watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Tín ngưỡng QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT TẠI VIỆT NAM - tác giả Kiêm Đạt Kiêm Đạt

Tín ngưỡng QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT TẠI VIỆT NAM

Tác giả: Kiêm Đạt

Tượng hình đức Quán Thế Âm Trong đời sống tâm linh của người dân ta, dù theo tôn giáo nào, hình ảnh gần gủi hơn cả chính là Phật Bà Quán Thế Âm. Tại hầu hết chùa chiền, tượng Quán Thế Âm cũng có nhiều loại khác nhau: có Quán Thế Âm trong bộ Di Đà Tam Tôn, Quán Thế Âm Tọa Sơn, Quán Thế Âm Tống tử, tuy nhiên thường được quan tâm hơn cả chính là Quán thế Âm Chuẩn Đề. Toà sen của pho tượng nầy được một quái vật (con quỷ) nhô lên trên mặt nước thì còn được gọi là Quán Thế Âm Nam Hải.
Do pho tượng có hàng chục, thậm chí hàng trăm bàn tay, nên còn có tên là Quán Thế Âm Thiên Thủ, Thiên Nhãn. Người dân trong trường hợp gặp chuyện không may, thường khấn cầu Quán Thế Âm cứu khổ, cứu nạn.
Theo Phật Học Tự Điển thì khái niệm Quan Thế Âm (Avalokitesvara) là: “Nghe những tiếng kêu cứu của chúng sanh đau khổ trong cuộc sống mà tìm đến để cứu vớt họ”.

Thể loại tượng Quán Thế Âm Bồ Tát

Tượng hình đức Quán Thế Âm lưu hành đều theo sáu cách thể hiện quy định:
(a) Quan Âm Chuẩn Đề: theo công thức thì tượng nầy có ba mặt và 18 tay. (b) Thiên thủ, thiên nhãn: đức Quan Âm nghìn tay, nghìn mắt như pho tượng ở chùa Bút Tháp. (c) Quan Âm Tọa Sơn: thể hiện đức Quan Âm ngồi trên đỉnh núi. d) Phật bà: thể hiện Phật bà Quan Âm đội mũ ni, ngồi toà sen. (e) Quan Âm Tống Tử: thể hiện đức Quan Âm ngồi bế đứa bé, một bên có Thiện Sĩ (biểu trưng bằng hình con vẹt).
Hình ảnh đức Quán Thế Âm Bồ Tát có thể hóa hiện thành muôn ngàn hình trạng khác nhau, để thích ứng trong mọi hoàn cảnh, nhằm cứu vớt trong mọi trường hợp khổ đau của chúng sanh. Với một pháp lực và quyền năng vô lượng vô biên, cùng sự minh triết tuyệt đối, với thiên thủ, thiên nhãn, Người đã cứu độ hết thảy mọi trường hợp. Ðặc biệt, đức Quán Thế Âm nắm vững pháp "Chuẩn Đề", một pháp môn đứng vào hàng đầu trong vạn pháp.

Quán Thế Âm thiên thủ, thiên nhãn :
Trong những kiểu dáng điêu khắc trang trí, đồ hoạ trong những ngôi chùa tại nước ta, tượng đức Quán Thế Âm Bồ Tát nhiều tay hơn bình thường (với số lượng thường thấy là tám, mười hai, mười bốn, mười tám, hai mươi hai, hai mươi bốn, hai mươi tám có khi lại còn nhiều tay phụ hơn thế nữa), đều được gọi tên chung bằng biểu hiện "Thiên thủ, thiên nhãn", không có nghĩa là phải đúng nghìn tay, nghìn mắt; bởi vì: con số hữu hạn đó, tưởng là nhiều, nhưng nó vẫn hạn chế quyền năng siêu việt của Người.

Một danh xưng khác nữa của đức Quán Thế Âm Bồ Tát là "Phật Mẫu Chuẩn Đề". Trong những ngôi chùa kiến tạo vào thế kỷ thứ XVI, chúng ta cũng đã bắt gặp được những pho tượng đức Quán Thế Âm Bồ Tát trong tư thế đứng thẳng, với tay kết ấn cam lồ (tại chùa Phổ Minh - Hà Nam Ninh) và một dạng hình khác tương đối phổ biến là đức "Quán Thế Âm Nam Hải" khá điển hình; cho nên, có thể hiểu qua biến tướng nầy, để hiểu những dạng thức điêu khắc cùng loại.
Qua những công trình nghiên cứu mỹ thuật và kiến trúc Việt Nam, hình ảnh đức Quán Thế Âm Bồ Tát ít được nhắc tới từ thế kỷ XI, hay trước hơn thế nữa. Thành thử hình thái thờ đức Quán Thế Âm Nam Hải mới chỉ thấy có từ thế kỷ thứ XVI trở về sau.
Tích truyện được trình bày nhiều nhất và sớm nhất dẫn giải về đức Quán Thế Âm Nam Hải gắn với lời kết của một vị tăng đời nhà Nguyên ở Trung Quốc. Tích nầy có thể đã lưu truyền vào Việt Nam vào thế kỷ XV, căn cứ theo các Tự phả, rồi sau đó được Việt Nam Hoá sâu rộng trong thế kỷ thứ XVI.

Quán Thế Âm Nam Hải trong nhận thức của người Việt, vốn là bà Diệu Thiện (tức là điều thiện tốt đẹp, nhiệm mầu), con thứ ba của vua Diệu Trang (Cughavyuha); công chúa là một hiện thân của đức Quán Thế Âm, đã từ chối tất cả cao sang quyền quý, vượt mọi trở ngại khó khăn trên đường tu hành, nêu cao gương đức độ và cuộc sống khổ hạnh cho tất cả quần sanh. Bà Diệu Thiện đã chứng quả tại chùa Hương Tích, một thắng cảnh nổi tiếng tại Hà Tây. Qua những nghiên cứu cho thấy: những photượng đức Quán Thế Âm Nam Hải cũng là một dạng thức khác của đức Quán Thế Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn.

