Eveline
Tác giả: James Joyce
Cô ngồi bên cửa sổ ngắm buổi tối lan dần vào phố. Đầu cô dựa vào rèm cửa, và trong mũi cô sực bụi bặm. Cô thấy mệt mỏi.
Một vài người đi qua. Người đàn ông sống ở ngôi nhà cuối phố đi về nhà; cô nghe thấy tiếng bước chân ông gõ trên vỉa hè xi măng và sau đó lạo xạo trên con đường rải xỉ phía trước mấy ngôi nhà gạch đỏ mới xây. Đã có thời nơi đó là một khu đất trống tối nào bọn cô cũng chơi với đám trẻ hàng xóm. Rồi một người đàn ông đến từ Belfast [1] mua cả khu và cho xây nhà - không giống những căn nhà màu nâu nhỏ bé của họ, mà là những ngôi nhà gạch đỏ tươi mái lấp lánh. Bọn trẻ phố này vẫn chơi đùa trên khu đất - nhà Devine, nhà Water, nhà Dunn, nhóc Keogh què, cô và các anh chị em. Nhưng Ernest không bao giờ tham gia; anh thấy trò đó quá trẻ con. Cha cô vẫn thường dùng cái roi mận gai của ông xua cả lũ khỏi khu đất; nhưng thường thì nhóc Keogh đảm nhận chân canh chừng và hét ầm lên mỗi khi nó thấy cha cô đến. Tuy vậy dường như thời gian đó bọn cô vẫn còn rất hạnh phúc. Cha cô hồi đó chưa quá tệ; thêm vào đó, mẹ cô vẫn còn sống. Hồi đó đã cách đây lâu lắm rồi; anh chị em cô tất cả đã lớn; mẹ cô đã mất. Tizzie Dunn cũng đã chết, và nhà Water cũng đã quay về Anh. Mọi thứ đều thay đổi. Giờ đây cô sắp ra đi như những người khác, rời bỏ nhà mình.
Nhà mình! Cô quay nhìn căn phòng, ngắm từng món đồ thân quen tuần nào cô cũng phủi bụi trong từng ấy năm trời, lần nào cũng tự hỏi ở quái đâu ra mà lắm bụi thế. Có thể cô sẽ không bao giờ được nhìn lại những thứ quen thuộc này nữa, những thứ cô chưa bao giờ có thể tưởng tượng sẽ phải xa rời. Vậy mà cũng trong từng ấy năm cô chưa từng tìm hiểu về ông cha cố trong bức ảnh ố vàng treo phía tường bên trên cái đàn đạp hơi [2] đã hỏng, cạnh bản in màu bài hứa nguyện với Thánh Margaret Mary Alacoque [3], xem ông ta tên là gì. Ông cha cố từng là bạn đồng môn với cha cô. Mỗi lần chỉ bức ảnh cho khách cha cô thường làm ra vẻ vô tình nói thêm:
- Giờ lão đang ở Melbourne [4].
Cô đã bằng lòng ra đi, rời bỏ nhà mình. Có khôn ngoan không nhỉ? Cô cố cân nhắc từng khía cạnh của câu hỏi. Ở nhà mình dù sao cô cũng có nơi trú thân và thức ăn; có những người cô quen thuộc từ tấm bé. Tất nhiên cô phải làm việc vất vả, cả ở nhà lẫn nơi làm. Bọn họ ở cửa hàng[5] sẽ nói sao khi biết cô đã biến mất với một anh chàng? Nói cô là một con ngốc, có lẽ vậy; và chỗ của cô sẽ được đăng tìm người thay thế. Miss Gavan chắc hẳn sẽ sung sướng lắm. Cô ta luôn lên mặt với cô, nhất là khi có nhiều người ở đó.
- Cô Hill, cô không thấy các quý bà đây đang phải đợi sao?
- Nhanh tay nhanh chân lên chứ, thưa cô Hill.
Cô sẽ không tốn nước mắt hối tiếc chuyện rời bỏ cửa hàng.
