Trung Trung Đỉnh
Tác giả: Lạc Rừng
Cái chết của thằng Kon-Lơ thực sự là một nỗi kinh hoàng làm chấn động tâm hồn tôi, kể cả anh Yơng, anh Miết và Bin. Hình như họ đã trở thành những con người khác. Mấy ghè rượu uống dở bị bỏ quên.
Những cuộc hội ý liên miên của họ không gây cho tôi khó chịu nữa. Tôi không thể nói là tôi buồn thương đến mức phát khóc sau cái chết quá đột ngột của hắn. Nhưng thực lòng tôi không thể nguôi ngoai. Nói đúng hơn, tôi bị ám ảnh. Rõ ràng là hắn đã nhen nhóm được chút tình cảm khó khăn từ đáy lòng tôi, chỉ sau khi hắn chết, tôi mới cảm nhận được.
Tôi không ân hận về những gì tôi đã nghĩ và đã cư xử với hắn. Mấy cô gái giã gạo có lẽ vì sợ đã khoác gùi vào rừng. Bốn anh em chúng tôi, mỗi đầu hai người, khiêng hắn tới bờ con suối mà tôi không nhớ tên ấy, thay nhau đào hố chôn hắn. Đôi giày của hắn vẫn còn khá tốt. Cái võng ka-ki của hắn cũng còn khá tốt. Và đặc biệt là chiếc mũ giải phóng, có lẽ của anh Ru, hắn đội, cũng còn khá tốt… Sau cái ngày chôn cất thằng Kon-Lơ ấy, chúng tôi nhận gạo, nhưng vẫn phải ăn sắn khô thay cơm để hành quân ra phía trước. Tôi thấy anh Yơng buồn rũ rượi, chẳng nói câu nào suốt cuộc hành trình. Anh dẫn chúng tôi đi cứ hun hút, như thể để tới một cõi nào vô định. Tôi bắt đầu cảm thấy sức lực mình cạn kiệt, chân cố bước theo họ mà đầu chẳng nghĩ được điều gì cho mạch lạc. Sau mỗi bữa ăn khó nhọc, anh Yơng đều bảo Bin đưa cho tôi hai viên thuốc ký-ninh. Tôi nhai những viên thuốc hiếm hoi ấy thật lâu, mặc dù đắng rợn tóc gáy. Nhưng đắng còn hơn chết. Tôi tin rằng, nếu nhai kỹ sẽ giúp cho cái dạ dày toàn sắn của tôi hấp thụ thuốc dễ dàng hơn, may ra tôi thoát được căn bệnh hiểm nghèo. Cái căn bệnh mà chỉ có số phận mới nói chuyện được với nó. Tôi không thoát khỏi nỗi ám ảnh về cái chết quá đơn giản của thằng Kon-Lơ. Lúc nào tôi cũng thấy hắn ngáp ngáp cái miệng rộng, phủ đầy ria hung vàng, nhoe nhoét những nước bọt. Và đôi mắt xanh lè lén nhìn tôi, khi tôi bắt gặp cái nhìn trộm ấy thì hắn thực sự lúng túng. Tôi đã làm lơ cho hắn và dường như hắn cũng có những ý nghĩ nào đó về cử chỉ của tôi…
Tôi chỉ mong nhanh đến phía trước. Mong cho tới cái nơi mà tôi chỉ dám hình dung là, lại tiếp tục quẩn quanh giữ đất trên những chỏm núi cao với những hang đá chi chít đường mòn, chạy lên, chạy xuống, cùng lắm là xuống ấp diệt ác, phá kèm. Nhưng lần này không có già Phới, không có đám đàn bà con nít, không có Kon-Lơ, hẳn chúng tôi được rảnh rang phần nào. Tôi vẫn không quên tự nghe ngóng xem bên trong cơ thể mình có gì chuyển biến khác thường. May mà chỉ thấy mệt mỏi bã bời chứ không có biểu hiện gì rắc rối. Đêm đêm nằm trên võng tôi tuyền nghĩ tới cơm không. Còn nghĩ tới cơm không tức là cơ thể tôi còn khá và đêm đêm, tôi lén lấy trộm gạo trong cái bao cát của mình, nhai sống. Tôi nhai mỗi lần một nắm, rồi hai nắm. Vị ngọt và mùi thơm của gạo tôi không tài nào tả được. Tôi nhận thấy tác dụng của thứ lương thực kỳ diệu mà cha ông ta đã tìm ra, quả tình không thứ gì có thể thay thế nổi. Chính vì món gạo nhai sống, có kèm theo vài hạt muối đã giúp tôi tỉnh người. Tôi cảm thấy sức tôi khỏe lên, hơn hẳn mấy ngày đầu.