Hoạ tiết tượng Quán Thế Âm
Những pho tượng thờ nầy được coi là điển hình như tượng chùa Đa Tốn (Gia Lâm, Hà Nội), tượng ở chùa Thượng Trưng (Vĩnh Lạc, Thanh Hoá) tượng chùa Bối Kê (Thanh Oai, Hà Tây), tượng chùa Động Ngọc (Thanh Hà, Hải Hưng)...
Khảo sát pho tượng Quan Âm tại chùa Động Ngọ, có ghi khắc rõ niên đại chính xác vào đời Diên Thành thứ năm (1582). Pho tượng tại chùa Thượng Trưng, niên đại được nói đến cũng được điêu khắc trong giai đoạn nầy, vào tháng tư năm 1592. Với những niên đại tìm thấy được chính xác cũng như mô hình tiêu biểu, có thể định được thời gian của những tượng cùng thể loại nầy. (Theo GS Huard). Nhìn chung lại, đa số những pho tượng đức Quán Thế Âm Nam Hải, tuy kích cỡ không đồng nhất, tuy nhiên, nhìn chung vẫn theo cùng một dạng, mà nhiều nhà nghiên cứu mỹ thuật suy nghĩ đến một mẫu mực đã được khuôn định (Theo GS Nguyễn Đức Nùng).
Điều mà những nhà nghiên cứu kiến trúc Phật Giáo Việt Nam ghi nhận rõ là: ở đầu tượng là hệ thống "Thiên quan", mang dạng thức kiến trúc gần giống như kiểu mũ "Tỳ Lư" (Mũ của các vị Pháp sư). Bất cứ Thiên quan nào cũng được chia ra làm hai phần rõ nét: Phần bên ngoài: một vành bao chạy từ đỉnh tai nọ đến đỉnh tai kia, qua phía mặt trước. Phần trong: được nhô lên cao hơn, gần giống như một tấm che chạy vượt từ thóp lên, để che búi tóc cuộn ngược đỉnh. (Theo PGS Trần Lâm Biền).
Một số tượng Quán thế Âm không có tấm che nầy, nhưng thay vào đó là một "vành Thiên quan" thứ 2, nằm song hành với vành ngoài, như thấy rõ nhất ở pho tượng thờ chính tại chùa Thượng Trưng (Vĩnh Phú). Điểm nổi bật nhất trong cách tạc ở Thiên quan là: Tuy được làm như một mảnh gỗ cong, tuy nhiên, không phải là mảnh gỗ khác ghép vào, mà thường cùng chung một khối gỗ với phần đầu của pho tượng.
Một đặc điểm khác: Trên Thiên quan, thường trang trí hình hoa sen nụ hay hoa cúc, được đạt cân xứng ở hai bên trên hoa văn hình vân xoắn. Từ xa nhìn tưởng chừng như một khối chạm trỗ gắn thêm vào, nhưng kỳ thực là cùng chung khối đỡ tạc tượng duy nhất mà thôi.
Ngoài ra, trên Thiên quan còn được sử dụng nhiều hạt tròn nổi khối, mà trong cách trình bày thường chú trọng nhiều đến luật cân xứng với từng hạt lớn hay chồng lên nhau theo hình tháp.

Loại hình điêu khắc
Những nghệ nhân thực hiện các công trình điêu khắc trên đã chứng tỏ tài năng khác thường trong từng điệu tiết, đồng thời cũng theo đúng kinh điển thường mô tả dáng từ bi của đức Quán Thế Âm. Về xuất xứ của tượng Quán Thế Âm trong nghệ thuật điêu khắc Việt Nam có nhiều giả định khác nhau.
Một số nhà nghiên cứu nghệ thuật cổ điển thì cho rằng: Trong buổi khởi nguyên, pho tượng đức Quán Thế Âm Bồ Tát tại Ấn Độ là một vị Bồ Tát "nam giới"; nhưng đến khi du nhập vào Việt Nam của cư dân chuyên sống bằng nền nông nghiệp lúa nước, luôn đề cao "bà mẹ của đất" cùng với những "yếu tố âm" cho nên những pho tượng đức Quán Thế Âm Bồ Tát là nữ giới, với khuôn mặt từ bi, dịu hiền. Đầu tượng hơi cúi xuống; những chi tiết của khuôn mặt tuân thủ theo cách tạo dáng trong khuôn mặt của đức Phật.
Về phương diện tạo dáng, những pho tượng Quán Thế Âm tại Việt Nam gần với con người thực hơn tượng thời nhà Lý và các thời đại sau nầy; điều nầy nói lên sự gần gủi và tương thông với cuộc đời và tính nhân bản của cách tạc tượng đương thời.
Cũng như những pho tượng Tam Thế thường thấy trong những ngôi chùa cổ tại Việt Nam, dáng ngồi của tượng Quán Thế Âm Bồ Tát ngả về phía đằng trước và thân thì tô lên dày hơn. Những điều nêu trên cho thấy rõ là kiểu dáng tượng Quán Thế Âm ở thế kỷ XVII tại nước ta có một phong cách độc đáo, khó lẫn lộn với những tượng các nước khác cùng loại.

