồ, thế hả mẹ? – Cậu hỏi.
- Đảo trôi! - Bọn em đồng thanh nói to.
- Ôi chao! – Cậu nói.
Ăn độ đôi ba miếng nữa, cậu nói thêm:
- Tối nay con không đói.
Cậu thả cái thìa xuống, đẩy ghế ra sau và uể oải đứng lên khỏi bàn:
- Con phải đi nằm đây.
Hai chân cậu lê nghe nặng nề hơn mọi ngày qua sân nhà bếp. Cởi quần áo mà nặng nhọc như vác búa tạ, một việc làm hoàn toàn vô ích. Cậu trườn người vào giường, miệng khóc thút thít, một bên chân vẫn để nguyên giầy. Cậu nhận ra một cái gì đó đang sưng lên trong đầu làm cho trí óc cậu mơ mơ màng màng, nặng chình chịch. Ngón tay gầy như to ra bằng cả cổ tay, còn ở đầu ngón tay như xa vời, lờ mờ như đầu óc cậu vậy. Cái lưng nhỏ bé đau dữ dội. Tất cả các khớp xương đau dần. Toàn thân nhức nhối. Còn trong đầu vang lên luôn vàn tiếng máy dệt nghe gầm thét đinh tai nhức óc. Khắp nơi thoi bay chi chít, phóng vun vút rối loạn giữa những vì sao. Bản thân cậu đã đứng hàng nghìn máy dệt, và chúng tăng tốc độ, mỗi lúc một nhanh để cuộn đầy hàng nghìn cái thoi đang lao như bay kia.
Sáng hôm sau cậu không đi làm. Cậu còn bận dệt hàng nghìn cái máy dệt đang chạy trong đầu. Bà mẹ đi làm, nhưng trước khi đi, bà mời bác sĩ. Bác sĩ nói cậu bị cúm nặng. Gien-ni đóng vai y tá và làm theo mọi chỉ dẫn của bác sĩ.
Bị cúm nặng nên sau một tuần cậu mới mặc quần áo và loạng choạng đi qua phòng. Bác sĩ bảo phải mất một tuần nữa cậu mới có thể đi làm được. Tên đốc công của phòng máy dệt đến thăm cậu vào chiều chủ nhật, ngày đầu tiên cậu hồi phục. Hắn ta nói chuyện với bà mẹ rằng cậu là một thợ dệt giỏi nhất. Công việc vẫn để dành cho cậu nên cứ nghỉ nốt một tuần nữa kể từ thứ hai rồi đi làm cũng được.
- Sao con không cảm ơn ông đây, con? – Mẹ cậu băn khoăn hỏi con. – Cháu hãy còn yếu quá nên không nói được như thế. – Bà trình bày với khách, tỏ ý xin lỗi.
Giôn ngồi co ro nhìn chằm chằm xuống sàn nhà. Tên đốc công đã ra về từ lâu mà cậu vẫn ngồi yên như vậy. Bên ngoài trời ấm áp, đến chiều cậu lại ngồi ngoài hiên, chốc chốc môi lại mấp máy, cứ như cậu đang đắm mình trong những tính toán miên man.
Sáng hôm sau, khi trời đã trở nên ấm áp, cậu lại ra ngồi ngoài hiên. Lần này cậu mang theo một cái bút chì và một mẩu giấy để tiếp tục tính toán. Cậu tính một cách vất vả và đến là kinh ngạc.
- Sau một triệu là đến bao nhiêu nhỉ? – Cậu ta hỏi Uyn-lơ khi cậu em đi học trưa về. - Làm thế nào mày tính được hả?
Chiều hôm đó cậu kết thúc công việc tính toán. Ngày ngày cậu trở lại mái hiên mà không mang bút chì và giấy. Cậu say sưa ngắm nhìn cái cây mọc bên đường. Mới đầu ngồi ngắm như thế hàng giờ, và khi gió lay động cành cây làm cho lá cây kêu xào xạc, là lúc cậu thích thú vô cùng. Suốt cả tuần cậu hầu như chỉ sống với mình. Vào ngày chủ nhật ngồi trên hiên nhà, cậu nhiều lần cười lớn, làm bà mẹ thấy sợ, vì đã bao năm nay bà có thấy con trai mình cười đâu.
Sáng hôm sau, trời hãy còn nhá nhem tối, bà mẹ đã vào giường đánh thức cậu dậy. Cả một tuần cậu được ngủ no say nên cậu tỉnh ngủ ngay. Cậu không vùng vằng gì, cũng không giữ lấy cái chăn bà mẹ kéo ra khỏi người cậu. Cậu nằm im lặng, và nói khẽ:
- Vô ích thôi, mẹ ạ.
- Muộn mất con ạ, - bà mẹ nói, tưởng con mình hãy còn ngái ngủ.
- Con thức đấy mà, mẹ ạ, mà con đã bảo với mẹ là con làm thế cũng vô ích thôi. Mẹ cứ mặc con thì hơn. Con không dậy được đâu.