Những con dốc dài không làm tôi ù tai, vã thứ mồ hôi lạnh làm run gối, run cả hệ thần kinh. Đầu óc tôi có phần nhẹ nhõm, bớt căng thẳng. Tôi cố nén thèm, tự nhắc mình không thể cứ ăn vụng mãi. Tôi nhớ hồi hành quân trên Trường Sơn, thằng Chuyên ở Trung đội tôi ăn vụng lương khô, bị phát giác. Chính trị viên đại đội Nhuận đã tập hợp đơn vị nói nhẹ nhàng rằng, ăn như thế là ăn mồ hôi, xương máu của đồng đội, của nhân dân. Tuy vậy, vì sắp vào tới chiến trường nên đơn vị chỉ nhắc nhở, miễn cho kỷ luật. ở tiểu đội tôi nói chung, chúng tôi đã chén sạch, nhưng giữ được cho nhau vì chính tiểu đội trưởng Lâng là người đề xướng. Kể cái anh Lâng cũng là một tiểu đội trưởng liều. Cái việc thằng Khôi đánh rơi mất súng giữa sông gì, khi chúng tôi phải lội qua vào ban đêm mà anh còn ỉm đi được cho nó. Anh bảo đã vào tới đây rồi thì phải thương nhau, đời thằng lính nay sống, mai chết, biết đâu mà lần. Giá anh Yơng mà được như anh Lâng nhỉ. Tôi tin rằng nếu là anh Lâng nhất định chúng tôi được ăn cơm không. Nhưng anh Yơng vẫn cặm cụi bước. Tôi không thể cùng một lúc tả được cảnh bom pháo liên miên, cảnh ăn uống kiên quyết khem khổ và cả những gương mặt hốc hác của bốn anh em lúc nào cũng có vẻ sốt ruột, chờ cái gì đó, trong suốt mấy ngày nay đã tới rừng non. Vâng, rừng non mới trống trải và lạnh lưng làm sao! Chúng tôi tới một cái gò có những căn hầm cũ nát của một đơn vị nào đó đã chuyển đi, có lẽ khá lâu rồi. Anh Yơng bảo chúng tôi dọn hầm và chốt ở đây. Bữa cơm đầu tiên anh Yơng cho phép mỗi người nấu nửa lon gạo cùng với số sắn khô còn lại. May mà lúc dọn sửa hầm, tôi và Bin bắt được một mớ chôm chôm. Đó là loài dế thì đúng hơn, vì thân nó rất giống thân dế trũi, nhưng chân lại dài và ngòng ngoèo như chân nhện. Tôi vặt chân, vặt những cái cánh cụt của loài côn trùng đáng yêu ấy cho vào cái ca US, rang lên. Thế là chúng tôi chén ngon lành. Rồi ngủ. Tôi thấy anh Yơng, anh Miết và Bin hội ý rất lâu. Cái lối hội ý không đếm xỉa gì tới tôi ấy, không còn gây khó chịu cho tôi nữa. Tôi đồ rằng phía trước là đây rồi, vì thỉnh thoảng nghe tiếng súng bộ binh bắn rát rạt, rất gần. Những đợt pháo bầy nã vào cánh rừng phía sau lưng chúng tôi, ngoài tiếng nổ đinh tai, còn nhìn rõ những chớp lửa nhóa lên liên tiếp, cứ nối dài ra thành một vệt rồi lại cụm về một điểm như thể xem phim đánh nhau của Liên Xô. Đêm xuống, đèn dù liên tục vọt sáng. Ánh sáng quay theo nhịp lắc của gió. Không lúc nào ngớt tiếng máy bay. Chưa bao giờ tôi nhìn thấy một đàn máy bay trực thăng, có tới hàng trăm chiếc bay một lúc dữ dằn đến như thế. Rồi chúng quây nhau bắn. Lúc tắc bùm, khi chíu xoẹt, thỉnh thoảng giật cục lên loại súng gì đó có đạn nổ hai lần. Tôi ngủ trong mớ âm thanh hỗn độn ấy cho tới lúc Bin vỗ vỗ vào võng, gọi nhỏ nhưng rất hối hả:
- Anh Bìn! Dậy! Dậy nào!