Tượng Di Ðà Tam Tôn
Cách bài trí thông thường trong Phật điện của các chùa chiền theo Phật Giáo Đại Thừa ở Việt Nam, bộ tượng ở vào vị trí trong cùng, cũng là nơi cao nhất là Tam Thế, gồm 3 pho tượng các vị Phật: Hiện tại, Quá khứ và Vị Lai, chủ trì ba ngàn thế giới, xuyên suốt thời gian từ xa xưa cho đến mai sau. Ngay trước hàng tượng nầy, thấp hơn một chút là bộ tượng Di Đà Tam Tôn.
Bộ nầy gồm có: đức Phật A Di Đà ở vị trí giữa, đức Quán Thế Âm Bồ Tát ở bên phải, Đại Thế Chí Bồ Tát ở bên trái. Đức Quán Thế Âm trong bộ tượng biểu hiện cho việc tiếp dẫn chúng sanh vào miền Cực Lạc.
Bộ tượng nầy trong hầu hết các chùa đều được tạc trong tư thế ngồi; nhưng đôi khi, để biểu hiện tánh chất cứu độ, còn được tạc trong tư thế thẳng đứng.
Căn cứ những điều ghi trong Kinh Bi Hoa, thì: Vua Vô Tránh Nhiệm và các người con đã đạt tới cõi Bảo Tạng Như Lai Pháp Vô Thượng Tâm, do đó được lên cõi Tịnh Độ. Vua Vô Tránh Nhiệm được thụ ký là Vô Lượng Thọ Phật tức đức Phật A Di Đà; người con cả của nhà vua được thụ ký là Quán Thế Âm Bồ Tát; còn người con thứ hai thì được thụ ký là Đại Thế Chí Bồ Tát; tất cả những người con khác của vị vua nầy cũng đều được thụ ký cả.
Pho tượng Quán Thế Âm loại nầy thường có ở hầu hết các ngôi chùa Phật Giáo Đại Thừa ở nước ta, là nhân vật được lý tưởng hoá: thân hình nuột nà khuôn mặt phúc hậu, từ bi; đôi mắt luôn luôn khép hờ, nhìn xuống, để soi rõ nội tâm.
Trong bộ tượng nầy, đức Quán Thế Âm Bồ Tát tiêu biểu cho lòng Từ bi, cùng với tượng Đại Thế Chí ở phía đối xứng thì tượng trưng cho Trí tuệ. Xem như thế, Từ bi và Trí tuệ phối hợp với nhau, cũng đã bổ cứu cho nhau, họp thành ngôi Chánh đẳng, Chánh giác là đức Phật A Di Đà ở chính giữa.
Tượng Quán Thế Âm trong bộ tượng nầy được hoạ theo những kinh điển của Ấn Độ, cho nên trở thành nam giới. Cũng như tại Trung Hoa, từ đời nhà Đường trở về trước, thì hình tượng của đức Quán Thế Âm cũng là nam giới.
Nhưng do đức Quán Thế Âm Bồ Tát có thể hiện hình trở thành bất cứ loại hình gì, với giới tính và địa vị khác nhau, cho nên, ở đây, đức Quán Thế Âm cũng như đức Phật, không có sự phân biệt là nam tướng hay là nữ tướng.
Bộ tượng Di Đà Tam Tôn thuộc về loại tượng sớm nhất hiện còn có và đạt giá trị nghệ thuật cao là ở toà Thượng trong chùa Thầy (Thiên Phúc Tự - Hà Tây).



Quán Thế Âm Chuẩn Ðề


Quán Thế Âm Chuẩn Đề là một trong sáu trường hợp ứng thân của Quán Thế Âm, dùng phép Chuẩn Đề để có được hiệu nghiệm cao nhất trong việc cứu vớt chúng sanh.
Thiền Tông Phái rất sùng kính đức Quán Thế Âm Chuẩn Đề, coi là một vị Tôn giả của Phật bộ. Theo những kinh sách Phật Giáo Đại Thừa thì Ngài có hình tướng 3 mắt, 18 tay, là đóa hoa sen chưa nở.
Dưạ theo trên tinh thần nầy, trong nhiều chùa chiền tại Việt Nam, có tượng Quán Thế Âm Chuẩn Đề nhiều tay, ngồi hay đứng trên toà sen, có hình tướng nữ nhân, hình dáng nuột nà. Tòa sen được đặt trực tiếp trên bệ; trong trường hợp mà mặt bệ được làm thành mặt nước và có một quái vật nhô lên đội toà sen, thì đó được gọi là Quán Thế Âm Nam Hải.
Pho tượng Quán Thế Âm Chuẩn Đề được tìm thấy vào năm Nhâm Ngọ, niên hiệu Diên Thành 5, tức là năm 1582, hiện còn tại chùa Phẩm (Hải Hưng). Tượng nầy ở thế ngồi tĩnh tọa, cao khoảng 78cm.
Tượng ngồi trên toà sen, lại được đặt trên bệ, tính ra tất cả chiều cao vào khoảng 130cm. Pho tượng nầy theo khuynh hướng tả chân, với dáng hình giống như một thôn nữ dáng hình thon thả, mặt trái xoan, mũi dọc dừa, mắt đăm chiêu, miệng như dáng đang mỉm cười, tai đeo hoa, đầu đội mũ, nhưng để tóc mai chảy qua tai xuống vai phủ lên trên áo. Ngoài hai tay chính kết ấn Liên Hoa ở trước ngực, còn nhiều tay mọc từ nách và sườn. Trên bệ tượng, ngoài dòng niên đại, còn ghi tên hội chủ là nhà sư Chân Minh cùng 13 người nữa, phần lớn thuộc nữ giới.
Quán Thế Âm Chuẩn Đề ở một số chùa có số tay là: 12, 14, 18, 24, 32, 36, 42... Ở đây Quán Thế Âm Chuẩn Đề đã được Việt hoá, trở thành nữ nhân, là Phật mẫu với dáng đẹp Việt Nam đôn hậu.