Nhưng trong ngôi nhà mới của cô, ở một xứ cô chưa từng biết, mọi chuyện sẽ không như thế. Ở đó cô sẽ kết hôn - phải, cô, Eveline. Ở đó mọi người sẽ tôn trọng cô. Cô sẽ không bị đối xử như mẹ cô từng phải chịu. Ngay cả bây giờ, mặc dù đã hơn mười chín tuổi, nhiều lúc cô vẫn cảm thấy mình có nguy cơ bị cha đánh đập. Cô biết đó chính là nguyên nhân gây ra những cơn trống ngực nơi cô. Khi bọn cô còn nhỏ ông không bao giờ đánh đập cô, như ông thường đánh đập Harry và Ernest, bởi cô là con gái; nhưng gần đây ông bắt đầu dọa nạt và nói những gì giờ ông làm cho cô chỉ là vì ông nghĩ đến người mẹ quá cố của cô. Và giờ đây cô không có ai bảo vệ. Ernest đã chết và Harry, giờ theo nghề trang trí nhà thờ, gần như lúc nào cũng mất tăm ở một xứ nhà quê nào đó. Thêm nữa, những cuộc to tiếng triền miên lần nào cũng như lần nào về tiền nong mỗi tối thứ bảy đã bắt đầu làm cô mệt mỏi khôn tả. Cô bao giờ cũng nộp tiền lương của mình - bảy shilling - và Harry luôn cố gắng gửi về những món anh dành dụm được, nhưng vấn đề nằm ở chỗ làm sao khiến cha cô buông ra dù một khoản nhỏ nhất. Ông nói cô chỉ toàn tiêu pha phung phí, rằng cô là đồ đầu đất, rằng ông sẽ không đưa những đồng tiền mồ hôi xương máu của ông cho cô vứt ra ngoài đường, và nhiều, nhiều nữa, bởi ông cứ đến tối thứ bảy lại trở nên không thể chịu đựng nổi. Rốt cuộc ông cũng vẫn đưa tiền cho cô và hỏi liệu cô có định đi mua thức ăn cho bữa tối chủ nhật hay không đây. Và rồi cô sẽ chạy vắt chân lên cổ ra chợ, tay nắm khư khư cái ví da màu đen cố chen lấn xô đẩy và tối muộn mới trở về đến nhà lếch thếch với đống đồ mua được. Cô đã phải làm việc cật lực để giữ cho cả nhà tồn tại và để đảm bảo hai đứa trẻ được giao lại cho cô chăm sóc hôm nào cũng đến trường và hôm nào cũng được ăn uống đầy đủ. Đó là một công việc khó khăn - một cuộc sống khó khăn - nhưng giờ đây khi sắp rời khỏi nó cô lại thấy hình như đó không phải hoàn toàn là một cuộc sống bỏ đi.
Cô sắp sửa được khám phá một cuộc sống khác với Frank. Frank rất tử tế, đàn ông, hào phóng. Cô sắp sửa được ra đi với anh trên chuyến tàu đêm [6], trở thành vợ anh và sống với anh ở Buenos Ayres [7], nơi đó anh có một căn nhà đang đợi cô. Cô vẫn nhớ như in lần đầu tiên gặp anh; hồi đó anh đang trọ tại một con phố lớn cô vẫn thường ghé qua. Mọi chuyện cứ như mới xảy ra cách đây có mấy tuần. Anh đang đứng nơi cổng nhà, mũ lưỡi trai quay ngược và tóc lòa xòa phủ lên khuôn mặt rám nắng. Rồi họ quen nhau. Anh thường hẹn hò cô mỗi tối bên ngoài cửa hàng và đưa cô về nhà. Anh đưa cô đi xem vở opera Cô gái Bô-hê-miêng [8] và cô ngập tràn sung sướng khi được ngồi với anh trong góc cái nhà hát lạ lẫm đó. Anh rất mê âm nhạc và thỉnh thoảng còn hát. Thiên hạ nhận ra họ đang hẹn hò nhau, và, khi anh cất giọng hát về người con gái đem lòng yêu một chàng thủy thủ [9], cô luôn cảm thấy bối rối sung sướng. Anh thường gọi đùa cô là Poppens. Đầu tiên cô chỉ thấy thích thú khi có một chàng như thế và rồi cô bắt đầu thấy thích anh thật sự. Anh có cả kho chuyện về những miền đất xa xôi. Anh đã bắt đầu cuộc đời chỉ là một thằng nhóc giữ chân sai vặt lương vỏn vẹn một bảng một tháng trên boong một con tàu hãng Allan Line đi Canada [10]. Anh kể cho cô nghe tên những con tàu anh từng có mặt và tên những công việc khác nhau trên tàu. Anh từng vượt eo biển Magellan và anh kể cho cô nghe những câu chuyện rùng rợn về tộc người khổng lồ Patagon khủng khiếp [11]. Rồi anh gây dựng được cơ nghiệp ở Buenos Ayres, anh nói, và chỉ quay lại Ireland để nghỉ ngơi. Tất nhiên, cha cô phát hiện được chuyện yêu đương này và đã cấm cô không được nói chuyện với anh nữa.