Tôi choàng tỉnh trong khi Bin lại ấn tôi ngồi xuống. Cậu cùng ngồi chung võng với tôi. Tôi cảm thấy có điều gì rất hệ trọng. Bin rờ nắm tay tôi, nói nhỏ, giọng cảm động lộ ra vì tôi thấy cậu hơi run. Tôi cũng run lây.
- Anh Yơng nó biểu anh có tốt tư tưởng nhiều nên đồng ý đem trả anh về cho Chín Lăm. Nhưng Chín Lăm nó chuyển đi rồi. Bây giờ lũ em ưng anh ở lại, nhưng anh Yơng nó không ưng…
Cậu nghẹn lại một lúc, chừng như để tìm từ, cũng có thể vì thương tôi mà Bin không nói. Tôi ôm ghì lấy Bin, nước mắt không kìm lại được. Tôi không muốn Bin nói thêm lời nào nữa. Nhưng rồi Bin vẫn gỡ tay tôi ra:
- Bây giờ anh theo em lên gặp giao liên huyện đội, nó dẫn anh đi.
Bin nói và đứng dậy. Tôi bàng hoàng vì cái tin quá đột ngột ấy. Hình như tôi đã ôm Bin lần nữa, mãi sau mới cuốn võng lên khỏi hầm. Tôi thấy anh Yơng, anh Miết đang đứng chờ sẵn cùng người lạ mặt. Anh Miết tới bắt tay tôi. Tôi ôm anh và nói nhỏ:
“Cho em chào chị Báắt và cô BDên”. Anh Miết không nói, xiết chặt tôi hơn rồi thả ra. Dù sao tôi cũng phải tới chia tay anh Yơng, mặc dù anh ta vẫn đứng nguyên một chỗ. Khi tôi tới trước mặt anh, bỗng anh quàng một tay qua vai tôi. Mãi tới lúc ấy tôi mới nhận ra, anh Yơng chỉ còn một tay là hoạt động được, còn cánh tay kia đã liệt từ hồi nào!
VĨ THANH
Nhiều năm trôi qua, sau những biến động nặng nề mà cuộc chiến cứ liên tiếp dành cho tôi, tôi vẫn không sao đủ bình tĩnh mỗi lần nhớ lại cái đêm chia tay ấy, để rồi phải theo cái bóng lầm lì, đi như thụi trong những con đường mòn rách nát vì bom pháo và cây đổ, và ụ mối, và hầm hố, và chiến hào sạt lở, và trên hết vẫn là những dây tiếng nổ, có lúc đạn lửa vọt lên vẽ những đường vòng cung đan chéo nhau, có lúc cối pháo địch nã thành vệt dài đinh tai phía trước mặt. Cái bóng nằm sấp dưới một rãnh gai xấu hổ nào đó và tôi cũng làm theo. Đến khi cái bóng vọt lên, chạy. Tôi cũng gài dây khố toòng teng phía sau lại, chạy. Chúng tôi chạy trên con đường mòn nóng rẫy đầy khói và những hố đạn pháo. Trời ạ, tất cả những cái hố đạn pháo chúng vừa bắn đều trúng tim con đường. Tôi có cảm giác cái bóng to cao kia đã quen thuộc với cảnh này, với địa hình này không kém gì Bin.