Quán Thế Âm Quá Hải
Những tượng Quan Thế Âm Nam Hải là một thể dạng của Quan Thế Âm Chuẩn Đề, thường được nâng thêm một bước, về phương diện nghệ thuật cũng như về kích thước trong nghệ thuật tạo hình.
Nhiều chùa chiền khắp nơi đặt tượng Quán Thế Âm Nam Hải ở giữa Phật điện, tuy nhiên, ở các hàng dưới thấp tượng đối gần nơi Phật tử để lễ cầu nguyện, thì cũng có thể đặt ở giữa gian bên, để Phật tử có thể tiếp cận dễ dàng, như tại chùa Bút Tháp (Ninh Phúc Tự - Hà Bắc); cũng có nhiều chùa lại đặt tượng ở hàng trên cùng, cao nhất, như ở chùa Bối Kê (Đại Bi Tự -Hà Tây).
Nếu tượng Quan Thế Âm Chuẩn Đề là pho tượng chung của Phật Giáo Đại Thừa, thì đến đời Nguyên ở Trung Hoa (1280 - 1368) đã sáng tạo ra nhân vật Phật Bà Quán Thế Âm nguyên là Diệu Thiện tu hành đắc đạo, có hình tường "Thiên thủ, thiên nhãn".
Rồi từ cốt truyện nầy, khi du nhập sang Việt Nam, lại tiến thêm một bước nữa, để xác định rõ Phật Bà Quán Thế Âm tu hành tại chùa Hương Tích như đã trình bày.
Phật Bà thường xuất hiện cứu người trên vùng bể Nam của nước ta, do đó, mang tên là Quán Thế Âm Nam Hải.
Thành thử, nội dung truyện Phật Bà cũng như nhân vật đều được Việt hoá từ nhiều thế kỷ trước đây. Những pho tượng về đức Quán Thế Âm Nam Hải được thờ cúng rất phổ biến trong những ngôi chùa theo Phật Giáo Đại Thừa.
Trong cách tạo dáng, ngoài số tay như Quán Thế Âm Chuẩn Đề, có khi lại còn nâng lên tới hàng trăm tay, thậm chí cả nghìn cánh tay, như ý nghĩa "Thiên thủ, thiên nhãn".
Đức Quán Thế Âm Nam Hải trong điêu khắc và đồ họa bao giờ cũng gắn liền với hình ảnh biển ca; cả phần tượng cao rộng và toà sen được đặt vững chắc trên hình đầu rồng hay trên đầu quỷ không đến 10 cm2.
Phần lớn tại những chùa miền Bắc, tượng Quán Thế Âm Nam Hải có 42 cánh tay lớn mọc trực tiếp từ thân hình ở hai bên sườn. Trong loạt tượng nầy, những tượng xuất hiện sớm nhất là vào đời nhà Mạc (thế kỷ XVI) như tượng Quán Thế Âm Nam Hải ở chùa Hạ (Vĩnh Phú), hiện nay được trưng bày tại Bảo Tàng Viện Hà Nội.
Đây là pho tượng có kích cỡ lớn, ở thế ngồi tĩnh tọa cao tới 180cm, đặt trên toà sen và bệ tượng nâng độ cao lên toàn thể là 327cm. Đến nay toàn thể pho tượng vẫn còn được giữ gìn bảo lưu khá hoàn chỉnh. Tượng Phật Bà ngồi trên toà sen do quỷ đội, vượt qua biển cả.
Các tay tượng từng đôi đăng đối trong nhiều động tác khác nhau: ngoài hai tay chính mọc lên từ vai đưa ra trước ngực kết ấn và hai tay khác để trên lòng đùi trước bụng cũng kết ấn, các đôi tay khác toả ngang vừa, đưa lên hay cầm báu vật, bấm ngón trong tư thế “tam niệm”.
Nghệ thuật tạo hình của những pho tượng nầy là dấu ấn quan trọng trong điêu khắc Phật Giáo Việt Nam qua từng thời kỳ phát triển khác nhau.
Qua nội dung của các họa tiết điêu khắc ở đây, thì toàn cảnh của pho tượng nầy có dáng một phụ nữ nông thôn, đẹp bụ bẫm, khoẻ mạnh, đôn hậu, hiền từ.
Con quỷ đội toà sen có dáng mặt người, hai bên có hai đầu rồng vươn cao như trợ lực. Bệ tượng được chạm khắc và trang trí rất công phu; có các hình chim thần, mặt người đỡ các góc, có cả hình cá hoà rồng, ngựa bay, mây lửa và nhiều đường nét hoa văn đa dạng và kỹ xảo khác nữa.
Từ mặt bệ còn nhô lên hai bông sen, dùng làm chỗ đứng chầu của hai tượng Thiện Tài và Long Nữ. Loại tượng đức Quán Thế Âm Thiên Thủ, Thiên Nhãn, không phải chỉ ý nghĩa tượng trưng vài chục cánh tay, từ 12 đến 42 cánh tay, mà thực sự gần đúng theo số đếm thực.
Qua những công trình khai quật khảo cổ học trong mấy chục năm nay, số tượng theo thể loại nầy không ít, mà trong đó thường tập trung ở những chùa chiền phía Bắc.
Đó là những pho tượng Quán thế Âm tại chùa Đa Tốn (Gia Lâm, Hà Nội) chùa Bút Tháp (Thuận Thành, Hà Bắc) chùa Tam Sơn (Tiên Sơn, Hà bắc), chùa Mễ Sở (Châu Giang, Hải Hưng) mà trong đó tượng Quan Thế Âm tại chùa Tam Sơn đã bị hư hỏng khá nhiều trong cuộc chiến vừa qua.
Theo GS Hà Văn Tấn (trong cuốn Chùa Việt Nam) thì tượng Quán Thế Âm chùa Đa Tốn có 42 tay lớn và 652 tay nhỏ. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Du Chi thì có 42 tay lớn và hàng loạt tay nhỏ tổng cọng là 694 tay.
Theo PGS Chu Quang Trứ thì có 42 tay lớn và 610 tay nhỏ (trong cuốn Mỹ Thuật Lý Trần).


Quán Thế Âm Tọa Sơn
Tượng Quán Thế Âm Tọa Sơn thường đặt ở gian bên của phật điện trong hầu hết chùa chiền, đăng đối với tượng Quán Thế Âm Tống Tử đặt phía bên kia. Đây cũng là một dạng thức của đức Quan Thế Âm đã được Việt hoá kể từ đời Hậu Lê trở về sau, với truyện tích tiền thân của vị Phật nầy tu tập tại chùa Hương Tích.
Tượng nầy bao giờ cũng được đặt ngồi ở trên mỏm núi, dáng tự nhiên, một chân co chống và một chân buông thõng, hai tay để trên hai đầu gối, các vạt áo chảy lan xuống vách núi.
Trên vách núi có khi chạm một số sinh vật như: cá sấu, chim, khỉ, hổ (như pho tượng tại chùa thôn Đại Trà - Hải Phòng), vừa gợi lên cảnh trí thiên nhiên hùng vĩ còn hoang sơ, nhưng đồng thời cũng tạo nên vẻ hoàng tráng với quang cảnh không gian mênh mông chung quanh.
Một số chùa tại miền Trung thì đằng sau pho tượng còn có thêm một bối cảnh tự nhiên tả cảnh trời bể màu xanh tươi.

