Tiếng dương cầm trong đêm
Tác giả: La Thị Ánh Hường
Q uân đã ngồi suốt ba giờ đồng hồ,vẫn ở tư thế ấy, tay chống cằm, một bên tai hơi vểnh lên, như thế để nghe cho rõ. Cứ mỗi đợt có cơn gió lạnh đi qua, tán lá hai bên đường chạm vào nhau nghe xào xạc, mặt anh hơi nhăn lại, anh sợ một nốt nhạc nào đó sẽ theo gió bay đi. Mà như thế để làm gì anh cũng không biết. Gần như trọn vẹn số ngày của hơn hai tháng trời, anh đều có mặt ở đây. Đến nỗi từng cung bậc thăng trầm, cao thấp của khúc nhạc anh thuộc làu làu. Vẫn bấy nhiêu bài hát quen thuộc của cố nhạc sĩ họ Trịnh, được lập đi lập lại mỗi ngày, hỏi sao anh lại không thuộc. Vậy mà vẫn thấy thú vị. Như một thói quen đầy đam mê, khiến tối nào anh cũng phải đến đây. Tiếng dương cầm như có một sức hút mãnh liệt với anh.
Chị Thuỳ nhận được lá thư của Quân vào một buổi sáng, nét chữ lạ khiến chị không khỏi ngạc nhiên. Khi hiểu ra nội dung lá thư của người viết, chị khẽ mỉm cười. Từ ngày chồng chị dắt bé Na đi, chị chẳng biết làm gì vào những buổi tối quá thừa thãi. Hơn nữa thời con gái, chiếc đàn dương cầm này từng là nỗi đam mê của chị. Giờ đây, giữa lúc chị cô đơn nhất, những âm thanh ngân nga vang lên như một lời an ủi, vỗ về chị. Chị xem đó như người bạn thân thiết nhất của mình.
Nhà nằm trong con hẻm cụt, hàng xóm của chị đa phần là những cán bộ lớn tuổi đã về hưu, bởi thế mỗi khi đàn, mặc dù ở tận trên tầng hai, chị vẫn phải đóng chặt cửa để khỏi làm phiền xung quanh. Chị không ngờ tiếng đàn của mình lại khiến Quân mê mẩn ngay từ lần đầu nghe. Nhìn những dòng chữ tha thiết mong được gặp mặt của cậu thanh niên mà theo chị đoán, có lẽ còn trẻ tuổi. Chị thấy phân vân, mình đâu phải là nghệ sĩ nổi tiếng, với lại nghĩ về hoàn cảnh mình lúc này, chị gạt bỏ ngay ý định cho cậu thanh niên gặp mặt.
Có tiếng chuông điện thoại. Chị ngưng đàn. Lần nào cũng thế, chị đứng rất lâu rồi mới đủ can đảm bốc máy. Chị mong chờ anh gọi nhưng lại lo sợ, biết đâu đó là lần gọi cuối cùng của chồng chị, báo cho chị biết sẽ nhận được tờ đơn với chữ ký ngay ngắn bên dưới, chị không muốn cuộc hôn nhân của mình lại kết thúc như thế này, chị yêu anh, cần có bé Na biết bao.
Bên kia đầu dây, giọng bé Na như sắp khóc:
“Mẹ ơi, con nhớ mẹ lắm!”.
Chị cố gắng để đừng cho con bé biết mình đang khóc, giọng ôn tồn:
“Con gái cưng của mẹ, con cứ ở đó ngoan ngoãn với ba. Khi nào được nghỉ làm, mẹ lên chơi với con. Bây giờ khuya rồi con đi ngủ kẻo lại bị ba mắng đó biết không?”.
Bé Na mếu máo:
“Ba đi ra ngoài rồi, ba không thương bé Na nữa”.
“Sao con lại nói vậy?”.
“Con biết mà, suốt ngày ba chỉ ở bên cạnh dì Vân, ba thương dì Vân hơn thương con … hu…hu”.
Chị cúp máy, từng tiếng dương cầm ngân lên nghe như lạc lõng, rời rạc. Lặng lẽ rời khỏi phím đàn, chị bước đi như một kẻ mộng du. Màn đêm bao trùm trên con hẻm vắng, mùi hương ngọc lan quyện cùng gió vờn trên tóc chị. Nhét hai tay vào túi áo khoác, chị ước mình có thể khóc, nước mắt sẽ trôi đi những đau thương chăng?