Anh ta nhảy bổ nhào, đi, chạy và lắng nghe phán đoán, và lại nhảy, lại đi, như thể đi trong vườn nhà mình. Tại sao anh ta không hỏi tôi lấy một câu? Và tại sao tôi lại cứ cun cút chạy theo anh ta một cách thụ động? ấy là câu hỏi mãi về sau này tôi mới đặt ra và chính vì nó mà tôi chẳng lúc nào nguôi nhớ về quá khứ. Lẽ ra tôi phải có một phản ứng nào đó đối với quyết định quá phũ phàng của anh Yơng thì sự việc hẳn sẽ phải diễn ra vừa đơn giản vừa đỡ nhọc nhằn, không chỉ riêng đối với tôi, mà cả đối với những người du kích. Hành trang trước khi đi B của tôi không hề được chuẩn bị những tình huống tương tự như các tình huống mà anh Yơng đã bày ra. Tôi cố bươn bả chạy theo cái bóng lúc nào cũng sẵn sàng bỏ rơi tôi ấy, cho tới lúc trời hưng hửng sáng thì rốt cục, chúng tôi cũng đến một cửa rừng. Tôi không thể nhận ra địa hình, không thể nhận ra bất cứ dấu vết quen thuộc nào. Người dẫn đường dẫn tôi đi sâu vào một khe núi thì dừng lại, nói với tôi một câu rất dài bằng tiếng Bah Nar. Tôi không hiểu.
- Mình không biết tiếng Bah Nar. - Tôi nói.
- Anh tên gì?
- Inh-mắt-Khiar. - Tôi nhắc lại:
- Khiar. - Anh ta cười và tháo bồng, ngồi xuống một thân cây đổ. Tôi cũng làm theo.
- Huyện đội có xa đây không anh Khiar? Tôi làm thân. Đến lượt anh ta không hiểu. Gương mặt anh ta có vẻ hiền từ ngờ nghệch, nhưng những bắp thịt trên ngực, trên cánh tay thì cứ cuồn cuộn. Cái dây khố của anh ta quá bé so với bề rộng của mông khiến nó không đủ khả năng che hết những gì cần che, trong khi dây khố của tôi lại quá rộng và tôi đã bày tỏ tình cảm của mình bằng cách ra hiệu bảo anh ta, nếu thích thì tôi sẵn sàng đổi. Anh ta gãi gáy sồn sột rồi lắc đầu cười hềnh hệch. Rõ ràng là anh ta không những không biết tiếng Kinh mà còn tỏ ra chưa tiếp xúc nhiều với bộ đội. Anh ta săm soi, vuốt ve khẩu AK của tôi vẻ thèm thuồng. Tôi lại ra hiệu sẵn sàng đổi súng, nhưng anh ta lại lắc đầu. Tôi được anh Yơng phát cho khẩu AK như là một phần thưởng, trong khi những người du kích toàn dùng súng AR15 hoặc CKC.
- Đói. Bồ-ngót. Đói! - Tôi nói cả tiếng Kinh và tiếng Bah Nar.
Anh ta hiểu rất nhanh và cũng rất nhanh mở bồng, lấy ra một ống cóng đen nhẻm ngô bung. Đổ qua, sớt lại mãi rồi chúng tôi cũng chia được ra làm hai phần. Bao gạo của tôi có tới năm ký, ngoài số tôi đã ăn vụng, bây giờ thực sự quý. Khiar vỗ vỗ tay lên bao cát gạo nói gì đó. Tôi ra hiệu nấu cơm thì anh ta lại cũng lắc đầu, cười cười, chỉ lên núi cao. Máy bay địch bắt đầu hoạt động.