Quán Thế Âm Tống Tử
Pho tượng nầy được trình bày theo sự tích Quán Âm Thị Kính được truyền bá sâu rộng trong dân gian. Theo những nhà nghiên cứu lịchsử nghệ thuật thì loại tượng nầy xuất hiện ở Việt Nam tương đố muộn, niên đại vào thế kỷ XVIII hay XIX về sau. Hình thức pho tượng nầy có thể xem là việc đổi mới của tượng Quan thế Âm Tọa Sơn, tuy nhiên khi thờ phụng thì hai tượng được thiết trí đăng đối nhau.
Tại chùa Mía (Hà Tây) pho tượng Quan Thế Âm Tống Tử được xem là đẹp nhất về đồ hoạ, màu sắc và thể dáng trong tất cả những pho tượng cùng chung thể tài nầy.
Tượng to vừa phải bằng con người thực, dáng dấp của một thôn nữ hiền thục, phúc hậu, ngồi trên môt mỏm núi, chân trái hơn co còn chân kia duỗi thẳng, rất tự nhiên, hai tay đỡ một đứa bé (con của Thị Mầu). Bên cạnh có môt con vẹt đậu, mà theo một số truyền thuyết (Quán Thế Âm Truyền Kỳ - 1943) thì con vẹt biểu trưng cho Thiện Sỹ.
Những chi tiết chạm khắc trên đã theo như tích truyện, mà trong đó đứa bé thì được hình dung hoá là "chúng sanh trong bể trầm luân".
Nhìn chung lại, những hình tượng đức Quán Thế Âm rất gần gủi với người bình dân Việt Nam, thường biểu hiện cho sự "cứu khổ, cứu nạn", "viễn ly khổ ách".
Những ngôi chùa thuộc Phật Giáo Đại Thừa thường thiết lập tượng nầy trong nhiều kiểu dáng, có khi có đủ 5 kiểu nêu trên. Ngoài những loại tượng Quán Thế Âm kể trên, nhiều chùa còn có bộ tranh Thập Điện Diêm Vương đang xét xử những người từng gây nhiều tội ác trên dương thế; trong đó có cả cảnh đức Quán Thế Âm vào tận ngục thăm hỏi và cứu độ chúng sanh.

Những tượng Quan Thế Âm nổi tiếng
Tượng Quán Thế Âm chùa Đa Tốn (Hà Nội) mặc dù những pho tượng nầy thường để trần, lại có pho với hai dạng tay, như tượng tại chùa Đa Tốn có 42 tay lớn và 652 tay nhỏ kèm theo đó, những bàn tay nhỏ được phân bố thành 5 lớp, phân chia theo từng cặp cân xứng với nhau ở hai bên sườn.
Đây là pho tượng đức Quán Thế Âm Bồ Tát Nam Hải sớm nhất hiện biết được tại nước ta. Các nhà nghiên cứu thường lấy pho tượng nầy làm chuẩn để nghiên cứu và so sánh những tượng cùng thể tài và thể loại.
Những tay với các ngón búp măng dài, bao giờ cũng được làm điều hoà và cân xứng với nhau. Ở những tay lớn, đôi trên thường đỡ mặt trăng hay mặt trời, hoăcđỡ cây tháp, với ý nghĩa "xiển dương Phật Pháp" (Phật Học Từ Điển - Đoàn Trung Còn). Những tay khác cầm những loại nghi vật, nhưng thường được kết ấn.
Những kiểu kết ấn thường thấy là: (a) Liên hoa hợp chưởng ấn (Ấn hình hoa sen chấp trước ngực). (b) Tam muôi ấn (Hai bàn tay chồng nhau,tay ngửa ra, đặt trên đùi). (c) Gia trì bổn tôn ấn (Cong hai ngón taynhẫn và giữa, ngón cái thì giữ lấy). (d) Ấn Vô Uý. (e) Ấn Cam Lồ. (f) Ấn thuyết pháp.(g) Ấn Cứu độ chúng sanh trong ba cõi. Trong những loại ấn nầy, về phương nầy hay phương diện khác đều nói lên "khả năng và uy lực" của đức Quán Thế Âm Bồ Tát, trong việc cứu độ chúng sanh.

Tượng Quán Thế Âm chùa Kiêu Kỵ
Gia Lâm có đến năm khuôn mặt, nhưng nhìn chung thì bất cứ khuôn mặt nào cũng đã toát ra đầy đủ tánh dịu hiền, đầy vẻ suy tư về những cảnh thăng trầm của cuộc thế.
Về nghệ thuật tạo hình: Các loại tay lớn của tượng ít nhiều có những đường nét mềm mại, uyển chuyển, tưởng chừng như trong "tư thế múa" (theo L. Bezacier - 1933). Đồng thời, theo từng thứ lớp đều đặn, những cánh tay cứ mở rộng ra dần dần, theo kiểu "cánh hoa nở" (Luvicarana).
Phẩm phục : Áo của đức Quan Thế Âm trong những hình tượng điêu khắc ở những ngôi chùa cổ thường không bao kín như những pho tượng Tam Thế, nhiều nơi áo không tay, có nhiều nếp chồng xếp nhau đều đặn. Nổi bật nhất là nhiều nơi đầu vạc áo được chạm bong kênh, buông lửng xuống, thành một mũi nhọn vừa phải, để tạo nên kiểu dáng riêng của loại tượng nầy. (Theo Trần Lâm Biền).
Đài sen : Ở những đài sen đỡ phía dưới, thường là bộ phận được cấu tác tách rời khỏi tượng; kích thước cân xứng với độ nở của phần dưới cơ thể. Đài sen thường phân chia ra nhiều lớp cánh, cách đều nhau, tuy nhiên, các cánh sen nho hẳn ra trong thế cuốn tròn, không mang tính chất chạm nổi như đài sen của các thời đại khác.
Phía dưới của đài sen có hình một đầu quỷ hay đầu rồng. Những dạng hình quỷ thường mô phỏng theo mặt người, nhưng lại có những nét rất hung tợn. Hình con quỷ chỉ có đầu và hai tay, được nhô lên từ mặt biển đầy sóng gió cuộn lên.
Theo phân tách, thì dù là dưới dạng rồng hay dạng quỷ, thì linh vật nầy vẫn mang tính cách là Diêm Vương, với tên là "Ô Ba Nan Đà Long Vương" hay còn gọi tên là "Nan Đà Long Vương". Quỷ nâng cao toà sen lên tức là quay trở về với Chánh Pháp.
Phía dưới hình quỷ là một chiếc bệ cao, có ba tầng, hai tầng 1 và 3 thì xoè ra, nhưng tầng 2 thì bé nhỏ lại. Cách chạm khắc và biểu tượng cho chiếc bệ nầy cũng giống như bệ Tam Thế. Trên bệ có trang trí những hình khắc nổi các hình hoa cúc, hình hổ phù trên nền vẽ theo ngọn lá sen. Ngoài ra còn có hình long, lân... rất phổ biến trong những phù điêu thời Hậu Lê. Nhìn chung lại, tượng Quán Thế Âm Nam Hải cũng như nhiều pho tượng Quan Thế Âm khác của thế kỷ thứ XVI, đã thể hiện rõ nét nghệ thuật chạm khắc đời nhà Hậu Lê và Mạc, lại mang nhiều đường nét dân dã.