- Nhưng con sẽ mất việc! – Bà mẹ kêu kên.
- Con không dậy được, - cậu nhắc lại bằng một giọng kỳ lạ, nghe đuối sức.
Bà mẹ không đi làm sáng hôm đó. Bệnh này là bệnh vượt ra khỏi kiến thức của bà, chưa từng thấy bao giờ. sốt và mê sảng là những bệnh bà có thể hiểu được, nhưng đây là bệnh điên. Bà mẹ kéo chăn đắp cho con và bảo Gien-ni đi gọi bác sĩ.
Khi bác sĩ đến, Giôn đang ngủ yên lành, rồi cậu khẽ tỉnh giấc, đưa tay cho bác sĩ bắt mạch.
- Cháu không sao cả đâu, - bác sĩ nói. - Bị suy nhược nghiêm trọng thôi. Người gầy đét như thế này mà.
- Tạng người cháu nó như thế đấy, bác sĩ ạ. – Bà mẹ buột miệng nói.
- Thôi đi, để cho con ngủ nào. – Giôn nói dịu dàng và bình thản, rồi cậu nhẹ nhàng xoay nghiêng người nằm ngủ.
Đến mười giờ, cậu tỉnh giấc và mặc quần áo. Cậu đi vào nhà bếp, thấy mẹ cậu đứng đó mặt hoảng sợ.
- Con đi đây, mẹ ạ, - cậu tuyên bố. – Thôi tạm biệt mẹ nhé.
Bà mẹ quàng cái khăn tạp dề trùm đầu, ngồi phịch xuống khóc. Cậu đứng đợi, người trông yếu ớt.
- Mẹ cũng đoán ra điều đó, - bà khóc nức nở.
- Nhưng đi đâu cơ con? - Cuối cùng bà hỏi, cởi tạp dể ở trên đầu ra và nhìn chằm chằm vào cậu ta với bộ mặt đau khổ, không có gì tỏ ra là tò mò.
- Con cũng không biết nữa, đi bất cứ đâu.
Lúc cậu nói, cái cây bên kia đường sáng rực rỡ trong trí tưởng tượng thầm kín, như bảng lảng dưới mi mắt, rồi cậu có thể nhìn thấy nó bất kỳ ở đâu tuỳ ý mình muốn.
- Thế còn công việc của con thì sao? - Bà mẹ run run hỏi.
- Con sẽ không bao giờ đi làm nữa.
- Ôi, lạy chúa, Giôn, con! – Bà rên rỉ.- Đừng nói thế, con.
Những điều cậu nói nghe mới báng bổ làm sao. Là một người mẹ, khi nghe thấy con mình lăng mạ chúa, bà đã xúc động:
- Đầu óc con làm sao thế, con? – Bà mẹ hỏi, cố tỏ ra như một mệnh lệnh.
- Những con số, - cậu trả lời. – Đúng, những con số. Tuần qua con làm rất nhiều những con tính, và đến là kinh ngạc.
- Thế những con số đó có liên quan gì đến điều đó? – Bà mẹ khụt khịt mũi.
Giôn mỉm cười một cách bệnh tật, còn bà mẹ xúc động khi nhận thấy rất rõ là con mình không còn tỏ ra cáu kỉnh, bẳn tính nữa.
- Con sẽ chỉ cho mẹ xem. Con mệt mỏi rã rời. Cái gì làm cho con mệt mỏi hả mẹ? Những chuyển động! Con chuyển động ngay từ khi con mới lọt lòng. Con chán cái chuyện chuyển động lắm rồi, nên con sẽ không chuyển động nữa. Mẹ có nhớ thời kỳ con làm ở nhà máy thuỷ tinh không? Một ngày con thường làm được ba trăm chiếc chai. Giờ con mới nhận ra mỗi chai con làm mất mười động tác. Một tháng mất một triệu tám mươi nghìn động tác. Cứ bỏ bẵng đi 80.000 động tác, - cậu nói giọng có vẻ thỏa mãn, thương người. - Cứ trừ đi 80.000 động tác, như vậy là chỉ còn một triệu động tác trong một tháng, mười hai triệu động tác trong một năm.
Đứng bên những chiếc máy dệt, con chuyển động nhanh gấp đôi thế. Như vậy phải là 25 triệu động tác một năm, và con thấy như mình chuyển động theo kiểu đó hàng triệu năm.
Suốt tuần này con hoàn toàn không chuyển động được nữa. Con phải nằm lỳ không sao cử động được, mẹ ạ. Nó sưng ở đây này, không làm ăn gì được nữa rồi. Đời con chưa bao giờ có một chút rỗi rãi. Con phải luôn chân luôn tay. Còn đâu thời gian mà sung với sướng cơ chứ. Con không làm việc được nữa. Chỉ việc ngồi mà nghỉ, nghỉ thêm nữa, nghỉ mãi, mẹ ạ.