Nhưng chúng tôi chỉ có hai người nên dù chúng có quần đảo hoặc oanh tạc cũng chẳng có gì đáng sợ. Tôi đã phần nào quen với sự quấy nhiễu của chúng, kể cả tiếng đề-pa nổ đinh tai của pháo 105 li. Cuộc hành quân nhẩn nha đến mức trễ nải, thực ra chẳng vui vẻ gì với tâm trạng của tôi. Gặp bất cứ con gì trên đường, Khiar đều xua xua tay ra hiệu tôi dừng lại để anh ta bắn. Tôi chưa thấy ai bắn dở như Khiar. Suốt ba ngày đầu tốn hàng chục viên đạn mà Khiar không bắn trúng một con nào, kể cả có lần gặp con mang chỉ cách chúng tôi cỡ chừng mười mét. Đến ngày thứ tư thì chúng tôi đi cắt rừng và tôi quyết định, nếu gặp con gì, tôi sẽ chủ động bắn trước. Nhưng không hiểu sao, chẳng có con thú nào chịu tới nộp mạng. Duá nhất có một lần vào lúc nghỉ trưa, tôi chợt thấy trên đầu ào một cái. Nhìn lên tôi hoảng hồn nhận ra một con trăn gió. Tôi không đủ bình tĩnh giương súng bắn thì Khiar đã lia hết cả băng đạn. Con vật biến mất. Tôi không muốn kể thêm về những gì diễn ra trong suốt mấy ngày, mấy đêm liên tiếp vì thực ra nó vừa nhạt nhẽo vừa uể oải. Tôi không còn nôn nóng muốn nhanh về tới huyện đội, không mong muốn gì nữa. Trong lòng tôi nghĩ nhiều tới Bin. Tôi cứ trách mình sao lúc chia tay, không nói thêm được với Bin một lời nào. Kể cả anh Miết và anh Yơng. Biết đến bao giờ tôi được gặp lại họ? Liệu có lúc nào họ nhớ tới tôi với một tình cảm ưu ái và luyến tiếc? Bin thì có, chắc chắn thế. Tôi tin sau này nếu được học hành, nhất định cậu sẽ trở thành một người đáng kể. Cậu là một mẫu người lý tưởng mà cuộc chiến đấu của chúng ta đã tôi luyện nên. Nhưng còn anh Miết và anh Yơng, nhất là anh Yơng. Chẳng lẽ bấy nhiêu thời gian, bấy nhiêu công việc mà tôi đã làm, đã thể hiện, không để lại trong lòng anh ta một chút tình cảm nào? Anh ta còn muốn gì ở tôi nữa? Với nước da mai mái và vẻ mặt lạnh lùng của anh ta, thật khó có thể tin được suốt đời Bin lại cứ phải phục tùng. Cái chết bi thảm của thằng Kon-Lơ lại trở về ám ảnh tôi. Hắn không đáng phải chết một cái chết khủng khiếp đến như vậy. Có phải chính vì cái chết của hắn đã khiến anh ta nghĩ tới chuyện đẩy tôi ra khỏi trách nhiệm của mình cho rảnh nợ? Tất cả những ý nghĩ ấy cứ mỗi lúc một dâng đầy lên, ứ nghẹn trong lòng tôi, đến nỗi, đã có lúc tôi tự trách mình vì sao không xả một băng đạn trước lúc chia tay để cảnh cáo anh ta. Thế là hết! Thế là chẳng bao giờ hy vọng được gặp lại, hoặc nếu có gặp thì cũng phải chờ đến khi cuộc chiến kết thúc. Cuộc chiến kết thúc, nhất định tôi sẽ tìm về với Bin, với cái làng Đê-Chơ-Rang