Tượng Quán Thế Âm chùa Bút Tháp
Pho tượng Quán Thế Âm tại chùa Bút Tháp thì những khuôn mặt đều mang một phong cách đặc biệt: những đường nét từ bi, nhân đức, có tính chất sang quý hơn tượng của chùa Đa Tốn. Những mặt trên không có Thiên quan, mà lại để tóc trần, cuốn búi cao lên trên đỉnh đầu.
Tượng có 42 tay lớn trong đó có hai đôi tay chính; đôi thứ nhất chắp trước ngực, mang hình thức búp sen, trong thể ấn "Liên Hoa", để biểu hiện cho Lý Tính và Trí Tuệ của con người cùng một thể trong cội nguồn. Còn đôi tay thứ hai đặt trên lòng đùi theo ấn "Samâdhi" (tức là Thiền định).
38 tay khác đặt trong tư thế cao thấp không đồng đều nhau, được chắp vào vào ở hai cạnh sườn phía đằng sau. Những bàn tay kể trên đều trong thế ấn quyết, không cầm nghi vật.
Theo những tài liệu còn giữ thì tượng nầy được tạc nên vào năm Bính Thân (1656), của những tay thợ lành nghề nhất của làng Phương Xá. (Tài liệu của GS Hà Văn Tấn).
Tác phẩm mỹ thuật nầy được cấu tạo gọn gàng, bố cục rất chặt chẻ từ trên xuống dưới; chiều cao khoảng 3,7 mét, chỗ phình rộng nhất là 2,1 mét và bề dày vào khoảng 1,15 mét. Nhìn tổng quan thì pho tượng được phân chia ra làm hay phần rõ rệt và kết dính nhau bằng nòng sắt từ bên trong. Pho tượng nầy có 42 tay lớn và 789 cánh tay nhỏ, tổng cọng là 831cánh tay ở đằng sau.
Quán Thế Âm Nam Hải theo truyền thuyết thì có 11 đầu, ở ngôi chùa nầy, ngoài khuôn mặt chính ra, còn có hai mặt nữa ở hai bên má và 10 đầu xếp thành 3 tầng ở trên mũ; trên đỉnh còn nâng một pho tuợng đức A Di Đà nhỏ nữa, biểu hiện cho sự gắn bó giữa hai nhânvật nầy, theo kinh Phật. (đức Phật A Di Đà biểu hiện cho Từ Bi và Trí Tuệ).
21 cặp tay lớn, ngoài cặp tay chắp trước ngực và để trong lòng trước bụng, những tay khác đều được dang ta đăng đối nhau,với những ngón tay trong các tư thế khác hẳn nhau, thấp thoáng như tất cả đang trong sự chuyển động miên tục, 789 cánh tay được xếp thành vòng tròn hào quang, lấy điểm sau gáy pho tượng làm tâm điểm, các cánh tay theo chiều hướng đó cứ mọc ra thẳng tắp theo hình vòng tròn đồng tâm lan rộng ra dần. Trong lòng mỗi bàn tay nhỏ lại được khắc một con mắt nữa, để biểu đạt ý nghĩa về "Thiên thủ, thiên nhãn".
Tuy trông khác thường nhưng không vì thế mà giảm phần uy nghi. Trên đầu đội mũ theo hình hoa sen nở, lại còn có thêm 8 đầu nhỏ nữa, xếp thành ba tầng cao vút lên như ngọn tháp. Trên đỉnh nhọn của tháp người ấy lại còn thêm một pho tượng nhỏ nữa, ngồi trong tư thế tĩnh tọa.
Tất cả gần nghìn tay, nghìn mắt như đã nói được xếp thành một vòng hào quang, mà trên đỉnh lại còn gắn thêm một đôi chim đầu người, trông như đang dang cánh rộng để bay xà xuống dưới. Bệ tượng có nhiều tầng, phía trên là đầu rồng đội toà sen, phía dưới là một đế hình vuông, chung quanh đều có những nét chạm trỗ tinh vi hình hoa sen tám cánh; ngoài ra còn rồng, phụng, sư tử,cờ quạt, cuốn thư.
Về phía bốn góc của bệ, lại còn có hình của võ sĩ nhỏ, cao khoảng 0,30 mét, như để nâng bệ tượng lên cao hơn. Phía mặt tròn của bệ tượng phác họa hình của đại dương, mà trong đó có hình những loài thủy tộc như tôm cá, ngạc ngư, ốc rùa... Mọi sinh vật trong dáng đang bơi lội tung tăng với những đợt sóng đang cuồn cuộn đẩy về phía trước. Tuy đã mất những góc cạnh sắc bén nhưng không vì thế mà giảm mất giá trị cảnh trí.
Từ giữa biển cả, một con rồng lớn đang nhô đầu lên cao, đội toà sen đưa đức Quán Thế Âm vượt trùng dương. Gần đây có nhiều đợt trùng tu, bổ khuyết, nhưng không theo được những đường nét cũ, nên đã trở nên lạc lỏng, chắp vá, thiếu mỹ thuật.
Pho tượng nầy cùng với những pho tượng khác trong chùa Mía là những tác phẩm điêu khắc độc đáo, được chính quyền xếp vào loại "điêu khắc ưu hạng" cổ truyền Việt Nam.
Maspéro viết: Tượng đức Quán Thế Âm Bồ Tát có 6 kiểu: tượng Quán thế Âm Chuẩn Đề có 3 mắt và 18 tay cầm pháp bảp; tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn tạc theo điển bà Diệu Thiện nghìn tay, nghìn mắt; tượng Quán Thế Âm toạ sơn ngồi trên núi đá; tượng Quan Thế Âm đội mũ ni hoặc đứng, hoặc ngồi trên toà sen cầm lọ nước cam lộ và cành dương liễu; tượng Phật Bà Quan Âm ngồi toà sen có đầu yêu quái đội trên toà sen tạc theo điển Quan Âm bắt giống yêu quái hay hiện ra làm người lái đò, quấy nhiễu hành khách qua sông; tượng Quan Âm Tống Tử tạc theo điển bà Thị Kính bị Thị Mầu đổ oan tình, nuôi trẻ thơ (con vẹt là hậu thân của Thiện Sĩ).