- Tao biết thừa những gã thủy thủ kiểu này, - ông nói.
Một ngày nọ ông cãi lộn với Frank, và từ đó cô phải gặp người yêu một cách bí mật.
Buổi tối phủ dày hơn nữa lên phố. Màu trắng của hai lá thư đang đặt trên lòng cô nhạt nhòa dần. Một lá cho Harry; lá kia gửi cha cô. Ernest là người cô yêu quý nhất trong đám anh chị em, nhưng cô cũng yêu quý Harry. Gần đây cha cô đã bắt đầu yếu đi, cô nhận thấy vậy; ông sẽ nhớ cô. Đôi khi ông cũng có thể rất tử tế. Cách đây không lâu, khi cô bị ốm phải nằm trên giường cả ngày, ông đã đọc truyện ma cho cô nghe và nướng bánh mì cho cô. Một ngày khác, hồi đó mẹ cô vẫn còn sống, cả nhà đi picnic trên đồi Howth [12]. Cô vẫn nhớ cha cô đã lấy mũ của mẹ cô đội để chọc cho bọn trẻ con cười.
Thời gian của cô sắp hết, nhưng cô vẫn tiếp tục ngồi bên cửa sổ, dựa đầu vào tấm rèm cửa, hít hà mùi vải bố bụi bặm. Phía xa cuối phố cô nghe thấy tiếng đàn dạo xin tiền. Cô biết điệu nhạc này. Thật lạ lùng, sao nó lại đến vào đúng buổi tối hôm nay để nhắc cô nhớ lại lời hứa với mẹ mình, lời hứa sẽ chăm nom gia đình cho đến khi nào cô còn có thể. Cô nhớ lại đêm cuối cùng trước khi mẹ cô qua đời vì cơn bệnh; một lần nữa cô lại ở trong căn phòng ngột ngạt, tối tăm phía bên kia sảnh và cô nghe thấy điệu nhạc Ý buồn thảm ngoài kia. Người chơi đàn dạo đã bị đuổi đi nơi khác sau khi nhận một đồng sáu xu. Cô nhớ cảnh cha cô đắc thắng quay lại phòng người ốm, nói:
- Lũ người Ý khốn kiếp! Đến tận đây được!
Trong khi cô hồi tưởng, hình ảnh tội nghiệp của cuộc đời mẹ cô phủ màu đen tối như muốn trùm lên chính cuộc đời cô - một cuộc đời chỉ toàn những hy sinh vụn vặt để rồi kết cục là những cơn điên loạn. Cô rùng mình khi lại nghe thấy bên tai giọng mẹ lặp đi lặp lại trong man dại:
- Derevaun Seraun! Derevaun Seraun! [13]
Cô đứng bật dậy kinh hoàng. Chạy trốn! Cô phải chạy trốn! Frank sẽ cứu cô. Anh sẽ mang lại cho cô cuộc sống, và có thể cả tình yêu nữa. Nhưng cô muốn được sống. Tại sao cô phải chịu bất hạnh? Cô có quyền được hưởng hạnh phúc. Frank sẽ ôm cô, che chở cho cô. Anh sẽ cứu cô.
Cô đứng giữa đám đông đang chen lấn xô đẩy trên bến North Wall[14]. Anh nắm tay cô và cô hiểu rằng anh đang nói với cô, nhắc đi nhắc lại điều gì đó về chuyến đi. Bến tàu đầy nghẹt lính lỉnh kỉnh hành lý màu nâu. Qua những cánh cửa mở rộng của tòa nhà cô thoáng thấy khối đen vĩ đại của con tàu, nằm cạnh tường ke, những cửa sổ tròn sáng đèn rực rỡ. Cô không trả lời anh. Cô cảm thấy má mình nhợt nhạt lạnh ngắt và, bỗng nhiên rơi vào một cơn tuyệt vọng, cô cầu Chúa soi đường cho cô, dẫn dắt cho cô thấy bổn phận của mình. Con tàu thả một hồi còi dài ảm đạm vào làn sương khói. Nếu cô ra đi, ngày mai cô sẽ đang ở trên biển cùng Frank, thẳng tiến về Buenos Ayres. Chuyến đi của họ đã được đặt vé. Có thể nào cô rút lại lời sau tất cả những điều anh đã làm vì cô? Cơn tuyệt vọng làm dấy lên trong cô cảm giác say sóng và cô cố gắng tiếp tục mấp máy môi thầm thì lời cầu nguyện thành kính.