Dưới băng ghế đá trước cổng nhà, có bóng một người lạ ngồi với dáng vẻ đầy suy tư. Thấy chị, người đàn ông đứng lên:
- Xin lỗi, chị có phải là …
Mắt chị mở hơi to, mỗi khi ngạc nhiên với một chuyện gì, chị thường có biểu hiện như thế. Trước mắt chị là một thanh niên còn rất trẻ, đoán chừng phải thua chị đến năm hay sáu tuổi. Thân hình vạm vỡ, tóc hơi rũ xuống trán, anh mặc cái áo thun tối màu tay dài và cặp mắt thì sáng bừng lên trong đêm.
Thấy thái độ quan sát như đề phòng của chị, anh càng bối rối. Hai bàn tay đan xen lại, anh lúng túng vẻ như có điều khó diễn đạt. Chị ngờ ngợ ra khi chợt nghĩ về lá thư của người khách lạ hôm trước. Chị khẽ “à” lên trong bụng, cặp mắt to khẽ chớp, giọng chị nhỏ nhưng rõ:
- Anh là Quân có phải không?
Trong bóng đêm, chị vẫn nhận ra ánh mắt anh ta sáng lên một cách vui mừng.
Chị có mời Quân vào nhà nhưng anh từ chối, bảo đã khuya rồi. Chỉ qua vài câu thăm hỏi, chị có cảm giác anh ta là người đáng tin cậy, có lẽ do vẻ mặt hiền từ cộng với cách ăn nói thật thà, chị bỏ hẳn cái khoảng cách của những người xa lạ. Khi Quân hỏi sao tiếng đàn của chị hôm nay nghe lạ. Chị thấy cảm động, giống như Quân đã là người thân của chị từ lâu lắm rồi, chỉ có người thân mới hiểu được tâm trạng nhau một cách sâu sắc như thế.
Với tâm tư nặng trĩu, chị kể hết cho Quân nghe. Từ chuyện chị đã có thời gian sống hạnh phúc như thế nào với người chồng mà mình một mực thương yêu. Cho đến đoạn tai nạn dáng xuống cuộc đời chị. Lần ấy, trong đợt đi khám cho bệnh nhân bị nhiễm HIV. Do sơ ý trong lúc băng bó, chị đã làm xước một lớp da mỏng, có dính máu của một bệnh nhân. Chị về nhà lo sợ kể đầu đuôi cho chồng. Cứ nghĩ anh ấy sẽ an ủi cô vượt qua, không ngờ nghe xong anh về phòng sắp xếp đồ đạc dẫn theo bé Na đi. Vẫn với giọng nhẹ nhàng, anh nói: “Anh không muốn lây sang con, nên em cứ tạm thời sống một mình. Chờ có kết quả chính xác rồi tính”. Chị ngỡ ngàng đến đau đớn, không ngờ anh lại đới sử với chị lạnh lùng như vậy. Hơn một tháng sau, người bệnh nhân mà chị khám cho hôm trước xuất hiện trước nhàchị. Anh vui mừng báo tin anh không hề bị nhiễm HIV mà chỉ là một sự lầm lẫn. Chị vui mừng như vừa chết đi sống lại, vôị gọi điện cho anh. Anh bảo phải có xác minh bằng giấy tờ mới tin cậy được. Vậy là cạn tình cạn nghĩa thật rồi, ở đâu lại có kiểu vợ chồng không nâng đỡ, ủi an mà còn nghi kỵ nhau như thế. Chị thấy nỗi rạn nứt giữa hai vợ chồng chị ngày một hiện rõ, mặc dù trứớc đây cô bạn đồng nghiệp đã từng mách bảo chị, anh ấy có cô người yêu cuối tuần thường chở nhau đi chơi, chị vẫn không tin. Cho đến bây giờ … Hoá ra anh đã muốn bỏ chị mà đi từ lâu rồi. Lí do kia chẳng qua chỉ là cái cớ.
- Thế chị tính thế nào?
- Tôi đợi có kết quả xét nghiệm, khi đó tôi mới có lý do để nuôi bé Na.
Hít thở một hơi căng đầy lồng ngực, giờ chị đã thấy dễ chịu hơn:
- Khi đó tôi không còn đàn giữa đêmkhuya nữa đâu, anh không phải ngồi giữa trời sương lạnh lẽo như thế này.
Quân không nói gì, vẻ mặt anh vừa đăm chiêu vừa buồn.
Đã quá nửa đêm, sương rơi ướt đẫm cả khu vườn. Quân chào chị đi về, chị cũng đứng lên, đợi cho anh đi vài bước, chị hỏi khẽ:
- Chắc anh thất vọng về tôi lắm, không như những gì anh tưởng tượng trong lúc nghe tôi đàn đúng không? Cho tôi xin lỗi nhé!
Quân không trả lời, anh đứng nhìn một lát rồi cúi đầu quay lưng đi. Được vài bước anh lại muốn quay lại để nhìn người phụ nữ ấy thêm một lần nữa. Anh biết rằng sau đêm nay, mình khó mà quên được đôi mắt của người phụ nữ ấy!