Tượng Quan Thế Âm chùa Hội Hạ
Pho tượng Quán Thế Âm được nói đến nhiều là tượng ở chùa Hội Hạ (huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Yên) là tượng Quán Thế Âm Nam Hải, nhưng cũng được gọi là Quán Thế Âm Chuẩn Đề, vì hai tay chính thuộc về thân thể đang kết ấn Chuẩn Đề ở trước ngực; Ngài dùng phép Chuẩn Đề hiệu nghiệm nhất để cứu độ chúng sanh; ngoài đôi tay trên, còn hai mươi đôi tay nữa, đưa tổng số lên đến 42 tay, nên cũng được sắp vào loại tượng Quán Thế Âm Thiên Thủ, Thiên Nhãn.
Quán Thế Âm chùa Hội Hạ đang ngồi toạ thiền trên toà sen, có 42 tay xếp từng đôi một, đăng đối nhau, trong những loại động tác khác nhau: 2 tay chấp trước ngực, hai tay để trong lòng trước bụng và 38 tay chia ra từng cặp toả ra hai bên; nhiều đôi tay cầm những vật báu (pháp khí) nhà Phật như: mặt trăng, mặt trời, bảo tháp, tràng hạt, bánh xe, hòm kinh sách, chuông đồng, gương đồng, sừng tê, giải lụa, bình nước cam lồ và cành dương liễu...
Cũng có đôi tay không cầm gì mà đang kết ấn. Các đôi tay nầy được xếp hai bên sườn từ vai xuống hông, mà không hề dị dạng; tuy nhiều nhưng đối xứng với nhau từng cặp một, với những thế khác nhau, thuộc những thời điểm khác nhau.
Đầu tượng đội mũ Thiên quan vành cao, thành đứng, trang trí những dây hoa cúc, có những nếp cánh sen và mây xoắn; đặc biệt là phía trước mũ là hình chạm nổi đức Phật ngồi, trong vòng những hào quang chiếu sáng.
Mặt tượng bầu bĩnh, dáng phúc hậu, với đôi tai dài đeo hoa, trán nở, lông mày cong che đôi mắt đăm chiêu, mũi dày, miệng chúm, cầm thoa. Cổ ngắn nhưng vẫn có ngấn. Mình tượng mập mạp, khoác áo cà sa rủ những nếp chảy xuôi trong những mảng vuông vức hai bên ngực, đối lập với mảng cánh tay toả ngang ra, đã tạo nên tính chất đàng bệ và bề thế. Hai đùi tượng bè ra, khuỳnh ngang áp sát bệ, trong tư thế ngồi khiến cho pho tượng tuy kềnh càng nhưng rất chắc chắn. Hình dáng của đức Quán Thế Âm tại đây được xây dựng từ những hình ảnh bình dân, đầy nhân tính, dáng mộc mạc, đôn hậu, hiền từ.
Bệ tượng gồm có hai phần, được đóng kín trong khối bán cầu ở phần trên và khối lục lăng ở phần dưới. Hai phần được gắn với nhau bằng con quái vật đầu người nhô lên ở giữa; hai cánh tay ở hai bên, thêm hai đầu rồng ở phía trước để tăng chân đế chuyển lực xuống phía dưới. Phần khối bán cầu là một toà sen có ba lớp và lớp nhụy hoa viền ở phía trên, cánh sen nở rộng ra, lại được trang trí thêm bằng những loại hình xoắn ở bên trong.
Khối lục lăng ở dưới có mặt trên là biểu hiện của Nam Hải, sóng cuồn cuộn; mặt trên thót giữalại thành 3 nấc: nấc trên: chạm hình rồng lưng võng yên ngựa và rồng triện hoa dây; nấc giữa: thụt vào trong, có tượng chim thần gắn ốp lưng vào các góc; nấc dưới cùng: có những hình ô hộc, chạm hoa lá, rồng mây, cá hoá rồng ngựa có cánh. Trên mặt bể có nhô lên hai đài sen nhỏ, làm chỗ đứng cho hai tượng Thiện Tài và Long Nữ chầu hai bên Phật Bà.