Một hồi chuông làm nhói tim cô. Cô cảm thấy tay anh kéo chặt tay cô:
- Đi thôi!
Tất cả đại dương trên thế giới quay cuồng trong cô. Anh đang lôi tuột cô vào chúng: anh sẽ dìm chết cô. Cô túm chặt lấy hàng rào chắn bằng sắt.
- Đi thôi!
Không! Không! Không! Không thể được. Hai tay cô nắm chặt hàng rào sắt trong cơn mê loạn. Giữa đại dương cô hét lên đau đớn.
- Eveline! Evvy!
Anh chạy phía trước hàng rào và kêu to bảo cô chạy theo. Người ta hét gọi anh đi tiếp, nhưng anh vẫn đang gọi cô. Cô quay khuôn mặt trắng bợt của mình về phía anh, bị động, như một con thú tuyệt vọng. Ánh mắt cô nhìn anh không có chút biểu hiện nào, không tình yêu hay lời vĩnh biệt hay nhận ra anh.
Vũ Mai Trang dịch
(Trích từ tập truyện Người Dublin , Bách Việt Books xuất bản)
Chú thích :
[1] Belfast: Thành phố ở phía đông bắc đảo Ireland, nay là thủ đô Bắc Ireland thuộc Vương quốc Anh. Từ thời vua Henry VIII (1509-1549), khi nước Ireland Công giáo bị đặt dưới sự cai trị của nước Anh Tin Lành, căng thẳng đã xuất hiện giữa hai tôn giáo. Vào đầu thế kỷ XVII dưới thời vua James I (1603-1625), một lượng lớn người Tin Lành bắt đầu sinh sống tại miền Bắc Ireland, trong đó có Belfast, hình thành ở đây cộng đồng đa số Tin Lành vẫn tồn tại ngày nay, phần còn lại của Ireland chủ yếu là người Công giáo. Belfast vào thời điểm cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX là thành phố lớn, giàu có nhất của Ireland, trung tâm công nghiệp dệt vải lanh và có xưởng đóng tàu lớn nhất thế giới.
[2] Đàn đạp hơi (harmonium): Loại đàn gồm bộ lưỡi gà kim loại, một bộ bễ, và bàn phím, chủ yếu để đệm cho hát, nghe hơi giống đàn accordeon. Khi bộ bễ được người chơi điều khiển bằng chân, hoặc bằng cần tay, hơi từ bộ bễ sẽ thổi vào làm rung các lưỡi gà bằng kim loại và phát ra âm thanh.
[3] Thánh Margaret Mary Alacoque (1647-1690): Nữ tu Dòng Thăm viếng (Visitation) người Pháp, nhận được một chuỗi những thụ khải qua đó Chúa Jesus cho biết bà là người được chọn để loan báo tình yêu của Ngài và cổ động lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa. Bà được tuyên phúc năm 1864 và phong thánh năm 1920. Chúa Jesus, qua Thánh Margaret Mary Alacoque, hứa mười hai lời hứa (về bình an, phước lành,…) với những người sùng kính Thánh Tâm Chúa tại nhà và thường xuyên tham dự việc Rước Lễ, nhất là trong các ngày thứ Sáu đầu tháng.
[4] Melbourne: Thành phố cảng đông nam Australia, thủ phủ bang Victoria. Từ cuối thế kỷ XVIII đến suốt thế kỷ XIX, Australia, đang là thuộc địa của Anh, trở thành đích đến thay thế Hoa Kỳ (khi đó đã giành được độc lập từ tay Anh) của tù nhân Anh, trong đó phần lớn là người Ireland, thụ án lưu đày (lúc này đã dùng để thay thế cho án tử hình, trừ các tội ác đặc biệt nghiêm trọng). Những tù nhân (Công giáo) này bị hạn chế thi hành tôn giáo và bị buộc chuyển sang đạo Tin Lành. Sau nhiều phản kháng, đến năm 1803, lễ Misa Công giáo La Mã đầu tiên được cử hành ở Sydney bởi Cha James Dixon, bị lưu đày từ Ireland vì liên quan đến chính trị. Có thể nói Giáo hội Công giáo ở Australia phát triển là có công lớn của các linh mục tu sĩ Ireland.
[5] Cửa hàng: Theo Gifford, có một gia đình đạo Quaker tên Pim sở hữu một cửa hàng tạp hóa lớn trên phố Great George ở khu trung tâm phía nam Dublin, thường được gọi tắt trong văn nói thời đó là “Cửa hàng”.