- Thế còn em Uyn-lơ và các em khác của con thì sao đây? – Bà mẹ hỏi đầy tuyệt vọng.
- Thế đấy, Uyn-lơ và các em nữa, - cậu nhắc lại.
Nhưng trong giọng của cậu không pha chút cay đắng. Đã từ lâu cậu hiểu được khát vọng của mẹ đối với thằng em trai, nhưng suy nghĩ đó không còn làm day dứt lòng cậu. Chẳng có gì hệ trọng nữa, hoàn toàn không có gì, ngay cả chuyện đó.
- Con biết mẹ ạ, con biết mẹ dự định cho Uyn-lơ làm nghề gì rồi, mẹ định cho nó học tiếp để làm kế toán. Nhưng vô ích thôi mẹ ạ, con đã thôi việc rồi. Nó phải đi làm thôi.
- Công lao mẹ nuôi nấng dạy dỗ con thế là hết.- bà mẹ khóc, lại lấy cái tạp dề che đầu.
- Mẹ nuôi nấng gì con nào? - câu trả lời đượm buồn- con đã tự nuôi con và nuôi cả thằng Uyn-lơ nữa. Nó to lớn hơn, béo tốt hơn con, cao hơn con. Khi con là một thằng bé, con chẳng bao giờ được ăn no. Khi nó là một thằng bé, con đi kiếm ăn nuôi nó. Nhưng thôi thế là chấm dứt. Cũng như con, Uyn-lơ có thể đi làm được rồi, bằng không, mặc xác nó, con không cần biết. Con mệt lắm. Con đi đây. Thế mẹ không có ý định chào tạm biệt con sao?
Bà mẹ không trả lời. Chiếc tạp dề đã trùm lấy đầu bà. Bà đang khóc. Cậu dừng lại một lát bên lối cửa.
- Mẹ đã làm hết sức mình rồi còn gì... - Bà mẹ khóc thổn thức.
Cậu đi qua nhà và xuôi xuống phố. Một niềm vui loé lên yếu ớt trên khuôn mặt cậu khi nhìn thấy cái cây lẻ loi đơn chiếc đó.
"Đúng, mình không làm gì nữa", cậu tự nhủ, khẻ khàng như ngâm nga. Cậu nhìn đăm chiêu lên bầu trời, những tia nằng rực rỡ loé lên làm hoa mắt.
Cậu đi một đoạn đường dài, đủng đỉnh bước. Cậu đi qua nhà máy dệt đay. Tiếng máy dệt nghe như nghẹt cổ vọng đến tai làm cậu mỉm cười. Đó là nụ cười hiền lành. Cậu không căm ghét một ai, thậm chí cả những tiếng máy chát chúa kia. Trong lòng cậu không vương lại một chút cay đắng, không gì cả, trừ lòng khao khát thiết tha được nghỉ ngơi.
Nhà cửa và nhà máy nhòa dần, và khoảng trống mênh mông trải ra khi cậu đi về miền quê. Cuối cùng thành phố đã ở lại phía sau, còn cậu đang đi xuống một con đường làng phủ đầy lá cây bên cạnh con đường sắt. Cậu không bước đi bình thường, con người cậu trông cũng không bình thường, lê lết như một con đười ươi ốm yếu, hai tay thõng xuống, hai vai xo vào, ngực lép trông đến kỳ quái và đáng sợ.
Cậu đi qua một ga xe lửa nhỏ, ngồi xuống một bãi cỏ dưới gốc cây. Cậu nằm ở đó suốt cả buổi chiều. Đôi lúc cũng chợp mắt được một tý, tay cậu cứ giật thon thót. Tỉnh dậy, cậu nằm đấy, bất động, nhìn chim muông hay nhìn bầu trời qua kẽ lá cành cây. Đôi lúc cậu cười lớn, nhưng không phải cười vì cái cậu nhìn hay cảm thấy.
Khi bóng hoàng hôn đổ xuống trong đêm đầu tiên** một con tàu hàng xình xịch vào ga. Khi đầu máy chuyển các toa vào con đường nhánh, Giôn bò dọc theo con tàu. Cậu đẩy được chiếc cửa của toa chở súc vật bỏ không, lúng túng và vất vả mới leo được lên. Cậu đóng cửa lại. Còi tàu húyt vang. Giôn đang nằm, nhoẻn miệng cười trong bóng tối.
* Chỗ này dịch sai ý. Nguyên văn là "tùy mẹ mày" (chú thích của người đánh máy).
** Dịch tối nghĩa. Nguyên văn là "trong bóng tối đầu tiên (bóng tối vừa buông xuống) của đêm" (in the first darkness of the night)- chú thích của người đánh máy.
Nhiều Người Dịch
Trích trong tập "Tiếng gọi nơi hoang dã"
Người đánh máy tham khảo và hiệu đính bản dịch từ nguyên bản "The Apostate" hay "When God Laughs" của Jack London.