Tượng Quán Thế Âm chùa Một Cột
Chùa Một Cột còn có tên là chùa Diên Hựu xây ngay ở trung tâm của kinh thành Thăng Long. Ngôi chùa được dựng lên trong giai đoạn đầu tiên bắt nguồn từ một giấc mơ.
Trong lịch sử nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, đồ họa Phật Giáo Việt Nam, chùa Một Cột (Diên Hựu) tại thành phố Hà Nội được nổi bật lên như một tác phẩm độc đáo trên những ý nghĩa thờ cúng và cấu trúc, đồng thời cũng đã gây những cuộc tranh luận không ít. Điều đáng nói trước tiên là hình tượng bông sen mọc lên giữa một hồ nước hình vuông, trong xanh, khá nghệ thuật, mà các nhà nghiên cứu suy nghĩ theo chiều hướng riêng.
Giáo sư Nguyễn đăng Thục trong Lịch Sử tư tưởng Việt Nam (tập I) cho rằng: Chùa một Cột với hình tượng Linga - Yoni (Dương Vật và ÂmVật) của Ấn Độ Giáo của người Chăm Pa.
Ông viết: "Chùa Một Cột là một công trình hợp sáng rất thần tình, vì nó đã hoá trang linh phù Linga - Yoni của Chiêm Thành (Chăm Pa) hình tượng một bông sen xuất hiện ở giữa đầm nước trên cái cuộn bằng đá đồ sộ, đội một điện nhỏ mái ngói, nhắc nhở dân chúng cái hình ảnh cái nhà sàn cao cẳng của văn minh Đông Sơn..”. Nhận định nầy gây ra những ý kiến tham luận chống đối.
Trong Việt Nam Phật Giáo Sử Luận (I), Nguyễn Lang cho rằng: Ý kiến nầy không có cơ sở. Theo Nguyễn Lang, "Phật Giáo chưa bao giờ từng bị ảnh hưởng lạ kỳ như vậy, trong văn học cũng như trong nghệ thuật". Không những về hình tượng, mà ngay cả kiến trúc gỗ của ngôi chùanhỏ trên cột của chùa Một Cột, cũng đã gây sự chú ý cho các nhànghiên cứu theo những tầm nhìm khác nhau.
Theo giáo sư Nguyễn Đăng Thục khi đi tìm nguồn gốc của Chùa Một Cột thì thấy dạng thức những ngôi nhà sàn được trình bày trên đồ đồng Đông Sơn. Theo PTS Chu Quang Trứ thì: Chùa Một Cột mang hình bông sen nhô lên giữa hồ nước là một sáng tạo về nghệ thuật kiến trúc trên cơ sở phát huy kiểu nhà máy tròn khắc ở mặt trống đồng Ngọc Lũ và Hoàng Hạ. Theo nhà dân tộc học Nguyễn Khắc Tụng lại cho rằng: Chùa Một Cột có nguồn gốc từ miếu Thổ Thần, miếu Cây Hương... Tuy nhiên, dù cho đi tìm về nguồn gốc từ hướng nghiên cứu nào đi chăng nữa, nhưng không một nhà nghiên cứu nào phủ nhận hình tượng bông sen của chùa Một Cột. Về phương diện nầy thì phải có tầm nhìn sâu xa hơn mới thấy được giá trị tư tưởng sáng tạo của hình tượng nầy. Theo nhà nghiên cứu Ngô Văn Doanh thì: nếu đọc những dòng sử liệu xưa, sẽ thấy chùa Một Cột là cả một kiến trúc lớn, mà bông sen chỉ là một bộ phận cấu thành.. Vào đời nhà Lý trong nghệ thuật kiến trúc thì chức năng của chuà Một Cột cũng có những điểm khác biệt, nếu so với chức năng chỉ có một đài thờ đức Quan Thế Âm Bồ Tát của những chuà chiền hiện nay.
Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có ghi về trường hợp kiến tạo ngôi chùa nầy như sau:
Mùa đông, tháng 10 năm Thiên Cảm Thánh Vũ thứ 6 (1049), đã dựng chùa Diên Hựu. Trước đây, vua chiêm bao thấy Phật Quan Âm ngồi trên toà sen, dắt vua lên tòa. Khi tỉnh dậy, vua đem việc ấy nói với bầy tôi, có người cho là điềm không lành. Có nhà sư Thiền Tuệ khuyên vua làm chùa, dựng cột đá ở giữa hồ, làm toà sen của Phật Quan Âm trên cột như đã thấy trong giấc mộng. Cho các nhà sư đi lượn vòng chung quanh, tụng kinh cầu cho nhà vua sống lâu. Vì thế, gọi là chùa Diên Hựu...
Trên văn bia chùa Một Cột (Nhất Trụ Tự Bi) khắc ngày 15 tháng 6 năm Cảnh Trị thứ 3 (1665) cho chúng ta biết chi tiết hơn về ngôi chùa dựng năm 1049 như sau: "Nước Việt ta xưa, trong thành Long Biên có một cái hồ hình vuông. Năm đầu niên hiệu Hàm Thông đời nhà Đường, dựng một cột đá ở giữa Hồ. Trên cột xây một toà lầu ngọc, trong đó đặt tượng Quan Âm để thờ cúng... Khí đất nhìn chung thì rất anh linh, cầu gì được nấy. Đến khi triều nhà Lý xây dựng kinh đô ở đây, cũng noi theo dấu cũ, ngày càng sùng kính, cho nên càng thêm linh thiêng. Khi vua Lê Thánh Tông chưa có Hoàng tử, cũng thường đến nơi đây để cầu nguyện. Một đêm, nằm mộng thấy được Phật Quan Thế Âm mời lên trên lầu, ôm một đứa bé đặt vào lòng. Tháng đó, Hoàng Hậu có mang Hoàng tử. Vua bèn sửa thêm ngôi chùa Diên Hựu ở bên phải chùa Một Cột để mở rộng việc thờ cúng, làm sáng tỏ việc tôn sùng.... Trải qua ba bốn triều đại, đều nối tiếp nhau dựa trên cơ sở cũ sửa sang thêm và đều được hưởng phúc như cát sông Hằng... (Văn bia Hà Nội - 1978 - trang 59).
Trên đây là những phong cách điêu khắc đức Quán Thế Âm Bồ Tát theo chiều dài lịch sử Phật Giáo Việt Nam. Cũng từ tư duy mỹ thuật từng thời đại, đã thể hiện rõ nét hướng đi của nền mỹ thuật nói chung.

Các tác phẩm khác của Kiêm Đạt

Tín ngưỡng - QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT TẠI VIỆT NAM