Na đứng trước tấm gương lớn, lần đầu tiên nhìn mình trong gương, cô bé vừa thấy thích thú vừa lạ lẫm. Chị ngắm nhìn cô con gái yêu từ phía sau, tấm tắc khen:
- Con gái mẹ đẹp lắm!
Na ngượng ngùng đỏ mặt vội lảng qua chuyện khác:
- Mẹ ơi thầy giáo khen con có khiếu chơi đàn. Thầy còn nói sau khi thi tốt nghiệp, thầy sẽ dắt con đi thi đàn ở tận Hà Nội. Mẹ cho con đi mẹ nhé!
- Con cứ chuẩn bị tốt cho kỳ thi, đến khi đó hãy tính!
Na ngoan ngoãn dạ rồi ngồi vào bàn học. Chị nhìn con rồi nhìn lên những tấm giấy khen gián sát nhau trên tường với vẻ hài lòng. Mới đó mà đã 6 năm. Ngày rước con từ tay anh, chị cũng chỉ mong mình sẽ nuôi con nên người, có một tương lai sáng ngời, khi ấy chị cũng không tránh khỏi nỗi hoang mang. Nhờ ơn trời, bé Na con chị càng lớn càng ngoan ngoãn lễ phép. Không có biểu hiện như những đứa trẻ thiếu cha khác. Chị thấy an lòng.
Một buổi sáng có tiếng chuông cửa. Bé Na chạy ra, nhìn thấy người khách nó reo lên mừng rỡ:
- A thầy, sao thầy biết nhà em? Thầy vào đi hôm nay mẹ em có nhà đấy!
Bé Na vui vẻ nắm tay thầy kéo vào nhà.
- Mẹ ơi, có thầy giáo dạy nhạc của con đến chơi.
Chị búi vội mấy sợi tóc loà xoà lại cho gọn. Vừa thấy thầy giáo chị ngỡ ngàng thốt lên:
- Ôi, là anh à!
Quân nhìn chị không chớp mắt. Chị không khác trước bao nhiêu, cả ánh mắt, sống mũi cao và đôi mắt buồn. Anh chưa quên bất cứ điều gì ở chị. Kể cả khi vượt qua bên kia đaị dương để trốn chạy tình cảm của mình. Cuối cùng trái tim cũng mách bảo anh quay về.
Vẫn với nụ cười hiền từ, Quân gật đầu:
- Tôi vừa tốt nghiệp từ nước ngoài về, may mắn được nhà trường mời về dạy ngay. Bé Na giống chị quá!
Quân đã chững chạc hơn nhiều so với 6 năm trước chị đã từng gặp. Họ ngồi rất lâu trong khu vườn rợp mát. Như những người thân lâu ngày gặp nhau. Quân bảo sang bên ấy rất nhớ tiếng dương cầm của chị. Chị ngồi lặng yên, không nói chuyện nhưng thấy lòng bình yên lạ. Quân bảo chị có thể tựa đầu vào vai anh một lát được không. Chị hơi ngả đầu lên vai Quân. Hình như đã từ lâu chị cần một chỗ dựa như thế này, chị đã quá mệt mỏi rồi.
Về phần anh, chung sống với Vân được một thời gian, anh cảm thấy chán ngán với tính cách đanh đá, cộc cằn của cô. Khác hẳn với người con gái ngọt ngào, nũng nịu một cách đáng yêu đến nỗi anh bỏ luôn cả vợ con đi theo cô như ngày nào. Lại gặp khó khăn trong tài chính, những cuộc cãi cọ liên tiếp diễn ra. Anh mới thấm thía hết tội lỗi của mình với vợ con. Nhưng anh không còn mặt mũi nào để quay về xin chị tha thứ. Anh đã đi qua ngôi nhà cũ rất nhiều lần vẫn không đủ can đảm dừng lại.
Một buổi tối, bước chân anh khựng lại khi nghe những bản nhạc quen thộc mà thời yêu nhau chị hay đàn cho anh nghe. Anh nép sát vào bụi hoa quỳnh trước cửa, mắt dõi lên ô cửa sổ quen thuộc. Hoà lẫn tiếng đàn, anh nghe rõ tiếng con trong trẻo:
- Mẹ ơi con đàn có hay không? Là ba Quân dạy cho con đó!
Chị đang làm bữa trong nhà bếp, mùi thức ăn bốc lên thơmlừng
- Con gái mẹ đàn hay lắm!
Đứng bên cạnh chị là người đàn ông cao to với khuân mặt sáng ngời hạnh phúc.
Anh bước đi. Đi đâu thì anh chưa biết nhưng nhất định anh phải đi đến một nơi thật xa.