[6] Chuyến tàu đêm: Chuyến tàu mỗi đêm rời Dublin đi Liverpool, thành phố cảng phía tây của Anh. Từ Liverpool sẽ có tàu sang châu Mỹ, trong đó có Buenos Aires, Argentina.
[7] Buenos Ayres: Cách viết khác của Buenos Aires, thủ đô Argentina. Trong thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX, Argentina là một trong những nước có số lượng dân nhập cư cao nhất thế giới, bởi nền kinh tế phát triển và chính sách ủng hộ nhập cư. Nói đến Buenos Aires khi đó là nói đến hình ảnh một thành phố giàu có và náo nhiệt, nhiều cơ hội, và thực tế rất nhiều người nhập cư, chủ yếu đến từ Ý và các nước châu Âu khác, sau khi chịu đựng chuyến đi dài từ châu Âu (giá vé tàu rất rẻ, thậm chí có lúc còn miễn phí), đã tìm được cơ hội thực hiện giấc mơ “hacer la America”- đi kiếm tiền rơi trên đường phố Buenos Aires. Một số nhà nghiên cứu cho rằng cụm từ “đi tới Buenos Ayres” ám chỉ chuyện trở thành gái điếm.
[8] Cô gái Bô-hê-miêng : Vở opera rất nổi tiếng lúc bấy giờ của Michael W. Balfe (1808-1870), được trình diễn lần đầu tiên năm 1843. Ông là nghệ sĩ giọng nam trung, một trong những nhà soạn nhạc kịch opera vĩ đại nhất của Ireland thế kỷ XIX, sinh tại Dublin. Được coi là thần đồng âm nhạc, ông đã viết 28 vở nhạc kịch, ngay lập tức thành công vang dội tại các sân khấu opera trên toàn thế giới: London, Paris, Vienna, Milan, Trieste, New York, Sydney... Tuy nhiên sau khi ông mất, các tác phẩm của ông không còn giữ được ánh hào quang nữa. Ngày nay tên tuổi của ông được biết đến chủ yếu với vở Cô gái Bô-hê-miêng .
[9] Người con gái đem lòng yêu một chàng thủy thủ (The lass that loves a sailor ): Tên một bài hát của Charles Dibdin (1740-1814), một trong những nhạc sĩ, nhà soạn nhạc kịch người Anh nổi tiếng nhất cuối thế kỷ XVIII. Charles Dibdin được biết đến nhiều nhất với các bài hát về biển cả, trong đó ông lý tưởng hóa hình tượng những chàng thủy thủ như những người anh hùng cao quý, được người yêu hoặc người vợ chung thủy đợi chờ, thường hy sinh anh dũng vì đất nước.
[10] Hãng Allan Line đi Canada: Ra đời và phát triển từ năm 1819, cho đến đầu thế kỷ XX khi sáp nhập với hãng khác, hãng hàng hải Allan Line của thuyền trưởng Alexander Allan và các con có lẽ đã chở một số lượng di dân trẻ từ Scotland và Liverpool sang Canada và sau đó là dọc miền bờ Đại Tây Dương châu Mỹ (New York, Baltimore, Montevideo, Buenos Aires, v.v..) nhiều hơn bất kỳ hãng tàu nào cùng thời. Những ống khói sơn màu đen, trắng, đỏ của những con tàu hãng Allan thời đó là hình ảnh quen thuộc gắn liền với ly hương.
[11] Tộc người khổng lồ Patagon: Hình ảnh huyền bí và lãng mạn thường xuất hiện trong tài liệu, văn chương du ký châu Âu trước và trong thế kỷ XIX, về một tộc người khổng lồ nguyên thủy và man rợ, sống ở khu vực Nam Achentina, lần đầu tiên được ghi lại sau chuyến đi thám hiểm vòng quanh thế giới của thuyền trưởng người Tây Ban Nha Ferdinand Magellan những năm 1550.
[12] Đồi Howth: Đoạn đồi nhìn xuống vịnh Dublin, phía đông bắc cách Dublin khoảng 15 km, được người Dublin ưa chuộng để đi picnic và leo núi.
[13] Derevaun Seraun! Derevaun Seraun!: Các nhà nghiên cứu nói chung đều đồng ý cụm từ này là tiếng Galic bị bóp méo. Một số nghĩa được đưa ra bao gồm: “Kết cục của vui thú là đau khổ”, “Kết cục của bài hát là cơn điên dại” hoặc “Rồi kết cục cũng là về nằm với giun”.
[14] Bến North Wall: Bến tàu phía bờ bắc sông Liffey, nơi có chuyến tàu rời Dublin đi Liverpool.