bé nhỏ và bí hiểm ấy. Tôi sẽ nhìn thẳng vào mắt anh Yơng, thậm chí, tôi sẽ nhổ vào mặt anh ta, nếu thấy anh ta vẫn còn nhìn nhận tôi như cũ. Cái quyền muốn giữ tôi lúc nào, rồi lại thải tôi lúc nào tùy ý của anh ta đã qua rồi... Những ý nghĩ giận hờn của tôi cứ trồi lên trụt xuống theo nhịp bước trầm trầy, trầm trật của cái anh chàng nửa du kích, nửa giao liên mãi rồi cũng tới hồi kết thúc. Chúng tôi đi qua một cây cầu treo với những sợi dây song thưa, mỗi bước chân là một cú đung đưa, chỉ cần sơ sẩy một li là đi một dặm ngay. Tôi đã có kinh nghiệm đi loại cầu này hồi vượt Trường Sơn. Tiếng đại đội trưởng Hồi nhắc chúng tôi trước khi qua: “Các đồng chí đừng sợ. Không nhìn xuống. Tốt nhất là nhìn ngang bình thường hoặc nhìn lên trời. Chân cứ mạnh dạn bước. Tay và chân phối hợp nhịp nhàng...”. Và tôi đã qua cầu cùng Khiar với những ý nghĩ nhớ về đại đội. Trời chập choạng tối mà Khiar vẫn cố đi.
Nếu như mọi hôm chắc tôi đã đòi nghỉ. Nhưng hôm nay tôi không cảm thấy mệt. Cũng không cảm thấy hào hứng ngoài việc đi trên cây cầu lắt lẻo gợi tôi nhớ về đơn vị cũ. Tôi nhớ tới anh Lâng, thằng Hiễn, thằng Ton, thằng Khang. Nhớ thủ trưởng Hồi, thủ trưởng Nhuận. Chẳng biết giờ này họ thế nào. Tôi bước bập bõm theo Khiar vào một lối mòn chênh vênh, rồi tụt xuống tút lút một khe sâu, nghe lầm rầm đâu đó có tiếng người. Có lẽ huyện đội hay một đơn vị nào đó, một bản làng nào đó và không hiểu sao tự dưng tôi cảm thấy bình tĩnh lạ thường. Không phải huyện đội. Cũng không phải một đơn vị hay bản làng nào hết. Tôi ngơ ngác nhận ra cái khe suối này, cái vòi nước này, chính là cái vòi nước mà tôi đã gột võng cho thằng Kon-Lơ! Và phía trong kia, ngôi nhà cũ kỹ với cây cột nhẵn bóng đã làm tôi ngã bật ngửa sau khi thấy thằng Kon-Lơ ngoẹo cổ ra khỏi mép võng. Sự thực là thế đó! Tôi bỗng giận run người khi thấy anh Miết, anh Yơng vừa nhún nhẩy múa hát vừa nắm tay tôi và Khiar tới bên ghè rượu. Bin của tôi đã say mèm nằm dưới chân mấy cô gái cũng say mèm. Họ không biểu hiện một chút xíu ngạc nhiên hay ái ngại nào. Tôi dựng Bin dậy, muốn trút hết nỗi giận hờn vào Bin. Nhưng người cậu đã mềm nhũn.
- Mày khinh dân tộc tui à? Mày không ưng ở với lũ tui nữa à?
Anh Yơng nắm dây khố sau lưng tôi, giật mạnh, nói. Tôi gào vào mặt anh ta:
- Tôi không khinh! Có anh khinh tôi thì có! Bằng một cánh tay rắn như thép, anh Yơng quàng cổ tôi kéo mạnh vào ngực mình. Tôi ngã xuống lòng anh trong khi anh Miết ấn đầy miệng tôi một miếng thịt rừng nóng. Rồi sau đó là cần rượu...
1990-1999
HẾT